Trải qua bao nhiêu xuân đi thu đến, trước sau không thể đo đạc dặm đường hồng trần rốt cuộc còn bao xa. Khi bạn mệt mỏi cũng không thể dừng lại nghỉ ngơi, vì thời gian cứ luôn vội vã đuổi theo, từ bờ bên này đuổi sang bờ bên kia.
Trải qua bao nhiêu xuân đi thu đến, trước sau không thể đo đạc dặm đường hồng trần rốt cuộc còn bao xa. Khi bạn mệt mỏi cũng không thể dừng lại nghỉ ngơi, vì thời gian cứ luôn vội vã đuổi theo, từ bờ bên này đuổi sang bờ bên kia. Một ngày nọ bạn dừng bước, có nghĩa là hành trình sinh mệnh sắp sửa kết thúc, mà bạn cũng đã hoàn thành sứ mệnh sinh tồn của mình. Có những người chán ngán phàm trần, một lòng cầu dĩnh ngộ siêu thoát, làm một ngọn cỏ gốc cây yên tịnh trước Phật, thấm nhuộm linh tính của Thiền. Có những người lại nguyện ý rời xa cảnh Thiền, cam nguyện rơi vào lưới trần, lưu lạc nơi thời loạn lạc, sống tỉnh táo mà đau khổ.
Rốt cuộc cũng có người không tin, Tsangyang Gyatso có thể giữ được bình tĩnh khi đối mặt với phán quyết. Ngài chẳng phải là một vị tình tăng ư? Ngài đúng ra phải nhu nhược, e sợ hết thảy gió mưa rung chuyển trên đời, mọi tổn thương đối với Ngài sẽ là chí mệnh. Chúng ta vẫn tranh luận, những thứ Tsangyang Gyatso có được và mất đi, rốt cuộc thứ nào nhiều hơn, thứ nào ít hơn. Không ai có thể đưa ra một câu trả lời chính xác, vì theo đuổi và mộng tưởng của mỗi người khác nhau. Còn tôi tin chắc, đời này Tsangyang Gyatso đã được sống trong hạnh phúc, tuy tình yêu Ngài muốn không có kết quả, nhưng Ngài lại từng chân thực sở hữu. Địa vị Phật sống của Ngài dù lung lay sắp đổ, nhưng muôn ngàn khách hành hương lại chưa từng từ bỏ Ngài. Lịch sử cũng vì sự tồn tại của Ngài mà ghi lại một nét bút sâu sắc, để chúng ta đời sau ghi nhớ.
Lha-bzang Khan trình thư cho Khang Hy sẽ có kết cuộc thế nào, không cần nói cũng rõ. Vua Khang Hy anh minh, từ khi đăng cơ năm tám tuổi đến nay chưa từng dám xem nhẹ giang sơn. Nhà vua nam chinh bắc chiến mấy mươi trận, luôn nhìn sự đời mờ mịt một cách sáng suốt tỉnh táo. Lần này, Lha-bzang Khan dâng thư, dụng ý là gì, nhà vua xem qua đã rõ. Thật ra về lời đồn liên quan đến Tsangyang Gyatso, Khang Hy cũng nghe được không ít, nhà vua không hề có lòng thù địch đối với vị Phật sống trẻ tuổi mà lại đa tình này. Nhà vua từng phái người đến Tây Tạng điều tra chân thân của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6, tuy không có kết quả xác định, nhưng nhà vua có thể dự cảm vị Phật sống này tuyệt đối không phải người thường.
Chỉ là đế quốc Đại Thanh lúc này tuy có thể xem là thái bình thịnh thế, nhưng non sông ôn nhu phương Nam không hề khiến Khang Hy một mực mê muội. Nhà vua biết rõ phiến loạn trên thảo nguyên sẽ không ngừng nghỉ, nhiều con sói xám vì không được thỏa mãn, vẫn sẽ tru lên trong đêm vắng khiến nhà vua không thể yên lòng. Lần này Lha-bzang Khan tuy giúp nhà vua trừ đi Sangye Gyatso tinh khôn mạnh mẽ, nhưng thế lực của con sói giảo quyệt Lha-bzang Khan cũng nhờ đó được mở rộng. Dù Khang Hy không cần e dè y, nhưng vẫn không thể xem thường sự tồn tại của y. Khang Hy không thể không biết, Lha-bzang Khan đến tìm nhà vua mượn dao giết người, loại trừ được Tsangyang Gyatso, Lha-bzang Khan sẽ chẳng cần kiêng kỵ, nắm giữ quyền lực chính giáo Tây Tạng.
Khang Hy không có ý đặt Tsangyang Gyatso vào chỗ chết, thậm chí vào lúc nửa đêm không người, nhà vua thi thoảng còn lật xem tập thơ sứ giả mang từ Tây Tạng về. Nhà vua gần như không dám tin, những câu thơ nặng tình đẹp đẽ đó lại do một vị Phật sống ngồi thiền trên mây, vốn nên cắt đứt hết thảy ý nghĩ trần tục viết ra. Nhà vua bỗng nhiên bắt đầu có đôi chút kính phục, đôi chút yêu thích đối với Ngài, vì nhà vua biết Tsangyang Gyatso ngồi ở tầm cao muôn dân không thể với tới, nhưng Ngài lại dám lưu đày bản thân xuống phàm trần, nhàn du chốn dân gian, yêu cuồng nhiệt, sống chân thực. Còn Khang Hy cũng có ngôi cao như vậy nhưng lại bị giang sơn trói buộc, chẳng khi nào dám buông thả. Tsangyang Gyatso có thể sống vì lòng mình, theo đuổi tình yêu thế tục, mà Khang Hy lại phải sống vì muôn dân trăm họ, sớm đã đánh mất bản thân.
Nhà vua là quân vương, phải bảo vệ đất nước của mình, con dân của mình. Còn tình cảm cá nhân vĩnh viễn chỉ là nhỏ bé, một vị quân chủ anh minh, mãi mãi đều không thể có tình cảm mềm yếu, nếu không nhất định sẽ tạo nên đổ vỡ càng lớn. Chính trị là vô tình, bao nhiêu người phải làm vật bồi táng của nó, nhưng nó vẫn chưa thỏa mãn, một mực lạnh lùng đòi lấy. Rất đáng tiếc, Tsangyang Gyatso định sẵn phải làm vật hy sinh của chính trị, đây là điều duy nhất Ngài có thể làm được. Dù Khang Hy có lòng bảo vệ Ngài, cũng đã quá muộn.
