Truyện teen - Định mệnh là những chiếc giày trang 8
Chương 23: MỘT NỬA TRÁI TIM.
Tôi đã không dành giải nhất của cuộc thi, mà là Hoàng Duy. Từ lúc tôi hoàn thành phần thi của mình cậu ta chỉ toàn nhìn tôi bằng ánh mắt thất vọng. Lúc ban giám khảo gọi tới tên cậu ta lên nhận giải tôi thoáng nghe một tiếng thì thầm.
“Cậu đã không làm hết khả năng của mình.”
Có thể cậu ta nói đúng. Tôi ôm chiếc kỉ niệm chương cùng với cái bằng khen giải nhì của mình bước đi cùng với bạn bè, gia đình và cả hai vợ chồng bác Lâm nữa, đi cùng từng ấy con người mà tôi vẫn cảm thấy lạc lõng. Hóa ra cũng có lúc cuộc sống trớ trêu vậy, đi cùng nhiều người nhưng cảm giác lại chẳng khác nào đang đi một mình nhưng khi đi cùng một người thì cảm giác lại giống như bạn đã có tất cả. Vậy đấy, hóa ra cuộc sống nhiều khi cũng thật ngu ngốc.
– Thôi con gái, vui lên, giải nhì thì giải nhì có sao đâu, vẫn hơn cả chục đứa rồi. Vui lên. – Bác Lâm vỗ vỗ vai tôi động viên.
– Bác Lâm nói đúng đó. Học tài thi phận mà. – Lam cũng khoác lấy vai tôi lảm nhảm như nhà triết học.
– Thôi thôi thôi, bây giờ tất cả đi ăn nhé. Giải nhì thì vẫn là có giải, vẫn phải ăn mừng chứ. – Lão anh trai tôi đưa ra một cái đề nghị hợp lí rồi kéo tất cả mọi người đi cùng với tâm trạng hớn hở. Tôi cũng cảm thấy vui lên một chút, tôi đã có thể cười và để tống hết giải thưởng vào một góc. Có những thứ nên tạm thời quên đi, anh cũng có thể coi là một thứ như vậy. Tôi cũng không hỏi bác Lâm và bác Lân lí do tại sao anh không đến, đơn giản vì tôi sợ câu trả lời sẽ là: nó đi chơi với Bảo Khánh rồi. Tôi không dám hỏi cũng không dám nghĩ đến mặc dù nhiều khi cái miệng suýt nữa lại lỡ hỏi. Vì thế tôi chỉ toàn im lặng và nghe chuyện của mọi người, đôi lúc thì lại cười vài cái góp vui khi không thì lại tòm tọp ăn pizza. Tôi ăn từng miếng bánh và nuốt hết chúng cùng với bao nhiêu thắc mắc trong lòng mình xuống dạ dày. Dù đã ăn hết một đống pizza nhưng mớ suy nghĩ và những thắc mắc thì vẫn cứ ngổn ngang trong lòng, bây giờ tôi cảm thấy mình chẳng khác nào một con lợn. Ờ thì ăn hết một đống bánh không thành lợn hơi lạ nhưng mà việc đó có quan trọng không?
Mọi người cười nói chuyện trò thêm một lúc nữa rồi tất cả cùng đứng dậy ra về. Tôi hiện tại chẳng nghĩ gì cả cũng không nhớ gì cả chỉ nhớ là mình vừa ăn như một con lợn, ních thật đầy một bụng pizza rồi đứng dậy, chẳng còn nhớ gì nữa. Lúc về do cái chỗ pizza đó gần nhà tôi nên tất cả cùng đi bộ. Tôi đi cùng Linh Trang, nó khoác tay tôi, hai đứa đi song song nhau rồi bỗng nó huých khuỷu tay vào người tôi hỏi nhỏ.
– Thầy Quân đâu hả mày?
Tôi nhíu mày nhìn nó khó hiểu.
– Làm sao mà tao biết được, hôm nay tao còn không nhìn thấy thầy ấy.
– Tại lúc ăn tao không thấy thầy ấy đâu cả mà lúc ở chỗ nhà hát thầy ấy còn đi ra đi vào mà. Tao tưởng mày biết?
– Thế à? Tao không biết.
– Sao mày không gọi hỏi xem?
Tôi chỉ nhún vai một cái cho qua chuyện rồi cũng không trả lời.
Tôi khởi đầu một ngày với bao nhiêu hy vọng và kết thúc cái ngày hôm đó với một đống thất vọng nhưng rồi tất cả cũng chỉ là những mẩu giấy được vo tròn thành một mớ bòng bong vô nghĩa, tất cả trôi tuột cả vào trong giấc ngủ. Đêm hôm đó tôi mơ thấy mình đứng trên bục cao nhất của một cuộc thi nào đó, thi gì đó, trong tay là chiếc cúp màu vàng và cả giấy khen, ở đó có tên tôi và chữ giải nhất và cả một tấm bảng to đùng ghi gì đó mà du học gì gì đó. Mọi người xung quanh đều vô tay tán thưởng, ai ai cũng tươi cười hớn hở. Tôi thấy mình cũng cười nhưng mà lại là một cái cười điềm đạm, không vui mà cũng chẳng buồn, hoàn toàn bình thản như thể tôi đã chấp nhận được điều gì đó. Anh Quân cũng ngồi ở phía dưới nhìn lên nơi tôi đang đứng nhưng ánh mắt trong veo ấy đượm một màu nâu buồn khó tả còn tôi thì chỉ nhìn ra phía khác. Giấc mơ kì cục đó chẳng còn đọng lại đầu tôi vào sáng hôm sau. Thức giấc, tôi cảm thấy trống rỗng, như thiêu thiếu thứ gì đó nhưng rồi thứ cảm giác đó cũng chẳng tồn tại được lâu.
Tôi đến trường, thầy cô, bạn bè cùng khối, khác khối, cùng lớp, khác lớp… ai ai cũng nhìn tôi rồi mỉm cười. Tôi cũng không lấy làm lạ khi mà cái bảng thông báo ngoài cổng trường treo một tấm ảnh tôi ôm hoa cùng với tấm bằng khen được chụp vào buổi tối hôm qua cùng với dòng chữ :”Em Trịnh Tú An đi thi piano đạt giải nhì”. Giải nhì. Tôi thấy khá mỉa mai. Không phải vì tôi thua Hoàng Duy nên tôi cảm thấy vậy, mà là do tôi đã có thể hoàn thành phần thi xuất sắc hơn thế nhưng vì lí-do-nào-đó mà tôi đã không thể làm vậy. Đắng thật. Tôi thua Hoàng Duy, vậy còn vụ cá cược giữa tôi và cậu ta thì sao? Tôi có từ bỏ piano hay không? Có bỏ câu lạc bộ không?
Tôi ngồi trong phòng truyền thống, im lặng nhìn mọi người đang hào hứng lên kế hoạch cho một buổi liên hoan ăn mừng cho cái giải hai của tôi. Dường như cái lí do để ăn mừng suy cho cùng cũng chỉ là cái lí do để mọi người tụ tập đi chơi còn tôi thì chỉ là một kẻ ngoài cuộc ké cạnh để được đi cùng. Tôi nghĩ vậy chẳng biết có đúng hay không nhưng sự thật là nãy tới giờ tôi ngồi ở một góc khuất và chẳng ai quan tâm, kể cả thằng nhóc Minh Hoàng. Tôi cũng mặc kệ chẳng nói lời nào cho đến khi mọi người đi hết tôi mới tiến lại gần cây piano đã cũ đặt ở góc phòng. Tôi nhìn quanh phòng, hình ảnh những ngày đầu tiên tôi gắn bó với căn phòng này chạy qua trong đầu tôi. Cái tủ gỉ sắt, cây đàn guitar của Duy Khang và cả thầy tổng phụ trách nữa… Tôi cảm giác ngày đó như mới chỉ hôm qua mà giờ lại xa quá.
Tôi ngồi xuống, từng nốt nhạc trong bản To Zanarkand vang lên một cách chậm rãi thê lương. Ai đó từng nói với tôi rằng đây là bản nhạc viết về một câu chuyện tình buồn, ừ công nhận, buồn thật. Buồn tới mức chẳng còn gì có thể buồn hơn được nữa. Buồn tới mức tôi đã không còn buồn vì hôm qua anh không tới. Tôi tự hỏi mình rằng nếu hôm qua mà có anh ở đó thì tôi có thể giành giải nhất không?
– Hóa ra là em à.
Cánh cửa phòng bật mở, như mọi lần, là Anh Quân. Rốt cục anh cũng chịu xuất hiện.
– Tôi nghe thấy tiếng đàn nên đoán là em, không ngờ đúng thật.
– Vâng. – Tôi bình thản.
– Nghe ổn mà. Giải nhì thôi à?
Tôi im lặng thay cho câu trả lời. Tôi đang phân vân giữa hai câu nói ở trong đầu, chọn lựa một hồi im lặng vẫn là tốt nhất.
– Vậy là em bỏ piano thật? – Giọng anh hết vẻ bông đùa ung dung, thay vào đó là một câu hỏi khiến cho bản nhạc tôi đang đánh bị ngắt đoạn.
Làm sao mà anh biết? Chuyện đó chỉ tôi, nhóc Minh Hoàng và Hoàng Duy biết. Làm sao mà anh biết được?
– Hôm qua thầy đã không đến. – Tôi nói một câu chẳng liên quan.
– Tôi đang hỏi em.
– Thầy đã nói rằng thầy sẽ đến.
– Em biết là tôi kì vọng ở em.
– Nhưng thầy lại không đến.
– Em đang làm tôi bực mình đấy.
– Vâng còn em thì thấy thất vọng ạ.
Tôi và anh, mỗi người nói một chuyện và chẳng cái gì liên quan đến cái gì. Cuộc trò chuyện ngớ ngẩn kết thúc khi anh thì nổi cáu còn tôi thì tự ái. Phải, tôi thấy tự ái vì ba lần phải chờ đợi anh còn anh thì coi như chẳng có gì xảy ra.
– Nhưng có thật là em sẽ từ bỏ piano? – Giọng Anh Quân dịu xuống.
– Em cũng không biết nhưng em cảm thấy thất vọng vì không giành được giải nhất nên có lẽ em sẽ từ bỏ.
Anh gật gật đầu định nói gì đó rồi lại thôi. Chúng tôi lặng lẽ rời khỏi phòng, từng người một. Tôi cảm giác như có gì đó vừa bị phá vỡ, như một điều tốt đẹp đang tuột khỏi tầm với của tôi. Tôi nhìn theo bóng lưng anh nhỏ dần cuối dãy hành lang, cảm giác giống như một ánh sáng vụt tắt. Giống như Duy Khang, anh cũng bỏ lại tôi một mình trước cửa phòng truyền thống nhưng anh có bỏ đi giống Duy Khang không?
Vài ngày trôi qua, cái vụ om sòm giải nhì của tôi cũng lui dần vào dĩ vãng. Kể từ khi tôi xin rút khỏi câu lạc bộ âm nhạc dường như tôi khép kín hơn. Hoặc là tôi khép mình hơn hoặc là người ta cóc thèm quan tâm đến tôi, ngay cả nhóm bạn ở lớp cũng không phải ngoại lệ. Đợt này Dương Thùy, con bạn “nối váy” từ thời quấn tã của tôi đang phải tập trung hết sức vào mấy môn thi học sinh giỏi, nó phải đi học đội tuyển hầu như các tiết trên lớp nên tôi muốn chào nó một cái cũng khó khăn. Lam thì tíu ta tíu tít với anh bạn tên Long bên lớp A3 của nó, Việt Anh thì cũng bận bịu với các trận thi đấu bóng rổ, Mai Chi thì ngồi liệt kê danh sách những thứ cần mua cho sinh nhật của nó. Thấy không, tất cả mọi người đều bận bịu, tôi chỉ muốn chào hoặc tám chuyện đầu giờ với chúng nó như mọi khi mà cũng khó. Nhạt nhẽo tới mức tôi hỏi một câu hỏi mà chẳng có đứa nào thèm trả lời tôi cả. Còn nếu có ai thắc mắc về Anh Quân thì tôi cũng xin nói luôn, tôi nghĩ chắc anh giận vì tôi rời khỏi câu lạc bộ nên anh hầu như chẳng nói một lời nào với tôi cả. Ngoài những buổi học trên lớp và học ở trung tâm ra thì tôi chẳng bao giờ thấy anh nhìn tôi dù chỉ nửa cái. Môn hóa dạo này của tôi cũng đỡ hơn một chút cộng thêm cái lí do trên nên tôi cũng không đến nhà anh nữa. Tôi nhớ căn phòng ấy, căn phòng ngập tràn mùi hương ấm áp mà chỉ ở anh mới có. Tôi nhớ mảnh sân ấy, nhớ cây đàn dương cầm ấy, nhớ cả con người cao ngạo lạnh lùng đến khó hiểu ấy. Cuộc sống của tôi bỗng nhiên thiếu mất một người, rồi tiếp theo đó là cả một đống người, cảm giác thật đáng sợ.
Hết giờ, thay vì lượn lờ trà chanh hay đi chơi tụ tập với chúng nó thì tôi lại về nhà đóng cửa nằm xó trong phòng. Mẹ biết tôi rời khỏi câu lạc bộ, biết tôi không đến tập đàn ở nhà Anh Quân nữa cũng không nói gì dù tôi biết mẹ muốn nói gì đó. Tôi còn nhớ hôm về nhà tôi chỉ nói gỏn gọn có mấy câu:” Con ra khỏi câu lạc bộ rồi mẹ ạ.” Nhìn mặt tôi không vui nên mẹ cũng không hỏi mà chỉ ừ một tiếng rồi thôi. Mẹ có trách tôi giống như Anh Quân không?
Thấy con gái mấy hôm về sớm hơn mọi ngày mẹ tôi cũng hỏi han. Tôi chui vào phòng, vừa mới đặt lưng xuống giường, nhét được cái headphone vào tai thì mẹ tôi mở cửa vào.
– Về sớm thế con.
– Vầng. – Tôi đáp lại chán nản rồi bật nhạc, tháo một bên tai nghe ra để có thể vừa nghe nhạc vừa nghe được những điều mẹ nói.
– Sao dạo này không đi chơi với mấy đứa nữa à. Mấy đứa cãi nhau à? – Mẹ tôi hỏi như thể hỏi tôi cãi nhau với người yêu không bằng (dù mẹ tôi cũng chẳng ủng hộ chuyện yêu đương khi mà còn đang đi học)
– Chúng nó bận hết cả. Đứa thì thi nọ thi kia, đứa thì có cạ rồi… Nói chung là chúng nó bận hết rồi.
– Trước mẹ thấy mày hay sang nhà bác Lâm lắm mà. Dạo này không sang nữa à?
– Không ạ. Con chẳng biết bây giờ sang đấy làm gì nữa.
– Thế không tập piano nữa à?
Tôi lắc lắc đầu. Lời hát cứ vang lên trong tai nghe xóa sạch mọi suy nghĩ của tôi.
– Lắc đầu là bỏ hay là không bỏ?
– Con không biết.
– Thế con có muốn tập nữa hay thôi?
– Con không biết mà muốn cũng chẳng được. Thầy Quân còn chả thèm nói chuyện với con.
– À thằng Quân hả, mày cứ gọi là thầy nên mẹ chẳng biết được là thằng nào. Thằng đó hôm mà con thi nó háo hức lắm, nói liên mồm.
– Hôm đấy thầy ấy có đến hả mẹ? – Tôi ngạc nhiên.
– Nó đến sớm nhất hay sao ấy chứ. Lúc mẹ đến thì đã thấy nó đứng đấy rồi. Xong rồi một lúc sau thì nó bảo nó chạy đi xem thế nào rồi mẹ với hai bác ngồi đợi ở ngoài, rồi nó quay lại bảo có việc đột xuất phải đi luôn. Một lúc sau thì đám cái Trang cả cái Chi mới đến.
Nghĩa là hôm ấy anh đã đến nhưng không ở lại. Tại sao anh không nói gì? Nhưng mà anh đã đến. Tôi thở dài thượt, giờ thì biết cũng có để làm gì, mình buồn cười “ghia”.
– Thế ạ. – Tôi đáp lại mẹ với cảm xúc không biết là hụt hẫng hay thở phào.
– Ừ. Thế tiếp theo con định làm gì? Piano tập tiếp hay bỏ?
– Con bảo là con không biết mà. Cái đó muốn thế nào thì thế ấy.
– Lớn rồi, lớp 11 rồi không còn bé bỏng gì đâu, tập suy nghĩ cho tương lai đi, định hướng cho cuộc đời mình đi.
– Thì con cũng biết thế, giờ con vẫn đang học đây.
– Mẹ chỉ nói thế thôi, tùy con đấy. – Nói rồi mẹ đứng dậy bước ra cửa phòng, trước khi ra khỏi phòng mẹ còn nói thêm. – Hồi con còn nhỏ, bố cũng mong con theo ngành bố. Tuy là mẹ không ủng hộ con gái mà vẽ vời vớ vẩn nhưng nếu con thích thì tùy con.
Nói rồi mẹ đóng cửa phòng bỏ lại tôi một mình với Avril Lavigne vẫn đang tiếp tục bài hát của mình trong headphone…
“What’s wrong, what’s wrong now?
Too many, too many problems.
Don’t know where she belongs, where she belongs…”
…
Hôm nay là sinh nhật Mai Chi, con bé mời tất cả tối nay đến nhà nó để dự tiệc sinh nhật mà nó đã phải cất công chuẩn bị. Ngạc nhiên là tất cả đều rảnh rỗi để đi trong khi tối hôm trước tôi rủ chúng nó đi về chung cũng khó vì đứa này thì phải ở lại tập bóng, đứa kia thì phải đến thư viện mượn sách… Thật sự là không phải tự nhiên mà tôi nghĩ mình bị “tẩy chay” đâu. Mai Chi đang huyến thoắng kể về những gì sẽ diễn ra trong buổi tối hôm nay và cả những gì mà nó và chị Bảo Khánh đã chuẩn bị nữa chứ. Tôi cũng chỉ mỉm cười chen vào một hai câu kiểu như bản thân cũng đang tham gia câu chuyện chẳng mấy thu hút ấy.
Hết giờ học tôi với Linh Trang bí mật hẹn nhau mua quà sinh nhật cho Mai Chi. Trang thì mua một cái mũ len có quả bông màu hồng còn tôi thì mua một chiếc đồng hồ cát gắn với ống đựng bút lấp lánh. Sau khi “sờ mó” cả cái cửa hàng thì rốt cục chúng tôi cũng chọn được mấy món đồ đó. Thực ra khi đi mua quà sinh nhật thì chọn quà để tặng thì ít mà xem có gì hay hay để mua cho bản thân thì nhiều, thật đấy. Tôi cũng Linh Trang rủ nhau đến một quán cafe rồi gọi hai cốc cafe sữa rồi hai đứa lại ngồi nhìn nhau thở ngắn thở dài.
– Mày ạ. – Tôi chợt lên tiếng. – Tao lại học vẽ đấy.
– Thế à, nghe hay đấy. Ra là mày bỏ piano vì mấy cái bút chì à?
– Thực ra là tao cũng không biết nữa, do đời đưa đẩy.
Nghe tôi nói Linh Trang cười rồi lại khuấy khuấy cái cốc của mình.
– Thi xong rồi rảnh rang ghê ha.
– Ừ. Mà hôm tao thi piano ý, thầy Quân có đến đấy. Mẹ tao kể là thầy ý đi trước khi bọn mày đến.
– Thế à. Sao lại thế?
– Chịu. – Tôi nhún vai rồi lại e dè hỏi nó. – Mày thấy tao điên không? Chuyện mà thích ý.
– Nói thật nhé, lần cuối nhé, tao thấy bình thường. Mà nhờ có chuyện của mày tao lại thấy tình yêu kiểu này nó dễ thương sao sao ý.
– Dễ thương? Đùa tao hả mày =’=
– Thật mà, tao nói thật ý. Mày nghĩ như nào chứ tao thấy bình thường. Ở trên lớp, ở trong trường thì là thầy giáo nhưng ở ngoài xã hội thì thầy giáo cũng chỉ là con người bình thường, cũng phải ăn để sống, khi khát cũng phải uống nước, cũng như bao người đàn ông khác thôi. Thế nên là chuyện tình cảm giữa hai người trở thành chuyện bình thường, chỉ là hơn kém nhau nhiều tuổi một chút thôi. Mà chuyện tuổi tác như thế có sao đâu, bố mẹ tao kia kìa, hơn nhau 10 tuổi mà vẫn sống tốt đấy thôi.
