“Không mất lý trí có còn gọi là tình yêu nữa không?”…
Đó là câu hỏi trăn trở xuyên suốt "Ngắm hoa nở trong sương", cuốn bán tự truyện của Ngải Mễ, tác giả của rất nhiều tác phẩm bán chạy tại Trung Quốc. Vậy tình yêu và lý trí liệu có song hành?
“Ngắm hoa nở trong sương” là câu chuyện kể về tình yêu của Ngải Mễ và Allan - Người con trai duy nhất Ngải Mễ từng yêu.
Ngải Mễ gặp Allan khi cả hai vừa bước chân vào giảng đường đại học. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cô đã dành trọn trái tim cho anh. Trong khi Allan là Hotboy trong trường, được vô vàn cô gái theo đuổi thì Ngải Mễ lại là một cô gái rất đỗi bình thường. Do lo sợ trái tim Allan sẽ thuộc về người khác nên vào một ngày, Ngải Mễ đã chủ động tỏ tình với Allan. Allan đáp lại tình yêu của Ngải Mễ nhưng luôn giữ khoảng cách và dè chừng trước tình cảm này. Ngải Mễ và Allan đã gặp được nhau, đến với nhau trong tình yêu nhưng trong tình yêu đó vẫn còn những vết gợn. Liệu Allan có yêu Ngải Mễ thật lòng? Và tình yêu của Ngải Mễ dành cho Allan có còn lý trí?
----------------
Cô hỏi: “Trong cuộc đời anh, rốt cuộc anh đã yêu người nào thật lòng hay chưa?”
Allan sửng sốt nhìn cô. “Em nghĩ... anh chưa yêu em thật lòng ư?”
“Nếu em nghĩ như thế thì anh có vui không?”
“Em không vui thì làm sao anh vui được?”
“Thế anh đã từng yêu ai? Yêu một cách thật sự, bất chấp và ngông cuồng, thậm chí là mất hết lý trí, không gặp cô ấy sẽ không sống nổi, không có được cô ấy thì chỉ muốn giết người. Anh đã bao giờ yêu như thế chưa?”
“Tình yêu không nhất thiết phải mất đi lý trí.”
“Không mất lý trí có còn gọi là tình yêu nữa không?”...
"Ngắm hoa nở trong sương" cũng có một điểm chung nho nhỏ với "All in love" của Cố Tây Tước. Đó là cả 2 tác phẩm này đều được viết nên từ câu chuyện của chính tác giả. Ngải Mễ - tác giả của cuốn sách, cũng chính là nữ nhân vật chính của tác phẩm này.
-----------------
Tác giả
Ngải Mễ là tác giả của rất nhiều tiểu thuyết bán chạy ở Trung Quốc. Hiện cô đang sống tại Mỹ. Các tác phẩm của cô được độc giả trẻ Việt Nam rất yêu thích.
Các tác phẩm tiêu biểu đã xuất bản tại Việt Nam:
- Cùng anh ngắm hoa sơn tra
- Dịu dàng đến vô cùng
- Trúc mã thanh mai
- Mơ về phía anh…
- Cô gái tháng Sáu
Lời tựa
Mặc dù viết chuyện của mình nhưng tôi không muốn dùng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất, vì tôi cũng như anh ấy, viết về những chuyện của mình cảm thấy rất vô vị, thà như đang viết chuyện của người khác, có thể đứng ở một cự ly nhất định để nhìn nhận về mình, có thể mỉa mai, châm chọc, phân tích, phê phán, cũng có thể bỏ đi một số đoạn miêu tả về tâm lý.
Đắn đo hồi lâu không chịu cầm bút là do chưa nghĩ ra tên tác phẩm. Đêm qua tôi nằm mơ thấy cuối cùng mình lựa chọn tên tác phẩm là Ngắm hoa nở trong sương. Tôi rất ít khi nằm mơ về những thứ kỳ ảo, huyễn hoặc, rất ít khi gặp ác mộng, cũng rất ít nằm mơ về những chuyện xa vời thiếu thực tế như làm vợ hoàng tử, phát tài phát lộc, mà chỉ nằm mơ về những cái đời thường nhất, rất gần gũi với cuộc sống.
Chương 1
Trong chuyến bay từ Trung Quốc sang Mỹ, Ngải Mễ thực sự không biết viết gì, một là không có bộ phim nào khiến cô tức cảnh sinh tình, hai là trên đường đi, cô buồn ngủ díp mắt, gần như không còn đủ tỉnh táo để ôn lại chuyện cũ, ít nhất là không tỉnh táo đến mức có thể nhớ lại và viết ra được mấy chục, mấy trăm nghìn chữ. Có lẽ do mấy ngày trước, cô phấn chấn quá nên ngủ không ngon, do đó lên máy bay là bắt đầu ngủ gật.
Kể cả những lúc không ngủ thì đầu óc cô cũng chẳng nảy ra được ý tưởng gì, thế nên đối với cô, chuyến bay quốc tế đường dài này tựa như con rồng Trung Quốc, “ngủ yên hàng trăm năm”, đến thành phố Detroit thuộc tiểu bang Michigan mới “bừng tỉnh”.
Người ra đón cô đương nhiên không phải là Jason, nếu là Jason thì câu chuyện đã không được viết thế này. Hơn nữa, đối với một người năm, sáu năm trước mới chân ướt chân ráo từ Trung Quốc sang Mỹ như Ngải Mễ, cái tên Jason không có ý nghĩa đặc biệt gì, vì chàng trai mà cô quen, tên tiếng Anh không phải là Jason mà là Allan, dĩ nhiên tên tiếng Trung không phải là Giang Thành, mà là Thành Cương. Jason và Giang Thành đều là tên anh dùng sau này, có thể là do muốn né tránh người quen, hoặc là muốn thể hiện quyết tâm đã cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, thay đổi hoàn toàn, làm lại từ đầu.
Bất luận là nguyên nhân nào, Ngải Mễ đều cho rằng đáng phải tét mông.
Hồi mới sang Mỹ, Ngải Mễ còn chưa biết Allan đang học ở trường Đại học C mà cô chuẩn bị đến. Lâu lắm rồi cô không có tin tức gì của anh và cũng lâu lắm rồi cô không bỏ công tìm hiểu thông tin về anh. Tục ngữ nói: “Không có điều gì bi ai hơn trái tim đã chết”, Ngải Mễ không muốn để trái tim mình chết đi nên đã tự an ủi mình rằng: “Coi như anh ấy đã chết.”
Nhưng cô cũng chỉ “coi như” được một lúc, cô biết chắc chắn là anh chưa chết mà đang sống ở một vùng đất nào đó tại Trung Quốc. Anh có khả năng đặt chân đến mọi tỉnh thành, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, chỉ duy có ra nước ngoài là không thể, vì anh học văn học so sánh, và ở Trung Quốc, rất nhiều người làm nghiên cứu văn học so sánh đều rơi vào khoa Văn, mà người ở khoa Văn thì làm sao ra nước ngoài được? Dĩ nhiên là cũng có, nhưng thường phải đổi ngành, nếu không, vượt ngàn dặm xa xôi sang Mỹ học tiếng Trung hoặc văn học Trung Quốc thì quả là chuyện rất khôi hài.
Khi làm nghiên cứu sinh với thầy hướng dẫn là bố Ngải Mễ, đề tài mà Allan làm là nghiên cứu thi học, nhưng bạn đừng nghĩ anh ấy là một nhà thơ, như lời anh ấy nói thì anh ấy không những không phải “nhà thơ”, mà ngay cả người viết tản văn cũng không phải, cùng lắm thì cũng chỉ được coi là “nhà tạp văn”.
Thi học (Poetics) thực ra có nghĩa là lý luận văn học, hay nói cách khác, Allan làm nghiên cứu so sánh về lý luận văn học của Trung Quốc và phương Tây. Anh ấy nói, khoảng cách giữa anh với nhà văn và tác phẩm có thể dùng cụm từ “bắn đại bác bảy ngày chưa tới” để so sánh, vì những người làm phê bình văn học đều thích chỉ trích, phê bình những tác phẩm văn học mà người khác phải mất bao tâm huyết mới viết ra được, còn người làm nghiên cứu so sánh lý luận văn học lại chỉ tay năm ngón đối với những bài phê bình văn học mà các nhà phê bình hao công tốn sức viết ra. Vậy ai sẽ là người vạch lá tìm sâu với những người làm nghiên cứu so sánh lý luận văn học đây?
Ngải Mễ nói: “Dĩ nhiên là người yêu hoặc vợ họ thôi, thế nên mới nói các cô này chính là thẩm phán cuối cùng của các tác phẩm văn học.”
Không thích chỉ tay năm ngón với người khác là nguyên nhân khiến Allan phải từ bỏ con đường nghiên cứu văn chương để theo ngạch kinh doanh. Câu nói mà anh tâm đắc là: Bản thân mình không viết ra được những tác phẩm văn học hay thì thôi, lại còn già mồm chỉ trích, phê phán tâm huyết, công lao của người khác ư? Như thế cũng hơi quá đáng thật! Còn những người đi theo ngành nghiên cứu so sánh lý luận văn học thì chỉ tay năm ngón trước những bài viết chỉ tay năm ngón của người khác, như thế lại càng quá đáng hơn.
Những lúc bên nhau, Allan thường hỏi Ngải Mễ rằng, nếu thế gian này không có phê bình văn học thì văn hóa Trung Quốc sẽ không tồn tại ư? Nếu không có ai đánh giá, bình luận về bộ Hồng lâu mộng thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Ngải Mễ không trả lời được những câu hỏi kiểu này, nhưng hồi ấy Ngải Mễ trẻ trung, hiếu thắng, không bao giờ chịu thừa nhận thế gian này lại có câu hỏi mình không trả lời được, thế nên lúc nào cũng đáp rất hùng hổ: “Nếu không có ai bình luận, đánh giá về Hồng lâu mộng thì các nhà “Hồng học” mưu sinh kiểu gì? Nếu không có phê bình văn học thì bố em dựa vào nguồn nào để kiếm tiền nuôi gia đình?”
Allan liền cười, nói: “Ghi lại câu này nhé, sau này khi biên soạn cuốn Danh ngôn Ngải Mễ nhớ đưa vào đấy.”
Thế nên Ngải Mễ cho rằng Allan là công dân yêu nước hạng nhất, dù có đánh chết cũng không ra nước ngoài. Sau khi bố mẹ Allan di cư sang Canada, họ đã nhiều lần khuyên anh sang đó, làm visa thăm thân hay visa công tác đều được, tóm lại là chỉ cần ở gần bố mẹ là được. Nhưng Allan không đồng ý, anh nói: “Một người học tiếng Anh, học Văn như con, sang đó thì làm được gì? Sang dạy người Canada nói tiếng mẹ đẻ của họ hả? Hay là dạy họ văn học Trung Quốc?”
Tinh thần yêu nước này là đáng biểu dương, thời điểm ấy, Ngải Mễ cũng rất ủng hộ, vì cô không muốn anh sang Canada, sợ anh mà đi thì cô không bao giờ gặp lại anh nữa, thế nên lần nào cô cũng nhiệt tình tán thành suy nghĩ này của anh, đọc được câu chuyện nào viết về người Trung Quốc di cư sang Canada nhưng cuộc sống chẳng ra gì là lại mang ra, thêm mắm dặm muối kể cho anh nghe. Đầu tiên anh còn chăm chú nghe, nhiều lần như vậy, anh liền trêu cô: “Ngải Mễ, em không cần phải làm công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước với anh đâu, anh sẽ không bao giờ đặt chân sang đó. Chỉ sợ một ngày nào đó em lại thay đổi ý định và chạy ra nước ngoài thôi.”
Lời nói đùa lại biến thành lời sấm truyền, bây giờ đúng là cô xuất ngoại thật.
Ngải Mễ nghĩ, hoàn cảnh của cô khác Allan, cô học văn học Anh Mỹ, cô không ra nước ngoài thì còn ai ra? Lấy bằng tiến sĩ văn học Anh Mỹ trong nước, có ai coi ra cái gì đâu?
Nếu đã học văn học, ngôn ngữ của người ta thì phải sang đại bản doanh của người ta học. Từ lâu Ngải Mễ đã hạ quyết tâm sang Mỹ học tiến sĩ nhưng cũng như mọi quyết tâm khác của cô, lúc nghĩ thì rất hào hứng, quyết tâm cao độ, đợi đến khi phải bắt tay vào công việc thì lại sợ khổ, sợ chết, sợ mệt, sợ thua, sợ thế này, sợ thế kia, vậy là hồi lâu vẫn án binh bất động. Sau đó, một cơ hội tình cờ đã khiến cô thực hiện được quyết tâm sang Mỹ này.
Chương 2
Việc Ngải Mễ xuất ngoại có liên quan đến Viện Harvard Yenching của Đại học Harvard. Ngải Mễ có thiện cảm đặc biệt với trường Đại học Harvard, mối thiện cảm này nặng đến mức chỉ cần có chữ “Ha” là cô đã ngất ngây rồi, tỉ dụ như Harbin (Cáp Nhĩ Tân), Ha-sa-ke (Kazakhstan) gì gì đó đều có thể khiến cô quan tâm. Nghe nói Allan có mang một phần n dòng máu Kazakhstan, đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến Ngải Mễ yêu anh.
Tuy nhiên Ngải Mễ là một quân tử điển hình, vì quân tử là người “miệng nói mà không làm”. Nếu đã có thiện cảm với Harvard như vậy thì phải nỗ lực chứ, người ta vẫn nói rằng: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” còn gì?
Ngải Mễ vốn là người “có lòng bền”, hay nói cách khác là cô chỉ có lòng mà không có hành động. Cô có quyết tâm đi học Harvard nhưng lại không muốn bỏ công sức ra phấn đấu. Cô đổ lỗi chuyện không thành công của mình cho câu nói “chỉ sợ lòng không bền”. Nếu cổ nhân không nói như thế, mà nói “chỉ sợ người không làm” thì chắc chắn cô sẽ bắt tay vào hành động. Bây giờ cổ nhân đã nói “chỉ sợ lòng không bền” thì cô chỉ có lòng, không hành động cũng không thể trách cô. Cổ nhân cũng đã nói: “Không nghe lời cổ nhân sẽ thiệt thòi suốt đời” rồi mà.