Một vở kịch diễn đến cao trào thì không thể thay đổi vai chính. Dù bao nhiêu người không ngừng rơi lệ, chung quy vẫn phải diễn nốt kết cuộc. Đã là người xem, hà tất phải coi là thật, đã là thanh y[1], việc gì phải thương tâm. Tsangyang Gyatso không có lòng làm thanh y trong kịch, nhưng Ngài lại nhất thiết phải đeo tấm mặt nạ, lúc thì là Phật sống, lúc thì là lãng tử, trong thời gian vô tình, thực hiện luân hồi bi ai. Mọi người đều cho rằng Ngài có quyền lực chí cao vô thượng, chỉ bản thân Ngài mới hiểu rõ, mình đã sống một cách hèn mọn biết bao. Chẳng qua muốn cùng ý trung nhân ở bên nhau, chẳng qua muốn vẽ mày cho nàng suốt đời, cuối cùng trở thành mê muội mà cuộc đời này khó vượt qua.
[1] Thanh y: một vai diễn trong hý khúc, mặc áo màu xanh.
Khang Hy sáng suốt không xử sự theo tình cảm, cục diện chính trị Tây Tạng cần được ổn định, không thể dẫn đến rối loạn lớn hơn bởi một Tsangyang Gyatso. Nếu nói chính trị là một canh bạc, mọi đồ vật đều có thể làm con tính, nhưng giang sơn lại không thể đem ra cược, vì không thua nổi. Nhà vua trước giờ đều không mạo hiểm, đừng nói là vì Tsangyang Gyatso, dù là vì tình cảm của bản thân, nhà vua cũng không dám. Do đó Khang Hy biết rõ mình là lưỡi đao sắc bén Lha-bzang Khan mượn để giết Tsangyang Gyatso, cũng đành dốc túi trao ra. Đây là một mũi tên độc Lha-bzang Khan chuẩn bị sẵn sàng, y cầm chắc sẽ khiến Tsangyang Gyatso đứt ruột.
Cứ xem như là sự trừng phạt mà một vị Phật sống phạm giới cần gánh chịu, vì cục diện chính trị Tây Tạng, vì giang sơn Đại Thanh, Khang Hy hy sinh Ngài, cũng không tiếc. Chỉ mong sự hy sinh ấy, có thể khiến mảnh đất này từ đâu không còn sát phạt máu tanh, trở lại thánh khiết và bình yên như lúc trước. Người dân lương thiện có thể hạnh phúc chăn thả, vui vẻ ca hát, đời đời kiếp kiếp an cư lạc nghiệp trên thảo nguyên. Khang Hy rốt cuộc vẫn hao tổn tâm tư, nhà vua phái Thị lang[2] Hách Thọ đến Tây Tạng, sắc phong Lha-bzang Khan làm “Dực Pháp Công Thuận Hãn[3]”, ban cho y một chiếc ấn vàng. Ra lệnh phế bỏ chức vị ở cung Potala của Tsangyang Gyatso, “chấp hiến kinh sư”.
[2] Thị lang: Chức quan thời xưa. Thời Minh Thanh, Thị lang tương đương Thứ trưởng các bộ của chính phủ, địa vị sau Thượng thư (tương đương Bộ trường).
[2] Dực Phát: Phò tá, giúp đỡ Phật pháp.
Chấp hiến kinh sư, chính là áp giải Tsangyang Gyatso từ Tây Tạng về kinh. Trong mắt người khác đây là trừng phạt nghiêm khắc đối với Tsangyang Gyatso, thực ra là cách Khang Hy bảo vệ Ngài. Vì Khang Hy hiểu rõ, Tsangyang Gyatso bị phế bỏ chức vị ở Tây Tạng thì sẽ là tù nhân dưới thềm của Lha-bzang Khan, nhưng Ngài vẫn được muôn dân ủng hộ, với cá tính của Lha-bzang Khan, làm sao dễ dàng tha cho một người lúc nào cũng mang lại mối uy hiếp cho y? Do đó Khang Hy sai người áp giải Tsangyang Gyatso đến kinh thành, giúp Ngài thoát khỏi sự mưu hại của Lha-bzang Khan. Trước tiên phải giữ được tính mệnh thì sau này mới có thể tính toán về sự đi hay ở của Ngài.
Bất kể Tsangyang Gyatso có phải là linh đồng chuyển thế thật sự hay không, đã từng phạm sai lầm thế nào, nhưng Ngài chung quy vẫn là một người chí tình chí tính. Cá tính từ bi mềm yếu của Ngài trước giờ không gây tổn hại cho một ai, lại bị người khác thao túng số phận một cách vô tội. Đồng thời Ngài trải qua lễ lớn tọa sàng, từng được muôn dân quỳ bái, từng vào ở trong cung Potala, từng làm vương giả chân chính. Một vị vương giả, dù cùng đường bí lối, cũng không nên bị chà đạp đến mức chẳng còn tôn nghiêm. Nhưng Khang Hy cũng không thể cho Ngài tự do, vì với tính tình của Ngài, chỉ cần vừa cởi áo sư, chắc chắn sẽ tiếp tục du hý hồng trần. Lúc đó, với địa vị của Ngài trong lòng dân chúng Tây Tạng, họ sẽ hết sức ủng hộ Ngài, lẽ nào lại chẳng gây nên một trận gió mưa chẳng thể ngăn cản?
Cách làm của Khang Hy có thể nói dụng tâm vất vả, nhưng người hiểu rõ lại có mấy ai? Khi sứ giả phái đi truyền đạt ý chỉ của vua Đại Thanh sẽ gây nên sóng to gió lớn dường nào? Trăng có tối sáng tròn khuyết, người cũng như vậy, khi bạn khuyết mờ, có lẽ chính là lúc người khác tròn sáng. Lha-bzang Khan cuối cùng cũng thỏa nguyện giành được quyền lực mình muốn, trừ đi tâm phúc đại họa Sangye Gyatso, lại sắp sửa đuổi được Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso. Từ đây mảnh đất Tây Tạng sẽ mặc cho con chim ưng hùng mạnh này dang cánh ngang dọc, khi tâm nguyện cả đời y được thỏa mãn, phải chăng cũng sẽ có một chút trống vắng nhạt nhòa?
