Nhật Ký Mang Thai Khi 17 - chương 52
Ngày 29 tháng 04. Chuộc lỗi
18. 19. 20. 21. 22. 23. 24. 25. 26. 27. 28. Lần lượt những tờ lịch vơi đi.
Hôm nay đã gần hai tuần trôi qua tôi viết tiếp nhật ký. Kể từ sau buổi chiều định mệnh đau đớn đó tôi hầu như chẳng còn quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài việc luôn nghĩ về cái chết oan uổng của đứa con chưa rõ hình hài trong bụng mình.
Phải. Thiên thần nhỏ bé ấy đã không còn trên thế gian này nữa.
Nghe mẹ kể lại rằng, bác sĩ nói lúc đưa vào bệnh viện tôi mất máu khá nhiều và khi đó cũng đã sẩy thai. Mọi người đều đau buồn về sự mất mát này của tôi. Dù vậy, mãi mãi không ai hiểu được nỗi đau đớn đang dày vò tâm hồn tôi thế nào. Thể xác lẫn tinh thần. Lúc tỉnh dậy, tôi chỉ hướng ánh mắt nhìn chằm chằm lên trần phòng. Suốt ngày hôm ấy, tôi chẳng ăn uống gì mặc cha mẹ khuyên nhủ. Hiển nhiên, gia đình chồng tôi lập tức đến bệnh viện. Họ không biết lý do gì khiến tôi gặp tai nạn để rồi mất con. Tôi im lặng. Chan Chan cũng lặng im. Cả hai đều giấu nguyên do dẫn đến chuyện đáng tiếc này. Chan Chan thì thiết nghĩ, cậu ta đủ can đảm nói ra ư? Để tất cả biết lỗi lầm to lớn kia sao? Không đâu. Thật khó khăn để có thể nhận lỗi. Còn về phần mình, tôi im bởi nghĩ giờ kể ra mọi chuyện thì còn nghĩa lý gì nữa chứ? Hai từ sự thật không đủ để xoa dịu đau đớn tôi đang mang và càng tuyệt đối không thể trả đứa bé trở về cho tôi... Nhưng vào cái đêm thứ hai ở bệnh viện, Chan Chan đã vào phòng khi tôi đang giả vờ ngủ. Tôi không hề muốn trông thấy gương mặt tỏ vẻ hối hận của kẻ xấu xa ấy.
“Min Min, đằng này xin lỗi! Thật sự xin lỗi! Cái chết của baby phần lớn đều là lỗi của đằng này. Tuy vậy, lòng vẫn muốn nói rõ mọi chuyện. Không phải đằng này giải thích để cố biện minh cho bản thân chỉ đơn giản là kể sự thật. Buổi chiều hôm đó, khi đằng này nói rõ ràng với chị Trân Châu về tất cả thì chị ấy cũng đã đồng ý kể từ giờ cả hai hạn chế gặp nhau. Tiếp đến, chị ấy bảo muốn có cái ôm cuối cùng xem như chấm dứt tình cảm đơn phương mà đằng này gìn giữ suốt bốn năm. Cảnh ôm nhau giữa đằng này với chị Trân Châu là thế, không hề như đằng ấy nghĩ. Giá như đằng ấy chịu đứng lại nghe giải thích... Và giá như đằng này đuổi theo kịp thì... đứa bé đã không mất.”
Tôi nghe giọng Chan Chan lạc dần. Cậu ta không khóc tức tưởi nhưng lời nói nghẹn lại ở cổ họng. Tôi vẫn nằm xoay mặt, cơ thể chẳng nhúc nhích gì. Bình thản. Tôi ngỡ mình đã khóc ấy vậy dường như nước mắt không rơi được nữa. Tôi cảm thấy may mắn vì điều đó. Tôi nên làm gì? Tiếp tục tin Chan Chan sau đó lại tiếp tục bị tổn thương? Tôi chẳng ngu ngốc đến lần thứ ba đâu. Giờ đây tất cả những lời phát ra từ miệng cậu ta tôi đã không còn tin nữa. Quá đủ cho mọi giả dối. Lòng không thể thứ tha. Tất cả kết thúc rồi...
Năm ngày sau khi tôi xuất viện, mẹ bàn với cha là muốn đưa tôi về quê ở vài ngày để tịnh tâm lại. Cha đồng ý. Tôi cũng không từ chối vì điều này thật tốt. Về quê, tôi không phải gặp Chan Chan và mọi người trong nhà cậu ta. Không phải gặp Thuý Nga hay Thu Cúc hoặc chị Hiền Lan. Không là bất cứ ai. Lúc này tôi chỉ muốn yên tĩnh một mình. Qua hôm sau, hai mẹ con chuẩn bị hành lý bắt xe khách về quê. Tôi đến sống ở nhà dì Sáu, em của mẹ. Vì không muốn chuyện thêm rối nên mẹ nói dối dì Sáu rằng tôi ngã xe, về quê vài ngày tịnh dưỡng. Tính đến nay đã là ngày thứ sáu tôi ở đây. Không khí trong lành của miền thôn quê dân dã khiến tôi thật thoải mái. Nỗi đau vẫn đè nặng nhưng đã ít khóc hơn. Tâm hồn tôi đang dần dần nhẹ đi. Vậy mà, một lần nữa cậu ta lại xuất hiện trước mặt tôi, để tôi nhớ về cái chết của đứa bé.
Sáng nay vừa ra khỏi buồng thì tôi hết sức kinh ngạc khi thấy Chan Chan ngồi nói chuyện với mẹ và dì Sáu tôi. Bên cạnh là cái valy quần áo. Vừa trông thấy tôi, cậu ta liền mỉm cười ngay:
“Dậy rồi hả? Bất ngờ không? Hôm qua đằng này đi xe đêm để về đây đó.”
Bất động chốc lát tôi lên tiếng hỏi, bản thân nhận ra các câu từ vẫn vô cảm:
“Cậu làm gì ở đây? Chẳng phải tôi đã nói là không muốn thấy cậu nữa à?”
“Biết chứ nhưng đằng này nhớ đằng ấy mà.”
Nghe xong câu nói đó tự dưng tôi khó chịu kinh khủng và cảm giác cơn giận đang xuất hiện.
“Giả dối. Cậu mau rời khỏi đây! Nhanh lên! Trở về thành phố, đừng ở đây!”
Trước dáng vẻ hơi kích động của tôi, mẹ liền bảo:
“Min Min, con đừng thế. Chan Chan phải xin nghỉ học hôm nay và tranh thủ hai ngày lễ 30/04, 01/05 xuống tận đây thăm con đấy.”
“Con đâu có yêu cầu cậu ta về thăm.” – Tôi lạnh lùng.
Mẹ tôi định nói thêm gì đó thì Chan Chan ngăn lại và tiếp tục mỉm cười:
“Mục đích đằng này về đây không phải chỉ thăm mà còn muốn đưa đằng ấy lên thành phố, trở về gia đình đằng này. Cha mẹ, chị Hoà Trâm, chị Hồng Anh cả anh Dũng Văn đều lo lắng cho đằng ấy. Vì vậy dù có bị đuổi ra sao, đằng này nhất quyết không đi đâu.”
“Tôi chẳng cần cậu thương hại.”
“Đằng này rất lo cho đằng ấy.”
“Sao cậu có thể nói vậy sau khi đã xảy ra chuyện như thế chứ? Cậu muốn dày vò tôi à?”
“Đằng này muốn chuộc lỗi.”
“Nực cười. Chuộc lỗi thì được gì? Có thể khiến tất cả quay về như xưa ư?”
“Tất nhiên không phải vì để quay ngược quá khứ. Chuyện đã xảy ra, chẳng thể nào thay đổi được nữa. Điều đằng này làm chính là muốn cứu vãn hiện tại – ngay lúc này. Mối quan hệ của chúng ta không thể kết thúc như vậy được. Đằng này không cam lòng.”
Tôi nhìn Chan Chan chằm chằm. Gương mặt cậu ta đầy kiên quyết lẫn nghiêm túc. Lòng cảm thấy những điều này vớ vẩn thật. Chợt thấy buồn cười làm sao nên tôi đã cười nhạt nhẽo.
“Quá trễ rồi! Dù cậu cố gắng bao nhiêu cũng thế thôi. Kể từ sau buổi chiều đó chúng ta đã chấm dứt. Cậu không cần đóng kịch hay phải cố tìm cách dối gạt tôi lần nữa.”
Vẻ như lời tôi nói khiến Chan Chan khá sốc vì vậy cậu ta trong vài phút chỉ đứng lặng thinh.
“Tuỳ đằng ấy nghĩ gì nghĩ, đằng này vẫn chỉ làm theo những diều mình muốn. Dù ra sao đi nữa, đây tuyệt đối không bỏ cuộc, sẽ cố gắng đến cùng.”
Dứt lời, Chan Chan quay qua nhìn mẹ và dì Sáu tôi:
“Cháu xin phép ra phía sau rửa mặt.”
Cậu ta không thèm quan tâm phản ứng từ tôi mà cứ thế bỏ đi một mạch ra sau nhà. Dõi mắt theo bóng dáng tên cool boy, tôi tự hỏi sao trên đời lại có kẻ mặt dày đến vậy nhỉ? Đúng là chẳng ra gì. Được thôi, muốn ở lại thì cứ ở tôi chả quan tâm làm chi cho mệt. Mặc xác. Tôi mau chóng xoay lưng đi với suy nghĩ cậu ta có cố bao nhiêu lần cũng thế. Đau đớn và tổn thương, đâu phải một hai câu hay một hai ngày là xoá tan được.
... Đang nằm trong phòng với hàng tá những suy nghĩ bức bối thì mẹ gõ cửa bảo tôi đi chợ. Đúng rồi. Đi ra ngoài thì tôi sẽ không thấy Chan Chan. Một cách mau lẹ, tôi cầm giỏ phóng ra khỏi nhà. Nhưng xui xẻo thay Chan Chan đã đứng chờ ngay trước cổng rào đầy dây leo với chiếc xe đạp lộc cộc của dì Sáu tôi. Cậu ta định chở tôi đến chợ đây mà.
“Đằng ấy đi chợ phải không? Lên xe đi đằng này chở.”
Tôi cá là tên Chan Chan biết rõ 100% không đời nào tôi chịu leo lên xe. Vậy mà cậu ta vẫn vờ ra vẻ vô tư nói cười và mời mọc thật vô duyên. Ghét. Tôi chả thèm nói, chỉ liếc cái rồi bỏ đi.
Hiển nhiên, Chan Chan đạp xe đuổi theo. Suốt dọc đường, cậu ta không ngừng nói huyên thuyên nhảm nhí. Tôi không quan tâm nên chẳng rõ cậu ta nói cái gì. Thậm chí khi vào trong chợ, dù không khí chợ búa vô cùng ồn ào ấy thế tiếng Chan Chan vẫn rõ mồn một bên tai tôi. Cậu ta hỏi về đủ thứ, toàn liên quan đến thịt cá và lắm lúc còn “ép” tôi nên mua cái này đừng mua cái kia. Rồi còn nhận xét chê bai đủ thứ. Chẳng hạn giống như thế này.
“Làm sao biết cá nào tươi nhỉ?”
“Thịt heo này sao nhiều mỡ thế đằng ấy?”
“Tỏi đó nhìn lạ quá hen.”
“Đừng mua bó rau này, sâu hết rồi. Đằng ấy mua bó bên kia xanh tươi hơn.”
“Con cua trong thau còn ngọ nguậy. Đám ếch cũng thế, lúc nhúc thấy ghê.”
“Tiền chợ đi một lần vậy là bao nhiêu?”
Vô số các câu hỏi làm tôi bực mình dễ sợ. Đến lúc không nhịn nổi nữa tôi lập tức gắt lên: “Cậu thôi đi nào!”.
Giọng tôi lớn tới nỗi một góc chợ bỗng nhiên im bặt mọi âm thanh và đồng loạt mọi người nhìn về phía tôi. Ngượng chết được. Còn tên Chan Chan thì mặt thản nhiên như không đã vậy còn nhe răng cười hệt kiểu muốn trêu tôi. Điên khùng với thằng ba trợn mắc dịch này dã man, tôi nhanh chóng quay đi rời khỏi chợ với thái độ hậm hực quên luôn cả việc mua bịch muối và xả, thêm bó nhang thơm. Thế là trên đường về tôi phải ghé qua chợ “trời” mua tạm. Y chang buổi sáng, Chan Chan lò dò nhích chiếc xe đạp đi song song bên cạnh tôi. Âm thanh lộc cộc của “con ngựa sắt” già bỗng dưng trở thành thứ phiền toái đối với tôi. Chưa dừng ở đó, lỗ tai còn phải nghe cậu ta hát lải nhải mấy bản tiếng Anh lơ lớ. Nếu bình thường thì tôi đã xoay qua cho tên Chan Chan một trận nhưng vì đã nói là sẽ không quan tâm đến bất kỳ điều gì của cậu ta nên tôi đành nhẫn nhịn. Đây là buổi đi chợ tệ hại nhất đời tôi.
Về đến nhà, tôi vào bếp phụ mẹ và dì Sáu làm bữa trưa. Tên Chan Chan bày đặt lăng xăng đi vào giúp. Cậu ta vừa làm vừa nói không ngừng. Tên này nịnh đầm, nói toàn những câu bùi ngùi cho mẹ và dì Sáu nghe. Chốc chốc, cậu ta còn pha trò. Tôi thấy dở hơi và vô vị tệ nhưng mẹ thì cười dữ lắm. Trông cái cảnh thằng Chan Chan lặt rau muống đồng thời chọc cười hai người phụ nữ trung niên là tôi chịu không nổi. Dì Sáu tôi còn khen: “Thằng này có hai lúm đồng tiền nhìn duyên tệ chả thua gì con gái”. Tôi phải kiếm cớ ra ngoài rửa chén để không phải nghe mấy lời nhăng nhít. Bực đến nản.
Đến lúc ăn trưa. Bốn người cùng ngồi vào bàn. Tên Chan Chan vẫn không chịu tắt dùm cái “loa phát thanh” tự nhiên của mình. Chẳng rõ thằng này bị ma nhập hay trúng nắng trúng gió gì mà cứ nói liên hồi. Ức cái là mẹ với dì Sáu đều không cảm thấy khó chịu trong khi tôi bức bối kinh khủng. Nhìn ba người nọ vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ còn tôi thì im lặng gắp thức ăn khiến người ta nghĩ tôi là kẻ ngoài chứ chẳng hề thuộc gia đình này. Lát sau, bắt đầu chán chê trò “làm hề” rồi Chan Chan quay qua tôi vờ ra vẻ tử tế hỏi:
“Sao đằng ấy im ru vậy? Nói chuyện với mọi người cho vui.”
“Kệ tôi, chả cần cậu quan tâm đến. Nói hay không là quyền của tôi.”
“Min Min.” – Mẹ liền nhắc.
Tôi im. Giờ thì mẹ gần như về phe tên cool boy này rồi. Thế đó, mẹ chả thương con gái gì hết. Như biết tôi khó chịu nên Chan Chan chuyển đề tài.
“Ờ, đằng ấy không thích nói cũng không sao.” – Cậu ta múc canh vào chén rồi đưa tôi – “ Canh khoai mỡ đằng ấy thích nè, ăn nhiều vào hen.”
“Không thích. Tự tôi múc ăn được.”
“Thì đằng này múc sẵn cho đằng ấy rồi nè. Ăn lúc còn nóng mới ngon.”
“Đã bảo không cần.”
“Đừng ngại. Canh còn nhiều lắm, đằng ấy phải ráng ăn để khoẻ lại chứ.”
Chan Chan cứ đưa chén canh nghi ngút khói ra trước mặt tôi đồng thời thúc ép một cách quá đáng. Tôi tỏ rõ hành động khó chịu lẫn bực mình ấy vậy cậu ta vẫn ngoan cố không ngừng lại. Quá tức giận và không kiềm chế được nên tôi lập tức hất mạnh tay ra rồi đứng dậy hét to:
“Tôi đã nói cậu thôi đi mà!”
Giọng quát lớn của tôi vừa dứt cũng là lúc âm thanh xoảng vang lên. Chén canh khoai mỡ rớt xuống đất, vỡ tan tành. Còn Chan Chan thì cắn môi nhăn mặt vì bị nước canh đổ lên cổ tay.
“Cháu có sao không Chan Chan?” – Dì Sáu sốt sắng hỏi.
“Cháu ổn.” – Chan Chan cười nhưng gượng gạo. Da tay sưng đỏ phổng rộp.
“Min Min, con hơi quá rồi đấy.” – Mẹ nhìn tôi vẻ không hài lòng.
Tôi lặng thinh. Đưa mắt nhìn xuống những mảnh sứ nằm ngổn ngang dưới đất, nước canh khoai mỡ màu tím sậm rồi đảo cái nhìn về phía mẹ, dì Sáu với cả tên Chan Chan thì bất giác lòng tôi dấy lên sự khó chịu vô cùng. Tôi cảm thấy tâm trạng tệ dần. Sau việc đứa bé mất thì tôi trở nên dễ nóng nảy và hay cáu bẳn, ngay cả kiểm soát hành động cũng chẳng được. Đứng thừ ra trong vài phút thì tôi thấy Chan Chan chậm rãi cúi xuống thu gom cái chén vỡ.
“Cháu cứ để đó đi, nhặt coi chừng đứt tay.”
“Không sao ạ. Chính cháu làm vỡ thì phải nhặt thôi.”
Trông dáng vẻ Chan Chan lầm lũi nhặt những mảnh sứ ngổn ngang với cổ tay phải đỏ tấy là lồng ngực tôi thổn thức. Sao cậu ta phải như vậy chứ? Chẳng hề trách cứ gì về thái độ không tốt ban nãy của tôi. Cậu ta đang nhẫn nhịn chịu đựng. Giờ thì sao nhỉ? Bỗng chốc tôi tự biến mình thành kẻ xấu xa.
“Xin lỗi, đằng này không đúng. Đằng này đi lấy chén khác cho đằng ấy nhé.”
Thấy gương mặt phản phất nỗi buồn nhưng vẫn mỉm cười dịu dàng của Chan Chan thì tôi nhận ra cổ họng mình sắp nghẹn lại. Tức thì tôi quay lưng rời khỏi phòng bếp, chạy một mạch vào buồng. Tôi nằm xuống giường, nhắm mắt lại và muốn xua đi những xúc cảm tồi tệ đang bủa vây lấy cơ thể. Lòng khó chịu đến mức tôi đã đánh thùm thụp vào gối nằm. Tôi trách bản thân đã quá nóng nảy. Ghét việc thấy Chan Chan chịu đựng. Ghét cả cái nhìn không hài lòng của mẹ và dì Sáu. Tại sao lại như vậy chứ?
“Min Min.”
Tôi thoáng giật mình khi nghe giọng Chan Chan gọi ở ngoài cửa buồng. Bóng cậu ta in dài trên chiếc rèm vải. Biết cậu ta chờ đợi một tiếng đáp lại thế nhưng tôi vẫn im lặng chẳng đáp.
“Tay đằng này không sao hết, chỉ đỏ tí thôi nên đằng ấy đừng bận tâm. Nếu mệt, đằng ấy ngủ đi cho khoẻ để đằng này rửa chén cũng được.”
Chan Chan đã đứng nán lại trong vài giây rồi sau đó rời đi. Còn tôi cứ nằm bất động trên giường, đầu óc trống rỗng. Rất nhanh, tôi nhắm mắt mà lại lòng vẫn không vơi bớt nỗi buồn.
... Xế xế, tôi chậm rãi rời buồng sau khi ngủ xong một giấc. Bên ngoài nắng nhạt dần. Gió thổi mát rượi. Ở dưới quê trời mau tối hơn trên thành phố. Chưa chi đã gần hết một ngày. Đang đứng tận hưởng sự bình yên thì chợt tôi thấy cách đó không xa, phía sau chuồng bò Chan Chan đang quét lá khô. Cậu ta có vẻ yêu đời vì vừa làm việc vừa hát lẩm nhẩm. Chốc chốc tên này còn “nổi hứng” lấy chổi chọc chọc mấy con bò. Tuy vẫn còn đang buồn nhưng tôi đã cười phì khi thấy một trong những con bò kêu lên đồng thời muốn chạy ra khỏi chuồng với cảnh tên Chan Chan hoảng quá phóng như bay vào trong sân nhà núp. Đúng là điên nặng. Rõ thứ rảnh rỗi sinh nông nỗi mà. Đồ công tử thành thị. Cùng lúc, cậu ta bắt gặp tôi đứng hóng gió ngay trước cửa nhà thì liền hớn hở bước lại gần: “Dậy rồi à? Có đói bụng không?”.
“Mặc tôi.”
“Đằng ấy không đói thì thôi vậy. À lát đằng này chở đằng ấy đi dạo nha.”
“Chả thèm.” – Tôi quay phắt, bỏ vào nhà. Đúng là phiền phức chết được.
Hình như ông trời muốn giúp tên Chan Chan hay sao mà để cho cậu ta có cơ hội chở tôi trên chiếc xe đạp lộc cộc. Chẳng là buổi chiều dì Sáu bảo tôi sang nhà cô Miên hàng xóm lấy hoa về để dì làm. Tên Chan Chan tình nguyện đưa tôi đi. Hiển nhiên, còn khuya tôi mới chịu. Đây thà cuốc bộ chứ chẳng muốn để thứ xấu xa đó chở. Nhưng dù vậy, cậu ta vẫn đạp xe chạy theo tôi ở phía sau. Kỳ này đỡ là cậu ta không nói nhảm nhiều như lúc sáng mà hoàn toàn lặng im. Lòng tôi thầm cám ơn vì điều ấy. Lấy hoa xong tôi từ nhà cô Miên trở về. Ban nãy đi thấy trời còn trong xanh vậy mà giờ đã chuyển mưa, mây đen giăng kịt cả bầu trời. Vì sợ đột ngột mưa cái ào xuống làm ướt số hoa trong bịch nên tôi bước hơi vội, gần như là chạy. Đường quê không giống thành phố, đa phần toàn đất cát. Nếu chưa quen thì rất dễ vấp té. Và tôi té thật. Đầu gối chạm đất hơi mạnh nên trầy xước rướm máu, còn hoa thì rơi ra khỏi bịch văng khắp nơi. Mau chóng, Chan Chan gạt chóng dựng xe rồi chạy lại gần hỏi: “Có sao không?”
Tôi chẳng đáp mà chỉ lo lượm nhanh mấy cái hoa. Chan Chan cũng phụ nhặt giúp. Cột bịch cho chặt, tôi đứng dậy. Đầu gối hơi rát. Thấy vậy, tên cool boy bảo: “Đằng ấy lên đi để đằng này chở về nhà”.
“Không cần đâu.”
“Đừng cứng đầu nữa. Chân đằng ấy bị trầy rồi đi sao nổi. Vả lại trời sắp mưa đấy, nếu về không kịp thì ướt hết số hoa làm này uống lắm.”
Đảo mắt nghĩ ngợi, tôi hơi lưỡng lự vì lời của tên Chan Chan khá chí lý. Thật ra việc đầu gối đau tôi không quan tâm lắm vẫn có thể tự lết về được nhưng điều đáng lo là số hoa vừa ở trong bịch mà bị ướt thì uổng công dì Sáu làm hôm qua. Ngước nhìn trời, tôi thấy sấm sét, mây đen càng lúc càng nhiều và có vài giọt mưa lất phất. Đắn đo hồi lâu cộng thêm việc Chan Chan cứ hối thúc nên tôi đành leo lên xe. Trước khi đạp đi, cậu ta còn nói:
“Đằng ấy ôm chắc nhé, đường gập ghềnh lắm, ngồi không vững là ngã đấy.”
“Mắc chứng gì phải ôm, không thích.”
“Thế lỡ đằng ấy mà ngã cà mặt xuống đường là về nhà mẹ nhận hết ra đó.”
Đúng là đường về nhà dì Sáu hơi gập ghềnh, ngồi xe đạp giống hệt ngồi ngựa. Vì chân đau nên tôi phải ngồi để chân qua một bên, lạng quạng không khéo ngã như chơi.
“Hay đằng ấy nắm áo đằng này cũng được. Vậy là ổn, ok.”
Lời gợi ý của tên Chan Chan đã giải vây cho tôi. Hơi chần chừ, tôi khẽ khàng nắm lấy vạt áo cậu ta. Bấy giờ Chan Chan mới chịu đạp xe đi. Vòng bánh xe quay đều trên con đường gập gềnh dưới làn mưa bắt đầu lất phất. Mông tôi ê kinh khủng do tưng. Kiểu này đi bộ đúng là còn sướng hơn nhiều. Mà tên Chan Chan đạp xe cũng điêu luyện ghê. Hầu như tránh được hết mấy cái ổ gà. Lúc ở thành phố, tôi đã thấy tên này lạng lách đủ kiểu rồi.
“Giống hồi đó quá đằng ấy nhỉ?”
“Giống cái gì?”
“Thì lúc hai chúng ta cùng đi học đó. Đằng ấy vẫn ôm đằng này hoài.”
Tôi lặng thinh khi nghe Chan Chan nhắc lại chuyện lúc trước. Khi không lại nói về quá khứ lúc này khiến lòng chẳng thoải mái gì cả. Mà sự thật thì tôi vẫn luôn nhớ điều ấy. Là cái cảm giác bình yên nhẹ nhõm khi ngồi phía sau tên Chan Chan, nhìn tấm lưng rộng lớn vững chắc đó. Với hành động vòng tay ôm cậu ta. Kể cả ngay lúc này, dẫu còn đang giận và trách tên cool boy rất nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra lòng mình dâng lên những cảm xúc bồi hồi khi một lần nữa được ngồi phía sau rồi quan sát lưng áo của cậu ta. Rõ ràng dù trốn tránh hay chối bỏ bao nhiêu lần thì cảm giác vẫn là cảm giác, chẳng thể dễ dàng xoá bỏ được. Con người thật khó để quên đi sự thân thuộc hoặc một thói quen đã hằn sâu vào tiềm thức. Vì sao ngay bây giờ, bản thân tôi lại thấy bình yên lạ lùng. Cơ thể tự dưng ấm áp mặc trời mưa lất phất cùng gió mạnh thổi lùa lạnh lẽo. Tiếp, tôi nhận ra mình muốn khóc. Quá khứ như níu kéo mọi thứ. Tôi nửa muốn nửa không muốn tha thứ bởi cứ hễ nhớ đến cái chết của đứa bé là nỗi đau đớn cứ hiện diện. Tôi có thể bỏ qua tất cả sau khi lòng đã chịu nhiều tổn thương? Liệu, tấm gương vỡ đi sẽ liền lại được chăng? Tôi không biết phải làm gì. Mọi thứ chợt lạnh giá. Trống trải.
Tôi về đến nhà vừa kịp lúc trời đổ mưa. Đưa hoa cho dì Sáu xong thì tôi bị tên Chan Chan kéo vào buồng. Cậu ta bảo tôi ngồi lên giường để cậu ta thoa thuốc vào vết thương ở đầu gối. Dù tôi không muốn nhưng tên này kiên quyết giữ lấy chân tôi và sứt thuốc nhè nhẹ. Tôi hơi giật mình khi thứ chất lỏng kia thấm vào vết trầy. Chan Chan ngẩng mặt lên tỏ vẻ lo lắng:
“Rát lắm hả?”
“Không. Cậu đứng lên đi, tự tôi làm được.”
Chẳng nói chẳng rằng, Chan Chan kề môi xuống gần đồng thời thổi nhẹ vào đầu gối tôi. Tất nhiên, tôi đã rất ngạc nhiên trước việc làm này. Quan sát dáng vẻ quan tâm ân cần cậu ta dành cho mình, lòng tôi lại xuất hiện cảm giác lạ lùng. Nó giống như tâm hồn tôi đang bình yên thì có hạt sỏi vô tình rơi xuống tạo nên một sự khuấy động nhẹ nhàng. Vài giây sau, tôi mau chóng rút chân lại đồng thời bảo: “Được rồi, vậy là đủ.”
“Ừm, đằng ấy chịu khó ngồi tí là hết rát.”
Tôi gật đầu cho qua chuyện và mắt nhìn nơi khác. Khi Chan Chan rời đi thì tôi thở ra hệt kiểu đã có thể hít thở thoải mái hơn. Hành động khi nãy của cậu ta khiến tôi chợt khó xử. Chính xác là dường như lòng tôi vừa dao động. Dù rất nhanh nhưng vô cùng rõ rệt...
Tên Chan Chan vẫn không ngừng làm những việc đầy quan tâm. Lúc tôi chuẩn bị đi tắm thì cậu ta pha sẵn nước ấm, treo quần áo mới trong phòng cho tôi. Rồi khi dùng bữa tối, cậu ta bới cơm, múc canh và gắp thức ăn vào đĩa cho tôi. Tóm lại, tên cool boy này chăm tôi như chăm một đứa trẻ. Về phần mình, tôi không biểu hiện hay phản ứng gay gắt như sáng nay. Tôi thừa biết dù có nói gì thì Chan Chan cũng chả nghe vì thế tôi để mặc cậu ta.
Tối, đang nằm trong buồng thì tôi nghe có tiếng bước chân đi vào. Vì nằm xoay lưng ra cửa nên tôi không rõ là ai nhưng tôi đoán là tên Chan Chan. Chẳng biết tên này rình mò vô buồng người ta làm cái trò gì mờ ám bậy bạ đây. Cảm giác cậu ta đang tiến lại gần giường nên tôi lền nhắm mắt giả vờ ngủ. Dẫu hiểu chiêu này cũ rích rồi nhưng vẫn làm. Rất nhanh, tôi nhận ra có người ngồi xuống bên cạnh bởi chiếc giường cũ kêu lên âm thanh kọt kẹt. Tiếp, một tấm chăn khoác lên người tôi kèm theo tiếng thở dài buồn bã.
“Đằng này xin lỗi đằng ấy.”
Quả đúng là tên Chan Chan. Vậy ra cậu ta vào đây là để nói câu này. Lời xin lỗi thì thầm. Ngồi được mấy phút thì cậu ta đứng dậy ra khỏi buồng. Tôi nghe âm thanh buông mình của tấm rèm vải giữa đêm tối tĩnh lặng. Chẳng hiểu vì sao nước mắt bỗng dưng rơi xuống gối...
Nhật Ký Mang Thai Khi 17 - chương 53
Ngày 30 tháng 04. Cùng về nhà nhé vợ
Sáng dậy sớm, tôi bước ra sân hít thở không khí trong lành. Thiên nhiên ở miền quê thật khác, khiến người ta cảm thấy yên bình quá đỗi. Mấy ngày trước, tôi cũng thường dậy rất sớm để ngắm bình minh. Ở Sài Gòn đông đúc thì làm sao có được cảnh tuyệt vời thế chứ. Vả lại, ngày mốt là tôi phải trở về nhà nên cần tranh thủ trong một hai ngày ít ỏi này. Hừng đông phía xa xa đẹp vô cùng. Ông mặt trời cứ ẩn mình sau những đám mây trong trẻo hệt kiểu vẫn còn ngủ nướng. Quê khác thành phố, chỉ hơn sáu giờ là nắng chói chang rồi vì vậy phải dậy cỡ năm giờ sáng thì may ra còn bắt kịp cảnh mặt trời mọc có một không hai đó. Đang thả hồn theo mây trời gió mát thì tôi nghe tiếng chổi lùa. Chắc là dì Sáu quét sân. Nhưng khi quay qua nhìn, tôi tròn xoe mắt bởi thấy tên Chan Chan. Không ngờ thằng công tử ấy dậy sớm phết. Hồi trước ở nhà, vào mấy ngày nghỉ hay lễ là chẳng khi nào thấy được cái mặt cậu ta trước chín giờ cả. Vậy mà hôm nay siêng đột xuất, đã dậy sớm lại còn quét sân mới ghê. Chắc tại tội lỗi đè nặng quá nên tối mất ngủ. Người ta bảo làm chuyện xấu thì chả bao giờ yên giấc đâu.
“Chào buổi sáng, Min Min.” – Tên Chan Chan đã thấy tôi.
Tôi không đáp chỉ phát ra âm thanh khá nhỏ “Ừm.” như một phép lịch sự. Dường như tôi đối với Chan Chan đã thoải mái hơn hôm qua. Hẳn vậy mà cậu ta hớn hở chạy nhanh đến nói:
“Lát bọn mình cùng đi ăn sáng hen. Hồi nãy nghe mẹ đằng ấy bảo có chỗ bán hủ tiếu ngon lắm.”
Tôi biết đó là chỗ nào rồi. Mấy buổi sáng trước tôi toàn ăn ở đó chứ đâu. Tôi vẫn tiếp tục không đáp nhưng cũng chẳng tỏ ra bực mình khó chịu hay liếc mắt nữa mà thoáng gật đầu rồi mau chóng đứng dậy. Lúc quay lưng chuẩn bị đi xuống nhà dưới thì tôi nghe giọng tên Chan Chan oang oang ở nhà trên, vẻ hứng chí: “Đằng này chờ đằng ấy nhé. Ok luôn.”
Khẽ thở ra, tôi xỏ đôi dép lào vô rồi đi làm vệ sinh cá nhân. Chốc chốc lòng tự hỏi: Sao mình lại bắt đầu tỏ ra dễ dãi với cái tên xấu xa đáng ghét ấy thế nhỉ? Chán như con gián… Gần bảy giờ, tôi, mẹ, dì Sáu và Chan Chan ra đầu đường ăn hủ tiếu. Hủ tiếu dưới quê dai hơn thành phố nên rất ngon. Mặt lạ hoắc cùng tướng cao cao, da trắng khiến Chan Chan trở nên nổi bật giữa một nhóm người đang ăn sáng trong quán. Vì thế cậu ta bị nhìn chằm chằm. Nhìn kiểu này là biết ngay tên đó dân thành phố. Dạng công tử chính thống còn gì. Chan Chan, như tôi nói có cái mã bảnh bao nhưng hễ đụng đến ăn uống thì chả thua gì ăn mày. Tôi chẳng biết nói gì trước cái cảnh cậu ta ăn lia lịa hệt bị bỏ đói mấy tháng liền và kiểu hút nước lèo rột rột.
“Ăn từ từ thôi kẻo mắc nghẹn.” – Dì Sáu nhắc.
“Dạ.” – Gật đầu xong Chan Chan nhìn sang tôi – “Cho đằng ấy cục giò heo bự thiệt bự nè.”
Nếu với tâm trạng bức bối hôm qua thì tôi nghi là mình sẽ thẳng tay hất cục giò đó trở lại tô hủ tiếu của Chan Chan rồi. Thế nhưng giờ tôi lại không vậy và thiết nghĩ cũng chẳng cần làm hành động đầy bạo lực ấy chi. Nhìn Chan Chan hồi lâu rồi tôi liền nói một câu mà bản thân mình thấy thật khó tin: “Cám ơn.” Chỉ hai từ ngắn gọn thôi nhưng tôi thấy ngạc nhiên rồi đấy. Tất nhiên, đối diện ba người nọ cũng kinh ngạc không kém. Đặc biệt là tên Chan Chan. Cậu ta cứ hướng đôi mắt mở to vào tôi kiểu như vừa chứng kiến một sự việc cực kỳ lạ đời. Chắc là bất ngờ lắm trước việc thay đổi thái độ đột ngột từ tôi. Chan Chan lập tức cười tươi rói: “Đằng ấy đừng khách sáo.”
