Những câu thơ bay tới tấp như bươm bướm, vượt qua thảo nguyên, bay qua biển xanh, dừng lại ở những nơi cần tình cảm ấm áp. Chỉ là những bài thơ tình này có nhiều bản dịch, chúng ta có thể lựa chọn một bản mình yêu thích, sao chép cầm đọc.
Một kẻ hờ hững tín ngưỡng sẽ không hiểu tín ngưỡng trong lòng người chiếm vị trí quan trọng đến thế nào. Trên truyền hình và tranh ảnh trên mạng, chúng ta thường được thấy cảnh nhiều người Tạng hành hương đi đến tu viện làm lễ. Họ nhất bộ nhất bái, vái lạy trời xanh, cúi đầu xuống đất mẹ, thành kính đến nỗi khiến người xem rơi lệ. Những người này, không kể nam nữ, không kể già trẻ, không kể sang hèn, đều dùng cùng một phương thức, đi đến điện thờ thần thánh trong lòng. Họ không cần phải thề ước, chỉ vì tín ngưỡng trong lòng, nguyện ý gió mưa vẫn lên đường, quỳ mãi không dậy.
Trong lòng những người này, Phật là thần thánh không thể xâm phạm, là ký thác lâu dài về tinh thần kiếp này của họ. Trước lòng thành kính và si tình của họ, vẻ cao quý của chúng ta trở nên thật là hèn mọn. Mỗi khi tôi nhìn thấy những hình ảnh này, thường không nén nổi xúc động mà hỏi bản thân: “Ngươi hạnh phúc không?” Được sống yên ổn là một việc hạnh phúc biết bao. Đây là một nhóm người hiền lành, lòng từ bi của họ sẽ khiến chúng ta dạt dào cảm động. Mọi tội ác và chiến tranh, đều là sự trừng phạt đối với bản thân, là tượng trưng của nhu nhược bi ai và vô tri ngang ngược. Trên mảnh đấy tràn trề linh tính này, mọi người đều trở nên tươi cười rạng rỡ, mọi trái tim đều nên tinh khiết không vương bụi trần.
Dù trên đường đến Tây Tạng, hay ở mỗi ngóc ngách của cõi trần, đều lưu truyền thơ của Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso. Những câu thơ bay tới tấp như bươm bướm, vượt qua thảo nguyên, bay qua biển xanh, dừng lại ở những nơi cần tình cảm ấm áp. Chỉ là những bài thơ tình này có nhiều bản dịch, chúng ta có thể lựa chọn một bản mình yêu thích, sao chép cầm đọc. Thậm chí thêm bớt sửa đổi theo sở thích và cảm giác của mình, dốc hết khả năng khiến mình cảm động. Những bài thơ tình và thiền hòa quyện này, giống như một làn gió mát dịu, vuốt ve lòng người. Nơi chúng đến, hoang nguyên mọc lên đầy hoa, sa mạc tuôn chảy suối mát.
Lúc đó, hai con bò Yak[1] giận dữ trên cao nguyên, Lha-bzang Khan và Sangye Gyatso đã mở màn một cuộc chiến lớn đẫm máu long trời lở đất. Còn Tsangyang Gyatso ngồi trên điện mé bên của cung Potala, nhắm mắt niệm kinh, viết tiếp những bản tình ca, bình tĩnh chờ đợi kết cục liên quan với Ngài. Nếu Phật muốn Ngài trả hết nợ của kiếp trước, thế thì tình ca chính là an ủi duy nhất của Ngài trong kiếp này. Có người nói, Tsangyang Gyatso sinh ra vì Phật, cũng có người nói, Ngài sinh ra vì tình, cũng có người nói Ngài sinh ra vì văn chương, xưa nay chưa ai từng nói Ngài sinh ra vì bản thân.
[1] Bò Yak hay Bò Tây Tạng là một loài bò lông dài được tìm thấy trong suốt khu vực Himalaya ở miền nam Trung Á, bao gồm cao nguyên Thanh Tạng và xa về phía bắc tới tận Mông Cổ. Bộ lông dài và rậm bờm xờm giúp chúng không bị lạnh.
