pacman, rainbows, and roller s
Đọc truyện
Truyện Teen | Ngôn Tình | Xuyên Không | Tiểu Thuyết
Truyen teen - Thành phố không mặt người phần 5
18.Gió thổi dọc triền đê

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Muôn

Đêm đã khuya lắm rồi. Có lẽ phải đến hơn mười hai giờ.

Huyền cũng không biết nữa vì chiếc đồng hồ treo tường lại đặt sau tấm ri-đô. Những lúc như thế này, chị sợ nhất là phải nằm đếm thời gian trôi đi một cách chậm chạp. Bên cạnh chị, bé Thảo vẫn ngủ say sưa. Tiếng ngáy êm êm của con như cứa sâu thêm vào lòng chị sự đơn độc, trống trải, cô quạnh. Có một cái gì đó đang muốn cựa quậy, đang muốn phá phách trong lòng chị nhưng bị chị giữ chặt lại, kìm nén khiến cho tâm trạng của chị cứ khắc khoải không yên.

Mỗi đêm bây giờ, đối với chị cứ dài như vô tận.

Không hiểu sao, cứ đặt lưng xuống giường là chị nghĩ. Nghĩ nhiều lắm. Nghĩ miên man. Nghĩ toàn những điều vớ vẩn chẳng đâu vào đâu. Nghĩ đến quay cuồng, đến mệt mỏi mà không thể nào bứt những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu được. Nghĩ đến mụ mị. Cứ như bị ma ám, cứ như người ốm dở, cứ như kẻ mất hồn.

Suốt nhiều ngày nay, chị đã phải vùi đầu vào những giấc ngủ ngày bơ phờ để lấy lại sức. Có lẽ, do ánh sáng nhờ nhợ của quả bóng đèn ngủ màu xanh làm cho chị trằn trọc không thể ngủ được. Cái thứ ánh sáng ma quái ấy lạnh lẽo quá, nó gợi lên trong chị sự cô đơn, trống trải khiến chị sợ.
Chị thay quả bóng đèn ngủ màu xanh bằng một quả bóng màu đỏ. Nhưng chính cái màu đỏ rạo rực ấy lại càng làm cho chị khó ngủ hơn. Cái thứ ánh sáng ấy đã gợi lên trong chị một sự khao khát rất rõ ràng, cụ thể. Lâu nay, chị vẫn luôn che dấu sự thổn thức của mình trong những bộ quần áo lao động nhàu nhĩ, bạc màu, cáu bẩn và rộng thùng thình; sau những cánh cửa luôn đóng im ỉm cả ngày lẫn đêm, kể cả khi chị có mặt ở nhà. Vậy mà bây giờ, chị không còn sức để chịu đựng những điều đó nữa, không thể bình thản và dửng dưng trước những người đàn ông. Mỗi lần như thế, Huyền lại thở dốc như vừa phải làm một công việc gì đó cực kỳ nặng nhọc. Chị thấy tức ngực, khó thở. Chị vội ngồi nhổm dậy, vùng khỏi giường, lao vào nhà tắm, dội nước ào ào lên khắp cơ thể. Một lúc sau, chị thấy chân tay mình rã rời, người mệt rũ ra như một con gà bị cúm. Chị lại phải vội vàng đổi quả bóng đèn ngủ màu đỏ bằng một quả bóng màu xanh lơ, dịu dàng hơn.

Từ ngày chồng mất, hơn hai năm nay, Huyền vẫn sống lặng lẽ và đơn độc trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm Bờ Ao, nơi chỉ có lèo tèo năm, sáu ngôi nhà nằm thưa thớt bên cạnh chiếc ao cá rộng mênh mông. Có lẽ, cuộc sống của chị đã êm ả hơn, nếu như Lâm không trúng thầu chiếc ao cá này và dựng một chiếc chòi canh nhỏ để trông ao, cách ngôi nhà của chị không bao xa. Ngày ngày, nhìn thấy thân hình vạm vỡ của anh ngụp lặn ngoài ao, trong chị lại gợn lên ý muốn được làm một người đàn bà giống như bao người đàn bà khác. Những đêm mất ngủ, Huyền đều nghe được tiếng bước chân và cả những tiếng thở dài của anh nữa, mỗi khi anh đi qua sau nhà, chỗ cửa sổ mà mẹ con chị đang nằm. Đêm nào, anh cũng đi quanh ao cá một vòng trước khi về chòi ngủ, cần mẫn và chính xác như một chiếc đồng hồ. Những lúc ấy, chị lại ngồi nhổm dậy, dỏng tai nghe ngóng và phải hít thở thật sâu cho nhịp tim bớt đập loạn lên trong lồng ngực. Nhiều lần, khi Lâm trở về chòi, Huyền đã lặng lẽ đi theo sau anh đến tận chân chòi, rồi như người đang định ăn vụng, chị thấy mình mắc lỗi, vội quay đầu, bỏ chạy thật nhanh như bị ma đuổi.

Mất điện. Sao lại mất điện vào đúng lúc nửa đêm như thế này cơ chứ? Bé Thảo chợt trở mình, ú ớ nói mê, tay quờ quờ vào người chị. Huyền không sợ bóng tối, thậm chí còn muốn được ngồi một mình trong bóng tối. Nhưng bé Thảo lại sợ bóng tối và quen ngủ có đèn. Nhỡ tỉnh giấc, không nhìn thấy gì, bé sẽ khóc thét lên, sẽ không thể dỗ nó ngủ lại được, sẽ thức luôn đến sáng mất. Chị lần tìm chiếc đèn pin để ngay đầu giường và dậy đi soi tim bật lửa. Cái bật lửa chết tiệt hình như hết xăng làm chị bật rát cả tay mà không chịu lên lửa. Huyền lôi cục bông trong ruột bật lửa ra. Cục bông khô cong queo. Làm thế nào bây giờ? Mấy ngày nay chị lại quên mất cả việc mua xăng khi chai xăng con con chỉ dùng để chạy bật lửa đã hết mấy ngày rồi. Với lại, lâu nay, có bị mất điện như thế này bao giờ đâu. Không thể thắp đèn pin đến sáng, cũng không thể cứ nằm trong bóng tối mãi được. Huyền đành với tay lấy chiếc đèn dầu để trên ban thờ, cầm theo đèn pin đi xin lửa.

Ngoài sân, vằng vặc ánh trăng. Trăng nhễ nhại chảy trên những tàu lá chuối ướt đẫm sương đêm. Trăng tràn trề khoảng sân, loang loáng trên khắp con đường bao quanh ao cá. Ngày trước, chị rất thích những đêm trăng như thế này, nhưng lâu lắm rồi, chị cũng không còn hứng thú để cảm nhận vẻ đẹp của những đêm trăng sáng nữa, những đêm trăng mà khi còn trẻ, bao giờ chị cũng thấy chúng lung linh, huyền ảo. Chợt Huyền đứng khựng lại trước cánh cổng sắt lạnh lùng khi mà chiếc then kêu kin kít đã được rút ra gần hết. Biết xin lửa ở đâu? Mọi nhà đã ngủ từ lâu rồi, chẳng lẽ lại gọi họ dậy? Có lẽ anh Lâm còn thức. Anh ấy cũng chỉ vừa mới đi quanh ao một lượt về thôi mà. Tự dưng, Huyền thấy chân tay mình run bắn lên, người bừng bừng như lên cơn sốt. Chân chị bước gấp gáp về phía chòi canh ao của Lâm như một kẻ mộng du. Đứng dưới chân chòi khá lâu, chị mới có thể cất được tiếng gọi khẽ, run run:

- Anh Lâm còn thức không?

Trong chòi vẫn tối đen như mực. Chị cất tiếng gọi khẽ một lần nữa rồi định quay về thì nghe thấy giọng của anh:

- Ai đấy?

- Em! Huyền đây! Em muốn xin anh ít lửa. Mất điện tối quá mà bật lửa nhà em lại bị hỏng. Chị nói lắp ba lắp bắp như một cái máy.

Huyền cảm thấy tim mình đập thùm thụp như đánh trống. Sao mình lại cảm thấy lạnh run lên như thế này? Sao mãi không thấy Lâm nói gì? Có lẽ anh ngại? Anh cảm thấy bất tiện? Đêm hôm như thế này, mình ở đây một mình cũng không hay. Nghĩ vậy, chị định quay gót về nhưng lòng vẫn chùng chình với những ý nghĩ tội lỗi. Chợt giọng Lâm vang lên trên chòi:

- Em lên đi!

Chị khẽ rùng mình như vừa bị ai đó hú hoà sau lưng. Ánh sáng leo lét của chiếc đèn dầu nhỏ vừa được anh thắp lên làm cho chị tự tin hơn. Chiếc chòi đơn sơ, ngày nào chị cũng đi qua, ngày nào chị cũng nhìn thấy, vậy mà hôm nay, tự dưng chị thấy lạ lẫm và hồi hộp như vừa trông thấy lần đầu.

Lâm ngồi nép vào một góc để nhường chỗ cho chị. Anh vừa khoác thêm lên mình một chiếc áo may ô cũ, rách tơi tả ven mấy đường chỉ may, cáu bẩn, nhàu nhĩ như một miếng rẻ rách nhưng cũng không thể làm mất đi vẻ đẹp cường tráng của người đàn ông tràn đầy sức sống từ con người của anh, nhất là trước ngọn đèn dầu tù mù, chập chờn. Huyền cầm đóm châm lửa từ chiếc đèn của Lâm sang mà tay run bắn lên, làm đổ cả ngọn đèn. Ánh sáng tắt ngấm. Chỉ còn những lằn sáng nhờ nhợ từ ngoài ao hắt vào. Chỉ còn ánh trăng rờ rỡ bên ngoài chòi. Chị quờ tay tìm bật lửa, chợt chạm vào tay anh. Hình như anh cũng đang tìm bật lửa để châm lại đèn. Hơi thở của Lâm gần lắm, ấm nóng và gấp gáp nữa làm cho Huyền thấy tức ngực, khó thở. Ý muốn có được anh khiến cơ thể chị bừng bừng như phát sốt, như bị lên cơn co giật, như bị ma làm. Chị nắm chặt tay của Lâm, kéo anh đổ ập xuống. Họ quấn chặt lấy nhau. Chỉ có tiếng gió lang thang hơn dỗi bên ngoài chòi và những tiếng thở gấp gáp của hai người.

*

* *

Lâm, Thái, Hoà là bộ ba nổi tiếng tài tử ở trường cấp ba nơi Huyền học. Họ được các bạn nữ trong trường rất ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp trai, học giỏi, hát rất hay, chơi ghi ta rất cừ và nhảy cực đẹp. Không buổi tổ chức lễ hội nào của trường là không có mặt của họ. Không một hoạt động tập thể nào mà họ lại không làm cho tất cả mọi người đều trở nên cuồng nhiệt. Họ học trên Huyền một lớp. Cả ba đều yêu chị. Cũng có thể vì chị hát rất hay. Cũng có thể vì Huyền là cô học trò học giỏi Văn, hay mơ mộng. Cũng có thể vì chị là hoa khôi của trường, một cô học trò đẹp rực rỡ và hồn nhiên giữa những đứa học trò quê luộm thuộm và lấm lem bùn đất. Chị cũng không biết nữa nhưng chính chị cũng không hiểu tại sao lại bị Thái chinh phục dễ dàng đến vậy, khi mà lòng kiêu ngạo của Huyền đã làm khổ sở rất nhiều gã si tình. Có lẽ, chị thích nụ cười khinh bạc của Thái. Cũng có thể, chị thích sự ngạo nghễ trong cách cư xử hàng ngày của anh.