– Ừ.
Tôi đáp lại một cách uể oải nhìn Linh Trang đang ngồi xếp mấy thanh gỗ trong bộ trò chơi rút gỗ mà một số quán cafe hay có.
– Thế mày với Việt Anh sao rồi? – Tôi hỏi
– Bình thường, bình thường đến nhàm chán luôn ý. Tao nghĩ chắc là “đứt” trong im lặng.
– Thế à.
– Ừ, mà hôm qua con heo ấy còn mượn tao 20k để làm gì cơ. Chán chả đòi.
Tôi nheo mày nhìn nó với vẻ kì thị.
– Nhìn cái gì chứ, mày chưa thấy ai bị mối tình đầu nợ 20k à. – Trang gắt.
– Sâu đậm phết. Đã là tình đầu lại còn cộng thêm 20k =))
Tôi nói rồi cả hai đứa cùng phá lên cười sau đó chúng tôi ngồi chơi rút gỗ. Cái trò này có vẻ dễ nhưng thực sự chỉ là dễ lúc đầu thôi còn về sau nếu không khéo léo và cẩn thận thì chỉ cần chọn rút nhầm một thanh gỗ thôi là tất cả sẽ đổ sập. Có lẽ lựa chọn rời câu lạc bộ của tôi đã khiến cho tất cả những cố gắng trước đây của tôi đổ ụp xuống. Nghĩ đến đây cũng là lúc Linh Trang khiến cho các thanh gỗ rào rào đổ xuống mặt bàn, một vài thanh còn rơi xuống nền nhà nữa. Linh Trang lụi hụi cúi xuống nhặt mấy thanh gỗ rồi kêu lên một tiếng.
– Mày ơi trên mấy thanh gỗ này có mấy đứa dở hơi ghi tên nhau lên này. Toàn các cặp yêu nhau ghi tên nhau lên này gớm quá.
Tôi nhìn Linh Trang đang đần mặt nhìn mấy thanh gỗ. Nó hết nhìn mấy thanh gỗ chưa viết và mấy thanh chi chít vết mực rồi lại quay sang nhìn tôi.
– Đừng bảo là mày định trở thành mấy lũ dở hơi đấy nhé. – Tôi cười rồi nhấp một ngụm cafe. Cafe sữa ngọt hơn cafe đắng rất nhiều.
– Kệ chứ. Mày cũng ghi đi, cho vui. Đắng nào cũng chẳng mất cái gì.
– Có. Bút của tao sẽ mất mực.
– Con bủn xỉn này nữa.
Linh Trang nguýt rồi ấn cái bút vào tay tôi. Tôi nhìn thanh gỗ của nó, “Linh Trang ♥ Việt Anh”. Dòng chữ của nó chỉ chiếm một mặt của thanh gỗ, tức là những người khác cũng sẽ có thể ghi nốt lên các mặt còn lại. Ngẫm nghĩ một hồi tôi ghi tên tôi và tên anh lên hai mặt dẹt lớn nhất của thanh gỗ rồi vẽ một nửa hình trái tim ở một mặt ở một mặt của thanh gỗ. Vậy là tôi có thể phi tang nguyên cả thanh gỗ này mà không sợ làm ảnh hưởng đến các cặp đôi khác.
– Mày ghi còn nhiều hơn cả tao mà còn bày đặt. – Trang ngó ngó rồi xì một tiếng.
– Kệ tao.
– Mà sao mày chỉ vẽ có một nửa trái tim thôi?
– Đây là nửa của tao, nửa còn lại thì mày biết đấy.
Trang cười híp mắt rồi lại xếp đống gỗ đó lên, tôi và nó trở thành hai vị khách ít-bình-thường ngồi đó cười nói gì đó về trò chơi rút gỗ và cái một nửa trái tim ngốc nghếch ấy.
…
Buổi chiều sau khi ở lớp học vẽ về tôi lại nằm dài trong phòng đợi đến tối đi sinh nhật Mai Chi. Nhìn túi hộp quà được bọc cẩn thận đặt trên bàn, nghĩ tối nay sang nhà Mai Chi sẽ phải gặp Bảo Khánh mà tôi có chút gì đó không được tự nhiên, cảm giác rất gượng ép không hề muốn đi.
Đúng 7h tôi có mặt ở nhà Mai Chi. Chẳng cần phải đợi lâu để thấy con bạn của tôi tươi cười hớn hở chạy ra mở cửa. Trong nhà đã có Linh Trang ngồi cắm nến còn chị Bảo Khánh thì gọt hoa quả bày lên đĩa.
– Happy Birthday
Tôi cười rồi chìa túi quà ra cho Mai Chi. Con bé vui mừng nhận lấy quà rồi ôm tôi một cái. Vừa lúc đó chuông cửa lại reo lên, Mai Chi chạy ra mở cửa còn tôi thì ra phụ chị Khánh và con bé Linh Trang một tay. Việt Anh cùng với một vài thằng con trai bước vào, cái đám ồn ào đó đi tới đâu là cười nói oang oang tới đó. Linh Trang đang cười cười nói nói thấy Việt Anh bước vào thì mặt lạnh như tiền còn chị Khánh thì huých huých tôi rồi hất hất đầu ra hiệu ý như trêu chọc muốn nói rằng “nhìn chúng nó kìa haha”. Tôi nhìn theo rồi cũng chỉ cười một cãi rồi cũng tiếp tục bày hoa quả ra đĩa. Mọi người cũng dần dần ngồi quây vào, Mai Chi vui vẻ cười nói không ngớt, đám con trai thì thi nhau bốc mó, nói là đám con trai nhưng cũng chỉ có khoảng 3 thằng, 3 thằng đó còn ầm hơn cả mấy cái chợ nữa. Còn Linh Trang thì mặt lạnh tỏ ra không có gì, Việt Anh tuy là ngồi cùng con trai nhưng chốc chốc lại liếc ngó Linh Trang một cái khiến con bé nhiều lúc muốn cười mà cứ phải kiềm chế.
– Ơ bố mẹ mày đâu hả Chi? – Trang không muốn chú ý đến ánh nhìn của ai kia đành quay sang đánh trống lảng.
– Bố mẹ tao đi du lịch Nha Trang rồi, cuối tuần sau mới về cơ.
Trang nghe xong rồi gật gù. Chị Bảo Khánh từ trong bếp mang ra hai đĩa khoai tây chiên nóng hổi. Vừa lúc đó tiếng chuông cửa vang lên, chị Khánh vội vàng ra mở cửa, đó là Dương Thùy và cái Lam. Bảo Khánh mời hai đứa nó vào nhà ngồi cùng mọi người rồi lại vào bếp, hình như còn gì đó chưa xong nên chị phải làm nốt. Tôi cũng không quan tâm lắm đến việc đó, tiếp tục tám chuyện với hội bạn. Việt Anh vẫn cố gắng vắt kiệt bộ não mình để tìm đủ mọi cách làm đủ mọi trò để thu hút sự chú ý của Linh Trang nhưng con bạn của tôi thì lại cực kì “lì” trước mấy trò nhảm ruồi như vậy. Việt Anh có phần hơi nhụt chí nhưng vẫn cố gắng tìm cách chuộc lỗi với bạn gái nên sau khi thấy cốc của Linh Trang cạn nước, cu cậu đã vội vàng túm lấy chai coca bên cạnh, chìa ra định rót vào cốc cho Linh Trang. Tôi thật hối hận khi ngồi đây vì ngay khi Việt Anh đổ chai nước thì Linh Trang lại nhấc cốc lên đưa cho Dương Thùy nhờ rót một ít nước Spirte. Và cái đống coca mà đáng lẽ là ở trong cốc của Linh Trang thì giờ lại ở chỗ chân tôi.
– Xin lỗi, chết rồi, xin lỗi An, xin lỗi bà nhớ tôi không kịp…
Việt Anh thấy đôi tất cùng với một phần gấu quần của tôi bị ướt thì rối rít xin lỗi còn Linh Trang đưa cốc nước lên miệng che nụ cười rồi quay đi. Mặt tôi đang tươi cười chuyển sang một màu đen thui, tôi nhéo Trang một cái rồi quay sang xua xua tay với Việt Anh ý nói là không sao. Sau đó tôi thậm thọt đi vào phía nhà vệ sinh, tôi cời đôi tất rồi gột hết đống coca. Lúc tôi quay ra đã thấy Bảo Khánh ngồi cạnh Mai Chi. Tiếng chuông cửa lại vang lên, Bảo Khánh nhướn người ra nhìn nhìn rồi nói.
– Ai đến thế nữa nhỉ. Chi còn mời ai nữa không em?
Chi đang nhón tay lấy miếng khoai từ trong đĩa rồi cũng lắc lắc đầu. Bảo Khánh nhìn tôi vừa đi ra vẫn còn đang đứng nhìn tìm đường để vào chỗ ngồi rồi nhẹ nhàng nói.
– An ra mở cửa hộ chị nhé, chị đang dở tay.
Tôi gật đầu dạ vâng rồi cũng ra mở cửa mà chẳng nghĩ ngợi gì. Cánh cửa sắt lạch xạch mở ra tôi sững người khi nhìn thấy Anh Quân đứng đó, hai tay nhét trong túi quần vẻ mặt khá mệt mỏi. Anh Quân cũng khá bất ngờ khi người mở cửa lại là tôi chứ không phải ai khác.
– Em làm gì ở đây?
– Em đến sinh nhật Mai Chi. – Tôi lắp bắp.
– Ai thế An? – Tiếng Bảo Khánh vọng ra. Tiếp theo sau giọng nói đó Bảo Khánh cũng ra phía ngoài cổng. – Ơ anh Quân. Anh…
– Đưa điện thoại cho tôi. – Anh xen ngang.
– Anh vào đây đã.
Bảo Khánh ôm lấy cánh tay kéo Anh Quân vào nhà nhưng mới đi được đến nửa sân thì anh rút tay ra rồi dõng dạc.
– Tôi chỉ đến để lấy điện thoại.
Bảo Khánh không tươi cười nữa mà thay vào đó là một cảm xúc như kiểu giận dỗi làm nũng. Bảo Khánh bước vào nhà, Mai Chi với mấy đứa trong nhà thì tò mò nên kéo nhau ra rồi tất cả kéo Anh Quân vào sinh nhật Mai Chi. Vẻ mặt của Anh Quân vô cùng miễn cưỡng, anh cười nhưng đôi mắt nâu đó chẳng giống là đang vui chút nào. Bảo Khánh đi từ trên gác xuống đưa cho Anh Quân chiếc điện thoại của anh, anh cũng lôi trong túi một chiếc rồi đưa cho Bảo Khánh. Chuyện đó chỉ xảy ra trong giây lát nên cũng không thu hút được sự chú ý của đám “to mồm” kia.
Mọi chuyện diễn ra như thể tôi không có ở đó, từ khi ở ngoài cổng cho đến khi tôi đã vào nhà. Bề ngoài thì đó là một bữa tiệc sinh nhật vui vẻ và ồn ào nhưng một số người thì lại cảm thấy không thoải mái. Tôi dám chắc rằng trong đấy có tôi và có cả Anh Quân.
Tầm 9h thì mọi người lục đục ra về. Tôi đi bộ về nhà phía sau là Anh Quân, lúc này tôi mới nhận ra là anh không đi xe. Chúng tôi cùng nhau đi trên một con đường, người trước kẻ sau và chẳng ai nói điều gì. Tôi thực ra cũng muốn nói gì đó nhưng nghĩ anh sẽ không trả lời đâu nên lại thôi. Ánh đèn đường hiu hắt soi sáng mấy hạt mưa lây phây, chỉ là mưa bụi nhưng tôi vẫn theo thói quen khum khum hai bàn tay mà hứng lấy. Thật ngốc nghếch. Đi đến cột đèn tiếp theo tôi nhìn thấy một chiếc hộp nho nhỏ bằng bìa cac-tông bỏ trống, bên trong có một con mèo nhỏ đang nằm thoi thóp. Tôi cúi xuống vuốt vuốt để chắc chắn rằng con mèo vẫn còn sống rồi quên mất là trời đang mưa mà ngồi đó thương con mèo.
– Làm gì đấy? – Con người lạnh lùng đó rốt cục cũng lên tiếng.
– Con mèo. – Tôi nói cụt lủn.
– Bị bỏ rơi à?
– Chắc thế.
– Em mang nó về đi, trời lạnh mà không biết ai vứt con mèo ở đây thế này nó dễ chết lắm.
Tôi gật gật định bê cái hộp lên thì anh đã làm điều đó hộ tôi. Bây giờ chúng tôi cùng đi song song nốt đoạn đường đó. Anh đi với cái hộp có con mèo còn tôi thì đi và dắt theo một đống suy nghĩ linh tinh đằng sau. Buổi tối hôm đó thật rối ren và chả ra làm sao cả.
Anh Quân đứng ở một góc khuất của hàng ghế khán giả, tự nhiên anh cảm thấy chạnh lòng. Anh đã tới cùng bố mẹ từ sớm, anh thực sự nóng lòng muốn xem hình ảnh của nó khi ngồi trên kia chơi piano bằng cả những đam mê của nó và tâm huyết của anh, anh đã đặt rất nhiều kì vọng vào nó, anh hy vọng nó sẽ hoàn thành được cái ước mơ bị khuyết thiếu của anh. Hồi đó anh rất yêu piano và bây giờ cũng vậy. Anh còn nhớ ngày anh học cấp 3 cũng có một cuộc thi cũng dạng dạng như thế này. Anh định rằng sẽ đăng kí tham gia nhưng rồi lại không đủ tự tin vì trình độ của anh lúc bấy giờ vẫn còn rất chênh vênh, cộng với việc hồi đó anh cũng không muốn bỏ quá nhiều thời gian ra tập luyện bởi làm vậy Anh Quân sẽ không có thời gian giành cho Bảo Khánh bấy giờ đang là bạn gái của anh. Và Anh Quân đã quyết định dẹp ước mơ của mình sang một bên. Vài năm sau anh lại dồn hết nhiệt huyết và hy vọng sang cho Tú An nhưng những gì mà anh nghe được lại đẩy anh quay trở về với những hụt hẫng.
Anh tìm hàng ghế còn trống rồi bảo bố mẹ ngồi đó đợi còn mình thì sẽ vào sau cánh gà tìm gặp Tú An để dặn dò nó về những điều nó còn thiếu sót. Anh lách thật nhanh qua mấy người dựng chương trình đi thẳng rồi vào phía trong, anh thấy con bé ngốc ấy đang ngồi cạnh một thằng nhóc. Thằng nhóc này nhìn rất quen, hình như anh đã gặp nó ở đâu rồi nhưng không thể nhớ được, anh chỉ nhớ rằng thằng oắt đó cũng thi cùng với Tú An ở vòng trước và hai đứa nó cũng nói chuyện tự nhiên như thế. Từ chỗ anh đứng có thể nghe thấy cuộc trò chuyện giữa Tú An và thằng nhóc kia, gì gì đó về chuyện Tú An muốn từ bỏ piano, con bé còn ngoắc tay với thăng nhóc kia, hai đứa nó trò chuyện có vẻ khá vui. Anh chợt nhớ đến lời nói của Bảo Khánh, anh thích nó nhưng nó có thích anh không? Đối với anh khoảng cách tuổi tác chẳng là gì, anh có thể đợi đến lúc nó thi đại học nhưng nó thì sao?
Lòng tự ái của anh đột nhiên lại dâng cao, cao đến mức ngoài cái tôi của bản thân ra thì anh chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Anh xoay người thật mạnh, bước từng bước khẩn trưởng ra ngoài. Anh bảo bố mẹ rằng có chút việc bận đột xuất nên đi trước. Anh ra đến phía ngoài, tiếng xe, tiếng người nói… nhưng âm thanh hỗn tạp ấy tràn ngập khắp nơi. Anh Quân nửa muốn về nhưng nửa lại muốn ở lại, anh ngồi xuống bậc thang dẫn lên chỗ cửa vào. Có thật là Tú An muốn bỏ piano, bỏ cả cái tâm huyết to lớn kia của anh? Vì sao mà nó muốn bỏ chứ, vì thằng nhóc kia à? Hay là do Tú An thích thằng nhóc đó? Hay thật, giờ anh thì cũng chẳng biết anh bỏ ra đây rồi giận dỗi vì điều gì. Vì anh không thể nhớ ra thằng nhóc ngồi cùng với Tú An khi nãy là ai? Vì con-bé-của-anh dám nghĩ đến chuyện bỏ piano? Vì nó làm anh thất vọng? Vì cái tôi đồ sộ của anh? Hay là vì cái suy nghĩ rằng Tú An thích thằng nhóc kia cứ luẩn quẩn trong đầu khiến anh phát bực, rồi những lời Bảo Khánh nói với anh? Có lẽ là vì tất cả những điều ấy.
Anh Quân cười buồn, nửa muốn quay vào trong nửa lại muốn rời khỏi chỗ này nhưng rốt cục lý trí vẫn thua con tim. Anh Quân quay vào trong nhưng chỉ đứng ở phía xa chỗ khó bị nhìn thấy nhất. Anh đứng đó, lặng lẽ dõi theo, buổi biểu diễn kết thúc, người ta trao giải còn anh thì quay về. Trong đầu anh hiện lại đoạn hội thoại giữa Tú An và cậu bạn đó, một cảm giác đắng ngắt ở cuống họng. Nhưng mà quái, anh có uống cafe đâu…
Suốt mấy ngày sau đó anh không hề uống một giọt cafe nào căn bản bởi họng anh đủ đắng rồi. Hôm nay anh nghe thầy tổng phụ trách nói loáng thoáng rằng Tú An đã xin rời khỏi câu lạc bộ âm nhạc. Vậy là nó bỏ piano thật rồi, bỏ anh thật rồi. Không còn cớ tập đàn anh ở cạnh nó thế nào đây? Nó vứt bỏ đàn piano, vứt bỏ sợi dây vô hình buộc anh với nó, vứt bỏ cả tâm huyết hy vọng của anh. Tại sao nó lại làm thế? Lại là vì thằng nhóc kia à hay là vì cái ngoắc tay lúc ở sau sân khấu? Mà nói chung là dù có vì gì đi nữa thì anh cũng không muốn gặp nó nữa. Lần này anh lại tổn thương nữa rồi.
Và thế là những lần chạm mặt giữa hai người ngày càng giảm. Cuộc sống bỗng nhiên thiếu đi một ai đó thật là chống vánh, cảm giác cả thế giới vơi đi một nửa dân số và chẳng còn ai thèm quan tâm bạn là ai, sống chết ra sao. Cả anh và nó, vẻ ngoài bình thản nhưng bên trong thì dậy sóng.
Anh thường chuồn xuống văn phòng hoặc về trước mỗi khi không có giờ và hôm nay cũng không phải ngoại lệ. Hết tiết anh xuống văn phòng ngồi chơi điện thoại đợi tiết sau lên lớp dạy tiếp. Tưởng chừng 45′ có thể trôi qua yên bình thanh thản như thế cho đến khi chẳng biết con quỷ nào lại chỉ đường cho Bảo Khánh biết rằng anh đang ngồi ở văn phòng. Cô nhẹ nhàng mỉm cười, mái tóc bồng bềnh cột lệch một bên vai. Nhìn Bảo Khánh dịu dàng trong áo blouse trắng mà lòng anh khẽ dao động rồi lại trở về với vẻ phẳng lặng ban đầu.
– Mấy hôm nay nhìn anh có vẻ không vui. – Bảo Khánh cười cợt, nụ cười ấy hoàn toàn không mang lại cảm giác an toàn cho Anh Quân.
– Ờ. – Anh vẫ cắm mặt vào cái smartphone của mình.
– Em để ý anh dạo gần đây không hay đi với con bé An nữa à?
Lần này thì anh chẳng thèm trả lời nữa. Lời nói của Bảo Khánh còn không bằng cả tiếng gió ngang qua.
– Em thấy bảo Tú An nó xin rời khỏi câu lạc bộ, vậy là từ nay anh hết được ở cạnh nó nữa rồi.
– Là sao? Tôi và em Tú An chẳng có gì cả. Bảo Khánh nói vậy không thấy mình hơi lố bịch sao?