Dù trong mắt Sangye Gyatso, Tsangyang Gyatso là một Đạt Lai Lạt Ma ích kỷ, Ngài kém xa Đạt Lai thứ 5 thao lược kiệt xuất, nhưng có lúc y lại không thể không cảm động bởi sự đa tình của đứa trẻ này. Chỉ đáng tiếc họ sinh ra đã bị cuốn vào trong cục diện chính trị rối ren, muốn thoát thân đã là điều không thể. Sangye Gyatso biết, y đã chẳng còn sức khuyên nhủ thuyết phục Tsangyang Gyatso, tất cả đã quá muộn. Số mệnh Ngài định sẵn chỉ thích hợp làm một vị tình tăng, dùng tình cảm lay động lòng người, đối với Ngài, mọi tranh đấu đều là tàn nhẫn.
Trước uy hiếp hùng hổ của Lha-bzang Khan, Sangye Gyatso xưa nay vốn thâm trầm nhiều mưu lại có đôi chút cảm giác lực bất tòng tâm. Chẳng lẽ y đã già rồi sao? Không, Sangye Gyatso đang tuổi bốn mươi, có tinh lực dồi dào và sinh mệnh thịnh vượng. Một mình nắm giữ chính quyền Tây Tạng hai mươi năm, trải qua biết bao gió mưa, chẳng phải đều là một mình y tự gánh vác vượt qua hay sao? Nhưng y dường như đã chán nản với tranh đấu và sát phạt, mỗi lần y tĩnh tọa trong điện thờ cung Potala, phát hiện ra cố gắng một đời của mình cũng chỉ là làm không công cho người khác hưởng. Người chúng sinh quỳ bái vẫn là vị Phật sống không lo chính sự kia, dù Ngài phạm phải sai lầm không thể tha thứ, cũng không hề ảnh hưởng đến địa vị tôn quý của Ngài trong lòng người đời.
Sangye Gyatso thật sự là người chiến thắng sao? Y có quyền lực tối cao, Phật sống là con rối của y, thế nhưng y rốt cuộc cũng chỉ là Đệ Ba, vĩnh viễn cũng không thể trở thành Phật sống, không thể danh chính ngôn thuận ngồi trên ngai Phật cao ngất, được khách hành hương thành kính quỳ bái. Đã đến lúc cần phân thắng bại, bất kể thành công hay thất bại, y đều phải dốc hết toàn lực sống mái một trận. Tranh đoạt kéo dài khiến y mệt mỏi không chịu nổi, cuộc sống cả ngày lo sợ không yên, thật sự đã trải qua quá đủ rồi.
Chương 33: Thành bại [2]
Khi Lha-bzang Khan còn chưa thật sự phát động tiến công đối với Sangye Gyatso, Sangye Gyatso đã chọn hành động trước. Năm 1705, Sangye Gyatso mua chuộc nội thị phủ Khan, hạ độc vào thức ăn nước uống của Lha-bzang Khan. Ván cờ y tự cho là mưu tính tỉ mỉ, dễ dàng bị Lha-bzang Khan xảo quyệt nhìn thấu, gian tế phái đi không giữ lời hứa, đã bán đứng y. Một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi đã mở màn trong đêm tối. Vùng đất thánh khiết đã bình yên mấy mươi năm lại phải nhuộm máu tanh.
Đây là điều Tsangyang Gyatso không muốn nhìn thấy, dù Ngài xem thường kết cuộc của mình, nhưng không muốn nhìn thấy ngày càng nhiều chúng sinh hài cốt chất chồng, lưu lạc khốn khổ vì kiếp nạn lớn này. Thực ra trận chiến này không kéo dài bao lâu, Lha-bzang Khan như con sói đói khát, lòng đầy thù hận và dục vọng tham lam, giương ngọn cờ “Thanh quân trắc[2]”, rầm rộ cử binh đánh dẹp Sangye Gyatso. Những người lương thiện không bao giờ muốn chứng kiến cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, không muốn nghe thấy tiếng mài dao xoèn xoẹt trong đêm vắng, không muốn nhìn thấy mảnh đất kia bị nhuộm đỏ bởi máu tươi.
