Tượng phật quan âm cam lồ đứng trên một gò đất rậm rạp lau lách và phủ lốm đốm sắc tím hoa mua không biết đã được dựng lên từ năm nào bên cạnh núi đá xanh đen. Những phụ cảnh quanh bức tượng trắng xám đặt trên bệ đa giác đỡ đài sen cao ngất ngưởng vẽ nên một không gian gây kinh ngạc giữa chốn hoang sơ. Tượng quay lưng về phía núi, hướng tuệ nhãn xuống dưới con đường quốc lộ cong queo, chập chùng đèo dốc bên miệng vực sâu. Ngay trước mặt tượng, cách vài chục bước chân là một lư hương tròn lớn bằng bê tông cắm ba cây nhang khổng lồ tạo hình đơn giản, trơn tru. Bên phải của tượng có một đền bác giác sụt lở mái ngói nhưng cột kèo còn kiên cố phác thành dấu vết thời gian. Thêm hai gốc thông cổ thụ xòe những cánh tay lá kim tròn trịa cân đối xa xa phía sau lưng tượng như những hộ pháp theo hầu. Ngoài những người dân tộc ở sâu trong rừng, thỉnh thoảng ngang qua để ngược lên thị trấn đổi hàng hóa thì dường như chỉ có gia đình Kim sống trong vòng bán kính năm cây số.
Cha mẹ đưa Kim đến đây năm ba tuổi, ở trong ngôi nhà của người gác rừng. Kim gặp ông đúng một lần, sau khi bàn giao cơ ngơi lại cho người mới đến, ông gói ghém hành trang vào một chiếc ba lô cũ mèm rồi men dọc con đường quốc lộ hướng về phía bắc đi mất dạng. Cha mẹ kể ông đã cao tuổi nên muốn trở về quê với con cái, chứ sống một thân một mình ngã xuống chết lúc nào không ai biết mà lo ma chay. Người già tội vậy đấy!
Trạm gác rừng ở đối diện tượng quan âm qua mặt đường quốc lộ, ngay đúng hướng nước cam lồ vẩy xuống, tạo cho gia đình Kim sự an tâm lớn lao trong tinh thần. Cha phát quang một lối nhỏ lên tượng quan âm. Kim níu tay mẹ bám vào những gờ đất, miệt mài cũng trèo được tới nơi. Một khoảnh nền đá từ chân tượng ra đến lư hương khiến cỏ cây chen vào được trở thành sân chơi thú vị của đứa trẻ lên ba, trong lúc cha mẹ hì hụi phạt bớt lau sậy xung quanh để thể hiện lòng chiêm bái với đấng trí huệ từ bi.
Ở chỗ mới, cha ngày ngày tập cách đặt bẫy để săn thú rừng, mẹ xới đất nhặt cỏ trồng thêm luống rau đợi dịp thay thế những đĩa lá tàu bay, ngọn sam luộc trong bữa ăn đạm bạc. Được một tháng cha lên thị trấn lĩnh món tiền lương còm cõi tiện thể mang về vài gốc chuối và một quả su su đã lên mầm. Mẹ trồng chuối thành một hàng bên vườn rau, cha dựng thêm một cái giàn cho dây su su leo lên. Sau đó ba người nắm tay nhau đứng nhìn thành quả lao động, mơ ngày cây trái lúc lỉu đến thật gần.
Hàng chuối lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc trổ ra những cái bắp tím sậm lấp ló giữa các phiến lá xanh mát mắt. Rồi khi buồng chuối đầu tiên xuất hiện vài trái phớt vàng, cha chặt xuống mang vào đặt giữa nhà rồi cắt ra thành từng nải. Mẹ chọn hai nải đẹp nhất, một đặt lên bàn thờ cho cha thắp nhang cúng cụ, nải còn lại dẫn theo Kim mang lên tượng quan âm. Thấy mẹ nghiêm trang đứng trước tượng quan âm khấn vái, Kim cũng chắp tay bắt chước dáng điệu thành kính nhưng không biết cầu xin điều gì. Từ đó thành lệ, cứ ngày rằm, mùng một mẹ lại mang chuối lên thắp nhang trước tượng phật, đợi qua hôm sau lại lên thỉnh lộc về ăn.
Cuộc sống êm ả, dịu dàng dưới chân phật quan âm cứ thế trôi qua. Lâu lâu cha hoặc mẹ cho Kim đi theo lên thị trấn ăn phở, ăn bún, rồi đi mua gạo hoặc một số nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Có lần cả cha mẹ cùng đưa Kim đi, họ đổi một số gà vịt và thỏ để sắm cho Kim bộ váy công chúa bằng ren màu hồng, đính hạt lấp lánh trên cổ. Nhưng Kim lại thích mê bộ váy màu vàng cột dây nơ xinh xắn, thế là cha mẹ mua cho con gái cưng luôn cả hai chiếc váy. Sau đó cha mẹ dắt Kim đến một tiệm chụp ảnh, để lưu lại khoảnh khắc gia đình.
Bác phó nháy lưỡng lự khuyên không nên chụp ba, người ta kiêng ghê lắm. Song cha Kim cười tươi rói bảo bác thợ yên tâm, nhà có tới bốn người lận. Lúc này mẹ mới xoa đầu Kim nựng là sắp lên chức chị. Vậy là mai mốt cha mẹ có đi vắng thì ở nhà Kim đã có em chơi cùng rồi.
Vài tháng sau mẹ sinh ra một em bé. Kim tròn mắt hỏi: “Sao con không có cái vòi phun nước như của em”. Cha mẹ cùng phì cười: “Vì em là con trai mà!”.
Kim hơn sáu tuổi, em trai đầy năm. Bỗng đâu dưới chân núi đá xuất hiện nhiều người lạ mặc đồng phục. Rồi xe tải, cần cẩu, máy xúc ùn ùn kéo đến. Không khí quanh nhà Kim vốn trầm lắng trở nên náo nhiệt như trảy hội. Thế là nhà cửa mọc lên, dân cư khắp các vùng miền cũng tụ về góp mặt. Một xí nghiệp khai thác đá hình thành nhanh chóng ngay trong tầm quan sát của tượng phật, dưới chân núi đá thì bày biện cơ man máy móc cỡ đại và những băng chuyền khổng lồ, thêm cả một dãy lớp học bằng nứa lá được dựng lên cách chỗ quan âm đứng một cây số về phía thị xã. Mẹ xin được chân tạp vụ trong xí nghiệp, cha cũng trả lại căn nhà gác rừng để làm công nhân nổ mìn phá đá cho lương bổng cao hơn. Bốn người rồng rắn cõng đồ đạc qua bên khu tập thể nồng mùi gỗ mới và xi măng. Gia đình Kim bước sang một trang cuộc sống mới. Hòa nhập và biến động.
Cuối mùa mưa năm ấy, cha ở trên công trường đá, mẹ loăng quăng lo việc trà nước quét tước dãy nhà cán bộ bên kia đường, Kim ngồi bên cửa sổ ôm em nhìn ra màn nước trắng xóa hát khúc đồng dao tự chế ngộ nghĩnh: “Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà về, chày bà trong túi rơi ra, con cua đỡ được nhảy vào nồi riêu,...”. Giữa buổi, trời ngơn ngớt, Kim thấy mẹ mặc áo mưa băng qua đường chạy vội về nhà. Mẹ thoăn thoắt nhóm bếp, khuấy bột, đổ ra đĩa để lên bàn, rồi dặn Kim: “Nếu bột nguội mà mưa quá mẹ chưa về kịp thì con đút cho em ăn nhé!” trước khi tất tả chạy sang khu làm việc trong tiếng sấm đì đùng.
Những cơn mưa rừng đúng mùa lần nào cũng thối đất thối cát, mẹ đi một lúc thì nước trên trời có vẻ trút xuống nhiều hơn, gió rin rít thổi nghiêng những giọt dài trong vắt. Kim thấy đĩa bột đã nguội, mẹ chắc không vượt qua nổi cơn mưa, nên đành bưng vào đút cho em ăn như lời dặn dò. Ăn được nửa đĩa, em trai kháu khỉnh hay cười đùa đột nhiên chuyển sắc mặt tím tái và ho sặc sụa rồi thở đứt đoạn. Kim hốt hoảng vỗ lưng xoa ngực em nhưng tình trạng dường như càng tệ hơn. Đứa trẻ mới non bảy tuổi chẳng biết xử trí thế nào nên lao ra cửa, chạy băng qua màn mưa dày đặc tìm mẹ. Đến khi trở về thì em trai đã tắt thở trên giường. Mẹ ôm xác con trai chết lặng, còn Kim sợ hãi không dám vào nhà cứ đứng phơi thân dưới tảng nước vụn tung tóe của đất trời.
Trong đám tang của em trai, Kim sốt hầm hập nằm trên giường, thấy đầu mình hiện lên ngàn triệu những ảo ảnh tối đen. Lúc thì là những hoa văn sáng màu đang rung rinh thì bỗng chuyển sắc giận dữ đổ sập vào Kim, nghiền thể xác bé nhỏ ra trăm mảnh. Lúc thì những hình dạng ngáo ộp, quái vật há chiếc miệng cắm chi chít răng nanh sắc nhọn như muốn nuốt trọn Kim. Cơn sốt thường làm Kim khóc thét lên và khi bật dậy có cha ôm vào lòng vỗ về an ủi.
