Rèm cửa đôi mắt tôi dần mở. Đồng tử giãn ra giúp tôi thấy rõ dần mọi vật, đầu tiên là trần nhà màu trắng, kế đến là rèm cửa màu vàng chanh đang đung đưa theo cơn gió thổi vào từ cửa sổ. Nắng chói một màu trắng lóa. Tôi gượng dậy, một tay chống để cơ thể tựa vào thành giường, tay kia đan những ngón vào mớ tóc rối lù xù, đôi đồng tử sau một lớp bầy nhầy đang phục hồi cảm giác nhìn bằng cách đảo thị trường xung quanh căn phòng. Không có ai, vắng lặng như loài người đã di trú đến một thiên hà khác rồi vậy.
Tôi ngồi bó gối trên tấm dra trắng nhăn nhúm rúm ró, lấy lại cân bằng ột cơ thể cũng nhăn nhúm rúm ró không kém. Một chút rượu cùng thứ đồ ăn nào đó chua khoẳm còn đọng trên môi. Tối qua có lẽ tôi đã uống khá nhiều, nên toàn thân bắt đầu đòi biểu tình, não bộ như vừa trải qua một trận bão, tức là mọi thứ dữ liệu hoặc bị cuốn phăng hoặc bị đảo lộn đến hoang tàn.
Bảo không có nhà, giờ này có thể nó đang ở triển lãm. Nó luôn bận rộn. Nhưng nó phải gặp tôi ngày hôm nay, vì đã đưa tôi vào quầy bar để giải khuây thì phải có trách nhiệm chở tôi về nhà tôi. Và hơn thế, trong cơn say ngút ngàn, Bảo vẫn còn nợ tôi một câu trả lời.
Tôi bước xuống giường, nhìn quanh căn phòng một lần nữa: những tấm hình chụp hôm lễ tốt nghiệp của Bảo, nó cười nhe răng, tôi choàng tay nó, mặt nhăn mày nhíu đầy biểu cảm. Một tấm ảnh khác, Bảo chụp một cô gái đang đi trên vạch trắng về phía nhà thờ Đức Bà. Có những tấm hình chụp bâng quơ, không rõ chủ thể, nhưng chàng trai đã từng lí luận, những tấm ảnh như vậy có sứ mệnh níu giữ một khoảnh khắc đẹp nào đó-những thứ đang chết hoặc chuẩn bị chết-vào một ngày không xa. Bảo hồ hởi chụp, bất kể đang vui hay đang buồn, ngày nắng hay mưa. Gấp gáp. Vội vã. Bảo trả lời lúc thì chụp để lên tay nghề, thử nước thuốc, thử lens, dài dòng thì như cái lí luận trên, còn ngắn ngủn đơn giản dễ hiểu thì: Tại tao thích!
Thế nên trước mặt tôi bây giờ là một khoảng tường chi chít những bức ảnh trắng đen màu mè panorama đủ các thể loại. Trong đó có một tấm Bảo chụp lén tôi với Đoan đang ngồi cà phê. Bức ảnh chụp xóa phông, viền bằng những đóa hoa trăng trắng li ti, làm cho đôi tình nhân nổi bật hẳn. Tôi vừa cười vừa nói thì thầm vào tai Đoan, cô ấy bẽn lẽn. Một vẻ ngại ngùng rất gợi cảm. Tấm hình đẹp, lãng mạn. Nhưng tôi không thích.
Vì sau trận bão càn quét trí óc, cô ta là người đầu tiên tôi muốn bị cuốn phăng đi.
Tôi bước xuống giường, đá phải chiếc điện thoại, vừa lúc nó rung lên bần bật, phát ra bản nhạc với giọng ca mệt mỏi nhưng mê dụ của Dido: “I haven’t really ever found a place that I call home/ I never stick around quite long enough to make it."
-Mày thức chưa thằng khốn?
-Vừa bước xuống giường.
-Tao chuẩn bị về, đang mua đồ trên Sarah Oner- chỗ cũ của mày đây, đợi chút nhe!
Sau đó tôi nghe tiếng cười, tiếng trò chuyện lào xào, chắc hắn đang nói chuyện với chủ gallery. Tôi cố gắng dùng khả năng ngôn ngữ còn sót lại để xem xem mình sẽ nói gì với hắn, chọn lựa cách nói sao cho không sỗ sàng, không lên gân, quan trọng là thật tình, nói tao không tin là mày lại làm những chuyện này, mày là số ít người còn sót lại mà tao tin tưởng, tao biết mày là người tốt mà. Với tao, mày không phải là nhiếp ảnh gia Vũ Bảo của công chúng mà là thằng Đỗ Bảo-bạn thân từ hồi ngủ chung kí túc xá với tao. À không, ý tao là, chẳng trầm trọng gì lắm đâu, chỉ là một cô gái thôi mà. Nothing at all. A b c, xx yy. Cái quái gì thế này?
Cửa mở, Bảo bước vào, mùi nước hoa xộc lên nhức mũi.
-Xin lỗi mày, hôm nay người hâm mộ hơi bị đông, thang máy hỏng nên tao đi bộ hơi bị lâu, mấy con nhỏ tiếp thị hơi bị đẹp…
Đợi cho Bảo đi tắm (thằng này càng về sau tắm táp càng lâu lắc), thay quần lót và áo thun, cho bồn nước không chảy những tiếng ồn ào nữa, tôi kêu Bảo ngồi xuống, nhìn bằng ánh mắt nửa thiết tha, chân thật nửa kiên quyết, mạnh mẽ, ném xuống giường một vật mảnh nhưng có cảm giác nặng nề khủng khiếp:
-Đây là cái gì, mày tự chụp phải không?
Bảo ngừng lau khô tóc, xoay tấm ảnh lại, ngắm nghía một hồi, cười khảy:
-Sao mày có được nó?
-Báo mạng hôm nay đăng đầy.
-Là của tao chụp thì sao? Mà không phải thì sao? Hơn nữa, người trong ảnh đâu phải là mày.
-Tao không nói mày, hay tao, tao chỉ hỏi cô gái đang ôm eo mày đằng sau, là ai?
Tôi dùng ngón trỏ dí vào gương mặt với mái tóc xoăn rũ rượi, cằm tựa một cách âu yếm vào vai của Bảo. Mặc dù cô gái ôm Bảo từ phía sau, dù tấm dra mỏng đã che chắn đúng nơi đúng cách, nhưng có thể nhận ra họ đã không có một mảnh vải nào trên người.
-Cái này người ta kêu bằng tự sướng, chỉ là kỉ niệm thôi mà, một khoảnh khắc đẹp.
Tôi từ phía sau vịn vai Bảo, nói thì thầm vào tai: “Tao hỏi lại, cô gái trong ảnh là ai? Đoan phải không?”
(…)
-Đồ khốn! Mày không phải là thằng Bảo tao quen biết!
-Quên đi Phong! Đoan không phải là của mày!
-Nhưng mày thừa biết tụi tao yêu nhau!
Bảo đáp trả không thua kém, rằng mày đơn phương thôi Phong à, mày ngộ nhận cái thứ tình yêu vĩnh cửu đó hả, mày chẳng qua là thằng tự kỉ gặp đúng người lắng nghe nên đâm ra yêu mến thôi, mày và Đoan có thề thốt gì chưa, mày hiểu cô ấy bao nhiêu phần trăm.
Tôi im lặng. Bảo nói đại ý, thành phố này không đẹp đẽ như mày nghĩ đâu. Tất cả những tấm ảnh này, góc đường này, con phố này và cả cô gái này nữa, chỉ là bề ngoài được chụp lại thôi. Tao thất vọng khi biết rằng mày đã ở đây được hai năm rồi đấy!
2.
Tôi gặp Đoan trong năm đầu học cao học. Ngày đầu tiên nhận lớp tôi nhìn thấy cô ấy, cầu trời để cho cô gái này học chung lớp với mình. Và tôi được mãn nguyện. Đoan thậm chí còn đến chỗ ngồi của tôi làm quen trước. Cô ấy thông minh, xinh đẹp, chân dài, tóm lại là không có gì phải phàn nàn. Đoan biết tôi thích cô ta nên cư xử rất phải phép, biết quyến rũ đúng cách, khiến tôi chết mê chết mệt. Đoan nói chuyện nhã nhặn và biết lắng nghe khi cần. Đó là lúc tôi kể việc mình tự thân lên thành phố lập nghiệp và bắt đầu gặp trở ngại. Khi tôi say sưa kể đến đoạn mình bị một gái gọi lừa giữa đêm, Đoan véo mũi, bảo: Anh khờ lắm!
Sau một tháng quen nhau, tôi quyết định khoe chuyện này với Bảo. Bảo đòi xem hình, tôi móc ví ra đưa tấm ảnh chân dung nhỏ nhắn. Cậu chàng ngắm nghía, đưa xa đưa gần, tấm tắc: cô gái này thú vị đây!
Thời gian đó Bảo đang loay hoay với mớ ảnh chân dung và việc làm sau khi ra trường, than Phong ơi chắc tao mở tiệm chụp hình thẻ kiếm cơm quá. Lúc đó, chuyện học cao học đã trở nên ám ảnh với tôi. Trong lúc chờ phỏng vấn xin việc, tôi tranh thủ biên tập mảng tin thời sự giúp Di. Di nói tôi nên tranh thủ vào đài làm bất cứ việc gì, ai bảo gì làm nấy, đừng chê việc. Di biểu bây giờ có trình độ cỡ nào mà thiếu kinh nghiệm cũng không hay đâu. Một bữa Di dắt tôi đến trường quay. Tôi đứng ngoài ngó ngó nghiêng nghiêng, thấy phía trên phát thanh viên mặc vest thắt caravat xanh đầu bóng mượt, phía dưới bàn mặc quần đùi hoa lá cành chân đầy lông lá. Nhưng nhìn vào màn hình thì mọi thứ đâu vào đấy, hoàn hảo. Hôm sau tôi cũng vào trường quay ngó bâng quơ. Một lúc sau đám thanh niên ào đến lấp kín chỗ ngồi, tôi lọt thỏm ở giữa. Ca sĩ đến. Lúc ra về tôi được nhận một trăm nghìn.
Từ đó tôi kiêm luôn một công việc mà Di gọi: người vỗ tay thuê, vào những ngày cuối tuần.
Nói một cách dễ hiểu, đó là công việc mà bạn chẳng cần trình độ gì nhiều, đơn giản là ngồi nghe, vỗ tay đúng lúc, tham gia trò chơi hoặc giao lưu (nếu chẳng may bị bắt lên), gương mặt phải đầy biểu cảm (nếu chẳng may bị cái máy quay quay trúng). Truyền thông có một sức mạnh kì lạ. Tôi kiên nhẫn để xem mình sắp vỗ tay vì điều gì, thị hiếu người nghe bây giờ là cái gì.
Di nhắn tin báo tám giờ rỗi thì vào vỗ tay, tôi à ờ, một lúc sau đã ngồi hàng ghế phía tay phải màn hình. Ca sĩ đến trễ mười phút. Ơ, anh này có phải là Rubic Trần không nhỉ, ông hoàng với những clip nhép? Cuộc phỏng vấn hơi lâu lắc, người dẫn chương trình gợi lại quá trình thành danh của Rubic, hỏi anh hát nhép từ bao giờ, mắc gì hát nhép, anh có nghĩ mình sẽ nổi tiếng vì những cái video nhép đó không. Ca sĩ trả lời thật thà theo kiểu rởm đời, nói hát nhép vì buồn, ai ngờ lượt xem lên đến hai triệu. Chóng mặt. Thế là thành sao!
Nghe đến đây đạo diễn chương trình bắt chúng tôi vỗ tay nhiệt liệt. Chúng tôi vỗ tay rì rào, vẻ phấn khởi. Ca sĩ tỏ ra xúc động. Cuối cùng thì Rubic Trần từ hát nhép giọng người khác chuyển sang nhép giọng của chính mình, trong một ca khúc vừa tung ra kịp thời, như một lời tri ân khán thính giả, bài hát có tên: “Baby xin đừng yêu tôi!”