Thế nên Ngải Mễ có hai cụm từ nói hàng trăm lần mà không biết chán, một cụm từ là “chỉ nói vậy thôi”, cụm từ kia là “sau này tính sau”. Bố cô hỏi: “Lâu nay con vẫn bảo là muốn sang Harvard học, sao không thấy con bắt tay vào chuẩn bị gì cả?”
Ngải Mễ liền đáp: “Sang Harvard học ạ? Con chỉ nói vậy thôi mà.”
Nếu bố cô hỏi tiếp câu nữa: “Không sang Harvard thì các trường khác cũng được mà.”
Cô sẽ uể oải đáp: “Sau này tính sau.”
Bạn có thể dùng thử hai cụm từ này, chỉ cần bạn nói thật lòng, nói tỉnh bơ như không, đảm bảo có thể đối phó với mọi câu hỏi. Trong các tác phẩm của mình, Ngải Mễ ít khi dùng cụm từ “chỉ nói vậy thôi”, chắc là do trong forum đã từng có người chỉ trích, cô sợ dùng cụm từ này, mọi người sẽ hiểu lầm là “chẳng có gì ghê gớm, chỉ là thề thốt vậy thôi”.
Sở dĩ Ngải Mễ được xuất ngoại, chủ yếu là do đột nhiên khoa có một cơ hội sang Viện Harvard Yenching học tập. Nói là kinh phí nằm trong Điều ước bồi thường Canh Tý[1], mang ra để hỗ trợ tài chính cho các học giả trong nước. Ngải Mễ không biết Điều ước bồi thường Canh Tý, Cơm Tý là gì, điều khiến cô có hứng thú nhất là hai chữ “Harvard”, bởi đây là mối thiện cảm đặc biệt của cô.
[1] Năm Canh Tý (1900), Nghĩa Hòa Đoàn chiếm Bắc Kinh và một số thành phố. Triều đình nhà Thanh của Từ Hy Thái hậu chạy lên Tây An, bỏ ngỏ Bắc Kinh. Quân Nghĩa Hòa Đoàn mặc sức hãm hại giáo sĩ, kiều dân nước ngoài, cướp phá tài sản của họ và các sứ quán. Trước tình hình đó, lấy danh nghĩa bảo vệ kiều dân và sứ quán, quân đội tám nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Ý và đế quốc Áo – Hung liên kết tiến vào Bắc Kinh và các thành phố bị chiếm. Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn bị dập tắt. Tháng Chín năm 1901, triều đình nhà Thanh phải đàm phán với mười một nước phương Tây và ký Điều ước Tân Sửu gồm mười hai điều khoản; trong đó có điều khoản nhận bồi thường toàn bộ phí tổn và thiệt hại của các nước này do Nghĩa Hòa Đoàn gây ra (các nước tự khai phí tổn và thiệt hại). Khoản bồi thường đó gọi là Khoản bồi thường Canh Tý, quy định bằng 450 triệu lạng bạc, tức mỗi người Trung Quốc lúc đó phải trả một lạng bạc.
Lúc ấy Ngải Mễ đang dạy tiếng Anh tại trường Đại học R, sở dĩ cô vào trường này làm giảng viên tiếng Anh là do có liên quan đến Allan, mặc dù Allan không ở Đại học R.
Nhớ lại chuyện cũ, Ngải Mễ phát hiện ra cuộc sống của mình về cơ bản có thể chia thành hai giai đoạn là Pre-Allan (Tiền Allan) và Post-Allan (Hậu Allan).
Giai đoạn tiền Allan được tính từ thời điểm Allan rời thành phố J về Thâm Quyến công tác. Sáng hôm ấy, khi taxi đến chở Allan ra ga, Ngải Mễ lười nên ở lì trong phòng chứ không tiễn anh xuống dưới. Trước khi đi, anh sang phòng tạm biệt cô, dặn cô nhớ giữ gìn sức khỏe. Cô cũng đáp lại mấy câu tương tự, rồi anh đứng cạnh cửa phòng cô một lúc, sau đó mới xuống sân.
Cô đã không còn giận anh nữa nhưng cô không muốn chạy xuống sân, thể hiện vẻ lưu luyến của mình trước mặt mọi người. Thậm chí cô còn cảm thấy mình không còn lưu luyến gì nữa, cô đã đả thông tư tưởng cho mình, hay nói cách khác là đã được bố cô đả thông tư tưởng sau khi nghe những lời giáo huấn vàng ngọc, hoặc cũng có thể nói là đã bị những điều mê tín mà mẹ cô nói mê hoặc. Bất luận là nguyên nhân gì, tóm lại tư tưởng đã được “đả thông”. Đả thông rồi sẽ không đau đớn, đả thông rồi thì không còn cảm thấy đau khổ khi phải chia ly.
Bố cô nói: “Con không nên coi cậu ấy là con búp bê của con để mang theo bên mình, khi nào muốn chơi thì lôi ra chơi. Cậu ấy là một con người, một người đàn ông, một người đã trưởng thành, cậu ấy có công việc và sự nghiệp của riêng mình. Cậu ấy muốn về miền Nam làm thì tại sao con lại không cho cậu ấy đi?”
“Thế con làm con búp bê cho anh ấy không được ư?” Từ trước đến nay, Ngải Mễ chẳng bao giờ chịu nghe những lời bố cô răn dạy, cô biết cách tốt nhất để đối phó với những lời giáo huấn đó là giở tính ngang. “Con theo anh ấy về Thâm Quyến, để anh ấy mang theo con bên người, lúc nào muốn chơi là lôi ra chơi không được sao?”
Chắc là bố đã hiểu từ “chơi” với nghĩa khác nên nạt cô luôn: “Con gái con đứa, đừng có nói linh tinh!”
Nếu nói bố cô là một diễn giả luôn nói những lời nghiêm túc nhưng hiệu quả lại không cao thì mẹ cô lại có thể mê hoặc lòng người bằng những câu nói sặc mùi mê tín. Mẹ lúc nào cũng nói với vẻ rất thờ ơ, dường như không nhằm mục đích gì, như đang đề cập về một người nào đó không liên quan, cũng có thể đang nói về chính bản thân bà, nhưng những điều mẹ nói lại tựa như tiếng hát rì rào của sóng biển, xuyên qua màn đêm, nhẹ nhàng bay đến bên cô, mê hoặc cô lúc nào không hay.
Mẹ nói: “Đàn ông có một điểm chung là nghĩ “chim nắm trong tay không bằng chim bay trong rừng”. Nếu bám riết lấy anh ta thì anh ta chẳng coi mình ra gì, khi không bắt được, anh ta mới tìm mọi cách đuổi theo.”
Những điều mẹ nói thường là ám chỉ chung chung, không biết là để cho đúng trong mọi hoàn cảnh, địa điểm và thời điểm hay để thoái thác trách nhiệm, nhưng những thính giả nghiêm túc lại tưởng đang nói về họ, thế nên những chủ đề thế này phần lớn là bị bố cắt lời, bố sẽ tranh cãi với mẹ một hồi về vấn đề “rốt cuộc là em đang nói ai vậy”.
“Em đang ám chỉ ai thế? Nghe giọng em cứ như đang nói anh không biết trân trọng em vậy?” Bố hậm hực nói. “Hay là trước đây, em cũng áp dụng sách lược vờ tha để bắt đối với anh?”
Ngải Mễ liền cười thầm và không quan tâm đến chuyện bố mẹ ai thắng ai thua nữa. Cô biết sau đó, bố mẹ cô sẽ ôn lại chuyện cũ của họ, hùng hổ vạch trần xem ngày xưa rốt cuộc ai tán ai, sau đó nữa, đấu văn không giải quyết được vấn đề liền lên giường đấu võ. Nếu với tính cách mắm thối của cô ngày trước, chắc chắn cô sẽ phá cửa phòng họ ra và gào: “Phải đấu văn, không được đấu võ.” Nhưng hiện tại cô không còn thô lỗ như thế nữa, vì cô cũng được coi là người “từng trải”, biết người đang có hứng mà bị người khác phá bĩnh như thế, chắc chắn sẽ tụt hứng, không biết sẽ rủa kẻ gây sự bằng những ngôn từ khủng khiếp thế nào. Nghiêm trọng hơn là mắc thêm tật xấu nào đó chứ chẳng chơi.
Cô cảm thấy những điều mẹ nói cũng có lý, xem ra mình phải làm người mà Allan không bắt được, như thế anh ấy mới nghĩ đủ mọi cách để theo đuổi mình. Biết sớm thế này thì đáng lẽ hồi đầu không nên ngớ ngẩn tỏ tình với anh chàng. Có lẽ hiện tại anh chàng kiên quyết ra đi như vậy cũng là do có được quá dễ dàng.
Hối hận cũng đã muộn! Không biết từ bây giờ áp dụng chiến thuật vờ tha để bắt có còn kịp nữa không? Nhưng nghĩ như vậy, ít nhất trong lòng cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Anh tưởng là anh tự ra đi ư? Đừng có tưởng bở, là tôi đang vờ tha anh đó thôi.
Ngải Mễ trốn ở sau rèm cửa, nhìn Allan lên taxi, xe chuyển bánh rồi biến mất trong tích tắc.
Có một số sự kiện, ý nghĩa thực tế của nó thường không sâu sắc, lớn lao như ý nghĩa lịch sử. Khi xảy ra sự kiện, bạn không cảm nhận được điều gì, nhưng trong những tháng ngày dài dằng dặc sau đó, độ ảnh hưởng của sự kiện mới dần dần bộc lộ.
Đối với Ngải Mễ, sự ra đi của Allan là sự kiện như thế. Lúc nhìn anh đứng vẫy tay trước cửa sổ phòng ngủ của cô rồi lên taxi, cô không cảm nhận được nỗi đau khắc cốt ghi tâm, cảm giác như anh đang có chuyến công tác ngắn ngày, chỉ vài ngày thôi sẽ quay về. Tuy nhiên cảnh tượng ấy vẫn thường xuyên hiện lên trước mắt cô trong những năm tháng sau này, khiến cô ngày càng cảm nhận được sâu sắc hơn từ “vĩnh biệt” được bắt đầu sau khi cảnh tượng đó trôi qua rất lâu.
Sự khác biệt giữa hai thời kỳ tiền Allan và hậu Allan nằm ở chỗ tất cả mọi việc có liên quan đến Allan hay không. Trong giai đoạn hậu Allan dài dằng dặc của cô, mỗi lần đưa ra một quyết định nào đó, gần như quyết định đó đều liên quan đến Allan. Sau khi tốt nghiệp, cô vốn định về miền Nam tìm việc, vì Allan đã đi miền Nam, miền Nam có ý nghĩa đặc biệt đối với cô, nhưng bố mẹ cô nhất quyết không đồng ý.
Bố nói: “Con gái làm giảng viên trong trường đại học thì hơn. Về miền Nam làm gì? Xin vào công ty à? Làm bình hoa cho người ta thỏa sức vần vò à? Người học tiếng Anh như con chẳng lẽ được lên làm chủ tịch hội đồng quản trị ư? Cùng lắm là được làm nhân viên hành chính trong công ty, làm đến già cũng chẳng nên công trạng gì.”
Còn mẹ thì nói đông nói tây, từ các cô làm tiếp tân ở văn phòng đến các anh làm nhân viên PR: “Thực ra hồi đầu Allan chọn vào làm việc trong công ty, mẹ đã biết là chuyện của hai đứa không thể bền lâu được. Allan học tiếng Anh, học văn, công ty đó tuyển dụng cũng vì muốn sử dụng vốn ngoại ngữ của thằng bé. Nó không phải là người an phận thủ thường, chắc chắn không bao giờ cam tâm suốt đời chỉ làm trợ lý và phiên dịch cho người ta, chắc bây giờ nó cũng bỏ công ty đó vào trường đại học làm giảng viên rồi.”
Ngải Mễ liền sốt sắng hỏi: “Thế liệu anh ấy sẽ vào trường nào hả mẹ?”
“Ai mà biết được! Nhưng có thành phố nào nhiều trường đại học và còn tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng hơn thành phố J nữa chứ?”
Và thế là Ngải Mễ vào trường Đại học R thuộc thành phố J mà lòng tràn đầy hy vọng.
Chương 3
Ngải Mễ những tưởng rằng, vào làm giảng viên tiếng Anh ở trường Đại học R là một điều vô cùng lãng mạn. Bạn thử nghĩ mà xem, có thể cả ngày mang khuôn mặt u buồn như trong Một chuyến đi đầy xúc động[1], mang theo Kiêu hãnh và định kiến[2], cùng sinh viên thảo luận tiếng hú gọi trong Đồi gió hú[3], hoặc có thể đưa ra câu hỏi đầy ẩn ý về tác phẩm nổi tiếng Chuông nguyện hồn ai của Hemingway hoặc hỏi một cách đầy triết lý về câu nói nổi tiếng của William Shakespeare: “Tồn tại hay không tồn tại?”, hay chí ít cũng có thể phát biểu một vài cao kiến về bộ râu của Rhett Butler[4], trong giờ học mở bộ phim phiên bản tiếng Anh Khiêu vũ cùng bầy sói[5], sau đó lại dạy sinh viên hát bài Do re mi trong bộ phim Giai điệu hạnh phúc[6].
[1] Tên gốc của tác phẩm là A Sentimental Journey-Through France and Italy do nhà văn lỗi lạc người Anh thế kỷ 18 là Laurence Sterne (1713 – 1768) viết năm 1768.
[2] Là tác phẩm nổi tiếng nhất của nữ nhà văn người Anh, Jane Austen, được viết từ năm 1796 đến năm 1797 và xuất bản năm 1813.
[3] Là tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn người Anh Emily Brontë.
[4] Rhett Butler là nhân vật hư cấu trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió của tác giả Margaret Mitchell.