49 ngày trôi qua, rồi đến 100 ngày, mẹ vẫn âu sầu không nói với Kim lời nào. Cha nhìn mẹ bằng đôi mắt bất nhẫn và bỗng trở nên dịu dàng chăm sóc Kim từ cái ăn đến giấc ngủ. Gia đình còn lại ba người, nhưng đã không yên ả như hồi mới dọn đến vùng đất này sinh sống. Oán giận âm thầm nảy sinh. Kim bắt đầu muốn tha thẩn chơi quanh trường học hơn là ngồi ở nhà đợi cha mẹ đi làm về. Mỗi sáng Kim cố gắng ngủ cho đến khi người lớn rời nhà đi làm, dù có lúc đã tỉnh giấc từ rất lâu. Sau đó Kim dậy lấy tô bún, mì hoặc bánh đa nguội ngắt trương phềnh khô sạch nước trên bàn thờ em trai xuống ăn, rồi cắp sách đi học. Trời nhá nhem tối Kim mới mò về, len lén tắm rửa, ăn cơm rồi leo lên giường ngủ. Cha ra mắc màn xong lúc nào cũng ngồi nán lại vuốt tóc, xoa đầu con gái trong nhịp thở dài thườn thượt một lúc lâu. Hằng đêm Kim nằm quay mặt vào bức vách và tự hỏi sao cha mẹ không đẻ một em trai khác, để thay thế em trai đã mất.
Vài ngày sau giỗ đầu của em trai, Kim đang la cà ở nhà những bạn học thì nhận được tin báo cha gặp tai nạn. Một đồng sự bất cẩn đã khiến mìn nổ ngay hốc đá chỗ cha Kim đang đứng khiến ông bị đè chết bởi cả chục mét khối nặng cứng. Kim nghe mà không tin nổi, đầu óc trống rỗng chạy về nhà, thấy mẹ đang gào khóc thảm thiết bên thể xác bầm dập của cha. Lần này thì chẳng có cơn mưa nào che giấu cho những giọt nước mắt đau thương tuôn ra từ trái tim bé bỏng của Kim. Ngay dưới chân phật quan âm, vì cớ gì gia đình Kim chẳng được phổ độ một chút bình yên? Lúc tiễn cha về với đất, mẹ đã ôm Kim khóc sau bao tháng ngày lạnh nhạt. Có lại được vòng tay của mẹ, song cha ra đi vĩnh viễn thì sao có thể cảm được hạnh phúc, yêu thương?
*
Lễ cúng cơm một trăm ngày của cha, bụng mẹ nổi lên giữa những lời an ủi từ bạn bè thân quen. Chưa đầy nửa năm, mẹ hạ sinh một em trai khác. Người quanh xí nghiệp đến chúc mừng, có một cô nói rằng: “Chắc phật quan âm bù đắp cho chị!”. Lần này, Kim không dám tự ý động vào em trai. Cả ngày quanh quẩn chờ mẹ sai làm những việc vặt như đun nước, nấu cơm, giặt tã, phơi đồ,…
Hết kỳ thai sản, mẹ sợ chuyện cũ tái lại nên xin nghỉ mất sức ở nhà nuôi con. Ngày chủ nhật mẹ gửi em trai cho cô hàng xóm rồi lên thị xã mua sắm. Mẹ mang về rất nhiều đồ tạp phẩm rồi bày ra một cái bàn to trước cửa gian nhà, những đồ có giá trị như thuốc lá, bánh kẹo và hộp tiền thì đặt trong chiếc tủ kính nhỏ có gắn ổ khóa bằng đồng. Kim được giao nhiệm vụ trông hàng sau khi mẹ chỉ cho giá bán các loại. Được một thời gian, mẹ mở rộng công việc kinh doanh bằng cách đặt thêm một tủ hàng ở kế nhà ăn ở khu tập thể đối diện bên đường và sai Kim ngồi thường trực ở đó. Lý do là mẹ phát hiện buổi trưa công nhân tụ tập về bếp ăn, muốn hút thuốc, uống rượu, nhai kẹo nhưng rất lười đội nắng hoặc mưa sang bên quầy hàng của mình.
Tủ hàng của Kim được mẹ nói khéo với vợ chồng chú kỹ sư Toàn cho gửi nhờ mỗi khi dọn dẹp. Đợt ấy cô Hồng vợ chú Toàn cũng đang bầu bí, chuẩn bị sinh đứa thứ hai. Hai vợ chồng cô chú kỹ sư đã có một con gái đầu lòng lên năm tên Hồng Nhung. Bé thứ hai ra đời cũng là gái, được đặt tên Bích Liên. Kim đã đọc khá nhiều cổ văn Trung Quốc, nên ngồi khen hoa hồng, hoa sen tên nào cũng đẹp, khiến cô chú kỹ sư rất hài lòng, yêu quý. Vào dịp đầy tháng Bích Liên, bố chú Toàn từ quê vào ở cùng để chăm cháu đỡ đần con dâu. Người đàn ông sáu mươi tuổi có dáng người nhỏ gầy rất thân thiện, bế cháu nội ra trò chuyện với Kim suốt, vì thế nghĩ ra cái gì hay ho Kim lại gọi: “Ông Trí ơi!” để khoe.
Gia đình chú Toàn giàu nhất khu tập thể dành cho công nhân và kỹ sư nên có hẳn một chiếc ti vi đen trắng được ông Trí bật kênh thời sự coi tin tức, phóng sự suốt buổi sáng, tối tối lại mở kịch, cải lương nằm nghe. Dường như ông Trí quý mến Kim hơn cả cháu gái ruột của mình, nên con cái mua gì ngon về ăn ông cũng lấy phần để dành cho Kim, hôm nào có tuồng hay là giữ Kim lại coi ti vi cùng mình, lâu lâu lại đem cho Kim những đồng bạc lẻ. Mỗi lần ông cho đồ ăn và tiền, Kim ngoan ngoãn mang về đưa mẹ. Mẹ thích lắm, và thường xui Kim nói với ông Trí mỗi khi định nhờ vả, xin xỏ vợ chồng chú Toàn điều gì.
Hàng ngày vào những lúc công nhân đi làm hết, không ai mua hàng, ông Trí lại bế Bích Liên ra rủ Kim cùng với Hồng Nhung lên tượng quan âm chơi. Ông bảo đi dạo để hít thở không khí thiên nhiên cho khỏe người. Kim luôn nghe lời, khóa tủ hàng lại và đi theo ông.
Bích Liên lên một tuổi, vợ chồng chú Toàn tổ chức lễ đầy năm linh đình, rồi xin nghỉ phép một tuần đưa hai con về ra mắt quê ngoại. Ông Trí ở lại trông nhà, còn mỗi Kim bầu bạn. Con cháu đi vắng hết, buổi trưa ông Trí nấu cơm rồi gọi mời Kim vào ăn cùng. Đến đầu giờ chiều công nhân đi làm hết, ông Trí thấy Kim ngồi gật gù ngáp ngủ bên tủ hàng bèn chạy ra khóa lại rồi nắm tay Kim lôi vào trong buồng. Ông dỗ dành Kim ngủ đi một lúc. Kim nghe lời nhắm mắt, được một lúc mở ra thì bất ngờ vô cùng khi ông đang chồm lên người mình trong tư thế một con thú bốn chân mà chưa dám đè xuống. Thấy Kim mở mắt, ông lăn ra bên cạnh luống cuống nói: “Ông đang lấy cái chăn” rồi với tay kéo cái phía trong chỗ Kim nằm ra đắp.
Mới hơn mười tuổi, nhưng Kim đã đọc tất cả các loại sách báo có mặt ở khu xí nghiệp. Bất cứ ấn phẩm nào được đưa về đều được chu du một vòng, người nọ chuyền tay người kia cho đến khi rách nát te tua. Miễn là đến tay mẹ Kim hoặc các cô chú hàng xóm thì Kim đọc được, vì một đứa bé dư thời gian với công việc bán hàng tẻ nhạt sẽ ngốn chữ nghĩa nhiều hơn mọi người lớn bận rộn toan tính cho cuộc sống. Ngoài sách học, Kim đọc truyện tàu cổ nghĩa hiệp, truyện Việt Nam diễm tình chữ to, truyện văn học đầy những hận thù, tình tiền, trả giá, báo công an giận gân những tin cướp - giết - hiếp,… nên đủ hiểu ông Trí thực ra đang muốn làm gì. Song bao nhiêu lần ông cho quà, cho tiền nhảy số tanh tách trong bộ não khôn chợ dại nhà của Kim. Giả vẻ ngây ngô không biết gì, Kim ngồi dậy nhăn nhó: “Thôi cháu đi ra trông hàng đây, lỡ mẹ cháu chạy sang không thấy lại mắng cháu”. Ông Trí cố giữ vẻ bình thường hỏi han: “Vậy đã hết buồn ngủ chưa?”. Kim trả lời: “Hết rồi ông ạ!”