Trong đoạn cuối chương trình, khi dòng chữ kết thúc bắt đầu chạy trên màn hình, chúng tôi cũng phải vỗ tay để áy quay quay lại một cảnh đầm ấm: Rubic Trần ôm lẵng hoa của người hâm mộ, chúng tôi hoặc vây quanh hoặc làm nền, ủng hộ cho sự nghiệp giải trí đầy kịch tính của anh ta. Đến đây thì hết. Tôi nhận năm mươi nghìn với đôi tay mỏi dừ.
Tôi kể chuyện này cho Đoan nghe, say sưa. Đoan cười cười, nói em cũng từng làm những việc mắc cười như vậy, nói ra sợ anh không tin. Tôi hỏi việc gì, Đoan hôn lên trán, thì thầm: sau này anh sẽ biết!
Bảo khoe với tôi rằng những tấm ảnh đầu tiên của nó đã được nhận tiền khá cao. Tôi hỏi bộ mày vừa được giải thưởng nhiếp ảnh FIAP hả. Nó nói hong phải, ảnh tao chụp ca sĩ được đăng trên mục giải trí, mấy cái này người ta cần. Cô ca sĩ này muốn chụp ảnh khỏa thân bảo vệ môi trường, sau đó trả cho tao hơn chục triệu.
Từ đó về sau tôi ít liên lạc với Bảo, nghĩ, nó có việc của nó, còn tôi phải trang trải cho việc học trong khi hồ sơ xin việc cứ trôi mất dạng.
Đoan không đến lớp học nữa. Em nhắn tin bảo có việc gấp liên quan đến sự nghiệp, anh đừng lo. Tôi tin em. Ngày hôm nay lớp tôi có buổi liên hoan giữa kì với thầy dạy môn quản lý dân sự kiêm truyền thông. Cuộc vui có tính chất đưa đẩy, đang đến hồi cao trào, vị tiến sĩ ngả nghiêng tiết lộ những kinh nghiệm quý báu: “ Các cậu mua thịt chó mắm tôm thết tôi là phải phép đấy, người ta hay mắng đồ con chó này con chó nọ, nhưng đời tôi lắm khi nhờ mấy lần đãi thịt chó mới có cái gọi là tiến sĩ. Chó thật!
Mọi người vỗ tay rần rần, tán thưởng, nói đời mắc cười quá ha thầy ha. Tôi không cười, hôm sau tôi bỏ thi.
3.
Lần cuối cùng tôi đến trường quay là vào một ngày trời đẹp. Poster khu vực nền chụp nhiếp ảnh gia Trần Vũ Bảo đang ngẩng đẩu nhìn về một hướng nào đó, tôi không biết. Cái nhìn khắc khoải, đầy tính văn nghệ. Bảo giờ đã là tay săn ảnh có tiếng trong giới nghệ thuật, nói chính xác thì anh là gương mặt vàng chuyên chụp ảnh cho nhiều nghệ sĩ, trong đó quá nửa là ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Tôi cuối cùng cũng là thằng vỗ tay thuê. Nhưng tôi có mặt ở đây là để xem anh ta nói những điều gì, có đáng vỗ tay không.
Bảo ăn mặc lãng tử, phong trần nhưng không kém phần sành điệu, đeo cặp kính đen. Người dẫn chương trình ngồi đối diện. Chúng tôi tiếp tục là những người hâm mộ cuồng nhiệt làm nền. Một bầu không khí vừa tập trung vừa sôi động rất phải cách, tùy tay đạo diễn. Bảo trả lời chậm rãi, giọng nói lúc thăng lúc giáng lúc thì thầm đầy kịch tính, có lúc bông đùa hài hước rất hợp thời, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để có một chương trình hấp dẫn.
-Lúc mới chụp ảnh tôi hơi bị tưng tưng, tôi bắt lấy nhiều khoảnh khắc độc đáo lắm, như tấm này, một tay lái xe bị giật ví giữa đường, té nhào, tiền bay tung tóe, mọi người xung quanh xúm lại, nhặt tiền. Một không khí thật ngộ nghĩnh. Thì ra anh chàng này khá giàu đấy các bạn ạ!
-Thế anh có nhặt tiền không?
-Không, nếu tôi nhặt tiền thì làm sao bắt được tấm ảnh thằng cha lái xe đang ngồi mếu và mọi người xung quanh đang hồ hởi thế này?
Xung quanh phá lên cười, vỗ tay râm ran.
MC là người thông minh, biết dẫn dắt. Trong lúc mọi thứ đang vui vẻ như thế này anh ta chuyển sang một câu đầy giá trị: Thế còn các cô gái? Anh chụp ảnh cho họ từ bao giờ?
-Tôi yêu… Sài Gòn, tôi yêu phụ nữ, và hơn nữa…vì bạn gái tôi làm nghề người mẫu.
MC tỏ vẻ vừa ngạc nhiên vừa thích thú, há miệng ra ồ rõ to, ngay khoảnh khắc đó, máy quay số 3 quay cận cảnh Bảo đang nhướn mày. Máy quay số 2 đang chạy tạch tè trên thanh ray cũng ngừng lại, chỉa thẳng vào gương mặt bất cần của một khán giả-là tôi, trong ba giây. Tấm hình cô người mẫu mới nổi Thường Đoan (nay là Cindy Đoan) chụp bán nude hiện ra trên máy chiếu làm nền đã rơi vào trung cảnh máy quay rất đúng lúc. Mọi thứ đổ dồn vào Bảo, như thể anh ta sắp cung cấp một bí mật:
- Chúng tôi đã từng khám phá cơ thể của nhau, trong lúc chụp ảnh.
Mọi thứ im bặt, lời của Bảo có sức dao động như ai đó ném viên đá xuống mặt hồ tĩnh để tạo ra nhiều vòng tròn loang. MC hơi ngơ ngác trước tình huống. Đám cổ động viên nhìn nhau. Nhưng tay đạo diễn là người có nghề, gã ra hiệu cho MC nói tiếp, mặt hơi khó chịu như muốn nói, tiếp đi, đồ ngu, đây là thông tin hấp dẫn, phải biết khai thác, chương trình này mới có tính cạnh tranh, người ta không chỉ xem một lần mà xem lại trên internet nhiều lần, mới có tiền quảng cáo, đồ ngu, tiếp đi…
-Ồ, vậy là chúng ta còn biết một Vũ Bảo phong trần, từng trải trong tình trường và cũng rất thẳng thắn.
-Vâng, vấn đề này không phải ai cũng dám nói, nhưng chúng tôi yêu nhau, chúng tôi tin nhau, và muốn công bố ọi người biết, tình yêu của chúng tôi là mãi mãi. Sex là thứ cần thiết để thăng hoa trong tình yêu.
-Hóa ra đây là là một sự khẳng định mạnh mẽ tình yêu của một cặp đôi quyền lực trong giới “sâu bít xì”: nhiếp ảnh gia Vũ Bảo và siêu mẫu Cindy Đoan, thưa quý vị!
Gã đạo diễn cho dừng chương trình, trực tiếp lên sân khấu bảo chúng tôi phải vỗ tay mạnh hơn nữa, gương mặt phải như thế này (ông ta nhe răng làm các cô gái tuổi teen chết cười). Gã biểu các cô gái phải thể hiện ánh mắt nhiều hơn, ông ta nói bí quyết thành công trong ngành giải trí là phải diễn đạt hơn sự thực, phải gây sự chú ý, nghe hôn mấy đứa. Nói rồi ông ta kêu trợ lý trao cho tôi tấm hình chụp Bảo, nói cậu ngồi hàng đầu thì phải huơ huơ tích cực (lúc này dĩ nhiên là Vũ Bảo không thể thấy tôi vì cậu ta ngồi xoay lưng lại).Vậy là tôi không cần phải vỗ tay, đúng không?
Khán giả phải vỗ tay lại, nối tiếp vào phân đoạn có câu nói: “…sex là thứ cần thiết để thăng hoa trong tình yêu”. Rất rầm rộ, thậm chí để dễ gây chú ý, trợ lý còn phát đạo cụ là hai cái bàn tay bằng xốp xanh đỏ màu sắc sặc sỡ để vỗ. Hay thật!
Cuối chương trình, Bảo tạm biệt nhanh, nói mắc chụp ảnh cho poster phim gì đấy. Tôi vào phòng chờ, đứng cạnh bàn trang điểm chung, nghe máy lạnh chạy ù ù. Tôi nhìn vào gương, thấy mình là một chàng hề. Nhưng Đoan vẫn còn là nữ hoàng. Tôi nghĩ cô ấy có uẩn khúc.
4.
Đoan gửi:
Dung hoi em gi nua, em khong tot dau. Anh dung yeu em. Co nhung dieu em muon nhung anh khong lam duoc. Anh la nguoi tot, nhung nhu vay thi chua du voi em.
06/04/2010 : 09:05 PM
Di gửi:
To bao cua Di hom nay nhan duoc tam hinh nay. Di nghi Phong can biet. Qua toa soan gui bai thi gap Di nhe!
07/04/2010 : 07:11 AM
Bảo gửi:
OK mày, tối nay gặp ở Xích Lô, tiền tao trả. Ở đấy hơi bị hay, mày thích nói gì thì nói cho đã.
07/04/2010 : 09:23 AM
5.
Sau một tháng, tôi cũng đã giành được học bổng du học ngắn hạn Fumari, tất cả cũng nhờ Di. Di là người vừa sâu sắc vừa hồn nhiên còn lại mà tôi biết (mấy ông bạn cao học hồi xưa hay nói: “em hồn nhiên rồi em sẽ bị điên” hoặc “hồn nhiên như bà điên”). Đi cũng là để trở lại, để hiểu hơn thành phố này, đất nước này, hiểu hơn về mình. Còn năm tiếng nữa máy bay cất cánh, Di sẽ ra tiễn ngay sau đó. Trong một phút bồi hồi, tôi gọi như sám hối cho Bảo, nói tao muốn vào phòng lab của mày, lần cuối. Bảo trở nên nổi tiếng hơn nhiều sau vụ lộ ảnh phòng the, anh ta ậm ờ, nói tao đang dự sự kiện, coi nhanh rồi ra, tao có thuê hai vệ sĩ ở trước cổng đó nghe mậy.
Tôi bước vào phòng lab. Một màu đỏ quặp, như máu. Trong thứ ánh sáng lờ nhờ, tôi nhìn thấy những tấm ảnh mới nhất, những cô người mẫu trần truồng treo lủng lẳng trên dây, ướt đẫm một màng nước. Tôi tìm lại những tấm ảnh đã cũ, từ hồi nó mới vào nghề.
Tôi dùng bật lửa đốt tấm hình của tôi chụp chung với cậu ta và Đoan, trong quán cà phê Sarah Oner cũ kĩ, cái ngày đầu tiên tôi cho Bảo gặp Đoan.
Lửa bén chầm chậm, một góc ảnh quăn queo, đen đúa.
“ Đoan hơi bị đẹp, chân hơi bị dài, sao Đoan không nói anh Phong ủng hộ mình đi làm người mẫu, ha anh Phong ha? Ha ha?”
Lửa liếm hết phần rìa bên dưới, bốc khói lên gương mặt Bảo, nụ cười cậu ta cũng bốc cháy.
“ Em nghĩ anh chưa hiểu luật chơi, trò nào cũng có luật, mọi người đều phải tuân theo luật anh à. Mà muốn thắng thì phải chơi bằng não, không ai chơi bằng trái tim.”
Lửa uốn lượn nơi gương mặt Đoan, từ đôi mắt trong veo cháy ngút ngát một vệt xanh trắng.
“Vâng, xin cám ơn những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả. Chính khán giả mới là những người giúp chúng tôi thành công và định hình trong giới giải trí này, xin cám ơn rất nhiều…”
Lửa tụ lại chân dung của tôi. Gương mặt rạng ngời dần bị méo. Nhìn tôi trong ảnh y như đang tự thiêu. Với thứ chất liệu cuối cùng, lửa bùng lên cháy thành một màu ngũ sắc rất rực rỡ, chói lòa. Căn phòng bừng lên một khoảnh khắc những gương mặt người.