Chương 37: Bồ đề
Mỗi người đang sống đều có trách nhiệm, nhưng những điều này cũng chỉ là khói bụi rơi trên vạt áo, vừa thổi đã tan. Đối với những bóng lưng đã không thể níu giữ, thành tâm nói một tiếng trân trọng, chẳng phải là tốt hơn hay sao?
Hãy làm một đám mây trôi ngẫu nhiên bồng bềnh trên bầu trời, đi lướt qua tất cả vinh nhục của phàm trần, còn những bụi hồng hối hả đi đến đầu kia chỉ là khói lửa của người khác, chúng ta chẳng cần tốn công để ý. Dù là như thế, nhưng chúng ta vẫn sẽ lạc lối vì những vẻ đẹp hư ảo, sẽ rầu rĩ vì một câu chuyện không có kết cuộc. Mỗi một lần quay đầu, đều là vì có người và việc không thể cắt bỏ, mỗi một lần thương cảm, đều là vì hồng trần còn có bận tâm khó dứt. Mỗi người đang sống đều có trách nhiệm, nhưng những điều này cũng chỉ là khói bụi rơi trên vạt áo, vừa thổi đã tan. Đối với những bóng lưng đã không thể níu giữ, thành tâm nói một tiếng trân trọng, chẳng phải là tốt hơn hay sao?
Khi những người dân lương thiện vẫn đang chăn thả trên thảo nguyên, truyền xướng tình ca tuyệt diệu mà Phật sống viết, Lha-bzang Khan đã nôn nóng đem thánh chỉ của Khang Hy đến nơi. Cung Potala thần thánh trang nghiêm tụ tập rất nhiều sư sãi, còn có những người hành hương gió bụi dặm trường. Cái chết của Sangye Gyatso khiến họ đã có dự đoán nhạy cảm, biết vị Phật sống tôn quý của họ sắp sửa phải đương đầu với một tai kiếp lớn. Họ quyết ý ở bên Ngài cùng chống chọi lại trận gió bão này, dùng nó để chứng minh lòng kính yêu của họ đối với Phật sống và tín ngưỡng cháy mãi không tắt trong lòng.
Chấp hiến kinh sư. Lha-bzang Khan ra vẻ trịnh trọng truyền đạt ý chỉ của vua Khang Hy, nụ cười hơi nhếch trên khóe miệng và ý chế giễu nhiệt liệt trong lòng y, thoáng nhìn đã thấy rõ mồn một dưới ánh dương. Y không nói dối, tất cả những điều này đều là sự thật, bên trên có con dấu Khang Hy tự tay đóng. Lha-bzang Khan giảo quyệt khiến cho vua Đại Thanh tin Đạt Lai thứ 6 không phải là Phật sống thật, dễ dàng phá hủy giang sơn Đệ Ba Sangye Gyatso mười mấy năm khổ tâm vun vén. Hiện giờ y không cần tự mình ra tay, chỉ cần mượn chỉ thị của nhà vua giết chết Tsangyang Gyatso. Giải về kinh thành, Tsangyang Gyatso sẽ chịu một số phận ra sao? Chẳng ai đoán biết được, nhưng bất cứ ai cũng hiểu rõ, vua Đại Thanh uy nghiêm làm sao có thể tha thứ cho một vị Phật sống giả, một lãng tử mê rượu háo sắc?
Vị Phật sống chí cao vô thượng trong lòng họ chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một tên tù nhân, chuyến đi này mây núi muôn dặm, lành dữ khó lường, còn có ngày trở lại hay sao? Những người dân chất phác lương thiện ấy trước giờ đều tin tưởng tất cả sinh linh trên mảnh đất này đều có tình cảm, núi thần hồ thánh, cỏ xanh bò cừu, đều hiểu được lời nói của họ, có cùng tín ngưỡng. Vị Phật sống mà họ thành kính lễ bái sớm đã bén rễ trong lòng họ, bất cứ lời đơm đặt nào đối với họ cũng là nói nhảm, vào tai này ra tai kia.
Các sư nhất trí không chịu thừa nhận cách nói của Lha-bzang Khan, yêu cầu biện hộ với vua Khang Hy, nói Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso là lạc lối bồ đề, là du hý tam muội[1]. Lạc lối, đúng vậy, Ngài là một gốc bồ đề mọc trước Phật, vì tuổi trẻ vô tri, không chống nổi những cám dỗ của khói lửa nhân gian, sa nhầm lưới trần, kết một cuộc tình duyên. Ai chẳng từng có thời trai trẻ, ai chẳng từng phạm phải lỗi lầm, Phật không phải từ bi hay sao? Chẳng lẽ một đứa trẻ lầm đường lạc lối không nên được tha thứ, không nên được bỏ qua?
[1] Du hý tam muội: Tam muội là dịch âm chữ Phạn “samādhi”, nghĩa là chính định, dùng công tu hành trừ sạch được hết trần duyên mà nhập vào cõi mầu, rỗng không vắng lặng. Du hý tam muội: nhập định xuất định thuần mặc tự nhiên.
Phật chẳng phải đã nói quay đầu là bờ ư? Nếu Ngài bằng lòng quay đầu, lỗi đã phạm được đền bù, tất cả chẳng phải có thể làm lại từ đầu sao? Hoa rối mờ mắt người, tình yêu đẹp đẽ chính là một cảnh hoa nở rực rỡ, mà Tsangyang Gyatso vì trẻ tuổi đa tình, bị vẻ xán lạn che mờ đôi mắt, xét về tình thì có thể tha thứ. Phật trước giờ đều không trừng phạt chúng sinh, chỉ dẫn dắt những người lỡ bước lạc lối vào đường ngay, khiến người tu dưỡng không đủ đọc lại kinh văn, tham ngộ bồ đề.