Những ngày sau đó Kim tìm cách né tránh ông Trí. Đến gần ngày các con trở về, ông cứ chèo kéo gọi Kim xuống bếp ăn dưa hấu. Kim từ chối mãi rồi cũng nể nang đi vào, vừa bước qua bậc cửa nối căn buồng với gian bếp, ông đã nắm tay Kim dúi vào mấy ngàn lẻ rồi ấn Kim ngồi xuống ghế, sau đó hấp tấp cầm dao xẻ dưa hấu. Kim tiếp tục giữ vẻ ngây thơ cho hợp độ tuổi, ăn sột soạt hết miếng này đến miếng khác. Ăn xong còn lại đống vỏ trắng xanh trên bàn, Kim đứng dậy liến thoắng: “Cháu ra trông hàng đây! Ông dọn nhé!”. Ông Trí bất chợt ôm lấy Kim từ phía sau và lắc lư người như một con cá quẫy trong nước. Kim vùng vằng hất ông ra nhưng bị ông bám chặt vào người. May thay lúc đó có tiếng gọi phía trên nhà, một chú công nhân về sớm ngang qua mượn bật lửa hút thuốc. Kim thoát khỏi đôi tay già nua của ông mà thấy ghê ghê cái thể xác nhỏ thó nhăn nheo run lẩy bẩy ấy. Ông Trí đã hơn sáu mươi, Kim chỉ mới lên mười, sao ông lại có những hành động kỳ quái như thế được chứ?
Vợ chồng chú Toàn sau chuyến thăm bên ngoại lại bế ẵm nhau trở về xí nghiệp, tiếp tục chí thú làm ăn. Ông Trí vẫn thường mang đồ ăn ngon và tiền lẻ ra cho. Kim không từ chối vì mẹ rất hay nhờ vả con cái của ông, nhưng những khi được rủ lên tượng quan âm dạo mát thì Kim viện hết cớ này đến cớ khác để khỏi cho ông tiếp cận ở một không gian vắng vẻ. Từ đó trở đi ông Trí không còn cơ hội nào để giở trò bệnh hoạn ra nữa. Mẹ đôi lúc vẫn xui Kim nói chuyện này chuyện nọ với ông Trí để bay đến tai vợ chồng chú Toàn. Kim thoái thác rằng: “Thôi, ông ấy đã cho nhiều thứ rồi, mà mình lợi dụng nữa thì ngại lắm mẹ ạ!”. Tuy vậy nhiều lúc mẹ ép uổng quá, Kim buộc phải đi nói với ông bằng một thái độ dè chừng.
*
Cháu nội út của ông Trí được hai tuổi, cô Hồng đã bớt vất vả vì con mọn, nên có vẻ không cần sự hiện diện của bố chồng trong tổ ấm của mình thêm nữa. Cô bắt đầu có những ứng xử khiến ông Trí phật lòng. Tuổi già đâm ra nhạy cảm, dễ hờn dỗi nên những xích mích nhỏ thường xuyên diễn ra giữa bố và con trai, giữa vợ và chồng. Cuối cùng chú Toàn có ý bênh vợ hơn làm ông Trí tức sôi máu, đòi xách đồ bỏ về quê mấy lần. Chú Toàn muốn trọn đạo hiếu nên năn nỉ ông Trí ở lại đợi chú thu xếp công việc, xin nghỉ phép đưa ông về cho đủ tình đủ nghĩa. Thế là ông Trí nấn ná chưa đi.
Đến một ngày, cô Hồng đưa hai con lên thị xã mua sắm, chú Toàn đi làm ở mỏ đá. Ông Trí bỗng ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ, xách chiếc túi du lịch cũ kỹ đi ra và khóa cửa lại. Ông đến trước mặt Kim tỏ vẻ buồn rầu tội nghiệp. Nước mắt ông rớm ra trên gò má nhăn nheo. Ông than thở rằng sẽ về quê sống và rất buồn vì không được nhìn thấy Kim nữa. Rồi ông lấy từ túi áo ngực ra đếm đếm tiền, đưa cho Kim mười ngàn – số tiền ấy đủ để Kim mỗi ngày mua một cái bánh nướng to bằng bàn tay bán bên cạnh trường trong vòng một tháng. Kim cầm tiền rồi ông bắt đầu năn nỉ, xin Kim đi dạo với ông lần cuối. Kim ban đầu chối từ, rồi ra chiều nghĩ suy, rồi cuối cùng cũng chịu khóa tủ hàng lại đi với ông lên tượng quan âm.
Mỗi lần lên thăm đức phật quan âm, Kim đều giữ thói quen đứng trước tượng chắp tay cầu khẩn ẹ và em trai thứ hai khỏe mạnh, cha và em trai thứ nhất thanh thản nơi chín suối. Lần này Kim nói với ông Trí, sẽ xin đức phật độ trì cho ông chuyến đi bình an và về quê được vui vẻ. Khi Kim chắp tay cúi lạy phật để hoàn tất lời thỉnh cầu thì ông Trí đứng bên cạnh quay ra ôm chặt lấy Kim. Cố sức đẩy ông ta ra nhưng dường như con người đó đã không còn suy nghĩ được gì ngoài việc cố kéo Kim ra phía sau chân tượng để cưỡng hiếp. Kim không dám hét to kêu cứu, sợ người thứ ba trông thấy thì bẽ mặt cả hai. Song Kim càng đẩy ông Trí càng lăn xả vào. Ông ép Kim sát vào chân tượng, kề cái miệng nhăn nhúm đầy dãi dớt lên gương mặt còn búng ra sữa. Dãy dụa né tránh, Kim bị dồn đến đường cùng của hoảng sợ. Trong lúc rối bời, sờ thấy cây bút bi nơi túi áo ngực ông Trí, lấy hết sức bình sinh Kim đâm vào cổ của ông già đang hóa thú. Cây bút vỏ kim loại cắm phập qua lớp da bèo nhèo, máu đỏ trào ra. Ông Trí ôm cổ lùi ra xa nhìn Kim lắp bắp không thành tiếng, đôi mắt mờ đục những bất ngờ. Không biết lúc đó Kim nghĩ gì, chỉ biết khi định thần lại thì cục đá sắc cạnh trong tay mình đã đập nát đầu ông Trí. Cái xác già tắt thở rũ rượi ngay dưới chân đấng từ bi hỉ xả.
Lên bảy tuổi Kim làm chết em trai mới biết đi chập chững của mình. Mới mười một tuổi, Kim giết chết ông già ngoài sáu mươi trong cơn loạn trí. Quan âm có thực sự đang nhìn thấy cuộc đời của Kim?
Chôn xác ông Trí ngay giữa đám lau phía sau tượng quan âm, Kim kịp trở về khi xí nghiệp còn vắng người. Lén lút tìm ra bể nước tập thể phía sau khu bếp, Kim nhảy vào và rửa sạch những vết máu bám trên cơ thể, sau đó ướt sũng băng qua đường để về nhà thay đồ. Kim kể với mẹ một câu chuyện: “Con ra bể lấy nước mà làm rơi cái xô, nên con trèo lên miệng bể cho dễ khều thì bị té xuống”. Mẹ bảo may mà ngã xuống bể lúc vắng vẻ, chứ có người nhìn thấy là bị ăn chửi vì làm bẩn nước sinh hoạt của cả tập thể rồi.
Tối đến cả nhà chú Toàn về nhà, thấy ông Trí để lại thư rằng: “Bố đã đón xe về quê, đừng lo gì cho bố nữa”.
*
Học xong cấp một, Kim nghỉ ở nhà để dành hết thời gian phụ mẹ buôn bán. Vùng đất dễ làm ăn nên dân cư khắp nơi cứ dần dần đổ về dựng nhà san sát hai bên đường. Mẹ Kim cũng rời khu tập thể đến thời kỳ cũ nát để vào sống trong căn nhà gỗ kiên cố rộng hơn gấp bốn lần, được mua bằng số tiền tích lũy sau những năm kinh doanh tạp phẩm trong xí nghiệp. Giờ tiệm nhà Kim bán cho cả dân tứ xứ chứ không chỉ riêng công nhân như trước.
Kế bên nhà Kim là trụ sở tạm bợ của một xóm đạo cứ vang vọng tiếng đọc kinh đồng thanh mỗi chiều chủ nhật. Đôi lúc theo nhịp cầu nguyện, Kim cũng vô thức đưa tay làm dấu thánh và hòa giọng: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen!”.
Năm Kim 14 tuổi, có đoàn công đức từ trên thị xã xuống khai quang gò đất chỗ tượng quan âm. Kim và mẹ đóng cửa tiệm tạp hóa để đi làm công quả. Dân quanh vùng theo đạo thờ ông bà đều kéo nhau đến giúp sức. Tượng phật được quét sơn trắng toát, lư hương được vôi ve lại cho ra màu đồng, ba cây nhang cũng sơn đỏ đỏ vàng vàng như đang cháy. Đền bát giác tất nhiên được sửa sang, những cây cột xà mối mục được thay thế và lợp ngói mới tươi rói. Đoàn công quả cả trăm người hè nhau san phẳng mặt gò để tạo diện tích vuông vắn, cân đối, cho hợp với tầm vóc của tượng phật. Dự định của họ là chuyển đá từ mỏ khai thác về rải lên một lớp thật dày để lau sậy không còn mọc được. Trong quá trình thi công, họ tìm thấy một xác chết chôn rất nông ngay sau tượng quan âm. Không có bất kỳ dấu hiệu nào để nhận biết nhân thân nên đoàn công quả chuyển cái xác ra góc khuôn viên và lập nên ngôi mộ vô danh ở ngang hàng với hai gốc thông cổ thụ cao lớn.