Đây là lần đầu tiên anh gọi cô bằng tên. Xa lạ và lạnh lẽo, y hệt cái cảm giác cô đem đến cho anh vào khoảng 5 năm trước, cảm giác đó giờ anh lại đem trả cho cô, thật là éo le mà.
– Đừng tự dối lòng nữa, không phải anh thích con bé đó sao. Dù thời gian đã qua đi, anh đã thay đổi nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là em không còn hiểu tí gì về anh.
Anh Quân đặt điện thoại xuống bàn, đan hai tay vào nhau rồi nhìn thẳng vào mắt Bảo Khánh dõng dạc.
– Bảo Khánh, tôi muốn nhắc lại cho Khánh nhớ rằng đó là quá khứ và tôi thì cũng ít quan tâm về những gì trong quá khứ thế nên bây giờ Khánh có muốn làm gì thì tôi cũng chịu thôi. Còn về chuyện kia, đừng hoang đường thế chứ.
Bảo Khánh cũng không vừa, cũng đặt điện thoại cầm trong tay nãy giờ xuống bàn, nhìn anh bằng ánh mắt chọc ghẹo, nói với giọng rất tự tin.
– Thế thì em cũng nhắc lại cho anh nhớ, em sẽ làm anh yêu em một lần nữa và em nói là em làm được. Đối với em, Tú An chẳng là gì cả.
Anh cầm điện thoại đứng thẳng, trước khi đi anh còn nói một câu khiến cô tự ái.
– Nếu nghĩ vậy thì em còn ấu trĩ hơn cả con bé Tú An kia rồi.
…
Dạy xong anh lấy xe về thẳng nhà, anh không muốn chạm trán Bảo Khánh thêm một lần nào nữa, một lần hôm nay đã là quá đủ cho cả tháng anh ăn chay cầu phật rồi. Về tới nhà, sau khi đã giải quyết được một cơ số công việc cần làm, anh ngả người ra ghế và lại lôi điện thoại ra chơi game nhưng đây không phải máy của anh. Chắc là do anh sơ ý cầm nhầm máy lúc hai người nói chuyện ở trong văn phòng. Nghĩ ngợi một hồi may mà máy điện thoại của Anh Quân luôn có đặt mật khẩu nên không ai có thể tùy tiện mở được khóa màn hình nếu không có mã. Ngược lại với Anh Quân, Bảo Khánh lại chẳng bao giờ để mật mã bởi cô cảm thấy quá mất thời gian nếu cứ phải bấm mã rồi mới mở được điện thoại nhưng kể cả có để mã hay không thì anh cũng cóc thèm mở ra xem trong điện thoại cô có những gì. Cùng lúc ấy, Bảo Khánh cầm điện thoại của Anh Quân lên xem, định sẽ vào chơi game hoặc tìm hiểu xem anh với Tú An có gì hay không, vừa ấn nút thì nguyên cả bảng mã yêu cầu nhập mật khẩu hiện ra. Bảo Khánh cụp mắt thở dài rồi dường như nghĩ ra điều gì đó, dùng điện thoại bàn gọi vào máy của mình.
– Alo? – Anh Quân biết là Bảo Khánh gọi, nhấc máy rồi lạnh lùng.
– Tối nay anh có thể qua đổi điện thoại được không? Em có việc.
– Tùy, cũng được.
Bảo Khánh nghe tiếng đầu dây bên kia cúp máy cũng đặt lại chiếc điện thoại bàn rồi cười một cái mãn nguyện. Tối nay là sinh nhật Mai Chi, Tú An chắc chắn sẽ đến, biết Anh Quân tránh Tú An giờ cô lại lôi thêm cả Anh Quân tới chẳng phải sẽ rất là hay nếu như hai người họ gặp nhau sao. Cô nói rồi mà, chỉ cần cô muốn thì nhất định sẽ làm được.
Anh Quân chiều hôm đó rảnh rỗi quá đà đâm ra muốn đi đâu đó một chút giết thời gian. Anh đi bộ tới một quán cafe, vừa bước vào ngồi thì lại gặp Linh Trang. Con bé thấy anh liền tươi cười ra chào hỏi.
– Em chào thầy. Thầy đợi ai ạ?
– Không, chỉ định uống gì đó rồi đi luôn. Em vừa hẹn ai à?
– Không ạ, chẳng qua là em để quên đồ nên quay lại lấy thôi ạ. Mà dạo này thầy không hay gặp Tú An ạ? Hôm nó biểu diễn em cũng không thấy thầy đâu.
Tại sao ai cũng hỏi chuyện nó với anh thế nhỉ mà ai cũng nghĩ là anh không đên sao? Anh Quân cười rồi nhẹ nhàng đáp.
– Hôm đó tôi bận đột xuất, đến một lúc rồi phải đi ngay. Mà em hỏi tôi về Tú An có chuyện gì à?
– À không ạ, chỉ là hôm nay nó bảo là nó học vẽ lại thôi. Trông nó hơi buồn, chắc là vì cuộc thi vừa rồi không như mong đợi. À thôi chết em muộn rồi, em xin phép đi trước ạ. Em chào thầy.
Linh Trang nói một lèo rồi nhìn xuống đồng hồ đeo tay, vội vã chào anh rồi chạy ào ra ngoài cửa. Anh băn khoăn, Tú An học vẽ sao?! Anh nhớ có lần nó nói với anh rằng piano không phải đam mê số một của nó, những cục tẩy và cây bút chì mới mang lại cho nó những giây phút để nó quên mất mình là ai. Lúc ấy cả thế giới chỉ có mình nó và những bức họa. Nghĩa là nó bỏ piano chẳng phải là do thằng con trai kia, chẳng phải vì những gì mà anh đã tự vẽ ra trong đầu. Ai đó đang cảm thấy tội lỗi vì đã lơ đẹp một con nhóc.
Anh gọi một cốc trà rồi nhâm nhi nhìn xung quanh, đôi mắt nâu tinh tưởng dừng lại ở bộ trò chơi xếp gỗ. Một vài thanh gỗ chi chít những nét viết nhưng anh lại chỉ nhìn thấy cái tên “Nguyễn Anh Quân” to đùng ở một mặt của thanh gỗ. Anh đứng dậy tiến tới chỗ để bộ trò chơi đó định xem thử nhưng đã có nguời khác lấy bộ trò chơi đó ngay trước mũi anh. Đám học sinh đó cười đùa rồi xếp những thanh gỗ lên bắt đầu chơi, anh cũng ngại nên thôi. Lúc tính tiền, ra về anh còn không quên ngoái lại nhìn tên quán cafe đó: Go Back And Take Away…
Tối hôm đó anh đi uống nước với thầy Tùng, dạo này ông bạn này của anh bị vợ giận nên không biết làm gì đành gọi anh đi giãi bày tâm sự. Anh Quân thì ngán tận cổ chuyện vợ chồng nhà này, như cái tuồng chèo vậy, phát chán lên được. Nhìn đồng hồ anh chợt nhớ mình còn phải đi lấy điện thoại nữa, tiện thể đi nhờ ông bạn đến nhà Bảo Khánh. Anh ấn chuông, chưng ra bộ mặt không vui vẻ để chuẩn bị nói chuyện với Bảo Khánh nhưng người mở cửa lại là Tú An.
Mọi chuyện diễn ra không giống như dự đoán của anh, anh bị cuốn vào bữa tiệc sinh nhật không biết trước và có Tú An ở đó. Anh không còn muốn tránh mặt nó nữa, muốn trêu chọc bắt nạt nó như trước nhưng lại không thể đột ngột như vậy, nó vẫn nghĩ là anh giận nó cơ mà, làm sao anh có thể lại tươi cười hớn hở bắt nạt nó chứ.
Bữa tiệc trôi qua nhanh chóng, mọi người ra về, Bảo Khánh muốn giữ anh lại nói chuyện gì đó nhưng anh đã về trước khi cô định nói anh ở lại. Đi trên con đường vắng chỉ có anh và nó, nó đi trước còn anh thong thả đi sau. Hình dáng bé nhỏ của Tú An dần in đậm vào trong trí nhớ của Anh Quân. Anh tăng tốc muốn đến gần nó còn nó vẫn bước đều đều, khoảng cách được rút gần nhưng vẫn chẳng ai nói với ai câu gì.
Tú An đi tới gốc cây đèn đường rồi thò tay vào trong cái hộp, là một con mèo con. Anh nhìn Tú An đang nhìn nó với một ánh mắt đầy thương cảm. Trời tối xương xuống lạnh lại cộng thêm trời bắt đầu giăng phủ một lớp mưa bụi, anh gợi ý Tú An mang mèo con về nhà rồi sau đó nhấc chiếc hộp lên hộ cho Tú An. Hai người đi cạnh nhau, song song, khoảng cách lại gần hơn một chút. Dù không ai nói với ai câu nào nhưng thật sự thì suy nghĩ cũng không còn rối ren như trước. Anh ôm hộp con mèo nhìn Tú An nghịch ngọm thở ra những làn khói mong manh rồi lại khum khum tay lại như để hứng hết những giọt mưa bụi. Anh bật cười khiến nó quay ra nhìn. Con đường vẫn cứ thế dài thẳng tắp, bầu trời đêm đen kịt dường như sáng hơn bởi ánh sáng le lói trong lòng ai đó, sáng bởi những ngọn đèn đường dẫn lối cho họ.
“We’re only getting older baby
And I’ve been thinking about you lately
Does it ever drive you crazy
Just how fast the night changes
Everything that you’ve ever dreamed of
Disappearing when you wake up
But there’s nothing to be afraid of
Even when the night changes
It will never change me and you”
Chương 24: MƯA ĐẦU MÙA
Tôi mang mèo con về nhà trong sự im lặng, chẳng ai biết rằng trong nhà đã có thêm một nhóc con nghịch ngợm (là con mèo) cho đến buổi trưa hôm đó khi tôi đi học về. Mẹ tôi rất ít khi vào phòng vệ sinh trên tầng 2 nhưng hôm nay thế nào mẹ tôi lại lên đó để lấy lọ dầu gội. Cửa mở va vào cái hộp mà tôi đã cố gắng xếp gọn vào tít trong, một tiếng kêu “meo”… Và thế là mẹ tôi đã phát hiện ra em mèo đang nằm ngoan ngoãn trong hộp.
– Giỏi nhỉ. Mèo miếc ở đâu ra thế này? – Mẹ tôi đẩy cái hộp mèo về phía tôi.
– Thì tôi hôm qua con thấy nó bị vứt ngoài kia, trời thì mưa, vừa mưa vừa lạnh mà nó thì còn bé quá, nên… – Tôi vân vê gấu áo, hết nhìn trần nhà rồi nhìn cái tủ lạnh, ấp úng trả lời mẹ.
– Thế giờ cứ con gì bị vứt ngoài đường thì cô tha về cho tôi hầu hả cô?
– Đâu ạ. – Tôi xị mặt. – Với lại…
Giọng tôi nhỏ dần nhỏ dần rồi im tịt. Tôi vốn định lôi cả Anh Quân vào vụ này để có thể “sống sót” trước cơn giận của mẹ nhưng rồi nghĩ dù có lôi thêm anh vào thì cũng chẳng giúp được gì nên tôi lại im lặng nghe mẹ mắng. Tôi thì bị mắng còn em mèo thì vẫn nằm cuộn tròn ngủ như không hề có chuyện gì xảy ra, trông nó hồn nhiên mà phát ghét.
– Làm gì thì làm nhưng mẹ không đồng ý nuôi mèo đâu nhé. Cả nhà đi suốt, để nó ở nhà làm sao được. Thôi tìm cách mà giải quyết đi nhé.
Và đó là cách mẹ vứt con mèo lại cho tôi rồi quay lưng đi thẳng. Lúc này con mèo mới chịu mở mắt, nó vươn vai kêu “ngoeo” một tiếng rồi lượn quanh quanh cái hộp rồi lại đặt mông xuống, cuộn tròn thành cục bông rồi ngủ tiếp. =’= Đây mà là mèo à, đây là con lợn mới đúng. Tôi gãi đầu gãi tai một lúc rồi mới rút điện thoại ra gọi cho một người có cái tên được lưu là “Anh Thầy”. Vừa rồi gặp ở trên lớp anh cũng không còn lơ tôi như trước nhưng tôi vẫn thấy không được tự nhiên cho lắm.
Tiếng tút tút ngân lên rồi anh nhấc máy.
– Gọi gì thế?
– À… thầy ạ, mẹ em không cho giữ mèo.
– Vậy hả, thế thì mang nó qua đây đi. Dù sao thì cũng tốt, nuôi mèo cho mấy con chuột nó sợ.
Tôi mang mèo con sang nhà Anh Quân, cảm giác lâu rồi tôi mới lại đến đây, nếu không nhờ có mèo con thì tôi cũng không nghĩ là mình sẽ còn đến đây. Quả thật con mèo này đáng lẽ nên là con lợn mới đúng, suốt cả quãng đường từ nhà tôi đến nhà anh, đi qua bao nhiêu cái ổ gà mà nó vẫn có thể ngủ một cách ngon lành như thể chẳng có gì xảy ra vậy.
Bước hết bậc thang, mở cửa bước vào, quán cafe vẫn vậy, ngoài việc anh thay đổi cách bài trí của một số bàn thì mọi thứ vẫn vậy. Tôi ôm cái hộp có con mèo đang ngủ bước vào, trên sân khấu nơi có chiếc piano là một cô bạn đang chơi đàn, là bài “Forever” của Stratovarius. Tôi dừng lại một lúc nhìn về phía từng nốt nhạc phát ra, cũng đã lâu rồi tôi không đụng tới piano, tôi tự hỏi mình có tiếc không khi mà quyết định như thế?
– Tú An đấy hả. – Bác Lâm chẳng biết từ đâu bước đến sau lưng tôi. – Sao mấy hôm nay không thấy cháu qua nữa hả? Chê cái quán này rồi hả?
– Đâu có ạ tại dạo này cháu bận quá ạ hihihi
– Ừ, thế cố gắng học cho tốt con nhé. Có gì không hiểu cứ hỏi anh Quân nhé, nhờ anh ý giảng cho. Thằng Quân nhà bác nhìn vô dụng thế thôi chứ cũng có ích ra phết đấy haha. Mà ôm cái hộp gì thế kia?
– Dạ không có gì ạ chỉ là con mèo con thôi ạ. Mẹ con không cho nuôi nên con mang sang đây. Tại con nghĩ là nhà mình nướng bánh có bột biếc gì thì nuôi mèo để chuột đỡ vào bác ạ.
– Ờ rồi bác cảm ơn, con mang lên chỗ phòng tầng hai cho bác nhé.
Bác vỗ vai tôi, nở một nụ cười hiền hậu rồi quay người chuẩn bị bước đi. Tôi chợt nhớ ra điều gì đó vội gọi bác lại.
– À bác ơi bác ơi, thầy Quân…
– Hả? Mà bác bảo này, lần sau ý, ở trường thì chúng mày gọi nhau là gì bác không quan tâm nhưng về nhà thì xưng hô khác đi hộ bác nhé. Chúng mày cứ bắt nạt nhau rồi thầy thầy em em mệt cả đầu. Mà cái này bác nhớ là nói đi nói lại bao nhiêu lần rồi chứ có phải một hai lần gì đâu nhỉ.
– Dạ hì hì vâng ạ. Cháu muốn hỏi là th..à..anh Quân có nhà không ạ?
– Nó trên tầng thượng ấy.
– Dạ vâng con cám ơn bác ^^
Bác Lâm đi khỏi thì tôi cũng leo tót lên cầu thang. Đúng là đâu không phải là lần đầu tiên tôi bị nhắc nhở về cái chuyện xưng hô với Anh Quân như thế nào. Ở trường đang gọi quen miệng, giờ về nhà lại bắt gọi khác tôi thấy cứ sao sao, chẳng quen miệng chút nào. Mà kể ra cũng không công bằng, tôi mà nói chuyện thì vẫn cứ phải thầy – em hoặc anh – em còn Anh Quân nói chuyện với tôi thì chỉ cần tôi – em là xong, chẳng phân biệt được anh – em hay thầy – em. Và thế là đương nhiên người lớn mắng là sẽ mắng tôi rồi. Bất công thật.
Tôi tạt qua tầng 2 đặt mèo con vào góc phòng định đi lên tiếp nhưng nhìn cái hộp lạc lõng trong căn phòng rộng tôi lại không nỡ, đành vác tiếp cái con “heo” đó lên tầng. Chưa lên đến nơi nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng piano từ tầng 4 vọng ra. Anh Quân ngồi đó, những ngón tay thon dài lướt nhanh trên phím đàn. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe hay nhìn anh chơi đàn nhưng dù là lần thứ bao nhiêu thì tôi cũng vẫn rất thích cảnh tượng ấy, chẳng biết làm gì ngoài đứng như trời trồng. Con mèo lười nhác của tôi đang ngủ yên lành trong hộp chợt vươn mình một cái, loanh quanh loanh quanh nhảy tót ra ngoài, chạy một mạch đến chỗ Anh Quân đang ngồi rồi lăn kềnh ra. Cái mũi hồng hồng của nó cọ cọ vào bàn đạp piano khiến Anh Quân chú ý. Anh nhận ra sự xuất hiện của “vật thể lạ” thì ngừng đàn, cúi xuống bế mèo con đặt lên lòng mình khẽ vuốt vẽ rồi nhìn về phía tôi đang đứng ngoài cửa. Con mèo chết tiệt, tôi dám cá nó là mèo cái vì chỉ khi nhìn thấy “giống đực” là hoa hết cả mắt lên, không ngủ nữa mà lao ngay vào.
– Đến rồi sao không vào? – Anh cưng nựng mèo con rồi nói vọng ra.
Tôi luống cuống đẩy cửa thò đầu vào.
– Dạ.
– Dạ dẫm cái gì, đừng có bảo là em định mang mèo sang đây vứt rồi chuồn về luôn không nói một câu đấy nhé.
– Đâu làm gì có. – Tôi cười khì một cái rồi dè dặt bước vào (Thực ra là em định làm thế đấy)
– Về nó có nghịch không? – Anh Quân vẫn vuốt ve mèo con rồi hỏi.
– Dạ không. – Tôi lơ đãng.
– Mèo con ăn chưa?
– Rồi ạ.
– Ngủ nhiều không?
– Như lợn ạ.
– Cái gì?
– À không, à ngủ, có có ạ, ngủ nhiều ngủ nhiều =))
– Em đặt tên cho nó chưa?
Tôi lắc lắc đầu.
– Thế em định đặt tên cho mèo con này là gì?
– Lợn ạ.
– Em đùa tôi đấy à? – Anh Quân lừ mắt
– Thật mà nó ngủ như lợn, ăn như heo, mập như hợi. Quá hợp với tên em đặt còn gì.
– Có mà cái tên đấy để đặt cho em ý. – Anh tiện tay gõ lên trán tôi một cái. – Nó là mèo ai lại đặt tên là lợn bao giờ.
Tôi xị mặt xoa xoa cái trán đáng thương của mình. Con mèo thấy tôi bị đánh thì có vẻ vui lắm, nó kêu “ngoeo” một tiếng rồi liếm liếm ngón tay trỏ của Anh Quân. Cái đồ mèo phản chủ, tao nuôi mày đó con mèo béo kia.
– Gọi nhóc là gì bây giờ.
Anh Quân vẫn tiếp tục cưng nựng con mèo béo đó hết sức ân cần. Chưa bao giờ tôi thấy anh dịu dàng và ấm áp đến thế. Có lẽ cũng đã từng có một thời anh ấm áp và dịu dàng, có lẽ thời đó cách đây khoảng hơn 5 hay 6 năm gì đó va con người may mắn được nhận sự chăm sóc của anh chắc chỉ có thể là Bảo Khánh. Trong đầu tôi chợt xuất hiện một ý nghĩ ngu xuẩn, tôi muốn mình là con mèo đó, dù hơi béo một chút, giống heo một chút nhưng lại được anh cưng nựng, được sà vào lòng anh một cách êm ái mà chẳng sợ gì hết. Tôi đưa tay ra gãi gãi cằm mèo con, nó nhắm hết cả mắt cả mũi rồi dụi dụi đầu vào lòng bàn tay tôi. Bộ lông trắng muốt mềm mại cọ cọ vào lòng bàn tay đem lại cho tôi cảm giác thích thú, tôi nói như bị thôi miên.