Cả ba đều trượt vỏ chuối trong lần thi đại học đầu tiên. Thái chỉ để lại cho Huyền một bức thư, rồi bỏ vào Nam biệt tăm. Lâm và Hoà ở lại làng, lao vào làm kinh tế. Vừa buồn vì chuyện của Thái, vừa giận bố mẹ khi thường xuyên bóng gió giục chị lấy chồng, Huyền đã không nộp hồ sơ thi đại học. Năm sau, Huyền dự thi nhưng bị trượt. Đó là một ngày chị không thể nào quên được khi nhận được giấy báo điểm thi vào đúng lúc cả nhà đang cuống lên chạy lũ, trận lũ lịch sử của làng Từ Đài. Nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về gầm rú, đục ngầu, tung bọt trắng xoá. Nước thè cái lưỡi dài ngoẵng, đen ngòm liếm lấy bãi đất ngoài đê, rồi nhảy chồm lên, liếm lấy mái nhà, liếm lấy ngọn cây, rồi nuốt chửng tất cả vào cái lòng sông đang sôi réo, đỏ ngầu trong chớp mắt. Mọi người vội vàng bồng bế, dắt díu nhau chạy lên đê tránh lũ. Họ dựng những chiếc cọc tre gầy guộc, khẳng khiu như những cánh tay dài nhẵng vì đói ăn, huơ huơ một cách tuyệt vọng lên trời, đầu hàng cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Họ căng dây, phủ bạt, phủ áo mưa lên làm thành những chiếc lều tạm bợ, thấp lè tè, lô xô trên con đê đang phải gồng mình lên ngăn dòng nước lũ hung dữ. Suốt mấy ngày bị quản thúc trong lều, lòng Huyền như tan nát. Chị đau khổ vì hi vọng của mình bị dập tắt thì ít, mà vì cuộc sống bấp bênh của mình cùng với dân làng nơi ven sông này thì nhiều. Mãi đến khi lũ rút đi, để lại một vùng đổ nát, hoang tàn, bám đầy bùn đất, mọi người mới trở về dựng lại nhà cửa, dọn dẹp bùn đất và bắt đầu một cuộc sống mới. Huyền đổ bệnh. Chị sốt li bì mấy ngày liền. Trong lúc mê sảng, chị vẫn cảm nhận được sự lo lắng, quan tâm chăm sóc ân cần của cả Lâm và Hoà. Họ đã giúp gia đình Huyền dựng lại căn nhà khang trang như cũ.

Một buổi tối, chị nhớ rất rõ là vào độ tháng Giêng. Hôm ấy, trời khá lạnh. Vừa đi làm đồng về, chưa kịp rửa chân tay, bố mẹ chị đã gọi vào bàn chuyện làm đám cưới với Hoà. Đất dưới chân Huyền như sụp xuống. Điều chị luôn lo sợ trong suốt thời gian qua thì bây giờ đã đến. Chị không muốn chọn ai giữa Lâm và Hoà. Huyền quỳ xuống giữa nhà, xin bố mẹ cho chị được thi đại học thêm một năm nữa, nếu không đỗ, chị nhất định sẽ nghe theo mà không một lời oán trách.

Hôm Hoà sang xin cưới, Huyền đã chấp nhận buông xuôi tất cả. Chị đã tự hứa với lòng sẽ tận tâm, tận lực với Hoà để bù đắp phần nào những việc anh đã giúp đỡ gia đình mình. Nhưng Duy lại mang về cho chị tờ giấy báo trúng tuyển và gọi nhập học của trường cao đẳng sư phạm. Huyền đã chết lặng người đi, mãi không nói được câu nào. Duy đã quỳ xuống bên giường xin chị tha tội. Huyền chỉ biết khóc nấc lên, nức nở như một đứa trẻ con.

Đáng lẽ, giấy gọi Huyền nhập học đã có thể về cùng với giấy gọi của những người trúng tuyển khác trong làng, nhưng chỉ vì Duy muốn chị vui, muốn chị bất ngờ nên khi nhìn thấy giấy gọi của chị ở bưu điện, anh đã cầm hộ luôn mà không chuyển về xã. Đúng lúc ấy, Duy nhận được điện thoại của chị gái ở thành phố Hồ Chí Minh báo tin bố anh bị tai nạn giao thông, đang cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Anh chỉ kịp nhắn lại về nhà mấy câu rồi vội vàng bắt xe ô tô vào ngay với bố. Mãi đến khi bố anh qua được cơn nguy hiểm, Duy mới chợt nhớ đến tờ giấy báo trúng tuyển của Huyền. Chỉ còn năm ngày nữa là đến thời gian nhập trường. Đúng lúc đấy, anh Công, bạn trai của chị gái Duy nhận được lệnh phải ra Bắc công tác ngay ngày hôm sau bằng máy bay, nên Duy đã nhờ anh mang về để Huyền kịp làm thủ tục nhập học. Nhưng chỉ trước khi lên máy bay ra Bắc vài tiếng đồng hồ, anh Công lại phải chuyển chuyến đi công tác sang nước ngoài ngay trong ngày. Lúc Duy biết điều đó thì thời gian nhập học của Huyền đã qua từ lâu.

*

* *

Sau đêm mất điện ở chỗ Lâm về, Huyền không ngờ mình lại vẫn có thể sống vui vẻ và thản nhiên như thế được. Có lẽ, khi người ta đã bước chân qua được ranh giới nào đó thì tất cả mọi thứ sẽ không còn gì là đáng sợ nữa. Chị cũng không thể nào giải thích nổi, vì sao, sau lần đầu ấy, chị lại đến với Lâm thường xuyên, dễ dãi và bình thản hơn

Lan là bạn học của chị suốt mười hai năm phổ thông, lại ở cùng làng. Lan không đẹp, có thể nói là không có gì nổi bật để khiến một chàng trai hào hoa như Lâm để ý. Vì điều ấy mà Lan luôn ghen tị với Huyền, luôn tìm cớ gây sự và đổ lỗi cho chị. Bây giờ có được Lâm, có lúc chị cảm thấy đôi chút hả hê vì đã bắt được chồng của Lan phải phục tùng ý muốn của mình. Nhưng rồi Huyền lại cảm thấy mình quá đáng, với cả Lan, với cả Lâm. Nếu chị không quyết định lấy Hoà, Lâm đã không đến nỗi chán nản, buông xuôi tất cả và bỏ đi một thời gian dài, rồi trở về mới quyết định lấy Lan. Nếu không vì chị, có lẽ Lâm đã có một cuộc sống khác, vô cùng hạnh phúc và thành đạt. Nhưng tất cả những điều ấy cũng chẳng là gì khi chính chị nghĩ rằng, sự vụng trộm của mình nơi cuối làng khuất nẻo thế này, không ai có thể biết được.

Lan bắt được hai người đang nằm với nhau nhưng thái độ của cô ấy khá dửng dưng, không ầm ĩ, cũng không đánh ghen, không lăng mạ Huyền và Lâm như Huyền nghĩ. Giá như Lan cứ mắng thẳng vào mặt chị, cứ xông vào cào cấu, chửi rủa thật cay độc như những người đàn bà khác đánh ghen, có lẽ Huyền đã dễ chịu hơn.

Lan nhẹ nhàng ngồi xuống, khá bình thản:

- Thèm đàn ông quá, không chịu được nữa rồi chứ gì? Tôi cho chị thuê chồng đấy, chị dám không?

Cả Lâm và Huyền đều sửng sốt. Một việc như thế mà chị ta cũng nghĩ ra được và nói dửng dưng đến thế. Lan tiếp tục lên giọng:

- Dù sao thì tôi cũng chẳng dỗi hơi để suốt ngày đi canh chồng. Mà có canh cũng chẳng được vì có lợn nào chê cám ngon đâu. Các buổi tối, hai người có thể ở với nhau, thích làm gì thì làm. Miễn là chị trả tiền thuê chồng cho tôi, mỗi tháng hai trăm nghìn!

Lâm im lặng. Hình như anh khóc. Người anh run lên. Có lẽ vì quá khổ tâm mà anh không thể nói được gì nữa. Vừa thương Lâm, vừa giận Lan, Huyền buột miệng:

- Được, tôi sẽ thuê chồng của chị!

Câu nói của Huyền làm cho Lan chợt khựng lại. Thực ra, Huyền muốn tìm cơ hội thích hợp để tạ tội với Lan sau. Không ngờ, Lan đã chuẩn bị cả giấy bút từ trước, ngồi viết một bản hợp đồng ngắn gọn, rồi đọc to cho cả chị và Lâm nghe. Lâm bỏ ra khỏi chòi, đi lang thang quanh ao. Nhìn dáng anh thất thểu, nhập nhoè, liêu xiêu trong bóng đêm, nước mắt Huyền cứ thế chảy ra ầng ậc.

*

* *

Uỷ ban nhân dân xã gửi giấy về, gọi Huyền lên giải quyết chuyện đơn từ của Lan khiến lòng chị như có lửa đốt. Từ sau hôm cô ấy bắt gặp chị và Lâm, hai người có dám gặp nhau nữa đâu. Chị cũng đã tìm Lan giải thích và xin cô ấy tha thứ, cô ấy cũng đã bằng lòng. Huyền đâu có ngờ là Lan vẫn giữ lại tờ hợp đồng ấy để gây áp lực đòi tiền chị. Số tiền Hoà để lại, cộng với tiền lương của một cô nuôi dạy trẻ, cũng giúp mẹ con chị sống thoải mái ở làng. Lan muốn chị thanh lý bản hợp đồng đúng như thoả thuận là hai trăm nghìn đồng mỗi tháng. Huyền không đồng ý. Lan doạ sẽ kiện lên xã. Nào ngờ, cô ấy làm thật. Chỉ ngày mai thôi, cả làng, cả xã này sẽ ầm ĩ lên vì chuyện của chị đã giấu giếm bấy lâu nay. Chị làm sao dám ngẩng mặt lên để nhìn bố mẹ, nhìn mọi người nữa. Ai còn cho chị dạy trẻ ở đây nữa! Nghĩ đi nghĩ lại, chị lo lắng không thể nào ngủ được. Huyền tự dưng thấy mình đâm ra trơ trẽn, chai lì, tự dưng thấy mình chẳng có gì để lo sợ trước dư luận nữa. Đằng nào thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, có giữ cũng chẳng được. Chị đã sẵn sàng đón đợi tất cả, vì có nỗi đau nào mà chị chưa phải trải qua!