[5] Khiêu vũ cùng bầy sói là bộ phim về cao bồi miền Tây được phát hành năm 1990 dựa theo tiểu thuyết cùng tên, kể về câu chuyện của một viên trung úy trong quân đội Mĩ thời kỳ nội chiến. Bộ phim do đạo diễn kiêm diễn viên Kevin Costner sản xuất trong suốt năm năm với kinh phí chỉ 18 triệu đô la. Bộ phim có giá trị nghệ thuật cao và đoạt 7 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và giải Quả cầu vàng cho Phim chính kịch hay nhất.
[6] Giai điệu hạnh phúc (hay Tiếng tơ đồng) là bộ phim ca nhạc năm 1965 của đạo diễn Robert Wise, có sự tham gia của các diễn viên Julie Andrews và Christopher Plummer.
Dạy tiếng Anh chỉ vì ham sự lãng mạn này còn gì nữa? Nghèo thì nghèo thật nhưng lãng mạn vẫn nên có, hơn nữa những người yêu thích sự lãng mạn thường cũng rất nghèo mà.
Ngải Mễ không thể ngờ rằng, khoa tiếng Anh trong các trường đại học ở Trung Quốc hiện nay đã gạt bỏ những cái thuộc về phạm trù lãng mạn một cách triệt để. Có lẽ cũng không phải cố tình bỏ rơi sự lãng mạn đâu, chủ yếu là vì bỏ rơi “cái nghèo”, nhưng lại vô tình đánh mất luôn sự lãng mạn.
Vì thế có thể nói là sự nghiệp dạy học của Ngải Mễ với hai chữ “lãng mạn” thật sự là bắn đại bác bảy ngày chưa tới.
Ngoài dạy sinh viên khoa tiếng Anh, Ngải Mễ còn dạy các lớp linh tinh khác. Không biết khoa mở ra bao nhiêu lớp, có lớp phụ đạo cho đối tượng tự ôn thi, có lớp cấp tốc tiếng Anh thương mại, có lớp GRE tăng cường, lớp luyện nghe TOEFL, lớp bổ túc kiến thức cho cán bộ đi học nước ngoài, lớp rèn kỹ năng thi đại học, lớp tiếng Anh thiếu niên, lớp tiếng Anh thiếu nhi, lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho y tá, lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho thủy thủ…
Ở đây không liệt kê cụ thể nữa vì một số lớp có thể dính dáng đến vấn đề “bản quyền”. Nhiều lớp như vậy, nếu muốn đặt cho mỗi lớp một cái tên vừa gần gũi lại vừa mang ý nghĩa quảng cáo mà không có trí tưởng tượng phong phú sẽ không thể làm được. Còn người có trí tưởng tượng phong phú chắc chắn cũng sẽ nghĩ đến việc dùng bản quyền để bảo vệ trí tưởng tượng của mình, nếu không liệu có còn được gọi là có trí tưởng tượng phong phú không?
Tất cả giáo viên trong khoa đều bị phân công dạy các lớp này, bất luận anh có cần khoản tiền hỗ trợ mấy chục nhân dân tệ cho mỗi tiết học hay không, vì điều này liên quan đến vấn đề tăng thu nhập cho khoa.
Cụm từ “tăng thu nhập” được khoa của Ngải Mễ nhắc đến nhiều nhất khi họp hành, tuần nào cũng có hai cuộc họp định kỳ, từ đầu đến cuối chỉ thảo luận làm thế nào để có thể tăng thêm thu nhập. Câu cửa miệng và lời mào đầu của chủ nhiệm khoa là: “Các đồng chí thử nghĩ xem chúng ta còn có thể mở các lớp học theo mô hình nào để tăng thu nhập? Đây là chuyện lớn liên quan đến lợi ích thiết thực của mỗi giáo viên. Đồng thời cũng là chuyện đại sự liên quan đến sự sinh tồn của khoa tiếng Anh chúng ta. Nếu không tăng được thu nhập, khoa sẽ lấy gì để giữ chân mọi người? Mọi người sẽ lấy gì để giữ chân người thân trong gia đình mình?”
Ngải Mễ cảm thấy những điều vị chủ nhiệm khoa này nói rất có vấn đề, nhưng cô lại không thể vạch trần, nghe cứ như hiện nay mọi mối quan hệ giữa con người với con người và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đều phải dựa vào đồng tiền để duy trì, nếu anh không có tiền thì người thân sẽ bỏ anh mà đi vậy. Có đúng là như vậy không? Có đúng là dân tộc Trung Hoa đã đến thời khắc nguy hiểm đó rồi không? Hình như chưa đến nỗi thì phải.
Tuy nhiên Ngải Mễ cũng không có thù hằn gì với tiền bạc, cô cũng biết lợi ích của đồng tiền, cô còn biết đồng lương ít ỏi trên bảng lương kia chẳng đáng là bao, ai thèm quan tâm đến số tiền đó chứ. Chẳng phải tất cả đều dựa vào “thu nhập thêm” đó sao?
Từ trước tới nay, mỗi lần ngồi họp với khoa, Ngải Mễ đều như người say sóng, chỉ biết vấn đề mà lãnh đạo khoa phát biểu toàn là “tăng thu nhập, tăng thu nhập”, “mở lớp, mở lớp”, cô cũng chẳng buồn quan tâm đến việc tăng thu nhập như thế nào, mở những lớp gì. Thái độ của cô về các lớp kiểu này là tránh được sẽ cố tránh. Đã vào làm giảng viên trong trường đại học rồi thì phải xác định tư tưởng là nghèo suốt đời, cuối năm cũng chẳng thèm quan tâm đến việc được thưởng mấy tháng lương cho mệt đầu.
Tuy nhiên một lần đi họp, khoa lại không dồn hết thời gian để bàn về vấn đề “tăng thu nhập” mà nói về chuyện “Harvard Yenching”, nói Viện Havard Yenching cho khoa ta một suất, lần này chúng ta phải làm cho minh bạch, cạnh tranh tự do, người nào đủ tiêu chuẩn sẽ được cử đi học, tất cả giảng viên dưới ba mươi lăm tuổi đều có thể đăng ký, tuần sau khoa sẽ tổ chức một buổi thi, thi đọc, dịch, viết, nghe và văn học, giáo sư trong khoa sẽ chấm, tên thí sinh được giữ bí mật. Ai thi được thì người đó đi.
Vừa nghe đến mấy chữ “Harvard Yenching” là tinh thần Ngải Mễ lại sục sôi. Không biết có nên tham gia không nhỉ? Thử sức xem sao? Nếu chỉ dựa vào kết quả bài thi thì cũng ổn. Cổ nhân có câu: Là lừa hay ngựa, phải dắt ra xem. Xem ra cũng phải dắt mình ra xem sao.
Các giáo viên trẻ trong khoa đều nói: “Ngàn năm có một, ngàn năm có một!” Không phải nói suất học bổng của Harvard Yenching là ngàn năm có một mà ý muốn nói rằng, ngàn năm mới có dịp khoa tổ chức thi minh bạch như vậy, vì trước đây có suất đi học ở đâu đều là khoa giới thiệu hoặc tính theo thâm niên công tác, lúc nào cũng kín như bưng, những kẻ vô danh tiểu tốt như Ngải Mễ không phải là vợ chủ nhiệm khoa, cũng chẳng phải con gái của giám đốc nhà xuất bản trường Đại học R, chắc chắn là không đến lượt, thế nên lần này Ngải Mễ quyết định tận hưởng tính minh bạch của khoa và thế là đã đăng ký.
Đăng ký rồi cô lại thấy lo, nhỡ mình không thi được thì biết làm sao? Nếu một ngày nào đó Allan muốn đến tìm mình, trong khi mình lại sang Harvard Yenching thì khác gì núi sông cách trở? Hơn nữa một người có lòng tự trọng cao như anh ấy, không được sang Harvard học trong khi mình lại được sang, liệu anh ấy có vì chuyện đó mà bỏ cuộc hay không? Có lẽ tốt nhất là mình nên giữ tấm thân trong sạch, không dính dáng gì đến vết nhơ học Harvard thì hơn.
Nhưng rồi cô lại nghĩ, đã thi cử gì đâu, nếu thi cũng chắc gì đã đỗ, việc gì phải lo sớm như vậy. Cùng lắm là đỗ rồi nhưng không đi, như thế cũng vẻ vang biết bao. Giành được suất học bổng của Harvard Yenching dĩ nhiên là tự hào rồi, nhưng nếu thi đỗ mà không đi học lại càng tự hào hơn chứ.
Hơn nữa Allan đã từng hứa với cô rằng không bao giờ kết hôn trước cô, không bao giờ có người yêu trước cô. Dĩ nhiên lời thề này là do cô ép anh nói nhưng dù gì anh cũng thề rồi, anh đã hứa điều gì thì chắc chắn sẽ thực hiện.
Chương 4
Trong năm nội dung thi, thế mạnh của Ngải Mễ là đọc, dịch và nghe nói.
Đọc là thế mạnh do từ lâu các bài đọc trong tiếng Anh đã có kiểu thi trắc nghiệm. Ngải Mễ rất biết ơn người đã phát minh ra kiểu thi trắc nghiệm này, chắc chắc là phát minh cho những người làm gì cũng hậu đậu, vô tâm như cô. Bạn thử nghĩ mà xem, mấy đáp án đều đã đưa ra hết rồi, chỉ cần khoanh tròn là xong, còn việc nào dễ hơn việc khoanh tròn? Đến AQ cũng biết khoanh. Nếu bắt Ngải Mễ viết ra ý chính của bài thì rất có thể cô sẽ lạc đề, có khi lại viết sai mấy chữ cũng chưa biết chừng, nhưng nếu bắt cô lựa chọn một đáp án đã được người khác viết thì kể cả không hiểu, cô vẫn làm được tám mươi, chín mươi phần trăm.
Khi còn đi học, bạn bè cùng phòng đều ngưỡng mộ số cô may mắn, vì có một số đề, bốn câu chọn một, mọi người đều chẳng biết câu nào, toàn đoán mò, trong khi Ngải Mễ toàn mò đúng, còn người khác lại mò sai. Vương Hân, bạn cùng phòng với Ngải Mễ, thường nói cô có “số ăn cứt chó”, ở quê Vương Hân thường dùng cụm từ này để nói về người có số may mắn đến mức khó tin.
Dịch là thế mạnh của cô, có thể là vì bố mẹ cô, một người chuyên về tiếng Anh, một người chuyên về tiếng Trung. Ngay từ khi Ngải Mễ còn rất nhỏ, mẹ cô đã “tắm” tiếng Anh cho cô. Không những đặt cho cô một cái tên không ra Tây cũng chẳng ra Tàu, mà còn cố gắng nói tiếng Anh với cô, trong nhà chỗ nào cũng dán rất nhiều từ vựng tiếng Anh, dán vào bàn là “table”, dán vào cửa sổ là “window”, dán vào trước cửa ra vào từ “come”, mặt sau của cửa thì dán từ “go”…
Hồi nhỏ Ngải Mễ cũng rất thích phương pháp học dán giấy kiểu này, thường viết chữ “Dad” nghiêng ngả rồi dán lên lưng bố, khiến có hôm bố cô lên lớp mà còn mang theo chữ “Dad” sau lưng giảng bài thao thao bất tuyệt, bị sinh viên phát hiện ra rồi cả lớp cười nghiêng ngả. Có một lần, Ngải Mễ hớt hải chạy đi mách mẹ rằng “Dad” bị ngã từ trên nhà xuống đất, khiến mẹ cô được một phen suýt ngất, cuối cùng mới phát hiện ra là mẩu giấy ghi chữ “Dad” bị bay từ trên ban công nhà xuống đất rồi.
Còn bố Ngải Mễ thì rất tích cực “tắm” tiếng Trung cho cô, ngày ngày ông đều bắt cô học thuộc văn thơ cổ, luyện thư pháp, rồi còn phải viết nhật ký nữa, hơn nữa ngày nào cũng kiểm tra xem Ngải Mễ viết gì trong nhật ký, thế có còn gọi là nhật ký nữa không? Gọi là xã luận có khi còn phù hợp hơn. Và thế là ngay từ nhỏ Ngải Mễ đã phải viết hai cuốn nhật ký, một cuốn là “nhật ký cách mạng” để bố kiểm tra, cuốn “nhật ký phản cách mạng” kia mới được gọi là nơi thổ lộ tâm tình. May mà mẹ cô không bắt cô viết nhật ký bằng tiếng Anh, nếu không mỗi ngày cô sẽ phải viết bốn cuốn nhật ký.
Tình huống hay gặp nhất là, trong “nhật ký cách mạng”, cô nắn nót viết: “Tớ yêu bố tớ, yêu cả mẹ tớ…” Nếu viết trôi chảy quá thì ngày mai bố lại yêu cầu cao hơn.
Còn trong “nhật ký phản cách mạng” thì cô rầu rĩ than: “Thế gian này có cô bé nào đau khổ hơn mình không? Nỗi dày vò mà mình phải chịu đựng không những đến từ hai người, mà còn là Bilingual (hai ngôn ngữ)! Đến Anne Frank[1] cũng chỉ phải viết một cuốn nhật ký, còn mình thì phải viết những hai cuốn. Đen tối quá! Bi thảm quá! Thế này thì còn gì là người nữa!”
[1] Anne Frank là một cô bé người Đức gốc Do Thái, trở nên nổi tiếng vì cuốn nhật ký của cô đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian chạy trốn ở Hà Lan – mảnh đất bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai dưới ách thống trị của Đức Quốc Xã.
Tuy nhiên nỗi dày vò hai ngôn ngữ đã khiến sau này cô có kinh nghiệm hơn những thanh niên khác trong vấn đề dịch thuật, cô không còn hận bố mẹ mình nữa, bộ “nhật ký cách mạng” và “phản cách mạng” kia cũng không biết thất lạc đi đâu.
Kỹ năng nghe nói của cô cũng không tồi, là do Allan đã từng làm gia sư tiếng Anh cho cô một thời gian.
Còn kỹ năng viết thì phải xem gu của người chấm bài thế nào, người thích kiểu viết của cô sẽ nói văn phong khoáng đạt, người không thích sẽ bảo văn phong rườm rà, thế nên cô không dám chắc về môn viết.