– Hay đặt tên là Nheo?
– Gì cơ?
– Nó hay kêu nheo nheo. Nghe rất hay mà. Nếu em được giữ con mèo lại em sẽ đặt tên nó là Nheo.
– Nhăn nheo á?
– Nheo thôi. Có anh nhăn nheo ý.
Tôi nói mà chẳng nghĩ, chỉ tập trung trêu con mèo.
– Em vừa gọi tôi là gì cơ?
– A… – Tôi “à” lên một tiếng. – Tại bác bắt em phải thay đổi cách gọi. Em quen mồm hế hế. Để em sửa lại.
– Thôi tùy em. – Anh cắt lời.
– Tùy em ạ? Thế em gọi là “chị” có được không ạ? – Tôi được đà làm tới.
– Cũng được nếu như em đồng ý để tôi gọi em là “Lợn” – Anh tỏ vẻ suy tư nghĩ ngợi rồi trả lời một câu làm tôi cứng hàm.
Sau một hồi tranh cãi thì con mèo béo đó đã có tên, là Nheo, nghe cũng khá ổn nếu không muốn nói là cũng dễ thương. Tôi tựa người vào chân ghế ngồi chơi với Nheo còn Anh Quân thì ngồi trên ghế nhìn xuống chỗ tôi.
– Em có tiếc không?
– Dạ? – Tôi nghe thấy câu hỏi của anh thì bâng quơ trả lời.
– Vì sao em lại từ bỏ chơi đàn thế? Do tôi à?
Tôi giật mình, thật sự thì có chết tôi cũng không nghĩ anh sẽ hỏi câu đó.
– Em không trả lời cũng không sao. Chỉ là tôi không biết có phải do bị bắt nạt nên em mới bỏ piano hay không, hay vì tôi bỏ bê các buổi học khiến em chán nản không muốn học nữa. Hôm nọ tôi có nghe nói em đi học vẽ, có phải vì thế mà em thôi piano?
– Em… thực ra chỉ là em không tham gia câu lạc bộ nữa thôi chứ không phải là em sẽ bỏ piano. Em muốn dành thời gian để tập trung theo đuổi đam mê thực sự của mình.
Anh gật gật rồi xoay người lại, ngồi nghiêm chỉnh, ngón tay dài lại lướt nhẹ nhàng uyển chuyển trên phím đàn. Một giai điệu quen thuộc ngân lên, tôi không biết tên của bài hát đó nhưng tôi nhớ rằng anh đã từng có lần chơi bản nhạc ấy, chỉ có điều cảm xúc của hai lần đó là khác nhau.
Ngồi thêm một lúc tôi sực nhớ mình còn một đống bài tập chất đống ở nhà tôi vội vã đứng dậy đưa mèo cho anh rồi ra về. Anh bình thản ôm Nheo vào lòng rồi ngẩng lên nhìn tôi, chậm rãi nói.
– Tôi đang định bài trí lại quán cafe, hôm này em nhớ qua nhé.
– Vâng.
– À mà…
– Dạ?
– Thôi, không có gì đâu. Về cẩn thận.
Tôi chần chừ quay ra phía cửa, khi tôi đóng cửa lại thì nghe thấy một tiếng thầm thì tựa tiếng gió ngang qua.
“Tôi không giận em, mà tôi sợ…”.
…
Cuộc sống của tôi sau một số lựa chọn, sau một số chao đảo thì rốt cục cũng trở lại với quỹ đạo quay của nó. Tôi vẫn đi học đều, vẫn gặp anh, vẫn tới lớp và thay vào thời gian tập đàn tôi thường đến lớp học vẽ. Lớp học vẽ bình thường như thế nào tôi không biết nhưng cái lớp mà tôi theo học thì nó thực sự là…xuất hiện rất ít sự bình thường.
Lớp-học-vẽ của tôi ở trên tầng 5 của một khu chung cư cách khá xa nhà tôi, để tới đó tôi mất nửa tiếng đi xe. Buổi đầu tiên chân ướt chân ráo tới lớp mọi người cháo đón tôi bằng những ánh mắt hiếu kì của cả người lớn và cả lũ trẻ con. Lớp học vẽ của tôi được chia làm hai, một nửa dành cho bọn trẻ con và nửa còn lại thì dành cho những đứa như tôi. Học cùng với tôi có hai người: một người bằng tuổi, người còn lại thì hơn tôi một tuổi và cả hai cùng là nữ. Cô bạn bằng tuổi tôi tên là Hạ. Nghe cái tên thì có vẻ nữ tính hay tiểu thư gì gì đó nhưng thực tế thì không, hoàn toàn không. Ấn tượng lần đầu gặp của tôi về Hạ, ngoài việc mang giới tính nữ và đeo niềng răng ra thì Hạ khiến tôi liên tưởng đến nhân vậy bác Hagrid trong bộ phim Harry Potter với bộ tóc xù ngắn ngang vai và dáng người đậm. Hạ là một người có tính cách khá nghệ sĩ, nghĩa là phóng khoáng, bay bổng, không thích phải tuân thủ theo bất kì quy tắc nào cả và làm việc rất theo cảm hứng. Hạ thích sáng tạo, thích vẽ và muốn được vẽ. Ngoài vẽ ra niềm đam mê khác của cô bạn này đó là Nhật Bản, mọi thứ về đất nước này dường như khiến Hạ phát cuồng, nhất là các thể loại truyện Manga và Hạ rất có thể nổi điên lên vì chúng. Người khác có thể cho rằng Hạ là đứa con gái thô kệch với vẻ ngoài quá cỡ và quái đản lập dị với cái tính cách chẳng giống ai nhưng tôi lại thấy thích Hạ, một cô gái phá cách, sống thật với đam mê và bản chất của mình. Nếu như câu “Tui đẹp tui có quyền” thì đối với Hạ lại là “Tui thích tui có quyền”. Tôi thực sự thích cái ngông ngông mà dễ gần của cậu ấy. Người thứ hai học chung với tôi là Trúc, một cái tên rất hiếm gặp ở miền Bắc, tôi nghĩ là vậy. Chị Trúc năm nay học lớp 12, Trúc có mái tóc ngang lưng và rất mượt. Nếu Hạ sôi nổi và phá cách hì Trúc lại là một người khá trầm tính, chị ít nói và chỉ chăm chú vào bài vẽ của mình. Còn chị Bích, sinh viên năm 3, là trợ giảng cho cô và đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn cho tất cả chúng tôi phòng khi cô bận. Lũ trẻ con là một lũ quỷ sứ mồm to nói nhiều, chúng nó hỏi đủ các thứ rồi nói đủ các thể loại chuyện, hết chuyện để nói thì quay ra chọc ghẹo nhau. Hôm nay là buổi tôi đến sớm và thế là ngẫu nhiên được “tham gia” vào mấy câu chuyện bệnh hoạn của chúng nó. Ngồi nghe một lũ nhóc tầm tiểu học và một bà chị sinh viên đại học năm 3 tám chuyện với nhau về những chuyện thật là hết sức không bình thường. Sau khi nghe tôi kể lại thì Hạ phá lên cười còn chị Trúc thì vỗ vỗ vai tôi bảo rằng hãy cố gắng thích nghi rồi cũng lôi bảng màu ra và bắt đầu với công việc của mình. Tôi chẹp miệng vài cái rồi cũng quay vào với bài vẽ của mình.
Hôm nay chúng tôi học màu, như thường lệ bọn trẻ con lại cười nói trêu đùa om sòm. Bình thường thì tất cả chúng tôi ai cũng quen với điều này rồi nhưng hôm nay Hạ có vẻ khó ở và một khi nó khó ở thì nó sẽ không ngại ngùng gì mà nhảy vào đấm cho bạn vài cái nếu bạn cố tình chọc điên nó và ở đây đối tượng khiến nó trở thành “bạo chúa” chính là lũ trẻ tưởng chừng ngây thơ kia. Ở gian ngoài chúng nó tranh nhau vốc từng vốc hạt hướng dương trong cái hộp tròn trên nóc tủ, đứa nọ tị nạnh đứa kia, tranh nhau vốc rồi tranh nhau gào thét cãi vã. Còn Hạ thì thức trắng cả đêm hôm qua để kịp vẽ tranh cho khách, hôm nay là deadline của nó. Chính vì thức cả đêm nên đầu nó đau như búa bổ, nó cần ngủ hoặc chí ít là một chút tĩnh lặng để vẽ xong bài hôm nay nhưng cái bọn trẻ xấu số kia lại làm ầm cả gian nhà. Hạ ban đầu còn thều thào.
– Tất cả trật tự chút đi, hôm nay chị hơi mệt.
Chúng nó nghe Hạ nói thế thì cũng biết điều im lặng được vài ba phút nhưng sau đó thì chúng nó còn ầm hơn cả lúc trước. Hạ cố gắng nói to để chúng nó có thể nghe và làm theo nhưng tiếng gào thét của 6 – 7 đứa trả con lại át hết tiếng thều thào của Hạ. Máu nó dồn lên não, khuôn mặt đen xì thiếu sức sống trở thành mặt của quỷ sa tăng trong vòng 2 giây, nó gào lên, to đến mức mà tôi nghĩ ở dưới tầng 1 cũng có thể nghe thấy giọng nó.
– CHÙNG MÀY CÓ IM HẾT ĐI KHÔNG HẢ? TAO MÀ RA LÀ TAO VẢ CHO MỖI ĐỨA MỘT CÁI VÀO MỒM ĐẤY NHÉ!!
Và thế là lớp lại im phăng phắc, đứa nào đứa đấy cặm cụi tô tô vẽ vẽ. Tôi đeo tai nghe thong dong hoàn thành bài vẽ của mình, miệng còn không quên lẩm nhẩm theo mấy câu hát coi như không có gì xảy ra. Chị Bích nhìn lũ trẻ con rồi chép miệng.
– Chúng mày thấy chúng mày ngu chưa, để cái Hạ nó điên lên thì mới chịu được à.
Trúc đang pha màu mà cũng phì cười. Tôi cắn môi rồi ngắm nghía bài màu của mình. Màu trên bài vẽ của tôi vừa khô cũng là lúc có người gọi điện tới, là số lạ. Cả Trúc và Hạ theo phản xạ đều quay ra nhìn tôi.
– Alô?
– Xong chưa?
– Ai đấy ạ?
– Học xong thì xuống ngay nhé tôi chờ.
Nói dứt câu người ở đầu máy bên kia vội dập máy bỏ lại tôi còn ngơ ngẩn nhìn chăm chăm vào số máy mới gọi đên. Thấy tôi ngồi thần ra thì Trúc hỏi.
– Ai gọi cho bà mà thần ra thế? Anh nào à?
– Chịu. Số lạ, chắc nhầm máy.
Tôi nhún vai rồi vứt điện thoại vào một góc đem bài vẽ của mình đi nộp. Cô chỉnh sửa rồi hướng dẫn tôi những phần còn thiếu sót sau đó tôi xách cặp ra về. Tôi bước xuống từng bậc cầu thang của khu tập thể. Trời hôm nay tuy có nắng nhưng cũng không ấm hơn là bao, một cơn gió khẽ thổi qua khi tôi xuống đến tầng 1. Gió thổi qua khiến một cơ số bụi bay vào mắt, tôi đưa tay lên dụi dụi. Lúc hạ tay xuống thì cũng là lúc một dáng người có bóng lưng quen thuộc đang đứng trước mặt tôi. Tôi chợt nhận ra một điều rằng bóng lưng ấy đối với tôi chưa bao giờ là gần cả, như thể luôn có một khoảng không vời vợi ngăn cách. Anh từ từ quay lại nhìn tôi rồi nheo mày.
– Lâu thế.
– Ơ…th..
– Tưởng em sẽ gọi tôi là ‘anh’?
– À.. – Tôi ngượng ngùng cười cười, tôi thật sự không quen với cách xưng hô kiểu đó.
– Không nói chuyện đó nữa. Mẹ em nhờ tôi đón em nên nhanh lên về thôi. Hôm nay tết dương lịch nên bố mẹ tôi mời bác gái sang cho vui.
Tôi ậm ờ luống cuống trèo lên xe anh. Đã bao nhiêu lâu rồi tôi không ngồi đằng sau anh như thế này? Tôi nhìn bầu trời xanh, nhìn vạt nắng yếu ớt cố bấu víu từng cơn gió thổi ngang qua, nhìn cả những cành cây lao xao lay động. Anh khi gần mà cũng xa quá. Tôi thật không hiểu nổi anh, một mặt thì luôn phủ nhận tình cảm với Bảo Khánh còn một mặt thì tôi luôn thấy anh có vẻ vẫn còn gì dó với Bảo Khánh. Nhưng trước đó tôi nghĩ tôi không hiểu nổi mình, không hiểu nổi tại sao giữa lí trí và tình cảm thì tình cảm lúc nào cũng giành chiến thắng? Tình cảm của tôi chỉ là ngốc xít, vĩ đại mới là tình yêu của anh kìa, tôi chẳng là gì so với Bảo Khánh…
Những suy nghĩ cứ dần tự nhuộm cho mình những gam màu xám xịt, đôi giày đỏ quà tặng của ai đó cũng chẳng thể tươi cho nổi. Tôi lén nhìn anh qua gương chiếu hậu rồi khẽ thở dài.
” Em là cô gái mang hài đỏ,
Bỏ thế giới nhỏ, để yêu anh.
Bỏ hết tuổi xanh người con gái,
Vượt ngàn tự trọng, chỉ cần anh.
Anh là chàng trai mang giày xanh,
Gương mặt lạnh tanh, chẳng ân cần.
Đôi lúc tưởng gần, lại xa lắm.
Thỉnh thoảng tay nắm mà như buông.
Cô ấy là người mặc váy suông,
Là người anh thương, khiến em buồn.
Là người đến trước ngày em đến.
Là người có hết được cả anh.”
[Trích “Giày đỏ váy suông”]
Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp nhất…
Học trò cuối cùng cũng sẽ vẫn chỉ là học trò…
Người nhớ ai cản được người nhớ?
Em yêu ai trách được em yêu?
Anh cứ mãi lạc trong thế giới của anh đi tìm về miền xa ấy
Còn em mãi chỉ là em, một “em” ngốc nghếch, một “em” yếu đuối, một “em” bướng bỉnh.
Ngốc nghếch tin vào những điều anh nói, yếu đuối khi nhìn thấy anh và người ấy nhưng vẫn bướng bỉnh yêu và chờ đợi.
Một em ngờ nghệch chờ đợi một anh lạc lối, dù ở gần nhau nhưng suy nghĩ mỗi người một ngả, đi lòng vòng có gặp được nhau?
Con đường cứ trải dài mãi dài mãi, hôm nay là một ngày nào đó của tháng một và nó đang ở chỗ anh. Hôm qua Bảo Khánh lại tìm đến làm phiền anh, sáng nay cô vẫn còn cố gọi điện nhưng anh không bắt máy. Không phải Anh Quân sợ gặp Bảo Khánh, đương nhiên rồi, bởi nếu anh vẫn còn bị những ngọt ngào trong quá khứ làm đau thì có nghĩa là anh vẫn còn yêu Bảo Khánh nhưng tiếc rằng cái chuyện đó lại không bao giờ có thể xảy ra, cho dù có đôi khi anh thừa nhận rằng anh vẫn còn cảm xúc khi đứng trước người con gái ấy nhưng anh hiểu rằng cảm giác đó cũng chỉ giống như khi bạn uống một tách trà thì luôn còn một dư vị đọng lại, phảng phất trong vòm miệng. Anh không muốn gặp Bảo Khánh vì cô hay cố tỏ ra như kiểu anh và cô đang-có-gì-đó vậy. Vì Bảo Khánh mà anh đã để Tú An phải chờ đợi, vì những điều Bảo Khánh nói khiến anh phải suy nghĩ nhiều, vì Bảo Khánh đã làm khơi dậy nỗi sợ trong anh, tóm lại là Bảo Khánh khiến anh phải đau đầu nhất là hôm nay khi anh đón Tú An từ chỗ học vẽ về. Vừa cất xe xuống hầm, anh đang đi lên tầng cùng Tú An thì gặp Bảo Khánh và Mai Chi, anh mặt lạnh không nói gì còn Tú An thì giật thót một cái, nó nắm chặt lấy hộp màu vẽ, anh nhận thấy nó đang cố gắng giữ bình tĩnh nhưng anh không hiểu tại sao nó phải căng thẳng đến vậy.
– Ơ Tú An. – Mai Chi ngạc nhiên thấy Tú An đi cạnh Anh Quân.
Tú An cũng giật mình không kém khi thấy cô bạn thân gọi tên mình. Anh thích thú nhìn vẻ mặt căng thẳng của nó mà quên mất cả Bảo Khánh đang đứng gần đó. Tú An nhìn thấy Mai Chi thì cũng nở một nụ cười theo thói quen.
– Chi..Chi à.
– Ố mày à? Ơ thầy Quân em chào thầy ạ.
Anh Quân mỉm cười gật đầu đáp lai câu chào của Mai Chi nhưng không nói gì, ánh mắt anh chuyển hướng về Bảo Khánh. Ánh mắt, nụ cười và cả cử chỉ ấy đều cho thấy rằng buổi gặp mặt ngày hôm nay hoàn toàn không phải là tình cờ. Anh nhét tay vào túi áo rồi lên tiếng.
– Hai chị em đi đâu thế này?
– Em với chị Khánh định đi chơi một lát định vào đây uống nước ạ, chị nhỉ. – Chi nói rồi quay sang Bảo Khánh đứng phía sau.
– Ừ. – Bảo Khánh cười hiền.
– Thầy cũng định vào đây ạ? – Mai Chi tiếp lời.
– Ừ. Nghe nói chỗ này cũng được. – Anh thản nhiên.
– Tao vừa đến đang chuẩn bị vào. – Tú An cũng vội hòa mình vào câu chuyện. – Chỗ này hồi lớp 9 tao hay đến ý. Mày quên rồi à?
– À ừ nhỉ, bảo sao thấy quen quen. Tại chị Khánh bảo là hôm nay chị sẽ cho tao gặp bạn trai cũ của chị ý, cái anh mà trong quyển nhật ký ấy. Đang đi thì chị bảo khát nên rủ vào đây uống nước rồi đi tiếp. Háo hức ghê.
Anh Quân nghe thấy Mai Chi nói thế thì cười khẩy, nụ cười ấy dập tắt nụ cười trên gương mặt xinh xắn của Bảo Khánh. Mai Chi còn mải nói chuyện với Tú An nên cũng không để ý đến điệu bộ vừa rồi của Anh Quân, Tú An cũng bận trả lời cô bạn nên cũng không để ý gì đến hai người kia, mà thật sự thì nó cũng không muốn để ý làm gì cho thêm buồn lòng.
– Em định lôi cả em gái mình vào à? – Anh Quân nói nhỏ nhưng dung lượng đủ để Bảo Khánh nghe thấy. – Em không thấy hơi ngớ ngẩn sao? Lôi con bé Mai Chi vào thì giúp được gì?
– Vậy là anh thừa nhận anh thích con bé An? Nếu thật là như thế thì anh nghĩ sao, Chi và An là hai đứa bạn thân, hơn nữa chắc anh cũng biết là chúng nó chơi với nhau từ hồi nhỏ, từ hồi chúng ta còn ở bên nhau cơ. Chúng nó đọc trộm nhật ký của em. Anh thử nghĩ xem Tú An của anh nó có biết về chuyện giữa em và anh ngày trước không? Nó học lớp 11, cũng đủ để biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Nhất là khi Mai Chi và nó lại là bạn thân, nhất là khi ngày trước mấy cô nhóc này lại có xu hướng “thần tượng” chuyện tình cảm của em và anh.
Đắng! Đó là từ duy nhất anh cảm nhận được lúc này. Thử hỏi có chuyện nào hư cấu hơn chuyện của anh không. Anh cảm thầy tức giận, bao nhiêu ngôn từ trong đầu anh chợt bay biến đi đâu mất chỉ còn đọng lại có vài ba từ để nói với Bảo Khánh.
– Mặt em dày vậy?
Cô giật mình nhìn anh. Câu nói này thật sự đụng chạm đến lòng tự ái của cô. Tức tối, xấu hổ, Bảo Khánh gọi Mai Chi đang đứng tán phét với Tú An, cô nói rằng cô có việc bận và phải quay về. Tú An ngơ ngác nhìn biểu cảm trên khuôn mặt của Bảo Khánh và Anh Quân, một đằng thì mang đầy vẻ căm uất còn một đằng thì xám xịt lại. Nó không dám hỏi gì hết mà chỉ lặng lẽ ôm hộp màu đi lên trước bỏ lại Anh Quân đứng một mình trước cửa. Kinh nghiệm xương máu mà nó rút ra là khi Anh Quân mặt mày xám ngoét, tốt nhất là nên tránh xa.
Anh Quân đương nhiên là không vui rồi. Anh đang suy nghĩ về Bảo Khánh, tại sao hồi đó cô đột ngột nói chia tay rồi bây giờ bất giác quay lại nói những lời yêu đương này với anh? Không lẽ tình cảm của cô có thể gắn công tắc, khi bật thì yêu còn khi tắt thì có thể nói lời chia tay một cách bình thản? Đừng nực cười vậy chứ. Anh cũng có cảm xúc kia mà, hành động của Bảo Khánh chỉ làm anh cảm thấy khó có thể chấp nhận được. Người con gái anh đã yêu chân thành bây giờ lại quay ra dùng thủ đoạn để có được tình cảm của anh. Định mệnh sao lại trớ trêu thế, trớ trêu tới mức anh lại thích học trò của mình thay vì người con gái ấy. Chưa bao giờ anh nghĩ chuyện này sẽ xảy ra bởi anh luôn nghĩ mình sẽ chỉ có thể yêu Bảo Khánh chứ không phải ai khác, nhưng hiện tại thì có vẻ như cái điều đó là không thể rồi, anh yêu Tú An.
Ngay sau khi con bé vừa lên nhà anh cũng bước theo nó. Nó nói rất ít, suốt cả buổi hầu như chẳng nói câu nào mà chỉ toàn chăm chăm ăn cho nhanh, ăn xong nó mang bát ra bồn rửa rồi xin phép xuống dưới nhà. Anh kéo nó lên gác bằng cách lôi Nheo ra dụ dỗ. Tú An vừa nhìn thấy con mèo thì nở một nụ cười rồi cúi xuống bế mèo con. Nó quay lại nhìn anh, đôi mắt ráo hoảnh, cái miệng xinh lại bắt đầu làm trò cưng nựng con mèo.
– Em bế Nheo lên gác nhé?
Anh nhìn nó rồi gật đầu mỉm cười. Tú An hớn hở bế Nhiu lên sân thượng, nó ngồi ở thềm cửa nhìn ra sân vườn của anh còn anh thì ngồi trong phòng piano nhìn ra chỗ nó. Nó đặt con mèo béo vào lòng rồi tựa mình vào tường. Những ngón tay thon dài vuốt ve mèo con, bóng dáng nhỏ bé ngồi gọn một bên cửa, ánh mắt mơ màng nhìn lên phía bầu trời rộng lớn. Nó hay cười nhưng nụ cười của nó bao nhiêu phần trăm là thật?
“Em là cô gái hay cười
Giữ nguyên trong mắt khoảng trời buồn tênh…”
Nắng tháng một mong manh quá, cái màu vàng mong manh ấy không thể xua hết đi sự buốt giá trong từng cơn gió thổi, cũng không thể sưởi ấm đáy mắt nó. Anh thấy nó rùng mình khi mỗi lần cây lá ngoài trời rung rinh, thấy ánh mắt nó sâu hơn những nỗi buồn. Anh muốn gọi nó vào nhà nhưng lại không muốn phá bĩnh thế giới yên bình của nó. Anh hiểu rằng hiện tại, đối với nó thế giới chỉ có nó, con mèo béo ị, khoảng sân vườn ấy và bầu trời phía trên cao. Anh cũng muốn trở thành một phần trong thế giới đó nhưng anh sợ, anh sợ mỗi bước chân của mình vào thế giới đó anh sẽ lại làm đôi mắt đó buồn thêm một chút. An vui vẻ là thế, lạc quan là thế nhưng lại cũng có phút đắm mình với những suy tư.
“Này cô bé, em buồn gì mà nhiều thế?”
Anh đã muốn hỏi nó câu hỏi ấy nhưng nghĩ rồi lại thôi. Lòng tự cao của anh nó thực sự rất đáng ghét, nó khiến anh làm những điều-không-nên-làm và để tuột mất cơ hội để làm những điều-nên-làm. Anh lôi điện thoại ra và “tách” một cái, hình ảnh này đã được ai đó cất gọn gàng vào trong mục ảnh của máy điện thoại.
Hiện tại, nó ngồi một chỗ nhìn về phía bầu trời của nó còn anh ngồi một góc nhìn về phía nó. Cả nó và anh, cả hai cùng suy nghĩ về những điều chẳng liên quan đến nhau. Với khoảng cách như vậy anh cảm thấy sợ, chênh vênh và trống trải hơn bao giờ hết. Anh sợ nó sẽ xa anh, sợ một ngày nào đó khi Tú An trưởng thành, khi suy nghĩ của nó chệch sang một hướng khác, nó sẽ rời xa anh. Dù biết là thế nhưng anh lại chẳng biết phải làm thế nào, mọi việc đã vượt quá xa khỏi tưởng tượng của anh và anh chẳng biết phải làm thế nào.
Quay vào với những phím đàn piano , anh muốn tạm thời quên đi những âu lo đang hiện hữu, anh muốn tạm thời cất đi hình bóng bé nhỏ đang ngồi ôm một con mèo béo ngồi ngoài kia. Một lần nữa căn phòng piano lại ngập tràn những nốt nhạc…
“Tôi thì thế nào cũng được nhưng tôi muốn em hãy luôn là em, nhởn nhơ, bướng bỉnh. Sống với mục đích của mình, sống với niềm đam mê và biến những giấc mơ của em trở thành hiện thực….”
Lúc anh mải mê với thế giới của mình thì cũng là lúc Tú An bế Nheo béo bước vào phòng. Thực ra nó đang mải suy nghĩ vớ vẩn về những chuyện không đâu. Nào là Nheo béo như thế này thì ôm thích lắm, nó nặng thế này thì là do lông hay do nó béo nhỉ, con mèo này có “ị đùn” không, trời hôm nay lạnh quá, có nắng nhưng vẫn lạnh… Trước những khi xuất hiện những suy nghĩ dở hơi ấy nó đã nghĩ về Anh Quân. Nó nghĩ về cái cảm giác ngốc xít của nó, nghĩ về anh, nghĩ về Bảo Khánh, nghĩ về Mai Chi, nghĩ về Linh Trang và tất cả bạn bè của nó, chúng nó sẽ phản ứng thế nào nếu như biết rằng nó thích Anh Quân? Rồi thì hôm nay nó cũng rất cuống khi bắt gặp Mai Chi, nó sẽ phải giải thích thế nào đây? Tú An không muốn nói dối nhưng nếu không nói khác đi thì người khác sẽ nhìn nó như thế nào đây? Rồi cả anh nữa, nếu anh biết nó thích anh thì anh sẽ nhìn nó như thế nào đây?
Tú An lại tự làm khó mình bằng những câu hỏi không có lời giải đáp. Rốt cục cũng vẫn là tự quay lại làm khó mình. Nó thở dài, Nheo béo liếm liếm đầu ngón tay nó như để an ủi rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tú An mỉm cười ôm chặt mèo con tội nghiệp. Một cơn gió lại thổi ngang qua khiến nó rùng mình. Nó nghe thấy tiếng đàn piano vang lên ở gian phòng trong. Tú An ôm mèo con đứng dậy rồi nhón chân đi vào phòng piano, Anh Quân ngồi đó, đôi bàn tay lướt nhanh trên mặt đàn. Thấy anh đang say sưa nó cũng không nỡ cắt đứt dòng cảm hứng. Tú An bế Nheo đứng gọn vào một góc nghe Anh Quân đàn còn anh thì vẫn mải mê cho đến nốt nhạc cuối cùng.
– Nhìn gì thế? – Anh Quân giật mình nhận ra Tú An đã vào phòng từ lúc nào.
– À.. không. Tại em thấy nghe cũng…ổn nên chăm chú quá thôi. Bài này là bài gì ạ?
– Tôi tự nghĩ đấy.
Tú An à một tiếng rồi cũng không nói gì. Anh cũng không nhận ra là mình lại vô tình viết thêm một bản nhạc nữa. Chỉ là mỗi một phút trôi qua thì trong đầu anh lại là một giai điệu khác nhau, đó có thể là những bản nhạc mà anh đã từng nghe qua hoặc những giai điệu quen thuộc mà anh mơ hồ nghe thấy khi đang ngủ, anh lắp ráp chúng lại với nhau và tạo thành một bài nhạc mới. Người đầu tiên nghe nó là Tú An.
– Hay. – Con bé ôm con mèo tẩn ngẩn một lúc rồi mới thốt được một câu. – Bài này tên gì thế ạ?
– Tôi cũng chưa biết. Aye thì sao?
– Aye? Mãi mãi ý ạ? Sao không đặt là forever ạ? Forever cũng có nghĩa là mãi mãi.
– Nhưng có bài tên Forever rồi, tôi không thích bị trùng.
– As Ever cũng được mà?
– Bài nhạc của tôi hay của em?
– Dạ của thầy ạ.
– Thế ai đặt tên?
– Em chỉ gợi ý thôi mà. Tại em thấy nếu đặt là “Aye” thì nó cụt lủn sao sao.
– Kệ tôi.
– Vâng kệ thầy.
Mặt Tú An tỏ vẻ bất lực khiến anh bật cười. Thực ra anh cũng phải công nhận cái tên “Aye” nó cụt lủn thật nhưng cái lí do anh đặt tên như thế cũng liên quan tới hoàn cảnh anh viết xong bài nhạc này lắm chứ. Vì hình ảnh nhỏ bé của con nhóc nào đó cứ lởn vởn trong đầu anh lúc anh cố gắng tập trung, hơn nữa con bé đó cũng là ngươi đầu tiên nghe bản nhạc này, cũng chính là người mà anh muốn tặng bản nhạc này. Nó dây mơ rễ má thế đấy. Còn nữa, cái tên “Aye” hiểu theo nghĩa tiếng anh thì là “mãi mãi” nhưng nếu theo tiếng Việt thì sẽ là chữ viết tắt của ba chữ “anh yêu em”, cũng ý nghĩa phết. Đó là lí do tại sao anh lại nhất quyết lấy tên bài nhạc này cụt lủn như thế nhưng mà cô ngốc kia quá tự ti về bản thân để có thể nhận ra được ý nghĩa sâu xa của cái tên ấy mà với lại “ngốc” mà, ngốc thì sao mà hiểu được chứ.
Anh bắt nó lấy giấy bút ra để chép lại bản nhạc ấy, nó tròn mắt nhìn anh nhưng rồi cũng đặt Nheo xuống đất rồi đi tìm giấy bút. Nó ngồi cạnh anh, cặm cụi chép từng nốt nhạc lên khuông đã có sẵn. Sau mỗi lần chép được một khuông thì anh lại dạy nó chơi một đoạn, chẳng mấy chốc mà nó đánh hoàn chỉnh được cả bài.
Căn phòng rộng chỉ có một cái piano, có hai con người ngồi cùng nhau trên một chiếc ghế, họ chơi cùng một bản nhạc, suy nghĩ về cùng một bài nhạc. Bằng cách nào đó mà hai thế giới của hai con người khác nhau cũng hòa vào một bản nhạc. Thế giới của Tú An có chính nó, con mèo béo, sân vườn và bầu trời xanh giờ lại có thêm những giai điệu lôi cuốn cùng một người con trai xuất hiện. Người đó có một đôi mắt nâu trong veo khiến nó phải ghen tị, người đó có một bờ vai mà nó muốn được tựa vào. Còn thế giới của Anh Quân không chỉ đơn thuần là anh và những nốt nhạc, thế giới của anh giờ có thêm một “nó” ngồi bên cạnh, có cả vạt nắng mong manh ngoài sân, có cả bầu trời cao vút. Còn con mèo béo thì leo được lên nóc đàn rồi nằm phơi bụng ở đó, đôi mắt lim dim, sợi râu khẽ rung rung, đôi lúc lại kêu “nheo” một tiếng như muốn góp phần vào bản nhạc đó. Mèo béo ạ, mày không chen vào được đâu!
…
Tối nay Anh Quân được nghỉ nên anh muốn đưa Tú An đi chơi, anh muốn bù cho nó hôm Noel và bù lại cả những buổi anh vô tình bắt nó phải chờ đợi. Anh đến nhà Tú An với lí do là mẹ sai mang đồ sang cho bác gái. Mẹ nó tươi cười mời anh vào chơi nhưng anh chỉ cười rồi xin phép về luôn. Trước khi về anh còn không quên xin phép bác gái cho Tú An sang nhà anh buổi tối hôm nay, anh định sửa sang lại quán cafe và anh muốn tham khảo ý kiến của nó.
3h chiều, những giọt mưa bắt đầu rơi. Tú An ngồi trong thư viện cũng bắt đầu chịu nhấc mình khỏi cái ghế, nó ôm cả chồng sách mà nó vừa mượn cách đây 2 tiếng đồng hồ trở lại giá sách, đặt từng quyển lại đúng vị trí. Việc ngồi ì một chỗ nhiều tiếng đồng hồ liền khiến cho người nó mỏi rã rời, bình thường thì nó sẽ còn đi la cà nhiều nơi nhưng hôm nay với cái vai mỏi chân đau này thì nó chỉ muốn về nhà, ăn cơm tối, tắm nước nóng rồi lăn ra ngủ sớm cho khỏe. Cuối cùng sau một hồi đi lòng vòng nó đã sẵn sàng để rời khỏi thư viện, nó nhìn lên đồng hồ rồi nhìn ra phía ngoài trời. Mưa tháng một trời vừa lạnh vừa buốt. Anh Quân chẳng mất nhiều thời gian để nhìn thấy bóng hình gầy gò đang co ro nép trong lớp áo dày để tránh cái lạnh cắt da cắt thịt. Còn Tú An nhìn thấy Anh Quân xuất hiện thì hết sức kinh ngạc. Anh nhìn nó, rồi nhìn thấy trên tay nó là đôi găng tay anh tặng thì dường như anh chẳng còn thấy lạnh nhiều như trước nữa.
– Lạnh không? – Anh tiến đến trước mặt con bé đang đứng như trời trồng nhìn anh.
Nó gật gật, vẫn mắt chữ o mồm chữ a nhìn anh ngạc nhiên không thốt nên lời.
– Tối nay đi chơi không? Tôi đang rảnh.
– Em không rảnh lắm. – Nó hơi ỉu xìu.
– Bận gì à?
– Em bận ngủ.
– Từ khi nào em ham ngủ hơn ham chơi thế?
Tú An không nói gì chỉ nhành mép cười.
– Thế là không đi chứ gì? Buồn thế, đang có chỗ này hay mà không đi, tiếc thật – Anh quay lưng về phía nó, giọng bâng quơ.
Tú An cúi đầu cắn cắn móng tay lưỡng lự.
– Thế có đi không? – Anh hỏi lại.
Tú An nhìn anh dè chừng rồi gật gật. Nó cười toe rồi chạy nhanh lên phía trước, vừa đi vừa hít hà ra những làn khói mỏng. Anh đưa nó đi ăn, cứ thấy cái gì lạ lạ mắt là con bé dở hơi đó đòi thử cho bằng được. Đến khi ních một bụng đầy thức ăn nó mới chịu đi chậm lại. Anh lại đưa nó đến trung tâm giải trí của thành phố, nhìn con bé hớn hở chạy lăng xăng như đứa trẻ con khiến anh cũng vui lây. Tú An và Anh Quân chơi hết trò này đến trò khác. Cuối cùng, đến trò mà Tú An mê nhất, trò gắp gấu bông, cái trò mà nó không bao giờ chơi được.
– Thầ.. à… anh anh… chơi đi. – Nó kéo tay anh chỉ chỉ vào cái máy gắp.
– Em đi mà chơi. Tôi không chơi.
– Chơi cho em đi.
– Tôi đâu có thích mấy cái này.
– Đi mà. – Nó nhìn anh bằng ánh mắt cún con.
– Không. – Anh quay đi để tránh cái ánh mắt đó.
– Đi mà òaaa….òaaa…
Tú An tự nhiên rống cái mồm lên khóc khiến bao nhiêu người đi qua chú ý. Tất cả mọi người đi qua đi lại chỗ máy gắp thú cũng đều phải ngoái lại nhìn một con bé đang gào mồm lên, khóc mà chẳng có giọt nước mắt nào rơi cả, và một chàng trai đang cố gắng bịt mồm cô bé đó lại. Ai đi qua cũng đều nghĩ họ là một cặp.
– Thôi được rồi được rồi. Tôi gắp cho em là được chứ gì.
Con bé ngay lập tức tươi cười, nó nhe răng nhìn anh đang cau mày nhìn cái máy gắp thú bông.
– Sao em không tự chơi đi?
– Em gắp toàn rơi.
– Dốt. Có con gấu mà không gắp được. – Anh châm chọc.
– Anh giỏi vào mà chơi.
– Xời, quá dễ. Cái trò này chỉ ai thiểu năng não phẳng mới không chơi được.
Nó cong cớn nhìn anh rồi lầm bầm mấy câu vô nghĩa.
– Thế thích con nào? – Anh hỏi.
– Con kia kìa. – Nó chỉ vào con gấu bông nhỏ nhỏ mặc đồ cô dâu hết sức đáng yêu với khăn trùm đầu màu trắng, váy trắng và những bông hoa vải nhỏ li ti cài ở sau tai.
Sau một hồi vật vã Anh Quân cứ gắp con gấu lên thì nó lại rơi xuống, cái đám gấu bông đó như đang cười vào cái mặt anh vậy. Đúng là bẽ mặt mà, anh bực bội buông vài câu chửi thề rồi quay sang gắt con bé đang chán nản ngồi chơi game trên điện thoại.
– Này không vào kia mua một con được à?
– Không. – Tú An mắt vẫn không rời khỏi màn hình điện thoại đáp lại Anh Quân một cách không thương tiếc. – Ai não phẳng thiểu năng không chơi được cái trò này thì mới phải vào đó mua.
Anh vừa tức vừa buồn cười, cái này gọi là gì nhỉ, à, cay cú. Anh tiếp tục quay vào với cái máy gắp chết tiệt. Tú An chơi chán chê thì lại đứng dậy nhìn anh đang cật lực gắp con gấu cho mình, vừa nhìn anh nó vừa cười một cách “thung thướng”.
Anh Quân cuối cùng cũng gắp được vào chân con gấu bông chết tiệt đó, anh hạnh phúc, sung sướng, cảm giác gắp được trúng con gấu đó cực kì cực kì thỏa mãn. Giờ thì anh chỉ còn việc đưa cái gắp kia thả con gấu vào cái ô hình vuông để lấy được con gấu đó rồi cả đời này anh thề sẽ không lại gần mấy cái trò gắp ghiếc này nữa. Nhưng lúc ấy, cái con bé ngốc bên cạnh đã chạm phải cái điều khiển cần gạt, con gấu bông cô dâu rơi trở lại với đống thú trong máy gắp. Anh Quân đờ người nhìn Tú An còn nó thì nói với giọng tỉnh bơ.
– Em xin lỗi nhưng em không muốn lấy con gấu đó nữa. Em muốn lấy con thỏ kia cơ.
– ….. – Anh Quân, bình tĩnh nào Anh Quân, bình tĩnh, chúng ta phải bình tĩnh.
Anh Quân mặt đen xì nhìn con thỏ có chiếc nơ thở ở cổ với đôi tai dài, mặc chiếc áo kẻ caro ở giữa đống lổn ngổn gấu với thỏ mà không thốt nên lời. Giờ có ai muốn biết trò chơi mà anh thích nhất không? Gì cũng được trừ gắp thú bông.
Sau một nửa tiếng đồng hồ thì Tú An cũng có được cái mà nó muốn. Con bé hớn ha hớn hở ôm con thỏ bông, vừa đi vừa ngân nga vài câu hát. Nó hít một hơi thật sâu rồi thở mạnh, làn sương mờ đục bay lên rồi tan vào không trung, trời lại lây phây vài hạt mưa khiến thời tiết càng thêm phần buốt lạnh. Anh nhìn nó vô tư ôm con thỏ thì bỗng nhiên thắc mắc.
– Tại sao em lại không lấy con gấu kia nữa?
– Tại em không thích nữa. Hì hì. – Nó trả lời qua loa.
– Đồ dở hơi, bao nhiêu công sức của tôi đổ xuống sông xuống bể chỉ vì một cái gạt của em đấy.
– Em xin lỗi. Thực ra tại em nghĩ cô dâu thì cần có chú rể, gắp được cô dâu rồi thì để chú rể bơ vơ à. Thế là em lấy con khác.
– Chỉ vì muốn có cả 2 con mà em bỏ? Em có thể bảo tôi gắp cả hai con cho em mà.
– Trời ơi nhìn cái mặt thầy lúc đấy kiểu chỉ gắp một con thôi cũng đủ để thầy đập cả cái máy đó ra rồi ấy.
Nghe nó nói xong anh cũng chỉ cười. Công nhận là lúc ấy anh chỉ muốn phá tan cái máy ấy ra. Một cơn gió thổi qua, nó đang đi thì dừng khựng lại rồi co rúm người. Anh Quân khoác vai nó đi tiếp rồi hỏi.
– Thế nào, giờ thì còn thích mưa nữa không hả.
– Vẫn thích.
– Cãi cùn thật.
– Em chạm được vào mưa nhưng không thể đem nắng cất vào hộp. Mưa thì ban đêm cũng có thể rơi nhưng nắng thì em chỉ có thể thấy lúc ban ngày. Nắng sẽ bỏ em một mình, còn em thì không thích một mình.
– Đồ ngốc. Nắng ấm, còn mưa lạnh. Mưa làm em lạnh em vẫn thích à?
– Kệ em.
– Đồ dở hơi. – Anh nói nhỏ.
– Có thầy dở hơi ý. – Nó gào rõ to rồi lườm anh một cái thật lâu.
Anh vẫn đi, vừa đi vừa cười. Một làn khói trắng bay nhẹ rồi tan ra trong những giọt mưa lạnh buốt. Đây không phải mưa đầu mùa nhưng từ cơn mưa này mà một mùa mới sắp bắt đầu, từ con mưa này anh mới biết anh yêu nó nhiều như thế nào. Một nó bướng bỉnh, một nó trầm lặng, một nó hay cười, chỉ cần nó là nó, sống thật với bản thân, thế là đủ.
Chương 25: MẮC KẸT
Những ngày cuối năm dường như trôi nhanh hơn một chút, nhưng như thế không có nghĩa là không khí lớp học sẽ sôi động hay náo nhiệt gì gì đó. Tết sắp đến, là học sinh thì chẳng đứa nào có tâm trạng học hành, đầu óc bây giờ chỉ toàn tính toán xem tết này đi chơi đâu, tóc tai thế nào, mua đồ gì để diện tết ..bla…bla…bla… Tâm lí học sinh thế đấy nhưng nhà trường nào có thấu hiểu, mặc dù học sinh thì chán nản với đống kiến thức khó nhai nhưng một đống kiểm tra thì cứ dồn tới tấp, học sinh đã oải lại càng oải hơn. Thôi được rồi, thực ra là tôi thấy oải. Tại sao tôi lại thấy thế ư? Lí do thì như đã nêu ở trên cộng thêm cái đống bài tập cao chót vót mà Anh Quân dùng để “trói” tôi ở một góc phòng anh, đến bộ trưởng bộ giáo dục trông thấy còn ngán chứ đừng nói gì tôi. Lại nhắc Anh Quân, tôi lại nhớ tới hôm anh đưa tôi đi chơi. Lúc về đến cửa nhà, tôi chào tạm biệt anh rồi sau đó định quay vào nhà thì anh đã kịp nắm lấy cổ tay kéo tôi quay lại. Bất giác tôi thấy cổ, hai má và hai tai mình nóng lên, tim đập nhanh hơn, tôi có nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình qua đôi mắt trong veo của Anh Quân. Phải mất mấy giây tôi mới thấy anh trầm giọng nói.
– Chốc nữa vào nếu mẹ em có hỏi thì bảo là em sang nhà tôi để giúp một tay nhớ chưa.
– Tại sao ạ?
– Nếu em còn muốn được đi chơi thì cứ thế mà làm, đừng hỏi nhiều.
– À… em biết rồi nhớ… – Tôi khẽ à lên.
– À với ồ cái gì đồ dốt, thế có muốn đi chơi nữa không?
– Nếu đi nữa thì thầy lại gắp thú bông cho em nhớ?
– Em mơ à. Hôm nay là tôi đền cho hôm Noel thôi, liệu mà học hành cho tốt vào. Mà hôm nọ tôi ngó sổ điểm của thầy Tuấn rồi, môn vật lý của em dạo này tệ hại quá đấy nhé. Bây giờ các tối lại sang nhà tôi kèm cho, biết chưa.
– Ơ…ơ..
– Ơ với ờ cái gì, tôi nói rồi đấy, kệ em.
Và đó là toàn bộ lí do để tôi ngồi ở đây còn anh thì ngồi ở bàn làm việc, nghe tai phone với vẻ mặt khoái chí ngồi đọc báo. Ôi cái sự học đời tôi…
Tôi tính tính toán toán cặm cụi nháp lên nháp xuống rồi lại gạch gạch tẩy tẩy, khổ cực như thế mà con mèo béo không thương thì thôi mà lại còn nhảy vào chen ngang. Nheo từ đâu chạy vào nhảy tót lên đùi Anh Quân rồi nằm gọn trong đó, nghêu ngao vài tiếng rồi trèo phắt qua chỗ tôi ở góc phòng, con mèo béo nghịch ngợm, vờn vờn mép giấy rồi thừa lúc tôi đang mải mê với đống từ trường cảm ứng gì gì đó mà cào nát tờ bài làm của tôi không thương tiếc.
– Giời ơiiiii – Tôi gào lên – Con lợn nàyyyyy
– Nó là mèo! – Anh Quân bình thản.
– Mèo gì mà ngu như lợn, đã thế còn hay phá hoại nữa.
– Mèo của tôi để em mắng nhiếc thế hả?
– Là em tìm thấy nó chứ.
– Thế bây giờ ai mới là người bỏ công ra nuôi nó hả? – Anh vẫn ung dung nhìn vào màn hình.
Tôi cứng họng, ôm cả cục tức lườm con mèo rồi chỉ tay ra cửa, miệng nói thật nhỏ để anh không nghe thấy.
– Biến. – Tôi trừng mắt với con mèo thì thầm.
Nhưng nó không biết sợ là gì, như thể hành động của tôi là đang trêu đùa nó vậy. Con mèo béo vểnh hai bên ria mép ngửa mặt ưỡn ngực lượn qua lượn lại trước mặt tôi một cách kiêu hãnh rồi sau đó hếch cái mông lượn ra phía ngoài cửa, mặt vẫn ngoái về phía tôi để trêu tức. Nó vẫn hếch cái mặt lên trông rất đáng ghét và rồi đập mặt vào cửa, khiến cho cánh cửa đang mở toang hơi khép lại, để lộ một mảng tường phía sau. Tôi thấy con mèo đáng ghét đó bị đập mặt thì cười hả hê rồi ngay sau đó bản thân mình cũng đần mặt ra khi nhìn thấy bức tường phía đằng sau cánh cửa. Bức tường đó dán đầy những mảnh giấy nhớ, những mẩu giấy xanh xanh hồng hồng chi chít chữ dán đầy trên tường. Tôi cứ tưởng anh phải gỡ hết những mẩu giấy đó xuống nhưng anh không làm thế mà hình như anh còn dán thêm lên đó. Là những lịch báo giảng, là những kiến thức mà tôi còn thiếu sót, là những điều tôi chưa được học.
– Em cứ tưởng thầy bóc hết ra rồi chứ.
– Gì cơ?
Lúc bấy giờ anh mới gỡ tai nghe mà quay lại chỗ tôi đang đứng, đôi lông mày hơi nhướn lên, đáy mắt có chút xao động.
– Bóc ra thì sẽ phải sơn lại tường. Thôi khỏi bóc đi. – Anh trở lại trạng thái bình thản rồi đứng dậy đi về phía sau cánh cửa. – Mấy cái đó cũng có ích đấy chứ mà em ra kia học tiếp đi.
Nhảm nhí nhưng tôi thấy vui. Ít ra thì anh cũng không nói tôi là ngốc hay gì gì đó đại loại như thế, quan trọng hơn là anh đã không gỡ chúng xuống mặc dù cái lí do của anh là “không muốn sơn lại tường”. Tôi tủm tỉm, ngoan ngoãn quay vào làm bài tập.
Ngồi được một lúc nhưng tôi không tài nào có thể tập trung được với cái đống chữ ngổn ngang này. Nhìn bâng quơ ánh mắt tôi lại vô thức hướng về phía anh đang ngồi. Từ chỗ anh đến chỗ tôi cách có khoảng năm bước chân nhưng tôi lại không dám vượt qua năm bước chân đó để đến bên cạnh anh, tôi hoàn toàn không có lí do để làm vậy. Đã có một khoảnh khắc tôi suýt chút nữa nói ra tất cả, suýt chút nữa tôi đã nói với anh rằng tôi thích anh, thích nhiều lắm nhưng rồi không biết rằng may hay rủi khi mà tôi định làm điều dại dột đó thì Bảo Khánh xuất hiện. Tôi như một quả bóng bị xì hơi, xẹp lép và hụt hẫng nằm một góc. Phù hợp với anh có lẽ là một thế giới hào nhoáng, phù hợp để đứng bên cạnh anh có lẽ là một người con gái hoàn mĩ như Bảo Khánh. Đã từng có lần tôi ước mình đừng có gặp anh, tôi ước năm học lớp 10 mình không dại dột dây dưa với Mai Hương hôm ở phòng tin để nó ngứa mắt phá tan tành đôi giày của tôi, báo hại tôi đúng hôm hết giày, tôi cũng ước giá mà chiều hôm đó tôi lại không mua giày ở cái shop gần nhà đó, tôi cũng ước anh không mua tranh với tôi cái đôi giày màu tím than với những viên ngọc lấp lánh đính ở mũi giày hôm ấy, như vậy tôi sẽ không có ấn tượng gì với anh, như vậy anh cũng sẽ chỉ là một người thầy bình thường của tôi. Nếu vậy chắc chẳng có gì xảy ra, chắc tôi sẽ không thích anh nhiều đến vậy, sẽ không mắc kẹt trong chính những cảm xúc mông lung hỗn độn của mình, cảm giác như tôi đang mắc kẹt trong chính đôi giày ấy, mắc kẹt với chính tình cảm này.
Tôi ngồi bần thần nghĩ ngợi thì tiếng chuông điện thoại kêu “Ting” một tiếng.
“Tao Hạ đây, đống cọ vẽ hôm nọ mày vứt đâu rồi?”
Tôi nhắn một cái tin nhanh và ngắn gọn gửi cho nó.
“Trên nóc tủ. Sắp tết rồi mà vẫn học à?”
Tôi chẳng cần đợi lâu để nhận lại tin nhắn của nó.
“Đang vẽ dở nên vẽ nốt thôi. Hoàn thành những việc dang dở trước khi sang năm mới. Giống khi yêu ý, đó là một điều kiện cần và đủ. Nghe lởm vãiiii.X-D ”
– Làm cái gì thế? – Anh Quân nghe thấy tiếng điện thoại thì quay lại kiểm tra. – Tôi bắt em làm bài chứ bảo em ngồi nhắn tin à?
– Thầy ơi, điều kiện cần và đủ nghĩa là sao ạ?
– Sao hỏi tôi, sao tôi biết được. Mà bắt em học lý tự nhiên em hỏi cái gì ở đâu đâu ấy là sao?
– Tại em tự nhiên thắc mắc.
Vừa nói cái mặt tôi vừa xị ra như cái bánh bao. Anh thở dài một cái rồi lắc đầu, chầm chậm nói.
– Điều kiện cần là điều kiện mà nếu nó không được thực hiện thì điều khẳng định đã cho chắc chắn là không đúng còn điều kiện đủ là điều kiện mà từ đó có thể suy ra điều khẳng định đã cho.
– Là sao ạ? – Mặt tôi có vẻ đần.
– Nôm na thế này nhé, nói”Con chó có 4 chân” là đúng, trong toán học gọi câu nói đó là Mệnh đề thuận, như vậy con chó dứt khoát phải có 4 chân, con nào có 2 chân, 3 chân, túm lại số chân không phải là 4 thì chắc chắn không phải là con chó. Phần này em hiểu không?
Tôi gật đầu cái rụp, anh cũng gật đầu rồi tiếp tục.
– Vậy thì điều kiện cần để một con vật được gọi là con chó thì phải có 4 chân.Ngược lại bây giờ có một con có 4 chân rồi thì đó có phải là con chó không? Câu trả lời là chưa chắc vì mới chỉ có 4 chân thôi thì chưa ĐỦ. Muốn là con chó phải thỏa mãn thêm điều kiện: có đuôi, biết cắn người, ăn được nữa mới là con chó được. Đó là các điều kiện đủ. Hiểu chưa?
– Chắc là rồi ạ.
– Vậy thì làm bài tiếp đi, đừng tốn thời gian vì những câu hỏi không đâu nữa.
– Nhưng mà em mệt lắm. Bài thầy cho nhiều quá em làm phát mệt.
– Tôi giao là để em làm chứ để em càu nhàu hả? – Anh Quân chống nạnh vẻ “đanh đá” lên tiếng nạt nộ.
– Tại vừa khó vừa nhiều mà cũng sát tết rồi làm gì còn ai có tâm trạng học hành gì chứ.
– Ai bảo em học tụt dốc, em mà không tụt dốc tôi cũng chẳng tốn thời gian bắt em làm cái đống này làm gì, xong đã thế còn tốn bao nhiêu thời gian vàng ngọc của tôi nữa, em nghĩ tôi rảnh chắc?
– Thời gian của thầy là vàng ngọc còn của em là sỏi đá chắc.
– A giỏi nhỉ bây giờ còn dám cãi lại tôi nữa, lâu rồi không ăn đòn nên nhờn đúng không hả?
Anh cúi xuống dùng hai nắm tay ép chặt vào hai bên thái dương khiến tôi kêu oai oái còn tôi thì ra sức dùng tay kéo hai tay anh ra khỏi cái đầu đáng thương của mình. Đúng lúc đó ở phía ngoài cánh cửa ra vào là Bảo Khánh với ánh mắt bất ngờ. Tôi bất động còn Anh Quân thì đứng thằng người, nụ cười đùa vui khi nãy cũng dần tan biến sạch. Dường như hiểu ra ẩn ý sâu xa trong ánh mắt của Anh Quân Bảo Khánh chậm rãi nói.
– Ở trường hôm nay họp bàn về chương trình chào xuân, đây là nội dung mà thầy tổng phụ trách nhờ em chuyển cho anh.
– Được nhờ hay là xung phong?
Bảo Khánh mím môi không nói lời nào nhưng cũng không có ý định rời đi. Tôi, cái đứa ít hiểu chuyện nhất căn phòng này bắt đầu cảm thấy không khí trong phòng dần trở nên gượng gạo thì không chịu được, khẽ lên tiếng.
– Em xin phép xuống kia một lát.
Nói rồi tôi chuồn ngay tức khắc. Nghĩ đến việc Bảo Khánh và Anh Quân cũng nhau bàn chuyện tôi lại có chút tự ti. Đã có đôi lúc tôi hoang tưởng rằng có lẽ anh cũng có chút gì đó gọi là thích tôi nhưng rồi khi thấy anh và Bảo Khánh ở cạnh nhau tôi lại cảm thấy muốn tự cười vào mặt mình. Tựa như tôi không nên, à không, phải là không bao giờ nên có những suy nghĩ tương tự vậy, thật là ngốc nghếch, thật hão huyền. Thật là buồn cười khi có những trường hợp ngang trái như vậy, thật khiến con người ta cảm thấy hổ thẹn. Liệu đó có phải điều kiện cần và đủ để tạo nên một cuộc sống? Con mèo béo vài phút trước còn làm bộ chảnh chọe giờ đã nhảy tót vào lòng tôi ngồi. Một cơn gió thoáng qua, tôi rùng mình, cảm giác như mùa đông chưa thực sự đến mà mùa xuân đã vội vã về.
Suốt những ngày nối theo sau đó trong lòng tôi chỉ toàn là những chán nản và thiếu tự tin về bản thân. Ở trường, mọi người đều đang chuẩn bị cho chương trình chào xuân gì gì đó sắp tới, là một cuộc thi tài năng nhỏ do cả trường bình chọn và có vả sự góp vui của các thầy cô trong trường. Có người bảo tôi tham gia nhưng nghĩ lại thì tôi cũng không hứng thú và cũng chẳng có ý định tham gia. Không phải tôi ghét bỏ piano hay chán ngán mấy cái hoạt động trường, chỉ vì tôi không đủ tự tin để đứng trên sân khấu đó và tôi biết chắc rằng đa số mọi người sẽ không để ý, không quan tâm đến một bản piano dù nó có hay như thế nào, sâu sắc như thế nào đi chăng nữa. Tôi không oán trách, đơn giản vì piano là một loại hình âm nhạc rất kén người nghe, không phải ai cũng nhận thấy cái hay, cái đẹp của một bản đàn. Tôi cũng yêu piano nhiều lắm chứ nhưng chỉ sau cái bút chì mà thôi, ngẫm lâu thêm một chút nữa thì có lẽ sau cả anh nữa.
Tôi đeo tai nghe, bật volum thật to. Trong lúc mọi người ở trường bận rộn, người thì tập luyện để đi thi bóng rổ, người chăm chú học để thi đội tuyển, người thì lại chăm chỉ tập luyện cho cuộc thi sắp tới thì tôi lại ở một chỗ cách đó khá xa, đứng mân mê bên giá vẽ với cây bút chì và cục tẩy, thế giới của tôi hiện giờ chỉ có bút chì, bảng vẽ, mẫu vật, cục tẩy và những giai điệu ngân vang đều đều trong tai nghe. Hôm nay mẫu vẽ của tôi là một đầu tượng thạch cao, bức tượng đó có khuôn mặt rất giống Anh Quân, chỉ khác mỗi đôi môi và cả đôi mắt, khiến tôi mân mê dựng hình suốt cả buổi. Đây có lẽ là bức hình họa lâu nhất mà tôi từng dựng hình. Cũng gần nghỉ tết nên lớp học vẽ hôm nay khá vắng vẻ, chị Trúc thì xin phép nghỉ tết sớm vì gia đình chị sẽ đi du lịch trong kì nghỉ tết, Hạ thì đang ngồi lướt facebook cho dù cái bài màu của nó suốt từ tuần nào rồi mà đến hôm nay mà vẫn chưa hoàn thiện xong, lũ trẻ con cũng nghỉ một nửa, không gian phòng học hôm nay yên ắng hơn mọi ngày. Thấy tôi mãi mà vẫn không xong được nổi phần dựng hình thì nó bắt đầu quan tâm.
– Có mỗi cái đầu mà nãy giờ chưa xong hả bà nội?
– … – Tôi đeo tai nghe nên chẳng nghe thấy gì, vẫn tiếp tục miệt mài.
– Ê con điên.
– …
Hạ đá vào chân tôi đau điếng, suýt chút thì ngã nhào vào giá vẽ.
– Gì thế? – Tôi gắt
– Ai bảo gọi không nghe, mày làm cái quái gì lâu thế? Tượng đẹp trai quá vẽ không nổi à?
– À… – Tôi à một câu rồi ngây người ra nhìn về phía bức tượng. Đẹp? Ờ thì cũng có đẹp nhưng không có đôi mắt giống đôi mắt mà tôi yêu nên bức tượng này sẽ chỉ hơi đẹp mà thôi.
– Mày đang “cảm nắng” thằng cha nào à? – Hạ hỏi bất ngờ.
– Gì cơ? -Tôi có tật nên đã giật mình.
– Tao hỏi là mày mê thằng nào rồi à? Nãy giờ cứ à với ơ, ngơ ngơ ngác ngác trông chán đếch tả nổi.
– Trông tao giống như đang yêu lắm à? – Tôi ngây thơ hỏi lại.
– Mặc xác mày, qua đây tao hỏi này. – Hạ nhìn tôi bằng ánh mắt không quan tâm rồi chìa ra cái điện thoại. – Có cuộc thi này hay lắm này mày ơi, tham gia không?