Kim đứng từ xa nhìn đám thanh niên sốc vác lo việc chôn cất tử tế cho người xấu số, nhớ lại chiếc túi du lịch của ông Trí đã bị mình bí mật đem quẳng xuống vực sau biến sự kinh hoàng đó vài ngày. Hai mùa mưa trôi qua, bùn đất chắc đã chôn vùi nó, hoặc đủ làm phai lợt tất cả những giấy tờ bên trong. Gia đình chú kỹ sư Toàn thuyên chuyển công tác về Đồng Nai từ năm ngoái, nên chẳng thể rõ họ có gạt bỏ những hờn giận để đi tìm bố khi thư về quê mà không thấy hồi âm. Nhưng dường như mẹ đoán được gì đó, nên nhìn Kim bằng ánh mắt sâu thẳm ngỡ ngàng. Kim cố giữ vẻ lạnh lùng, như thủa mẹ đối xử với mình sau khi em trai đầu tiên chết vì sặc bột. Nếu cha còn sống và hiểu chuyện, thì dù có im lặng, chắc chắn đôi mắt cũng không bao giờ phủ lên Kim ánh nhìn như của mẹ. Từ khi giết người, có gì đó rất quan trọng đã chết trong sâu thẳm tâm hồn Kim. Sống chỉ còn là hình thái bên ngoài.
*
Đến năm mười tám tuổi, Kim lắc đầu từ chối hàng chục đám mang trầu cau tới ngỏ lời cưới hỏi và bỗng quỳ xuống vái lạy mẹ xin được ra khỏi nhà. Mẹ không nói một lời ngăn cấm, nước mắt trào lên đồng tử rồi lặn ngược vào lòng. Em trai chín tuổi níu áo hỏi: “Chị đi có về nữa không?”, Kim lắc đầu, dấn bước ra đường mà không hề quay lại. Cửa phật rộng mở, Kim gửi mình trong một ngôi chùa nhỏ giữa rừng thông xào xạc cách rất xa nhà mẹ.
Em trai mười bảy tuổi, lặn lội lên chùa năn nỉ chị gái hoàn tục, Kim ngồi trên bồ đoàn tụng kinh không dứt.
Em trai hai mươi ba tuổi, hớt hải lên chùa báo tin mẹ vừa lìa trần, Kim ngồi trên bồ đoàn tụng kinh không dứt.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát!
16. Giấc mơ chợ nón làng Chuông
Truyện ngắn của Lê Thùy Vân
... Trong mơ gã thấy phiên chợ Chuông có một cái nón khổng lồ, bên trong chiếc nón khổng lồ ấy là những quầy nón mỹ nghệ, trong đó có những chiếc nón được gã vẽ lên, rồi những chiếc nón như búp bê matrioshka của Nga mở ra có nhiều nón nhỏ bên trong... Khách du lịch tứ phương tràn ngập phiên chợ đổ về mua, những chiếc nón không phải để đội lên đầu ra đồng, úp xuống hay ngửa lên xin từng đồng từng cắc ở khắp nơi, nó đã trở thành món quà du lịch ý nghĩa cho khách thập phương... Và rồi những tour du lịch dẫn khách du lịch về xem tràn ngập những con đường gạch rêu đỏ...
Nàng chậm rãi khuấy ly trà lài, chậm rãi châm thêm đường, chậm rãi đưa muỗng lên, chu chu cái miệng xinh xinh nếm trà, chậm rãi hạ muỗng xuống cái đĩa với những họa tiết màu xanh, chậm rãi thả từng từ rành rọt vào tai gã họa sĩ:
- Chia tay nhé!
Cái miệng xinh xinh của nàng chun ra hớp một ngậm trà, rồi lại từ tốn nhìn gã như cố để giải thích.
-Không có lý do gì, chỉ là em không tìm thấy em trong thế giới của anh, chỉ là có anh rồi em vẫn thấy cô đơn, em cần hơn thế nữa...
Gã để nàng đi, nhẹ bẫng.
Qua ô kính khung cửa gỗ mục nhìn bóng nàng gầy, mỏng bước lên chiếc mercedes mui trần mở sẵn cửa chờ nàng lẩn khuất nơi những ánh đèn vàng mắc nhăng nhẳng trên những tàn cây sấu già trơ lá sang đông... Gã lê khỏi quán. Đi như vô thức gã cũng lết về được chung cư gã thuê trong một con hẻm. Chung cư đóng cửa, gã ngồi thụp nơi kệ tường rêu. 12 tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc ngân nga hút vào đêm... Gã thiếp đi trong tiếng chuông nhà thờ bảng lảng ấy...
Gã choàng mở mắt khi thấy chân nhàm nhạp ướt, con Nô của mụ Lịch béo, buổi sớm mụ dắt đi dạo đang hồn nhiên nghếch chân tè vào chân gã... Dẫn con Nô đi, không một lời xin lỗi, mông mụ đánh nẩy nẩy, dội lại tiếng nói “Đi “ngựa” cho lắm vào rồi ngủ bụi... mát mặt nhể”...
***
Chiếc Win lao vùn vụt về hướng Tây, gã cũng không định hình được sẽ đi đâu. Cứ đi vậy thôi. Những cơn gió ngoại thành sẽ làm gã dễ chịu hơn. Xe lao trên đê, ngược sông Đáy, hai bên đê là những cánh đồng ngô trải dài tít tắp. Đông xám xịt trên những đọt ngô. Bỗng một bàn tay vẫy gã. Một cô gái trong chiếc áo ấm rộng thùng, tóc cột tó ngựa vểnh lên. Giọng lanh lảnh
- Xe ôm! Ôm!!
Gã phanh xe kít lại. Cô ả hồn nhiên trèo lên ngồi sau xe gã.
- Chạy thẳng, đến đoạn hai bên đê thấy phơi những chồng lá nón rồi rẽ phải, chạy thẳng, rẽ phải, rẽ trái, rẽ trái...
Cô ả liến thoắng chỉ đường. Gã chẳng nói năng gì, rồ ga chạy. Bỗng cô ả đập đập vào vai gã:
- Dừng!
Gã phanh xe kít lại như một cái máy. Cô ả nhảy phóc lên phía trước như một con sóc, đôi mắt to tròn, đầy ngạo nghễ nhìn gã:
- Nhiêu?
Gã nhìn cô ả không nói.
Cô ả dơ 2 ngón tay, rồi 3 ngón tay, rồi 3 ngón tay với nửa ngón, rồi 4 ngón tay... Rồi cô ả hét lên “Đây đến đó 40 nghìn anh còn không đi, chém đẹp đấy nhỉ?”... Cô ả đai cái miệng chanh chua nói rồi phăm phăm đi! Đột nhiên cô ả quay lại toe toe cười nhét vào tay gã 4 đồng xu 500 lẻ “Trả anh đoạn đường vừa rồi”.
Tó tóc cột đuôi ngựa vung vẩy trong gió.
Gã nhếch cười. Từ nhỏ tới lớn gã rất ghét những đứa con gái đôi co kỳ kèo thêm một bớt hai khi mua hàng, mặc dù gã chưa bao giờ bán gì ngoài bán tranh, mà bán tranh thì ít khi người ta trả giá mà những người trả giá thì gã lại không bán.
Gã lao xe đi mà chẳng mất một giây đắn đo suy nghĩ... Đến được đoạn đường hai bên đê phơi những lá nón... Hiện ra trước mắt gã là phiên chợ Chuông với ngàn ngàn những chiếc nón trắng muốt được xếp đống bên cạnh là chùa Chuông rêu phong cổ kính, tất cả trông như một bức tranh được sơn phết nhiều màu... Gã hỏi một người đàn bà bán nón, giá một chiếc nón bao nhiêu. “10 nghìn”. Người đàn bà trả lời.
- Một ngày làm được bao nhiêu cái? Gã lại hỏi
- 1 cái.
Gã hỏi nhiều người đàn bà bán nón thì hầu như câu trả lời cũng như vậy. Xẹt xẹt xẹt qua những chồng nón gã thấy đứa con gái tó tóc đuôi ngựa đang ngồi cạnh một bà già bày bán những quần áo gụ, miệng vẫn liến thoắng nói, liến thoắng ăn bánh đa. “Hừ! Giữa ban ngày ban mặt, con gái con đứa gì lại chồm hỗm ăn quà vặt thế kia”. Gã lắc đầu bỏ đi.
Trưa, mặt trời tênh hênh đỉnh đầu. Gã đi theo một bà còng, một tay chống gậy, một tay ôm mé hông 3 chiếc nón ế. Người ta bảo cứ đi theo mông bà còng này, sẽ đến được nhà một nghệ nhân già, có 2 cô con gái xinh đẹp nhất Chuông, chằm nón đẹp nhất Chuông”. Nghe kể, bà còng mắt tèm nhem nên chằm nón xấu nhất xứ Chuông vì vậy mỗi phiên chợ nón, bà quẩy nón lên rồi lại quẩy nón về.
Bà còng đi qua những ngôi nhà có những bức tường gạch không tô, màu đỏ chót, lốm đốm rêu, gặp một đình làng, bên đình có một cây đa già, đi theo con hẻm bên hông cây đa, bà còng rẽ vào một ngôi nhà như cái hộp diêm được lợp bằng lá cọ. “Cậu nhìn đối diện, đó chính là nhà cô gái chằm nón đẹp nhất xứ Chuông này”.
Gã bỏ ra 50.000 đồng mua 3 chiếc nón ế của bà còng. Bà còng nguây nguẩy:
- Em bán một chiếc thôi – 7.000 đồng
- Vâng, con gửi tiền bà ăn trầu vậy
- Thế thì được! Em... xin.