Ông chủ tịch xã sau khi giải thích ngọn ngành về những quy định của Luật hôn nhân và gia đình, chỉ ra cái sai trái của từng người, đã yêu cầu cả vợ chồng Lâm và Huyền cùng ký vào biên bản và phạt hành chính mỗi người một trăm nghìn đồng. Vừa không đòi được tiền của chị, lại phải nộp phạt cho cả chồng, mất nhiều tiền hơn nên Lan có vẻ hậm hực và căm thù chị lắm. Nhưng ở uỷ ban xã bị ấm ức bao nhiêu thì về đến làng, Lan lại nhục nhã bấy nhiêu, khi mà vừa bước chân vào cổng làng đã bị mấy bà hàng nước mắng té tát. Huyền cũng không ngờ, những điều mà chị đã sẵn sàng đón nhận thì lại không đến với chị mà đổ cả vào đầu Lan, khiến cho cô ấy quá đau khổ, nhục nhã và đổ bệnh. Mọi người đều lên án Lan ti tiện khi mang cả chồng ra để cho thuê. Rằng thì Lan là kẻ hám lợi quên nghĩa. Rằng thì Lan trước đây săn đón, theo đuổi Lâm cũng chỉ vì của cải nhà Lâm chứ có yêu đương gì… Rất nhiều điều tiếng cay độc đã làm cho Lan quỵ ngã, không thể gượng dậy được. Huyền thì ngược lại. Chị được mọi người cảm thông, an ủi và động viên rất nhiều. Điều đó càng làm cho chị thấy mình có tội với Lan.

Đêm nay lại là một đêm nữa trằn trọc, khó ngủ. Không hiểu sao chị lại sợ ngủ đến thế. Chị luôn bị những cơn ác mộng hành hạ khiến nhiều khi ú ớ nói mê, nhiều khi giật mình tỉnh giấc, người ướt đẫm mồ hôi. Bây giờ thì chị lại sợ ngủ một mình vì luôn cảm thấy có điều gì đó bất an, lo lắng trong lòng. Mấy hôm nay, chị đã phải bảo mẹ sang ngủ cùng cho đỡ sợ. Hình như bà cũng không ngủ được, thỉnh thoảng lại trở mình, thở dài. Đêm qua, hai mẹ con đã nằm ôm nhau khóc.

Gần sáng, trời trở lạnh. Mẹ chị nằm ngủ co ro trong chiếc vỏ chăn mỏng đắp hờ trên người. Có lẽ bà cũng vừa chợp mắt chưa lâu nên gương mặt còn lộ rõ sự căng thẳng, mệt mỏi. Huyền nhổm người dậy, chuẩn bị tư trang quần áo rồi nhẹ nhàng đánh thức bé Thảo, bế ra ngoài và ra hiệu cho con yên lặng để bà ngủ.

Gió sớm ràn rạt trên đê. Những cơn gió heo may se lạnh làm chị khẽ rùng mình. Bé Thảo khẽ rúc đầu vào ngực mẹ. Chị quay lại nhìn ngôi nhà thân thuộc của mình, nơi chị đã có mấy năm sống trong dằn vặt, khổ sở, nơi mẹ chị vẫn đang ngủ say mà chưa hề hay biết về sự ra đi của chị. Chị đã viết thư để lại cho bố mẹ và cả thư tạ tội với Lan. Chị phải đi thôi. Cũng chẳng biết đến bao giờ chị mới có thể bình tâm để trở lại nơi này

Huyền quay người đi thật nhanh.

Gió thổi ào ào dọc triền đê quấn lấy từng bước chân của chị.

19. Trễ

Truyện ngắn của Võ Thị Mỹ Linh

Nhà có hai anh em, anh hai là con cả, và dĩ nhiên, tôi là con út. Ba thương anh hai dữ lắm, ba bảo, anh là cháu đích tôn của ông bà nội, là người sau này sẽ nối dõi, thừa kế tông đường. Ngày má sinh anh hai ra, nghe đâu người ta bảo, ba mổ nguyên con heo nái nửa tạ đem đi quay rồi phân phát cho cả làng. Ba thích chơi trội như thế dù chỉ dám chơi trội một lần rồi chìm nghỉm. Mà điển hình của cuộc chìm nghỉm ấy chính là tôi. Ngày má sinh tôi ra, mặt ba méo xệch, mắt ba rã rời. Nghe đâu người ta bảo, một dĩa xôi để cúng ông bà cũng không buồn nấu. Chả là ba đã có anh hai rồi, ba đâu cần thêm một đứa con gái mà biết chắc chắn rằng sau này lớn lên nó sẽ bỏ ba má để theo chồng như tôi nữa. Ba bảo tôi là kết quả của một lần sơ suất khi ba say xỉn hay nói theo cách bóng bẩy mà không phô trương, người ta gọi đó là hậu quả của việc sinh đẻ không có kế hoạch. Từ dạo ấy trở đi, mỗi lần đi làm rồi đi nhậu về ba thường ẵm hai anh em đặt lên cái đùi xương xóc, đen sạm của mình mà nói nghêu ngao: “Thằng Đậu, mày là con trai trưởng thì phải ráng học thật giỏi, thi vào trường nào đậu ngay trường đó để sau này ba mày được nở mày nở mặt nghen con! Còn con Na, mày chỉ cần ăn khỏe, sống khỏe, đừng bệnh tật, đừng đau ốm, sau này lớn lên tìm được thằng rể ưng ý tao gả quách đi là xong!”. Ba vừa nói vừa đưa cái miệng nồng nặc mùi rượu ghé sát vào tai hai đứa. Lúc đó, dù không biết gì, tôi cũng làm bộ ra vẻ gật gù, hệt như những đứa trẻ lên ba lên bốn khác vẫn thường hay gật gật khi nghe ba mẹ chúng nói dù thực sự chả biết họ đang nói cái quái gì. Sự khác biệt giữa con nít và người lớn, có chăng là bắt đầu từ những cái gật gật như thế.…

Ngày anh hai vào lớp một tôi cũng được lon ton đi mẫu giáo. Thương anh hai, sợ ảnh học không bằng bạn bằng bè, ba bỏ công lên huyện thuê một ông thầy biết nói tiếng Tây về tận nhà dạy kèm. Tiền thuê thầy một tháng năm trăm ngàn, lại còn cơm nước, tiền công cán mỗi ngày lên rước ổng đi rồi chở ổng về, tính hết cũng ngóp nghép cũng gần triệu bạc. Chẳng biết ba lấy đâu ra nhiều tiền mà cho anh học đến thế, chỉ biết mỗi chiều đi mẫu giáo về, chạy qua cánh đồng nứt nẻ chân chim, người ta về hết mà tôi vẫn thấy ba má người cày người cấy, làm quần quật không khác gì hai con trâu lầm lũi….

Mấy bữa, tôi buồn không thèm đi học. Hỏi sao? Lên lớp chán thí mồ, có mỗi bài “Bé bé bồng bông” mà cô giáo cứ dạy đi dạy lại mãi trong khi tôi thì đã thuộc làu làu đến tận cái bài gì mà “đi tìm lá diêu bông cho em…” mà mỗi lúc ra chơi tôi vẫn thường thấy cô hay ngồi lẩm nhẩm hát một mình. Vậy là tôi quyết định ở nhà, quyết định xin ba cho theo học tiếng Tây cùng anh hai. Ba bảo, anh hai cần được yên tĩnh để chú tâm học cùng thầy, mày vào đó chỉ thêm quấy phá. Tôi hụt hẫng năm giây, buồn thêm năm giây nữa. Nhưng rồi tôi bất giác cười một cách bí hiểm. Và tôi phát hiện ra có một trò khác còn hay ho hơn cả cái trò vào học cùng anh hai nhiều. Tôi chạy ra góc hè sau nhà, nơi có khung cửa sổ trổ từ phòng anh hai, và bắt đầu kê cái ghế đứng rón rén dòm ông thầy dạy mà học lỏm. Tôi dần dà thích thú với cái trò học lỏm này khi phát hiện ra những điều thú vị như, trong tiếng Tây, người ta chỉ dùng một cách xưng hô là “I” và “You” chứ không có nhiều cách gọi lùm xùm, rắc rối kiểu “tao, mày, cô, cậu, thằng đó, con đó, hoặc bạn này, bạn nọ…” như trong tiếng Việt. Vậy là ngày mai, nếu gặp thằng Đẹt, cái thằng mà tôi ghét nhất xóm vì chuyên gia nói tục, chửi thề (mà thực ra còn một nguyên do khác là tại nó hay chê tôi lùn và xấu) thì tôi có thể chạy lại vỗ vào vai nó mà nói rằng “Hey, you!”. Thằng Đẹt sẽ quay sang thắc mắc hỏi, mày đang nói cái gì đó Na. Còn tôi sẽ ậm ờ bảo, à, trong tiếng Anh, khi tao nói “Hey, you!” thì có nghĩa là “Ô, chào anh bạn!”. Thằng Đẹt chắc chắn thích thú lắm vì không hiểu sao hôm nay tôi lại ngoan hiền đến thế, còn tôi lại bụm miệng cười khúc khích vì câu đó cũng có nghĩa là “Ô, thằng mất dạy!”. Cuộc chơi sẽ cứ thế kéo dài mãi nếu không có một ngày tôi bỗng dưng nhận ra, cái việc đứng thập thà thập thò lén lút học lỏm qua khung cửa sổ thật là nhục nhã và tại sao chỉ có anh hai mới được học nhiều còn tôi thì lại không. Tôi bắt đầu thấy ghét anh hai từ dạo đó…

***

Dù nghĩ con gái không cần học nhiều, má vẫn cho tôi đi học, chí ít là đến hết cấp hai. Má bảo, con gái cũng cần cái chữ, đừng như má, đi ra chợ mua chai dầu gội đầu cho ba mà thấy người ta bày biện đủ thứ chai bắt mắt, cuối cùng cầm nhầm về chai dung dịch vệ sinh phụ nữ. Ba cứ thế sẽ đổ mãi chai dung dịch vệ sinh lên đầu mà gội vì nó cũng tạo bọt, cũng có mùi thơm không khác gì chai dầu bồ kết đã hết dạo trước nếu một hôm anh hai không tình cờ phát hiện và đọc những dòng chữ ghi trên thân chai á nghe….

Ngày tốt nghiệp lớp 9, tôi ngồi ôm cái bằng học sinh giỏi mà khóc nức nở. Là nếu như những đứa con gái nhà khá giả khác trong xóm, tụi nó sẽ được tiếp tục học lên cao, được mặc áo dài chạy tung tăng khắp làng hoặc chí ít cũng được như anh hai, mang tiếng hàng ngày đạp xe lên huyện đi học, nghe oách thí mồ. Chở tôi về trên con đường phẳng lặng, nghe tiếng than nức nở phát ra từ thân hình nặng một tấn u hoài và trận khóc rên rỉ hao phí gần cả lít nước mắt, anh hai cất lời an ủi: “Đi học chán lắm, có gì đâu mà thích. Anh mà bỏ được là anh bỏ rồi!”

Anh hai vừa dứt lời tôi đã nhảy cẫng xuống xe la hét: “Anh thì sướng rồi, bao nhiều tiền bạc cái gì ba mẹ cũng đầu tư cho, còn em có mỗi cái ước mơ giản đị là được đi học mà cũng không được đây này. Nếu thấy chán thì anh cứ việc nghỉ học đi, để em thay anh đi học!”

Tôi nói thế rồi chạy đi với cái mặt giàn giụa nước mắt pha lẫn nước mũi, và tự thề với lòng là, nếu kiếp sau có sinh ra lần nữa, tôi chắc chắn phải làm con trai thì mới chịu….