[2] Thanh trừ loạn thần tặc tử bên cạnh nhà vua.
Bao nhiêu người khuyên ngăn đều vô ích, Lha-bzang Khan bị dục vọng quyền lực bành trướng lấp đầy suy nghĩ, đã không thể bỏ đao kiếm xuống dàn hòa. Y đã quyết chí phải giành được thắng lợi, lúc này y làm sao nỡ từ bỏ quyền lực trong tầm tay, trở lại sống những ngày yên ổn vô sự? Mưu tính nhiều năm, tâm huyết nhiều năm, há chẳng phải sẽ trôi theo dòng nước chảy về đông? Không, không tận mắt nhìn thấy Sangye Gyatso đầu rơi xuống đất, kiếp này của y sẽ không được yên ổn. Một người sinh ra vì dục vọng quyền lực, nhất định phải dùng máu tươi tế lễ chặng đường sinh mệnh trắc trở của y. Quyết đấu giữa tôn giáo và thế tục, oanh liệt mở màn, lạnh lẽo hạ màn.
Sangye Gyatso đã thua, thua thê thảm, khi chiến tranh còn chưa bắt đầu, y đã đoán trước được kết cuộc. Khoảnh khắc đầu rơi xuống đất, y dường như chẳng mảy may lưu luyến đối với thế gian tràn đầy ánh nắng này. Thứ y có thể có được, sớm đã có được; thứ không có được, dù cố gắng hết sức ra sao, cũng không thuộc về y. Có lẽ người đời không biết, cuộc chiến tranh này do Sangye Gyatso cố ý khiêu khích gây nên, y là anh hùng, anh hùng tất nhiên có cách chết của anh hùng, do đó y phải chết ở chiến trường. Chỉ có con bò Yak ngang ngạnh Lha-bzang Khan có thể đối kháng với y, Sangye Gyatso hy vọng dòng máu của mình tuôn chảy trên mảnh đất y quyến luyến suốt đời.
Cái chết thật là bi tráng thê lương. Kẻ chiến thắng Lha-bzang Khan, giây phút nhìn thấy Sangye Gyatso đầu rơi xuống đất, phải chăng thật sự khoái chí đến sung sướng lâm ly? Có lẽ y hiểu rõ hơn bất cứ ai, một ngày kia, y cũng phải đối mặt với cái chết bi tráng như vậy. Dù y ngông nghênh càn rỡ cỡ nào, trước cái chết đều phải đón nhận một cuộc chiến tranh đẫm máu, dùng nó để chứng thực ý nghĩa sinh tồn của y. Nhưng tuyệt đối không phải lúc này, Lha-bzang Khan lúc này nên kiêu ngạo tự mãn hướng lên trời cười lớn, xưng vương xưng bá với người đời, cúi đầu xưng thần trước dục vọng quyền lực.
Khoảnh khắc Sangye Gyatso chết, tràng hạt trên tay Tsangyang Gyatso bị đứt, đây là điềm báo, Tsangyang Gyatso đã biết trước kết cuộc. Kết cuộc của Sangye Gyatso chính là kết cuộc của Ngài, Ngài đã mất đi người bảo vệ cuối cùng. Nhiều năm nay, Sangye Gyatso đoạt mất quyền lợi Ngài nên hưởng, nhưng lại cho Ngài bến cảng tránh gió vững chãi. Tsangyang Gyatso không hận y, lại sinh lòng đau buồn và thương xót. Nếu nhiều năm nay không có Sangye Gyatso chủ trì cục diện chính trị Tây Tạng, Ngài làm sao có cuộc gặp gỡ đẹp đẽ trên đường phố Lhasa? Bất kể sự rời xa của cô gái Qonggyai có liên quan đến Sangye Gyatso hay không, Tsangyang Gyatso đều không muốn ghi nhớ thù hận. Ngài đã thực sự yêu và sở hữu, hạnh phúc ấy bất cứ Đạt Lai Lạt Ma nào cũng chưa từng có.