Bà còng hình như cả đời chỉ biết xưng “em” với tất cả lũ đàn ông nhận tiền rồi cười vung vãi dớt dãi trầu đỏ au...
Gã cột chiếc nón xấu xí của bà còng vào yên xe rồi bước vào ngôi nhà 5 gian cổ kính, xung quanh tường phủ rêu xanh, có cái cổng bằng gỗ, dây leo mọc nhằng nhợ. “Một ngôi nhà đầy chất thơ” gã nghĩ trong đầu. Con chó lông xám khoanh tròn nằm buồn hiu bên chiếc chạn gỗ, thấy gã, ư ứ lên mấy tiếng rồi cụp mắt lại. Có lẽ nó quen với việc khách tứ phương đến mua nón nên không sủa. Bước thêm vài bước gã thấy các nguyên liệu làm nón được bày biện ở gian trái. Không khí có vẻ hoang lạnh, xiên qua những cây cột gỗ màu nâu trầm lộ ra tấm vai con gái mảnh khảnh với mái tóc dài buông thõng. Một bờ vai mảnh khảnh, một mái tóc dài xưa nay luôn làm gã có xúc cảm mạnh. Chả gì gã cũng là một họa sĩ mà!
- E hèm...
Tiếng của người đàn ông ở gian phải làm gã giật mình. Cô gái với mái tóc dài nghe tiếng động quay lại nhìn gã, khuôn mặt không được như những gì mà gã tưởng tượng. Thì ra đẹp nhất một thôn, vẫn chỉ là đẹp nhất của một thôn thôi, thua xa con gái Hà thành, gã nghĩ.
- Dạ, cháu muốn mua nón!
- Không bán!... người đàn ông nói rắn đinh, giọng đầy khó chịu.
Gã im lặng.
- Nói thật đi! Nghe người ta bảo nhà này có hai đứa con gái đẹp, muốn đến đây tăm tia hả?
Gã vẫn im lặng.
Người đàn ông phá lên cười đầy khinh mạt.
- Ra khỏi nhà tôi ngay!
Gã vẫn im lặng
- Không đi! Hừ! Lì! Thế thì ngồi xuống! Tao thích mấy thằng lì... Ngày xưa tao cũng là một thằng lì nhất xứ Chuông này... ông già vợ đuổi kiểu gì tao cũng cứ ngồi lì vậy... hê hê hê...Nhờ lì mà tao “cua” được gái đẹp nhất xứ Chuông này đấy...
Ông ta nói rồi đưa những ngón tay nhăn nheo rút chiếc nút chai rượu, ném ra một xó, chiếc nút chai bung ra lớp lá chuối bốc mùi âm ẩm mốc, nốc một ngụm rượu, ông cười ha ha. Điệu cười vang khàn làm con chó lông xám gừ gừ lên rồi lại cụp mắt lại, chắc nó cũng đã quá quen với cảnh tượng này, gã nghĩ vậy. Ông ta uống một ly, rót cho gã một ly... cứ như vậy, như vậy...Rồi ông ta lèm nhèm chửi đổng. Trong những câu chửi đổng, ông lôi chuyện con Lụa, con Thắm hình như là hai cô con gái cưng của ông, mà theo ông ta là đẹp như hoa Lan, hoa Huệ, mà đẹp thì sướng cái thân, đầu tư cho sắc đẹp sướng hơn đầu tư làm nón cả một đời... Ông ta lại rên lên cười ha ha... Tự dưng lúc ấy con chó lông xám bỗng ngồi dậy vẫy vẫy đuôi chạy ra đầu ngõ. “Ngạc nhiên chưa” gã phải dùng câu quảng cáo của bột giặt Tide trong hoàn cảnh này. Đứa con gái chanh chua có tó tóc đuôi ngựa xuất hiện. Trên tay lỉnh kỉnh đồ mua sắm cho ngày tết. Chẳng thèm quan tâm tới cái đống thù lù là gã đang ngồi uống rượu trong nhà mình với khuôn mặt đỏ dựng. Ả hạ đồ xuống. Xách một chai rượu, tiến lại phía người đàn ông ấy.
- Hôm nay bà Tòng có nấu rượu gạo, con mua thêm cho thầy này...
Quái lạ. Bố nát rượu, con không ngăn lại, còn tiếp thêm rượu. Người đàn ông miệng nhều nhại nhãi mép cứ ứ ư. Rồi đột nhiên ông ta đọc thơ pha chút ca trù.
những chiếc nón rách
những chiếc nón mê
theo ai ra đồng
theo ai gồng gánh
theo ai vỉa hè úp bát cơm thừa
theo ai cổng chùa ngửa dăm bạc lẻ
em ngửa nón trắng muốt dưới nắng hanh – tìm gì
ra đình ngả nón trông đình
đình bao nhiêu ngói thương mình – thương mình – là mình – là mình
đâu rồi cái thuở - là ai
chúng mày ơi
ơi chúng mày
không con dân nào của làng Chuông tự hỏi:
nón làng Chuông đẹp nhất xứ
ngõ làng Chuông gạch rêu phong đỏ
đẹp đến mê hồn
mà người làng Chuông nghèo nhất xứ?
vì sảo
vì sao
hỡi các vì sao...
Gã nhìn vào mắt người đàn ông ấy, đôi mắt già nua với những màng đục vô hồn, lải nhải lại lời thơ của ông ta rồi gục xuống phản...
Tối đó vì quá chén gã đã phải ngủ lại nhà người đàn ông ấy trên chiếc phản gỗ.
Gà te te gáy, gã tỉnh dậy, chợt thấy người đàn ông ấy đang chải chiếu ngồi bên bếp củi gói bánh trưng, bên cạnh là hai cô con gái, cô tóc dài và cô tóc tó đuôi ngựa. Thỉnh thoảng cô tóc tó đuôi ngựa thò vào nhón nhân đậu ăn vụng, ông lại cầm chiếc đũa gõ ột cái. 15 chiếc bánh, ông gói thêm 2 chiếc bé xinh cho hai cô con gái.
Đêm 30, giao thừa của một năm lạnh lẽo và hoang sơ nhưng có không khí của một gia đình. Gã chợt nghĩ đến bố mẹ gã. Giờ này cụ cố, cụ ông, bố mẹ và cô chú đang xếp hàng chờ gã về để uống ly rượu tiễn đưa năm cũ. Gã là cháu đích tôn của một dòng tộc 3 đời ở một ngôi nhà cổ Hà Nội. Gã sinh ra mọi sự được sắp đặt sẵn, lập trình sẵn. Gã không làm gì vẫn có thể sống nhàn nhã với gia tài dòng tộc để lại. Vậy mà giờ này gã đang nằm chèo queo trên tấm phản gỗ cũ kỹ lạnh lẽo ở một ngôi làng cách xa Hà Nội cả mấy chục cây số này...
Nhưng rồi giấc ngủ... nướng thơm lừng ập đến gã, trong giấc ngủ gã thấy hình ảnh phiên chợ nón, những người phụ nữ bán nón, những người phụ nữ với cái nhìn vô định và nụ cười lấp lánh nắng khi bán được cái nón dăm bảy nghìn. Một cái nón ngốn hết bao ngày công qua biết bao công đoạn từ chọn lá, phơi lá cho đến khi màu xanh của lá chuyển thành màu trắng bạc, sau đó lót lá dưới nắm giẻ, miết cho lá phẳng mà không giòn, không rách, rồi làm vành nón, cạp nón tỉ mẩn, rồi toét mắt chằm nón để được dăm bảy nghìn... Chao ôi, thật xót xa! Hình ảnh bà còng vừa ôm nón vừa đi nhún nhún cái lưng như nhảy điệu disco trên đường... Tất cả hình ảnh ấy cứ quay đi quay lại trong đầu gã...
Rồi đột nhiên trong mơ gã thấy phiên chợ Chuông có một cái nón khổng lồ, bên trong chiếc nón khổng lồ ấy là những chiếc nón được vẽ như những bức tranh tuyệt đẹp, rồi những chiếc nón như búp bê matrioshka của Nga mở ra có nhiều nón nhỏ bên trong...
Gã tỉnh dậy khi nghe tiếng cười khanh khách của cô ả có tó tóc đuôi ngựa vang lên. Gã kể lại giấc mơ về chiếc nón khổng lồ cho cô ả nghe. Cô ả say sưa nghe. Rồi gã nhác thấy gian giữa nhà có tờ giấy dó viết chữ TÂM to chình ình một cách trang trọng. Gã hỏi cô ả chữ TÂM này ở đâu. Cô ả kể lại do một người bạn của cha cô đi Hà Nội về mua tặng... Cha cô rất quý nó nên treo trang trọng vậy. Không nói không rằng gã dựt chiếc nón vừa mới chằm xong trên tay cô chị, lấy bút vẽ, mực vẽ trong chiếc ba lô đem theo, viết lên trên chiếc nón chữ Tâm theo kiểu thư pháp một cách điệu nghệ, rồi lấy tất cả các nón ở góc nhà viết chữ Nhẫn, chữ Nhân, chữ Lộc, chữ Phúc, chữ Thọ. Viết xong, gã nhúng đủ các màu của làng tranh Hàng Trống vẽ tất cả những gì có thể lên nón từ con gà trống đến con lợn ỉn... Chẳng chốc tất cả gian phòng như một không gian triển lãm. Cô chị, cô em khoái chí cứ chạy loanh quanh xem...