Những ngày nghỉ học tôi ở nhà phụ má làm đồng. Mỗi buổi sáng bước ra đường, thấy mấy đứa con gái mặc chiếc áo dài đạp xe đi trên đê, lòng tôi bất giác buồn rười rượi. Tôi bắt đầu ít nói chuyện với cả nhà, với má, với ba và với cả anh hai. Tôi nhận ra hình như tôi chẳng thuộc về thế giới của họ. Đơn giản, má là người phụ nữ suốt ngày chịu an phận với việc làm một bà vợ thờ chồng, không dám cãi chồng nửa tiếng. Đơn giản, ba là người đàn ông suốt ngày quần quật không ngơi nghỉ ngoài đồng chỉ mong sao thằng con trai độc nhất của mình được ăn học đến nơi đến chốn, sau này nở mày nở mặt với thiên hạ. Đơn giản, anh hai là đứa con trai suốt ngày chỉ biết chạy xe đi học rồi chạy xe về nhà, cơm ăn nước uống sẽ có người đưa rót tận nơi. Còn tôi, tôi lọt thỏm đâu, ở một góc nào trong khoảng trống giữa ba người họ? Tôi chẳng trả lời được, chỉ biết là dù có cố gắng đến cỡ nào, dù có cầm tấm bằng giỏi về nhà khoe trước mặt ba má thì họ tôi vẫn coi tôi là một đứa con gái, có học nhiều cũng chả giúp ích gì được cho gia đình…

Bữa nọ đang ngồi trên đê ngắm mấy con diều bay cao tít, tôi nghe tiếng thằng Đẹt trong xóm chạy ra hớt hải “Anh mày bị xe đụng đang nằm trên bệnh viện huyện đó Na!”. Tôi tất tả lao đi, cái môi mấp máy chả biết đang cười hay mếu. Đến nơi, đã thấy ba mẹ sụt sùi bên giường bệnh. Tôi luôn là người đến trễ và biết sự việc sau cùng như thế.

Suốt một tháng trời anh hai nằm viện, tôi thay ảnh chép bài tập ở lớp giùm. Mệt mà vui, vì chí ít tôi lại được sờ mó vào sách vở thêm lần nữa. Tự dưng tôi thấy nên cảm ơn cái việc anh hai nằm viện quá. Nhưng ý nghĩ đó chỉ loáng qua trong đầu một phút thôi rồi vụt tắt vì tôi chợt nhận ra, chả có đứa em nào lại đi mong anh trai của mình nằm viện cả.

Ngày anh hai xuất viện, ba má mổ heo cúng viếng ông bà. Khi tất cả còn bận xôm tụ với mâm xôi chén rượu thì người ta bỗng nghe tiếng la thất thanh phát ra từ phòng kế cạnh. Ba má chạy vào, thấy đứa con trai đang nằm ôm cái cái đầu vật vã bên chồng sách vở. Bác sĩ bảo, có thể đó là di chứng để lại sau khi đầu anh hai bị va mạnh xuống đường trong vụ đụng xe. Ông ấy còn khuyên, nếu được thì nên để anh hai thư giãn, đừng bắt anh ấy học. Thần kinh căng thẳng sẽ làm bệnh của anh hai nặng hơn. Ai nấy rụng rời. Giấc mơ đứa con trai độc nhất thi đỗ khoa cử coi như tan thành mây khói.…

***

Mấy dạo đi làm đồng về, tôi thường thấy ba hay ngồi ôm chai rượu đế gật gà trước hiên. Tôi không buồn hỏi, chỉ biết rằng nỗi đau đứa con trai không thể tiếp tục theo học đang từng ngày giết dần giết mòn con người ông ấy. Những con người trong ngôi nhà ba gian lợp mái ngói cũ kỹ vốn đã ít nói giờ lại càng trở nên ít nói hơn. Có chăng là lâu lâu, nghe tiếng la thất thanh bật ra từ phòng anh hai, cả ba cái xác vô hồn mới nháo nhác chạy lại hỏi nhau rồi đi tìm thuốc cho anh hai uống.

Một buổi chiều rũ rượi, anh hai chạy đến dúi vào tay tôi mấy quyển sách, đôi mắt tỏ vẻ cầu khẩn: “Anh hết học được rồi, bé Na học thay anh nhé!”. Tôi mơ hồ chưa hiểu gì thì má bước ra chìa cho cái áo dài mới cóng: “Má nghĩ rồi, dù gì con cũng thích đi học, thôi thì giờ anh hai con bệnh không học được nữa, con thay anh hai con đi học vậy. Con thua anh hai có một tuổi, sách vở của anh hai cứ giữ lại sau này dùng, thiếu cái gì ba má mua thêm!”. Tôi không biết nên cười hay nên vui ngay lúc đó, vì rằng được trở lại trường là niềm ao ước bấy lâu nhưng ấy cũng là lúc tôi nhận ra, khi tất cả niềm hi vọng cho đứa con trai bị dập tắt thì người ta mới chịu chấp nhận đầu tư cho đứa con gái còn lại. Tôi rớt nước mắt, quay nhìn người cha đang cầm chai rượu kế cạnh, chẳng biết ông ấy đã nghĩ gì mà bằng lòng nghe lời mẹ cho tôi đi học….

Tôi trở lại trường. Nếu như là ngày này năm trước lòng tôi sẽ mơn man lắm vì những ước mơ còn đang đẹp thì giờ cảm giác niềm vui đó đã vơi đi một nửa. Những buổi sáng cùng mấy đứa con gái khác trong xóm đạp xe qua con đê đi học, tôi ngoái nhìn thấy anh hai vác cuốc ra đồng. Cũng chẳng có gì, chỉ là một sự hoán đổi vị trí, tôi bây giờ mang trong mình trọng trách học còn anh hai lại làm công việc mà trước đây tôi từng làm. Mấy bữa đi học về, tôi thấy anh hai ngồi trầy trật với cái chân chảy máu. Má bảo, khổ, cái thằng cả đời chưa cầm cuốc nên giờ ra đồng cứ cuốc trúng chân mãi. Tôi dợn lòng, thấy bùi ngùi một chút.

Thời gian thấm thoát trôi, tôi thi đậu vào trường đại học với số điểm cao ngất nghểu. Ngày nhận được tin, ba má mừng dữ lắm, cũng mổ heo cúng điếu ông bà dù lòng có hơi nghẹn ngào một chút “giá mà thằng Đậu nó được vầy thì hay biết mấy!”…

Tôi thở dài, bắt gặp bóng anh hai đứng thẩn thờ sau cánh cửa, đôi mắt đượm chút u buồn. Rồi như phát hiện ra tôi đang nhìn chằm chằm, anh chuyển ngay sang điệu cười nắc nẻ “Bé Na của anh giỏi quá!”. Tôi nhếch mép, việc gì mà con người ta cứ tỏ ra gượng gạo đến vậy, anh hai là vì bị bệnh nên bất đắc dĩ mới nhường cơ hội cho tôi đi học, ba má là vì thấy thằng con trai không làm ra trò trống nên bất đắc dĩ mới lấy tôi làm niềm vui thế chỗ. Cuộc đời này rút cuộc tôi sẽ trở thành kẻ thế chỗ cho những ai nữa? Tôi không buồn nghĩ, cũng không buồn tìm câu trả lời, lẳng lặng quay vào gói ghém đồ đạc chuẩn bị rời xa mảnh đất cằn cỗi lên thành phố học. Ngày tiễn tôi ra bến xe, anh hai dặn đủ thứ, nào là nhớ giữ gìn sức khỏe, nào là nhớ viết thư về cho ba má, nào là thiếu gì thì cứ nói anh hai sẽ gửi lên và cũng không quên dặn một câu quen thuộc như ba năm về trước anh hay nói “Nhớ thay anh học tốt nghen!”. Tôi gật gật cười gượng mấy cái rồi nhảy tót lên chiếc xe tốc hành nồng nặc mùi xăng khói. Mà đến bao giờ thì người ta mới chịu thừa nhận rằng, một đứa con gái cũng được quyền làm những thứ mà anh trai nó đã làm chứ không phải “tại vì anh mày bệnh nên mới ày đi học” hoặc là “giúp anh”, “thay anh” học tốt như những lời mà ba con người trong căn nhà nhỏ của tôi vẫn thường thốt lên?

***

Suốt bốn năm học đại học, tôi hiếm khi về nhà cũng không nhận bất kì trợ cấp nào của ba mẹ. Dù phải sống túng thiếu, dù phải làm ngày làm đêm để có đủ tiền học chứ tôi nhất quyết không bao giờ mở miệng cầu cứu. Tôi muốn những người nhà của tôi thấy rằng, một đứa con gái thì không hề kém cỏi như họ nghĩ. Mà tôi nghe đâu, kể từ ngày tôi lên thành phố học, anh hai cũng bỏ nghiệp ruộng đồng xin theo mấy ông bạn cùng xóm lên thành phố làm nghề phụ hồ. Nghe là nghe để biết vậy thôi chớ tôi cũng chẳng muốn quan tâm làm gì. Thi thoảng anh hai có ghé thăm, nhưng chỉ chào hỏi được mấy câu rồi tôi viện cớ bận học tiễn ảnh về.

Ngày tốt nghiệp, tôi cầm tấm bằng giỏi mặt vênh vao trở lại làng. Mà lạ thay, bước vào nhà bỗng thấy nhà lặng tịch. Tôi chạy lăng quăng khắp xóm tìm ba má. Người ta bảo họ đi họ đi ra phía nghĩa trang ngoài xóm Cồn. Tôi thất thểu chạy theo, đến nơi đã thấy hai cái bóng người quen thuộc đang quỳ gối trước nấm mồ còn chưa phai mùi đất mới.

Một ông ăn mặc bảnh bao đứng cạnh vừa đặt vòng hoa trắng lên nấm mồ vừa khóc thút thít: “Tội nghiệp cái thằng, nó phụ hồ giỏi lắm, tính toán, thiết kế công trình cũng giỏi nữa. Thấy nó giỏi nên cho nó chuyển qua đứng chỉ đạo công trình. Ai dè…”

Mãi đến lúc ấy tôi mới phát hiện ra, người nằm dưới nấm mồ kia không ai khác chính là anh hai và lý do ảnh ra đi là vì vụ sập giàn giáo. Tôi lặng người một lúc, lần này tôi lại là người đến trễ, là kẻ biết sau cùng. Tôi nghe đâu đó tiếng gầm rú của hai con người đang quỳ trước mộ vẳng lên phía trời xanh rồi dội lại vào tai tôi đau thắt. Giá mà còn đủ sức, tôi nghĩ họ cũng sẽ tự đào thêm hai cái mồ để được nằm cạnh thằng con trai quý hóa. Mà lạ thay, họ không còn nhớ đến tôi, dù tôi đang đứng ở đó, mang trong mình dòng máu của họ…

***

Hết đám tang anh, tôi lên lại thành phố xin việc. Tình cờ gặp lại người bạn cũ cùng làm phụ hồ chung với anh hai. Anh bạn đem đưa tôi một cái thùng lằng nhằng những thứ nặng trịch gì đó bên trong, bảo là, của thằng Đậu, vứt đi thì tiếc mà giữ lại thì chẳng để làm gì nên đem trả tôi. Tôi mở ra, mắt tròn xoe khi thấy cái thùng toàn sách là sách rồi ngước lên hỏi lại anh bạn xem có nhầm lẫn gì chăng, vì kể từ ngày bị đụng xe, đầu óc anh hai hay đau dữ dội đâu dám đọc mấy thứ sách toán học phức tạp này. Anh bạn cười khì, có thấy nó đau ốm gì đâu, ban ngày nó đi làm, tối về cứ thấy nó ôm đống sách này ra đọc mê mẩn còn bảo là toán học có nhiều thứ thú vị lắm.