Tôi thả cái thứ đó xuống chậu nước rửa phía dưới. Vụn đen. Khói. Và tiếng xèo xèo như từ biệt.
Tôi vỗ tay.
11. Đời tựa phiêu sinh
Truyện ngắn của Thẩm Hạ
1.
Đám ma Lệ Đào đông nườm nượp, đầy những hoa lan, hoa hồng và những lời thương tiếc có cánh. Túc trực hai bên quan tài là hai chàng Dũng Sĩ mặt xanh rờn đầy âm khí. Một là chồng, một là người yêu.
Khi làm lễ di quan, Bảo Ngọc, con trai nàng nhất định phải lật ngược di ảnh, ai nói thế nào cũng chẳng thể thay đổi. Vì sợ qua “giờ tốt”, thuận cả lịch Tây lẫn lịch Ta là chín giờ sáng ngày chín tháng chín năm hai nghìn linh chín, nên gia đình nàng đành phải chiều ý đứa trẻ nhỏ mà cho xoay ảnh thờ đi vậy. Chỉ khi người phó nháy chuẩn bị vào kiểu và gia đình nhà tang lễ xoay chuyển theo những “tư thế” nghiêm trang, người họ hàng của nàng mới giằng co với đứa bé để ảnh của nàng được ngay ngắn. Thành ra, trong cái nghiêm trang của lễ tiễn đưa lại có cái sự hài hước của một cuộc “đấu” nho nhỏ.
Quả thực là một cảnh trí lạ lùng.
2.
Càng lạ lùng hơn bởi ngay lễ hạ huyệt, một cao thủ Tướng số đến gặp anh trai Lệ Đào mà rằng, “Tôi vừa quan sát thấy thân mẫu của Đào đã tạ thế đúng ngày này, ba năm về trước. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là tang trùng tang, và có lẽ trong thời gian ngắn nữa chúng ta phải làm lễ cải táng hoặc một vài lễ gì đấy, kẻo ba năm sau thằng cu Bảo Ngọc….”. Người thầy tướng số tử vi bỏ lửng câu nói. Người anh duy nhất của Đào, người còn sót lại cuối cùng của chi họ Phạm Lê, vội sụp lạy mà rằng, “Vâng, cháu biết rồi. Để mọi việc qua đi cháu sẽ nghĩ cách”. Anh quay đi, nước mắt lưng tròng, không hiểu vì thương em, lo sợ cho cháu trai hoặc giòng dõi gia tộc?
Vừa hay thằng bé Bảo Ngọc như được nhắc đến, chạy loanh quanh khắp khu huyệt mộ, miệng cười tươi roi rói. Ai trông qua cũng xót xa cho Lệ Đào và cháu nhỏ, nó còn bé quá đã biết buồn là gì đâu? Trong nụ cười nhiều âm sắc của nó, trong dáng vẻ vô ưu của nó, dường như lại có điều chi bất ổn. Miệng nó cười mà mắt và nét mặt lạnh tanh, hệt như chàng Sĩ, bố nó. Trong cái buồn và sự hiu hắt của một người trẻ tuổi chịu tang vợ, đôi lúc lại ánh lên cái đắc ý ngầm, và tinh mắt lắm mới thấy được sự thỏa mãn tiềm ẩn trong tướng mạo lạ lùng của một người sát vợ, hại con.
3.
Đáng ngạc nhiên vô cùng là mẹ chồng của Lệ Đào, bà Chuẩn, là người nghiên cứu tử vi hai mươi năm có lẻ. Vì thế, khi Lệ Đào còn sống, bà một mực chối bỏ nàng dâu tươi xinh. Trong lá số tử vi của nàng, dường như bà đã đọc được điềm báo trước của ông Thiên: Đào Hoa Kình Dương thủ mệnh, Thái âm hãm địa Thái Dương mờ ám chiếu về- đây là cách cục của người đàn bà có khả năng làm nhiều gia đình tan nát. Vì thế, bà Chuẩn hết sức can gián con trai, nỗ lực ruồng bỏ cô con dâu có nguy cơ làm tán gia bại sản của mình. Trong sự hy vọng tròn vẹn đắc đạo cho gia phong oanh liệt của mình, dường như bà Chuẩn cố hành xử như thể cái tên bà được mang.
Bà chỉ không biết rằng, ngay khi bà bắt đầu lao vào cuộc chiến để rẫy bỏ Lệ Đào, chính bà đã thay nàng trả nghiệp làm người phụ nữ khiến gia đình tan nát. Chính bà, chứ không phải Lệ Đào, là người phá hoại hạnh phúc của gia đình mình, và của tiểu gia đình con trai độc đinh của bà.
Nguy hại thay sự vi diệu của tạo hóa, ai mà biết trước và tưởng rằng mình có thể hóa giải nó, người đó tất chịu tai họa đầu tiên. Và bà Chuẩn, tử vi xem số cho người, hại thay, đã quên mất phải xem lá số ình. Mà có khi, với sự đắc thắng của một người sống đời nhiều nghịch cảnh mà vẫn vượt lên được, bà còn tự ình đang làm đúng?
4.
Cho đến khi mất, trên danh nghĩa, nàng Lệ Đào vẫn chỉ có một chồng. Oái oăm là, chỉ còn đúng một tuần nữa sau cái chết của nàng, thì nàng sẽ được cấp giấy ly hôn. Vậy là, “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”, hệt như lời nàng đã cầu xin vào cái ngày nàng nhờ thầy bói chọn giúp cho ngày tốt mà làm lễ hợp hôn. Trong sự dao động mãnh liệt của người con dâu bị từ chối, trong tình yêu say đắm của người con gái trẻ, nàng đã quyết chí lấy cho bằng được chàng Sĩ, bất kể những trở ngại về không gian, về địa lý và cả của bà mẹ chồng cao tay ấn. Quả tình, dường như mối tình của nàng đã động lòng Thiên, chàng Sĩ và nàng bao lần hợp tan, tan hợp, mà vẫn chưa đủ cấu thành một sự chia lìa. Kể cả khi ra tòa ly hôn sau nhiều lần hòa giải, số mệnh trêu ngươi vẫn cho nàng được làm gái có chồng khi đã lìa đời.
Và thế là, chàng Sĩ tội nghiệp một đời bị mẹ bức bách, một thời điêu đứng vì nhan sắc Lệ Đào, một tấm lòng đau đớn ngày ra tòa để được cấp phép lìa xa, lại phải túc trực bên linh cữu, lạy tạ biết bao người thân đến viếng Lệ Đào.
Thực là ngậm ngùi và nhiều oan trái.
5.
Chàng Sĩ nào phải người hiền lành nhu thuận, dù cái vẻ ngoài tưởng chừng nho nhã của chàng dễ dàng đánh lừa nhiều người. Giọng nói chàng êm nhẹ, nghe như tiếng đàn, tiếng nhị, từng lời nói của chàng cũng ngọt, cũng thanh. Tuy bề ngoài chàng không có gì đặc sắc, nhưng chính cái hình dong kém nổi trội lại cho người phụ nữ đa truân cảm giác an tâm vì được kề cận: chàng là một người an toàn, vô hại, một người đàn ông của gia đình. Sự thực cũng chứng tỏ điều ấy: bất kể bao lần Lệ Đào xé mấy lần rào, chàng Sĩ vẫn là một nơi rộng mở để nàng trở về.
Lạ thay, đối nghịch với ngoại hình ung dung, mảnh dẻ là nhiều chấm phá trần tục trong lối sống và sinh hoạt của chàng. Tướng ăn của chàng là một điểm đáng nói. Chàng ăn uống cũng không nhiều, song toàn tợp những miếng to, đặc biệt thích ăn thịt cả tảng lớn. Trong khi ăn, mồ hôi chàng đổ rào rào, thấm ướt cả áo trong lẫn áo ngoài. Dù trời mưa to gió lớn, dù bão hay đông lạnh, mồ hôi vẫn thi nhau đổ xuống như mách bảo về sắc dục vô độ của chàng. Chàng nhai tóp tép, hở miệng, như thể tính xấu không giấu được mãi, dù khi trò chuyện răng chàng không lộ qua môi đích thực là biểu hiện của sự khôn ngoan, giữ ý. Trên gương mặt sáng sủa vầng trán cao lồ lộ, đôi tai dài, đôi môi hồng tươi thanh tú của vị tiến sĩ trẻ là đôi mắt thỉnh thoáng lộ thần của tù hãm, u ám của lòng nghi ngờ, thủ thế, và đặc biệt là nốt ruồi “trích lệ chia phu” ở cả hai bên má như báo trước điềm tang chế ở Phu thê.
Tiếc nay Lệ Đào chỉ là một nữ nhi thường tình, làm sao thấy được những biểu hiện đó trong nội tâm và cả ở sắc tướng của chồng. Lệ Đào lại phải đối phó với sinh kế, với bà mẹ chồng, sinh con đẻ cái. Nàng cũng chẳng phải là một người logic lắm để hiểu rằng, tất thảy cái tính cách của chồng mình là do giáo dục gia đình mà nên. Đối với một người đàn bà đứng tuổi, một người mẹ, mà chỉ dùng lá số tử vi như một phương tiện để hành xử thiếu tình người, hụt lòng nhân ái, thì vị tất chàng Sĩ sẽ chỉ đối phó với nàng như thể một công cụ trong tay mà thôi. Với cái thiên phú thư sinh nho nhã của mình, chàng Sĩ sẽ chẳng bao giờ có thể dám phản đối mẹ như cưỡng đạo Trời. Trong cái cung kính bề trên có sự ngấm ngầm chấp nhận điều sai trái mà không dám phản đối, và bao bức bí thì dồn hết cả về tiểu gia đình. Hệt như bao tinh anh đã phát tiết ra ngoại hình nom thì đẹp đấy, nhưng sắc thái xấu xa thì đổ dồn về một cái tướng ăn ở vậy.
Và vì thế, tuy mở cửa đón Lệ Đào trở về nhiều lần, trái tim chàng Sĩ vẫn cứ lạnh băng như thể được đúc bằng thép khối, chẳng khác gì báo hiệu trước rằng Lệ Đào sẽ phải tiếp tục ra đi, dù nàng phải nuốt lệ rất nhiều lần để dựng xây từ đổ vỡ. Mới hay, cố gắng từ một phía không thôi chưa đủ, từ hai phía cũng chưa đủ thay!
6.
Cần có thêm một “chân” nữa để quan hệ của họ được bền vững như kiềng ba chân. Chàng Dũng là cái chân thứ ba đó. Đồng cảnh tương lân, họ lao vào nhau khi cả hai cùng đang ly thân với nửa kia của mình. Ngược với chàng Sĩ so đo tính toán, thêm thiệt bớt hơn là chàng Dũng xởi lởi chân tình, cho đi không cầu báo đáp. Chàng đối với Lệ Đào bao gồm cả thái độ của một người cha với con gái bé bỏng, một người anh đối với em, và một người bạn đối với bạn. Nếu chàng Sĩ là một chiếc chậu cảnh để nuôi cây Đào kiểng, thì chàng Dũng là cả một khu vườn bất tận và cả một người làm vườn kỳ công.
Ba hôm liền mưa gió, chàng túc trực bên linh cữu Lệ Đào, không từ nan những việc linh tinh mà hai gia đình tang chế không làm xuể. Ấy vậy mà, đến giờ khâm liệm, động quan, di quan, chàng Dũng tịnh không xuất hiện bên cạnh, bởi chàng tin rằng tuổi của chàng và Lệ Đào không hợp nhau, sự có mặt của chàng làm cho người quá cố thêm vương vấn. Chàng không khóc, không đon đả đón chào khách như bà Chuẩn, cũng không kể lể những câu chuyện liên quan đến Lệ Đào với khách khứa như chàng Sĩ. Người tinh ý nhìn chàng vẫn thấy bình an vô sự, không một tẹo u ám như chàng Sĩ. Chỉ có thầy Tướng pháp lâu năm mới nhận ra cái sự đại tang trình bày trên gương mặt phúc hậu.
7.