Sáng mồng 3, phiên chợ nón đầu tiên của năm mới, gã cùng với cô nàng có tó tóc đuôi ngựa chất toàn bộ nón với những hình vẽ lên chiếc xe bò chở ra chợ Chuông. Phiên chợ đầu năm như một ngày hội đông đúc... Mọi người chen chúc xem, người chê sự vớ vẩn, bày vẽ, điên khùng cũng nhiều mà người khen cũng không ít... Bỗng một đoàn du lịch người nước ngoài tới, thấy những chiếc nón rất lạ, họ cầm lên xem, trầm trồ khen và tranh nhau mua hết. Sau đó họ còn để lại những đơn đặt hàng làm tiếp...
***
- Mình phải biến chợ Chuông thành chợ nón du lịch! Gã nói chắc nịch như đinh đóng... thân chuối khi nhìn người đàn ông đang rít thuốc lào trên phản, trước bốn con mắt tròn xoe ngơ ngác của cô chị, cô em.
- Ai làm? Cô gái có tó tóc cột đuôi ngựa hỏi
- Em làm, chị em làm, bố em làm, dân làng Chuông này làm!...
Người đàn ông vẫn trầm ngâm ngồi rít thuốc lào, không dưng độp nói
- Mày có thích con gái tao không? Cho mày chọn đấy!
Ngưng một lúc
- Mày chọn thì mày ở lại đây. Mày làm chứ ai làm?!
Người đàn ông bước vào buồng trong, để lại làn khói mù của hơi thuốc lào bay nhệu nhạo lả lướt trong không gian buổi chiều xuân xứ Chuông êm ả... Con chó lông xám ngoe nguẩy đuôi chạy theo...
17. Van Gogh, đàn guitar và căn gác xép
Truyện ngắn của Lê thị Tuyết Ngân
Tôi lặng lẽ bước chân vào hẻm. Con hẻm nhỏ bị bao trùm bởi sự yên tĩnh đến rợn người. Sau một tháng không quay trở lại, cái sự tuyệt đối yên tĩnh ấy càng khiến tôi như ngộp thở. Tôi bước chậm dần cho tới khi trước mặt mình hiện lên một ngôi nhà gỗ cũ kĩ. Ngôi nhà lùi lại so với mặt ngõ độ hơn một mét, vừa đủ để chừa ra phía trước một mái hiên dốc xuống. Cửa khóa ngoài. “Vẫn như mọi khi” Tôi nghĩ thầm.
Thay vì gõ cửa, tôi đứng dưới hiên, tựa lưng vào tường cạnh chiếc cửa gỗ. Tôi bắt đầu sắp xếp lại trong đầu những gì sẽ nói khi gặpa nàng.
Trời oi ả, tưởng như sắp có một cơn mưa ào tới cuốn trôi mọi thứ.
***
Lần đầu tiên tôi bước vào hẻm là một buổi chiều học ghita. Tôi không mấy hứng thú với âm nhạc. Ông anh vừa đi du học để lại cho tôi cây ghi ta xếp ở xó phòng, bỏ cũng tiếc, thằng bạn thân gạ gẫm “Học cái tài lẻ cho dễ kiếm người yêu An ạ” Ờ, cũng có lý, vậy là tôi xách đàn đi học.
Mùa hè nắng đổ lửa. Vậy mà vừa bước vào hẻm tôi như lạc sang một thế giới khác. Tất cả những âm thanh hỗn tạp bên ngoài bỗng chìm xuống một cõi hư vô nào đó, thế giới được thanh lọc lấy một sự yên tĩnh tuyệt đối, không tiếng người nói, không tiếng xe cộ, ngay tiếng hơi thở, tiếng bước chân của chính mình tôi cũng thấy lạc đi đâu mất … Một cơn mưa rào ào tới. Nước mưa đập xuống nền xi măng lộp độp rồi mỗi lúc một gấp hơn. Tôi cố chạy lên phía trên hi vọng tìm một chỗ trú, và rồi trước mắt tôi hiện ra mái hiên của căn nhà gỗ.
Tôi đứng dưới mái ngói nhìn những giọt mưa nhỏ giọt, 10 phút, 20 phút trôi qua… mưa không có vẻ gì sắp ngớt… “Muộn rồi” – tôi tự nhủ, cái sự muộn học ấy không hẳn làm tôi phiền lòng. Thỉnh thoảng con người ta hay có những chọn lựa vô thức như thế. Tôi có lý do học ghita và tôi đi học, giờ đây tôi cũng có lý do để bỏ một buổi học, đó là mưa, tất cả đều là những lý do khách quan chả liên quan gì đến cảm nhận của riêng cá nhân tôi, và với tôi thì tuân theo những lý do ấy còn đỡ phiền phức hơn việc đắn đo cân nhắc giữa “muốn” hay “ không muốn”.
Chuông điện thoại reo to điệp khúc All I need của One Republic. Tôi nhìn vào màn hình: số lạ. Có thể là công ty bán hàng qua mạng gọi điện xác nhận hóa đơn, cũng có thể là cô gái tôi mới quen tại lớp tiếng Anh hỏi về kế hoạch học nhóm … Sự băn khoăn ấy bắt đầu khiến tôi khó chịu, và để giải quyết nó, tôi chỉ cần làm một việc đơn giản là ấn OK rồi trả lời. Nhưng tôi không có ý định làm thế, ít nhất là vào lúc này. Nếu tôi nghe máy, đồng nghĩa với việc tôi sắp nhận thêm một thông tin mới, dù nó xấu hay tốt thì giờ đây tôi vẫn đang phải trú mưa, và chí ít cho đến khi trời tạnh tôi không có ý định làm bất cứ điều gì. Tôi để chuông kêu liên tục năm, sáu hồi rồi tự tắt.
- Có ai dưới đó phải không? - Một giọng nữ vang lên hòa lẫn với tiếng mưa, nhìn quanh không thấy ai, tôi bất giác rùng mình.
- Tôi ở trên này – vẫn chất giọng đó, tôi cảm giác như cô ta phải hét lên khá to vì trời mưa lớn - Trên gác buồn quá, người ở dưới nói chuyện với tôi nhé.
- Cô bao nhiêu tuổi vậy? – Tôi chỉ muốn tìm một cách xưng hô thích hợp, mặc dù cảm nhận được câu hỏi của mình có hơi khiếm nhã.
- 22
- Em 20 tuổi, gọi chị là chị nhé.
- Thế nào cũng được. Cậu vừa chia tay người yêu à?
- Sao chị hỏi thế?
- Vì cậu không nghe điện thoại.
- Chị hiểu sai rồi.
- Vậy ra không phải à? Sao cậu không nghe máy?
Tôi bắt đầu giải thích cái lý do lằng nhằng tại sao mình để chuông kêu liên tục. Thường thì tôi không có thói quen kể lể với bất kì ai những suy nghĩ bâng quơ trong đầu mình, nhưng ngay lúc này đây, việc kể ra những điều đó sẽ giúp tôi kéo dài câu chuyện trong lúc chờ cơn mưa tạnh hẳn, và quan trọng là chị ta nằm bên lề cuộc sống của tôi, dù cho chị ta nhận định tốt hay không tốt về tôi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới mà tôi đang sống.
- Ra thế. Cậu có những suy nghĩ rất thú vị.
- Chị không cho rằng điều đó là vô tâm sao? Có thể đó là một cuộc gọi quan trọng, một công việc khẩn cấp không thể chậm trễ, và đứng về phía người gọi thì việc không nghe máy thật bất lịch sự.
- Cậu hiểu tất cả, vậy sao vẫn không nghe?
Ừ nhỉ, tôi đã bỏ qua cuộc gọi ấy, và lý do duy nhất để có thể giải thích chỉ đơn giản là tôi không muốn nghe, vậy thôi. Rốt cuộc thì đó vẫn chỉ là sự lựa chọn giữa “muốn” hay “không muốn”.
- Chà, sắp tạnh mưa rồi đấy – tiếng chị ta reo lên không có vẻ gì vui sướng.
Tôi nhìn lên trời. Những đám mây trắng dần dần xuất hiện.
- Này nhóc, cậu có nghĩ là cậu cần đến lớp không? – Chữ “nhóc” khiến tôi hơi khó chịu vì tôi chỉ kém chị ta hai tuổi, và tôi cũng không rõ mình đã kể cho chị ta nghe về việc học đàn khi nào - Nếu cậu thực sự muốn đến lớp thì ngay cả khi trời mưa cậu đã có thể tới kịp giờ học. Nhưng thay vào đó, cậu lựa chọn ở lại đây, dưới mái hiên này để trú mưa. Chẳng phải khi đó cậu đã chấp nhận một điều rằng cơn mưa có thể kéo dài mãi khiến cậu không thế tới lớp hay sao?.
- À …uhm có thể chị nói đúng.
- Vậy thì việc mưa bao lâu đâu còn quan trọng nữa. Cái quan trọng là cậu muốn hay không muốn đi thôi. Và theo như tôi thấy thì cậu chả có hứng thú gì với việc đến lớp, dù cho cậu thích chơi guitar.
- Em cũng không thích ghita.
- Ồ, thế thì thật thú vị.
Cách nói chuyện kì quặc của chị ta khuấy động một cái gì đó ẩn sâu trong tôi.
- Cậu nhóc tên là gì?