Du hý tam muội cũng là như thế, Tsangyang Gyatso chỉ là một đứa trẻ hiểu đời chưa sâu, không thể chịu nổi cám dỗ của tình yêu, nếm trộm trái cấm. Ngài chẳng qua chỉ muốn cùng ý trung nhân nắm tay dạo bước hồng trần, yêu hết mình một lần, dùng tuổi thanh xuân đổi lấy một lần tim đập mạnh. Trước giờ chưa từng hỏi sẽ có hậu quả ra sao, Ngài thậm chí còn ấu trĩ cho rằng, mình không hại người chính là từ bi lớn nhất. Tsangyang Gyatso viết thơ tình chỉ để bày tỏ tình cảm chân thực trong lòng, cũng chưa từng nghĩ những vần thơ này sẽ lưu truyền đến dân gian. Ngài đến phố Barkhor uống rượu, gặp gỡ cô gái Qonggyai, cũng chỉ là để khuây khỏa nỗi buồn, chưa từng nghĩ chuyện này lại trở thành lý do Lha-bzang Khan dùng để loại bỏ Ngài.
Trò chơi của một cá nhân, bi ai của muôn ngàn người. Thân là Phật sống, không thể bài trừ tất cả tạp niệm, không thể tâm thần bình tĩnh, Ngài có lỗi. Nhưng lỗi của Ngài, không có nghĩa Ngài không phải Đạt Lai thật. Bất cứ ai cũng biết, đây là cái cớ Lha-bzang Khan dùng để đối phó Tsangyang Gyatso, mà lời biện hộ các vị sư già đưa ra đã trở thành nói suông, không mảy may tác dụng. Y muôn dặm xa xôi đi đến kinh thành, xin về thánh chỉ của vua Đại Thanh, làm gì có chuyện vì mấy vị sư già mà từ bỏ quyền lực địa vị y chìa tay lấy được. Không có đất vãn hồi, mặc cho họ đầm đìa nước mắt biện hộ van nài, lòng dạ lạnh lùng cứng rắn của Lha-bzang Khan chẳng mảy may lay động.
Tsangyang Gyatso một mình ngồi yên trên lầu mé bên của cung Potala, Ngài không thể không biết thế giới ngoài kia đã rối ren đến mức nào. Ngài không sợ chết, nhưng Ngài không nỡ rời mảnh đất đã bao dung Ngài, tôn vinh Ngài, không nỡ rời dân chúng đã tin tưởng Ngài, phụng dưỡng Ngài. Ngài không thể không biết, lần này đặt chân lên con đường núi cao sông rộng, sau này sống chết chưa rõ, cũng chẳng còn có ngày trở về. Ngắm Phật một lần nữa, điều Ngài có thể làm chỉ là than thở. Nếu không phải Ngài buông thả, có lẽ Đệ Ba Sangye Gyatso sẽ không chết, dù y nắm chặt cây quyền trượng vốn thuộc về Phật sống, nhưng y cũng có một trái tim yêu quý muôn dân Tây Tạng.
Sangye Gyatso nào đã thật sự làm tổn thương Tsangyang Gyatso? Y không tín nhiệm Ngài, là bởi trong mắt Sangye Gyatso, Tsangyang Gyatso chỉ là một đứa bé nhu nhược đa tình. Ngài không có dục vọng đối với chính trị, do đó không gánh vác nổi lá cờ nặng nề của chính giáo Tây Tạng. Tất cả những gì y làm, không chỉ là vì thỏa mãn dục vọng và chí hướng cá nhân đối với quyền lực, dù chiếc ngai báu nạm vàng dát ngọc kia khiến y từng mất ngủ lúc nửa đêm, nhưng đây không phải là vương vị thế tục. Có lẽ tắm máu hăng hái chiến đấu, dốc hết tất cả sống mái một trận có thể đổi lại áo rồng bọc thân, chuyển thế của Phật sống sớm đã có nhân duyên từ trước, thứ Sangye Gyatso có thể có được là quyền lực thật sự, chiếc ngai báu kia mãi mãi là trang sức chạm trổ hư cấu trong mộng, chẳng chút dây mơ rễ má với y.
Náo kịch đã tạo thành, chưa chờ tới kết cuộc cuối cùng thì người xem còn chưa thể ra về. Cung Potala lúc này bị bao vây đến giọt nước không lọt, mọi người từ các ngóc ngách trên cao nguyên núi tuyết hội tụ về bên Đạt Lai, rạp mình quỳ lạy trên quảng trường cung điện. Gió xuân se lạnh lướt qua vạt áo họ, lướt qua khuôn mặt đầm đìa nước mắt của họ. “Nếu Đại sư này không phải là chuyển sinh của Đạt Lai thứ 5, ma quỷ đập nát đầu ta.” Đây là lời họ nói, rất thành khẩn, rất kiên định, vừa nói vừa khóc.
Những người dân hiền lành xưa nay chưa từng trách móc việc làm rời kinh phản đạo của Phật sống. Hành vi hoang đường mà trong mắt Lha-bzang Khan cho là không thể tha thứ, thì trong lòng chúng sinh lại là sự cố chấp của vị Phật sống dám vì tình yêu bất chấp bản thân. Nhưng lòng dạ rộng rãi và trái tim từ bi của họ không thể sửa đổi giới luật nghiêm ngặt Phật tổ quy định ra, không thể vượt qua rào cản cấm đoán của thế tục. Họ bất lực tụ tập một chỗ, quỳ bái trên mặt đất băng giá, đau lòng khôn xiết.
Nỗi lưu luyến và lòng kính yêu của họ đối với Tsangyang Gyatso càng chọc giận Lha-bzang Khan. Nhưng Tsangyang Gyatso không đợi quân đội của Lha-bzang Khan ra tay, đã ra khỏi gác bên, bình tĩnh đối diện với Lha-bzang Khan. Mấy giây ngắn ngủi, đôi mắt trong sáng kia khiến Lha-bzang Khan cảm thấy kinh hoảng vô cớ. Y thừa nhận một cách sâu sắc, chàng trai vô cùng tuấn tú trước mắt chính là Đạt Lai thật sự. Biết rõ là sai lầm, y vẫn phải đã sai thì sai luôn, chỉ cần trừ bỏ Ngài, cung Potala vàng son rực rỡ này từ nay sẽ là vương quốc của y. Y sẽ thay thế Sangye Gyatso thống lĩnh muôn dân Tây Tạng, dù họ có ủng hộ y hay không, y chỉ cần kết quả.