Quỳ trước Phật, Tsangyang Gyatso lần đầu tiên thành kính thừa nhận sai lầm của mình, cũng bình tĩnh chờ đợi kết cuộc bản thân có thể đoán trước. Ngài không sợ chết, nhưng dáng vẻ của Ngài mang cả tiếc nuối. Chết rồi thì không thể tụng kinh, không thể làm thơ, không thể gặp lại ý trung nhân, không thể nhìn thấy khách hành hương quỳ bái dưới chân Ngài. Ngài đột nhiên hối hận vì thói tùy tiện trong quá khứ, Ngài là Phật sống, không nên vì tình yêu cá nhân, bỏ rơi chúng sinh không quan tâm. Thật sự đã quá muộn, Sangye Gyatso vừa chết, cả cung Potala liền trở nên một tòa thành trống rỗng, còn ai có thể chỉ điểm non sông trong tòa thành này?
Dưới ánh trăng lạnh lẽo, Tsangyang Gyatso nhìn thấy bóng của mình, một cái bóng tịch mịch. Rất muốn ra đi, rời xa tòa thành này, cùng cô gái mình yêu nắm tay dạo bước hồng trần. Không trở về được nữa, điều giờ đây Ngài có thể làm, chính là bó tay chịu trói. Số phận sẽ cho Ngài phán quyết cuối cùng, dù công bằng hay không công bằng, tội của Ngài, tự mình chịu.
Chương 34: Khói mây [1]
Dạo bước chốn hồng trần, cười ngắm cõi đời trôi nổi, chẳng qua chỉ là một áng khói mây. Nhưng thật sự mấy ai có thể hờ hững quên nhau, quên đi danh lợi, quên đi tình cảm, quên đi mọi thứ mình từng có?
Dạo bước chốn hồng trần, cười ngắm cõi đời trôi nổi, chẳng qua chỉ là một áng khói mây. Nhưng thật sự mấy ai có thể hờ hững quên nhau, quên đi danh lợi, quên đi tình cảm, quên đi mọi thứ mình từng có? Khi một ngày kia, bạn muốn bình yên sinh tồn trên đời, từ đó sống những ngày không phiền nhiễu, phải chăng như vậy, thì có thể sổ toẹt những hết thảy những rối ren trong dĩ vãng? Người từng yêu, có thể vứt bỏ, lỗi đã phạm, có thể tha thứ, lời hứa đã trao, có thể không nhất thiết thực hiện.
Chết là giải thoát, sống là gánh vác. Có người nói cái chết của Sangye Gyatso, là vì một người đàn bà, một người đàn bà từng bị y cự tuyệt. Người đàn bà này vì yêu sinh hận, lúc y rơi vào nguy hiểm, quyết liệt vung đao thay y kết liễu tất cả. Còn tôi cũng bằng lòng thêm vào một đoạn chuyện đẹp đẽ cho cái chết của Sangye Gyatso, tô vẽ sắc thái tình cảm cho cuộc sống chính trị hai mươi năm của y. Có lẽ cái chết như thế cũng là đẹp đẽ. Cái chết của anh hùng nên là trên chiến trường, da ngựa bọc thây. Anh hùng còn có một cách chết khác, chính là chết dưới kiếm của hồng nhan, làm quỷ cũng phong lưu.
Trên mảnh đất tình ca lan tỏa khắp trời ấy, dù cốt cách cứng rắn, cũng khó tránh mềm lòng trước phong hoa tuyết nguyệt. Trên cao nguyên, những con người đa tình kia mỗi ngày hát lại tình ca của Tsangyang Gyatso, cô gái xinh đẹp, chàng trai anh dũng, kể cả sư sãi trong cung Potala cũng bị tiếng hát ban đêm hấp dẫn, thường quên lật giở quyển sách kinh trên tay. Trước khi Sangye Gyatso xuống tay với Lha-bzang Khan, phải chăng vì đã nghe tình ca của Tsangyang Gyatso, mà có cảm ngộ mới đối với đời người? Phải chăng y nhớ tới cô gái thời trẻ đã phụ bạc mà sinh lòng tiếc nuối và áy náy, do đó muốn nhanh chóng kết thúc tất cả?