Tôi dí mặt vào cái điện thoại của nó đọc lướt qua. Đó là một cuộc thi sáng tạo tìm kiếm tài năng, được tài trợ bởi một trường đại học nghệ thuật của Anh quốc với giải nhất là một khóa học trong nước nhằm nâng cao kỹ năng vẽ, giải nhì là một chiếc cúp lưu niệm và 50 triệu đồng tiền mặt, giải ba là 25 triệu đồng. Cuộc thi được áp dụng cho toàn bộ học sinh sinh viên tại Việt Nam, cho những ai có nguyện vọng tham gia cuộc thi gửi bào thi của mình về địa chỉ email phía dưới. Hạn nộp bài thi là tháng 3, cuối tháng 3 ban tổ chức sẽ công bố kết quả. Đọc qua một lượt tôi chẹp chẹp miệng vài cái rồi quay trở lại vị trí.
– Tao không tham gia đâu, bao người cũng tham gia, chắc quái gì mình đã đạt giải. Còn chưa kể chỉ có hơn một tháng nữa thôi là hết xừ nó hạn nộp bài rồi. Thôi thôi, dẹp dẹp đi, mày đi thi thì thi còn tao xin kiếu.
Hạ nhìn tôi một cái rồi làm mặt trêu chọc vẻ khinh thường. Tôi cũng không quan tâm đến việc đó lắm, hiện tại tôi chỉ nghĩ đến đôi mắt anh, màu nâu, trong veo, một đôi mắt đẹp khiến người ta có phần ganh tị. Và thế là buổi tối hôm đó sau khi ăn cơm tối tôi giam mình trong phòng chỉ để ngồi phác họa lại đôi mắt ấy nhưng năm lần bảy lượt cái “đống” mà tôi vẽ ra thường lại không phải đôi mắt của anh. Sau ba tiếng đồng hồ vật vã tôi bỏ cuộc, ném bút ném tẩy ở đó ôm laptop ngồi online facebook. Tôi ấn chuột vào bảng trò chuyện xem có những ai đang online, cái nick mà tôi quan tâm không có đèn màu xanh, à hôm nay anh có lớp dạy thêm ở trung tâm. Ngồi thêm một lúc tôi log out rồi đi ngủ sớm. Đêm hôm đó tôi đã mơ một giấc mơ, mộng mị và đáng sợ. Lúc thức dậy tôi chẳng còn nhớ gì hết, chỉ thấy mồ hôi rịn trên trán và cơ thể không ngừng run rẩy.
Tôi đến trường, bạt và phông nền đã được căng lên, mọi người đều rất hào hứng còn tôi chỉ thấy bình thường. Tôi nhìn thấy Anh Quân đang đi, trên tay anh là một tờ giấy, tôi đoán đó chắc hẳn là lời bài hát mà Bảo Khánh nhắc đến hôm trước, anh sẽ góp vào chương trình một tiết mục chào đón năm mới. Vẫn là dáng vẻ lạnh lùng quen thuộc tạo cho người ta một sự xa cách nhất định nhưng cũng là một chút gì đó thân thiện khiến cho người khác muốn lại gần. Biết rằng người đó khó gần những vẫn muốn tiến gần đến, đó có phải là ngu ngốc không?
Tôi ngây ra nhìn anh một lúc rồi nhanh chóng bước đi ngay khi thấy Bảo Khánh ở phía xa đang gần tiến về phía anh. Không hiểu sao nhưng cứ khi nào nhìn thấy hai người họ ở cạnh nhau là tôi lại cảm thấy bản thân mình không tự nhiên, cứ gượng gạo thế nào ấy. Suốt cả ngày hôm ấy tôi chỉ toàn thấy người ta nôn nóng cho cái chương trình sắp diễn ra. Cảm giác người ta thì hào hứng còn mình thì chẳng mấy quan tâm nó rất bình thản. Nhìn người ta vội vội vàng vàng còn mình thì yên vị ngồi một xó với quyển sách trong tay tôi cảm thấy bản thân mình mờ nhạt hơn rất nhiều. Khoảng một năm trước tôi cũng là cái đứa hớt ha hớt hải chạy qua chạy lại giống như bao người kia, vừa tập đàn cùng Duy Khang lại vừa chuẩn bị gian hàng cùng với lớp để kịp tiến độ cho hội chợ, tôi nhớ chứ, cái cảm giác ấy mệt ghê gớm, mệt tới mức chỉ cần tìm được một chỗ nào đó là có thể lăn quay ra ngủ như chết, bù lại là những trận cười bể bụng, là những kỉ niệm vui vẻ của thời học sinh. Nhưng năm nay lại không vậy, năm nay tôi chấp nhận làm một người không liên quan, chấp nhận làm một con người nhạt nhẽo. Tôi chỉ cảm giác mình mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi. Tôi sống như người già vậy. Chỉ trong thời gian một năm thôi mà con người ta có thể thay đổi nhiều đến vậy.
Ngay cả các giáo viên bộ môn cũng không chịu nổi “nhiệt” của không khí tết và sự náo nhiệt phía bên ngoài sân trường mà cho lớp ngồi chơi. Ngay cả giáo viên cũng chẳng còn thiết tha giảng dạy thì làm sao có thể trách đám học sinh chúng tôi lười nhác bê tha học hành. Thực ra thì tết đến, ngày nghỉ cận kề, chẳng ai còn tâm trạng làm việc, nhất là khi các cửa hàng đang thi nhau giảm giá xả hàng cuối năm ào ạt, nhà cửa bộn bề chưa ai có thời gian để dọn dẹp đón tết, rồi thì còn một đống việc không tên cần giải quyết và có cả những lịch hẹn tụ tập với bạn bè nữa, ai cũng vậy thôi. Tôi ngồi trong lớp nhìn chúng nó mà không khỏi cảm thấy chạnh lòng, cảm giác mọi thứ chẳng còn hoàn hảo như trước, những người bạn mà tôi coi như gia đình ấy hóa ra cũng có lúc tồn tại một thứ khoảng cách xa xôi đến vậy.
Hết giờ, bác bảo vệ lại làm cái công việc huy hoàng của mình, đó là vác cái dùi và đánh trống. Giống như một loại phản xạ vô điều kiện, đồng thời với tiếng trống vừa vang lên là tiếng hò reo vui thích của học sinh từ các lớp. Kế tiếp đó là dòng người đông đúc ùa ra từ phía các lớp học, đổ dồn về phía sân trường, nơi buổi tổng duyện sắp diễn ra. Chỉ cần đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy anh đang đứng sau cánh gà với thầy Tùng dạy thể dục. Tôi do dự đứng lại một lúc rồi đi về phía cổng trường, hoàn toàn không có ý định ở lại để xem buổi tổng duyệt này.
Con đường từ chỗ tôi đứng về phía cánh cổng cũng không đông cho lắm, tôi có thể dễ dàng đi về mà không phải chen lấn hay chờ đợi dòng người nhích từng bước một. Đa số học sinh đã đứng vây kín sân khấu, đi về như tôi cũng chỉ có tầm vài chục người chứ không đông như mọi ngày. Vừa đi tôi vừa nghĩ, có phải là tôi đang “già” đi không? Không phải về hình thức, tôi cảm giác mình cằn cỗi từ trong tâm hồn, cảm thấy muốn khóc vì những chuyện gần đây, cảm thấy áp lực, cảm thấy rất tiêu cực, cảm thấy mệt mỏi. Nếu là tôi của những ngày xưa đó thì chắc chắn nơi tôi đang đứng hiện tại sẽ là ở cõỗ kia, cái chỗ mà người ta đang kéo nhau đến chứ không phải là cánh cổng trường. Ngày trước tôi đã ao ước được một lần thấy anh trổ tài trên sân khấu, bây giờ có thể nói là điều ước của tôi đã trở thành sự thật nhưng tôi lại lựa chọn không nhìn cảnh tượng ấy. Tôi sợ nhìn thấy người đứng cạnh anh là Bảo Khánh, sợ cách anh nhìn chị ấy và cũng sợ cái cách chị ấy quan tâm anh, nói chuyện với anh. Chung quy cũng chỉ tại tôi sợ anh sẽ phát hiện ra tình cảm thật sự của mình, tôi sợ anh sẽ phát hiện ra tiếng nói của con tim, đó là Bảo Khánh. Chính vì vậy nên tôi không muốn nghe, cũng không muốn nhìn gì hết. Tôi vẫn muốn đắm mình vào những ảo tưởng ngọt ngào mà tôi tự vẽ ra cho dù tôi nghĩ mình đã biết trước được sự thật bi thảm của cái tình cảm đơn phương này.
Tôi đi, như một con người bình thường, bên ngoài thì bình thản còn bên trong thì nặng nề. Chiếc điện thoại đang phát bài nhạc yêu thích mà tôi cái riêng cho Anh Quân bỗng rung lên, màn hình nhấp nháy hai chữ “anh thầy”.
– Alô? – Tôi hẵng giọng, bước chân chậm lại.
– Đến sau canh gà đi – Anh cố gắng nói to, phía bên kia đầu dây rất ồn.
– Em đang đi về rồi.
– Quay lại. – Anh nói ngắn gọn.
– Nhưng mà em sắp về đến…
– Em còn chưa ra đến cổng trường, quay lại. – Anh chặn lời rồi dập máy.
Tôi quay đầu về phía sân khấu, thấy anh đứng lấp ló, tay nhét túi quần, ánh mắt đang hướng về phía tôi. Tôi vẫn giữ chiếc điện trong tay, mắt vẫn hướng về phía anh nhưng chân thì tiến về phía cổng trường. Do khoảng cách quá xa cộng thêm đám học sinh đứng đầy xung quanh khiến tôi không thể nhìn thấy được nét biểu cảm trên khuôn mặt anh. Tôi chỉ thấy anh rút điện thoại lên, vài giây sau là chiếc điện thoại trong tay tôi rung lên bần bật.
– Tôi đùa với em đấy à? Nhanh lên, thầy tổng phụ trách muốn gặp em.
Chẳng để cho tôi kịp mở miệng anh đã dập máy rồi đi về phía sau sân khấu chỗ tôi không thể thấy. Tôi đeo lại cặp, bàn chân thay vì bước ra cổng trường giờ quay lại phía sân khấu. Đúng là như đùa nhau, dù thế nào thì tôi vẫn phải tiến về cái chỗ đông đúc này. Và nơi đông đúc ấy có anh.
Sau một hồi xô đẩy chen lấn đến bẹp ruột tôi cũng đến được sau cánh gà. Đi thêm vài bước ra đến dãy hành làng tôi thấy anh đang nói gì đó với thầy tổng phụ trách. Thầy tổng phụ trách béo ị với cái đầu hói vẻ mặt đăm chiêu suy xét nhưng nét mặt thì thoáng có nụ cười, còn Anh Quân thì khỏi phải nói, nụ cười của anh mang vẻ quyết đoán và rất chắc chắn về điều mà anh đang nói. Cứ nhìn thấy nụ cười ấy là tôi lại cảm thấy hơi lạnh sống lưng.
Tôi đứng ở một góc khuất nhìn hai người đó nói chuyện với nhau một cách thận trọng và e dè, một nửa tôi muốn đi về, nửa còn lại thì rất sợ sẽ bị anh “xử lí” vì làm trái lệnh. Đang lúc không biết phải làm thế nào thì một giọng nói trong trẻo vang lên khiến tôi giật mình.
– Sao lại đứng đây thế này? – Bảo Khánh choàng một chiếc áo len màu ghi, nghiêng đầu nhìn tôi. Công nhận chị đẹp thật.
– À…. em…thầy tổng phụ trách gọi em nhưng em thấy thầy ấy và thầy Quân đang bàn chuyện nên chưa ra đấy ạ.
– Ra là thế, em cứ ra đấy đi, không sao đâu. Để chị đi cùng em.
Bảo Khánh cười hiền rồi choàng vai đẩy tôi về phía hai ông thầy đang bàn chuyện. Tôi cảm thấy chân tay mình cứng đờ và thừa thãi, cảm giác không thoải mái và cũng rất mất tự nhiên và nụ cười của Bảo Khánh, tôi chẳng thấy nụ cười ấy thân thiện chút nào.
– Chắc thầy tổng phụ trách muốn nhờ em làm gì thôi. À mà tối mai nhớ cổ vũ chị nhé, mai chị cũng phải góp một tiết mục văn nghệ, nhưng chị hát dở tệ à, thế nên mai cổ vũ chị nha.
Bảo Khánh nói nhanh, tôi chưa kịp trả lời thì cả hai chị em đã đến chỗ Anh Quân và thầy tổng phụ trách.
– A Tú Anh đây rồi. – Thầy tổng phụ trách nhìn thấy tôi thì à lên một tiếng đầy chờ đợi.
– Là Tú An ạ. – Tôi lễ phép chỉnh lại.
– À à, xin lỗi em nhé, già rồi nên lẫn thế đấy ha ha ha. – Thầy tổng phụ trách nghe xong thì cười lớn. Anh Quân cũng cười, một cái cười nhẹ tênh rồi dần trở thành mỉa mai khi ánh mắt anh rơi trên cánh tay đang choàng qua vai tôi của Bảo Khánh.
– Con bé thấy hai thầy đang bàn chuyện say sưa quá nên không dám chen ngang, em đi tiện đường thì đi cùng em ấy thôi. – Bảo Khánh lên tiếng giải thích.
– Cũng đâu có ai hỏi. – Anh Quân bình thản nói nhưng ẩn sâu bên trong cái “bình thản” ấy lại là một chút gì đó lành lạnh.
Bảo Khánh thoáng nhìn anh rồi xin phép đi ngay. Ba thầy trò chúng tôi đứng ở hành lang bắt đầu vào chủ đề chính, chẳng là thầy tổng phụ trách muốn tôi chơi đàn piano vào tối ngày mai bởi dù sao tôi cũng đã từng đi thi đoạt giải về cho trường nên thầy muốn tôi góp chút công sức vào buổi văn nghệ ngày mai. Tôi dám cá là vụ này có cả Anh Quân nhúng tay vào.
– Nhưng mà thế có gấp gáp quá không ạ? Tại vì tối mai là đến chương trình của trường rồi mà em thì vẫn chưa tập luyện, cũng chưa biết chương trình mai thế nào, làm sao mà em tham gia được ạ.
– Không sao, thầy đã bàn với thầy Quân đây rồi. Thầy ấy sẽ phổ biến lại mọi thứ cho em về chương trình ngày mai bao gồm giờ giấc, thứ tự các tiết mục và chủ đề của ngày mai. Thầy nghĩ rằng em cũng khá thành thạo về vấn đề này cho nên việc tập luyện và chọn bài thì chắc chỉ trong một buổi sáng là xong, còn chưa kể buổi chiều nay nữa.
– Nhưng mà….
– Còn chưa kể thầy Quân đang kiến nghị hay là em đệm đàn cho phần tiết mục của thầy ấy đây này. Thôi chốt hạ thế nhé. Bây giờh hai thầy trò tự tập luyện đi nhé. Tú An sẽ có một tiết mục đệm đàn piano cho thầy Quân và một tiết mục solo nhé. Mà cái solo em chọn một bài nhạc trẻ nào đấy chứ không cần mấy bài đi thi đâu. Thôi thế nhé, tiến hành luôn đi, thầy còn bao nhiêu việc nữa.
Nói xong thầy đi thẳng, để lại mỗi tôi và Anh Quân đứng trơ chọi ở hành lang. Anh đề nghị vào phòng truyền thống để tập luyện ngay và đương nhiên là tôi không được phép từ chối. Bài mà anh sẽ hát vào tối mai có tên gốc là ” ’O sole mio”, một bài hát của xứ Napoli, miền Nam Italia và bản tiếng Anh có tên là “There’s no tomorrow”. Anh vứt cho tôi bản sheet, bắt tôi ngồi nghe rồi tập một dạo rồi sau đó mới ghép nhạc.
– Thầy có chắc là thầy muốn hát bài này không ạ? – Tôi nhìn anh với ánh mắt e ngại. – Bài này khá cao, quãng ngân cũng khá dài.
– Tôi đâu có nói là tôi sẽ hát giống như mấy bản đấy đâu. Hạ thấp tông xuống một chút, không cần phiêu nên cứ cho nó cao vừa vừa thôi.
Anh Quân vừa nói vừa cười, nụ cười tươi rói không chút phiền muộn. Tôi thích anh cười như thế này hơn là nụ cười ban nãy. Nụ cười ấy gần gũi và ấm áp hơn nhiều.
Tôi mải miết tập trung vào các phím đàn nhưng tâm trí đôi lúc vẫn lửng lơ treo xung quanh anh thầy đang ngồi cạnh tôi. Giọng anh ấm dù không được khỏe và cao như ca sĩ nhưng đối với người bình thường thì có lẽ như thế là hay rồi nhưng nãy tới giờ anh cứ cố tình hát sai để rồi cả hai lại phải quay lại từ mốc xuất phát. Đúng một tiếng đồng hồ trôi qua và chúng tôi chẳng tập được cái quái gì cả. Tôi chán nản gục đầu xuống bàn phím tạo nên một tiếng “pưng” ghê rợn.
– Giật cả mình. – Anh Quân quay sang lườm tôi.
– Em chịu. – Tôi giơ tay ý đầu hàng. – Em bỏ cuộc. Thầy tự đàn nhé, em mệt lắm rồi.
– Thôi được rồi, vậy chúng ta nghỉ một lát nhé. Đây là các tiết mục ngày mai, chỗ mũi tên này là chuyển tiết mục, những chỗ màu vàng và màu xanh là các mục đang xem xét.
– Thế tại sao không cho cùng một màu luôn ạ?
– Bút hết mực, thông cảm. – Anh cụt lủn. – Còn đây, chỗ màu đỏ mà bị gạch này là các tiết mục bị bỏ còn màu hồng này là các phần bị thay. Tôi vừa bàn bạc với thầy tổng phụ trách xong đấy.
Tôi cầm tờ giấy đọc lướt lướt qua một hồi. Phần piano của tôi xếp đầu tiên trong các tiết mục của học sinh còn phần đệm đàn cho bài hát của Anh Quân là phần thứ năm trong phần của các giáo viên. Tóm lại là cái bảng phân công đó rất loằng ngoằng, tôi nhìn mà muốn nhức cả mắt. Tôi chỉ định nhìn xem phần tiết mục của mình nó nằm chỗ nào lúc mấy giờ rồi gập lại trả anh nhưng rồi cái màu hồng đậm lại thu hút ánh nhìn của tôi. Người ta nói quả thật không sai, cấu tạo của mắt là để phát hiện ra những thứ đặc biệt nổi bật , ví dụ như cái màu để tô vào những phần tiết mục bị thay thế lại được dùng để tô đè lên phần có chữ Bảo Khánh. Tôi còn chưa kịp nhìn xem tiết mục của Bảo Khánh là bài hát gì, hát cùng ai thì Anh Quân đã đưa tay ra cầm lấy tờ giấy rồi cất đi. Tôi vẫn ngơ ngác nhìn theo tờ giấy phân công, não tôi vẫn đang loading một đống thắc mắc. Anh Quân thấy tôi đần ra một lúc thì gõ nhẹ vào trán tôi bằng một tờ giấy.
– Thôi nghiêm túc nào. Em xem kĩ bản nhạc này đi, đây mới là bài mà chúng ta cần tập luyện. Tập cho kĩ nhé tôi đi xuống canteen một lát đã.
=”= Đùa nhau à •_• Thế nãy giờ anh bắt tôi ngồi đây làm cái trò gì thế hả _ _” Thật tức điên mà. Đáng lẽ giờ này tôi có thể ở nhà ngồi vào bàn ăn và vui vẻ với bữa trưa của mình thế mà hiện tại tôi vẫn dính chặt mông ở cái chỗ quái thai này, tập riết một bản nhạc với một lão dở hơi xong đùng một cái lão ta lại bảo rằng bài cần tập luyện không phải là cái bài đó và tôi bằng một cách nào đó lại phải làm lại từ con số 0. =’=
Tôi ép mình ngồi xem qua bài hát đó một chút, đang xem dở thì tôi sực nhớ chưa báo cho mẹ rằng trưa nay tôi về muộn và thế là tôi lại lóc cóc lôi điện thoại ra báo tin cho mẹ. Lúc tôi cất điện thoại cũng là lúc Anh Quân quay lại, trên tay anh một bên là một hộp bánh, bên còn lại là một cốc cafe và một cốc trà sữa kèm theo một nụ cười tươi rói.