Nhìn dân chúng quỳ đầy trên mặt đất, Tsangyang Gyatso bình tĩnh cuối cùng cũng không thể kìm nén được, để dòng lệ nhạt nhòa đôi mắt. Ngài thực sự động lòng vì những chúng sinh tín ngưỡng Ngài một cách đơn thuần này. Thói ngỗ ngược trong quá khứ đã là một tàn cục không thể thu dọn, bày trên khám thờ Phật rộng lớn của cung Potala, tán loạn bừa bộn. Kết cuộc ấy khiến Tsangyang Gyatso trong lòng hổ thẹn, thẹn với chúng sinh, thẹn với Phật tổ, cũng thẹn với giai nhân. Vinh dự và ân sủng được hưởng nhiều năm nay đã đến lúc phải trả lại, bao gồm buồn khổ bị cầm tù, cũng đã đến lúc cần kết thúc.
Chương 38: Thảm kịch [1]
Ngài xưa nay không hy vọng bản thân suốt đời ru rú trong cung Potala, làm một vị Phật sống hữu danh vô thực, trở thành con cờ người khác mặc ý sắp đặt. Do đó mới năm lần bảy lượt tùy tiện làm càn, gây ra thảm kịch không thể vãn hồi này.
Có một số nơi nên được con người vĩnh viễn ghi nhớ, dù lưu truyền bao nhiêu năm tháng, những câu chuyện đã từng xảy ra vẫn rõ mồn một như hiển hiện trước mắt, phảng phất như mới hôm qua. Cũng có người nói, đời người vốn dĩ đã có quá nhiều gánh nặng, chúng ta nên học cách lãng quên. Một người không nên dễ dàng hứa hẹn điều gì, đã hứa thì phải làm được. Dù đối với một chiếc lá cây, một con sâu cái kiến, một làn khói lửa, cũng phải có sự trình bày. Người và người vốn dĩ khác nhau, chúng ta không thể lấy tiêu chuẩn của mình để đo lường người khác, cũng không thể lấy phương thức sống của người khác làm quy tắc của mình.
Khó rời bỏ cuối cùng cũng phải rời bỏ. Ba trăm năm trước, tu viện Drepung của Lhasa cử hành một cuộc biệt ly đau đớn, nung nấu một trận gió bão vô tình. Tu viện Drepung là một trong sáu tu viện lớn của Hoàng Giáo[1], quy mô hoành tráng, quần thể kiến trúc màu trắng nối tiếp nhau san sát trải đầy sườn núi, nên gọi là Drepung, tượng trưng cho sự phồn vinh. Tu viện Drepung xinh dự là tu viện lớn nhất trên toàn thế giới, số lượng sư sãi lúc đông nhất lên tới trên mười ngàn người. Đứng yên hồi lâu ở bất cứ một phương vị nào của tu viện Drepung, đều có thể nhìn thấy núi non trùng điệp nhấp nhô và những áng mây vĩnh viễn không tan. Ngày nay nó yên tĩnh tọa lạc trên mảnh đất mênh mông thánh khiết của cao nguyên, có bao nhiêu người còn nhớ được ba trăm năm trước nó cũng từng trải qua một cuộc tranh đấu gió tanh mưa máu?
[1] Sáu tu viện lớn của Hoàng Giáo: Drepung, Sera, Ganden (Lhasa, Khu tự trị Tây Tạng), Tashilhunpo (Shigatse, Khu tự trị Tây Tạng), Kumbum (Tây Ninh, Thanh Hải), Labrang (Cam Túc).
Mãi đến hôm nay, người đến tu viện Drepung lễ bái vẫn nườm nượp không ngớt, họ đều chỉ là một số khách hành hương bình thường, đeo tay nải, xoay kinh luân, mục đích là triều bái Phật tổ trang nghiêm. Họ từ nhiều nơi khác nhau đến thành cổ Lhasa, mang theo ước hẹn của kiếp trước, không hối hận ở kiếp này. Ba trăm năm trước, dòng người như nước triều tuôn chảy, nhưng họ không phải đến lạy Phật cầu nguyện, mà là vì hăng hái quên mình giải cứu vị Phật sống trẻ tuổi Tsangyang Gyatso. Chẳng ai muốn để một miền đất thánh khiết chịu sự tiêm nhiễm vẩn đục của cõi trần, chẳng ai không mong yên bình thanh tịnh mà lại muốn bốn bề chiến tranh.
Tsangyang Gyatso, vị Phật sống chí cao vô thượng của cung Potala năm xưa, trong khoảnh khắc trở thành tên tù dưới thềm. Cảnh ngộ kịch tính của Ngài khiến vô số dân chúng nảy sinh cảm khái họa phúc khó lường. Họ là những người tin ở số mệnh, tin tưởng cỏ cây bò cừu nơi này đều có chuyển thế luân hồi, đều có thể biết kiếp trước đời này. Nhưng họ không tin vị Phật sống họ kính yêu ủng hộ lại là giả, không tin một người trẻ tuổi chí tình chí tính lại phải gặp biến số to lớn dường ấy.
Điều duy nhất họ có thể làm được, chính là hết sức giúp Tsangyang Gyatso thoát khỏi kiếp nạn này, chỉ cần không rơi vào tay Lha-bzang Khan, thì có thể không phải chịu trừng phạt của vua Khang Hy. Họ vốn là những mục dân tự do nhất trên thảo nguyên, không quan tâm chính sự nước nhà, không hóng hớt chuyện phải trái trên đời, chỉ giữ tín ngưỡng của mình, quỳ bái Phật sống họ nhận định. Chẳng lẽ điều này cũng là sai ư? Vì sao luôn có nhiều người muốn khiêu khích phân tranh, vì một địa vị hư ảo, cam nguyện khuấy nát bình yên của họ?