Cái chết của vị anh hùng trên thảo nguyên Sangye Gyatso khiến tôi cảm thấy xót xa. Dù sự nắm quyền của y thay đổi số phận một đời của Tsangyang Gyatso, nhưng y lại hiểu được đạo lý nước đầy thì tràn, thịnh cực tất suy. Vào lúc bản thân lừng lẫy nhất, y lựa chọn kiên quyết quay người, hoàn toàn bất chấp lãnh thổ mà y đã tốn tâm lực cả đời xây dựng nên. Lẽ nào y đã xem nhẹ chuyện cái chết của y sẽ đem đến một nạn hủy diệt mới cho Tsangyang Gyatso, hơn nữa chính quyền Tây Tạng sẽ rơi vào trong tay Lha-bzang Khan? Thật sự cam tâm như vậy ư? Nghiệp bá ngàn xưa đều sẽ cùng chìm xuống theo mặt trời lặn, mây khói tan biến, còn có gì không cam tâm?
Còn Lha-bzang Khan ngùn ngụt ý chí chiến đấu, bị thắng lợi và vui sướng bao bọc, làm sao chấp nhận được việc không đắp xong núi đất chỉ vì thiếu một sọt đất vào lúc này. Y trừ đi mối hiểm họa lớn âm ỉ khó đối phó là Đệ Ba Sangye Gyatso, có thể nói giống như trút bỏ gánh nặng, còn con cờ nhỏ Tsangyang Gyatso, đối với y đã không còn giá trị lợi dụng, Tsangyang Gyatso lúc này đã trở thành hòn đá ngáng chân Lha-bzang Khan một mình nắm lấy quyền lực chính trị Tây Tạng. Vị Phật sống trẻ tuổi, thân thể bạc nhược, làm sao cản nổi muôn ngàn người ngựa của Lha-bzang Khan? Muốn trừ đi Tsangyang Gyatso, đối với Lha-bzang Khan, thật chẳng tốn mảy may sức lực.
Ngài không sợ, ngồi nghiêm trang trên ngai Phật cao ngất, lần đầu tiên Tsangyang Gyatso cảm thấy mình thật giống Phật, hiền từ, ôn hòa, an lành, điềm tĩnh, thương xót. Khách hành hương đến cung Potala vẫn nườm nượp không ngớt, họ sẽ không vì cái chết của Sangye Gyatso mà rời bỏ Phật, không vì thói phóng đãng đa tình của Phật sống mà mất đi lòng kính trọng với Ngài. Họ càng không tin lời đơm đặt Lha-bzang Khan tung ra, không tin người viết những câu thơ tình cảm sâu đậm như vậy lại là Phật sống giả mạo. Chúng sinh thương tiếc Tsangyang Gyatso nặng tình và bi thương, Ngài có gút mắc tình cảm giống như dân thường, cam nguyện lưu lạc xuống nhân gian, cùng sống chết với cõi phàm, hướng đến tự do, theo đuổi tình yêu. Do đó, Tsangyang Gyatso chính là vị Phật sống chí cao vô thượng trong lòng họ, dù chuyện đời thay đổi ra sao, họ đều ủng hộ, kính yêu Ngài đến chết.
Nhưng những người hành hương lương thiện làm sao chống nổi Lha-bzang Khan hung mãnh bạo ngược? Y quyết chí phải giành được chính quyền Tây Tạng thèm muốn đã lâu, giờ đây bất cứ ai cũng không thể ngăn cản quyết định của y. Thử hỏi, ai có thể khiến nước lũ vỡ bờ dừng bước trong chớp mắt? Dù lúc này để y dùng sinh mạng đánh đổi, y cũng không tiếc. Từ xưa đến nay, biết bao người vì một cây quyền trượng, một chiếc ngai báu, một khối ngọc tỷ[1] tan xương nát thịt, máu tung ba thước mà không hề nuối tiếc. Dục vọng quyền lực là độc dược, trước khi nhiễm độc, có thể bạn còn trong sạch, sau khi nhiễm rồi, nó sẽ xâm nhập vào xương tủy bạn, cả tư tưởng cũng bị ăn mòn.