Im lặng, tôi tiếp tục ăn hủ tiếu và tự dưng thấy lòng chợt nhẹ nhàng bình yên hơn. Kỳ lạ thật. Ăn sáng xong tôi về nhà một mình. Mẹ, dì Sáu và Chan Chan cùng ra chợ. Vì tên cool boy muốn tham quan thêm ở vùng quê yên tĩnh này nên hai người phụ nữ trung niên tình nguyện làm “hướng dẫn viên du lịch” cho cậu ta. Tôi không dư hơi như vậy nên về nhà cho khoẻ thân. Vừa bước vào sân nhà là tôi lập tức dừng lại do quá đỗi kinh ngạc. Đứng trước mặt tôi ngay lúc này là cô chị Trân Châu. Chị ta cũng thấy tôi đứng đó với vẻ mặt đầy bất ngờ.
“Chào em Min Min, hơn nửa tháng rồi mới gặp.”
Câu chào hỏi lịch sự từ cô chị Trân Châu khiến tôi mau chóng lấy lại ý thức và hỏi: “Sao chị biết mà đến đây hả? Đừng bảo là Chan Chan...”.
“Không.” – Chị ta cắt ngang– “Là chị Hồng Anh nói. Chị đi xe đêm về đây.”
“Chị đến đây làm gì? Tôi với chị không còn gì để nói cả. Chị về đi!”
Tôi đến ngay cổng rào đồng thời mở cửa ra như muốn đuổi cô chị Trân Châu ấy rời khỏi đây ngay. Gì chứ? Tôi không muốn thấy cái bộ mặt xinh đẹp nhưng giả dối của người này đâu.
“Chị lấy làm tiếc về đứa bé.”
Cô chị Trân Châu vẫn đứng yên tại chỗ và cất giọng thông cảm khi đề cập đến chuyện đứa con trong bụng tôi đã mất. Nó khiến cơn giận dữ trong tôi bắt đầu bộc phát.
“Im đi! Đừng nói những lời đáng khinh vậy nữa. Không phải kết quả này là điều chị và Chan Chan muốn sao? Giờ chị đến đây làm mèo khóc chuột à?”
Tôi tức giận nói liên hồi mà không kiềm chế được. Còn chị ta, gương mặt vẫn bình thản đến tráo trở. Tôi cực kỳ ghét cái dáng vẻ thản nhiên hời hợt đó dã man. Thật chẳng chịu nổi mà.
“Xem ra, em giận Chan Chan lắm.”
“Tôi bảo chị về ngay! Đừng để tôi phải có hành động khiếm nhã với chị!”
“Chị không ngờ việc làm ích kỷ đó của mình lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế.”
Bây giờ ngoài tức giận ra mặt tôi còn toát lên vẻ khó hiểu. Tôi nhìn người con gái đang đứng kia chằm chằm. Hẳn chị ta cũng hiểu ý nghĩa của ánh nhìn đó từ tôi nên chậm rãi tiếp:
“Em thấy Chan Chan ôm chị và nghĩ rằng cậu ấy lừa dối mình?”
Tôi nhận ra mình khá là kiên nhẫn khi lên tiếng hỏi:
“Thì sao? Đừng có dong dài tào lao nữa.”
“Sự thật đôi khi không phải như mắt chúng ta thấy.”
Tôi ngạc nhiên vì cô chị Trân Châu tự dưng nhoẻn miệng cười thật kỳ quặc. Nhưng rõ ràng đấy không hẳn là sự khinh bỉ xem thường hay thủ đoạn gì mà đơn giản như một lời thú nhận.
“Lúc Chan Chan nói rằng từ giờ cả hai nên ít gặp nhau vì cậu ấy đã biết tình cảm thật sự dành cho ai thì chị nhận ra bản thân đã gần như mất tất cả. Để rồi khi vô tình thấy em bước vào quán là chị liền nghĩ ra một việc. Cho đến bây giờ chị vẫn không rõ cảm giác hay mong muốn lúc ấy của mình là gì. Dường như là để níu kéo người con trai đã luôn bên cạnh... Chị đã yêu cầu Chan Chan một cái ôm sau cùng. Và cậu ấy đồng ý. Tiếp theo khi em sắp đến gần, chị đứng dậy nói Chan Chan hãy ôm mình ngay.”
Mắt tôi mở to và miệng thốt ra câu hỏi mà chẳng kịp suy nghĩ: “Cái gì?”.
“Chị nghĩ rồi em và Chan Chan sẽ lại làm lành, quay về với nhau. Chị không lường trước được việc em bị sẩy thai... Chị không lường trước mọi chuyện trở nên nghiêm trọng. Chỉ là lúc ấy chị muốn có thể thắng em một lần.”
Tôi vẫn giữ nguyên tư thế không đổi: đứng bất động, mắt mở to sững sờ, gương mặt thất thần và cơ thể buông xuôi. Tôi vừa nghe những gì vậy? Điều cô chị Trân Châu nói là sự thật??? Một sự sắp xếp hoàn chỉnh... Tôi siết chặt tay, cảm nhận rõ sự cuồng nộ đang dậy sóng:
“Tại sao? Tại sao???”
Tôi nghĩ chắc cô chị đó hả hê lắm khi thấy dáng vẻ kích động của đối phương ngay lúc này.
“Con người đều ích kỷ lẫn mang cảm giác nuối tiếc.” – Cô chị Trân Châu cứ thản nhiên – “Bốn năm trước chị biết Chan Chan thích mình nhưng không thể đón nhận vì đã thích người khác. Chị và anh ấy cùng sang Anh du học với ý nghĩ sẽ đến với nhau trong tương lai. Đáng tiếc thay, những gì chúng ta hy vọng thì ông trời không bao giờ toại nguyện. Chưa đầy hai năm, anh ấy có tình yêu mới nhưng chị vẫn lừa dối bản thân, cố níu kéo mối tình vô vọng đó thêm hai năm. Đến khi không còn chịu đựng được nữa thì chị đành về nước. Gặp lại Chan Chan và biết cậu ấy đã có em thì chị không thích vậy. Đó có lẽ là sự ích kỷ và vì chị rất cần một chỗ dựa nên đã kéo Chan Chan trở về.”
Chưa bao giờ tôi giận điên cuồng như vậy. Đến mức tôi muốn đập nát mọi thứ kể cả người con gái có tâm hồn tồi tệ đó. Ích kỷ? Tôi cũng từng có cảm giác ấy đối với cô chị Trân Châu. Tôi từng muốn hơn chị ta, muốn giữ Chan Chan cho riêng mình. Thế nhưng, tôi đã không làm gì cả. Tôi vẫn để mọi chuyện diễn ra theo đúng cái cách của nó. Ấy vậy sao có kẻ chỉ vì sự ích kỷ mà nhẫn tâm làm tổn thương người khác chứ? Sao lại có thể sống như thế?...
“Lý do chị kể tôi nghe sự thật là gì?” – Tôi nghe hơi thở của mình rất lạnh.
“Vì day dứt.”
“Day dứt ư?”
“Chị biết bản thân sai. Cái chết của đứa bé là lỗi lầm lớn. Chị quyết định rời xa Chan Chan, không gặp cậu ấy nữa và quay về Anh. Chị muốn trước khi rời khỏi đây có thể chuộc lại một phần lỗi lầm. Chỉ khi nào em và Chan Chan quay về bên nhau thì chị mới nhẹ nhàng từ bỏ mọi thứ.”
Tôi nhìn. Cô chị Trân Châu cũng nhìn tôi với gương mặt buồn bã lẫn hối lỗi. Những lời chị ta nói nghe chân thành đó, thật tâm đó nhưng sự thật là... Tôi chậm rãi tiến lại gần để rồi khi đã dừng lại thì không hề do dự, tôi đưa tay tát vào mặt cô chị ấy lần thứ hai. Đây sẽ là cú đánh mạnh nhất. Đau nhất. Tàn nhẫn nhất và cũng là cuối cùng tôi dành cho chị ta. Giống kỳ trước, cô chị Trân Châu rờ má nơi chỗ bị đánh và từ từ quay qua đối diện với tôi. Gương mặt không toát lên vẻ ấm ức, nhẫn nhịn mà là sự chấp nhận lẫn thanh thản.
“Rốt cuộc, chị vẫn chỉ nghĩ cho bản thân mình mà thôi. Xin lỗi để có thể nhẹ lòng ra đi? Nguyễn Trân Châu!” – Lần đầu tiên tôi gọi thẳng tên chị ta – “Mãi mãi chị sẽ không bao giờ chuộc lại lỗi lầm đã gây ra cho tôi. Chỉ khi nào chị mang đứa bé trở về.”
Cô chị Trân Châu hạ tay xuống, mắt không chớp và im lặng. Cố kiềm những cảm xúc kinh khủng đang bủa vây, tôi lạnh lùng nói rõ:
“Đi đi! Đừng để tôi thấy mặt chị thêm lần nữa!”