Trong những câu chuyện hai chàng ôn lại kỷ niệm với Lệ Đào với khách viếng tang lễ, chàng Sĩ tịnh nói đến việc giải thoát, tịnh độ, và nói về nỗi lòng chàng của những ngày đau khổ bên Lệ Đào; trong khi chàng Dũng thì chỉ một mực, “tôi vẫn cảm giác nàng còn đang kề bên” khi nói về những niềm vui sướng của hai người yêu được ở bên nhau.
Kể ra, câu chuyện tình yêu của Lệ Đào với người chồng đã đến hồi kết, còn với chàng hôn phu thì chỉ mới bắt đầu.
8.
Đoạn kết đám ma Lệ Đào lại là một câu chuyện bi hài khác nữa. Người cao thủ Tướng Số đến chia buồn với cao thủ Tử vi, bà Chuẩn. Trong một lời tiên tri, vị cao thủ Tướng Số đề nghị bà Chuẩn thu xếp cho Bảo Ngọc được đi nước ngoài ăn học để tránh bị vắn số. Bà Chuẩn cười khẩy, “Này bác ơi, thằng bé nhà nháu Tham Lang ngộ Tràng Sinh, nó phải sống lâu bằng ông Bành Tổ ấy chứ!”. Lão thầy Tướng số ma quái gật gù, “tôi sẽ cho chị xem bàn tay với đường Sinh Mệnh nát bét của Bảo Ngọc”. Nói rồi, lão thầy ma mị túm lấy thằng bé đang khóc thét, giật ngửa bàn tay nó ra. Thằng bé cứng đầu vù té chạy, hệt như cái thái độ can trường của nó lúc lật ngược di ảnh của mẹ nó vậy. Nó khóc lu loa, tiếng khóc lại nghe rinh rích như tiếng cười, mắt tịnh không giọt lệ.
Hai vị cao thủ nhìn nhau. Bà Chuẩn hiên ngang trong cương vị một người chủ nhà đầy quyền uy cao giọng hỏi, “Này, bác kia, thế bác bảo xem trong tướng con dâu nhà tôi có cái yểu tướng nào không?”. Lão thầy Tướng số bèn gật gù ra chiều tâm đắc, rồi mới thủng thẳng vuốt râu mà rằng, “Tịnh không một nét yểu tướng nào ở Đào nữ nhà chị, Tử vi của cháu được sao Dưỡng của vòng Tràng Sanh là tốt lắm. Tuy nhiên, nếu có nghiên cứu sâu về tử vi và tìm hiểu thêm về Địa Kiếp thủ Mệnh, thì sẽ hiểu rằng, ai có Địa Kiếp ở Mệnh thì sẽ phải trả giá cho lỗi lầm của chính mình gây ra ở ngay tại kiếp này.” Dừng lại một chút để thưởng thức cái kinh ngạc của bà Chuẩn trước sự hiểu biết của người mà từ đầu đến giờ bà rất xem thường, lão thầy Tướng số tiếp tục, “Tuy nhiên, Lưu Hà đóng ở Thiên Di có phần dự báo rằng Lệ Đào phải hết sức cẩn thận về đường sông nước khi đi xa, Kình Dương Tí Ngọ Mão Dậu như thế nào thì chị đã biết rồi đấy. Xin mời chị tiếp tục thưởng thức tính toán những sao lưu và luận ra dễ dàng giờ tạ thế của Lệ Đào”.
Nói xong lão tướng số cúi chào và lững thững che ô đi ra. Bầu trời đột nhiên quang đãng, một con bướm vàng từ đâu đó trong nghĩa trang chấp chới bay đến, đậu mãi trên vai lão thầy tướng. Bà Chuẩn sắc mặt từ xanh dần chuyển sang vàng bủng rồi ửng hồng, rồi hóa xám, rồi đỏ và cuối cùng đen sì trở lại. Bà lảo đảo dựa vào một gốc cây, may mắn là thằng bé Bảo Ngọc chạy đến nói cười làm bà tĩnh trí lại. Nó xòe tay vòi bà bồng nó, và trong một khoảnh khắc thần diệu bà đột nhiên nhìn thấy đường Sinh Đạo gập ghềnh của thằng cháu đích tôn của mình.
9.
Có những tiếng thở dài nặng nề như thể rừng cây xào xạc lá. Bát hương bỗng rùng rùng cháy đỏ lần thứ hai trong ngày. Một người đàn ông trong ca đoàn vội vã dập tắt, và trong lúc hấp tấp cứu lửa, một quả lê và một quả đào từ mâm trái cây bỗng lăn ra. Chàng Dũng rùng mình nhớ lại có lần nàng Lệ Đào kể rằng, có vị tu hành từng khuyên nàng nên cải tên thành Lê Đào để được hưởng phước duyên. “Cũng chưa muộn lắm,” chàng Dũng thở dài và thầm nghĩ sẽ thêm tiền cho người khắc bia mộ để viết “sai” tên Lệ Đào một tẹo.
Rừng cây lại xào xạc lá.
Thủ Đức, Tháng 9, 2009
12. Trả thù
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Sa Kha
Mụ vợ gục xuống, tức tưởi. Cả thân hình phốt phát, béo ị nung núc rung lên theo nhịp nấc. Chiếc bàn con rung lên theo. Chiếc ghế nhựa có vẻ là thứ chịu đựng nhiều nhất - cũng nhấp nhổm theo cái nhịp đớn đau của mụ. Minh bình thản đứng nhìn. Không rung động. Không cảm giác.
Gã chồng cúi gằm mặt xuống đất - cái hành động muôn thuở của những kẻ tội đồ. Di di chân mạnh xuống mặt xi-măng loan lỗ, tưởng chừng, không làm vậy, hắn sẽ không bám trụ được, sẽ bốc hơi và bay mất. Không nói được lời nào. Không còn xun xoe nịnh nọt hay dối trá. Minh vẫn bình thản đứng nhìn. Không xúc cảm.
Nhìn chán chê, Minh đứng dậy một cách từ tốn, chậm rãi, điềm tĩnh - những thứ Minh những tưởng đã vĩnh viễn rời khỏi mình trước đó chỉ một đêm - cười nhạt: “Thôi, tôi về, anh chị cứ từ từ giải quyết!”. Mụ vợ bật dậy theo, lao đến, chụp mạnh tay vào bờ vai thuôn gầy của Minh. Minh lại cười nhạt: “Chị muốn gì? Giải quyết bằng tay chân à?”. Mụ vợ rống lên như bị chọc tiết: “Tao giết mày, con hồ ly tinh”. Minh không phản ứng gì ngoài tiếp tục nụ cười lạt của mình. Trơ mắt nhìn mụ, đợi chờ… Gã chồng lao đến, gỡ tay mụ vợ khỏi vai Minh: “Thôi! Về! Về nhà nói chuyện!”. Mụ vợ gào thét trong nước mắt: “Nói gì? Hả? Còn gì để nói nữa? Đâu là nhà? Đó còn là nhà của anh sao?”. Gã chồng lặng im. Minh khe khẽ cau mày, thách thức: “Muốn gì thì nhanh lên, tôi còn phải về!”. Mụ vợ nghiến răng ken két, giựt mạnh tay khỏi tay gã chồng, xấn xổ đến Minh: “Đồ mặt dầy. Đi giựt chồng người ta mà còn trơ tráo!”. Minh cười lớn: “Ăn nói cho cẩn thận. Tôi mà muốn giành giựt, chị chẳng có cơ hội mà nhìn thấy cái vẻ hèn nhác đó đâu!”. Vừa nói Minh vừa ngất mặt về phía gã chồng vẫn cúi gằm mặt gần đó… Nói rồi, Minh quay bước đi thẳng. Bỏ lại phía sau gã chồng hèn hạ lặng im và mụ vợ thình thịch giậm chân xuống đất: “Trời ơi là trời!”…
Mẹ đưa Minh ly chanh đá mát rượi, thở dài đánh sượt: “Nó có đáng để con phải đau khổ vậy?”. Minh lắc: “Con đau khổ gì đâu, mẹ!”. “Còn chối nữa! Con soi gương, nhìn lại con đi, người không ra người, ma chẳng ra ma” - mẹ lại thở dài, quay ra. Minh vục mặt vào gối, nén tiếng khóc.
*****
Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ phức tạp, rất phức tạp! Yêu - ghét là hai từ Minh liệt vào danh sách những “tính từ biểu cảm”. Thế rồi, đã có người xuất hiện - một người mà vốn kiến thức ngôn ngữ không bằng một phần trăm của Minh - chứng minh cho Minh biết “yêu” là động từ và “ghét” cũng là động từ. Ngặt cái nỗi, những gì hắn chứng minh, Minh buộc phải thừa nhận là đúng!
Khi hắn đổ lên người Minh, hì hục thở gấp cái hơi thở thèm khát của hắn dọc cả cơ thể Minh, hắn đã bảo: “Cho anh… yêu em nhé!”. Minh gật! Không phải chỉ là Minh đồng tình với lời đề nghị của hắn. Minh gật, vì Minh phải thừa nhận, ở đây, “yêu” rõ ràng là động từ.
Khi Minh cáu giận, khóc lóc, hắn chỉ ngồi lặng im. Đến cái nắm tay hắn cũng chẳng buồn nghĩ đến. Minh lại khóc, hỏi hắn: “Tại sao?”. Hắn thờ ơ: “Sao em hay thích dằn vặt mình? Anh ghét em như vậy! Và, đã ghét thì không thèm đụng tới nữa!”. Minh ơ hờ nghĩ: “Hóa ra, ghét vẫn chỉ là tính từ, chỉ là, cái tính từ ấy quyết định một động từ liên đới. Thế, có thể hiểu rằng, ghét là một động từ thụ động…”.
Minh yêu hắn - vô tư, mù quáng - mà ngay cả tự bản thân Minh cũng không hiểu vì sao mình lại yêu. Hắn quá bình thường - nếu không muốn gọi là tầm thường - so với Minh. Nhưng, Minh yêu và cứ yêu, không cần lý giải, bởi, nếu lý giải được, thì đó không còn là tình yêu.
Hắn yêu Minh - có lẽ thế - cũng có những thứ mù quáng vô cùng. Ví như, giữa đêm, hắn mặc kệ tiếng khóc của con, lao ra đường, chạy đến tìm Minh, chỉ để nói: “Anh yêu em!” rồi về! Yêu Minh, hắn trẻ con và ỷ lại. Nhưng, Minh thích thế! Có lẽ, bởi Minh quen với chuyện người khác dựa dẫm vào mình.
Minh ghen, ghen kinh khủng. Người duy nhất Minh không ghen - vì Minh không có quyền ghen - đó là vợ hắn. Minh hay tự nhủ với mình: “Không nên ghen với người thua mình, bởi, vậy là tự hạ thấp mình!”. Đó là thứ khiến Minh nhẹ nhõm hơn mỗi khi đêm về, nghĩ đến hắn đang giang tay vỗ về giấc ngủ cho vợ hắn, bởi, mụ chả có gì bằng Minh - sắc đẹp, trí tuệ, vị trí… Rồi chính Minh lại tự làm mình mệt mỏi khi ghen tuông với những cô gái quanh hắn - vẫn chẳng ai bằng Minh. Hắn đa tình, “máu me” và tởm lợm. Đó là lý do hắn luôn dán mắt mình vào ngực mấy con tiếp viên rẻ tiền - ngay cả trước mặt Minh. Đó là lý do hắn luôn bỡn cợt với những cô gái khác quanh hắn bất kỳ khi nào hắn có cơ hội - cũng ngay cả trước mặt Minh… Cái lý thuyết về ghen người hơn mình của Minh thành mục ruỗng, vô nghĩa! Minh hạ mình đi ghen với mấy con điếm rẽ tiền!