[1] Ngọc tỷ truyền quốc là ấn triện của hoàng đế Trung Quốc, bắt đầu từ thời nhà Tần, được truyền qua nhiều triều đại, tượng trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế, cũng được coi là quốc bảo. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của mình, các vua chúa dù là cướp ngôi hay được nhường ngôi, thường tìm cách chiếm cho được ngọc tỷ.
Chương 35: Khói mây [2]
Lha-bzang Khan đã trúng loại độc này, không thuốc nào giải được, chỉ có thỏa mãn lòng tham của y, một ngày kia khi y sở hữu tất cả, không còn gì để theo đuổi nữa mới có thể bình tâm. Nhưng con hổ hung mãnh, kể từ ngày làm vua chốn rừng sâu, liền sinh lòng từ bi, không mong không cầu ư?
Con người cần phải giác ngộ, Đức Phật thương xót con người, chỉ dẫn dắt bạn làm sao ra khỏi cảnh mê, chứ không thể thay thế suy nghĩ của bạn. Phật sẽ tha thứ sai lầm của bạn, nhưng không thể ngăn cản hành vi của bạn. Đối với Tsangyang Gyatso như nhược, đối với Lha-bzang Khan dũng mãnh, hoặc đối với chúng sinh như cây cỏ, Phật đều công bằng như nhau, không mảy may thiên vị. Song mỗi người có duyên phận và tạo hóa của mình, một người lỡ bước vào đường mê, không nghe khuyên giải, Phật cũng bất lực. Cũng giống như Tsangyang Gyatso, Ngài mỗi ngày đều tụng niệm kinh văn, lắng nghe Phật hiệu[2], vẫn không đặt tình yêu xuống được. Lẽ nào duyên Phật của Tsangyang Gyatso không sâu? Ngộ tính của Ngài không cao? Không, đều không phải, tất cả những điều này đều là cục diện định sẵn trong số mệnh, không thoát ra được, chỉ có thể chấp nhận.
[2] Phật hiệu: chỉ danh hiệu “A Di Đà Phật” mà những người tin Phật thường tụng niệm.
Lha-bzang Khan muốn trừ khử Tsangyang Gyatso, không cần thu thập chứng cứ phạm tội, những bản tình ca bay lượn đầy trời kia có thể dễ dàng gỡ chiếc mũ Phật sống của Ngài. Nhưng loại bỏ Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 không phải là chuyện tùy theo ý muốn. Suy cho cùng Ngài vẫn là người thống trị cao nhất của chính giáo Tây Tạng, hơn nữa địa vị của Ngài trong lòng dân chúng Tây Tạng không thể lay chuyển, lòng yêu kính của họ đối với Ngài đã đạt đến mức gần như si mê. Lha-bzang Khan biết đã không thể lôi kéo sư sãi trong cung Potala và dân chúng Tây Tạng, y cần mượn một con dao, dùng dao người khác danh chính ngôn thuận chặt cái đầu của Tsangyang Gyatso xuống.
Thật ra Lha-bzang Khan không hề muốn Tsangyang Gyatso chết, vị Phật sống đa tình vô tội này từ đầu đến cuối đều chỉ là con rối của Sangye Gyatso. Sự tồn tại hữu danh vô thực của Ngài xưa nay không phải là uy hiếp đối với Lha-bzang Khan. Thứ Lha-bzang Khan tham luyến chính là ngai báu của Ngài, dù y cũng không thể danh chính ngôn thuận ngồi lên, nhưng có thể tìm một vị Phật sống giống Tsangyang Gyatso, làm con rối của y, tỉ mỉ đạo diễn một màn kịch như Sangye Gyatso năm xưa. Vì quyền lực của y, hy sinh Tsangyang Gyatso cũng chẳng có gì đáng tiếc.