Hôm ấy ánh nắng thật là rực rỡ, nhưng dân chúng đến tiễn đưa trong gió lại cảm thấy lạnh lẽo thấu xương. Khi sứ giả của Khang Hy và quân đội Lha-bzang Khan áp giải Tsangyang Gyatso từ cung Potala ra, quanh co đi đến tu viện Drepung, một hành động mưu tính từ lâu đã triển khai trong chớp mắt. Mấy mươi vị sư sãi thừa lúc quân lính không phòng bị, nhanh chóng xông lên phía trước cứu Tsangyang Gyatso từ trong đội ngũ của chúng. Tsangyang Gyatso còn chưa rõ chuyện gì xảy ra, cửa tu viện Drepung đã đóng chặt. Một số sư sãi còn lại và tín đồ lập tức chắn ngay trước cửa, con đường trước tu viện Drepung kẹt cứng như nêm cối.
Trong tu viện Drepung, Tsangyang Gyatso từ trong tình cảnh kinh động tâm phách vừa rồi hoàn hồn trở lại, Ngài vô cùng cảm động trước sự ủng hộ của các sư sãi đối với Ngài. Nhưng Ngài hiểu rõ hơn bất cứ ai, các sư chống lại Lha-bzang Khan chẳng khác nào châu chấu đá xe. Sứ giả vua Đại Thanh phái đến và quân đội rầm rộ của Lha-bzang Khan làm sao có thể buông tha cho Ngài, các sư bất chấp hậu quả giải cứu Ngài như thế, sẽ đem đến tổn thương cho chính bản thân họ. Lha-bzang Khan chỉ cần cho họ một tội danh cướp đi khâm phạm, thì có thể giết chết dân chúng cản đường ngay tại chỗ mà không bị quy vào tội giết người.
Quân Mông Cổ ngoài tu viện đằng đằng sát khí, có xu thế dùng vũ lực xông lên, nhưng mấy trăm vị võ tăng đứng sừng sững trước cửa tu viện, đông đảo dân chúng cũng vây quanh, không chịu nhượng bộ mảy may. Quân đội võ trang toàn bộ của Lha-bzang Khan đã bao vây vòng trong vòng ngoài tu viện Drepung, giằng co như thế nửa ngày, một trận tranh đoạt đẫm máu ngay lập tức sẽ diễn ra. Lha-bzang Khan phẫn nộ đã không còn nhẫn nại nữa, lệnh cho quân đội dùng vũ lực xông tới cửa tu viện, nhiều tín đồ bị chúng giẫm đạp dưới chân, đao kiếm vô tình vung lên chém tới tấp vào những người vô tội này.
Chương 39: Thảm kịch [2]
Một trận chiến đẫm máu diễn ra ở tu viện thần thánh trang nghiêm, so với trong thế tục càng tàn khốc hơn, càng bi tráng hơn. Tsangyang Gyatso không nỡ nhìn thấy những con dân vô tội ủng hộ Ngài phải chết dưới đao kiếm của binh sĩ Lha-bzang Khan nữa. Không muốn đời này của mình thêm nhiều tội nghiệt nữa. Ngài đi ra khỏi tu viện, bó tay chịu trói. Nhưng nhìn thấy máu tươi tuôn chảy như suối, Ngài hiểu ra, rốt cuộc vẫn là quá muộn. Chẳng có một cuộc đấu tranh nào diễn ra mà không phải đạp trên máu tươi và hài cốt. Quay đầu nhìn cung điện hoa lệ, vương vị sáng chói trong lịch sử, đều ẩn giấu quá nhiều bi kịch và đau xót.
Ở âm tào địa phủ,
Diêm vương có tấm kính.
Người phải trái không rõ,
Kính thiện ác phân minh.
Xin Hộ pháp Kim Cương
Khắp trên trời dưới đất
Trổ pháp lực thần thông,
Diệt kẻ thù đạo Phật.
Chẳng lẽ nhân gian này thật sự có một tấm gương sáng, có thể soi thấy phải trái thiện ác, có thể nhìn được rõ ràng cảnh đời vẩn đục, lòng người lạnh nhạt? Gương sáng phủ bụi, lòng người tráo trở, quá nhiều dối trá và lừa gạt, quá nhiều xấu xa và phản bội, cần chúng ta ngăn chặn. Phật phù hộ chúng sinh, chúng sinh hướng đến Phật. Nếu mỗi người đều ít một chút dục vọng, nhiều một chút ý tốt, có lẽ thế gian này sẽ không có nhiều giết chóc như thế. Trước thói ngu muội và tàn nhẫn của người đời, khi Phật không thể khuyên ngăn thì chỉ còn biết than thở. Lẽ nào Phật thật sự có thể hiển linh, dùng pháp lực thần thông của Người để vỗ về người hiền, diệt trừ kẻ dữ?
Khi Tsangyang Gyatso bị áp giải đi, các sư hô lớn Phật hiệu, rơi lệ ròng ròng; tín đồ cúi đầu gào khóc, kinh động trời đất. Ngài không quay đầu, đó là vì Ngài không nỡ để họ nhìn thấy trong mắt Ngài đang rưng rưng lệ. Bóng lưng ấy là một điềm dữ, có nghĩa Tsangyang Gyatso lần này đi kinh thành, sẽ vĩnh viễn chẳng có ngày về. Đột nhiên tôi cảm thấy Tsangyang Gyatso chính là một đóa sen mọc rễ trong bùn loãng, từ kiếp trước được bứng trồng đến kiếp này, lại từ kiếp này dời đến một góc khuất không ai hay biết nào đó.
Năm xưa, những tín đồ kia vô cùng nhiệt liệt đón Ngài đến, giờ đây lại vô cùng bi tráng tiễn Ngài đi. Ngài từng rực rỡ như sao sớm, dù là đêm đen cũng không che lấp nổi ánh sáng của Ngài. Ngày nay Ngài rơi xuống trần ai, đón nhận số phận bị năm tháng chôn vùi. Ngài xưa nay không hy vọng bản thân suốt đời ru rú trong cung Potala, làm một vị Phật sống hữu danh vô thực, trở thành con cờ người khác mặc ý sắp đặt. Do đó mới năm lần bảy lượt tùy tiện làm càn, gây ra thảm kịch không thể vãn hồi này.