Hắn cũng ghen, ghen kinh khủng. Hắn ghen với tất cả đàn ông quanh Minh. Nhưng, hắn không bao giờ nói rằng hắn ghen, hay những từ đại loại như vậy. Mỗi khi ghen, hắn hay bảo: “Bên em, anh thấy mình nhỏ bé quá! Thôi thì em cứ cho họ cơ hội, có lẽ, họ sẽ làm em hạnh phúc hơn anh!”. Mỗi lần hắn nói vậy, lòng Minh lại chông chênh. Minh thấy sợ! Sợ mất hắn! Sợ chạm đến tự ái của hắn… Và, thế là, Minh thu mình lại, không quan hệ, không tiếp xúc với bất kỳ người đàn ông nào có chút “dấu hiệu” khiến hắn có thể ghen! Minh cứ tưởng, như vậy sẽ làm hắn yên tâm, sẽ làm hắn hiểu lòng Minh hơn để yêu Minh hơn!... Tất cả cũng chỉ là “tưởng”!
*****
Vợ hắn nói như gào vào điện thoại: “Không biết nhục hay sao đi giựt chồng người ta?
”. Minh cười khẩy, bình thản trả lời: “
Tội nghiệp, ghen với người hơn mình, thấy bất lực lắm, nhỉ?
”. Minh thấy thương mụ. Dù gì cùng là đàn bà, Minh hiểu cảm giác của mụ. Nhưng, Minh ghét ai xúc phạm Minh, cho dù, Minh đang là người có lỗi. Thêm nữa, Minh khinh cái hành động của hắn khi cho vợ hắn số điện thoại của Minh - một kiểu để chứng minh hắn vô tội - để vợ hắn có cơ hội sỉ vả Minh.
Đàn bà, khi ghen, đâu nhất thiết phải gào thét, phải dọa nạt “đối thủ” của mình. Với Minh, bây giờ, chỉ còn là cuộc đấu trí, đấu sức, đọ sự tinh ranh, khôn khéo giữa Minh và mụ vợ của hắn. Bất chấp, bất cần… hay phó mặc, buông xuôi, tất cả đều là những động - tính từ mang nhiều hơi hám của sự bất lực, yếu kém! Minh không yếu kém, nên, Minh phải thể hiện khác!
Sau cuộc điện thoại với vợ hắn, Minh ân cần hơn, nhỏ nhẹ hơn, ngọt ngào hơn. Minh chiều chuộng hắn đến mức, đã có lúc, hắn tưởng mình là ông hoàng. Minh đã cấy ình cái suy nghĩ, rồi, hắn sẽ phải biết, cái Minh thật sự hơn những người đàn bà khác là gì. Hắn chẳng biết! Chẳng bao giờ hắn biết! Bởi, đàn ông - và đặc biệt là hắn - luôn nghĩ rằng, thứ họ nhận được là điều nghiễm nhiên họ phải được, chả có gì là “hy sinh” của người khác cả!
Sau khoảng thời gian chiều chuộng hắn, Minh phát hiện ra, mỗi ngày, Minh một yêu hắn nhiều hơn… và, Minh ghét mình vì điều đó! Hắn không đáng! Nhưng, giá mà tình yêu cũng là thứ có thể kiểm soát được như mọi thứ khác trong đời Minh. Tình yêu, nó là gì, Minh không biết nữa! Minh chỉ biết, những gì Minh hoạch định - Minh luôn lập kế hoạch ọi thứ trong đời Minh mà - đều không thể thực hiện trước hắn. Không lời giải thích nào, ngoài ba chữ: Minh yêu hắn!
Mẹ nhắc khéo Minh nhiều lần về mộ mối quan hệ không vững chãi. Minh chối bay biến. Không phải Minh sợ đối diện với những gì mình đang cần đối diện. Minh không thừa nhận với mẹ, chỉ vì, tiếng đời tai ác, mẹ sẽ đau khi biết rõ hoàn cảnh cuộc tình Minh, bởi, mẹ cứ đau đớn và lo sợ bởi cái câu: “Con gái sống nhờ đức cha!
”.
*****
“Nếu anh biết em phản bội anh, nếu để anh ghen thật sự… thì…
” - hắn bỏ lửng câu nói. Mình tròn mắt nhìn hắn. Hắn có quyền có hai người đàn bà trong đời, còn Minh thì không! Vô lý! Bất công!
Hắn giãn hẳn ra khỏi Minh từ sau lần vợ hắn gọi điện thoại “dằn mặt” Minh. Minh cố chạy theo, hắn cố tránh né! Hai đường thẳng song song thì làm sao gặp được nhau chứ? Đâu là vô cực, hả Minh? Hai điểm cùng di chuyển với cùng vận tốc trên con đường một chiều, sao Minh cứ tin rằng, sẽ có lúc điểm sau đuổi kịp điểm trước? Khờ quá, Minh ạ!
Mãi, đến khi Minh biết mình hoàn toàn bất lực. Khi Minh khẳng định mình chỉ còn là cái bóng mờ nhạt trong đời hắn, Minh nghĩ đến chuyện “trả thù”. Kế hoạch hoàn hảo xoay quanh ba từ “ngoại tình”, “ghen” và “trả thù” được Minh lập ra chi tiết. Hắn ngoại tình. Vợ hắn ghen. Minh trả thù… Tay ba trong cuộc tình éo le - như bao cuộc tình vụng trộm khác - khắc khoải chờ đợi cái kết tốt cho Minh - cái kết không thể có bao giờ!
Minh lục lọi trí nhớ của mình, rõ mồn một, về tất cả những gì hắn đã thì thào vào tai Minh những ngày xưa còn mặn nồng, khi Minh gối đầu trên tay hắn, thiêm thiếp ngủ. Minh nhớ! Nhớ rõ! Rất rõ! Về đứa con ngoài ý muốn vợ hắn ràng buột hắn. Về những cuộc ái ân chóng vánh, nhạt nhẽo không có đến một nụ hôn giữa hắn và vợ hắn. Về những cơn say cố tránh né vợ của hắn. Về những thứ liên quan đến hoàn cảnh mà hắn phải vin vào để gán hai từ “trách nhiệm” ình… Và, Minh bình thản, trơ tráo đến tìm vợ hắn.
Kết quả là cơn khóc tức tưởi của vợ hắn! Kết quả là sự phẫn giận vợ hắn muốn trút lên Minh nhưng không thành! Kết quả là cái cụp mắt hèn hạ của hắn!... Minh không sợ! Đau thể xác, nhanh qua. Tâm hồn Minh đau thế này, thêm chút cơn đau thể xác, có đáng gì? Minh kiêu hãnh đối diện với mụ vợ của hắn - người đàn bà thua Minh về tất cả mọi mặt - bởi, Minh tin chắc rằng, mình hơn hẳn “đối phương” và trên hết là Minh yêu hắn hơn mụ.
Minh ra về. Bình thản đón nhận cảm giác đau đớn. Bình thản đón nhận những giọt nước mắt của chính mình… Nhưng, làm sao Minh có thể bình thản trước tiếng thở dài của mẹ?
*****
Sau cuộc trả thù ấy, vợ hắn không bỏ hắn - hẳn nhiên rồi - điều này thì Minh biết trước, biết rất rõ. Và, Minh cũng không cho hắn bỏ Minh. Ràng buột một người đàn ông không khó! Nếu hai từ “ràng buột” đó chỉ giữ ở mức độ thể xác họ phải ngày ngày dẫn tới gặp nhau, nhạt nhẽo trong từng câu nói với nhau. Điều đó không quan trọng! Điều quan trọng hơn là Minh không để cho hắn toại nguyện với suy nghĩ thoát ra khỏi Minh.
Kế hoạch tiếp theo lại được Minh tỉ mẫn lập ra. Cũng là kế hoạch xoay quanh đến “ngoại tình”, “ghen” và “trả thù”. Lần này, người ngoại tình sẽ là Minh, người trả thù vẫn sẽ là Minh, và hắn phải là người ghen. Ghen nhưng không thể thể hiện!
Hàng đêm, Minh vỗ giấc ngủ của mình bằng cái khát khao tởm lợm, nhục nhã của một con đàn bà thiếu đói tình dục. Và, cái gì đến sẽ phải đến! Minh ngoại tình! Minh tự do, hoang dại bằng tất cả bản năng của mình, chìm đắm trong nỗi hoang lạc tìm thấy ở người đàn ông mới. Gã đàn ông mới này thỏa mãn cho Minh tất cả những gì Minh hằn trông chờ ở gã. Từ cái nắm tay, đến cái ôm, cái hôn và cả những bản năng thể xác… Minh thấy toại nguyện! Không phải chỉ bởi dục vọng được thỏa thê. Minh toại nguyện bởi Minh đã ngoại tình…
Minh tìm đến hắn, háo hức kể cho hắn nghe cơn trụy lạc đêm qua của mình. Hắn nghe. Bình thản. Không cảm xúc. Câu chuyện của Minh kết ở chỗ: “Khi tỉnh dậy, em nhận ra, dáng người đó là anh, nhưng… người đàn ông vừa ân ái cùng em, không có khuôn mặt!
”…
13. Như tiếng dương cầm
Truyện ngắn của Nguyễn Huyền Trang
Tôi hay có những giấc mơ dài, yên ả, nối tiếp nhau từ ngày này sang ngày khác, gắn kết với nhau ko hề lỏng lẻo. Và tôi vẫn dựa vào đó để an ủi mình trong cuộc sống đầy phức tạp mà tôi đang sống.Tôi đã từng nghĩ rằng, mình đang mắc một chứng bệnh gì đó. Tôi ko tin vào những câu chuyện hoang đường. Nhưng chẳng thể chối bỏ khi chính mình trở thành nhân vật chính trong đó.Đôi khi, tôi sợ mình đã phụ thuộc vào những giấc mơ quá nhiều. Nhưng tôi lại không muốn làm gì, để thoát khỏi sự phụ thuộc ấy. Phải chăng, người ta vốn không thể và không muốn thoát ra ngoài sự dịu dàng bao bọc mình quá lâu?
****
Tôi đã từng có một người anh, song sinh. Ngoại tôi kể, khi chúng tôi ra đời, người làng tránh xa gia đình tôi bởi vì chúng tôi là một cặp song sinh khác giới. Họ nói chúng tôi sẽ gây ra tai họa ọi người. Lớn lên tôi nghĩ những suy nghĩ mê tín đó thật buồn cười.
Bố mẹ tôi cũng vậy, họ gạt bỏ hết những lời dọa nạt rằng, nếu không tách chúng tôi ra, hoặc không đi cắt tiền duyên cho tôi thì 2 đứa con sẽ chẳng sống nổi. Nhưng tôi và anh cứ thế lớn lên. Lớn lên trong những dị nghị, lớn lên trong những mê tín, những hủ tục của xóm làng. Mọi người ai cũng nói chúng tôi là 2 đứa trẻ không bình thường, ít nói, trầm tính, chỉ biết chôn vùi thời gian tuổi thơ của mình vào những nốt nhạc. Mẹ tôi là một giáo viên dạy piano.
Năm 7 tuổi, anh tôi chết đuối. Chỉ là một tai nạn mà chẳng ai ngờ tới. Hàng xóm xì xào, chỉ chỏ. Bố tôi im lặng, mặt mày tái nhợt. Mẹ tôi khóc vật trước quan tài anh, chẳng cho ai phúng viếng, các bác tôi vào mẹ đều lắc đầu: “Các bác đừng vào, con em đang ngủ!”. Thỉnh thoảng mẹ lại cầm dao gọt gọt quả xoài, lấy khăn lau ảnh thờ và dỗ dành: “Dương dậy ăn xoài này, đừng ngủ lâu thế con”.
Khi mọi người trong gia đình dần dần chấp nhận sự thật, thì cuộc sống lại quay lại quy trình vốn có của nó. Tôi vẫn đi học mỗi ngày. Mẹ tôi bao bọc tôi luôn luôn. Hình như bà sợ phải mất thêm một điều gì đó. Tên Lê Ngọc Dương bị xóa khỏi danh sách lớp. Lúc ấy tôi thấy hụt hẫng đến nỗi khi cô điểm danh đến tên Lê Ngọc Vĩ, tôi im lặng không thể nói được lời nào. Rồi điểm danh cô giáo cũng chẳng gọi tên tôi nữa, cô thường nhìn tôi và gập sổ lại. Tôi lặng lẽ thu mình trong góc lớp học nhỏ bé.