Dứt lời tôi quay lưng. Tiếp, tôi không còn nghe âm thanh nào bên tai kể cả tiếng thở của đối phương. Nhưng rất nhanh, cô chị Trân Châu lại cất giọng trước khi rời khỏi sân nhà:
“Nếu em giận Chan Chan vì một kẻ không ra gì thì không phải đáng tiếc lắm à? Tạm biệt.”
Có tiếng xê dịch cổng hàng rào dây leo. Rồi tiếng bước chân từ từ nhỏ dần. Tôi ngồi phịch xuống đất. Lòng vô cùng khó chịu, ngực cứ tưng tức nhưng không tài nào khóc được. Đau đớn lắm, tôi gục mặt vào hai lòng bàn tay và lắng nghe âm thanh thổn thức trong tim mình.
... Đang ngồi trong buồng hướng mắt nhìn ra ngoài song cửa sổ thì tôi nghe Chan Chan ở bên kia tấm rèm vải gọi khẽ:
“Min Min, đằng ấy không sao chứ? Cứ ở trong đó suốt vậy?”
Tôi muốn đáp lại một câu nhưng chẳng hiểu sao miệng cứ dính chặt, không thể mở ra dù rất ít.
“Hay đằng ấy bệnh? Nếu không khoẻ ở đâu thì phải nói nhé.”
Biết Chan Chan đang sốt ruột ở bên ngoài nên tôi cố gắng hé môi lên một chút rồi nói nhỏ: “Không sao. Tớ muốn yên tĩnh.”
Tiếp theo là khoảng lặng. Tôi vẫn thấy bóng Chan Chan in trên tấm rèm vải.
“Ừm, vậy cứ nghỉ cho khoẻ. Đằng này để cơm trưa cho đằng ấy trên kệ bếp.”
Khi Chan Chan rời khỏi thì tôi nhẹ nhàng nằm xuống giường, nhắm mắt. Tôi cần chút yên tĩnh, chút thời gian để suy nghĩ về tất cả những chuyện đã xảy ra. Vậy thôi.
Hình như tôi đã ngủ quên thì phải bởi tôi chợt cựa mình tỉnh giấc. Không rõ đã mấy giờ. Nhổm người dậy, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Gió thổi mấy cành cây nghe xào xạt, trời vẫn nắng nhưng đã dịu bớt. Trông kiểu này giống như đã xế chiều rồi thì phải. Chợt nhớ ra mình vẫn chưa ăn trưa, thảo nào bụng kêu réo ầm ĩ. Mau chóng bước xuống giường, tôi rời buồng.
Âm thanh nói chuyện ồn ào dưới bếp khiến tôi nghĩ nhà có khách. Đi vòng qua dãy hành lang bên hông nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy chiếc xe bảy chỗ Toyota quen thuộc đậu trong sân. Lẽ nào ai đó trong gia đình Chan Chan xuống đây à? Bước nhanh xuống gian nhà bếp, đập vào mắt tôi là chị Hoà Trâm đang nói chuyện vui vẻ với mẹ cùng dì Sáu. Bên cạnh còn có Chan Chan và cậu ta reo lên bởi trông thấy tôi đầu tiên:
“Min Min! Đằng ấy dậy rồi hả?”
Tôi gật đầu đồng thời đi lại chỗ mọi người. Tức thì, chị Hoà Trâm đứng dậy mỉm cười và mở rộng vòng tay ôm tôi vào lòng. Tôi cảm nhận được cái siết mạnh của chị. Mạnh nhưng ân cần.
“Lâu rồi mới gặp em. Vẫn khoẻ chứ?” – Chị Hoà Trâm nhìn xuống tôi, hỏi.
Tôi lại gật đầu. Thấy vậy chị cười tươi hơn rồi lắc lắc vai tôi bảo nhanh:
“Chị cũng thấy em khoẻ hơn lúc trong bệnh viện. Coi bộ về đây sống thoải mái nhiều nhỉ.”
“Quê mà, không khí trong lành lại yên tĩnh.” – Mẹ tôi nói.
Chị Hoà Trâm cười, đáp vâng. Bên cạnh, hình như vẫn còn nhớ nên Chan Chan liền lên tiếng:
“Min Min, đằng ấy chưa ăn trưa phải không? Chắc đói lắm rồi hả?”
“Con ngủ gì mà bỏ ăn trưa luôn. Ngồi đi để dì lấy cơm.” – Dì Sáu đứng dậy.
“Dạ khoan. Con có chuyện muốn nói với chị Hoà Trâm rồi mới ăn.”
“Có gì sao?”
“Vâng, chị với em ra ngoài bờ đê nói chuyện chút được không ạ.”
Tuy khó hiểu nhưng chị Hoà Trâm đồng ý. Chào mọi người xong, tôi và chị Hoà Trâm tản bộ ra ngoài bờ đê. Nắng vẫn trải mình lên từng nhánh cây ngọn cỏ. Những bụi cỏ lau cao qua gối người dần dần mở ra khi có bước chân ai đến gần. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp mấy con bò đang thong thả đi ngược trở xuống. Trông khung cảnh vùng quê buổi chiều thật thanh bình. Khi đã đi khá xa thì tôi ngừng lại, vẫn đứng trên bờ đê, nhắm mắt đón gió.
“Chà, ở đây đúng là thoải mái thật. Khác xa thành phố nhộn nhịp.” – Chị Hoà Trâm hít thở.
Thoáng lưỡng lự chốc lát, tôi quay qua nhìn chị hỏi:
“Chị về đây là để đón em phải không?”
“Chứ em nghĩ chị còn có chuyện khác à? Vì lo cho em với lại gia đình bắt chị phải đưa em về nên chị đã chạy xe một quãng đường dài xuống đây.”
“Em biết mọi người lo lắng cho mình.”
“Nếu thế thì sao em không chịu về? Chị hiểu, cái chết của đứa bé là một mất mát lớn đối với em. Tất cả cũng rất buồn. Mấy ngày nay, bạn em Thuý Nga rồi Thu Cúc, cô Bích đều gọi điện hỏi thăm vì gọi cho em mà không được.”
“Em xin lỗi. Thật ra một phần cũng là vì vấn đề giữa em với Chan Chan.”
“Chan Chan làm gì khiến em không vui hả? Nếu đúng vậy thì em cứ nói, chị sẽ làm chủ cho.”
Tôi liền cắt ngang lời chị Hoà Trâm và bước chậm chậm lại gần:
“Điều đó không quan trọng nữa ạ vì em đã hiểu rõ mọi chuyện rồi. Nhưng, trước khi quyết định có quay lại với Chan Chan hay không thì em muốn thỉnh cầu chị một việc.”
Trông sự nghiêm túc trên mặt tôi thì chị Hoà Trâm hơi ngạc nhiên. Rất nhanh, chị gật đầu như muốn nói đồng ý. Chỉ chờ có vậy là tôi mau chóng nói tiếp điều cần nói:
“Em đã nghe Chan Chan kể về việc chị mang thai lúc mười ba tuổi. Kể cả việc chị bị cha mẹ đưa đến bệnh viện phá thai. Em đều biết tất cả và từ sớm.”
Kinh ngạc trong vài giây rồi chị Hoà Trâm cắn môi đồng thời đập tay lên trán, mắng: “Cái thằng Chan Chan này, lát về chị sẽ cho nó biết tay.”
“Chị đừng trách Chan Chan, vì lúc đó em muốn phá thai nên cậu ấy mới kể em nghe về chị.”
“Hả? Em từng muốn phá thai? Khi nào?” – Chị Hoà Trâm sửng sốt.
“Hơn một tháng trước.”
“Trời đất! Thế mà chị và mọi người chẳng biết gì hết. Thằng Chan Chan cũng không nói.”
Tôi cười cười và thở ra bảo: “Dù gì chuyện cũng đã qua rồi.”
Chị Hoà Trâm tặc lưỡi: “Ừm. Mà, em muốn nói gì với chị về chuyện đó?”
Tôi vừa nói vừa hồi tưởng lại cái cảnh lần đầu tiên mình đến nhà Chan Chan:
“Lần đầu gặp mặt, em thấy chị là một người con gái đáng ngưỡng mộ. Xinh đẹp, thông minh, giỏi giang, tự lập và luôn biết cách xoay sở trước mọi tình huống xấu nhất. Nhưng khi ấy em lấy làm khó hiểu vì sao người có đủ điều kiện tốt như chị lại chưa có bạn trai. Vài lần mẹ bảo chị đi coi mắt nhưng chị liên tục kiếm cớ từ chối. Để rồi khi biết ra quá khứ không vui kia thì em đã hiểu... Thảo nào, chị phản đối kịch liệt khi cha em muốn em phá bỏ đứa bé. Cũng như chuyện chị phản ứng mạnh với việc của Thu Cúc. Đó quả thật là một điều rất đáng tiếc.”