Văn học cũng vậy, nếu là những vấn đề rộng và nông thì rơi đúng vào sở trường của cô, trên trời dưới đất, cổ kim đông tây, cô đều biết một số, toàn là những kiến thức sơ đẳng. Nếu bạn hỏi những vấn đề sâu thì cô cũng có thể phán được vài câu, đưa ra những lời đánh giá có vẻ như rất sâu sắc. Tuy nhiên nếu người nào chấm thi kĩ sẽ phát hiện ra đó không phải là câu trả lời sâu sắc mà chỉ cố làm ra vẻ uyên bác mà thôi. Người chấm thi không kĩ thì sẽ chẳng hiểu gì và chắc chắn sẽ không cho điểm cao.
Tập trung ôn thi cật lực một tuần rồi lại cật lực trải qua năm bài thi, sau đó lại chờ đợi mấy ngày trong sự hồi hộp, cuối cùng đã có kết quả: Bốn giảng viên của khoa đã qua được vòng sơ tuyển, cả bốn người này phải đến gặp giáo sư Harrod đến từ Học viện Harvard Yenching hiện đang ở thành phố N để tham gia vòng thi phỏng vấn. Vật lộn bao nhiêu thời gian như vậy cũng mới chỉ là bước được bước đầu tiên trong cuộc trường chinh ngàn dặm. Sao hồi đầu nghe cứ như là chỉ cần thi qua vòng của khoa là giành được học bổng của Harvard Yenching vậy?
Tiếp sau đó khoa lại thông báo rằng, trong lúc chờ đợi kết quả vòng thi phỏng vấn, đề nghị mọi người tranh thủ thời gian thi GRE và TOEFL đi. Mấy ứng cử viên đều suýt ngất, loanh quanh một hồi vẫn phải thi GRE, TOEFL ư? Thế thì khác gì tự mình thi lấy học bổng? Hai trong số bốn ứng cử viên liền tuyên bố thẳng thừng: “Em xin rút thôi, mọi người làm cái trò gì vậy, định đùa cợt nhau à? Nếu nói ngay từ trước là phải thi GRE, TOEFL thì còn mất công thi mấy cái đó làm gì nữa?”
Ngải Mễ nghĩ, đã bị đùa cợt đến nước này rồi, rút lui cũng bị đùa cợt, không rút lui cũng vẫn bị đùa cợt, nếu không thi thì người ta lại tưởng mình không dám thi. Thế nên cô vẫn vui vẻ đăng ký và thi cả GRE lẫn TOEFL trước thời gian quy định. Tiếp theo đó là nhờ người viết giấy giới thiệu, lo bảng điểm…, xong xuôi thì nộp hết cho khoa và gửi sang Học viện Harvard Yenching.
Sang năm mới, gần như ngày nào trường cũng được nghe thông tin ai đó nhận được thư từ chối, hóa ra một suất đi học ở Harvard Yenching đó không phải dành riêng cho khoa tiếng Anh, mà là cho rất nhiều khoa của trường, thảo nào khoa lại tổ chức thi minh bạch như thế, hóa ra là vì cơ hội rất mong manh, cộng với việc nhiều khoa như vậy, dĩ nhiên là phải minh bạch rồi.
Khi chín mươi lăm phần trăm số người đã nhận được thư từ chối thì Ngải Mễ vẫn chưa nhận được gì, không những người khác cho rằng cô có hy vọng mà đến bản thân cô cũng bắt đầu tin rằng mình có hy vọng. Đột nhiên một hôm, một ứng cử viên cùng khoa là Lưu Phương rầu rĩ than thở với cô rằng: “Chán quá, tớ không được gọi vì trường M yêu cầu phải có điểm GRE chuyên ngành mà tớ lại không có.”
Ngải Mễ liền thắc mắc: “Sao cậu lại biết trường Đại học M cần điểm GRE chuyên ngành? Mà tự nhiên cậu lại lôi trường M ra làm gì, tớ tưởng là Havard Yenching chứ?”
Lưu Phương đáp: “Havard Yenching chỉ là nơi chi tiền, vẫn phải có trường chịu nhận cậu mới xin được tiền của họ chứ.”
Ngải Mễ sững sờ, có chuyện đó ư? Tại sao không có người nào nói với cô sớm chứ? Nhưng Lưu Phương nói khoa có phát quyển sổ thông báo ghi rõ điều đó. Cô chạy về nhà lục tung đồ đạc lên tìm quyển sổ thông báo đó, quả nhiên không sai, bên trên ghi rõ là một chương trình học bổng của Học viện Harvard Yenching có tên Doctoral scholars program (Học bổng tiến sĩ) kéo dài ba năm rưỡi cho các tiến sĩ được trường đại học ở Mỹ gọi nhập học. Đến giờ cô mới hiểu ra vấn đề, hóa ra mãi mình không nhận được thư từ chối là vì bản thân mình có theo đuổi gì đâu?
Sau khi biết chuyện này, bố cô bực không nói được lời nào. “Cái thói hậu đậu, vô tâm sớm muộn gì cũng làm cuộc đời mày hỏng thôi con ạ.” Nghe cứ như là hiện tại chưa hỏng vậy.
Mẹ chỉ vào bố, nói: “Nó không giống ông thì còn giống ai? Ông cũng có kém phần đâu, hồi còn yêu tôi, mười lần thì đến chín lần nhớ sai địa điểm…” Sau đó bố mẹ lại đi đấu văn đấu võ với nhau.
Nói thực là Ngải Mễ cũng không buồn lắm, cả trường có nhiều khoa như vậy mà chỉ có một suất học bổng, kể cả được trường đại học của Mỹ tiếp nhận thì cũng chưa chắc xin được suất này, thôi thì cứ như mình còn hơn, chẳng đăng ký trường nào, nói gì đến chuyện được gọi. Việc này giống như đem lòng yêu một người nhưng không theo đuổi anh ta, dĩ nhiên là không có được tình yêu của người ta, nhưng đồng thời cũng không phải chịu rủi ro bị từ chối, có thể nói một cách tự phụ rằng, anh đừng có mà đắc ý, tôi có theo đuổi anh đâu mà anh nói đến chuyện đồng ý hay từ chối.
Không theo đuổi nên cũng chẳng có gì phải sợ, không theo đuổi nên cũng không lo bị từ chối.
Những người chơi thân với Ngải Mễ đều khuyên cô nên tự xin học bổng, nói em đã thi GRE, TOEFL rồi, sao không thử tự xin học bổng xem thế nào? Ngải Mễ nghĩ cũng hay, nên bắt đầu lo thủ tục.
Trong các vấn đề khác, Ngải Mễ tiêu tiền không tính toán nhưng trong những chuyện liên quan đến học hành thì cô lại rất chắt chiu, chắt chiu đến mức hà tiện. Lúc đăng ký, cô tiếc tiền nên không nộp hồ sơ cho quá nhiều trường mà chỉ chọn năm trường, ba trường của Mỹ, hai trường của Canada.
Có thể đúng là có “số ăn cứt chó” thật, hạt giống được gieo xạ lại nảy mầm, đơm hoa. Ngải Mễ nhận được giấy gọi của ba trường, một trường cho học bổng toàn phần, một trường miễn học phí, trường còn lại cũng là trường cô khá thích thì không cho gì cả.
Xem ra việc du học chẳng khác gì tìm người yêu, anh chàng mà bạn thích lại không thích bạn, anh chàng thích bạn thì bạn lại không ưng ý. Con người đi tìm sự thống nhất, sự hoàn mỹ trong các mối quan hệ mâu thuẫn này, cuối cùng hầu hết là “bất đắc dĩ mà tìm cái tàm tạm”.
Dựa trên phương châm học hành tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, Ngải Mễ quyết định sang học tại trường Đại học C vì trường này cho cô học bổng toàn phần. Cô đã tìm ra thành phố nhỏ đó trên bản đồ, lấy bút đỏ khoanh tròn và nghĩ bụng, thôi cứ liều một phen, sống ở thành phố to bằng bàn tay này vài năm cho biết mùi Tây rồi cố gắng kiếm cái bằng về nước. Cô đã nghiên cứu chương trình tiến sĩ của khoa tiếng Anh trường Đại học C và dự đoán rằng nếu tập trung học thì mất khoảng năm năm sẽ lấy được bằng tiến sĩ.
Ngải Mễ nghĩ, năm năm thì năm năm, lúc đó mình đã hai mươi tám tuổi, có thể tự tin tìm Allan và nói rằng: “Em đã trưởng thành, đã đủ chín chắn rồi, biết tình yêu là gì rồi, chúng mình hãy bắt đầu lại từ đầu nhé!”
Chương 5
Người đến sân bay thành phố B đón Ngải Mễ là Liễu Tử Tu - một trong ba người Trung Quốc ở khoa tiếng Anh trường Đại học C. Liễu Tử Tu là cô gái người Đài Loan, dáng người nhỏ nhắn, da ngăm ngăm đen, nói tiếng phổ thông đặc giọng Đài Loan.
Trên đường đi, Tử Tu nói luôn miệng, cô ấy bảo rằng nếu không nói chuyện cô sẽ ngủ gật, mà việc vừa ngủ gật vừa lái xe cô cũng từng làm rồi, tuy nhiên hiện tại trên xe còn có người khác nên cô không dám mạo hiểm nữa.
Tử Tu kể bố cô ấy từ đại lục sang Đài Loan, ở đại lục đã có vợ con, nhưng năm 1949, khi theo Quốc Dân Đảng sang Đài Loan, ông không đưa vợ con ở quê sang được nên chỉ đi một thân một mình. Ông tưởng rằng đời này kiếp này sẽ không còn cơ hội đoàn tụ với người vợ cũ ở đại lục nữa nên đã lấy một cô gái Đài Loan, sinh được ba cô con gái, Tử Tu là con gái út của ông.
Ai ngờ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, bố Tử Tu lại có cơ hội về đại lục thăm người thân, ông đã sang Đài Loan bao nhiêu năm như vậy, cũng đã có vợ mới, gia đình mới nhưng vẫn không thể nào quên vợ con đang ở đại lục. Ông giấu mẹ Tử Tu thăm dò được tin tức về vợ con ở đại lục, họ vẫn ở ngôi làng cũ, vợ cũ của ông cũng không tái hôn mà ở vậy một mình nuôi con.
Và thế là bố Tử Tu đã vượt ngàn dặm xa xôi về đại lục thăm người thân. Dĩ nhiên là mẹ Tử Tu không vui vẻ gì nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, đành phải theo bố cô về đại lục. Một ông chồng, hai bà vợ gặp nhau, chỉ có đương sự mới hiểu được nỗi bi hoan trong đó.
Ngải Mễ biết, mấy năm qua, không biết đã có bao nhiêu câu chuyện như thế này xảy ra. Biết nói gì đây? Tất cả đều do lịch sử gây ra, trách cứ ai cũng chẳng giải quyết được gì. Có thể kết cục cuối cùng là người chồng cho vợ cũ một số tiền rồi theo người vợ Đài Loan trở về Đài Loan. Dùng cách nói rất thời thượng hiện nay là, được lòng cả đôi.
Ngải Mễ tưởng tượng ra người vợ cũ của bố Tử Tu, có thể tình cảm đã chai sạn sau bao nhiêu năm tháng, không còn vương vấn gì với người mà bà đã từng gọi là chồng nữa. Người ấy đã không còn quan trọng đối với cuộc đời bà. Có được số tiền đó, có thể bà sẽ vui vẻ chia cho mấy đứa con, cảm ơn số phận đã tặng cho bà nguồn tài sản bất ngờ này. Nhưng có lẽ từ đó trở đi, người vợ ở Đài Loan sẽ nghĩ rằng giữa hai vợ chồng bà lại có thêm một người, tình cảm hai người vì thế khó tránh khỏi va chạm. Còn người chồng đó thì sao? Liệu có vì thế mà trái tim bị chia thành hai nửa, vừa nhớ vợ con ở đại lục, vừa thương vợ con ở Đài Loan hay không? Có thể trái tim của ông ấy đã bị chia thành hai nửa từ lâu rồi cũng nên.
Cô rất ái ngại cho mẹ Tử Tu, đang yên đang lành, tự nhiên lại xuất hiện bà vợ cả, mẹ Tử Tu sẽ buồn biết bao.
Cuộc sống vốn là như vậy, có những chuyện, có những người không phải bạn muốn dẫn dắt họ vào cuộc sống của bạn, mà là cuộc sống bắt ép bạn phải chấp nhận, bất luận bạn có thấu hiểu, có sẵn sàng đón chào hay không, bạn vẫn phải đối mặt với những con người và sự việc đó. Có nhiều lúc, dù bạn né tránh hay đối mặt, bạn vẫn sẽ gặp nhiều đau khổ. Suy nghĩ duy nhất của bạn là: Tại sao số phận lại bắt ta phải đối mặt với những con người và sự việc đó? Nếu không có con người và sự việc đó thì tuyệt vời biết bao!
Ngải Mễ nghĩ cuộc đời mình cũng gặp một người và một sự việc như thế. Trước khi con người và sự việc đó xuất hiện, mọi thứ đều rất tuyệt vời, trong sáng và rõ ràng, nhưng sau khi con người và sự việc đó xuất hiện, mọi thứ đều trở nên khó hiểu, khó giải thích, khó nắm bắt.
Dĩ nhiên “người đó” không phải là Allan, nhưng nếu không có Allan thì cuộc đời cô cũng sẽ không có “người đó”.
Cô còn nhớ lần đầu tiên gặp Allan. Hồi ấy cô vẫn đang học cấp ba, còn anh thì đã thi và trở thành nghiên cứu sinh được bố cô hướng dẫn luận văn. Lần đầu tiên cô gặp anh là lần anh mang cho bố cô tài liệu mà anh dịch giúp liên quan đến thơ ca của Nga, vì anh phát hiện ra trong một bài viết của bố có sai sót, nguyên văn viết bằng tiếng Nga, Allan đã đọc bản gốc bài thơ đó và nhớ là ý nghĩa không phải như thế, chắc là có sai sót trong khi dịch, trong khi bố Ngải Mễ lại dựa vào bản dịch để viết bài bình luận của mình. Thế nên khi Allan nói hình như nghĩa gốc không phải là như vậy, bố Ngải Mễ đã nhờ anh mang bản gốc và bản dịch chuẩn để ông xem. Allan liền tìm bản gốc nhưng do không có bản dịch chuẩn nên đành phải tự dịch, chuẩn bị thảo luận với thầy về vấn đề này.