Tất cả những điều này, Tsangyang Gyatso không thể không biết, dù Ngài không tham gia chính sự, hiền lành đến nỗi không hiểu thói đời hiểm ác, nhưng trong lòng Ngài tỏ tường, Ngài biết rõ những điều đó, chỉ không nói ra mà thôi. Ngài hiểu rõ năm xưa Sangye Gyatso luôn coi Ngài là quân cờ để khống chế cục diện chính trị Tây Tạng, cũng hiểu rõ Lha-bzang Khan đang trăm phương ngàn kế muốn lôi Ngài từ trên ngai báu xuống. Nhưng Ngài một mực bình tĩnh, Ngài đột nhiên rất muốn trân trọng chiếc ngai báu đang rung rinh trước gió mưa này. Quỳ trước Phật, ngước đầu nhìn Phật, Phật hiền hòa từ bi trước sau như một. Thưa Đức Phật, nếu còn có kiếp sau, con nguyện suốt đời vì Người. Ngài đã khóc, khóc không thành tiếng.
Lha-bzang Khan nhẫn nhịn nhiều năm đã nôn nóng không thể chờ đợi được nữa, y phái thân tín cấp tốc vào quan ải, y phải báo cáo với vua Khang Hy ở thành Bắc Kinh, Đệ Ba Sangye Gyatso có ý đồ cấu kết người Dzungar mưu phản, đã bị y xử tử. Đồng thời trong thư liệt kê các thói hư tật xấu của Tsangyang Gyatso, hành vi buông thả không chịu ràng buộc, bản tính mê rượu háo sắc, một người không giữ thanh quy giới luật thật sự không thể là linh đồng chuyển thế của Đại Lai thứ 5. Y khẩn xin vua Khang Hy phế truất Đạt Lai giả Tsangyang Gyatso do Sangye Gyatso lập nên, triệt để vạch trần trò lừa dối nhiều năm này. Đồng thời yêu cầu một lần nữa tìm kiếm Đạt Lai Lạt Ma chân chính, trả lại cho Tây Tạng một thời buổi thái bình trong sáng.
Thế giới này thật thật giả giả, ai có thể phân biệt rõ ràng? Đều nói là thật giả không được, là giả thật không xong, nhưng đến cuối cùng ai định chắc một tiêu chuẩn cho thật giả. Bao nhiêu kẻ dối đời trộm tên, vẫn vinh quang sống trọn một đời, lại có bao nhiêu người khư khư giữ lấy hư danh, sống tạm bợ vất vả. Có câu kẻ thắng làm vua, thua làm giặc, dù dòng máu chảy trên người bạn cao quý dường nào, khi sa sút, chỉ có thể làm bụi trần dưới chân kẻ khác mà thôi. Thật giả của thân phận Tsangyang Gyatso đã không cách nào phân biệt, Lha-bzang Khan nằng nặc khẳng định Ngài là Đạt Lai giả, Tsangyang Gyatso đã mất đi chỗ dựa, cô lập không viện trợ, còn có thể gắng gượng chèo chống bao lâu trong cung Potala?
Hóa ra con dao Lha-bzang Khan muốn mượn chính là vua Đại Thanh. Duy chỉ có nhà vua có thể dùng một tờ giấy mỏng, một con dấu đỏ để đuổi Tsangyang Gyatso từ ngai Phật cao ngất, gỡ xuống chiếc mũ vàng cùa Ngài, cởi xuống áo sư của Ngài, khiến Ngài trong nháy mắt từ Phật sống tôn quý trở thành bá tánh bình thường. Đời người chính là một vở kịch, hôm nay diễn vai vua chúa, ngày mai có thể là áo vải. Phật sống có số mệnh của Phật sống, nhà vua có bất lực của nhà vua, Lha-bzang Khan cũng có bi ai của Lha-bzang Khan. Việc họ làm chẳng qua là cố gắng diễn nốt vở kịch này, còn phụ lòng ai, làm tổn thương ai, bản thân cũng không cách nào nắm bắt.