Trong mỗi vở kịch của đời người đều ẩn giấu một kết cuộc, chúng ta tự biên tự diễn tình tiết kịch, cố chấp cho rằng có thể theo ý tưởng ban đầu diễn đến cuối cùng, thật ra người bị lừa dối nhiều nhất chính là bản thân. Tsangyang Gyatso cho rằng mình không để lại thứ gì, cho rằng mình ra đi như vậy thì có thể từ đây không còn tin tức. Chỉ mong hồn phách mình quanh quẩn trên mảnh đất đã nuôi dưỡng Ngài, khẩn cầu nhân dân Tây Tạng triệt để lãng quên Ngài. Ngài không biết, tình ca của Ngài giống như hương lửa trong cung Potala, mãi mãi không tắt.
Tsangyang Gyatso chưa từng rời khỏi cao nguyên, sớm đã nghe nói kinh thành phồn hoa như gấm. Mảnh non sông ấy từng thai nghén vô số câu chuyện anh hùng đuổi hươu Trung Nguyên[2], máu biếc cát vàng. Còn có phương Nam thanh nhã, ấp ủ nhiều truyền thuyết cảm động về tình yêu trai gái quyến luyến không rời. Ngài từng khao khát phóng đãng, hướng đến phiêu bạt, cùng ý trung nhân nắm tay dạo bước nhân gian, giờ đây số phận thỏa mãn tâm nguyện của Ngài, chỉ có điều bên mình thiếu đi một má hồng. Nhìn về phương xa, tưởng tượng bờ bên kia mà mình chưa từng đến, không hiểu nó cất giữ khói lửa ra sao? Khói lửa vốn nên thuộc về phàm trần đó vốn không liên quan với Ngài, giờ đây cần Ngài một mình nếm trải.
[2] Sử ký của Tư Mã Thiên viết: “Tần mất con hươu, thiên hạ cùng săn đuổi”, sau dùng để chỉ việc tranh giành thiên hạ. “Đuổi hươu Trung Nguyên” nghĩa là tranh đoạt vùng Trung Nguyên.
Ngài không hề cô độc, sư sãi tiễn biệt Ngài, tín đồ tiễn biệt Ngài. Nhưng vì sao bước chân lại nặng nề như thế, chẳng phải là vội đi đến chỗ chết hay sao? Ngài nên không sợ, vua Đại Thanh có thể làm gì được Ngài? Người gọi là Khang Hy ấy, lẽ nào chưa từng có nỗi bi ai tương tự - bi ai của vương giả. Đó là một tầm cao cách biệt với đời, bất cứ một người bình thường nào cũng không thể cảm nhận được nỗi tịch liêu và hoang vu trong đó.
Tsangyang Gyatso xem cuộc đời mình là một quyển sách kinh mà người khác đọc không hiểu, Ngài luôn lạnh lùng lật xem, những ngày không biết nguyên nhân ấy, hoảng hốt mà tỉnh táo, mơ hồ mà rõ ràng. Sách kinh không phải là thơ tình, không có vần luật, không có bằng trắc, không có đau buồn, cũng không có thương cảm. Chỉ có một đoạn nhỏ ý thiền, một đoạn lớn trống trải hoang vu. Khiến người hồ đồ càng thêm hồ đồ, người tỉnh táo càng thêm tỉnh táo. Mà Tsangyang Gyatso thì là một người nửa tỉnh nửa mê.
Năm tháng có tình, đời thừa không bến. Đây là hành trình lần thứ hai trong đời Tsangyang Gyatso. Ngài từng từ địa phương nhỏ bé Monyu chốn quê nhà, mang theo tâm sự ngây ngô chẳng biết gì đến Lhasa, đón nhận thân phận cao nhất Phật ban cho. Hôm nay lại từ cung Potala lưu đày đến kinh thành xa xôi, chuẩn bị đón nhận sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của vua Đại Thanh. Đều nói Phật sống có linh tính thông thấu nhất thế gian, Ngài đúng ra có thể biết trước ngày mai của mình. Nhưng Tsangyang Gyatso đeo một thân xiềng xích, nhìn phương xa thăm thẳm, cảm thấy bản thân thật sự là một cây bồ đề lạc lối, giống như một câu đố, thê lương đi lại giữa thế gian.
Chương 40: Thề ước [1]
Tình ca của Ngài quanh quẩn trên cao nguyên, như áng mây đầy trời, có làn khói không dứt. Kinh phướn phấp phới trong gió, như đang vẫy tay, cũng là đang kêu gọi. Còn có những kinh luân chuyển động mãi không ngừng, kể lể những lời người đời nghe mãi không hiểu.
Dường như mọi câu chuyện đều không thiếu được một đoạn ly biệt. Nếu nói bắt đầu là vì kết thúc, thế thì gặp gỡ là để biệt ly. Trong mắt nhiều người, ly biệt nên mang một vẻ đẹp thê lương thương cảm, nhưng tôi cho rằng, có nhiều ly biệt lại đem đến cho người cảm giác như trút bỏ gánh nặng. Vì không phải cứ sống với nhau là khiến người người vui vẻ, thời gian lâu rồi thường sinh ra lòng chán ngán. Lúc đó, điều mong mỏi chính là ly biệt, dù ngắn ngủi hay lâu dài, chỉ nguyện ý xa nhau. Chưa từng nghĩ, vừa xa cách đã là một đời. Luôn muốn tìm cớ gặp lại, nhưng vẫn bị năm tháng phũ phàng, từ nay về sau, không còn gặp nhau được nữa.
“Trường đình ngoại, cổ đạo biên, phương thảo bích liên thiên[1]…” Biệt ly trong tưởng tượng nên là như vậy, đường cũ lưu luyến, trường đình tiễn biệt, người ra đi kéo vạt áo lau nước mắt, cảm thương vô hạn. “Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn, tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn[2].” Hoặc là sông Dịch tiễn biệt, thê lương bất tận. Còn tôi luôn nghĩ đến tình cảnh ba trăm năm trước khi Tsangyang Gyatso rời đất tuyết cao nguyên, mây núi mênh mông, gió trăng lồng lộng, thì nên là một vẻ hoang vắng thế nào? Vạn vật đều đang tiễn biệt Ngài, rơi lệ vì Ngài, cảnh tượng này so với tiễn biệt ở trường đình và sông Dịch càng làm cảm động lòng người, càng bi ai thê lương.