Tôi nhìn kĩ lại đống sách thêm một lần nữa và bần thần khi phát hiện ra đấy là đống sách luyện thi đại học mà lúc thi đậu tôi đã vứt lại ở quê nhà không mang theo. Té ra là, anh hai không hề mắc căn bệnh đau đầu nào hết. Chỉ vì để nhường cái quyền được đi học lại cho tôi mà ảnh đã giả vờ bệnh như thế. Té ra là, trong một lần nào đó, khi chở tôi về trên con đê, nghe tôi bảo anh hai nghỉ học đi để tôi được đi học thay ảnh, anh hai đã đau đớn quyết định nghỉ học giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Trách chi mấy dạo tiễn tôi đi, anh hay dặn “Ráng thay anh học tốt nghen!”. Tôi bàng hoàng, sẽ còn bao nhiêu cái “té ra là” như thế mà tôi chưa biết được về anh hai nữa. Tôi hay oán cuộc đời rằng tại sao mình luôn là người đến trễ, là kẻ biết mọi thứ sau cùng nhưng rõ ràng tôi có cơ hội biết trước sự việc mà chẳng chịu để ý đấy thôi…

Tôi chạy đi trong vô định, chưa bao giờ gọi tên anh thống thiết như vậy. Giá mà, con người ta có thể làm lại điều gì đó trong quá khứ dù chỉ một lần, lúc ấy, ắt hẳn tôi sẽ tìm gặp anh hai và nói với ảnh rằng “Anh hai à, đừng bao giờ bắt em phải thay anh làm bất cứ điều gì nghen!”…

20. Lắng nghe trong huyên náo

Truyện ngắn của Giang Thanh Hải

Gục đầu trên bàn, hắn mỏi mệt chìm vào giấc ngủ trong sự im lặng của đám đông học sinh trên lớp. Hắn chẳng để ý ai và cũng chẳng ai chú ý hắn, đến những giáo viên đứng lớp cũng chẳng còn nhắc nhớ hắn nữa. Như vậy cũng hay, hắn sẽ có một giấc ngủ ngon, lấy lại năng lượng bù vào việc tiệc tùng tới bốn giờ sáng. Cô bạn gái hẳn ngồi ngay bên cạnh, xinh đẹp, nữ tính, dịu dàng và là người bạn duy nhất của hắn trong lớp. Cô rất thích hắn và hay nhìn hắn ngủ, vào những lúc này thì hắn trẻ con lạ, khác hẳn với dáng vẻ lạnh lùng mà hắn cố tạo ra khi còn thức. Mãi mê tìm từ ngữ để miêu tả gương mặt điển trai kia, cô nhanh chóng lạc vào cái lãnh địa thường thấy của sự hoài nghi. Anh là ai? Anh đang nghĩ gì? Anh có nghe thấy những gì em vẫn thầm nói? Và khi nào thì chuyện chúng mình sẽ chấm dứt?

Hắn bất chợt tỉnh dậy, tựa như hắn đã nghe thấy những gì cô nghĩ, tựa như hắn đã chờ khoảnh khắc để trả lời những câu hỏi này hàng tháng trời, tựa như đây là thời điểm lý tưởng nhất của mọi thời điểm. Anh không là ai. Anh chưa bao giờ nghĩ đến điều gì. Anh không thể nghe thấy bất kỳ điều gì từ bất kỳ ai. Nên em biết không, đừng bao giờ hỏi anh bởi anh thậm chí đã không còn sức lực để lắng nghe, và thật khó để anh trả lời cho những câu hỏi mà mình chưa bao giờ nhận thấy. Đó, hắn nói với cô như vậy, bằng một cách khác đơn giản hơn, cao ngạo hơn, quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn. Hắn khẽ mĩm cười rồi quay lại giấc ngủ khi nãy. Một nụ cười lạnh băng được thêm cộng thêm giá rét bởi sự vô hồn của đôi mắt hằn sâu sự mệt mỏi.

Mình đã tưởng tượng quá nhiều rồi. Cô thầm nghĩ. Nhưng dù nó có là gì thì nó đích thị cũng không phải là nụ cười của bạn trai dành cho người yêu của anh ta. Cô tức đến suýt khóc. Rồi cô với sự nhạy cảm của con gái, đã hiểu rằng mình cũng như mọi người, đều không là gì của hắn ta cả, hoàn toàn không là gì cả. Thì cũng đúng thôi, cô không biết gì về hắn, không biết tại sao hắn hay chán chường, mệt mỏi, không biết tại sao hắn ít nói chuyện với mọi người, không biết tại sao hắn không … yêu cô nhưng lại muốn cô làm bạn gái hắn. Có điều, càng nghĩ về điều ấy bao nhiêu thì cô lại càng nhận ra mình yêu hắn đến chừng nào. Cô mãi cũng không biết vì sao mình lại chấp nhận ở bên hắn, chấp nhận tất cả về hắn ...

RENG …!

Tiếng reng chuông cắt đứt dòng suy nghĩ của cô và phá tan giấc ngủ hắn. Mơ màng tỉnh dậy, hắn cảm thấy sự ồn ào của lớp vây quanh cơ thể như giễu cợt hắn. Đầu nhức như búa bổ, cơ thể rã rời, cổ họng hắn rát khô. Cô nhanh tay đưa cho hắn chai nước suối. Hắn cười với cô, cảm ơn rồi tu một hơi cạn hết nước.

Hai tiết trước học gì vậy? – Hắn hỏi bằng cái giọng trầm ấm và hơi khàn của mình. Không biết, em đang suy nghĩ vài thứ nên không chú tâm lắm. Chứ không phải lo nhìn anh à? – Hắn đùa, mắt hắn khẽ lướt qua mắt của cô, nhận thấy mắt của cô rất đẹp, trong sáng, ngây thơ pha lẫn nét buồn phảng phất của tuổi mới lớn. Sao trước giờ mình không để ý nhỉ. Hắn thầm nghĩ. Cô nói cô đang phải suy nghĩ về bài thuyết trình tới và việc cô sẽ qua nhà bạn làm bài nhóm. Lại làm chung với hai thằng đó à? – Hắn giả vờ ghen. Cô hơi bực bội vì câu nói này nhưng cũng không lấy làm bận tâm. Hắn hỏi về đề tài cô đang làm và thể hiện sự nóng lòng muốn xem cô đứng trước lớp thuyết trình lần nữa. Sự tự tin gần đến mức ngạo mạn, sự hài hước nhưng vẫn giữ được dáng vẻ duyên dáng, cả hai tính cách ấy như liều thuốc làm tăng lực cho cả lớp. Em làm về chủ đề gì? Đề tài là về sự cộng hưởng âm thanh. Cô thích thú kể về nó đến nỗi mặc kệ việc đã vào lớp học, từ việc mệt mỏi ra sao khi phải đo các tần số của các loại nhạc cụ đến bực dọc thế nào khi phải tranh cãi suốt với hai đứa bạn trong nhóm. Anh biết không? - Cô kể lại. Khi làm về đề tài này, em đã phát hiện một điều rất thú vị. Rằng khi mà ta chăm chú lắng nghe mọi thứ xung quanh, thì tại một thời điểm nào đó, ta sẽ nhận ra rằng tất cả những âm thanh ấy đang hợp âm lại với nhau, tạo thành một thứ âm thanh hoàn hảo và độc nhất, kể cả khi chúng không cùng tần số hay cường độ. Lạ nhỉ? Anh chẳng nghe được gì ngoài giọng nói của em bây giờ. Như một bản độc tấu violin tuyệt vời hơn là một dàn hòa tấu orchestra rối rắm của cái lớp quá sức ồn ào này. - Hắn đùa, cảm thấy thích thú vì đã làm cô cười. Không. Cái mà em nói, là âm thanh, không phải âm nhạc ... Ừ, anh hiểu rồi. - Hắn ngập ngừng một lát rồi tiếp. Nhưng nó chỉ là cảm nhận chủ quan của em thôi, một cảm nhận rất lãng mạn.

Hắn đã không còn buồn ngủ nữa và chăm chú nghe cô trả lời, lâu lâu lại nhìn thẳng vào đôi mắt đẹp long lanh ấy. Hắn bỗng cảm thấy vui, thứ cảm giác mà hắn đã bỏ quên ở một thời điểm nào đó thật xa trong quá khứ. Rồi đột nhiên có gì đó lùng bùng xung quanh tai mà hắn không còn có thể nghe được bất kì tiếng động nào nữa. Mắt hắn đỏ rực, tim đập mạnh, lồng ngực bị nhói đau, hắn chạy ào ra ngoài trước cái nhìn ngỡ ngàng của cả lớp học. Cô bạn gái hết sức bối rối nhưng cũng kịp giải thích với giáo viên đứng lớp rằng hắn đang bệnh rồi hối hả chạy theo xem nhưng hắn đã mất hút trong hành lang.

Trong nhà vệ sinh nam, hắn khóc lóc nức nở như một đứa trẻ, tay bấu chặt lấy ngực và nôn mữa liên tục. Hắn cứ như vậy suốt mười lăm phút. Đã từ lâu hắn không còn biết đến cái gọi là tuổi trẻ nữa, và cô, ánh mắt thấm mệt cùng giọng nói thì thầm của cô lại mang đến quá nhiều thứ, là hoài bão, là niềm tin, là sự cố gắng để vươn lên, là sự hết mình làm việc mình thích. Cô và các bạn của cô là loại người mà người lớn luôn kì vọng, luôn dành cho những mĩ từ đẹp đẽ nhất. Tuổi trẻ thật đẹp chính là nhờ những người như cô, đáng nhớ, đáng sống, đáng trân trọng. Hắn hoàn toàn không phải là loại người đó, hắn là loại đắm chìm trong rượu, say mê chất kích thích, vật vờ trong bar, trong sàn nhảy, thức trắng đêm với các bữa tiệc và vất vưởng ngoài đường trước khi trời sáng. Nhưng nực cười thay, người như hắn lại yêu cô. Và hắn cảm thấy đau đớn tột độ khi nhận ra điều đó.

Hắn chia tay và cắt đứt mọi liên hệ với cô.

Đêm hôm đó hắn vờ như không có chuyện gì xảy ra, vẫn tụ tập với đám bạn để nhảy nhót trong một hộp đêm nổi tiếng của thành phố. Hắn nốc rượu liên tục, hết ly này đến ly khác. Đèn tối mờ mịt và mọi người đang quay cuồng theo điệu nhạc bằng cái đầu lâng lâng được kích thích bằng một loại thuốc nào, hắn đứng đó, nhìn ngắm mọi người đang tận hưởng cái không khí choáng ngộp của sự mất phương hướng . Bất chợt, hắn thấy chính mình đang nhìn mình, cười điên dại, rồi biến mất. Rồi hắn cũng bật cười, cái cười như đang khóc, buồn rười rượi và tràn ngập sự nuối tiếc. Nhưng hắn nhanh chóng quên đi tất cả nhờ vào tác dụng Ecstasy.