Tôi vẫn gặp anh trong những giấc mơ. Chúng tôi vẫn cười khúc khích và chơi cùng nhau những bản nhạc hai đứa thích. Sáng tỉnh dậy, tôi vội lật chăn và chạy sang phòng anh. Tôi lục tung giường, rồi ngồi bệt xuống chân chiếc piano của anh mà gào khóc. Chiếc piano to, mặt gỗ lạnh cóng. Bố chạy vào bế tôi ra ngoài. Tôi vùng vẫy và cào xé tay bố xước dài từng đường. Sau hôm đó mẹ khóa phòng của anh lại và dấu chìa khóa đi. Khi ấy, tôi mới dần nhận ra sự mất mát quá lớn lao mà mình phải đối mặt, tôi đã quen có anh bên cạnh từ khi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ tìm mọi cách dạy tôi phải chấp nhận, Mãi đến sau này khi lớn thêm một chút, tôi mới tự ép lòng mình rằng, không có thói quen thì không có điểm yếu.
***
Bố tôi bắt đầu uống rượu, uống nhiều hơn bao giờ hết. Lúc đầu tôi thấy bố hay ngồi trong phòng và nhấp từng ngụm rượu trắng. Rồi bố cầm cả chai, ngồi nghe những bản sheet mà ngày trước mẹ tập cho hai anh em tôi và uống. Rồi dần dần tôi thấy không lạ gì những hình ảnh bố khật khưỡng cầm chai rượu đi khắp nhà vào ban đêm. Đến một ngày, bố giật tung cánh của xếp nhà vệ sinh và xông vào phòng ngủ đập lên tục vào mặt mẹ. Tôi hốt hoảng chạy đến ôm mẹ gào khóc. Cánh cửa cứ quất vào tay tôi nóng rát. Bố tôi vừa đánh, vừa gằn lên giận dữ: “Trả con cho tao”. Mắt bố đỏ lõi. Mắt tôi nhòe đi, hoa lên không biết gì nữa.
Khi ấy, tôi 9 tuổi.
Mẹ sinh em gái khi tôi 10 tuổi.
Bố bảo mẹ đặt tên em là Dương.
Mẹ lặng lẽ đi khai sinh.
Em gái tôi tên là Dương Cầm!
Tôi dành hết tình yêu của mình vào đứa em gái bé nhỏ. Mẹ lặng lẽ và ít nói. Bố vẫn uống rượu và đòi con ban đêm. Nhưng tôi chấp nhận những điều ấy và mặc kệ. Đối với tôi, điều quan trọng lúc bấy giờ là đang có một sinh linh bé nhỏ cần được tôi yêu thương.
Dương Cầm có làn da mỏng và xanh xao, rất dễ nhìn thấy từng mạch máu dưới làn da mỏng tang ấy. Mẹ nhờ tôi chăm sóc em ban đêm. Mẹ phải trông bố. Tôi hay nằm sát nôi em và ngủ. Chỉ cần có tiếng động là tôi bật dậy. Đôi khi trong lúc mơ màng. Tôi vẫn thấy anh đến bên tôi, khẽ vuốt tóc và dỗ: “Ngủ đi, anh trông Cầm cho”. Nhưng tôi đã thôi không còn dáo dác tìm anh khi thức dậy nữa.
Dường như có một sợi dây vô hình nào đó nối tôi với em gái mình. Em thường ngủ rất ngon và không quấy nếu được nắm ngón tay tôi khi ngủ. Tôi không còn đau đớn với những gì xảy ra trước mắt. Buổi chiều tôi đi học. Khi về nhà tôi lại chạy lên phòng, đùa em và cười. Đôi mắt em đen láy, trong veo.
Tôi và Dương Cầm cứ thế lớn lên.
***
Tiếng chuông điện thoại bàn làm tôi chợt tỉnh giấc. Dương Cầm quấy và đòi sữa. Tôi với đồng hồ. Hơn 1h đêm. Không hiểu ai gọi vào cái giờ này. Tôi mò mẫm xuống bếp lấy nước nóng. Trong người tôi nóng ran và hốt hoảng. Đột nhiên tôi bị đẩy bật vào góc hành lang. Choáng váng. Khi kịp định thần lại thì bố đã lao đến giật ngược tóc tôi ra đằng sau, gằn giọng hỏi: “Con tao đâu?”. Mắt bố đỏ lõi. Tôi òa khóc và hét lên: “Anh Dương chết rồi!”. Bố lập tức tát vào mặt tôi liên tục và quát: “Mẹ cha con lạc loài, con trai tao đâu?”. Tôi vẫn cứ gào khóc: “Anh Dương chết rồi”. Mùi tanh của máu tràn trên mặt tôi. Trong lúc mê man, đau đớn cực độ, tôi nhìn thấy anh đứng lặng im, lúc sau anh gọi tôi: “Vĩ ơi, có muốn gặp anh không?”. Tôi lịm đi.
Mẹ lặng lẽ lau vết thương trên mặt và tra thuốc cho tôi. Tôi nén đau quay sang nhìn em gái mình. Mỉm cười khi thấy em ngồi trong nôi, bàn tay nhỏ xinh vẫy vẫy tôi nói “a a”. Tôi quay lại nhìn mẹ: “Mẹ ơi, em 2 tuổi rồi!”
Mẹ không nói gì, đi thẳng ra phòng khách. Tôi bế em chạy theo. Dì Mai A đã ngồi ở ghế từ bao giờ. Dì hỏi mẹ: “Có cho con Vĩ đi cùng không?”. Mẹ gật đầu, bế Dương Cầm đi gửi.
Dì Mai A dắt tôi theo mẹ. Ngôi nhà nhỏ sực mùi hương. Có một dãy dài người xếp hàng ngồi đợi. Dì kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Một bà béo bắt đầu châm hương và khấn khấn. Mẹ tôi lặng lẽ đưa mâm quà bánh và tiền cho bà. Tôi níu níu tay cô mặc áo tím bên cạnh và hỏi: “Cô ơi sao cô lại ở đây”, cô nhìn tôi, khuôn mặt toàn những vết tròn nâu nâu, giọng cô càu cạu gì đó không nghe rõ. Tôi chẳng kịp hỏi gì, dì cấu tôi một cái đau điếng. Tôi ngồi im nhìn lên chỗ bà béo. Bà lầm rầm. Tự nhiên bụng bà trương to ra, da nhợt nhạt như người chết trôi. Giọng bà lé ré ở cổ họng: “Có bao nhiêu xoài trên đường sao mẹ không mua? Mua bánh quy cho con làm gì”. Tay dì tôi tự nhiên lạnh toát, thôi không nắm tay tôi nữa mà chắp lại khấn liên hồi. Mẹ tôi khóc, tay cũng vái lạy: “Mẹ xin lỗi!”. Bà béo giọng vẫn léo réo: “Mẹ đừng khóc nữa, con cầu tự mẹ nuôi sao nổi, con được sống thế là đủ rồi, người ta phải bắt con lại thôi, mẹ đừng đốt tiền cho con nhiều, đốt quần áo mới cho con.”. Tôi bắt đầu sợ và hiểu điều gì đang xảy ra. Mẹ tôi vẫn khóc và quỳ vật ra chiếu gọi “Con ơi!”. Bà béo vẫn nói liên hồi: “Bố bị vong chú Hồng chết đuối gần nhà mình hành đấy. Đợi em Cầm 7 tuổi thì bố khỏi. Mẹ đi đòi tiền bác Hiếu đi, lần con với Vĩ đi diễn cho bác bác vẫn chưa trả đâu.”. Nỗi sợ hãi tràn lên tận cổ làm tôi ngạt thở. Bà béo tự nhiên liếc nhìn tôi, mắt sáng quắc, con ngươi nhỏ rẹt như mắt rắn. Tôi òa lên giãy giụa, gào khóc đòi về. Dì Mai A vội bế tôi chạy ra ngoài. Mẹ tôi vẫn vật ra chiếu, nước mắt tràn ra như mưa. Tôi cũng khóc. Tiếng khóc òa của trẻ con găm vào từng ngọn cỏ may trên đường, dính đầy vào quần dì tôi. Tôi bị tiếng khóc của chính mình xé toạc tim ra khiến tôi đau đớn. Những ngày sau đó, tôi lên cơn sốt cao từng đêm. Mê man. Sau này khi tỉnh lại, mẹ kể lại cho tôi nghe, đêm nào sốt cao tôi cũng nằm cười khúc khích, nụ cười đẫm mồ hôi.
***
Dương Cầm bị câm bẩm sinh. Cổ họng chỉ phát ra tiếng ú ớ, môi chỉ mấp máy nói “a a”. Tôi không biết phải làm thế nào cho em gọi tôi được một tiếng. Năn nỉ mẹ tìm thầy thuốc chữa bệnh cho em thế nào cũng không được. Tôi thương em vô cùng. Thương mẹ ngày càng hốc hác sau những trận đòn của bố. Mẹ vẫn cam chịu và nhẫn nhục. Dì Mai A thúc mẹ li dị. Mẹ chỉ cười xòa: “Lấy anh lúc anh khỏe mạnh, giờ bệnh tật thế, nỡ lòng bỏ sao được”. Dì tôi vẫn bực tức trút giận lên đầu tôi: “Mẹ mày chỉ đạo đức dởm.”
Khi Dương Cầm biết đi và chạy vững, tôi nhận ra mắt em có vấn đề gì đó về màu sắc. Em chỉ mặc màu trắng, nhất quyết không xỏ tay vào những chiếc váy màu khác. Bao nhiêu váy màu hồng, màu xanh mẹ mua cho em dì phải mang về cho bé Bíp. Bác sĩ cũng chẳng giải thích được. Có lần tôi bắt gặp ông lắc đầu bảo mẹ tôi: “Khổ, sinh ra toàn những đứa con không bình thường”. Tôi chẳng thấy buồn bã gì, thấy em mặc màu trắng rất đẹp.
Tôi là người đầu tiên nhận ra Dương Cầm có năng khiếu piano khi em ngồi nghịch đàn của tôi. Em rất nhạy cảm với những nốt nhạc, bàn tay nhỏ nhắn lướt rất nhanh trên phím đàn. Tôi dạy em nhận biết nốt, dạy em những hợp âm đơn giản, để em có thể chơi đệm cho tôi những bản hòa tấu với Violin. Tôi nhanh chóng tìm lại được sự ấm áp trong lòng. Mắt em long lanh và đôi môi chúm chím mỗi khi tôi đặp tay vào 2 má, thơm em nhẹ nhàng và khen em đàn hay lắm. Mỗi lần như thế, tôi đều thủ thỉ: “Dương Cầm ơi, đến khi nào em được 7 tuổi?”
Mẹ nhắc tôi Dương Cầm hay mộng du. Mẹ vẫn thường nghe thấy tiếng piano ban đêm. Tôi lắc đầu và thấy lạ. Bởi vì ban đêm tôi không hề rời em nửa bước.
Đến một đêm tôi giật mình vì tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi quay sang bên cạnh và hoảng hốt không thấy em đâu. Tôi chạy sang phía phòng anh và thấy bố đang phá cửa. Trong phòng tiếng piano vọng ra rõ ràng, đâm thẳng vào tai tôi. Tôi nhìn mẹ, tự hỏi: “Sao Dương Cầm có chìa khóa phòng anh?”. Bố đập cửa nát bét, Dương Cầm ngồi im, nhìn ra không chút sợ hãi. Bố tôi lại hỏi: “Con tao đâu?”. Tôi sợ hãi, nước mắt nhạt nhòa, tim đau thắt. Dương Cầm vẫn ngồi, tay buông thõng trên phím đàn nhìn bố tôi. Bố tôi lao vào. Mẹ và tôi hét lên. Nhưng Dương Cầm vẫn ngồi im. Bố tôi cầm búa đập tan từng mảng cây đàn piano của anh. Tôi quỳ gục xuống góc phòng đau đớn van xin. Em tôi lặng lẽ đứng dậy bỏ đi, chiếc váy trắng mỏng manh bay nhẹ sau mỗi bước chân.