Tôi vừa dứt lời thì chị Hoà Trâm bỗng chốc thở dài, nghe buồn và nặng lòng. Khẽ khàng, chị nhìn về phía chân trời, nơi ánh sáng không ngừng chói chang và có những cánh chim nhỏ.
“Cái quá khứ đau buồn đó là nỗi ân hận đối với chị. Vì một phút lầm lỡ mà chị đã hại chết hạnh phúc của chính mình ở lứa tuổi thơ ngây. Chị mang thai khi còn quá nhỏ nên cha mẹ không chấp nhận. Chị vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc giật mình tỉnh dậy và thấy mình ở trong phòng nạo thai. Cảm giác sự lạnh tanh của kim loại đụng vào da thịt. Chị không biết vì sao lại đau kinh khủng. Chị chỉ biết khóc, kêu cứu và van xin. Nhưng vào giây phút đứa bé không còn trong bụng nữa thì chị hiểu tất cả đã quá trễ. Nhớ trước đó chị vẫn còn cảm nhận sự sống nhỏ bé vậy mà giờ nó hoàn toàn biến mất. Mãi mãi cho đến hết đời, chị không quên.”
“Chị giận cha mẹ lắm phải không?”
“Có thể nói là vậy. Chị biết rõ cha mẹ không thích đứa bé và càng không muốn chị sinh con khi mới mười ba. Nhiều lần họ bảo chị hãy phá thai nhưng chị kiên quyết không chịu. Đến nỗi, chị từng nói: Hãy cho con sinh nó ra rồi cha mẹ cho người khác nhận nuôi cũng được. Đơn giản khi ấy chị nghĩ chẳng ai có quyền giết đi một sinh linh đang sống. Mang thai gần năm tháng, chị cảm nhận đứa bé lớn lên từng ngày... Nhưng rồi cha mẹ vẫn lén đưa chị đến bệnh viện. Sau này nghĩ lại, chị vẫn mong mình có thể tha thứ. Tuy chuyện qua đã lâu và giờ đây tất cả trở về như cũ nhưng chị vẫn khó chịu, day dứt vì có lỗi với con.”
Nhận ra chị Hoà Trâm đang xúc động nên tôi liền bước đến gần, nhẹ nhàng nắm lấy tay chị.
“Không sao, chị vẫn ổn.” – Chị Hoà Trâm lau vội nước mắt sắp rơi.
“Khi đứa bé mất, em luôn trách mình vì không cố gắng giữ nó. Nếu em đừng đột ngột lao ra đường thì đã không xảy ra chuyện đáng tiếc. Nhưng giờ em nghĩ lại, việc đứa bé không ra đời biết đâu cũng là điều tốt. Em vẫn chưa đủ chính chắn để làm mẹ... nên sẽ bất công với nó. Cứ xem như đứa trẻ đến để giúp em sống tốt hơn, biết suy nghĩ hơn. Năm mười bảy này, em đã vấp ngã nhưng sau đó em sẽ tự biết cách đứng dậy. Và trưởng thành.”
“Min Min.”
“Có thể cha mẹ nghĩ như em nên vì tương lai của chị cũng như không muốn làm khổ đứa bé khi sinh ra mà mẹ nó còn quá nhỏ nên mới kiên quyết bảo chị phá bỏ. Chắc chắn họ cũng rất khổ tâm và đau lòng khi đi đến quyết định này. Đấy không phải lỗi của cha mẹ. Càng không phải lỗi ở chị. Kẻ đáng trách chính là anh chàng làm chị mang thai rồi phủi bỏ trách nhiệm. Chị à, đau khổ suốt mười bảy năm là quá đủ. Em nghĩ, đứa bé đã rất hạnh phúc.”
“Hạnh phúc? Về điều gì?”
“Đứa bé hạnh phúc vì có một người mẹ như chị. Vì vậy, chị hãy tha thứ cho cha mẹ cũng như tha thứ cho chính mình, được không?” – Tôi mỉm cười.
Lần đầu tiên, tôi thấy cô chị luôn nghiêm túc ấy lại mang gương mặt ngây ngô hệt trẻ con. Cái nhìn tròn xoe vừa kinh ngạc vừa như nhận ra được một điều nào đó rất quan trọng. Tiếp, hai giọt nước long lanh nhẹ nhàng chảy dài xuống gò má. Chị khóc. Nghe thật lớn. Vang vọng khắp không gian tĩnh lặng của bờ đê buổi chiều. Dù vậy, tôi cảm nhận rõ trong đó là sự nhẹ nhõm của một tâm hồn từ giờ sẽ trút hết mọi gánh nặng để đón nhận tha thứ...
Tôi vẫn đứng trên bờ đê. Mắt nhìn đăm đăm những đám mây to đủ hình dạng. Chưa khi nào tôi thấy bản thân nhỏ bé như lúc này. Sau khi khóc một trận thoải mái xong, chị Hoà Trâm trở về nhà dì Sáu. Tôi bảo chị gọi Chan Chan ra đây. Tôi muốn nói chuyện rõ ràng với cậu ta lần này. Thiết nghĩ, có lẽ đã đến lúc tôi nên tha thứ. Cho một người và cho chính mình. Mãi suy nghĩ mà tôi chẳng hay biết Chan Chan xuất hiện tự lúc nào. Đến khi cậu ta chỉ còn cách vài bước thì bấy giờ tôi mới nghe tiếng bước chân và quay qua.
“Đằng ấy gọi đằng này ra có gì không?” – Tên cool boy hỏi khi đã ngừng lại.
Hít sâu một hơi dài xong tôi nhìn trực diện Chan Chan rồi chậm rãi hỏi:
“Nếu bây giờ tớ cho cậu một cơ hội thì cậu sẽ nói gì?”
Tôi thấy Chan Chan lặng im dường như đang suy nghĩ. Tôi không biết cậu ta sẽ nói gì. Là lời xin lỗi hay sự bày tỏ kiểu như “Tớ thích cậu” giống người khác vẫn hay làm thế. Tôi chợt hồi hộp khi thấy đôi môi Chan Chan từ từ chuyển động như chuẩn bị cho một lời nói.
“Cùng về nhà nhé vợ.”
Tôi bất động nhìn Chan Chan. Tên đáng ghét ấy lại cười, hai lúm đồng tiền khoen sâu. Rất nhanh, tôi cảm nhận mặt mình có dòng nước ấm nóng. Tôi khóc vì đó không phải là lời xin lỗi nhạt nhẽo, không phải là lời bày tỏ sáo rỗng. Chỉ là một câu nói hết sức giản đơn nhưng chứa trong đấy tất cả niềm tin yêu, quan tâm lẫn bao dung. Cuộc sống chỉ cẩn những điều giản dị thôi đã là hạnh phúc. Thấy tôi nấc lên liên hồi thì Chan Chan bước lại gần và ôm lấy tôi. Để rồi tôi nhận ra cuối cùng mình đã trở về bên cạnh người con trai ấy.
Nhật Ký Mang Thai Khi 17 - chương cuối
Ngày 01 tháng 05. Quá khứ. Hiện tại. Tương lai. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn
Sau khi mọi vấn đề được giải quyết thì tôi quyết định trở lên thành phố. Sáng hôm nay tôi dậy thật sớm thu dọn hành lý. Đang sắp xếp quần áo vào trong valy thì chợt tôi thấy tấm hình siêu âm đứa bé cách đây hai tuần. Giờ đây nhìn lại kỷ vật quý giá đó tôi không còn cảm giác nặng nề đau đớn nữa mà thật sự nhẹ lòng. Dù sao thì có thể nghĩ mình đã từng sắp làm mẹ, từng muốn phá thai nhưng rồi từng đi siêu âm và từng mang tâm trạng nôn nao chờ đợi. Tất cả những điều đó tôi sẽ luôn gìn giữ, không quên. Đúng lúc giọng mẹ từ ngoài sân gọi vọng vào. Thế là tôi cất nhanh tấm hình siêu âm vào túi áo rồi cầm valy lên, chạy ra… Dì Sáu ôm tôi, dặn dò đủ thứ nào là giữ gìn sức khoẻ với thỉnh thoảng nhớ về thăm dì. Dì cũng không quên nhắc đưa cả Chan Chan theo. Dì tôi “mê” tên cool boy mắc dịch này rồi. Nản. Chào hỏi xong thì chị Hoà Trâm bảo tôi, Chan Chan và mẹ lên xe. Nhưng khi sắp vào trong xe thì tự dưng tôi nghĩ gì đó rồi lập tức chạy vụt ra phía sau nhà. Đưa mắt nhìn không gian vắng lặng xung quanh. Không có gì khác ngoài gió, cây cối cùng nắng đang vờn nhau. Mau chóng lấy trong túi áo ra tấm hình siêu âm rồi tôi cúi xuống lấy xẻng xúc nắm đất lên. Nhẹ nhàng đặt bức hình vào cái hố nhỏ, tôi nhìn nó lần cuối. Sau cùng, tôi lấp đất lại. Đứng dậy. Mỉm cười.
Vĩnh biệt baby.