– Tập xong rồi ăn.
Mọi bực dọc của tôi chợt nhiên bay biến đi đâu mất bởi nụ cười đó. Thật là mất mặt, mất mặt quá đi mất.
Tôi như con rùa rụt cổ, ngoan ngoãn làm theo, không cãi một câu. Còn anh thì chốc chốc lại mỉm cười. Tập luyện xong cho phần của anh tôi lại quay ra tập cho tiết mục của tôi. Chọn đại một bài nào đó đang có vẻ hot hot rồi tập theo, thế là xong. Nghe có vẻ đơn giản nhưng toàn bộ công việc đó ngốn hết bao nhiêu thời gian và công sức của tôi. Trong khoảng thời gian luyện tập, hầu hết Anh Quân đều có mặt bên cạnh giám sát để góp ý và chỉnh sửa giúp tôi nhưng đôi lúc có việc anh vẫn phải chạy đi. Cứ chạy qua chạy lại như thế giữa thời tiết lạnh thế này mà trán anh vẫn lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Có một cảm giác gì đó và thế là tôi lại nỗ lực tập luyện, cảm thấy như chỉ vì tôi nên anh mới phải vất vả chạy qua chạy lại như vậy. Nghĩ thế nên tôi đẩy nhanh tiến độ tập của mình lên để có thể hoàn thành sớm hơn. Tập xong tôi chạy đi tìm thầy tổng phụ trách trao đổi một chút, đợi thầy duyệt xong tôi xin phép ra về, Anh Quân cũng không nói gì chỉ mỉm cười gật đầu rồi lại đi làm việc.
Hôm sau cả trường tôi náo nhiệt còn hơn cả hôm qua. Buổi sáng hầu như chẳng còn ai ngồi yên trong lớp để học hành gì nữa, học sinh đứa nào đứa đấy tụm năm tụm ba nói chuyện rôm rả, cười nói không ngớt, các giáo viên cũng chẳng còn ở yên trong lớp để quản lí học sinh nữa, mỗi thầy cô mỗi người một việc. Ngay cả mấy bà giáo khó tính nhạt nhẽo ở văn phòng còn phấn khởi tươi cười đi ra đi vào thì làm gì còn ai đủ kiên nhẫn mà ngồi yên một chỗ, nhồi kiến thức vào đầu được nữa chứ. Ngồi thêm một lúc bác bảo vệ đánh trống và chúng tôi lại lục đục kéo nhau về. Chung quy buổi sáng hôm nay đi học cũng chỉ là để lấy lệ mà thôi.
Tầm chiều tối sân trường lại được lấp đầy bởi hàng trăm học sinh xúng xính trong những bộ áo váy bắt mắt, ai cũng có chung một tâm trạng đó là háo hức, háo hức để ngắm các trai xinh gái đẹp của trường, háo hức chờ đợi xem có ai đó để ý đến mình hay không. Những dịp như thế này ở trường tôi có thể coi là dịp để mình phô bày vẻ đẹp của bản thân và là cơ hội để thoát khỏi kiếp FA. Mọi người thì háo hức còn tôi thì bình thản đứng giữa đám bạn cười cười nói nói ầm cả một góc. Dương Thùy từ đằng sau chạy tới khoác vai tôi thân thiết.
– Ây yaaa tưởng không đi? – Thùy chớp chớp mắt. Hôm nay nó mặc một chiếc váy kẻ ngang tới đầu gối, cổ váy và thắt lưng được trang trí bằng những họa tiết bắt mắt trông vô cùng trẻ trung.
– Ờ bị ép đi. – Tôi cười ngờ nghệch.
– Tí mày lên kia đúng không, mà sao không mặc váy? Lần cuối mày mặc váy là bao giờ thế?
– Chắc là từ khi hết lớp 4? – Tôi nhún vai nhìn xuống chiếc áo len thụng dài ngang đùi cùng chiếc quần đen của mình. Rất rất nhiều năm nay rồi tôi chưa chui vào bất kì bộ váy nào cả. Mà nhắc đến váy tôi lại nhớ đến chiếc váy mà bác Lân, mẹ Anh Quân mua tặng tôi từ sinh nhật năm ngoái, chiếc váy rất đẹp nhưng cũng bị tôi xếp xó.
Thùy lắc đầu chán nản rồi tất cả chúng tôi lại cùng góp tiếng cười của mình vào mấy câu chuyện hài tếu táo của mấy thằng con trai. Khi chương trình chính thức bắt đầu thì tôi cũng không được ở lại chung với đám bạn nữa mà thay vào đó là lui vào sau cánh gà để chuẩn bị. Tôi nhìn thấy thằng nhóc Minh Hoàng đang ngồi chỉnh lại dây của đàn guitar, thằng nhóc bây giờ là chân chạy vặt của câu lạc bộ, nó nhiệt tình nhưng không sức để trở thành chủ tịch câu lạc bộ. Nó vẫy tôi rồi lại cắm cúi vặn vặn chỉnh chỉnh. Động tác và vẻ mặt của nó khiến tôi nhớ tới một người khác nữa cũng chơi guitar, là Duy Khang. Tôi bất chượt nghĩ đến anh như một lẽ tự nhiên khi nhìn thấy cây đàn guitar. Không biết giờ này anh ra sao, sống có tốt không, có còn nhớ về những chuyện xưa cũ hay không. Nghĩ đến Khang tôi chỉ thấy bản thân mình thật tội lỗi và vô tâm.
Đang thở dài buồn bã thì tôi bị cái nhìn của Bảo Khánh làm cho tỉnh cả người. Tôi không hiểu nổi cái nhìn đó có thể gọi như thế nào nữa, cảm giác gay gắt mà cũng lạnh lẽo pha chút gì đó bực bội. Tôi lại ngơ ra trong chốc lát. Cái nhìn đầy rắc rối đó là sao? Tôi cứ ngẩn ra cho đến khi có người vỗ vào vai nhắc tôi rằng đến phần tôi phải lên sân khấu rồi.
Xong tiết mục của mình tôi vẫn chưa được về mà phải ở lại đợi đến phần của Anh Quân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh ở trên sân khấu nhưng lần này tôi không những được nhìn mà còn được đứng chung với anh trên đó. Mấy đứa “hâm mộ” anh thì có vẻ rấ ganh tị với tôi, cảm giác như lúc biểu diễn chúng nó dám chạy lên đẩy tôi xuống khỏi sân khấu lắm chứ. Nghĩ đến đây mà tôi nổi cả da gà.
Minh Hoàng vừa khép lại tiết mục của nó cũng như một loạt tiết mục của học sinh. MC lên giới thiệu gì gì đó, một trang vỗ tay ròn rã vang lên sau khi MC vừa dứt lời còn tôi thì cũng không để ý cho lắm bởi Minh Hoàng từ sân khấu đi xuống đã bám lấy tôi nói chuyện.
– Em cứ nghĩ chị sẽ không tham gia cơ đấy. Có phải chị có ý định quay lại câu lạc bộ không?
– Chắc không. Sắp hết 11 rồi, năm sau lên 12 bận nhiều lắm làm sao mà gánh nổi ba cái trò hoạt động thế này chứ. Cái này cũng alf lệnh từ thầy tổng phụ trách thôi, lệnh từ “cấp trên” nên mới bắt buộc phải làm thôi chứ không thì tối nay chị đã ở nhà ngủ sớm rồi.
– Em cứ nghĩ là chị sẽ quay lại cơ. Kiểu tại vì em chỉ quý mỗi chị cả anh Duy Khang. Anh Duy Khang đi rồi giờ còn mỗi chị trong cái câu lạc bộ đấy là em quý xong giờ chị cũng đi nốt chẳng ai dạy piano cho em nữa.
– Câu lạc bộ cũng nhiều đứa giỏi lắm mà, cái Linh 10A2 chẳng hạn, hay là thằng Bách 10A11 cũng được mà, nếu không thì Minh Ngọc 11A7 chị thấy chúng nó cũng được mà.
– Uể oải lắm chị ạ, chẳng có tinh thần gì đâu, tập chán, hoạt động cũng chán xong chẳng bao giờ đông đủ. Tưởng có chuyện gì không họp được đã đành đằng này mấy ông bà toàn trốn về sớm cho nhanh xong đùn đẩy công việc. Nói chung là chán lắm.
Hoàng vừa nói vừa lắc đầu nhăn mặt lè lưỡi, vẻ mặt của nó rất biểu cảm, tay chân khua khoắng diễn tả độ suy sụp của cái câu lạc bộ để cho tôi hiểu. Tôi nghe xong mà cũng thấy nản theo. Câu lạc bộ âm nhạc đó là ước mơ của Duy Khang, nghe anh kể rằng anh đã phải năn nỉ ỉ ôi, chấp nhận làm culi cho thầy tổng phụ trách bao nhiêu lâu thì mới nhận được sự chấp thuận của thầy, nay cái câu lạc bộ trở nên mục rỗng như thế khiến cho tôi có cảm giác giống như mọi người đang cố đẩy tất cả công sức của Duy Khang xuống sông xuống bể bằng sự vô trách nhiệm của mình một cách không thương tiếc. Tôi vừa cảm thấy bực mình vừa cảm thấy buồn và có lỗi. Khang trước lúc đi có nói với tôi rằng nhờ tôi quản lí cái câu lạc bộ đó cho thật tốt, coi như là tôi giúp anh hoàn thành nốt ước mơ của một “thằng nhóc học sinh yêu âm nhạc” nhưng tôi thay vì tiếp tục quản lí câu lạc bộ thì lại rời bỏ nó không lâu sau khi anh đi du học. Liệu anh có tét tát mắng vào mặt tôi vì đã không giữ đúng lời hứa của mình?
– Tú An.
Bảo Khánh từ đâu chen ngang vào cuộc trò chuyện giữa tôi và Minh Hoàng. Chị mặc một chiếc váy suông màu thiên thanh nữ tính, nở một nụ cười dịu dàng nhìn tôi. Tôi nhìn chị từ đầu đến chân rồi chợt nhớ lại ánh mắt hung hãn lúc đầu mà cảm thấy có chút rối loạn.
– Dạ?
– Thầy Quân gọi em, thầy ấy muốn duyệt lại một lần nữa.
Tôi nhìn Bảo Khánh rồi nhìn Minh Hoàng. Thằng nhóc đưa tay ý muốn nói là “chị cứ đi đi” rồi mỉm cười. Tôi nhìn nó bằng anh mắt hối lỗi rồi đi cùng Bảo Khánh.
– Duyệt ở đâu hả chị?
– Ở phòng truyền thống.
Sau đó mọi thứ còn lại hcir là âm thanh phát ra từ loa ở trên sân khấu.
Ngoài sân trường náo nhiệt bao nhiêu thì ở chỗ phòng truyền thống im lặng bấy nhiêu, chỉ cần đóng cửa là chẳng nghe thấy gì nữa. Bảo Khánh dặn dò tôi đợi Anh Quân một lát, anh bận một lát rồi sẽ qua ngay rồi cũng quay lưng đi thẳng. Tôi ngồi một mình trong phòng truyền thống nhìn quanh quẩn, đến thời gian trôi đi qua từng chuyển động của kim giây trên đồng hồ treo tường. Chờ mãi chẳng thấy anh đâu, tôi sốt ruột lôi điện thoại ra, tìm tìm một lúc rồi ấn nút gọi. Tiếng tút ngân dài trong điện thoại như đang thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Đợi mãi anh cũng không bắt máy, tôi đứng ngồi không yên, nhìn lên đồng hồ cũng không thể biết được đã đến phần tiết mục của anh hay chưa. Tôi bất chấp đi thẳng ra sân khấu.
Phía dưới là cả một biển người còn trên sân khấu là Anh Quân đang song ca cùng Bảo Khánh. Theo tôi nhớ thì đây là tới lượt tôi đệm đàn cho anh cơ mà. Trong cái tờ phân công hôm nọ thì Anh Quân sẽ chỉ hát một bài thôi chứ. Làm sao…làm sao có thể…?
Tôi trân trối nhìn về phía sân khấu, có chút gì đó mà tôi không thể thốt lên được, có gì đó không cam tâm, có gì đó xuyên qua trái tim tôi. Một cảm giác hụt hẫng, một cảm giác nặng nề đè lên phía lồng ngực trái khiến tôi không thở được. Vậy là sao? Có phải là anh chọn Bảo Khánh? Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ khóc nhưng lúc này đây tôi có thể cảm nhận được khóe mắt mình ầng ậc nước. Tôi hít một hơi rồi chớp chớp mắt để những giọt nước mắt không có cơ hội rơi.
Tôi vẫn đứng đó nhìn về phía sân khấu. Ở chỗ tôi đứng tôi có thể nhìn thấy anh một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất nhưng tôi không dám chắc rằng anh cũng sẽ nhìn thấy tôi dễ dàng như cách tôi nhìn thấy anh. Có phải sẽ là như vậy, sẽ là tôi thì lúc nào cũng nhìn về phía anh còn anh thì có nhiều hướng để nhìn về? Liệu trong một giây phút nào đó của cuộc đời, anh vô tình nhìn về phía tôi không? Hay có bao giờ anh có ý định kiếm tìm tôi trong biển người nơi ấy? Tôi giống như một con cá nhỏ bơi trong cái bể kính của riêng mình. Hạnh phúc, tự do và luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ sẽ như thế cho đến mãi mãi sau này. Con cá nhỏ đang hạnh phúc với thế giới nhỏ của nó thì bỗng nhiên một ngày nọ một con cá khác xuất hiện trong bể, con cá đó nói rằng tất cả mọi thứ trong cái bể đó là của nó. Con cá mới khiến cá nhỏ cảm thấy tự ti về bản thân mình, khiến cá nhỏ cảm thấy nó giống như bị thả vào bồn cầu và đang phải gắng sức để đối chọi lại với xoáy nước của cái bồn cầu bẩn thỉu đó. Con cá nhỏ vùng vẫy, cố gắng để bơi ngược dòng nhưng rốt cục nó vẫn bị xoáy nước cuốn trôi. Một câu chuyện thật cảm động về con cá và cái bồn cầu.
Bài hát đang dần đi đến hồi kết thúc, học sinh rào rào vỗ tay. Anh Quân nắm tay Bảo Khánh cúi chào rồi sau đó cùng nhau bước xuống khỏi sân khấu. Họng tôi nghẹn đắng, khô khốc không nói nên lời. Mọi người vỗ tay rào rào, thằng cha MC lại vác cái micro nói nói gì đó mà tôi nghe không vào. Tôi cảm thấy mình giống như một nốt trầm trong bản nhạc toàn những nốt cao ấy. Có lẽ vì cao quá tôi với không nổi nên đã tự chọn cho mình một chỗ như thế. Tôi sợ mình sẽ hối hận vì sự lựa chọn ấy nhưng giờ thì tôi không biết nữa.
Tôi xong phần việc của tôi rồi, anh cũng đã xong tiết mục của mình, có lẽ công việc của tôi đến đây là chấm hết được rồi, tôi nên đi về thôi. Nghĩ ngợi tôi quay ra cổng rồi lại chạy đi tìm bọn bạn để bảo cho chúng nó rằng tôi chuẩn bị về. Hình như đây chỉ là một cái cớ, một cái cớ hoàn hảo để tôi có thể vô tình gặp được Anh Quân nhưng hình như có cố thì cũng chẳng thể tạo nên cái vô tình hiếm hoi ấy. Tôi đi vòng quanh trường mà chẳng tìm thấy anh ở đâu hết. Cho đến khi tôi đến được chỗ mà chúng nó đang ngồi thì tôi cũng chưa thấy anh đâu cả, cũng không thấy Bảo Khánh đâu hết. Chắc hai người họ đi với nhau. Thôi nào Tú An, thực tế đi.
– Tao á? Không sao. – Tôi chun mũi rồi cười híp mí tỏ vẻ mình ổn. Con người lạ lắm nhé, rõ ràng là rất buồn, rõ ràng cách đây mấy phút còn suýt nữa khóc, rõ ràng mọi thứ cứ như thể đang vỡ vụn ra, rõ ràng là đang rất không ổn, thế mà vẫn có thể trưng ra nụ cười tươi rói và tỏ vẻ như không có gì.
– Mà vừa nãy thầy Quân với chị Khánh lên hát đấy mày có thấy không? – Mai Chi hớn hở khoe với tôi.
– À, lúc đấy tào tháo đang đuổi tao nên tao không thấy. Ha ha ha. Chắc là hay lắm nhỉ. – Tôi nói như thật.
– Nhìn cũng đẹp đôi phết. – Dương Thùy lên tiếng.
– À…ừ… à mà tao về trước nhớ. Có việc bận. – Nụ cười của tôi trở nên thiếu tự nhiên hẳn.
– Nhưng mà mày bảo là tí đi chung với bọn tao mà?
– Tao xin lỗi nhưng việc đột xuất mày ạ. Thôi tao đi trước nhé.
Chúng nó nhìn tôi bằng ánh mắt tiếc nuối. Gần đây hiếm khi nào mà chúng tôi tụ họp được đông đủ như thế cho nên bây giờ đi về tôi cũng cảm thấy có phần tiếc nuối nhưng ở lại với một tâm trạng bất ổn định thế này thì tôi không nghĩ là mình có thể vui vẻ được. Bước thật nhanh về phía cổng, MC vẫn thao thao bất tuyệt dẫn chương trình còn tôi thì cố gắng bước đi thật nhanh. Cảm giác bước chậm một chút nữa thôi là tôi sẽ mắc kẹt trong mớ hỗn độn này.
– An.
Một giọng nói vang lên làm giảm tốc độ của tôi lại. Ngay khi giọng nói đó vừa cất lên là tôi đã biết rằng dù có bước nhanh hay chậm thì tôi vốn đã sớm mắc kẹt trong những thứ đau đầu như thế rồi. Anh Quân chậm rãi gọi tên tôi, khiến cho bước chân tôi chậm lại. Tôi bị phân tâm bởi tiếng nhạc phía bên trong sân trường cùng với tiếng gọi của anh nhưng rồi lại mau chóng bước tiếp. Thấy tôi không dừng lại sau tiếng gọi đó anh vẫn cố gắng gọi tên tôi.
– Tú An.
Tôi nhất quyết không dừng lại. Nói tôi bướng cũng được, nói tôi chảnh cũng không sao, mắng tôi điếc hay dọa dẫm tôi tôi cũng sẽ không dừng lại. Vì sao ư? Đơn giản là vì khi con người ta bị tổn thương thì họ sẽ chẳng còn quan tâm đến thứ gì khác ngoài vét thương của họ. Và tôi thì đang tổn thương đây.
Đi được một đoạn tôi quay lại nhìn, anh cũng quay lưng và đi về phía ngược lại. Bóng lưng anh xa dần cho đến khi anh quay vào trường. Ai cũng vậy cả thôi, ai làm mãi một việc thì cũng sẽ đều cảm thấy chán nản mà không muốn làm nữa, ngay cả níu kéo một người. Anh quay đi, có lẽ vì anh biết tôi sẽ không quay lại, có lẽ anh đã tìm được lối đi cho riêng mình. Còn tôi, tuy bàn chân vẫn bước đấy nhưng đi về đâu thì tôi cũng không rõ nữa. Bạn có thể hiểu nổi cảm giác bàn chân vẫn bước nhưng tâm trí thì mắc kẹt, bản thân thì phiêu du khắp mọi nơi còn trái tim thì bị kẹt lại giữa những ngã đường ngang dọc, giữa nhớ thương và từ bỏ, giữa một mớ bòng bong của cuộc đời. Cuộc đời tạo ra nhiều thắt nút để thử thách con người, còn tôi thì lại là một đứa rất kém trong việc gỡ rối, có lẽ chính vì thế mà tôi mới tiến thoái lưỡng nan như thế này, có lẽ vì thế nên tôi mới bị mắc kẹt trong chính tình cảm của mình. Ngay từ đầu, vẫn đều là do tôi đã tự chọn cho mình một con đường khó đi. Bởi tôi tưởng anh sẽ ở đó, sẽ giúp đỡ, sẽ giúp tôi đi hết con đường nhỏ ngõ hẹp ấy nhưng có vẻ tôi nhầm rồi.
Một buổi tối của một ngày cuối năm. Người người đi lại, xe cộ đông đúc, có tôi một mình mắc kẹt giữa bao nỗi niềm.