Dỗ Dương Cầm ngủ say. Tôi sang phòng anh dọn dẹp. Bố đập tan cả cửa sổ, kính vương vãi khắp nơi. Tôi vừa quét dọn vừa khóc. Tôi mong em tôi mau được 7 tuổi biết bao. “Anh ơi, sao em khổ thế này”. Nước mắt tôi mặn chát. Những giọt nước mắt của từng đêm sợ hãi, những giọt nước mắt nín nhịn kìm lòng qua những nỗi đau, ngực tôi rung lên từng hồi nức nở. Tôi nghe rõ giọng bố từng câu: “Con tao đâu?”. Tôi chưa kịp ngoảnh lại, những va đập làm tôi ngất đi. Cảm giác da thịt bị kéo lê trên đống thủy tinh cũng không đau bằng câu nói: “Trả con cho tao”. Tôi ngập ngụa giữa máu và nước mắt. Dương Cầm chạy vụt qua, tôi gọi em mãi không thưa.
Tôi tỉnh dậy với những vết xước xót vào tận tim, đầu nặng trịch. Đập vào mắt tôi là quyển lịch bàn được đánh dấu to đùng. Ngày 17/02, tôi tròn 16 tuổi. Không bánh, không hoa, không một lời chúc. Tiếng khóc của mẹ cứ văng vẳng. Tiếng bà ngoại và tiếng dì tôi chửi bới. Tôi lê lết sang phòng anh. Mắt tôi nhòa đi, thịt da lạnh buốt. Đông người lắm, tất cả vây quanh chiếc piano nát vụn, thủy tinh và máu còn vương đầy trên sàn, Dương Cầm nằm dưới đất, mẹ tôi khóc vật bên em, chiếc váy trắng của em loang đầy máu, trên tay em đầy những vết cắt ngang dọc. Tôi cúi xuống nhặt lên chiếc dao lam tôi hay dùng dọc giấy. Tôi hất mẹ sang một bên và ôm chặt em vào lòng. Tim tôi vỡ ra, từng mảng một, từng mảng một.
***
Chiếc dao chỉ có dấu vân tay của tôi và Dương Cầm. Tôi đủ lớn để hiểu được những gì người ta nghĩ về mình. Tôi cũng chẳng lên tiếng thanh minh. Cuối cùng thì cảnh sát gấp hồ sơ lại. Dương Cầm tự tử.
Tôi rửa sạch và nhét chiếc dao vào hộp nhựa nhỏ, đeo lên cổ. Tôi yêu bố, yêu mẹ, yêu anh, yêu em gái mình vô vàn. Tôi ước gì mình có thể yêu họ được nhiều hơn nữa.
***
Tôi tô màu cho những ngày xám xịt bằng cách dậy thật sớm và chạy bộ. Cảm giác thấy mình khỏe khoắn trong bộ đồ thể thao màu hồng phấn cũng đem lại chút gì đó mới mẻ. Ít ra là tôi đã thôi nằm trùm chăn và lặn ngụp thật sâu trong những nỗi đau cứ hiện lên trong từng nốt nhạc. Đôi khi tôi chạy sang phòng mẹ, định ngỏ ý rủ mẹ chạy cùng, nhưng khi thấy bố mẹ vẫn ngủ ngon, tôi nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Niềm yêu đời sau mỗi khoảng lặng thật thiết tha. Tôi cứ lang thang và tự thưởng ình những cảm xúc mà không hẳn ai cũng có hay đã từng vượt qua. Tôi hít thở thật căng và chôn sâu mọi thứ trong lòng. Chính những vấp váp trong cuộc sống khiến tôi nhận ra nhiều điều ý nghĩa, vậy thì tại sao tôi phải thù ghét những nỗi đau, những tổn thương làm gì. Tôi vẫn yêu, vẫn sống, sống cho anh, và sống cho Dương Cầm, sống cho bố mẹ, và sống cho chính tôi.
***
Ngày 12/01/2011.
Tôi mua một bó sen trắng, lên xe, và đi. Đặt những cành sen trắng lên mộ anh và Dương Cầm. Tôi để mặc lòng mình trôi dạt theo những cảm xúc trộn lẫn.
Hôm nay, em tôi tròn 7 tuổi!
14. Đồi Mơ
Truyện ngắn của Huỳnh Thị Mẫn Thục
Ngôi nhà ấy trông như một bông hoa trắng khi ẩn khi hiện giữa lớp sương mù bồng bềnh quanh năm bao phủ lấy cao nguyên. Mấy khung cửa sổ tròn lấp lánh ánh sáng dịu dàng của nến tựa hồ những đôi mắt mở to đăm đắm nhìn vào không gian chơi vơi sương khói. Ngồi trầm ngâm nhìn những khúc củi cháy được trong lò sưởi là chủ nhân ngôi nhà, một tay bề ngoài đã cổ quái mà cái nghề lão đang làm cũng thuộc hàng kỳ quặc nhất thế gian: bán giấc mơ.
Nhiều người bảo rằng lão chỉ là một tay lừa đảo chuyên nghiệp. Nhiều người bước vào nhà lão mà lòng đầy nghi hoặc. Nhưng thiên hạ vẫn vung vãi tiền vào đủ trò nhảm nhí, thì có tiếc gì khi mất thêm chút ít để mua một giấc mơ? Dù sao, có một điều phải khẳng định, là chưa có khách hàng nào của lão lên tiếng than phiền cả. Có người còn cho rằng lão không bán giấc mơ, mà bán hạnh phúc.
Lão bán giấc mơ kiểu gì? Theo như lời đồn đại, lão chỉ cần nhìn vào mắt một ai đó là đã có thể biết được những giấc mơ đã mất của họ. Và lão trả về cho họ những giấc mơ ấy, chứa trong một chiếc bình pha lê - sau khi đã thoả thuận giá cả. Khách hàng của lão sau khi ra khỏi nhà bằng cửa sau sẽ được chào đón bởi cả một rừng hoa dại nở hân hoan phủ kín triền đồi. Họ như sắp mọc cánh bay lên trong một không gian thanh khiết mát lạnh tràn ngập mùi hoa dại, cỏ non và mùi lá thông. Giữa chốn thiên đường ấy, họ mở nắp chiếc bình pha lê, và nếu có ai vô tình nhìn vào thì cũng chỉ thấy được một làn khói trắng mỏng manh bay lên. Chỉ có chủ nhân của giấc mơ mới có thể nhìn được từ làn khói ấy giấc mơ đã mất của mình. Thực hư thế nào chẳng ai kiểm chứng được. Nhưng có một nhà tỷ phú kể lại rằng khi ông ngắm “giấc mơ”, ông thấy mình trong bộ dạng của một vị giáo sư khả kính, đạo mạo đứng giảng bài trước hàng trăm sinh viên đang lắng nghe chăm chú, say sưa. Đó đúng là ước mơ của ông, khi ông còn là một học sinh cấp 2. Ông cười sảng khoái “hồi đó mình học giỏi, cứ nghĩ sau này nhất định phải làm giáo sư, tiến sĩ, cứ mơ như vậy. Rồi theo nghề kinh doanh, công việc ngập đầu, cũng quên bẵng đi mất. Vậy mà lão điên ấy biết được mới hay” Còn một chính khách (xin được giấu tên nhé) thì bật cười khi thấy trong đám khói mờ kia cả một núi kẹo đường. Một bí mật ông đã quên mất từ khá lâu rồi. Làm sao có ai biết một người như ông đây khi còn là một đứa trẻ lên chín đã lấy trộm tiền tiết kiệm của bà (mỗi lần một ít thôi, ông khôn lắm cơ) để mua kẹo đường. Và nghĩ khi lớn lên nhất định sẽ làm giàu để có tiền mua kẹo đường ăn đến khi chán thì thôi. Những chuyện đại loại như vậy thì nhiều lắm. Nói chung khách hàng của lão đều hài lòng vì đã có một khoảng thời gian để sống trong giấc mơ của mình, để yêu đời hơn và mình hơn.
Đôi khi lão tặng không giấc mơ cho những người không đủ khả năng mua nó. Nhiều người sau đó bảo rằng nhờ lão mà họ thấy đời còn đáng sống. Họ được nhắc nhở về một ước mơ, có được một chút niềm tin và một chút hạnh phúc nhỏ nhoi để cố gắng vượt qua tình trạng tuyệt vọng. Khi họ trở lại một ngày nào đó, và trả ơn lão hậu hĩ, lão thản nhiên nhận lấy. Mà nếu họ không trở lại cũng chẳng hề gì.
Có đôi khi, lão từ chối khách hàng - những người đã bán đi giấc mơ của mình vì một lý do nào đó. Tiền tài, danh vọng, quyền lực ….. Lão lắc đầu, giấc mơ bị lãng quên còn có hi vọng tìm lại được, chứ nếu đã bị bán mất thì đành chịu, cho dù họ có trả giá cao đến đâu cũng chẳng nhận được gì hơn một cái lắc đầu.
Một điều hẳn nhiên là lão rất giàu, nhờ tiền bán những giấc mơ. Nhưng chẳng ai hình dung ra nổi lão sử dụng tiền vào việc gì. Ngôi nhà thì nhỏ và giản dị, còn lão sống cũng bình thường. Ngọn đồi của lão cũng không cao giá lắm, đất thảo nguyên bạt ngàn mà.
Một điều nữa cũng hẳn nhiên, là lão điên. Hoặc rất điên. Tóc tai dài thậm thượt, lúc nào cũng rối bù, ăn mặc lôi thôi và làm đủ trò khác người. Nhà lão thắp nến suốt ngày, ban đêm lạnh tái người thì lão lại ra phía sau đồi ngồi thổi sáo một mình. Những hôm rảnh, lão đi sang mấy ngọn đồi lân cận xin thông non về trồng. Không thấy lão giao thiệp với ai, cũng chẳng thấy bà con họ hàng đến thăm bao giờ. Thiên hạ lúc rỗi hơi lại xì xầm bàn tán, và đoán phỏng xem khi lão chết đi thì gia tài ấy sẽ vào tay ai?
Khi nàng bước vào, lão đang ngủ gục bên lò sưởi. Lửa đã gần tàn, nến leo lắt cháy. Nghe tiếng động, lão thức giấc, làu bàu “không đọc được chữ à?” Nàng chăm chú quan sát gã đàn ông cổ quái như còn sót lại từ thời tiền sử rồi khẽ hỏi “sao ông đóng cửa tiệm luôn vậy?” Lão gào lên “mặc xác tôi” rồi vùng dậy như muốn tống khứ ngay tức khắc cái kẻ phiền nhiễu – là nàng. Nhưng khi vừa nhìn thấy nàng, lão khựng lại. Có điều gì đó thật thân quen mà lão không thể nhớ ra. Dường như lão đã gặp nàng đâu đó rồi.
“ Ông không bán giấc mơ nữa sao?” Nàng hỏi, vẫn giọng nói trong trẻo thanh thanh. Cả giọng nói này cũng quen lắm. Lão đã bình tĩnh lại, ngồi lặng lẽ một lúc rồi trả lời “không còn gì để bán nữa” Nàng kéo ghế ngồi, cử chỉ tự nhiên như thể đã ngồi đây hàng ngàn lần rồi “Giấc mơ thì làm sao mà hết được?” Giọng lão trở nên chán chường, mệt mỏi “Giấc mơ thì không hết, nhưng giấc mơ của tôi thì hết rồi.” Lão thở dài” Tôi già rồi. Hôm trước, tôi bán nhầm giấc mơ của tôi. Thế là tôi chẳng còn gì cả. Đôi tay lão siết vào nhau, tuyệt vọng “Cô nghĩ xem, tôi còn cần những thứ này làm gì?”
Nàng chợt đưa ra một đề nghị lạ lùng “Tôi giúp ông tìm lại nó nhé. Sau đó, ông sẽ tặng cho tôi một giấc mơ, được chứ?” Lão từ chối ngay “Xưa nay tôi chỉ giúp người khác tìm giấc mơ, chứ có nhờ ai bao giờ. Hơn nữa, nếu đánh mất thì còn hi vọng, chứ …..” Nàng ngắt lời lão, chưa thử làm sao ông biết . Tôi đang được nghỉ phép vài ngày, cho tôi ở lại nhà ông, rồi tôi sẽ giúp ông tìm ra giấc mơ, và ông tặng tôi một - trước khi tôi về lại thành phố.