Vì hôm đó có việc gấp nên bố Ngải Mễ không kịp về trước giờ hẹn, khi Allan tìm đến nhà thầy thì đúng lúc Ngải Mễ cũng vừa tan học về. Cô nhìn thấy một chàng trai cao to đứng trước cửa nhà số 4 mà gia đình cô ở.
Nhìn từ sau lưng, Ngải Mễ đã cảm thấy anh chàng này rất đẹp trai. Cô cố tình bước mấy bước về phía nhà số 5, như thế có thể nhìn được trực diện anh chàng, đúng là một Don Juan chính hiệu, khiến cô tự nhiên lại nhớ đến lời bà nội: “Nhìn thằng bé này đã thấy dễ chịu”.
Cách đánh giá của bà đối với nam thanh nữ tú có ba cấp bậc: Trông “gọn gàng”, khá “ưa nhìn”, trông “dễ chịu”. Trước đây, Ngải Mễ nghĩ bà nói như vậy là do vốn từ vựng của bà có hạn, nhưng hôm nay nhìn chàng trai đang đứng trước nhà, cô thực sự bái phục bà dùng mấy từ này rất chuẩn, các từ khác như “đẹp trai”, “tuấn tú”, “thư sinh”, “ngời ngời” gì đó đều không thể miêu tả được cảm giác của cô. Nhìn thấy mà “dễ chịu” có nghĩa là không những có tác dụng cho mắt bạn, mà còn có tác dụng cho tâm hồn bạn, khiến tâm hồn được thư thái, thoải mái.
Cô đã gặp không ít nghiên cứu sinh được bố mẹ hướng dẫn luận văn, nhưng cô chưa bao giờ gặp nghiên cứu sinh nào “dễ chịu” như thế, nên cô vẫn luôn cho rằng một người học nghiên cứu sinh thì chắc chắn sẽ nhìn “chẳng dễ chịu” chút nào. Hoặc là chỉ có những người nhìn “không dễ chịu” mới học được lên nghiên cứu sinh mà không bị chi phối bởi môi trường, hoặc là do đọc sách quá nhiều nên tướng mạo cũng trở nên “không dễ chịu”, thế nên cô đã quyết định chỉ học đến đại học thôi. Nhưng anh chàng nghiên cứu sinh này lại khác, nhìn trông “rất dễ chịu”. Cô lập tức bị anh chàng hút hồn, quyết định phải tìm cớ bắt chuyện mấy câu.
Không có người mở cửa, bởi cô biết chắc chắn không có ai ở nhà. Anh chàng quay đầu lại, chắc định ra về, cô liền gọi: “Anh tìm thầy Ngải hay cô Tần?”
Anh chàng liền dừng chân, ngoái lại hỏi: “Em tan học rồi à? Nhà em không có ai ở nhà.”
Cô liền bước đến trêu: “Nhà em không có ai ở nhà ư? Anh có biết nhà em ở đâu không? Nhà em là nhà số 5 cơ mà. Anh không thấy em vừa từ nhà số 5 ra à?”
Anh chàng liền cười, nói: “Em là Ngải Mễ đúng không? Trẻ con không nên nói dối người khác, không hay đâu.”
“Người lớn nói dối thì hay hả?”
“Mồm mép ghê nhỉ, anh không đấu được với em, đành chịu thua vậy.” Anh chàng cười vui vẻ rồi đưa tài liệu trong tay cho cô. “Em chuyển cái này cho bố em hộ anh nhé?”
Cô không chịu cầm ngay vì muốn được nói chuyện với anh chàng thêm lát nữa. “Em không biết bố em, thôi anh tự đưa đi!”
“Em đưa cho bố em rồi cũng tranh thủ cơ hội này làm quen với ông luôn.” Nói rồi anh chàng nhét tài liệu vào tay cô và xăm xăm đi xuống cầu thang.
Cô đứng giữa lối đi, hai tay dang ra khiến anh chàng không xuống được và cũng không dám chạm vào cô. Anh chàng đành đứng lại, cười hỏi: “Sao vậy? Giữa đường gặp cướp đòi tiền hả?” Rồi anh chàng đưa tay móc túi. “Tiền thì không có, chỉ có tính mạng này thôi.”
“Bổn đại vương không cần tiền, không cần tính mạng của nhà ngươi, chỉ muốn đưa ngươi về làm phu quân thôi.”
“Hôm nay gặp nữ ma vương rồi.” Mặt anh chàng đỏ bừng nhưng miệng vẫn chưa chịu thua. “Ta chưa xuất chiêu thôi, chưa biết ai thắng ai bại đâu, Ngải Mễ, có người lên kìa, mau nhường đường cho họ đi chứ…”
Ngải Mễ tưởng có người lên thật, vội tránh sang một bên, anh chàng thừa cơ chạy ngay xuống, vừa xuống cầu thang vừa cười ha ha. “Đại vương đích thực, hữu dũng vô mưu à!”
Cô liền đứng sau lưng la: “Ê, anh tên là gì? Lát nữa em còn bảo với bố em.”
“Thành Cương.”
“Bách luyện thành cương[1] hả? Anh có tên tiếng Anh không?”
[1] Câu thành ngữ ý nói được tôi luyện nhiều sẽ trở nên rắn rỏi.
“Allan.”
“Allan Poe ư?”
Cô nghe thấy tiếng anh chàng cười, cô thực sự thích nghe tiếng cười đó.
Chương 6
Điều khiến Ngải Mễ rất vui là một lát sau Allan đã theo bố mẹ cô lên nhà vì anh gặp họ ở dưới sân. Ngải Mễ nhìn thấy anh chàng ngồi trên sofa ngoài phòng khách liền bước đến trêu: “Vừa nãy bảo anh ở lại với bổn đại vương mà không chịu nghe, giờ vẫn phải ngoan ngoãn quay lên à? Nhẹ không ưa lại ưa nặng…”
Bố đang thay quần áo trong phòng ngủ, nghe thấy vậy liền mắng cô: “Ngải Mễ, không phải ai cũng đùa được đâu.” Nói xong, ông liền bước ra phòng khách nói với Allan: “Thành Cương, em đừng chấp, con nhỏ này từ nhỏ được chiều nên hư. Thôi ta vào phòng làm việc nhé!”
Allan liền đứng dậy đi về phía phòng làm việc, cười nói: “Ngải Mễ tranh luận giỏi lắm, em không đọ nổi, đành đầu hàng thôi.”
Mẹ đang nấu cơm trong bếp, Ngải Mễ liền lẻn vào năn nỉ: “Mẹ giữ anh ấy ở lại ăn cơm đi, muộn thế này rồi, anh ấy về đến trường thì nhà ăn đã đóng cửa là cái chắc.”
“Học được cách quan tâm đến người khác từ bao giờ vậy?” Mẹ nhìn cô, hỏi. “Lo lắng gớm nhỉ, việc này còn phải để mày nhắc mẹ nữa à? Mẹ không biết điều đó ư?” Nói xong, mẹ liền bước đến cửa phòng làm việc và nói với Allan: “Allan, hôm nay ở lại ăn cơm với thầy cô nhé, em về thì chắc chắn nhà ăn đóng cửa rồi.”
Bố cũng mời: “Đúng đấy, trong chốc lát không thể nói xong chuyện đâu.”
Hôm đó Allan đã ở lại nhà Ngải Mễ ăn cơm, cô phấn chấn chạy vào bếp giúp mẹ nấu nướng. Mẹ cười, liếc cô một cái rồi nói: “Mặt trời mọc ở đằng tây ư? Con thì giúp được cái gì? Vào làm bài tập đi. Lát nữa ăn giúp là được rồi. Cũng không sớm sủa gì nữa đâu, mẹ cũng chẳng làm gì, hấp ít thịt gác bếp, xào đĩa rau, còn lại đều là thức ăn cũ.”
Bốn người ngồi bên bàn ăn, Allan ngồi bên phía tay trái của Ngải Mễ, cô liên tục gắp thức ăn cho anh và nhìn anh, khiến anh cũng mất tự nhiên, mặt đỏ bừng. Hình như bố không nhận ra điều gì, chỉ có mẹ lắc đầu, nói: “Ngải Mễ, đừng gắp thức ăn cho anh ấy nữa, con có biết anh ấy thích ăn gì đâu mà gắp, hơn nữa lại gắp bằng đũa của con, mất vệ sinh lắm.”
Allan vội nói: “Không sao đâu ạ.”
“Anh ấy chẳng chịu gắp nên con mới gắp mà.” Ngải Mễ chạy vào bếp, lấy một đôi đũa ra và nói: “Con gắp bằng đũa mới này nhé?” Nói rồi cô lại gắp vào bát của Allan một miếng thịt hấp.
Ngải Mễ rất thích ăn thịt gác bếp mà bà nội làm cho nhà cô, thế nên cô nghĩ chắc Allan cũng thích. Ăn thịt gác bếp cô không thích phần mỡ, chỉ ăn chỗ thịt nạc, cô cắn miếng nạc rồi bỏ phần mỡ ra bàn. Thấy vậy, bố liền nói: “Thịt mỡ không ăn đừng có bỏ đi, gắp vào bát cho bố ăn.”
Ngải Mễ không muốn cắn bằng miệng rồi lại gắp cho bố nên đành phải lấy tay xé, mỡ dính đầy tay. Thấy vậy, Allan liền đề nghị: “Để anh tách ra cho.” Thấy không ai phản đối, anh liền mang bát thịt vào bếp rồi tách thịt nạc, thịt mỡ ra rất nhanh.
Cô ăn phần thịt nạc đã được Allan tách ra mà vui vô cùng. Thỉnh thoảng cô lại liếc anh, thấy anh không gắp miếng nạc nào, cô cũng biết là anh để phần cho cô, cảm thấy anh chẳng khác gì bố mẹ cô, thấy cô thích ăn cái gì đều nhường cho cô cái đó, cô ăn ngon thì anh cũng sẽ vui. Thế nên cô lắc lư cái đầu với vẻ rất khoa trương như muốn nói với anh rằng: Cảm ơn anh, em ăn cơm rất ngon!
Cô lén nhìn bố mẹ, bố vẫn đang tập trung ăn cơm nên không để ý gì, còn ánh mắt mẹ thì toát lên vẻ lo âu.
Ăn cơm xong, Allan giúp mẹ cô thu dọn bát đũa, lau bàn, anh còn đòi rửa bát nhưng mẹ không cho, bảo anh không biết bà để đồ ở đâu, hai thầy trò cứ trao đổi công việc với nhau đi.
Bố liền hạ lệnh bằng vẻ nghiêm nghị ngày thường chẳng bao giờ thấy: “Ngải Mễ, ra giúp mẹ rửa bát đi!”
Ngải Mễ liền càu nhàu: “Tại sao chứ? Tại sao con gái lại phải rửa bát?”
“Bố và cậu ấy đang phải trao đổi một số vấn đề quan trọng.” Bố liền giải thích, có thể nhận ra là bình thường ông vẫn hay phải nghe những lời càu nhàu của con gái, hôm nay định ra oai trước mặt người khác nhưng cô con gái cũng không chịu.
Ngải Mễ có thói “khách đến nhà là quấy nhiễu”, khi không có ai đã thích làm nũng rồi, bây giờ nhà có khách, hơn nữa lại là vị khách mà cô muốn thu hút sự chú ý nên càng không thể bỏ qua cơ hội thể hiện mình. Cô liền phản bác: “Rửa bát không phải là việc quan trọng ạ?”
Allan liền cười, nói: “Thôi cứ để em rửa, ở nhà em, em chính là cái máy rửa bát. Cô tìm giúp em cuốn từ điển tiếng Nga với ạ!”
Mẹ cười rồi lau tay và đi tìm cuốn từ điển tiếng Nga. Bố liền nói với Allan: “Thầy đợi em trong phòng làm việc nhé!”
Ngải Mễ đi theo Allan vào bếp, nhìn anh rửa bát. “Bố em chẳng bao giờ chịu rửa bát cả, rất phong kiến, em cũng thấy bất bình thay cho mẹ. Hai người đều là giáo sư, tại sao mẹ phải rửa còn bố thì không chứ?”
“Đấy là do mẹ em muốn đỡ việc cho bố em đó chứ!”
“Haizz, đúng là anh rửa vừa nhanh vừa sạch thật. Có phải ở nhà ngày nào anh cũng rửa bát không?”
“Thường xuyên rửa.”
“Nhà anh con trai phải rửa bát hả? Thế con gái thì làm gì? Anh có chị em gái không?”
“Không, anh chỉ có một anh trai.” Allan hỏi: “Rác đổ ở đâu nhỉ?”
“Em không biết, em chưa đổ rác bao giờ cả, chắc là đổ ở thùng rác dưới tầng.”
Allan liền xách túi rác trong thùng ra, buộc lại rồi nói với cô: “Em tìm túi nilon mới đặt vào để anh đi đổ.”
“Để em đi cùng anh.” Cô chẳng kịp tìm túi đựng rác, cũng không biết túi đựng rác nhà mình để ở đâu. Cô theo anh ra ngoài. Đến cửa, cô liền gọi với vào trong: “Bọn con đi đổ rác đây ạ!”
“Hê hê, đi đổ rác mà cũng phải tung hê cho cả thế giới biết hả?” Allan cười, trêu cô. “Đến đổ rác mà em cũng không làm hả? Lười thật đấy!”
“Từ nay về sau ngày nào em cũng sẽ đổ rác.” Cô liền cam kết với Allan. “Thật đấy, sau này anh cứ hỏi bố em sẽ biết em có đổ hay không.”
Lúc đầu cô còn định nói: “Từ nay trở đi, tối nào em cũng rửa bát”, nhưng vừa nghĩ đến cảnh tay dính đầy dầu mỡ, cô lại cảm thấy quá vất vả, thôi vậy, để sau rồi tính.