[1] Ngoài trường đình, bên đường cũ, cỏ thơm xanh tận chân trời. Đây là ca khúc “Tống biệt”, nhạc John Pond Ordway (Mỹ), lời Lý Thúc Đồng (Trung Quốc).
[2] Gió hiu hắt chừ, sông Dịch lạnh ghê. Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về. Đây là hai câu thơ Kinh Kha ứng tác với các bạn đi tiễn ở sông Dịch, trước khi sang Tần hành thích vua Tần.
Lần này Ngài đi, giống như Kinh Kha hành thích vua Tần, vĩnh viễn không trở lại. Không ai có thể đoán trước được số mệnh tương lai của Ngài, ngay cả bản thân Ngài, đó cũng là một điều khó đoán, có thể là khởi đầu mới trong cuộc đời Ngài, có lẽ chỉ là kết thúc. Tình ca của Ngài quanh quẩn trên cao nguyên, như áng mây đầy trời, vương làn khói không dứt. Kinh phướn phấp phới trong gió, như đang vẫy tay, cũng là đang kêu gọi. Còn có những kinh luân chuyển động mãi không ngừng, kể lể những lời người đời nghe không hiểu. Có chúc phúc, có bịn rịn, có cảm thán…
Sau khi Ngài rời khỏi cung Potala, con chó vàng già từng giữ bí mật cho Phật sống cô độc chết đi. Không ai biết nó từng có lời hẹn với Đạt Lai thứ 6; những ngày ấy, chó vàng trung thành canh giữ ở cửa bên cung Potala, đợi người chủ của nó trở về trước bình minh. Nếu không phải trận tuyết lớn kia đã tiết lộ bí mật Tsangyang Gyatso một mình ra ngoài cung, con chó vàng già đến chết cũng sẽ bảo vệ người chủ trẻ tuổi. Chuyện trên đời thật sự là nhân quả liên kết với nhau, Phật sống rời khỏi cung điện đẹp đẽ sang trọng thuộc về Ngài, con chó vàng già giữ cửa dùng cái chết để chứng minh lòng kiên trinh. Chỉ là tất cả quá trình này, đều lặng lẽ âm thầm, không ai hay biết.
Năm xưa Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso dẫn mấy ngàn sư sãi, rầm rầm rộ rộ từ Lhasa xuất phát, đến thành Bắc Kinh, được vua Đại Thanh tiếp đãi với lễ tiết tối cao. Giờ đây cũng cùng là Đạt Lai Lạt Ma, nhưng Tsangyang Gyatso lại đeo hình cụ, bị áp giải về kinh. Một vị Phật sống, một tên tù phạm, giống như một vở hý kịch bi ai, một màn luân hồi buồn cười. Đạt Lai thứ 6 chẳng phải là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5 sao? Nếu linh hồn thật sự có thể không chết, với cống hiến của Lobsang Gyatso đối với chính giáo Tây Tạng, kiếp này sao phải chịu dày vò như thế? Chúng ta không nên hoài nghi như Lha-bzang Khan, chúng ta nên giống tất cả tín đồ Tây Tạng, tin tưởng Tsangyang Gyatso là Phật sống thật, vì Ngài có một trái tim còn từ bi đa tình hơn Phật. Ngài là lạc lối bồ đề, Phật sẽ không vì Ngài lạc lối mà lưu đày Ngài.
Ở Tây Tạng có một truyền thuyết mỹ lệ thế này, sau khi Tsangyang Gyatso đi khỏi, tất cả các cô gái từng say đắm Ngài trong thành Lhasa đều sơn phòng ốc nhà mình thành màu vàng, làm kỷ niệm vĩnh viễn. Các cô mong mỏi, biết đâu Tsangyang Gyatso sẽ bước ra từ mảng sắc vàng tươi ấm áp này, mỉm cười với họ, uống rượu ca hát cùng họ, ôm hôn họ. Truyền thuyết thật là đẹp đẽ thắm thiết, nếu tôi sống ở thành Lhasa, cũng sẽ sơn nhà mình thành màu vàng, không vì kết tình duyên với Tsangyang Gyatso, chỉ vì một câu chuyện sinh động đến nỗi có thể khiến người rơi lệ.
Ba trăm năm đã qua, rất nhiều ngôi nhà nhỏ màu vàng tươi trong truyền thuyết sớm đã không còn tồn tại nữa, thậm chí không hề để lại một dấu vết nào. Nhưng tôi tin truyền thuyết là thật, các cô gái nhất định sẽ dùng phương thức si tình để hoài niệm Dangsang Wangpo, tình lang đẹp nhất trong thành Lhasa. Ngày nay chỉ còn lại quán rượu nhỏ tên Makye Ame trên phố Barkhor, ngôi nhà nhỏ không chút bắt mắt, nhưng mỗi ngày khi đèn hoa vừa thắp lên là khách khứa ra vào tấp nập. Họ đến từ các thành phố khác nhau, mang theo bụi đất của các địa phương khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, chỉ vì một tâm tình giống nhau. Là thơ tình của Tsangyang Gyatso đã cảm động họ, là tình yêu của Ngài đã lay động họ, do đó bằng lòng vì một truyền thuyết, đến đây nhớ lại một quãng thời gian đã trôi qua.
Thật ra thực sự có thể tìm được những gì? Nói cách khác, quán rượu nhỏ này quả đúng có lưu lại vết tích của họ chăng? Chúng ta không hề muốn dối mình dối người, nhưng thà rằng tin tưởng tất cả đều từng tồn tại, nhiều người cần dựa vào những giấc mơ tươi đẹp này để điểm tô đời sống cay đắng vô vị. Do đó mới có rất nhiều người bất chấp tất cả đeo tay nải lên hối hả đi xa, chỉ vì những câu chuyện và truyền thuyết không thể xác định. Hiện thực khiến con người con người có quá nhiều gánh nặng, không ai cam nguyện kéo kén tự buộc mình, dù vì một giấc mơ hư vô đi đến chân trời cũng không hối hận. Mê say tạm thời không có nghĩa sẽ say hoài không tỉnh, mỗi người chỉ xây đắp trong lòng một chốn thế ngoại đào nguyên nhỏ hẹp, không bị thế giới bên ngoài quấy rầy, có thể yên ổn thanh tịnh.