Giữa cái xã hội xô bồ này, tình yêu là một thứ gì đó xa vời đối với tất cả mọi người, và còn xa vời hơn nữa đối với những người trẻ chọn cách sống “không có ngày mai” như hắn. Cô đơn trong vỏ bọc mình tạo ra, từ chối sự yêu thương của người khác, luôn là như vậy, tất cả những người như hắn đều không bao giờ có được thứ quà tặng được gọi là tình yêu.

Đôi khi, chỉ là đôi khi thôi, định mệnh lại an bài một cách sắp đặt mà tất cả chúng ta đều hài lòng. Như hắn chẳng hạn, vào một ngày tối đen như mực, dưới ánh đèn chớp nháy của một quán bar hạng sang trongthành phố. Hắn đã gặp lại cô.

Ra đây là thế giới của anh, cũng hay ấy nhỉ. – Cô thì thầm vào tai hắn khi hắn đang mãi mê đùa giỡn với cô nàng bartender trong quán. Giọng nói của cô quyễn rũ như những bạn gái trước đây của hắn, có điều đây là một chất giọng mà hắn không thể quên. Cô làm gì ở đây? – Hắn cố gằn giọng để không để lộ sự run rẩy và ngạc nhiên của bản thân. Để anh biết một điều rằng, tôi cũng đã từng ở vị trí của anh, đã từng quay cuồng điên loạn giữa đám đông như anh, và tôi đã thoát ra được. Bởi vì tôi yêu anh. – Cô nói, và tiếp tục huyên thuyên về những gì mà cô đã trải qua, về việc cô tập hút thuốc và trang điểm như thế nào, về việc tìm ra địa điểm của anh thật khó khăn ra làm sao. Cô vẫn nói nhiều như xưa nhỉ? Và cô thì biết cái quái gì về thế giới này, nhìn cô bây giờ xem, chẳng khác gì những ả choai choai ngoài kia. Cô muốn được thương hại khi tự biến mình thành người khác ư? Cô thừa biết tôi chưa bao giờ yêu cô, chưa bao giờ! Anh biết không? – Cô vừa cười vừa nói. Tôi thực sự thích thú khi được vui đùa ở đây. Trong một lúc, tôi đã quên đi mọi thứ, quên đi cả mục đích tôi đến đây. Tôi chỉ muốn bản thân được vui vẻ, quên hết tất cả dự định tính toán của ngày mai và những đau khổ của quá khứ mà anh đã gây ra cho tôi. Nhưng trongmột khoảnh khắc, cái khoảnh khắc mà bỗng dưng tôi nghe giọng nói của anh vang lên trong đầu mình, cũng chính là lúc tôi biết mình nên làm gì. Anh nói hãy cùng anh rời khỏi đây đi, và đừng bao giờ quay trở lại, Nhảm nhí! Cô học nhiều quá nên lú lẫn rồi. Cô mới là kẻ phải biến đi và đừng bao giờ quay trở lại.

Cô bỏ đi. Cô không bao giờ trở lại. Hắn vẫn ngồi đó mắt nhìn dáng vẻ tự tin của cô khuất dần giữa đám đông. Hắn thấy tim mình đập dường như còn mạnh hơn bốn dàn loa đang hoạt động hết công suất ở đây. Đầu óc hắn choáng váng, mắt hắn tê dại, não hắn dường như ngừng hoạt động. Tay hắn run bần bật đến nỗi không thể cầm được ly Vodka và để nó rơi xuống đất. Hắn nhìn chiếc ly như thể nó là một quả bom được tháo chốt. Hắn hoảng loạng ôm chặt lấy hai tai và chăm chăm nhìn chiếc ly chạm đất. Đùng! Một tiếng nổ lớn phát ra trong đầu hắn, một âm thanh gãy gọn, mạnh mẽ, đầy uy lực, chết chóc. Hắn ngất xỉu. Trước khi hắn hoàn toàn mất đi ý thức, hắn lờ mờ nghe được giọng nói thì thầm của cô, rõ ràng đến từng âm điệu: "Biến khỏi nơi đây"

21. Trăng khát

Truyện ngắn của Trần Thị Quỳnh Nga

Đường phố về đêm, một đêm tháng ba lành lạnh. Trời đầy hơi sương đọng những hạt nước li ti trên tấm áo mưa màu tím của Thuỳ thành một mảng bụi mưa lấm tấm, đôi chỗ nước chảy thành một hàng nhỏ theo chiều thẳng đứng với mặt đất. Chiếc xe lộc cộc đi. Tiếng xẻng trên thùng xe đánh nhẹ vào thành thùng tạo nên một âm thanh quen thuộc. Âm thanh của người đi chở rác đêm.

Thuỳ sống độc lập từ bé. Ngay cả khi có mẹ ở bên, Thuỳ cũng không bao giờ ỉ lại, hay làm nũng bà. Có phải vì do cá tính hay không, hay từ bé đến khi biết được mọi thứ Thuỳ không có thói quen ấy. Mẹ Thuỳ là một người đàn bà đẹp và kín đáo. Thuỳ chưa bao giờ thấy bà nói chuyện với bố bao giờ, chỉ thi thoảng trước mặt Thuỳ, bà lẳng lặng gắp cho bố khi khúc cá, khi miếng thịt ngon trong mâm ăn. Thuỳ yêu mẹ nhưng không hay lại gần, đôi lúc muốn lại gần ôm lấy mẹ như bao đứa khác nhưng mỗi khi se sẽ đi lại, định thộp mẹ từ sau lưng Thuỳ đều sững người lại. Hình như mẹ không để ý đến những gì xung quanh. Mẹ ngồi đan len , nhưng ánh mắt, tâm hồn mẹ để vào đâu trong nhánh hoa khế ngoài kia đang độ nở. Hồi đó, Thuỳ nghĩ mẹ yêu những bông hoa tím muốt đến dịu dàng đó đến mê mải, cứ như Thuỳ, yêu cái màu hồng hồng của hoa chua me đất mọc trong những lùm cây bên bờ dậu rậm rạp và cái vị chua chua thanh thanh của nó. Yêu thế rồi quên ngay. Nhưng đến mãi sau này, khi lớn lên, khi đã quá quen với sự tự ý thức về bản thân mình, Thuỳ mới nhận ra ánh nhìn của mẹ hồi đó không trẻ con như Thuỳ thường nghĩ. Mẹ không nhìn hoa khế, mẹ không nhìn vào đâu cả. Có hay chăng chỉ là chóp nhọn của ngôi nhà thờ thoáng xa xa sau lùm mây đang trôi ngoài kia mà thôi.

Thuỳ lớn lên tự nhiên như cái cây ngoài bờ đường kia, không tưới tắm, không chăm bẵm. Tự mình vượt qua bao bão giông, mưa gió để toả bóng mát rợp cả một đoạn đường. Thuỳ không đẹp nhưng có duyên và dễ gần. Tất cả những nét trên mặt Thuỳ đều tươi, duy chỉ có đôi môi là thoáng chút buồn, nét buồn cong lại, mím chặt để không vỡ oà thành tiếng khóc. Nhưng như thế quen rồi. Quen đến quên đi tất cả những nỗi buồn hiển hiện trong lòng, chỉ đôi lúc chợt giật mình nhớ ra nổi buồn đó giống như một người bạn cũ gặp trên đường mà không thể nào gọi tên nổi.

*

Thuỳ đi vào chỗ ngõ quen, ở đó có một dãy bàng và hai hàng cột điện. Cứ mỗi bóng tắt lại một bóng đỏ. Cây bàng chưa kịp tạo một chỗ bóng đen trên mặt đường liền bị bóng đèn kia thế chỗ. Ánh sáng mờ đỏ, đục ngầu của những chiếc bóng đã quá già làm cho đoạn đường trông có vẻ liêu trai. Nhất là về đêm. Thảng mới có đôi ba chiếc xe máy đi ngước đường dọi những ánh sáng chói loà cả khu phố rồi tắt ngấm. Thuỳ gọi đây là phố buồn.

Thực ra con phố này có tên hẳn hoi. Đường Nguyễn Trãi. Các cụ tổ dân phố thường đùa rằng. Đường mang tên cụ Nguyễn vừa tài hoa vừa thăng trầm dâu bể nên đường cũng có cái mệnh như thế. Nghe đâu từ ngay từ khi làm đường này, người ta mở thêm đường ra sát bờ sông. Phố đẹp mà nên thơ nhường ấy, vậy mà người dân ở đây tự dưng làm ăn lụn bại, bán xới đất đai bỏ đi cả. Phố rộng trở nên buồn tênh. Đôi chỗ xây nhà trọ cho thuê. Ánh sáng neon kéo cả một dãy dài đầu ngõ. Ánh sáng tụm lại một chùm. Con phố trông giống như chiếc kim khâu, càng đến đầu mũi càng sâu hun hút. Tối tối, các cụ già tập thể dục bên bờ sông. Ngồi uống nước chè xanh mà bàn tán đủ điều chuyện ngày xửa ngày xưa phút chốc lại ùa về như mới hơm qua, hôm kia vậy. Các cụ nhớ con phố nhỏ ngày xưa. Tiếng trẻ thơ đùa nhau rộn ràng khắp cả dãy trên xóm dưới. Bây giờ thì buồn buồn. Phố đã vắng , ngày lạnh càng vắng hơn. Các cụ thói quen ngồi chơi quán chị Nhạn, nán chờ tiếng xe rác của Thuỳ đi ngang, dừng lại nói chuyện một hồi. Khi tiếng cộc cộc nhỏ dần là ai về nhà nấy như thói quen định sẵn vậy.

Đêm nay, trời có trăng. Trăng tháng ba nhàn nhạt. Ánh trăng có mùi hoa xoan thoang thoảng. Thuỳ đêm nay đi làm muộn. Bố Thuỳ vừa về hồi chiều. Trông ông gầy đi rất nhiều. Ông tấp con thuyền vào sát sau cầu ao cuối vườn, xách xâu cá lưới được đi vào nhà bằng cánh cửa sau. Thuỳ đứng ở cửa bếp nhìn bố rưng rưng mừng chảy nước mắt. Ông cười, đôi mắt ánh lên niềm xúc động, trao cho Thuỳ xâu cá rồi đi vào nhà. Tối hôm đó, bữa cơm im ắng bên ngọn đèn điện đỏ quạch soi rõ bóng hai người chợt lâu hơn thường lệ. Lúc Thuỳ đẩy xe đi, rời cũng đã tối lắm rồi.