Sau khi Allan vào phòng làm việc trao đổi các vấn đề với bố, Ngải Mễ liền quay về phòng mình, ngồi trước bàn học mà không thể làm gì được nữa, tai chỉ dỏng lên nghe động tĩnh phía phòng làm việc. Hồi lâu mà chẳng nghe được gì, cô vừa cắn bút vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Anh ấy có người yêu chưa nhỉ? Anh ấy có thích mình không? Chắc là có thích vì anh ấy cứ nhìn mình cười tủm tỉm, rồi còn nhường hết thịt nạc cho mình ăn. Mỗi lần đỏ mặt, trông anh ấy rất đáng yêu. Không biết bao giờ anh ấy lại đến nhà mình chơi nhỉ? Ước gì ngày nào anh ấy cũng đến, nhưng chắc chắn anh sẽ không thể ngày nào cũng đến được…
Cô nghĩ, có cách nào để anh buộc phải đến nhà mình không nhỉ? Bảo bố ngày nào cũng gọi anh đến trao đổi ư? Chắc chắn là bố sẽ không làm như thế. Bảo mẹ ngày nào cũng gọi anh đến dịch tài liệu ư? Chắc chắn mẹ sẽ không làm như thế. Cuối cùng cô nghĩ ra một cách, không biết có thành công không nhưng theo những gì cô hiểu về tính khí của bố mẹ mình, cô biết chỉ cần có quyết tâm “không thành công cũng thành nhân” thì nhất định sẽ thành công.
Sau khi Allan về, Ngải Mễ nghe thấy bố nói với mẹ: “Cậu Thành Cương này khá ra phết, không ngờ tiếng Nga lại tốt như thế, nếu không có cậu ấy nhắc thì bài viết của anh đã sai nghiêm trọng rồi. Thơ mất chất thơ vì cách dịch. Đúng là chân lý thật! Thế nên những người làm về văn học so sánh tốt nhất phải biết mấy ngoại ngữ, nếu chỉ nghiên cứu văn học so sánh thông qua bản dịch thì chẳng khác gì gãi ngứa qua giày. Sau này anh phải hỏi em các vấn đề trong tiếng Anh, còn tiếng Nga thì phải nhờ Thành Cương vậy. Nghe nói tiếng Nhật của cậu ta cũng khá lắm, có thể đọc tác phẩm văn học nhờ vào từ điển.”
Mẹ liền nói: “Tiếng Nga, tiếng Nhật thì em không biết nhưng tiếng Anh thì cậu ấy dịch rất chắc chắn. Em có quen cô giáo dạy dịch cho cậu ấy ở bậc đại học, cô ấy tên là Tĩnh Thu, là ủy viên thường trực trong Hiệp hội dịch giả của tỉnh D, hai cô trò nhà ấy hợp tác và dịch cùng nhau rất nhiều tác phẩm. Trong cuốn tạp chí Dịch lâm có giới thiệu tác phẩm dịch của hai cô trò, họ còn viết bài đăng trên tạp chí Dịch thuật Trung Quốc nữa. Nếu Thành Cương tiếp tục phát triển theo hướng dịch thuật có thể sẽ rất có tiếng đấy.”
“Em nói thế là có ý gì?” Bố Ngải Mễ chất vấn. “Chẳng lẽ em cho rằng cậu ta lựa chọn ngành văn học so sánh là một sai lầm ư?”
“Em không có ý đó mà chỉ muốn nói là cậu ấy dịch viết rất khá, nếu chỉ nhìn bản dịch, thật sự, anh không thể nghĩ là cậu ấy mới hơn hai mươi tuổi đầu đâu.”
Ngải Mễ liền xen vào: “Anh ấy mới hơn hai mươi thôi ạ? Con lại cứ tưởng ngoài ba mươi rồi cơ.”
“Không chỉ mỗi râu, con cảm thấy anh ấy rất già dặn, có lẽ là do anh ấy bảo con là trẻ con, là sâu lười.”
Mẹ liền nhắc nhở: “Đúng là con lười thật, chẳng chịu làm việc nhà gì cả. Con xem anh Allan có chăm chỉ không? Việc gì cũng làm, còn con thì chẳng mó tay vào việc gì bao giờ, nếu đến nhà người khác, chắc chắn chẳng ai quý đâu.”
“Từ nay trở đi, ngày nào con cũng sẽ đi đổ rác cho mẹ, con đã cam kết với anh ấy rồi.”
“Con coi đó, quan điểm của con đã có vấn đề rồi, tại sao lại là đổ rác cho mẹ?” Mẹ cười rồi hỏi. “Con cam kết với cậu ấy rồi hả? Cậu ấy nhắc nhở con à?”
“Đâu có, anh ấy không nhắc nhở con mà do con nghĩ thế thôi.” Ngải Mễ nghĩ, còn đợi đến lúc anh ấy nhắc nhở thì còn ra cái gì nữa? Tự cô có thể nhận ra anh ấy thích điều gì và không thích điều gì mà.
“Mẹ ơi, anh ấy nói tiếng Anh rất hay, hay là mẹ nhờ anh ấy dạy tiếng Anh cho con đi?” Ngải Mễ thăm dò mẹ.
“Tiếng Anh của con mà còn cần phụ đạo nữa ư?” Mẹ sửng sốt hỏi. “Nếu phải phụ đạo thì để mẹ phụ đạo cho xong. Mẹ là giáo viên tiếng Anh mà còn đi mời gia sư, không sợ bị người ta cười cho à?”
“Mẹ bận rộn như thế, làm gì có thời gian phụ đạo cho con?” Ngải Mễ nói. “Con chỉ muốn học giao tiếp với anh ấy, mẹ cũng biết là sau này con sẽ đi theo ngành tiếng Anh. Nếu bố mẹ không muốn trả tiền cho gia sư thì con lấy tiền của con để trả vậy.”
Bố liền thắc mắc: “Nếu như thế thì con tự đi nhờ cậu ấy, việc gì phải để mẹ nhờ nữa?”
“Anh ấy coi con là trẻ con, con mà nhờ thì làm sao anh ấy chịu?” Ngải Mễ liền quay sang năn nỉ mẹ: “Mẹ mà nhờ thì chắc chắn anh ấy sẽ đồng ý. Con cam đoan là sẽ học tốt tất cả các môn. Nếu bố mẹ không chịu nhờ thì con không biết điểm số các môn sẽ sa sút thế nào đâu.”
“Mày đang đe dọa bố mẹ hả?” Bố nói. “Điểm số là của mày, tương lai là của mày, mày để việc học sa sút thì phải tự chịu trách nhiệm thôi, không nên nghĩ là học vì bố mẹ…”
Mẹ liếc Ngải Mễ, biết cô đã nói là làm nên đành thở dài. “Thôi được, để mẹ đi nói với cậu ấy, nhưng con phải cam kết là điểm số các môn không được sa sút đâu đấy, nếu không… Hơn nữa phải nói cho rõ là chỉ học tiếng Anh thôi. Con gái con đứa phải biết ý biết tứ, không nên…”
Bố liền thắc mắc: “Chỉ mỗi chuyện mời gia sư, sao em lại nói cái đó làm gì?”
“Em chỉ đề phòng trước thôi mà.”
Chương 7
Ngải Mễ không biết mẹ đã nói với Allan thế nào, tóm lại là anh đã đồng ý làm gia sư dạy tiếng Anh cho cô, mỗi tuần hai tiếng đồng hồ, thứ Bảy hoặc Chủ nhật, xét tùy theo tình hình rồi quyết định thời gian cụ thể. Anh không chịu nhận tiền, nói hai người luyện nói, không biết ai là gia sư của ai, chỉ là giúp đỡ lẫn nhau mà thôi.
Giờ đã có lý do gặp Allan, Ngải Mễ rất trân trọng hai tiếng đồng hồ mỗi tuần này. Cô toàn chọn thời gian bố mẹ không có nhà để gọi anh đến phụ đạo, có lúc còn tìm cách đẩy bố mẹ đi đâu đó. Có lúc thì cô cố tình chọn vào thời điểm gần giờ ăn cơm, như thế có thể giữ anh ở lại ăn cơm. Đôi lúc cô còn hẹn anh đến câu lạc bộ tiếng Anh tổ chức ở công viên, tiện thể để anh đi dạo công viên với cô luôn.
Trong vấn đề lựa chọn thời gian, anh rất chiều cô, cô yêu cầu giờ nào anh đều cố gắng dành ra thời gian đó giúp cô luyện nói.
Ngải Mễ nhận ra rằng Allan luyện nói và nghe với cô bằng thái độ rất nghiêm túc. Mỗi lần đến, anh đều chuẩn bị cho buổi học ngày hôm đó. Anh sẽ đưa ra topic cho buổi học sau, rồi đi thu thập các từ vựng, câu, tài liệu bối cảnh, tài liệu nghe của BBC hoặc VOA liên quan đến topic đó, hai tiếng đồng hồ được tận dụng triệt để. Trong hai tiếng đồng hồ đó, họ chỉ nói tiếng Anh với nhau chứ không nói tiếng Trung, chỉ nói những cái liên quan đến topic chứ không nói vấn đề gì khác.
Ngải Mễ thường lan man sang vấn đề khác nhưng Allan luôn lập tức kéo cô trở lại với chủ đề chính.
“Lần sau bọn mình nói về chủ đề tình yêu nhé?” Ngải Mễ đề nghị và chuẩn bị tinh thần nhìn anh chàng ngượng nghịu rồi gạt phắt đi.
“Ok.” Allan vui vẻ đồng ý. “Lần này đến lượt em thu thập tài liệu, tìm ra các định nghĩa khác nhau của các trường phái, các vĩ nhân, sau đó tìm các bài tản văn, thơ ca, nhật ký, tiểu thuyết… liên quan đến tình yêu.”
Ngải Mễ rất thất vọng, cô vốn định dẫn dắt chủ đề sang vấn đề cá nhân, kết quả lại bị anh coi như chương trình nghiên cứu khoa học, từ thực tiễn nâng cấp lên lý luận. Nhưng cô không muốn anh phát hiện ra ý đồ đen tối của mình nên đành phải bấm bụng đi thu thập tài liệu, chuẩn bị tuần tới sẽ cho anh bất ngờ về trình độ của cô.
Lần sau gặp nhau, Ngải Mễ tung ra thành quả nghiên cứu bằng cách thao thao bất tuyệt đủ mọi vấn đề, từ định nghĩa và phân loại về tình yêu đến những cách theo đuổi tình yêu khác nhau của con trai và con gái, sau đó là quan điểm của các vĩ nhân về tình yêu, lúc đọc lúc học thuộc lòng, có vẻ rất thuộc bài.
Allan cười tủm tỉm nghe cô trình bày, cuối cùng mới hỏi: “Nói nhiều quá thành ra lú lẫn rồi à?”
Ngải Mễ rầu rĩ đáp: “Đúng là lú lẫn thật. Thu thập bao nhiêu bài viết liên quan đến tình yêu, đọc nhiều quá nên chẳng có cảm giác gì nữa, chẳng biết tình yêu là gì.”
“Love defies definition (Không ai định nghĩa được tình yêu đâu).”
“Không ai định nghĩa được tình yêu ư?” Ngải Mễ thụi Allan một quả. “Thế tại sao anh lại bắt em đi tìm định nghĩa về tình yêu? Và em cũng tìm được bao nhiêu định nghĩa đó thôi?”
Allan liền cười, nói: “Luôn có những người biết rõ là không làm được mà vẫn cố làm. Hơn nữa, một số người nói không định nghĩa được tình yêu nhưng không có nghĩa là không định nghĩa được thật, xem em nghĩ thế nào thôi. Em cho rằng có thể định nghĩa thì cứ định nghĩa, còn nếu em bảo không định nghĩa được thì không định nghĩa nữa.”
“Thế định nghĩa của anh về tình yêu là gì?”
“Vì không có định nghĩa của riêng mình nên anh mới bảo em đi tìm định nghĩa mà, nhưng anh tin vào quan điểm “Love defies analysis” (Không ai có thể phân tích được tình yêu). Nếu mang tình yêu ra để phân tích, nghiên cứu, thảo luận thì sẽ càng làm càng rối như mớ bòng bong, thậm chí cảm thấy chẳng có gì thú vị cả…”
“Thế anh bắt em đi thu thập những tài liệu đó là muốn em cảm thấy tình yêu thật vô vị ư?”
“Đừng nghĩ anh là con người nham hiểm, giảo hoạt như vậy.”
Cô nghĩ, anh không nham hiểm, giảo hoạt thì còn ai vào đây nữa, muốn để em xa rời thực tế và nâng lên cấp độ lý luận rồi ngã cái oạch ư? Còn lâu em mới như thế. “Do you love me (Anh có yêu em không)?” Cô bất ngờ hỏi.
“Define love first (Trước hết hãy định nghĩa về tình yêu đã).”
“Anh gian giảo quá!”
“Define gian giảo first (Trước hết hãy định nghĩa về từ gian giảo đã).” Nói xong, Allan liền đề nghị: “Hết giờ rồi, bọn mình đi ăn thịt dê xiên nướng nhé!”
Vừa nghe thấy thế, Ngải Mễ liền quên ngay chủ đề vừa nói, phấn chấn theo Allan đi ăn thịt dê xiên nướng. Quán bán thịt dê xiên nướng cách nhà Ngải Mễ không xa, đó là một quán nhỏ khá lụp xụp dựng lên nhờ một bức tường của trường học, trong quán bày mấy bộ bàn ghế đơn giản nhưng quán thịt dê đó rất ngon, từ xa đã ngửi thấy mùi thì là Ai Cập.
Đã là học sinh thì hầu như đều thích thịt dê xiên nướng của quán đó, thế nên bức tường của trường gần quán bị đập một góc để tiện cho học sinh ra vào. Thỉnh thoảng trường lại phải cho người xây lại tường, tiện thể đuổi chủ quán thịt dê đi. Thế nhưng chỉ được một thời gian, chủ quán thịt dê lại quay lại, bức tường lại bị phá mất một góc.