Tôi mãi mãi nhớ cảm giác hạnh phúc khi từng có đứa bé này. Từ giờ cho đến hết cuộc đời.
Từng vấp ngã và tự đứng lên, tôi sẽ thay đổi. Tiếp tục đi về phía trước với một tương lai mới.
Nghe tiếng gọi của mọi người, tôi quay lưng chạy thật nhanh trở lại. Vừa thấy tôi là Chan Chan tò mò hỏi: “Đằng ấy làm gì thế? Bộ quên gì hả?”
“Ừm, là chôn cất quá khứ.”
Tôi cười láu lỉnh trả lời một câu đầy đánh đố rồi leo tót lên xe. Còn tên Chan Chan thì cau mày khó hiểu nhưng cũng lên theo. Mấy phút sau, chiếc xe Toyota rời khỏi sân nhà dì Sáu.
... Một. hai giờ trưa chúng tôi mới về đến Sài Gòn. Chị Hoà Trâm lái xe qua nhà tôi trước. Hình như mẹ gọi điện báo trước hay sao mà cha với hai thằng em tôi đã đứng trước cổng nhà chờ. Cửa vừa mở là tôi phóng như bay xuống, ôm chầm lấy cha. Ông cũng giữ chặt tôi trong tay.
“Thế nào rồi con gái? Thấy tốt hơn chưa?” – Cha ân cần hỏi.
“Dạ, mọi thứ đã ổn.” – Tôi trả lời rõ to.
“Tốt! Vậy là tốt!” – Cha có vẻ xúc động khi siết mạnh đôi vai tôi.
Kế bên, thằng Hoàng với thằng Vinh chen vào: “Mừng chị Min Min trở về.”
Tôi vò đầu hai đứa em rồi cùng mọi người đi vào trong nhà. Chị Hoà Trâm và Chan Chan cũng cùng vào vì chúng tôi dự định ở đây đến chiều tối.
... Tối, khi chiếc xe hơi chạy vào sân là từ trong nhà cha mẹ chồng, anh Dũng Văn, chị Hồng Anh đã lật đật bước ra. Trông thế tôi có cảm giác mình đã trở thành một nhân vật “cấp cao” nào đấy được nghênh đón nhiệt liệt. Mới xuống xe còn đứng chưa vững là tôi bị chị Hồng Anh “tấn công” bằng những cái ôm vội vã. Chị không ngừng kêu lên mừng rỡ:
“Ôi Min Min! Tạ ơn trời phật, cuối cùng em cũng chịu về nhà rồi.”
“D... dạ.” – Tôi nói không rõ vì đang ngộp thở trong bờ ngực người chị dâu.
Lát sau, chị Hồng Anh cũng chịu buông tha cho tôi. Có lại không khí, tôi thở gấp gáp như sắp chết. Cùng lúc, anh Dũng Văn đứng bên cạnh chống hông:
“Cuốn gói về quê mà chẳng nói chẳng rằng gì hết, làm ai ai cũng lo lắng. Đến nỗi, Chan Chan rồi chị Hoà Trâm phải về tận dưới đón lên mới chịu. Phiền quá cô nương.”
Tức thì cha chồng tôi đập một phát lên đầu anh Dũng Văn, nói đầy hậm hực:
“Thằng mất dạy, em nó mới về mà mày chẳng nói câu gì cho ra hồn. Min Min về là tốt rồi.”
Cha chồng nhìn qua tôi, khuyến mãi nụ cười “khó đỡ”. Tiếp, mẹ chồng đưa tay vuốt tóc tôi: “Về quê nghỉ ngơi một thời gian cũng hay. Giờ thì mọi chuyện đã ổn, rồi sẽ qua hết thôi.”
Tôi nhìn mọi người mỉm cười gật đầu. Qua những đôi mắt thương yêu quan tâm đó thì tôi thật sự hiểu: mình đã trở thành một phần không thể thiếu của gia đình chồng. Chắc chắn là vậy.
...
Trước khi kết thúc cuốn nhật ký đặc biệt này tôi sẽ nói sơ qua tình hình cuộc sống của bản thân tiếp theo đó. Ừm thì cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn như bình thường. Bên gia đình tôi thì không có thay đổi gì nhiều ngoại trừ việc thằng Hoàng, thằng Vinh đang tranh nhau làm boyfriend của Thu Cúc. Tôi không bất ngờ chuyện này lắm bởi vốn hiểu hai tên trời đánh đó mê gái. Chỉ là tôi thấy tội cho Thu Cúc thôi. Con bé hồn nhiên đâu biết những bí mật rùng rợn của chúng. Nhưng mà tôi cũng không muốn phá đám hai thằng em trai. Cứ để như thế vậy.
Còn về gia đình bên chồng tôi, chị Hoà Trâm đã chịu để quá khứ đau buồn kia ngủ yên. Mối quan hệ giữa chị và cha mẹ chồng tôi cũng tốt hơn xưa. Cứ vào cuối tuần rảnh thì chị thường đến cô nhi viện hoặc các trung tâm y tế làm từ thiện. Việc này khiến chị sống thanh thản. Về phía vợ chồng anh Dũng Văn, chị Hồng Anh thì cả hai dự định xin con nuôi. Hai người vẫn phân vân chẳng biết nên chọn con trai hay gái. Cuối cùng, họ quyết định nuôi hai đứa.
Tiếp theo là những người khác. Chị Trang hàng xóm vẫn nuôi bé Khoai, còn chồng chị anh Thông thì vẫn thế, hết thuốc chữa rồi. Tôi với bà dì Mập thỉnh thoảng chạm mặt nhau và cứ “chơi qua chơi lại” giống lúc trước. Còn Thu Cúc, con bé được tiếp tục đi học. Sau vụ phá thai suýt hại chết con thì ông cha tàn bạo kia đã bớt tánh vũ lực. Thật là may. Tiếp theo là chị Hiền Lan. Chị ấy cũng có cuộc sống bình yên. Vừa mang thai vừa học tuy cực nhọc nhưng chị nói với tôi nhất định cố gắng đến cùng. À, con bạn thân khùng điên Thuý Nga của tôi thì khỏi đề cập làm chi bởi đời nó vẫn vậy. Cuối cùng, tôi suýt quên một người: Chí Hùng. Từ lúc mất tích đến nay chúng tôi chẳng có tin gì về cậu ta. Gia đình và công an vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm nhưng có vẻ kết quả không được tốt. Hy vọng, cậu ta đừng gặp chuyện gì bất trắc.
Tóm lại, cuộc sống của mọi người là thế. Còn về phía tôi. Cha mẹ đã vào trường trình bày rõ mọi chuyện cho thầy hiệu trưởng nghe và sau khi suy nghĩ đắn đo tới lui thầy cũng đồng ý để tôi đi học trở lại. Tôi vẫn tiếp tục đến trường học đến giữa tháng năm thì thi cuối học kỳ II cùng tất cả các bạn khác. Dù việc lan truyền tin tôi mang thai chưa hoàn toàn chấm dứt hẳn nhưng cũng đã tạm lắng sau hơn ba tuần trôi qua. Giờ thì mỗi buổi sáng vẫn là...
Tôi đang đứng chờ ngoài cổng. Mấy giây sau, tên Chan Chan dắt chiếc martin đi ra.
“Xin lỗi, đằng này kẹt đi vệ sinh. Đằng ấy lên xe đi.”
Bực mình vì tính lâu lắc của tên cool boy, tôi nhanh chóng leo lên xe. Khi thấy tôi đã ngồi yên thì Chan Chan ngoái đầu ra sau cười:
“Chuẩn bị chưa, đến trường nha.”
Tặc lưỡi vài cái rồi tôi giơ tay lên và bảo lớn: “Đi lẹ lẹ!”.
Rất nhanh, chiếc xe đạp chở tôi và Chan Chan chạy đi trên con đường đầy nắng sớm.
Kết thúc nhật ký.
(22/04 – 18/06/2013, Sài Gòn)
Cuối cùng cũng kết thúc Nhật ký mang thai khi 17, câu chuyện tình cảm hài hước, dễ thương nhưng không kém phần sóng gió của đôi bạn Min Min - Chan Chan. Anh Thơ biết có lẽ vài bạn không thích cái kết này cho lắm nhưng với Anh Thơ đây là kết thúc có hậu và tốt đẹp nhất rồi ^^. Cái gì đã mất họ sẽ cùng nhau làm lại, chỉ cần còn yêu thương nhau và được ở bên nhau thì họ vẫn còn cơ hội để bắt đầu lại mọi thứ. Mong rằng tác phẩm này sẽ đem đến cho độc giả chút ý nghĩa nào đó trong cuộc sống.
Sắp tới Anh Thơ dự định sẽ ra một tác phẩm hài hước, dễ thương như thế này nữa về đôi bạn cùng lớn lên thuở ấu thơ (đã nghĩ ra nội dung và cả cái tựa), mong các độc giả sẽ ủng hộ.
Love all.
Doc truyen online mien phi moi nhat hay nhat - KenhTruyen.Hexat.Com