Tiếng xe đi vào con phố buồn quen thuộc. Phố vắng tênh, Thuỳ kéo chiếc khoá áo khoác lên đến tận cổ cho đỡ lạnh và quấn lại chiếc khăn len bố mới mua hồi chiều, lòng ấm như bếp lửa đang đỏ. Đã bao lâu rồi, chắc là từ khi có mặt trên đời, Thuỳ mới có được một món quà quý giá như thế. Thuỳ mơ màng dụi má vào chiếc khăn ấm cúng, chợt nghe sóng vỗ ục ục vào bờ và thoảng có tiếng trẻ con oà khóc. Tưởng mình nghe nhầm. Thuỳ đứng mãi, tựa lưng vào thành tường của một ngôi nhà cũ nhìn vào khoảng sáng mờ đục chỗ ngọn đèn đường bị tắt. Thuỳ đã quen với kiểu ánh sáng đó rồi. Phố bao giờ cũng thế. Ánh sáng mờ nhạt không làm Thuỳ sợ hãi nữa. Lại có tiếng trẻ con khóc. Và lần này là thật.Tiếng khóc vang bên cạnh Thuỳ, trong một chiếc nôi mây trùm kín. Đó là một đứa trẻ bị bỏ rơi bên bờ sông. Thuỳ sợ hãi, đẩy xe chạy ngược về con đường lớn. Chạy được một lúc, Thuỳ dừng lại, cảm giác sợ hãi tan biến. Tình thương, cộng với sự tò mò đã đưa Thuỳ đến gần đứa bé. Đứa bé nhỏ thó, nằm lọt thỏm trong đống quần áo. Thuỳ đứng trân một lúc rồi không nói không rằng cô bế đứa trẻ, một tay xách đồ đi nhanh về phía quán chị Nhạn. Tiếng bé con khóc sữa làm Thuỳ bối rối. Đôi chân đi không vững, nhiều lúc quỵ xuống muốn ngã.

Nghe tiếng trẻ con khóc, chị Nhạn xô mạnh cách cửa đã long hết bản lề, bụi rơi đầy trên đầu chị:

Ai đấy? Em, Thuỳ đây - Thuỳ thở hổn hển.

Chị Nhạn đứng lùi lại, nép một bên của cho Thuỳ vào. Cái bọc trên tay oà khóc dữ dội.

Em thấy đứa bé này ở bờ sông. Lạnh quá- chị Nhạn đón lấy đứa bé, vừa siết chặt tay ôm vừa chửi- cha bố nó, để con trong lúc đêm hôm thế này nhỡ gió lạnh chết rét làm sao.

Thùy không nói gì từ lúc nãy. Bây giờ đã hết run rồi. Cô hết nhìn chị rồi nhìn đứa trẻ. Đứa trẻ đang đói, khóc dãy dụa trong tấm chăn trùm mới cứng.

Mày lấy hộp sữa pha cho tao một ít cho nó ăn. Tội nghiệp chắc là đói lắm đây. Để xem ông trời cho chị cái gì nào- chị vừa nói vừa mở chăn trùm đứa bé, thoáng chốc chị cười to- chà một thằng cu nhé.

Thùy lặng im nhìn chị cho thằng bé ăn mà thương. Chị Nhạn năm nay đã hơn 40 rồi mà vẫn không chịu lấy chồng. Không phải chị không muốn mà chị cứ ngại ngại làm sao ấy. Đi thanh niên xung phong về thì đã quá lứa rồi. Trai tráng trong làng không còn ai cả. Lứa chị chỉ mình chị trở về lành lặn thân thể lại bị bệnh bên trong. Chất độc màu da cam đã ngấm sâu vào tóc chị, làm ái tóc xanh một thời ngả bạc xạm màu. Chị không lấy ai, không muốn những đứa con mình sinh ra lại khác người. Chị ôm nỗi khổ tâm ấy suốt một thời gian dài trong im lặng, cho đến ngày hôm nay. Khi bế trên tay đứa bé bị bỏ rơi này, bản năng làm mẹ tột cùng trong chị lại nổi dậy. Nhìn chị vui mà nước mắt ứa tràn trên hai gò má làm Thùy suýt khóc.

Như chợt tỉnh ra, chị ngước lên nhìn Thuỳ:

Mày biết không, lúc sáng tao nghe có con chim khách hót đầu ngõ, thế mà có tin vui mày ạ- Nói rồi chị chỉ vào đứa bé- đời tao chỉ cần từng này thôi thế là đủ.

Thuỳ đứng trân nhìn chị. Vừa trút được gánh nặng trong lòng vừa thương chị.

Mày đi làm đi, mai qua tao nhé. Dạ

Tiếng xe lộc cộc đẩy đi trong đêm đen một lúc một sâu hơn. Cái lạnh cuối xuân vẫn còn vương sương nhè nhẹ. Hương hoa xoan thơm nồng phủ mờ những ngọn đèn đường già cỗi, đỏ quạch. Phố lạnh buồn buồn.

*

Thuỳ suốt cả một đêm không ngủ được. Giường bên, bố cô vẫn còn đang ngủ. Nhìn ông ngủ, đôi mắt nhắm nghiền thụt sâu trong gương mặt đen sạm nhăn nheo. Đôi tay gầy nổi những đường gân to đen sẫm. Thuỳ nhìn đôi tay ấy. Đôi tay bưng bát cơm ăn vội vàng khi có người hô cứu người chết đuối. Cũng đôi tay ấy, vớt xác người trên dòng sông này không biết bao nhiêu lần mà kể. Mỗi lần như thế, Thuỳ lại nhớ mẹ nhiều hơn. Mẹ Thuỳ cũng thế, trôi trên dòng sông này, bố cũng đã sục sạo tìm khắp cả khúc sông mà không hề thấy xác. Trong thư mẹ nhắn lại “đừng tìm” vậy mà bố vẫn cứ ân hận. Khóc suốt một thời gian dài, tóc bạc trắng hết cả. Suốt một thời gian dài ông chìm trong men rượu, đôi lúc say khật khưỡng bước qua bậc cửa nhà, ngồi chong chong nhìn dòng sông cho đến sáng. Sông thì vẫn cứ thao thiết chảy. Mùa lạnh nước dềnh dàng cả vệ cỏ. Rồi ông quyết định bỏ nhà xuống thuyền ở. Khuyên mãi ông cũng chỉ ậm ờ. Thảng hoặc ông ghé qua nhà vài ngày rồi lại đi. Chỉ đến khi nghe tin Thuỳ bỏ học giữa chừng vào năm cuối cấp thì ông trở lại. Chẳng nói chẳng rằng, ông sống lặng im như một cái bóng, lúc nào cũng ngong ngóng vào một điểm nào đó rất đỗi xa xôi.

Thuỳ bỏ học đúng vào ngày thi học kì. Cũng không biết tại sao, nhiều lúc Thuỳ nghĩ mẹ chưa chết. Mẹ chỉ đi đâu đó làm ăn thôi rồi mẹ sẽ trở về nếu mẹ nghe được tin Thuỳ bỏ học. Nhưng cô đã lầm. Đến nay đã bảy năm rồi mà mẹ vẫn không quay trở lại. Mẹ chết rồi còn đâu, con sóng nào đã cuốn mẹ vùi sâu dưới ngàn đáy nước. Nghĩ thế Thuỳ khóc, nước mắt chảy hết vào tim đau nhói đến nghẹt thở. Thuỳ bỏ nhà ra đi. Bố đi tìm. Thuỳ trở về. Bố lại ra đi. Cuộc đời của hai bố con cứ vòng quanh như thế. Nhiều lúc đang đêm Thuỳ chợt giật mình, nghe tiếng bố nói một mình như hẳn rằng có một nỗi đau nào đó rứt ráy trái tim ông đến nghẹn thở. Rồi bố khóc, nước mắt đùng đục chảy hai bên gò má nhăn nheo, lọt qua hai kẽ tay ướt đầm cả ống tay áo đã bạc màu, cáu bẩn.

Bây giờ, Thuỳ không ngủ được. Cô định nói câu chuyện hồi đêm cho ông nghe nhưng không biết phải nói bằng cách nào. Đã lâu rồi, ông mới có được giấc ngủ ngon và sâu đến vậy. Thuỳ đi ra cửa, ánh trăng chênh chếch bên thềm. Sương đêm trắng loãng như sữa non bám đầy trên má Thuỳ. Nó bất chợt làm cô nhớ đến người ấy. Người đàn ông cô gặp một lần duy nhất trong lần cô bỏ nhà ra đi.

*

Thuỳ ngồi một mình trên bãi biển. Gió đêm lành lạnh thổi vào sâu gáy Thuỳ nhồn nhột. Thuỳ không nghĩ gì hơn. Cuộc sống mới của cô rồi đây sẽ như thế nào, Thuỳ cũng không biết nữa, không biết đến ngày mai mình sẽ ra sao. Tất cả câu hỏi xoáy sâu trong đầu Thuỳ không một lời giải thích. Tất cả chỉ là gió. Gió u u thổi. Trong phút chốc Thuỳ thấy mình được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, nước xấp xoã lên tóc, lên vai, lên ngực cô. Vị mặn ngấm vào lưỡi và ánh trăng soi sáng cả bầu trời cao lồng lộng, to và rộng đến rợn ngợp. Thuỳ thấy mình nhỏ bé như một cây trâm sáng lấp lánh bằng những hạt đá đính ở ngực áo. Thuỳ thả lỏng người, nhắm mắt lại và nghĩ đến Chúa. Từ ngày mẹ mất, Thuỳ thường đi lễ nhà thờ. Hồi có mẹ, cứ chiều thứ sáu là mẹ đạp xe đi. Đi một mình. Trong nhà chỉ có mẹ hay đi lễ. Nghe nói trước đây, thời con gái mẹ cũng là người theo đạo, lâu dần lấy bố rồi thôi. Bây giờ Thuỳ muốn thay mẹ làm việc ấy. Cứ thứ sáu lại đạp xe đến nhà thờ nghe cha giảng đạo. Thực ra thì không phải để nghe. Thuỳ đến vì muốn lấp đi nổi trống trải của mình khi không còn mẹ, để giữ thói quen của mình ngồi bên bờ rào xương rồng nhìn mẹ tất tả đạp xe đi vội vã. Chính những lúc ấy, Thuỳ thấy mẹ đẹp và thánh thiện. Hình ảnh đó ám ảnh Thuỳ mãi suốt những năm tháng sau này. Đã có lần Thuỳ trông thấy mẹ quỳ giữa thánh đường. Khuôn mặt mẹ bị ánh nắng chiếu đỏ. Mẹ nhắm nghiền mắt, hai bên thái dương chốc chốc giật giật liên hồi, sợi tóc xoăn loà xoà trước trán ánh mỏng như tơ trời vậy. Riêng Thuỳ không thấy nhập tâm, đã bao nhiêu lần xưng tội ở nhà thờ, đã bao nhiêu lần nhìn chằm chằm vào bức tượng Chúa bị câu rút trên cây thánh giá cầu xin những điều mình muốn, Thuỳ không thấy hiển linh.Thuỳ không tin vào Chúa, không gửi gắm vào người tất cả những điều bí mật như mẹ. Nhưng chính đêm nay, ngay trong lúc này, Thuỳ đã nhìn thấy Chúa. Người đứng sững trước mắt Thuỳ, dang rộng vòng tay ôm lấy Thuỳ khi Thuỳ chấp chới bay vào một khoảng không nào đó vô định.

Thật ra, Thuỳ là một người ngoại đạo.
Thuỳ thích đi lễ nhà thờ vào những ngày chủ nhật cũng chỉ là để giải thoát mình ra khỏi những tháng ngày buồn bã cô đơn. Nhà thờ nằm sát bên bờ biển, lọt thỏm trong rừng phi lao xanh hun hút.. và cát. Ở đó có cát. Cát mềm mịn và ẩm ướt in dấu bàn chân bé nhỏ nhưng vững chãi của Thuỳ. Mặt cát đánh dấu bàn chân cô đơn bằng những bước nhỏ, chân trái nối tiếp chân phải thành một đường zíc zắc. Và giờ đây, Thuỳ nằm im bất động, mở mắt nhìn vào bóng tối. Trời đã khuya lắm rồi. Không biết được thời gian. Chỉ thấy xung quanh mình là bóng tối mờ mờ xanh thẫm và một người đàn ông ngồi bên cạnh bất động. Hình như anh ta đang ngủ. Đôi vai to rộng tựa vào tảng đá trắng muốt. Quần áo ướt sũng dính hết vào nhau. Bên cạnh hai người, đống củi đã bắt đầu rã lửa. Thuỳ vơ vội nắm lá dương khô ném vào đống lửa. Gió thổi bùng lên soi rõ khuôn mặt người đàn ông lạ. Một cảm giác ấm lòng đến nghẹt thở. Bàn tay Thuỳ vuốt nhẹ mái tóc người đó rồi chợt giật mình. Người đàn ông mở mắt, mỉm cười thật hiền rồi im lặng. Tất cả thanh âm lúc này chỉ là gió, gió rít trên những ngọn phi lao, gió chạy băng băng trên những con sóng bạc đầu ầm ào phía biển. Không ai nói chuyện với ai. Im lặng kéo dài cho đến khi tiếng gà gáy sáng văng vẳng cất lên giữa màn sương dày đặc. Người đàn ông khẽ cựa mình áp sát đầu Thuỳ lên ngực anh. Thuỳ xích lại gần anh thêm nữa cho đến khi môi anh chạm khẽ vào môi cô rồi dừng lại ở đó. Đêm cũng dừng lại. Gió cũng dừng lại. Ánh sáng ban mai toả rực rỡ khắp mặt biển. Từng ôm sóng đỏ sáng lên phía mặt trời mọc. Hai người ngôi bên nhau một lúc rồi chia tay nhau. Thuỳ nắm chặt tay anh, mắt nhắm nghiền. Người đàn ông dùng dằng đặt nụ hôn cuối cùng lên trán cô rồi đứng dậy bước đi. Cả hai đi về hai hướng, không ai quay lại nhìn ai. Chỉ biết rằng khi mình quay đầu trở lại thì tất cả những kỉ niệm hồi đêm sẽ không còn nữa. Thuỳ không biết tên, chỉ mang máng nhớ khuôn mặt hiền hiền. Ấy thế mà nó theo Thuỳ đến mãi lúc này, sau những năm tháng không hề gặp lại nhau lần nữa.

*

Thuỳ đã không thể yêu ai từ ngày đó. Hàng ngày vẫn đi trên phố. Chiếc xe rác vẫn cứ làm ca đêm. Hết đông sang hè, dãy phố buồn vẫn hai dãy đèn đường, một bóng tắt một bóng đỏ. Thi thoảng cứ ngỡ ngàng, hình như có ai đó nhìn dõi theo mình mà lòng thì vô vọng. Thuỳ đánh bạn với chị Nhạn, xem như hai chị em đồng trang cùng lứa với nhau. Chị Nhạn thực ra cũng gần bằng tuổi mẹ Thuỳ rồi nhưng vẫn vô tư, hồn nhiên như thế. Chị có những nỗi niềm riêng của mình. Chịu đựng những đắng cay mất mát đến thành thói quen để rồi không có nỗi đau nào làm chị khóc được nữa. Chị từng kể cho Thuỳ nghe về người đàn ông của đời chị. Anh đi lính, chị đi thanh niên xung phong. Hai người bặt tin nhau cho đến khi nhận được tin từ nhau thì người này ngỡ người kia đã chết. Anh về quê lấy vợ. Nghèo. Hèn. Chị bỏ nhà ra đi. Anh bỏ quê lang thang kiếm sống…rồi gặp chị. Hai người đành lỗi hẹn. Chị không muốn vì mình mà anh khổ. Cứ dùng dằng mãi. Câu chuyện của chị vẫn chưa hồi kết thúc. Nhiều đêm nằm bên cạnh chị, Thuỳ cứ thắc mắc hoài. Có lần nhìn ánh trăng, Thuỳ nói với chị mà như nói một mình:

Tại sao ấy chị Nhạn à. Em nghĩ mẹ mình chưa chết. Mày làm sao thế- chị Nhạn quay lưng lại ôm vai Thuỳ. Bố em đã đi tìm mẹ suốt dọc hai bờ sông cũng không tìm thấy xác. Nếu sống sao bà ấy không về. Em cũng không biết nữa. Không biết thì mày ngủ đi. Băn khoăn hoài thế ệt cả người.

Chị nói rồi quay lưng nằm ngủ. Tiếng thở của chị đều đều. Thuỳ nằm một lúc rồi cũng ngủ lúc nào không biết. Thuỳ cũng không thể biết rằng, suốt cả một đêm dài chị Nhạn đã không hề chợp mắt.

*

Đêm đang lạnh dần. Trăng nhễ nhại chảy tràn cả con ngõ nhỏ có hai hàng chè mận hảo. Bóng đêm chếnh choáng say trăng. Thi thoảng từng đám mây giỡn gió bị thồi vào giữa quầng trăng làm che mất đi một khoảng ánh sáng xanh xanh dịu nhẹ. Thuỳ vào giường nằm, mắt không hề chớp nhìn vào bóng sáng ngoài hiên. Lá đang lay lay thành những bóng đen di động. Bên giường kia có tiếng trở mình, húng hắng ho. Thuỳ cố nhín thở nằm im vờ ngủ để bố khỏi giật mình. Câu chuyện chưa kịp nói ra giờ Thuỳ không muốn kể. Dù gì thì ngày mai mình cũng nói với bố. Bố ngồi dậy một lúc rồi nhìn sang giường Thuỳ. Thuỳ nhắm mắt. Ông vuốt nhẹ mái tóc Thuỳ một lúc rồi đi ra ngoài. Con ngõ sáng ánh trăng thành một vệt dài trắng cong queo hình con rắn trắng. Thuỳ rón rén đi theo ông đến tận quán chị Nhạn. Thẫn thờ. Sau tấm liếp, đứa trẻ oe oe khóc. Người đàn bà nhẹ nhàng:

Cảm ơn anh. Ơn gì- bố nói- đứa bé đó bị bỏ rơi trên sông hồi qua. Anh nghĩ em cần nuôi một đứa trẻ nên mang về đặt chỗ con bé Thuỳ hay đi xe rác. Con bé sẽ mang vào cho em. Sao lại có người bỏ con thế nhỉ- tiếng chị Nhạn- thất đức thật. ừ- tiếng bố- có nhiều người như thế, chắc là do hoàn cảnh.

Rồi im lặng kéo dài.

Anh thấy đỡ không- tiếng chị Nhạn lại cất lên- vết thương cũ cứ trở trời là tái phát đấy. Cẩn thận, đừng ở thuyền nữa. Về ở với cái Thuỳ đi. Nó lớn rồi. Anh không thể. Mẹ nó bỏ đi khỏi cái xứ này cũng vì nó. Con bé càng lớn càng giống cha Phạm, anh không muốn đến một ngày nào đó nó biết được sự thật là anh không phải là bố nó.

Thuỳ đứng trân. Được một lúc thì ù té chạy. Cô chạy mãi, con phố chợt rộng và dài hơn ngày bình thường gấp mấy lần. Tất cả xung quanh đều trở nên lạ lẫm và khác trước. Thuỳ chạy đến khúc quanh, chỗ gốc xoan đâu già vẫn thơm hoa vào mỗi tối khi cô đi làm rồi sững lại. Bàn chân tê dại như sắp ngã. Cô tựa lưng vào tường, nghe tiếng chuông nhà thờ thoảng qua. Tiếng chuông đánh liên hồi, rồi từng người từng người đổ xô về hướng ấy. Không kịp nghĩ mình đang làm gì đang ở đâu, Thuỳ chạy theo họ.

Thánh đường rộng mênh mông chan hoà ánh trăng bảng lảng. Thuỳ thấy trăng đêm nay có gì đó là lạ, cứ trắng đùng đục, ướt sền sệt như bàn tay có thể chạm vào được. Thuỳ đứng bên dưới tháp chuông rụt rè đưa bàn tay ra và ngửa mặt lên trời. Tháp chuông như một lưỡi giáo nhọn đâm thẳng lên bầu trời cao rộng. Thuỳ có một cảm giác lạnh buốt chạy từ mặt xuống cổ rồi xuống ngực như hẳn ngọn giáo kia đã chọc thủng bầu trời trĩu nặng chứa đầy nước đổ tràn lên người cô. Rồi Thuỳ thấy một người vừa thoáng chạy qua. Là người đàn ông ấy. Vội vã. Người đàn ông không kịp nhận ra Thuỳ. Thuỳ chạy theo, bàn chân không nhấc lên nổi. Cô gọi to, tiếng gió u u vọng lại. Bóng người khuất sau thánh đường mênh mang gió.

Cô chạy một mạch về đến nhà, con phố rộng đầy trăng xanh nhợt nhạt. Không hiểu sao bây giờ Thuỳ ghét nó, căm thù nó kinh khủng. Thuỳ ước sao cho ông trăng kia có sức nóng bằng ánh mặt trời để cho con phố tràn ngập ánh sáng. Một thứ ánh sáng chói loà che đi mội ngóc ngách của sự tối tăm. Ánh sáng soi rõ chỉ lối cho cuộc đời Thuỳ rồi đây sẽ đi về hướng nào giữa cuộc đời thông thống gió. Hoặc nó hãy tắt đi, để đêm tối thui như mực. Lúc ấy, Thuỳ cũng sẽ nhắm mắt lại, đặt chân bước trên đường bằng những linh cảm. Bây giờ đây, Thuỳ cảm thấy cô đơn cực độ. Không biết chọn lối nào để đi. Con đường bây giờ không đủ ánh sáng, trái tim bây giờ không đủ tự tin. Tất cả chỉ là sự sợ hãi, một nỗi sợ chiếm lấy cơ thể Thuỳ, bóp chặt trái tim Thuỳ bằng vuốt cấu của sự thật trần trụi.

Mồ hôi Thuỳ vã ra như tắm. Cô khát. Trăng cũng khát. Ánh trăng đột nhiên đỏ bầm lại đáng sợ. Cô vục nước khoả lên mặt. Mặt nóng bừng. Cô xối hết nước lên người rồi nằm ngây ra giữa nền giếng vắng lặng. Cô có cảm giác mình đang tan thành nước. Nước chảy ra bờ sông, rồi từ ngã ba sông ấy đổ ra biển. Ở đó nước duyền lênh nâng cô lên rồi đặt cô xuống chỗ đúng hôm cô gặp người đàn ông lạ đó. Người đàn ông có khuôn mặt giống Chúa. Rất trẻ. Lại nghe văng vẳng tiếng người nói cười, hình như mọi người đang chúc mừng vị cha xứ mới, người mới về để thay cho cha xứ Phạm vừa tạ thế hồi đêm.

Hội VHNT Hà Tĩnh


» Next trang cuối

Doc truyen online mien phi moi nhat hay nhat - KenhTruyen.Hexat.Com

Copyright © 2018 KenhTruyen.Hexat.Com - All rights reserved.
Wapsite Đọc Truyện online được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.
Được phát triển bởi Trái Tim Băng™ và tất cả các thành viên.