Lần nào đến ăn thịt dê xiên, Allan cũng để Ngải Mễ ngồi ở bàn đợi, còn anh thì ra mua thịt dê và đồ uống rồi bê vào đặt trước mặt cô, đến cả giấy ăn cũng chuẩn bị chu đáo cho cô. Thấy cô ăn ngon, anh tỏ ra hết sức hài lòng.
“Ở bên em anh có thấy khai tâm[1] không?” Ngải Mễ vừa ăn vừa hỏi.
[1] “Khai tâm” có nghĩa là vui vẻ.
“Trái ngược với từ khai tâm.” Anh trêu cô.
“Trái ngược với từ khai tâm là gì? Không vui hả?”
“Em thông minh như thế mà cũng không đoán được à? Trái ngược với từ khai tâm là quan tâm.”
Cô cười ngặt nghẽo, suýt thì để thịt dê lọt vào khí quản. Sợ quá, Allan vội nói: “Thôi không cười nữa, cẩn thận lại sặc đấy. Bà anh bảo ăn không được nói, ngủ không được nói, rất có lý đấy.”
“Tại sao anh lại quan tâm đến em vậy?”
“Vì anh không có em gái nên anh rất muốn có một người em gái để chiều chuộng, bảo vệ.”
Ngải Mễ vô cùng thất vọng, bèn tra khảo: “Thế trước đây anh có chiều chuộng con gái thế này không?”
Allan nghĩ một lát rồi đáp: “Không, anh đi học sớm nên con gái trong lớp đều hơn tuổi anh, chưa gặp ai nhỏ như em cả.”
“Bọn họ có chiều anh không? Hay là bắt nạt anh?” Cô tò mò hỏi, chợt nhớ đến hồi học cấp hai, mấy cô bạn gái trong lớp thường xuyên bắt nạt cậu bạn mới chuyển từ nơi khác đến.
“Không hẳn là bắt nạt nhưng có lúc cũng trêu anh.”
“Bọn họ trêu anh thế nào?”
Allan cười nhưng không chịu kể với cô, chỉ nói: “Không kể với em được, em học những cái này rất nhanh nên anh không kể được, em đã nghịch lắm rồi, nói với em để ngày nào em cũng lôi anh ra trêu à?”
Cô tưởng tượng ra cảnh anh bị đám nữ sinh hơn tuổi trong lớp trêu mà không nhịn được cười. “Có phải anh để râu vì muốn tạo cảm giác già dặn hơn đúng không? Để đỡ bị người khác bắt nạt ấy?”
Allan liền cười. “Không ngờ râu lại còn có chức năng này, chỉ vì anh lười cạo thôi. Chỉ có đám trẻ con các em mới tìm đủ mọi cách làm cho mình già hơn, còn người già đích thực sẽ tìm đủ mọi cách để làm cho mình trẻ hơn.”
“Tại sao anh cứ coi em là nhóc con vậy? Em chỉ kém anh ba tuổi thôi.”
Allan liền chỉ vào trái tim và nói: “Nhóc con hay không chủ yếu do cái này quyết định.”
Ngải Mễ không biết tại sao anh luôn coi cô là nhóc con, cô nghĩ, có lẽ phải đợi đến khi mình thi đỗ đại học thì anh chàng mới không nghĩ thế nữa.
Có Allan làm gia sư, Ngải Mễ học hành rất chăm chỉ, điểm số cũng tiến bộ rõ rệt. Mẹ đi họp phụ huynh về rất vui, nói với bố rằng, Ngải Mễ từ vị trí thứ năm nhảy lên vị trí đầu tiên, cô giáo khen dạo này học hành rất tiến bộ.
Ngải Mễ nói: “Con đã bảo là nhờ anh ấy làm gia sư là sáng suốt mà! Không chỉ phụ đạo được tiếng Anh, những môn khác anh ấy cũng phụ đạo được.”
Mẹ liền nhắc nhở với ẩn ý khác: “Con cố mà học, thi đại học điểm không ra gì thì cậu ấy sẽ coi thường đấy.”
“Chắc chắn là con sẽ thi tốt mà.” Ngải Mễ khẳng định rất tự tin. “Anh ấy bảo con rất thông minh, anh ấy cũng biết là con muốn thi khoa tiếng Anh của trường Đại học B, nói chắc chắn là con sẽ đỗ.”
Đột nhiên mẹ lại diễn thuyết một tràng về tác hại của việc yêu sớm. Ngải Mễ nghe nhưng không đồng tình, cũng không phản đối, bụng thì nghĩ, mẹ không nói về tác hại của yêu sớm thì thôi, giờ mẹ đã nói chuyện này đáng sợ như vậy, con sẽ thử mạnh dạn bước tiếp xem thế nào.
Chương 8
Năm ấy, khi Ngải Mễ cầm trên tay tờ giấy gọi của khoa tiếng Anh trường Đại học B theo đúng nguyện vọng, người đầu tiên cô muốn chia sẻ niềm vui này là Allan nhưng anh đã về miền Nam làm thêm hè, sang thu vào năm học mới anh mới quay lại.
Đó là kỳ nghỉ hè dài đằng đẵng. Ai cũng biết kỳ nghỉ hè sau đợt thi đại học là thời gian khiến người ta muốn phát cuồng. Những kẻ thi đỗ có thể tha hồ ăn chơi nhảy múa, kẻ nào bị trượt cũng có thể phát cuồng trong tuyệt vọng. Những người điểm thi dưới điểm sàn thì như giẫm trên lớp băng mỏng, mất ăn mất ngủ đến phát điên; những kẻ điểm thi sát điểm sàn thì như bị treo bên bờ vực thẳm, lo lắng, hồi hộp đến phát điên… Có kẻ thì tìm cửa chạy chọt muốn phát điên, có kẻ thì phát cuồng vì tổ chức cỗ bàn mời khách… Tóm lại là những gia đình có con thi đại học đều ở trong trạng thái có thể phát điên bất cứ lúc nào.
Ngải Mễ cũng ở trong trạng thái không điên thì cuồng, nhưng sự cuồng của cô không liên quan nhiều đến việc thi đại học, hoặc có thì cũng chỉ là do tự nhiên không còn áp lực học hành nữa, người lúc nào cũng bay lơ lửng, tựa như sắp không đứng được trên mặt đất nữa.
Những ngày tháng nhàn tản càng khiến nỗi nhớ cồn cào, ngày nào Ngải Mễ cũng nhớ về Allan đang ở miền Nam. Mấy tháng qua, tuần nào cũng được gặp anh một lần, thói quen này đã ngấm vào máu, bây giờ lâu lắm không được gặp anh thế này, cô như người mắc bệnh nhưng không biết là bệnh ở đâu mà chỉ thấy khắp người bức bách, khó chịu.
Nếu không sợ việc Allan không đồng ý thì cô đã xuống miền Nam tìm anh.
Cô viết về anh trong nhật ký, hát về anh trong nhiều ca khúc, có lúc cả trang nhật ký chỉ viết mỗi tên anh, tiếng Anh, tiếng Trung, viết ngang, viết dọc, viết bằng tay trái, viết bằng tay phải, kiểu gì cũng có. Có lúc cô lại tìm hết các thành ngữ có chữ “Thành” hoặc chữ “Cương” ra và chép lại hết lần này đến lần khác. Thỉnh thoảng cô lại vẽ anh ở góc độ thẳng hoặc nghiêng. Cô cảm thấy mình nhớ nhung đến mức phát cuồng đến nơi. Cô rất lo lắng, sợ đến học kỳ sau Allan quay về thì cô đã biến thành một kẻ điên đầu bù tóc rối, ánh mắt đờ đẫn lang thang đầu đường xó chợ…
Cuối cùng cô đã tìm ra cách giữ cho đầu óc tỉnh táo để không phát điên là viết tiểu thuyết. Cô viết chuyện của cô và Allan thành một truyện ngắn, bày tỏ nỗi niềm của người thiếu nữ. Đó đều là những cảm nhận sâu sắc của bản thân cô, thế nên văn thơ rất lai láng, ít nhất là không mất sức. Viết đến nỗi đau thì nước mắt tuôn trào, viết đến những cái ngọt ngào thì cười tủm tỉm…
Mẹ có vẻ thắc mắc, bèn vờ như vô tình hỏi: “Ngải Mễ, con sao vậy? Thi đỗ nên tinh thần bất thường à? Hay là để mẹ nhờ ông đồ tể nào tát cho con một cái nhé?”
Ngải Mễ nghĩ bụng, thi đỗ trường Đại học B mà phải đến mức điên rồ ư? Đúng là coi thường mình quá! Để chứng tỏ mình hoàn toàn tỉnh táo, cô hỏi một câu đầy ẩn ý: “Mẹ ơi, tại sao mẹ nói chuyện rất giống bố viết bài, còn bố nói chuyện lại rất giống mẹ viết bài vậy?”
“Có nghĩa là sao?” Mẹ thắc mắc.
“Bố nói chuyện thì khô như ngói, nhưng bài viết của bố lại rất hóm hỉnh, hài hước. Mẹ thì nói chuyện rất hóm hỉnh nhưng bài viết lại khô khan.”
“Nói như thế có nghĩa là bố con người không bằng văn, còn mẹ thì văn không bằng người đúng không?” Mẹ cười, nói. “Mẹ thích thà là văn không bằng người còn hơn, nếu so với văn thì người vẫn quan trọng hơn, dù gì thì văn là bộ phận bên ngoài của người.”
Ngải Mễ liền hỏi: “Thế trước đây mẹ yêu bố là do mắc lừa trước những bài viết của bố ư?”
“Ừ, cũng có thể coi là như vậy. Bố con viết văn rất hài hước.”
“Con muốn xem văn chương của Allan thế nào. Mẹ nói là anh ấy dịch được khá nhiều tác phẩm rồi mà sao con chẳng tìm được bài nào cả?”
“Nó cũng giống mẹ, chỉ dùng bút danh thôi.”
“Tại sao không dùng tên thật ạ?”
“Có lẽ vì những cái đó chỉ là tác phẩm văn học bình thường, nếu sau này trở thành dịch giả nổi tiếng, đọc lại những cái mình đã dịch từ hồi trẻ chắc chắn sẽ ngượng đỏ mặt.”
Ngải Mễ quyết định sẽ không dùng tên thật trong tác phẩm đầu tay của mình, những cái cô đang viết chỉ là câu chuyện tâm tình mà thôi, chắc chắn là rất ngây ngô, sau này trở thành đại văn hào, cô sẽ đỏ mặt vì những cái mình viết khi còn trẻ. Dùng bút danh, đến lúc đó cãi bay là xong.
Sau khi viết xong tiểu thuyết, cô cũng chẳng quan tâm đến cái gọi là đạo đức nghề nghiệp mà gửi ngay cho mấy tòa soạn tạp chí mà cô thích. Cô biết đạo đức nghề nghiệp của nhà văn là không được phép gửi một tác phẩm cho nhiều nơi, nhưng cô nghĩ, ta không phải là nhà văn, thế nên đạo đức nghề nghiệp của nhà văn không quy phạm được ta.
Mỗi tạp chí cô đều sử dụng bút danh khác nhau, cô lấy từ điển ra rồi lật đại một trang, tìm lấy một chữ là họ của bút danh, lại lật sang trang khác, kiếm lấy một chữ khác làm tên cho bút danh. Cô đắc ý nghĩ, nếu sau này mình trở thành nhà văn lớn, người đời sau nghiên cứu về mình chắc chắn sẽ nghiên cứu về bút danh của mình. Họ đâu có biết rằng mình tìm bút danh theo cách này, làm họ phải vắt óc để nghiên cứu.
Xem ra câu nói gieo hạt nhiều thì vụ mùa bội thu cũng khá chuẩn, khi kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, cô nhận được thông báo rằng có hai tạp chí chuẩn bị đăng tiểu thuyết của cô. Cô mừng đến phát điên, nhưng cô biết một tác phẩm không được phép đăng hai nơi nên đành phải từ chối một tờ, điều này giống như những người phụ nữ có bầu thai đôi mà không được sinh, phải bỏ một, đau đớn vô cùng.
Sau khi tiểu thuyết của Ngải Mễ được đăng lên tạp chí, tòa soạn gửi tặng cô hai cuốn tạp chí và tiền nhuận bút, dĩ nhiên đó không phải là con số ghê gớm gì, nhưng đây cũng được coi là khoản thu nhập đầu tiên trong đời cô. Tạm thời cô vẫn chưa muốn cho Allan đọc, thiên cơ không được để lộ, con gái phải biết giữ ý giữ tứ, đợi anh chàng theo đuổi cô.
Sau khi vào năm học mới, Ngải Mễ vẫn yêu cầu Allan đến phụ đạo môn nói cho cô, cô nói là đã lên đại học thì càng phải trau dồi môn này vì hiện tại cô đã là sinh viên khoa tiếng Anh, nói tiếng Anh không ổn sao được? Allan không có ý kiến gì, vẫn chọn chủ đề, chuẩn bị tài liệu, cùng cô luyện tập như trước, nhưng sau một thời gian, anh bắt đầu bận rộn hơn nên đã điều chỉnh lịch học từ mỗi tuần một buổi xuống còn hai tuần một buổi.
Mãi không thấy Allan có động tĩnh gì, Ngải Mễ bắt đầu sốt ruột, chỉ sợ anh lại đem lòng yêu cô nào ở trường, bị người khác phỗng tay trên mất.
Không có cách nào trút bày tâm tư, cô lại viết tiểu thuyết. Lần này cô viết một câu chuyện có hai kết cục khác nhau, một cái là happy ending - hai người đến được với nhau và một cái là sad ending - nữ chính uống thuốc ngủ tự tử. Sau khi gửi bản thảo, lại có hai tạp chí nhận đăng ngay. Một tạp chí khá bình dân, bỏ đi kết cục buồn, còn tạp chí kia sang hơn thì bỏ đi kết cục đại đoàn viên.