Rất ngạc nhiên, và bối rối, thế mà lão cũng nhận lời. Dường như không thể từ chối nàng được. Ở người phụ nữ xa lạ mà thân thuộc kia toát ra một sức quyến rũ hiển hiện như một thứ quyền lực bí ẩn khiến lão vừa muốn khám phá, vừa muốn quy phục, lại vừa muốn thoát ra khỏi nó càng sớm càng tốt. Nhưng cuối cùng thì lão thua, và ngôi nhà nhỏ trên đồi đã có một vị khách ở lại - lần đầu tiên, kể từ khi nó được cất lên.
Cuộc sống của lão đang bị xáo trộn. Ban ngày, nàng tắt hết nến và mở rộng cửa sổ. Lão lại làu bàu vì mất đi khung cảnh quen thuộc, nhưng cũng phải đồng ý với nàng rằng không khí buổi sáng làm tươi mới căn nhà. Nàng hay đứng tựa cửa ngắm cảnh, thỉnh thoảng nhìn sang lão tươi cười, nói gì đấy với lão. Lão không thể nghe được gì, vì nụ cười lộng lẫy hơn cả buổi ban mai kia đã hớp mất hồn vía của lão rồi. Khi nàng đứng xoay lưng lại, lão cứ hình dung ra một cành huệ xanh đang vươn nở. Tóc cặp lên, cổ cao trắng ngần, và đôi bàn tay từng ngón dài thanh mảnh. Hình dung đã xinh đẹp, lại thêm cung cách có nét gì đó vừa sang cả, quý phái vừa tự nhiên, duyên dáng. Và hơn nữa, nàng gây cho lão một cảm giác gần gũi, cứ như mỗi sáng thức dậy, lão đều thấy nàng bên cạnh. Trong những ngày này thì đúng là như vậy. Nàng theo lão đi trồng thông non, ngồi nghe lão kể về những chuyến phiêu lưu thời trai trẻ, và cả những câu chuyện cổ tích nàng chưa từng được nghe. Nhưng hình như có một phần nào đó thiếu vắng trong những câu chuyện của lão, lão quên mất chăng? Nnàg không hỏi, cũng tuyệt nhiên không đề cập đến giấc mơ mà mình định mua.
Đang vào mùa xuân, và hoa anh đào nở rộ dưới thung lũng. Lão đưa nàng đi ngắm hoa. Khi đi, nàng có vẻ háo hức như trẻ con, nhưng khi tận mắt nhìn thấy rừng anh đào đang đơm hoa trĩu cành thì nàng bỗng trở nên lặng lẽ. Lão biết, niềm vui của nàng đang lắng xuống, trở nên sâu thẳm hơn, ngọt ngào hơn và cảm giác bình yên đang lan toả nhẹ nhàng trong tâm hồn nàng. Khi nàng lặng nhìn theo những cánh hoa nhuốm hồng nhẹ xoay trong gió, trông nàng cũng dịu dàng và bay bổng như chúng. Lão rụt rè gỡ mấy cánh hoa vương trên tóc nàng. Nàng không nói gì, chỉ mỉm cười.
Buổi tối, lão vẫn ra đồi cỏ ngồi thổi sáo một mình. Nhưng chỉ vài hôm sau, nàng xin đi theo, và lão lại không thể chối từ. Trăng toả sáng trên cao, nàng thôi không cặp tóc, để mái tóc huyền buông dài tựa hồ dòng suối trôi chảy theo bờ vai thon thả mong manh. Bỗng nhiên, tiếng sáo của lão không còn u uẩn buồn bã như trước nữa. Một chút niềm vui len lén chen vào, rồi từ từ dâng tràn mạnh mẽ như thác đổ. Từng chuỗi thanh âm lóng lánh nương theo gió phiêu du khắp thảo nguyên, trôi bồng bềnh cùng sương và mang theo một phần tâm hồn lão xuống đến tận thung lũng nơi hoa đào cũng đang thao thức lắng nghe. Nàng thì thầm “để tôi gọi giấc mơ về cho ông nhé…..” và cất tiếng hát, khẽ khàng đủ để hai người nghe – khúc ca về một người có tâm hồn rộng mở tựa thảo nguyên. Bước chân ngưòi ấy lãng du qua muôn sông ngàn núi, rồi một hôm quay về và thấy lòng xúc động khi nhìn thấy nếp nhà xưa. Nàng hát về những giấc mơ bỏ lại của lũ trẻ trốn ngủ trưa lên đồi cao ngắm mây bay. Bất chợt nàng quay sang lão, như nhiều lần khác nhưng lần này lão đã có thể nhìn vào mắt nàng. Trong đám khói sương lãng đãng che mờ ánh nhìn mơ màng ấy, lão thấy cả một bầu trời sao lấp lánh. Rồi lão thấy nàng bay lên, hái một ngôi sao, và cứ hái nữa, hái mãi cho đến khi đã đầy tay thì nàng rải chúng xuống một hồ nước phẳng lặng giữa khu rừng già. Hoá ra, giấc mơ của nàng là thế. Lão có thể tặng nàng ngay, nhưng lão lại chần chừ vì muốn giữ nàng lại thêm vài ngày nữa. Lão sợ rằng khi đã tìm được giấc mơ, nàng sẽ bỏ đi – như bao nhiêu người khác.
Dù lão không dám đếm thời gian, thì nó vẫn trôi qua – đã đến lúc nàng trở về. Đêm xuống, nàng sắp xếp vài món lặt vặt vào rương rồi nói với lão “tôi rất tiếc đã không giúp được ông” Lão thở dài “Thôi bỏ đi. Tối nay tôi sẽ tặng cô một giấc mơ, để chuyến đi của cô không uổng công”.
Và lão dẫn nàng đi, băng qua ngọn đồi hai người vẫn ngồi bên nhau mỗi tối, băng qua thung lũng hoa đào ngủ say, qua cánh rừng thông gió rì rào thơm mùi nhưa non. Đi mãi, đến khi đôi chân nhỏ nhắn mỏi rã rời, nàng vẫn không hỏi lão xem họ đang đi đâu. May mắn thay, câu trả lời đến ngay sau đó. Sâu trong khu rừng là một hồ nước êm ả trải ra mênh mang, khẽ gợn làm ánh sao phản chiếu trong lòng hồ như cũng sóng sánh. Những dải khói mong manh như tơ thoáng giăng trên nước. Ven hồ, những khóm huệ nước thân vươn dài kiêu hãnh soi bóng xuống mặt gương phẳng lặng, từng chùm hoa tím xanh từ từ mở cánh. Trên cao kia là bầu trời đêm như một bức màn nhung đính đầy những ngôi sao lấp lánh. Lão lấy chiếc bình pha lê đẹp nhất vẫn mang theo từ trước ra, bảo nàng “Tôi múc cho cô một ít nước, cô mang về thành phố, khi nào muốn hái sao thì cứ mang ra, những ngôi sao sẽ rơi xuống đấy cho cô. Gìơ cô cứ ngắm cảnh đi, bình yên quá, phải không? Giấc mơ mà tôi định tặng cô chỉ có thế thôi.
Nàng ngăn lão lại khi lão chuẩn bị nhúng chiếc bình xuống hồ nước “khoan đã. Ông làm những ngôi sao vỡ ra mất. Cứ để chúng yên như thế này đi. Mà làm sao ông có thể tìm được một nơi tuyệt vậy nhỉ?”
“Cô còn nhớ những chuyện phiêu lưu tôi kể cho cô nghe chứ?”
Nàng ậm ừ khe khẽ, và lão chậm rãi tiếp tục câu chuyện.
“ Thời trẻ, tôi đi khắp nơi tìm giấc mơ của mình. Nhưng tôi không tìm thấy. Cho đến lúc đã quá mệt mỏi với việc tìm kiếm, tôi về đây, tạo ra nơi này để cho giấc mơ của tôi, để chờ giấc mơ của tôi. Hoặc để mơ giấc mơ ấy, cũng chẳng hề gì. Rồi cách đây không lâu, tôi bán nhầm nó.”
“Trong giấc mơ ấy, có một người phụ nữ ?”
“Đúng, một người giống như cô. Khi tôi bán nó đi, tôi quên tất cả, dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể hình dung lại được. Chỉ thấy thiếu vắng và hụt hẫng. Lúc cô bước vào nhà tôi, tôi đã hơi ngờ ngợ ….”
“Ông nhận ra từ bao giờ?”
“Khi cô gọi giấc mơ về cho tôi, tôi biết cô chính là thứ quý báu mà tôi đã vô tình vuột mất ấy.”
“Ông có biết vì sao tôi đến tìm ông chứ?”
“Cô muốn mua một giấc mơ, và tôi đã tặng cô rồi đấy tôi.”
Nàng bật cười. Tiếng cười trong trẻo ngân nga làm lão đau lòng. Ngày mai, tạo vật xinh đẹp này sẽ rời bỏ lão. Xét cho cùng, có ai giữ được giấc mơ?
“Mua giấc mơ …. Ái chà, tôi nói ông đừng giận, chứ tôi thấy đây quả là một trò ngu ngốc. Hôm trước một tay đồng nghiệp của tôi cũng bỏ công chạy đến chỗ ông mua về một cái lọ chứa mơ với ước ấy. Anh ta mang về, mở ra cho tôi cùng xem và sau đó thì mất mấy ngày nguyền rủa vì chỉ nhìn thấy một ít khói, chả có gì hơn.”
Lão rầu rĩ “Vậy là hắn mua phải giấc mơ của tôi rồi. Người ta không thể thấy những gì người khác mơ được.”
“Vậy mà tôi thấy. Tôi nhìn ra trong đám khói kia một người phụ nữ trông rất giống tôi. Cô ấy ngồi hát trên đồi, rồi một người nữa đến bên cạnh cô ấy….”
“Là tôi?”
“Đúng vậy. Ông nắm tay cô ấy, hai người cùng đến một nơi, là nơi tôi và ông đang đứng đây này. Và ….”
Gương mặt nàng thoáng ửng hồng. Lão không cần nàng mô tả thêm nữa.
“Tôi phải công nhận là tôi rất tò mò, nhất là với những gì tôi đã nhìn thấy nên cứ hỏi tay đồng nghiệp xem hắn mua cái thứ phải gió kia ở đâu. Rồi tôi đến tìm ông. Phần sau thì ông biết rồi.”
Một giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống khiến đám cỏ non rùng mình. Lão lắc đầu, giọng trầm hẳn xuống
“Tôi đã tìm cả đời không được, thế mà có ngày những gì tôi mong chờ lại đến tìm tôi. Tuy không thể giữ, tôi cũng mãn nguyện rồi. Cô cũng thế, hãy cứ ngắm khung cảnh này đi, để nhớ. Tôi biết cô không ở lại, dù rằng thực sự, tôi sẵn lòng tặng cả giấc mơ này cho cô.”
“Ai bảo ông đây là giấc mơ của tôi?”
“Nhìn vào mắt cô, tôi biết. “
“Ông hãy nhìn vào mắt em một lần nữa xem …”
Trái tim lão như tan ra thành nước khi tiếng “em” êm ái cất lên. Run rẩy, cẩn trọng và đầy thương yêu, lão nhìn vào đôi mắt của giấc mơ, và rồi xiết chặt nàng trong vòng tay mình như thể nếu lão buông ra, nàng sẽ tan biến ngay vào lớp sương trên mặt hồ. Nơi đó, trong ánh nhìn nồng nàn của người đẹp, lão không thấy trăng sao, không thấy hồ nước, cũng chẳng có cánh rừng. Chỉ là gương mặt lão đang nhìn lại lão, mỉm cười ….
Những ngôi sao rơi xuống cõi vô cùng. Bóng đêm khẽ lay động, và những bông hoa tím xanh lặng lẽ toả hương …