- An – tôi trả lời pha chút khó chịu. Lẽ ra đó nên là câu hỏi đầu tiên của mọi cuộc trò chuyện – Chị tên là gì?
- Chào An nhé, tôi đi ăn cơm đây, hẹn gặp cậu vào dịp khác.
Những tiếng cuối cùng nhỏ dần làm tôi hình dung ra cảnh chị ta vừa bước đi vừa nói vọng lại. Ăn cơm vào 4 giờ chiều? Dù sao thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi tự nhủ rồi bước ra khỏi mái hiên.
Trời đã tạnh hẳn. Một vệt cầu vồng thẳng tắp treo lơ lửng trên những tán cây xa.
****
Lần thứ hai tôi bước vào ngõ hẻm cũng là một ngày mưa tầm tã và tôi có mang theo ô. Từ nhà tôi đến lớp ghita chỉ qua vài con ngõ nên tôi thường đi bộ, vừa đỡ phiền phức với chiếc xe suốt ngày chết máy, vừa là một cách tiết kiệm xăng trong thời kì giá cả leo thang.
Tôi đi sớm hơn 30 phút. Một cái gì đó khiến tim tôi đập nhanh hơn khi tôi rẽ vào con hẻm. Những bước chân chậm dần, tôi hướng mắt về căn gác lần trước. Bên khung cửa sổ, một cô gái trẻ đang ngồi hứng những giọt nước mưa. Khác xa với tưởng tượng của tôi, cô ta quả thực đẹp, đôi mắt to có phần tinh nghịch núp dưới hàng lông mi dài cong tưởng như lúc nào cũng đọng nước. Cũng có thể cơn mưa làm tôi hình dung ra nước đọng sâu trong đôi mắt ấy.
- Chào An! Nhận ra tôi không?
- Là chị trên gác lần trước phải không? – Tôi hỏi câu ấy hơi thừa vì tôi dễ dàng nhận ra giọng nói của cô gái trong một khung cảnh không khác trước là mấy, ngoại trừ việc tôi mang theo ô. Phải gọi thiếu nữ xinh đẹp trước mặt mình là chị khiến tôi có chút tiếc nuối - Chị không phải đi học ạ, hay đi làm? Ý em là trông chị có vẻ rảnh rỗi?
- Tôi cũng khá rảnh đấy – cô gái cười – cả ngày chỉ ngồi ở trong phòng, nhưng rồi thành quen. Dù sao thì với đôi chân này tôi cũng chẳng thể đi đâu được… Ồ, An đừng nhìn tôi như thế.
Câu nói khiến tôi giật mình. Có lẽ trên khuôn mặt tôi đang hiện lên hai chữ “thương hại”, sự bình thản của cô gái làm tôi hơi sửng sốt. Tôi đang không biết nên đáp lại ra sao thì cô đã lên tiếng trước.
- Cậu chơi được những bản nhạc nào thế? – cô tỏ ra háo hức.
Tôi thú nhận rằng đây mới chỉ là buổi đầu tiên tôi đến lớp học đàn, và tôi không có đủ hứng thú để tập thêm ở nhà. Cô gái không tỏ ra thất vọng. Cuộc trò chuyện như trầm xuống sau khi tôi biết được bí mật về đôi chân.
- Em phải đi thôi, nếu không chắc sẽ nghỉ thêm buổi thứ hai đấy? – Tôi cố tình cắt ngang.
- Vậy chúng ta có thể làm bạn không?
- Nếu chị muốn – dừng lại ở đây thì dường như hơi miễn cưỡng, tôi đành nói thêm – em rất vui khi làm bạn với chị.
- Cuối tuần này cậu rảnh không? Ghé qua nhà tôi chơi nhé. Tôi muốn nói chuyện với An nhiều hơn.
Tôi chưa cần đến ba giây để nhận lời mời của cô gái, dù cho tôi không thuộc tuýp con trai dễ làm quen với người lạ.
Đến tận khi đi xa ngôi nhà gỗ vài chục mét, tôi mới chợt nhớ ra mình quên hỏi tên cô.
****
Như đã hẹn, chiều chủ nhật tôi đến thăm ngôi nhà. Cửa khóa bên ngoài. Từ trên gác xép, cô gái thả cho tôi chùm chìa khóa chỉ có hai chiếc, tôi đoán một chiếc khóa cổng, một chiếc khóa phòng riêng của cô. Căn nhà chỉ có hai tầng, tầng dưới khá ẩm thấp dù không kê nhiều đồ, và cũng chả có mấy vật giá trị. Bụi và mạng nhện chăng đầy góc bếp. Tôi men theo cầu thang bằng gỗ để đi lên gác. Theo phép lịch sự, tôi vẫn đứng ngoài gõ cửa, giọng cô gái cất lên nhẹ hơn rất nhiều so với việc truyền qua một bức màn mưa “An vào đi”.
Căn phòng không khác xa với tưởng tượng của tôi là mấy, tuy nhỏ nhưng khá ngăn nắp. Cạnh cửa ra vào kê một giá sách khá thấp vừa tầm ột người ngồi xe lăn có thể với lên được, sau rồi đến tủ lạnh, cốc uống nước và bình hoa bách hợp đặt bên trên tủ như để tiết kiệm không gian cho phòng. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là giá vẽ đặt bên cửa sổ.
- Chị là họa sĩ?
- Mình chỉ vẽ theo bản năng thôi. Ngày trước có đọc qua một số sách về hội họa nhưng không hiểu lắm. Mà An uống nước nhé.
Nói rồi cô gái đi về phía tủ lạnh rót cho tôi một thứ nước vàng vàng.
- Ồ, em rất thích vị chanh leo – tôi mỉm cười đón lấy cốc nước trong khi tay kia đang lật qua những bản vẽ, và như chợt nhớ ra điều gì, tôi tiếp tục – chanh leo nghĩa là lạc tiên, chị biết điều này không?
- Ra vậy. Cõi tiên và thiên đường liệu giống nhau không nhỉ?
- Hẳn là có gì đó liên quan.
- Người ta lên thiên đường khi đã chết.
Giữa chanh leo và cái chết liệu tồn tại một mối liên hệ nào đó theo suy luận của cô gái hay không? Ít nhất thì vào thời điểm này, tôi hoàn toàn không muốn nghĩ sâu về vấn đề ấy. Tôi tập trung vào những bức họa của cô, đa phần đều là chân dung làm tôi liên tưởng đến các bức tự họa của Van Gogh, tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh cô gái ngồi bên cửa sổ, đôi chân xếp gọn trên xe lăn, ngoài trời mưa trắng xóa. Cô gái đưa tay hứng những giọt mưa tí tách rơi bên ô cửa với một đôi mắt trong biếc không chút ưu lo, như thể toàn thân nàng đã hòa vào làn mưa ấy. Trong đầu tôi chợt hình dung ra lần thứ hai tôi gặp nàng, chỉ khác biệt với bức tranh kia là khi đó, đôi mắt nàng đọng nước.
- Chị ở đây một mình sao?
- Cũng có thể coi như vậy, hàng ngày chủ nhà vẫn mang đồ ăn đến nhưng hầu như là tôi ở một mình. Tôi cũng thích như vậy hơn.
Tôi định hỏi thêm về cha mẹ nàng, bất chợt nhớ lại cảm giác khi nàng nói với tôi về đôi chân, tôi quyết định dừng lại. Đến một lúc nào cẩn biết, hẳn tôi sẽ được biết.
Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng cá quẫy nước, tôi nhận ra trên giá sách còn đặt một bể cá nhỏ. Tôi từ từ lại gần.
- An thử đoán xem chú cá ấy đang mong muốn điều gì.
- Một đôi cánh – đó là điều duy nhất nảy lên trong đầu tôi lúc này.
- Thật vậy à? Nhưng thử tưởng tượng nếu con cá có một đôi cánh nhé, thì làn da này vẫn không thể nào hô hấp mãi trong không khí, nó được sinh ra để sống với nước, và chỉ có thể là nước. Hẳn là nó cũng không được thế giới này chấp nhận vì nó chẳng thuộc một giống loài nào cả. Vậy thì một con cá, dù cho có thêm đôi cánh, nó có thể bay được bao xa?
- Nó chỉ cần ước được thêm một bộ lông vũ.
- Vấn đề là chẳng bao giờ có nhiều điều ước đến thế. Nàng tiên cá chỉ có một điều ước duy nhất là ở bên hoàng tử, nàng ta không thể đạt được điều ước thứ hai là có được trái tim chàng, vậy nên nàng ta đã chết. Nếu ông trời cho tôi một điều ước để mình có thể bước đi, chắc chắn tôi sẽ không nhận điều ước ấy, vì biết đâu khi đó tôi còn đánh mất nhiều thứ khác quan trọng hơn một đôi chân?
Câu chuyện dường như lạc sang một chủ đề khác, không đơn thuần là mơ ước của một con cá nằm trong bể. Tôi đã quen với kiểu nói chuyện kì quặc của nàng, nên chẳng lấy làm lạ. Cũng có thể từ lâu rồi trong đầu tôi đã tiềm ẩn cái cảm giác như thế, chỉ khác với nàng là tôi không sao diễn tả được nó, hoặc không bận tâm đến việc nên diễn tả nó hay không. Nàng tiếp tục:
- Ngày bé tôi sang nhà cô chú chơi. Căn nhà đó có một gác xép nhỏ. Cô tôi kể rằng chỉ cần bước qua cầu thang đi lên gác, tôi sẽ bước chân vào thế giới khác giống như cổ tích, ngồi vắt vẻo trên ông trăng, chạy giữa các đám mây hay hái sao cho vào giỏ… Tôi tin tất cả những điều cô tôi kể. Tôi chỉ ước ao được vào căn gác ấy. Nhưng tôi không dám bước qua những bậc thang gỗ vì dọc cầu thang treo đầy những con gấu, con khỉ da đen kịt chả khác nào lũ yêu tinh trong phim Tây du kí, tôi sợ chúng, mà diễn tả chính xác hơn là tôi căm hận chúng đã ngăn tôi đến với thế giới mà tôi hằng mơ ước.