Ngải Mễ chợt ngộ ra rằng, hóa ra văn học cao nhã là lấy sự bất hạnh của nhân vật để tạo nên cái cao nhã cho mình. Trong con mắt của các văn nhân cao nhã, người yêu nhau đến được với nhau là mô típ quá nhàm. Không đập vụn những cái tươi đẹp cho người đời xem thì sẽ không chen chân được vào văn đàn cao nhã. Sự phát hiện này đã khiến cô quyết định từ nay trở đi sẽ sống theo lẽ sống của dòng văn học thông tục và viết theo lối viết của dòng văn học cao nhã. Trong cuộc sống, cố gắng để có được kết cục đại đoàn viên, còn trong tác phẩm, cố gắng để truyện nào cũng có vài người chết.
Một hôm, Ngải Mễ thấy bố nói Allan đang chuẩn bị tốt nghiệp sớm, mặc dù bằng tốt nghiệp đến tháng Bảy mới có, nhưng anh có thể đi xin việc sớm. Biết được tin này, cô vô cùng bàng hoàng, anh chuẩn bị tốt nghiệp ư? Từ trước đến nay cô chưa bao giờ nghĩ đến việc một ngày nào đó anh sẽ tốt nghiệp, và sau khi tốt nghiệp chưa chắc anh đã ở lại thành phố này. Trong tiềm thức, cô cho rằng không nghĩ về một việc nào đó thì việc đó sẽ không xảy ra.
Ngải Mễ cảm thấy thực sự không thể đợi thêm được nữa. Cô cho rằng anh không theo đuổi cô chủ yếu là do anh vẫn coi cô là trẻ con. Cô nghĩ, nếu mình theo đuổi anh ấy mà anh ấy coi thường mình, điều đó chứng tỏ là anh ấy không xứng đáng nhận được tình yêu của mình, ít nhất mình có thể phát hiện ra điều này sớm và dập tắt ảo tưởng hão huyền.
Và thế là cô bắt đầu cuộc tấn công của mình. Một hôm, cô biết được thông tin tối thứ Sáu trường anh có tổ chức khiêu vũ, bèn gọi điện thoại hỏi Allan có đưa cô đi được không. Anh đồng ý, nói là sáu rưỡi tối thứ Sáu sẽ đến nhà đón cô.
Tối thứ Sáu, còn mấy phút nữa là đến sáu rưỡi, Allan gõ cửa nhà Ngải Mễ, cô đứng trong phòng ngủ nói vọng ra: “Cửa không khóa đâu, anh cứ vào đi!”
Anh liền đi vào và đợi cô ngoài phòng khách.
Khi mặc chiếc váy dài trắng thướt tha từ phòng ngủ đi ra, Ngải Mễ nhìn thấy Allan sững lại, một lát sau mới nói: “Ấy, em mặc như tiên nữ vậy, xem ra anh phải thay bộ khác thôi.” Cô phát hiện ra anh chỉ mặc quần áo như ngày thường.
“Sao thế? Dạ hội khiêu vũ trường anh không ăn mặc nghiêm chỉnh à?” Cô tò mò hỏi.
“Khiêu vũ sinh viên nên rất thoải mái. Nhưng không sao, cũng có người ăn mặc chỉnh tề lắm. Bọn mình đi thôi!”
Cô vội nói: “Đợi em một lát, em đi thay quần áo, nếu anh không mặc nghiêm túc thì em cũng không nên mặc quá nghiêm chỉnh, nếu không anh lại không nhảy với em nữa.” Cô chạy vào phòng ngủ và thay sang một chiếc váy khác thoải mái hơn, nghĩ một lát liền chạy ra phòng khách, quay lưng vào anh, nói: “Anh kéo hộ em cái khóa sau lưng, em không với được.”
Allan ngoan ngoãn kéo khóa lên cho cô rồi nói: “Xong rồi, đi thôi! Hôm nay lạnh đấy, nhớ mặc áo khoác dày vào.”
Buổi khiêu vũ hôm đó đã khiến cô thấy cần thiết phải sớm cưa đổ anh, vì cô nhận ra có khá nhiều cô gái thích anh, một số quen anh, một số thì không quen. Họ cứ nhìn anh chằm chằm, có người còn bước đến mời anh nhảy, nếu không có cô ở bên cạnh, không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Từ đầu đến cuối anh chỉ nhảy với cô, bản nhạc nào cô cũng nhảy, vì chỉ cần ngồi xuống là có các cô gái khác sẽ đến bắt chuyện với anh, cô sợ anh bị người khác mời đi nhảy mất.
Mỗi lần có người đến mời nhảy, Allan liền đáp: “Xin lỗi, mình có đưa bạn nhảy đến.” Nghe thấy câu này, Ngải Mễ vừa mừng vừa lo. Cô rất vui vì anh đã từ chối người khác, nhưng câu nói này của anh cũng có nghĩa là nếu hôm nay không đưa bạn nhảy đến, anh sẽ nhảy với người khác. Cô không hiểu tại sao đám con gái đó lại táo bạo như vậy, trong dạ hội khiêu vũ đáng lẽ con trai phải đi mời con gái chứ? Hơn nữa từ đầu đến cuối lại có cô ở bên, chẳng lẽ họ coi cô là người tàng hình à?
Nhưng rồi cô lại đặt mình vào địa vị của đám con gái đó. Đôi khi, động cơ còn mạnh hơn cả phép tắc, con người ta cũng chẳng quan tâm được đến những phép tắc thông thường nữa, cho dù là trên sàn nhảy hay trên tình trường đều như vậy.
Cô quyết định tối hôm nay sẽ chơi bài ngửa với anh, thành bại được quyết định trong buổi tối hôm nay. Sáng mai tỉnh dậy, mình có thể sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian hoặc là người bất hạnh nhất thế gian, nhưng chắc chắn sẽ không thể tiếp tục sống trong sự kìm kẹp giữa hạnh phúc và bất hạnh như hiện tại nữa.
Chương 9
Buổi dạ hội chưa tan thì Allan đã đề nghị đưa Ngải Mễ về nhà, anh nói là tối nay anh phải về nhà cô Giản, về muộn quá sợ ảnh hưởng đến mọi người. Cô biết người mà anh đang nói là một người bạn của bố mẹ anh ở thành phố J, sau khi bố mẹ anh di cư sang Canada, cuối tuần anh thường đến nhà cô Giản. Cô còn biết nhà đó chỉ có một cô con gái tên là Giản Huệ, tên tiếng Anh là Jane. Thấy anh bảo về nhà họ Giản, cô lại càng sốt ruột, bây giờ cô cảm thấy tất cả các cô gái đều là tình địch ngầm của mình.
Allan đưa cô lên tận nhà nhưng khi cô mở cửa, anh liền cáo từ: “Em nghỉ sớm đi, anh về đây.”
Cô liền năn nỉ: “Anh vào nhà ngồi đã. Bố mẹ em không có nhà, sang nhà bà nội em rồi.”
“Thôi, còn phải đạp xe gần tiếng đồng hồ nữa, anh về muộn quá thì ảnh hưởng đến mọi người trong nhà.”
“Hôm nay anh bắt buộc phải về đó à?”
“Anh không báo trước với mọi người, không về sợ mọi người lo.”
“Thế anh bỏ em một mình ở đây mà không sợ em buồn à?” Nước mắt cô bắt đầu rơm rớm, giọng nghẹn ngào hỏi. “Có phải anh ghét em lắm không?” Nói rồi nước mắt bắt đầu lăn xuống.
Cô thấy anh bắt đầu luống cuống, gọi nhỏ: “Ngải Mễ, Ngải Mễ, đừng làm thế….” Thấy cô khóc mỗi lúc một to, anh liền đẩy cửa, kéo cô vào nhà, bật đèn phòng khách và để cô ngồi xuống sofa.
“Sao vậy?” Allan lo lắng hỏi. “Đang vui vẻ, sao tự nhiên lại khóc vậy? Không sợ mọi người đi qua nhìn thấy à?”
Cô càng khóc lớn. “Nếu nhịn được thì em có khóc ở ngoài không?” Rồi cô thút thít nói: “Em đã phải nhịn rất lâu, rất lâu rồi…” Cô càng khóc dữ dội, càng nghĩ càng buồn hơn, mặc dù cô không biết rốt cuộc mình đang nghĩ gì, chỉ biết là muốn khóc mà thôi.
Cô khóc mãi, anh liền luống cuống hỏi: “Ngải Mễ, em làm sao vậy?”
“Anh cứ mặc kệ em, để em khóc cho thỏa lòng, bình thường có người ở nhà, đến cơ hội khóc em cũng không có.”
Anh nhìn cô với ánh mắt khó xử, rụt rè hỏi: “Ngải Mễ, em làm sao vậy? Em cứ khóc thế này thì anh biết đường nào mà lần. Anh đã làm sai chuyện gì ư? Em nói cho anh biết, nếu làm sai chuyện gì thì anh sẽ xin lỗi em.”
“Xin lỗi suông thì giải quyết được gì? Nếu chuyện đó anh sai thì anh có sửa chữa không?” Cô sụt sịt hỏi.
“Nếu lỗi của anh thì đương nhiên là anh sẽ sửa, nhưng em đừng khóc nữa, em khóc thế này làm anh rất buồn…”
“Cái sai của anh là mãi không chịu theo đuổi em.” Cô thật thà nói. “Em đợi từ lâu lắm rồi, em khóc quá nhiều rồi, chỉ có điều anh không biết mà thôi.”
Allan nhìn cô hồi lâu mới nói: “Nhưng em vẫn là cô nhóc…”
Cô chỉ vào ngực trái của mình, hỏi: “Anh đã từng nói rằng, trẻ con hay không chủ yếu do chỗ này quyết định, đúng không?”
Allan gật đầu, nhưng cô không đợi anh nói mà kéo tay anh đặt lên bầu ngực trái của cô. “Anh xem đi, em có còn là con nít nữa không?”
Mặt Allan đỏ rực, anh cười khẽ và nói: “Em hiểu sai ý anh rồi, anh nói là trái tim chứ không phải…”
“Không phải là gì?” Cô ngước lên nhìn anh chằm chằm, hỏi.
“Không phải là tấm khiên bảo vệ trái tim…” Tay anh bị cô túm chặt và đặt trên tấm khiên dày của cô, khiến anh thấy không tự nhiên, nhưng anh không rút tay ra mà chỉ nhìn cô chăm chú. Cô phát hiện ra đôi mắt to, đen láy của anh có thể nhìn cô chằm chằm mà không chớp mắt. Cô cũng thử nhìn anh không chớp mắt nhưng cô nhận ra rằng rất khó làm được điều đó, càng không muốn chớp thì lại chớp càng nhanh.
Cô né tránh cái nhìn của anh, đưa bàn tay còn lại đặt lên ngực anh, nói: “Anh đừng nói em là con nít, thực ra anh còn con nít hơn em, anh có thừa nhận không?”
Allan cười rồi rút tay ra. “Thừa nhận, thừa nhận, anh nhỏ hơn em, em thắng còn anh thì thua cuộc. Cái miệng này của em đã cãi nhau thì không ai địch nổi.” Anh véo nhẹ mũi cô rồi nói: “Không là con nít thì sao lại khóc ầm ĩ như vậy? Làm anh không hiểu đầu cua tai nheo thế nào.”
Đang khóc mà cô cũng phải phì cười, cô lấy móng tay bấm vào huyệt thái dương, nói: “Em cũng đang đau hết cả đầu vì khóc đây.”
“Hay là để anh xoa bóp cho? Mỗi lần mẹ anh đau đầu, anh đều mát-xa cho mẹ anh thế này, rất hiệu quả.” Allan bảo cô nằm xuống giường rồi lấy một cốc nước lạnh, chấm ngón tay vào nước và xoa bóp cho cô, đầu tiên là mát-xa cho mắt, sau đó mát-xa đến cả phần đầu và sau gáy cho cô. Ngón tay anh lành lạnh đặt trên mặt cô, tóc cô, gáy cô, rất dễ chịu, một cảm giác tê tê ngự trị từ đầu xuống chân. Cô cảm thấy đầu nhẹ hẳn, toàn thân trở nên thư thái, dễ chịu vô cùng.
Anh vừa xoa bóp vừa nói: “Từ sau em không được khóc như thế này nữa đâu đấy! Khóc thì có giải quyết được vấn đề gì đâu. Có chuyện gì không vui thì cứ nói với anh, đừng có vừa nói chuyện được vài câu đã khóc lóc, khiến anh cũng chẳng biết đã xảy ra chuyện gì. Rốt cuộc hôm nay tại sao em lại khóc vậy?”
Cô liền đứng dậy, đi vào phòng ngủ và nói: “Anh vào đây, em cho anh xem cái này.”
Allan chưa bao giờ vào phòng ngủ của cô, anh đến gần cửa phòng liền dừng lại. Cô chạy ra kéo anh vào, ấn anh ngồi xuống giường cô và cho anh đọc tiểu thuyết cô viết. Anh đọc rất chăm chú, còn cô thì ngồi bên cạnh anh, tay ôm chặt cổ anh. Cô cảm thấy cảnh tượng này ấm áp, ngọt ngào biết bao, chắc chắn cô sẽ đưa nó vào tác phẩm sắp tới.
Đọc xong, Allan liền quay sang cười, nói: “Cái đầu của em nhỏ mà chứa được nhiều thứ nhỉ? May mà còn thi đỗ Đại học B…”
“Sức mạnh của tình yêu mà. Liệu em có trở thành nhà văn nổi tiếng được không?”
Allan gật đầu. “Là nhà văn lớn rồi còn gì, đây là tạp chí rất nổi tiếng.” Rồi anh hỏi: “Chi tiết lấy trộm thuốc ngủ nhà văn lớn đọc được ở đâu vậy?”
“Tại sao anh lại bảo là đọc được ở đâu?” Cô sửng sốt hỏi. “Ý anh nói là em đạo văn ư? Đó là tác phẩm em tự viết, là trải nghiệm của em, em đã tích trữ rất nhiều thuốc ngủ rồi…” Cô mở ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ cho Allan xem. Anh đón lấy rồi nắm chặt trong lòng bàn tay, đứng dậy đi vào nhà vệ sinh, mở nắp ra và đổ hết vào bồn cầu, xả nước cho thuốc trôi đi hết.
Cô cười khúc khích, nói: “Đổ cứ việc đổ, đằng nào cũng không mất tiền, lúc nào cần lại kiếm sau…”