- Sau bao lâu thì chị biết sự thật về căn gác?
- Tôi không rõ lắm, một năm, hai năm, hoặc lâu hơn nữa … Kể ra thì ngày ấy tôi còn quá nhỏ, cậu biết đấy, những băn khoăn của một đứa bé bốn, năm tuổi luôn dần dần biến mất như thế, cho đến một ngày gần đây căn gác ấy hiện về trong tâm trí và tôi tự hỏi không biết từ bao giờ mình đã chấp nhận rằng chẳng hề tồn tại một thiên đường trên gác … Nhưng vào lúc này, tôi lại thấy biết ơn đám “yêu tinh”… Giả sử như ngày đó tôi bước vào gác xép để rồi phát hiện ra nó không có gì hơn ngoài những vật dụng lỉnh kỉnh, thùng xốp và bao xi măng vứt xó, tôi sẽ thất vọng biết bao nhiêu, hẳn tôi sẽ khóc rất nhiều. Thật kì lạ, điều ước đạt được hay không đôi khi lại chả quan trọng mấy.
Thường những lúc thế này tôi hay chọn cách im lặng.
Vài giọt nước bỗng lộp độp rơi bên ô cửa, cơn mưa rào ào tới kèm theo tiếng sấm chớp từ đâu vọng lại.
Nàng đề nghị vẽ tặng tôi một bức tranh. Tôi đồng ý rồi đi về phía cửa sổ. Cửa không có chấn song và cũng khá thấp, tôi dễ dàng ngồi lên trên, một chân gấp lại, chân kia duỗi thẳng chạm vào chậu cây xương rồng. Tôi cố gắng giữ yên tư thế ấy một lúc lâu, mưa hắt từ bên ngoài làm cả tay áo bên trái của tôi gần như ướt nhẹp. Nhưng tôi hoàn toàn không bận tâm đến cánh tay bị ướt, toàn bộ tâm trí tôi dồn vào khuôn mặt cô gái ẩn hiện đằng sau giá vẽ. Thỉnh thoảng ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau, tôi chợt nhận ra một cái gì đó thật vô hồn choán chợp đôi mắt nàng, hơi nước lạnh buốt thấm qua da khiến tôi bất giác rùng mình.
-An chống tay lên đi, dựa về phía sau một chút.
Nàng đặt bút xuống, lăn xe về phía tôi. Có vẻ như nàng muốn giúp tôi chỉnh lại cách chống tay. Tôi bắt đầu thấy mỏi cổ.
- Không biết đến bao giờ mưa mới ngớt. Mỗi lần tôi và An gặp nhau thì trời đều mưa.
- Giờ vẫn đang là mùa mưa.
- Phải rồi – giọng nàng trầm xuống.
Thay vì giúp tôi chỉnh lại tư thế, nàng chợt đưa tay ra hứng lấy những giọt nước hắt lại từ ô cửa. Đôi mắt trong veo phản chiếu cả bầu trời. Và lần này tôi chắc chắn mình không nhầm, có nước đọng sâu trong đôi mắt ấy.
Một cảm giác tinh khôi rạo rực len lỏi vào trái tim, tôi bất chợt đưa tay nắm lấy bàn tay nàng lạnh toát dưới làn nước rồi luồn nó qua áo sơ mi chạm lên ngực trái của mình. Đôi tay tôi vòng ra đặt lên má nàng, ôm gọn lấy khuôn mặt trắng nhợt đẫm nước mắt. Và cứ thế, môi tôi nhẹ nhàng lướt đi trên khuôn mặt nàng, vầng trán cao, đôi mi dài đầy nước … môi nàng mềm mại như một nhành hoa trắng … Mùi hương dịu ngọt nhè nhẹ lan tỏa khắp gian phòng. Dường như thoáng qua có tiếng chậu xương rồng vỡ choang xuống sàn gỗ, nhưng tôi cũng không chắc lắm, tiếng vỡ đục ngầu hẳn đã tan vào làn nước mưa ào ào ngoài ô cửa.
***
Sau buổi chiều hôm ấy, tôi sợ phải đối diện với nàng , suốt một tháng trời tôi tránh đi qua ngõ, tôi bỏ tất cả các lớp tiếng anh, học nhảy, trừ những buổi bắt buộc phải đến trường, tôi hầu như ở nhà, ngồi một mình trong phòng. Cây ghita cũ đặt chỏng trơ một góc càng khiến tâm trí tôi rơi vào một cõi xa xăm vô định. Tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt đẫm nước, bởi những tiếng kêu đau đớn xen lẫn giữa hơi thở dồn dập, cả cái lạnh lẽo mơ hồ truyền từ cơ thể nàng sang tôi khi chúng tôi hòa vào nhau. Ở một thời điểm nào đó, tôi thậm chí không phân biệt nổi nước đang chảy ra từ mắt nàng hay chính đôi mắt tôi…
Tôi quay lại con hẻm sau khi đã trải qua tất cả các cảm giác đó, và tôi sẽ giải thích với nàng ra sao? Tôi nhìn chiếc ghita, nếu tôi chơi bản Romance tặng nàng, liệu nàng có tin hay không, liệu nàng có tha thứ cho tôi hay không?
- Cậu đang làm gì đấy?
Một người phụ nữ trung niên nhìn tôi vẻ dò hỏi, vừa nói, bà ta vừa soạn ra một chiếc chìa thọc vào ổ khóa của cánh cửa gỗ.
- Cháu tìm cô gái trọ trên gác.
Người đàn bà dừng lại, dò soát khuôn mặt tôi một làn nữa rồi đẩy cửa, mời tôi vào nhà. Tôi đoán bà ta là chủ ngôi nhà. Căn phòng bên dưới không có gì khác trước, bụi bặm và đầy mạng nhện. Bà ta dẫn tôi đi lên trên, mọi thứ vẫn y nguyên như lần cuối cùng tôi đến, chỉ thiếu cô gái.
- Cô ta chết rồi – Người chủ nhà bình thản.
- Sao lại chết? Chết từ khi nào ạ? – Tôi không nhận ra giọng chính mình.
- Tự tử. Chết cũng khổ sở lắm, phải cắt đến lần thứ ba mạch máu mới đứt. Cũng được gần một tháng. Cậu là bạn của cô ta phải không? Mấy thứ này cậu muốn giữ lại thứ gì thì giữ. Lát có người đến đây dọn đổ mang đi. Tôi cũng chả ham, của người chết đốt thì tiếc, giữ lại cũng xúi quẩy lắm.
- Vậy gia đình cô ấy đâu?
- Chết cả rồi. Nghe nói ngày trước cũng giàu có, về sau phá sản, ông bố say rượu nhỡ tay đâm chết bà vợ, tỉnh rượu lại thấy hối hận nên cũng tự tử luôn, bỏ lại cô con gái. Họ hàng thì tôi chưa bao giờ thấy nhắc đến.
Câu chuyện của người đàn bà ù đi bên tai tôi, tôi nhìn quanh nhà như kiếm tìm một thứ gì đó mà chính bản thân mình không rõ. Tôi đi về phía giá vẽ, bức họa cô gái bên cửa sổ còn đó. Tôi lật thêm vài trang nữa, bất chợt thấy bức tranh vẽ chính mình, là tôi, một thằng nhóc ngồi bên cây đàn, dưới mái ngói của căn nhà, ngoài trời, những giọt mưa nhảy lốp đốp trên nền xi măng trắng xóa. Tôi tháo hai bức tranh đặt cạnh nhau, bức tranh cô gái bên trên, bức họa vẽ tôi đặt dưới, tôi sững sờ nhận ra đó là hai mảnh ghép hoàn hảo của ngôi nhà gỗ, cũng một gam màu nâu nhạt, nhưng cảm giác như chúng tôi đang ở hai thế giới hoàn toàn xa lạ.
Có khi nào chính sự xuất hiện của tôi đã đẩy nàng đến cái chết? Tôi trở thành tấm gương phản chiếu thế giới thực tại mà con cá nhỏ hằng mơ ước, cái thế giới mà càng lúc nó càng thấy mình không bao giờ với tới được. Nó đau khổ, tù túng, ngột ngạt, nó trốn trong vỏ bọc để tiếp tục sống. Một lần nữa, tôi xuất hiện, xé toang vỏ bọc ấy, tôi bảo với nó rằng: “A, con cá nhỏ. Mày thật đáng thương.”
Và sự biến mất hèn hạ của tôi chính là nhát dao cuối cùng đâm chết con cá ấy.
Tôi vùng chạy khỏi căn nhà gỗ.
Trời đổ mưa. Lộp độp, lộp độp… Từng giọt nước tát vào mặt tôi đau rát. Lẫn vào trong tiếng sấm chớp giọng một người đàn bà từ xa gọi í ới: