XtGem Forum catalog
Đọc truyện
Truyện Teen | Ngôn Tình | Xuyên Không | Tiểu Thuyết
Truyện ngôn tình - Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất trang 2
Chương 6: Tín Ngưỡng [2]



Cuộc đời đã được định sẵn, bạn và tôi đều không thể chọn lựa, chẳng muốn nước chảy bèo trôi, rốt cuộc vẫn phải mặc cho vận mệnh sắp đặt. Ngawang Lobsang Gyatso[11] là Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Năm 1617, Ngawang Lobsang Gyatso sinh ra ở huyện Qonggyai, Lhoka, Tiền Tạng[12], thuộc gia tộc Qonggyaipa. Gia đình Ngài là địa chủ phong kiến ở Lhoka, cũng là quý tộc dưới trướng chính quyền Phagmodrupa[13]. Một con em quý tộc vừa sinh ra đã được đội lên vầng hào quang hoa lệ, vốn cho rằng đời này sẽ giữ nghiệp nhà giàu có, cưới vợ sinh con, sống cuộc sống sung túc mà tầm thường. Nhưng Đức Phật đã trao cho Ngài sứ mệnh lớn hơn, khi Ban Thiền thứ 4 Lobsang Chökyi Gyaltsen nhận định Ngài là Đạt Lai thứ 5, cuộc đời của Lobsang Gyatso liền có biến đổi trời long đất lở.

[11] Ngawang Lobsang Gyatso (A Vượng La Bốc Tạng Gia Mục Thố, 1617-1682): Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, và có lẽ là vị nổi danh nhất, được người Tạng tôn trọng gọi là “Đại sư thứ năm”. Ngài là vị Đạt Lai đầu tiên khởi xướng chế độ “chính quyền tăng lữ”, nắm giữ quyền cai trị Tây Tạng. Kể từ đó, Đạt Lai Lạt Ma là người lãnh đạo tinh thần tôn giáo cũng như chính trị tại Tây Tạng.

[12] Qonggyai (Quỳnh Kết) là một huyện của địa khu Lhoka (Sơn Nam), khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Địa khu Lhoka nằm ở đông nam Tây Tạng, trung và hạ phần của thung lũng sông Yarlung Tsangpo, được coi là vùng đất khai sinh của văn minh Tây Tạng. Nó có ranh giới với Lhasa ở phía bắc, Nyingchi ở phía đông, Shigatse ở phía tây, có biên giới quốc tế với Ấn Độ và Bhutan ở phía nam. Thủ phủ là trấn Tsetang, cách Lhasa 183km.

Tiền Tạng: gồm Lhasa và địa khu Lhoka.

Ngài rốt cuộc không phải là người phàm, thiên tư thông minh, dĩnh ngộ, tài năng kiến thức xuất chúng, sáu tuổi được đón vào tu viện Drepung phụng dưỡng, tiếp nhận nền giáo dục đặc biệt. Trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền, Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso là một nhân vật vô cùng quan trọng, Ngài bình định chiến loạn, xây lại cung Potala, xác lập địa vị thống trị của phái Gelug ở Tây Tạng. Một nhân vật mưu lược kiệt xuất, một vị anh hùng kiến công lập nghiệp, được muôn người thành kính quỳ bái, đồng thời cũng trải qua thử thách của khói lửa chiến trường. Chúng ta dường như nhìn thấy một người cầm lái, không sợ mưa gió, cầm vững tay lái ngược bao sóng cả, cuối cùng đến được bờ bên kia đầy hoa sen.

Lúc đó Tây Tạng là thời đại thống trị của chính quyền địa phương Karma[13], do Đệ Ba[14] quản lý chính sự, phái Karma Kagyu[15] và Tsangpa Khan áp dụng chính sách áp bức tàn phá đối với Hoàng Giáo. Khoảng năm 1630, chính quyền Tsangpa Khan lợi dụng cơ hội các thế lực địa phương tranh chấp nội bộ, thừa cơ phát động một cuộc đấu tranh chống Hoàng Giáo, khiến Đạt Lai thứ 5 tránh về Lhoka. Lúc đó Hoàng Giáo ở Tây Tạng và vùng Kham[16] Thanh Hải, thậm chỉ ở nhiều nơi thuộc Mông Cổ đều rất được đông đảo nhân dân ủng hộ. Sau một thời gian trù hoạch, Đạt Lai thứ 5 và Ban Thiền thứ 4 thượng nghị, cử người đến Thanh Hải bí mật triệu Gushi Khan[17] dẫn binh tiến vào Tây Tạng. Do đó mới lật đổ nền thống trị của chính quyền địa phương Karma, ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 kiến lập chính quyền Ganden Phodrang[18].

[13] Chính quyền Karma: chính quyền liên minh giữa Tsangpa Khan và phái Karma Kagyu.

[14] Đệ Ba hay Đệ Ti (Desi) là dịch âm tiếng Tạng, nghĩa gốc là “tù trưởng bộ lạc, thủ lĩnh”. Cuối thời Minh, người thống trị Tây Tạng Tsangpa Khan cũng xưng là Đệ Ba. Đến thời Thanh, phái Gelug nắm quyền, trước sau bổ nhiệm tám vị Đệ Ba, là quan chức cao nhất quản lý sự vụ hành chính của chính phủ địa phương Tây Tạng. Trong đó nổi tiếng nhất là Đệ Ba thứ 5 Sangye Gyatso (Tang Kết Gia Thố).

[15] Karma Kagyu: Chỉ phái có thế lực mạnh nhất và ảnh hưởng lớn nhất trong phái Kagyu.

[16] Kham: từng là một trong ba vùng truyền thống của Tây Tạng (Ü-Tsang, Amdo, Khan), hiện nay được chia ra giữa các đơn vị cấp tỉnh của Trung Quốc là Khu tự trị Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Vân Nam. Đây là nơi dân tộc Khampa, một phân nhóm của dân tộc Tây Tạng sinh sống.

[17] Gushi Khan (Cố Thùy Hãn): thủ lĩnh của bộ lạc Khoshut (Hòa Thạc Đạc) của người Mông Cổ tại vùng hồ Thanh Hải.

[18] Ganden Phodrang (Cam Đan Pha Chương): tên tẩm cung của Đạt Lai Lạt Ma ở tu viện Drepung. Trước khi xây lại cung Potala, Đạt Lai thứ 5 luôn sống ở đây, và nắm giữ quyền lực chính trị tôn giáo Tây Tạng thời đó, Ganden Phodrang cũng trở thành từ đồng nghĩa với chính phủ địa phương Tây Tạng, nên giới sử học gọi đó là “chính quyền Ganden Phodrang”.

Không phải thành lập chính quyền Ganden Phodrang thì có nghĩa Lobsang Gyatso là vua của Tây Tạng. Trên thực tế, địa phương Tây Tạng hoàn toàn chịu sự khống chế của Gushi Khan. Lobsang Gyatso kiêu ngạo, với hoài bão lớn lao của Ngài, làm sao cam tâm thần phục thế lực Mông Cổ? Ngài phải mưu cầu địa vị chính trị độc lập, không phụ thân phận Đạt Lai thứ 5 của Ngài. Khi chính quyền Ganden Phodrang thành lập, đúng vào lúc vương triều nhà Minh sắp sụp đổ tan tành. Nội địa chiến tranh loạn lạc, thế lực Mãn Thanh ở quan ngoại[19] nhanh chóng lớn mạnh, đối với họ, giang sơn Đai Minh dễ lấy như trở bàn tay. Hoàng Giáo đứng đầu bởi Đạt Lai thứ 5 và Ban Thiền thứ 4, để củng cố địa vị thống trị đã có, quyết định tìm kiếm sự ủng hộ từ chính quyền Mãn Thanh ngày càng hùng mạnh. Năm 1642, Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso phái Khutuktu[20] Ila Kuksasn làm đại biểu, lên đường đến Thẩm Dương[21].

[19] Quan ngoại: vùng đất phía đông Sơn Hải Quan hoặc vùng đất phía tây Gia Dụ Quan, Trung Quốc.

[20] Khutuktu (Hô Đồ Khắc Đồ): Chức hàm cao tăng Phật giáo Tạng truyền, chỉ xếp sau Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma.

[21] Thẩm Dương: thành phố thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc. Từ 1625-1644, đây là kinh đô của Mãn Thanh, còn có tên là Thịnh Kinh.

Lúc đó, Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực[22] dẫn các thân vương bối lặc[23], đại thần ra ngoài thành nhiệt tình nghênh đón, theo quan điểm của Hoàng Thái Cực, chuyến viếng thăm của người Tạng là do ý trời sắp đặt, là tượng trưng cao xanh bảo hộ triều Thanh. Do đó, Hoàng Thái Cực còn hướng lên trời làm lễ ba quỳ chín lạy, sau khi vào thành, lại đích thân đến nơi ở của sứ Tạng thăm hỏi. Sứ Tạng lưu lại tám tháng ở Thẩm Dương, được Mãn Thanh niềm nở khoản đãi. Đến khi quay về Lhasa, Hoàng Thái Cực còn viết thư trả lời cho cả Đạt Lai, Ban Thiền và Gushi Khan, đồng thời khen ngợi Đạt Lai Lạt Ma “cứu vớt chúng sinh”, “trợ hưng Phật pháp”. Còn ban tặng lễ vật hậu hĩ, bày tỏ sự xem trọng của Mãn Thanh đối với Phật giáo Tạng truyền.

[22] Hoàng Thái Cực (1592-1643): vị Hoàng đế thứ 2 của nhà Thanh, miếu hiệu Thanh Thái Tông, cai trị từ năm 1627 đến năm 1643.

[23] Thân vương: người được phong vương trong họ hàng thân thuộc của hoàng đế. Bối lặc: tước vị quý tộc thời Thanh, địa vị ở dưới thân vương, quận vương.

Tất cả phảng phất bụi trần lắng đọng, Đạt Lai hai mươi lăm tuổi Lobsang Gyatso trải qua phân tranh biến ảo, cuối cùng trở thành lãnh tụ hô mây gọi gió của chính trị tôn giáo toàn Tây Tạng. Mãn Thanh như một ngọn núi sừng sững cao chót vót, đà lớn mạnh của nó vượt xa Mông Cổ, Lobsang Gyatso với ánh mắt và tầm nhìn thâm thúy của Ngài, đã tranh thủ được sự ủng hộ và chấp nhận hết sức đắc lực của chính quyền Mãn Thanh. Điều này cũng có nghĩa địa vị của phái Gelug ở Tây Tạng được củng cố triệt để, còn Lobsang Gyatso cũng thành vị anh hùng được người Tạng sùng bái.

Bản thân sinh mệnh kỳ thực là thuần túy mà sạch sẽ, nhưng trong quá trình trưởng thành, dần dần chúng ta đã nhuộm quá nhiều bụi hồng. Trong hành trình cuộc đời, mỗi người đều có nhiều tao ngộ không thể tránh khỏi, hoặc dũng cảm đối diện, hoặc hoảng hốt chạy trốn, hoàn toàn ở lựa chọn của bản thân. Lobsang Gyatso từ khi sinh ra đã bị vận mệnh chi phối, do đó khi Ngài tư tưởng dồi dào, cũng muốn chi phối vận mệnh. Dù chúng ta là người mạnh hay kẻ yếu, chỉ cần sống trong năm tháng yên tĩnh mà huyên náo này, tươi tỉnh đó, âu sầu đó, vui vẻ đó, cũng đau đớn đó.
Chương 7: Cảnh mộng

Phật viết kinh thư không chữ trên mình mỗi người, chỉ đợi người có duyên đọc hiểu. Phật đặt ra câu đố thâm sâu cho mỗi miền đất, chỉ đợi người có duyên suy đoán.

Đêm qua, tôi mơ thấy mình đã đi Tây Tạng, ở một tu viện không biết tên, nhìn thấy một cây bối lá rụng đầy. Có sư sãi khoác cà sa màu đỏ thẫm cúi đầu gấp gáp đi lại, làm thảm lá trên mặt đất thoáng xao động. Cung điện trùng điệp trong gió lạnh hiu hắt tỏa ra một nỗi cô độc cách biệt với đời, tựa hồ ở đây từng có một tai họa lớn, giờ đây chim chóc bay hết, không người làm chủ. Trên lâu đài vắng vẻ, có một chú tiểu ngồi nghiêm trang, hai tay chắp trước ngực, chú tiểu trông rất đỗi bình yên vô sự, thế giới hỗn loạn không quấy nhiễu được cảnh giới thanh tịnh của chú. Tôi nhìn thấy trong mắt chú vẻ hiền lành và thương xót tôn trọng vạn vật. Ký ức trôi thật xa, chỉ một chiếc lá rụng, liền khiến tôi thức tỉnh.

Chú tiểu có lẽ là Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 nổi tiếng trong lịch sử, Tsangyang Gyatso. Bất kể ba trăm năm trước hay ba trăm năm sau, cái tên này đều như một vì sao lấp lánh, hào quang chiếu rọi trên thân mỗi người, nhưng lại xa xăm không tài nào với tới. Tôi là cô gái bình thường nhất chốn hồng trần, định sẵn không thể cùng Ngài kết duyên; khi đọc thơ Ngài, sẽ ngẫu nhiên ảo tưởng, có lẽ một kiếp nào đó, tôi là cành cây ngọn cỏ được Ngài đoái thương, là chú cá đỏ được Ngài phóng sinh. Nghĩ như vậy, sau khi tỉnh mộng không đến nỗi quá hụt hẫng, không đến nỗi gió bụi vô chủ.

Trong mơ luôn có quê cũ không về được, tỉnh lại vẫn sẽ tràn đầy khát vọng nóng bỏng và ảo tưởng tình sâu đối với miền đất ấy. Phật viết kinh thư không chữ trên mình mỗi người, chỉ đợi người có duyên đọc hiểu. Phật đặt ra câu đố thâm sâu cho mỗi miền đất, chỉ đợi người có duyên suy đoán. Đều nói lịch sử đã trở thành quá khứ, bánh xe thời gian nghiền chúng vụn nát tan tành, chúng ta không cần thêm sương trên tuyết nữa. Chúng ta luôn cho rằng lịch sử ngàn năm có những bí mật tìm hiểu mãi chẳng hết, nhưng lại không biết rằng, năm tháng cũng sẽ mài giũa nó càng ngày càng mỏng. Dù không thể tùy ý sửa đổi, nhưng thông qua chắp vá của nhiều người khác nhau, chuyện cũ ủ kín lâu ngày cũng dần dần mất đi mùi vị năm xưa.

Đều nói, người có duyên có thể nhìn thấy kiếp trước kiếp này của mình trong hồ thánh ở Tây Tạng, có thể lập lời thề ước vĩnh hằng trên núi tuyết. Giờ đây, chúng ta lại đến mảnh đất thần bí này, chứng kiến những quá khứ rối ren của Phật giáo Tạng truyền. Năm 1644, vó sắt của Bát Kỳ[1] sau nhiều năm hăng hái chiến đấu đã đạt được mong muốn mở toang tường thành cuối cùng của vương triều Đại Minh, quân Thanh vốn quen nhìn đại mạc hào hùng, cuối cùng cũng được hưởng thụ sông núi ôn nhu của phương Nam. Sau khi vua Thuận Trị[2] trẻ tuổi lên ngôi, liền phái người đi Tây Tạng mời Đạt Lai Lạt Ma đến Bắc Kinh[3]. Nhưng sau khi nhận được lời mời của triều Thanh, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso chỉ dâng tặng lễ vật và hỏi thăm sức khỏe vua Thuận Trị, chứ không dự định lên đường vào kinh theo lời mời. Sau đó vương triều Thanh lại liên tiếp ba lần phái người chuyên trách vào Tây Tạng, nồng nhiệt mời Đạt Lai thứ 5 đến thăm nội địa[4]. Còn Đạt Lai thứ 5 một trong ba lần đó thoái thác, nói với quan viên triều Thanh đến Tây Tạng mời Ngài rằng: “Ta nay không đi, nhưng ta ắt sẽ đi.”

[1] Bát Kỳ: là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châu và nhà Thanh sau này. Đặc trưng của Bát Kỳ là một đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản mà theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám “Kỳ”, đứng đầu là một kỳ chủ và tư lệnh tối cao là Đại Hãn, đó vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự.

[2] Thuận Trị (1638-1661): vị Hoàng đế thứ 3 của nhà Thanh, tên húy là Phúc Lâm, miếu hiệu Thanh Thế Tổ.

[3] Bắc Kinh: thủ đô của Trung Quốc, trung tâm chính trị của quốc gia trong phần lớn thời gian suốt bảy thế kỷ qua.

[4] Nội địa: vùng đất cách biên cương hoặc duyên hải tương đối xa.

Năm 1645, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 xây dựng lại cung Potala. Ngài hy vọng gửi gắm mộng tưởng cao xa thần kỳ của mình vào tòa cung điện huy hoàng rộng lớn này. Năm xưa vua Tây Tạng Songtsän Gampo vì công chúa Văn Thành của Đại Đường xây cung Potala đẹp đẽ đường hoàng này, hàm ý nó là tượng trưng cho vương giả chí tôn. Nó khí thế hiên ngang đứng sừng sững trên Hồng Sơn, chim ưng bay qua, vạn vật thế gian đều phải cúi đầu xưng thần với nó. Lobsang Gyatso yêu thích tòa cung điện thâm sâu mà tịch mịch này, nơi đây có thể chứa đựng mọi cảnh tượng gió mây của thế gian, cũng có thể khiến Ngài đứng trên đỉnh cao của thế giới, một mình thưởng thức hiển hách và mênh mang của cõi Phật. Năm 1648, Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso dời trung tâm chính quyền về cung Potala. Từ đó cung Potala trở thành nơi ở và nơi tiến hành các hoạt động tôn giáo chính trị của Đạt Lai Lạt Ma các đời.

Vì giữ lời hứa, tháng Giêng năm 1652, Đạt Lai thứ 5 được quan viên triều Thanh đi cùng, dẫn dắt tùy tùng ba ngàn người, khởi hành từ Tây Tạng, đến thăm nội địa. Hành trình lần này mất thời gian gần một năm, sau khi đến Bắc Kinh, vua Thuận Trị và Đạt Lai thứ 5 gặp nhau ở bãi săn bắn Nam Uyển. Vua Thuận Trị niềm nở tiếp đãi Lobsang Gyatso, đồng thời ngay hôm đó lệnh cho Bộ Hộ[5] trích cúng dường chín mươi ngàn lượng bạc. Khi Đạt Lai thứ 5 lưu lại Bắc Kinh, luôn ở tại chùa Tây Hoàng mà Đại Thanh xây riêng cho Ngài ngoài cửa An Định, hưởng đối đãi trọng hậu của khách quý tối cao.

[5] Bộ Hộ: tên gọi của một cơ quan hành chính thời kỳ phong kiến tại một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam… tương đương với Bộ Tài Chính ngày nay.

Có lẽ là từ nhỏ sinh trưởng nơi đất tuyết hoang nguyên, quen nhìn trời xanh bao la trống trải, quen với thảo nguyên bò cừu đầy đàn; phú quý và phồn hoa của kinh đô không hề khiến Lobsang Gyatso quá đỗi lưu luyến. Tình cảm của Ngài đối với cung Potala hơn hẳn Tử Cấm Thành[6], Ngài nhớ làn nước xanh trong của hồ thánh, nhớ tư thế một chú chim ưng chao liệng, còn cả những con dân đất Tạng phủ phục dưới chân Ngài.

[6] Tử Cấm Thành (Cố Cung) nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Diện tích 720.000 m2, gồm 800 cung và 8.886 phòng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987.

Chỉ lưu lại Bắc Kinh hai tháng, Đạt Lai thứ 5 bèn lấy lý do: “Nơi này thủy thổ không hợp, nhiều bệnh, mà tùy tùng cũng bệnh”, đề nghị vua Thuận Trị cho phép trở về Tây Tạng. Vua Thuận Trị lập tức chuẩn tấu, ban tặng lễ vật quý giá, lệnh vương công đại thần mở tiệc tiễn đưa Ngài. Tháng năm năm đó, khi Đạt Lai thứ 5 đến Đại Cát[7], vua Thuận Trị phái quan viên mang theo sách vàng viết bằng bốn thứ tiếng Mãn, Mông, Tạng, Hán và ấn vàng đuổi theo đến Đại Cát, chính thức sắc phong Đạt Lai thứ 5 là “Tây Thiên Đại Thiện Tự Tại Phật Sở Lĩnh Thiên Hạ Thích Giáo Phổ Thông Ngõa Xích Lạt Đát Lạt Đạt Lai Lạt Ma[8]”. Có sự ủng hộ đắc lực của vương triều Đại Thanh, Đạt Lai thứ 5 từ đó củng cố được địa vị chính trị tôn giáo ở Tây Tạng.

[7] Đại Cát: Nay là huyện Lương Thành, nội Mông Cổ.

[8] Thích Giáo: Phật Giáo, Phổ Thông: thông hiểu tất cả kiến thức Phật học, Ngõa Xích Lạt Đát Lạt: dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là Kim Cương Thủ.

Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso vào ở trong cung Potala, dùng vàng bạc từ nội địa mang về, xây dựng mới mười ba tu viện Hoàng Giáo tại Tiền Tạng và Hậu Tạng[9], gọi là Hoàng Giáo thập tam lâm. Ngài trở thành lãnh tụ chính trị tôn giáo vĩ đại nhất của Tây Tạng, được muôn người lễ bái, mặt trời soi sáng. Chúng ta không thể phủ nhận, Lobsang Gyatso thật sự có duyên với Thiền Phật, nếu không Ngài làm sao có thể từ một con em nhà giàu bình thường, nhập vai Lạt Ma dễ dàng như thế? Ngài trổ hết tài năng trong Phật giáo Tạng truyền loạn lạc, khiến bầu trời lịch sử vần vũ gió cát từ đây trong sáng không bụi.

[9] Hậu Tạng: Địa khu Shigatse.

Đến những năm cuối đời, Đạt Lai thứ 5 đã không mấy hỏi han chính sự, Ngài vì muốn chuyên tâm viết kinh sách, ủy nhiệm tất cả chính vụ cho Đệ Ba Sangye Gyatso[10] chủ trì. Vào năm Khang Hy[11] thứ 18 (năm 1679), Sangye Gyatso được Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 bổ nhiệm làm Đệ Ba, Sangye Gyatso trẻ tuổi gánh vác ủy thác to lớn của Đạt Lai thứ 5, dồi dào sức sống tham gia vào chính vụ của Tây Tạng. Thế nhưng nơi có người thì vĩnh viễn có phân tranh, cục diện bề ngoài tưởng như gió yên sóng lặng, kỳ thực là ngấm ngầm nổi sóng. Sangye Gyatso tiếp nhận chức vụ Đệ Ba, có nghĩa y sẽ đảm đương tất cả trọng trách quản lý chính vụ Tây Tạng, bất kể vinh nhục, đều không oán không hối.

[10] Sangye Gyatso (Tang Kết Gia Thố, 1653-1705): Nhà chính trị, học giả của Tây Tạng. Giữ chức Đệ Ba trong một thời gian dài từ 1679 đến 1705.

[11] Khang Hy (1654-1722): vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Thanh, trị vì từ năm 1661 đến năm 1722, tên húy là Huyền Diệp, miếu hiệu Thanh Thánh Tổ. Ông là vị hoàng đế tài ba, người đã thiết lập sự thịnh trị dài lâu trên 130 năm của nhà Thanh sau một loạt binh lửa can qua.

Năm 1682, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso 66 tuổi qua đời vì bệnh tật ở cung Potala. Nhưng Sangye Gyatso vì ổn định cục thế, quyết định giữ kín không phát tang, lợi dụng danh nghĩa của Đạt Lai thứ 5 tiếp tục nắm giữ chính quyền. Trong bóng tối, y lại âm thầm tra xét, tìm kiếm tung tích linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5. Vị linh đồng này chính là Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso, trước khi chưa chào đời, đã định sẵn cả đời thân bất do kỷ. Có lẽ Ngài không giống Đạt Lai thứ 5, có một trái tim có thể cùng thiên hạ tranh đoạt, có thể đặt mình trên mây, nhìn xuống muôn dân. Nhưng vận mệnh trao cho họ vai trò giống nhau, Phật sống. Sự viên tịch của một vị Phật sống, chẳng qua là chuyển dời linh hồn, hóa thân làm người với một thể xác khác mà thôi. Linh hồn của họ cứ như vậy đời đời tiếp nối, lưu truyền mãi mãi.

Trên thực tế, chuyển thế nào chỉ có Phật sống, nếu mỗi một người đều tìm kiếm kiếp trước của mình thì sẽ lại trải qua một quá trình ra sao? Chúng ta đều là người bình thường, do đó sự sống hay cái chết của chúng ta đều chẳng có gì là kỳ lạ. Mỗi một sinh mệnh đến hoặc đi, đều như bụi cát, rơi xuống dòng sông dài của năm tháng mênh mang, không ai có thể tìm kiếm ai. Chúng ta kiên trì truy tìm ván bài của kiếp trước, đến cuối cùng lật bài ra, lại phát hiện lá bài ấy không hẳn là của mình. Dùng sự cố chấp cả đời để đổi lại nuối tiếc dường ấy, rốt cuộc có xứng đáng hay không?

Dù một đời huy hoàng hay ảm đạm, vào ngày chết đi đều sẽ tan tành như mây khói. Sự qua đời của Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso khiến tôi nhớ đến giấc mơ đêm qua, lá bối rơi đầy, đến cuối cùng cũng chẳng để lại vết tích. Muôn ngàn phong cảnh trên thế gian, chỉ cần một trận gió đã thổi tan hết rồi. Không hiểu chúng ta còn chìm đắm chốn hồng trần, vui không thấy mệt lưu luyến điều gì? Tranh đoạt thứ gì? Không quên được chuyện gì?
Chương 8: Luân hồi

Dù là như vậy, chúng ta vẫn sẽ bỏ lỡ quá nhiều cơ duyên, bỏ lỡ quá trình một đóa hoa hé nở, bở lỡ một hạt cát chảy trôi, bỏ lỡ khoảnh khắc tái ngộ một người.

Người chết rồi thật sự có chuyển thế luân hồi được hay không? Tôi từng không chỉ một lần hỏi bản thân như vậy, chẳng ai có thể cho tôi đáp án chuẩn xác. Nếu có, phải chăng nuối tiếc kiếp này, có thể lưu lại kiếp sau bù đắp? Sự tốt đẹp kiếp này, có thể tiếp diễn đến kiếp sau? Nhưng đó chung quy vẫn chỉ là nếu như, dù chúng ta tin tưởng nhân quả luân hồi, kiếp này vẫn sẽ phạm phải lỗi lầm không thể tha thứ. Mỗi người cả đời đều phải trải qua nhiều kiếp số, dù có thể lật giở quá khứ, biết trước tương lai, vẫn không tránh khỏi thịnh suy đã định sẵn như nhau. Con người bắt đầu từ khi sinh ra, đã diễn từng màn kịch hoặc bi hoặc hài, mãi đến khi chết mới có thể chấm dứt tất cả vướng bận.

Nếu như có chuyển thế, kiếp này đã phải gánh vác trách nhiệm vì kiếp trước, lại phải tích thiện vì kiếp sau, cứ tuần hoàn như vậy, làm sao có một kết thúc? Vì chúng ta bình thường, do đó có thể sống qua loa, không nhất thiết gánh vác quá nhiều nghiệp chướng và nợ nần, cũng không phải tính toán tiền nhân quả báo. Còn về kiếp trước là gì, kiếp sau lại sẽ chuyển thế làm gì, đều không quan trọng, thứ chúng ta có cũng chỉ là kiếp này ngắn ngủi. Nhưng ở Tây Tạng, những vị Đạt Lai Lạt Ma viên tịch các đời đều có thể tìm được linh đồng chuyển thế của mình. Vì họ là Phật sống, cho nên có quá trình chuyển thế không tầm thường, chỉ có chuyển thế mới có thể tiếp tục sự mệnh Đức Phật gửi gắm trên người họ.

Về việc làm sao tìm kiếm linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma, cũng như một bí mật xa xưa, khiến người đời tràn đầy ảo tưởng, truy tìm lời giải đáp hoàn mỹ nhất. Nhiều vị Phật sống trước khi viên tịch sẽ để lại di chúc, nói cho đệ tử của mình biết, Ngài sẽ chuyển thế ở một địa phương nào đó. Có một dạng khác là thần dụ, thần linh nhập vào cơ thể con người, truyền đạt ý chỉ của mình. Thần có thể chỉ ra phương hướng ra đời của linh đồng, thậm chí cho biết tên cha mẹ linh đồng. Cũng có thể thông qua cao tăng đắc đạo xem bói, biết được phương vị của linh đồng. Còn có hồ thánh, đợi sau khi xác định được phương vị tổng quát, cùng một phương vị có thể sẽ xuất hiện nhiều linh đồng cùng một thuộc tính, lúc ấy cần quan sát hồ thánh. Thành kính cầu khẩn, trong hồ sẽ hiển hiện một số cảnh tượng kỳ diệu, cảnh tượng có thể truyền đạt địa phương cụ thể mà linh đồng sinh ra.

Vì linh đồng chuyển thế đều sẽ có đặc trưng phi phàm, lời nói cử chỉ của họ, thậm chí điềm báo trước lúc ra đời đều có khác biệt rất lớn với người thường. Họ tiếp nối linh hồn của Phật sống, cũng tiếp nối linh tính của Phật sống, do đó sau khi sinh ra còn có thể nhớ lại nhiều đoạn đời của kiếp trước, có thể phân biệt ra đồ vật kiếp trước đã dùng, nói những lời kiếp trước từng nói, thậm chí nhận ra người quen kiếp trước. Dù chúng ta tin hay không, tất cả nhân quả này đều được bảo tồn, hết đời này đến đời khác linh đồng chuyển thế của Phật sống đều dùng những phương thức này tìm kiếm. Bởi vì chân thực, khiến chúng ta càng thêm tin tưởng tồn tại của Thần Phật, tin tưởng thế gian này thật sự có linh hồn bất tử, thật sự có luân hồi sinh sôi bất diệt.

Dù là như vậy, chúng ta vẫn sẽ bỏ lỡ quá nhiều cơ duyên, bỏ lỡ quá trình một đóa hoa hé nở, bở lỡ một hạt cát chảy trôi, bỏ lỡ khoảnh khắc tái ngộ một người. Người kết duyên với Phật, trên mình nhất định có khí chất không tầm thường, họ đầy lòng thương xót, hiểu sự cảm ơn, sống tỉnh táo mà lại trầm tĩnh. Dẫu Đạt Lai Lạt Ma có ý chí của Đức Phật, tạo ra đạo tràng bồ đề chốn nhân gian, độ hóa muôn ngàn người đời, họ có linh hồn bất tử, thể xác họ lại không khác biệt với người thường, phải trải qua sinh lão bệnh tử như nhau, có buồn vui ly hợp như nhau. Người và người trên thế gian này vốn dĩ giống nhau, mỗi người đều đi trên cùng một con đường, cuối cùng đến được chốn về bình yên. Bất kể bạn do dự không quyết, hay vì nghĩa không chùn, thời gian tựa thanh kiếm sắc, lạnh lùng vô tình như nhau.

Ở sườn nam của núi Himalaya[1] có một địa phương gọi là Monyu, dân tộc Monpa[2] đời đời cư trú tại đây. Dân tộc cổ xưa này tình quê chất phác, phong tục cởi mở, cách xa huyên náo, không tranh với đời. Nhà ở của người dân Monpa đều lấy vật liệu tại chỗ, dùng gỗ, tre, đá, cỏ tranh… để xây, khi ngủ trải da thú hoặc thảm len, mặc nguyên y phục mà nằm. Cuộc sống tản mạn khiến họ không câu nệ tiểu tiết, uống rượu mạnh, hát tình ca, tổ tiên đời đời sinh sống hạnh phúc, tự do yêu đương trên mảnh đất yên tịnh này.

[1] Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn): một dãy núi ở châu Á, phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng. Mở rộng ra, đó cũng là tên của một hệ thống núi hùng vĩ bao gồm cả Himalaya, Karakoram, Hindu Kush và các dãy núi nhỏ khác trải dài từ Pamir Knot. Himalaya theo tiếng Phạn nghĩa là “nơi ở của tuyết”. Đây là dãy núi cao nhất hành tinh, có mười bốn đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao trên 8.000m, cao nhất là đỉnh Everest. Dãy Himalaya trải khắp bảy quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanmar và Afghanistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của ba hệ thống sông lớn trên thế giới: sông Ấn, sông Hằng - Brahmaputra và Trường Giang.

[2] Monpa (Môn Ba): một dân tộc sinh sống chủ yếu tại bang Arunachal Pradesh đông bắc Ấn Độ, Khu tự trị Tây Tạng Trung Quốc và Bhutan.

Người dân Monpa có tín ngưỡng của mình, họ đời đời tin thờ phái Nyingma (Hồng Giáo), tôn trọng vạn vật tự nhiên, tin tưởng nhân quả luân hồi. Ở nơi này, tôn giáo và tình yêu không hề mâu thuẫn, tôn giáo chỉ là tín ngưỡng trong lòng, còn tình yêu lại là thần thoại đẹp đẽ nhất thế gian. Trên mảnh đất thần thánh cổ xưa này, mỗi một ngọn cỏ gốc cây đều có linh tính, mỗi một hòn đá đều biết nói chuyện, mỗi một con bò con cừu đều có tình cảm. Ngàn năm rồi lại ngàn năm, mặc cho thế gian gió mây biến ảo, nơi này vẫn chất phác như thuở ban đầu.

Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso sinh ra trong một gia đình nhà nông bình thường ở làng nhỏ trên mảnh đất tươi đẹp yên bình này. Năm ấy, là năm 1683 sau Công nguyên, năm Khang Hy thứ 22. Ngày Ngài chào đời, có cảnh tượng kỳ lạ bảy mặt trời cùng mọc, cột vàng chiếu rọi, là chuyển thế của Liên Hoa Sinh[3], bí điển “Thần quỷ dị giáo” thế kỷ XII có tiên đoán. Nguyên quốc tịch Bhutan, dân tộc Monpa, sau khi ra đời một năm mới có người biết, là con cả trong nhà, cha mẹ tin thờ Hồng Giáo, tức là phái Nyingma do Đại sư Liên Hoa Sinh sáng lập.

[3] Liên Hoa Sinh (Padmasambhava): Đại sư Ấn Độ đã truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập phái Nyingma vào thế kỷ thứ VIII. Tương truyền Ngài sinh ra trong một hoa sen nên có tên này.

Ở ngôi làng cổ xưa này, trời xanh nước biếc, cỏ non cừu béo. Hàng trăm năm nay, người dân Monpa an cư lạc nghiệp ở đây, hưởng thụ thời gian yên bình mà tự nhiên ban cho. Trước giờ không biết, một làng quê mộc mạc như vậy cũng sẽ có sinh mệnh không tầm thường giáng lâm. Cha mẹ của Tsangyang Gyatso là nông dân lương thiện, cần cù, cũng là giáo đồ Hồng Giáo thành kính. Do đó cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời khi Tsangyang Gyatso sinh ra khiến họ cho rằng đứa con này là Phật tổ ban ơn, là ông trời khen thưởng nết chăm chỉ, phúc hậu nhiều đời của người dân Monpa.

Người cha người mẹ hiền lành không biết rằng, đứa con này là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, cũng không biết con mình sau này sẽ vào ở trong cung Potala, được muôn dân lễ bái. Càng không thể biết, cuộc đời vốn phải huy hoàng của con, lại tô đầy sắc thái bi kịch. Chàng trai anh tuấn xuất thân từ quê hương của những bản tình ca này đã trở thành nhà thơ lãng mạn nổi tiếng trong lịch sử Tây Tạng. Nếu không có vướng bận của kiếp trước, Tsangyang Gyatso sẽ giống như tất cả người dân Monpa, trên mảnh đất đầm ấm này, cùng một cô gái xinh đẹp tự do yêu đương, kết hôn sinh con.

Sự việc trên đời, xưa nay đều là có được có mất, bạn cho rằng đã sở hữu mặt trời duy nhất của nhân gian, lại không biết sớm đã đánh mất mặt trăng trong sáng nhất. Bạn cho rằng mình là bá chủ làm mưa làm gió có thể nắm giữ thiên hạ, lại không biết đồng thời cũng mất đi hạnh phúc giản đơn nhất của đời người. Nhiều lúc, không phải bạn không đi truy tìm nên thần vận mệnh không đáp xuống người bạn. Ba trăm năm trước Tsangyang Gyatso chỉ muốn cùng cô gái mình yêu yên ổn trông nom một vùng đồng cỏ, dăm ba con bò con cừu, bình dị qua ngày, lại bị kéo lên ngai Phật của cung Potala, làm Đạt Lai Lạt Ma mà chúng sinh kính ngưỡng. Thế nhưng, Ngài lại trở thành vật hy sinh của chính trị Tây Tạng, trở thành con rối mà Sangye Gyatso tìm ra để ứng phó với Khang Hy.

Đều nói người tin số mệnh là người tiêu cực bi quan. Nhưng tôi lại cho rằng, con người bởi vì tin tưởng vào số mệnh, mà càng tỏ ra ôn hòa điềm đạm. Đã có số mệnh, chúng ta sẽ không cố chấp sửa đổi những chương tiết đã biên soạn sẵn của đời người, sẽ không cắt bỏ những đoạn tình sâu sắc hay nông cạn ấy. Tôi thường hay nói, bất kể bạn và tôi sống theo phương thức nào, hoặc vì bản thân, hoặc vì người khác, đều làm con cờ bị năm tháng sắp đặt, không có cả quyền lợi chọn lựa trắng đen. Nói như vậy, không có nghĩa cuộc sống của chúng ta sẽ có nhiều bi ai đến thế, chỉ là đời người sóng cả trùng điệp, ai cũng phải học cách bảo vệ bản thân. Con người chỉ có khi không bị thương, mới không làm tổn thương người khác; chỉ có khi tỉnh táo, mới có thể điểm hóa người khác; chỉ có khi yêu quý bản thân, mới yêu thương bảo vệ người khác.

Tsangyang Gyatso mà chúng ta mong đợi, đức vua lớn nhất của cung Potala, người tình đẹp nhất của đường phố Lhasa, đã đến nhân gian như thế. Ba trăm năm trước, tại một ngôi làng nhỏ xa xôi của Tây Tạng. Vị Đạt Lai Lạt Ma này định sẵn sẽ khiến vô số người say mê, không phải vì Ngài có tâm nguyện to lớn dường nào, có hoài bão sâu xa dường nào, cũng không phải vì Ngài tay cầm quyền trượng thần thánh, được tôn vinh cao nhất. Thứ chúng ta si luyến là thơ tình của Ngài, là chặng đường sinh mệnh mê ly mà đẹp đẽ như mơ của Ngài. Ngài dùng cuộc đời truyền kỳ mà bi kịch, đổi lấy hoài niệm và cảm động vĩnh viễn của đời người. Chẳng biết, đây có xem là nét đẹp vô tư hay không? Lại có xem là tròn vẹn tàn khuyết hay không?
Chương 9: Bí mật

Đi qua thời trai trẻ, năm tháng bắt đầu không khoan dung, mỗi ngày điều ta có thể làm chính là thu thập những hồi ức đã già đi, giả vờ bản thân còn sở hữu cảnh xuân muôn hồng ngàn tía.

Lúc con người còn thơ ấu, luôn cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm, dường như mình là đứa bé không lớn nổi, chẳng có cả khả năng đứng dưới gốc cây rướn người hái quả. Nhưng thật sự đến lúc vĩnh biệt tuổi xuân xanh, mới cảm thấy thời gian quá đỗi vô tình, không cho ta cơ hội quay đầu ôn lại giấc mơ xưa. Đi qua thời trai trẻ, năm tháng bắt đầu không khoan dung, mỗi ngày điều ta có thể làm chính là thu thập những hồi ức đã già đi, giả vờ bản thân còn sở hữu cảnh xuân muôn hồng ngàn tía. Quá trình của sinh mệnh cũng như giương buồm ra khơi, đã không thể xoay chuyển phương hướng con thuyền, lại hà tất để tâm nó có xuôi theo dòng nước mùa xuân cuồn cuộn chảy về đông hay chăng?

Tsangyang Gyatso sinh trưởng giữa non nước Monyu, cho rằng mình có một tuổi thơ hạnh phúc. Là con cả trong nhà, Ngài được cha mẹ hết lòng cưng chiều. Ngài như một chú chim ưng non vui vẻ tự do trên thảo nguyên, tuy chưa đủ lông đủ cánh, nhưng không cần lo lắng gió mưa xâm phạm. Mỗi ngày, Ngài cùng đám bạn trẻ chăn thả đàn cừu, cười nói vui đùa. Có lúc, Ngài lẳng lặng gối đầu lên bãi cỏ, ngắm mây trắng trôi dạt dưới trời xanh, trong đầu thoáng hiện một số chuyện cũ chưa từng xảy ra nhưng lại lờ mờ phảng phất. Ngài yêu mến mảnh đất đã cho mình sinh mệnh này, quyến luyến cỏ dại nhẹ nhàng lay động trong gió, thích thú ngắm mái tóc dài đen mượt của cô gái làng bên.

Tsangyang Gyatso khi còn rất nhỏ đã biết mình và các bạn không giống nhau. Bắt đầu từ khi có ký ức, ngày thường ngoài chăn thả chơi đùa với bạn bè, Ngài còn được định kỳ bí mật sắp xếp học kinh ở một nơi gọi là tu viện Basang. Tu viện Basang tọa lạc tại huyện Cona[1] của Lhoka, là nơi người Monpa tụ tập sinh sống, sùng bái Hồng Giáo, tôn trọng tình yêu. Ở đây, sư sãi có thể kết hôn với phụ nữ ngoài đời, do đó bên ngoài tu viện thường vang vọng những bản tình ca du dương.

[1] Cona (Thác Na): một huyện của địa khu Lhoka, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.

Khi Tsangyang Gyatso chưa thôi nôi, gia đình người nông dân bình thường này đột nhiên có khách quý đến thăm, đó chính là sứ giả do Đệ Ba Sangye Gyatso phái đến. Sứ giả đem đến một tin tức động trời, y nói cho cha mẹ Tsangyang Gyatso biết, con trai cả của họ là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso. Vinh hoa từ trên trời rơi xuống này trong khoảnh khắc nhắm trúng họ, khiến đôi vợ chồng thường dân lương thiện ấy luống cuống. Thế nhưng, tin tức này không có nghĩa là Tsangyang Gyatso sẽ phải lập tức rời Monyu, đi đến Lhasa xa xôi, ngồi trên ngai Phật quyền quý của cung Potala, từ đó diễn tiếp cuộc đời Phật sống của Ngài.

Có câu họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp. Sự đời biến ảo vô thường, khi bạn chìm đắm trong niềm vui sướng tuyệt vời khôn tả, lại đâu hay có tâm tư bi thương đang lặng lẽ chờ bạn.

Cha mẹ Tsangyang Gyatso biết rõ con trai họ chính là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, sẽ bước vào cung Potala rực rỡ huy hoàng trong truyền thuyết, trở thành đức Phật sống chí cao vô thượng, được muôn người tôn sùng, nhưng lại không thể không giữ kín như bưng bí mật lớn lao này, vì dù là dân thường chốn Monyu hẻo lánh, cũng biết trong xã hội tầng trên của Lhasa luôn diễn ra đấu tranh chính trị tàn khốc mà kịch liệt. Họ không thể biết được, con mình trong tương lai bị cuốn vào trong những đấu tranh ấy, sẽ gánh chịu hưng thịnh vinh nhục thế nào. Không biết, ẩn tình giấu diếm này mai kia chiếu cáo thiên hạ, sẽ dấy lên sóng to gió lớn ra sao.

Không ai có thể đoán trước tương lai, cũng giống như ban đầu không thể dự liệu gia đình nghèo nàn trong sạch này lại sẽ giáng lâm một linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma. Nếu nói đây là sủng ái của cao xanh đối với họ, lại vì sao buộc họ cố sống cố chết giữ kín bí mật lớn tày trời này, đến nỗi cả ngày hoảng hốt không yên. Khi Tsangyang Gyatso hai tuổi, liền được định kỳ bí mật sắp xếp học kinh ở tu viện Basang. Đứa bé còn chưa tỏ sự đời này không hề biết sứ mệnh gian khó Phật tổ trao cho mình. Chỉ có cha mẹ của bé, ngày tháng từ đó về sau, mỗi ngày đều như đi trên băng mỏng.

Tsangyang Gyatso thơ bé học tập kinh văn ở tu viện Basang, thầy dạy kinh sách cho Ngài là mấy vị cao tăng đắc đạo do Đệ Ba Sangye Gyatso cử đến. Một ngày kia, nếu bạn đến Tây Tạng, đi qua tu viện Basang cũ kỹ vắng vẻ, phải chăng sẽ nảy sinh nỗi buồn da diết đối với nơi từng khóa chặt tuổi thơ của Tsangyang Gyatso? Kỳ thực sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, lẽ nào lại không mềm yếu như thế, luôn bị một chút tình cảm êm đềm nho nhỏ làm cảm động đến bối rối. Khi ngoài cửa sổ vang vọng một bản tình ca uyển chuyển, chúng ta muốn biết, năm xưa Tsangyang Gyatso dựa bàn đọc kinh, phải chăng sẽ bị tình ca bay bổng cắt đứt suy nghĩ sâu lắng, gợi mở tưởng tượng xa vời vô tận đối với tình yêu của Ngài?

Ta và nàng gặp gỡ,

Trong rừng nam Monpa.

Ngoài chim vẹt dẻo miệng,

Chẳng một ai biết qua.

Chim vẹt biết nói à,

Đừng lộ bí mật ra.

Xin anh vẹt nhà ta,

Lặng yên thêm chút nữa.

Chị họa mi rừng liễu,

Muốn hát một khúc ca.

Tsangyang Gyatso ba trăm năm trước đã lớn lên trong tiếng đọc kinh văn và những bản tình ca. Mười bốn năm đằng đẵng trôi qua, Ngài đã trở thành một thiếu niên tiêu sái như cây ngọc trước gió. Ở miền đất tự do luyến ái và kết hôn này, chàng trai trẻ Tsangyang Gyatso vẫn luôn cho rằng mình có thể cùng cô gái nhà bên mắt qua mày lại, bày tỏ tình cảm. Lúc ấy, cha Tsangyang Gyatso sớm đã qua đời, chỉ có người mẹ hiền một mình vất vả giữ kín bí mật không ai biết kia, sống ngày tày năm. Bà nhìn thấy con cưng tình xuân nảy nở, chìm đắm trong ảo tưởng ngọt ngào, chỉ có thể âm thầm than thở. Bà không biết ngày nào cảnh tượng trước mắt sẽ bỗng nhiên tan biến, khi bí mật sáng tỏ trên đời, đứa con này có thể chịu đựng tổn thương mà vinh quang muôn trượng mang lại hay không?

Trên đời này chẳng ai hiểu rõ con mình bằng một người mẹ, mẹ Tsangyang Gyatso biết rõ con mình từ nhỏ đã có một trái tim đa cảm. Trên khuôn mặt tuấn tú của Ngài thiếu đi khí thế lẫm liệt nhả khói phun sương, dư nhu tình quyến luyến ôn hòa như nước. Trong đôi mắt sâu thẳm kia mang một nỗi ưu sầu bẩm sinh. Một thiếu niên cảm thương rơi lệ vì hoa cỏ, thì thầm trò chuyện cùng bò cừu, si mê tình ca, định sẵn là tình lang đẹp nhất trên thảo nguyên. Có lẽ chúng ta nên tha thứ cho một đứa trẻ ngây ngô không biết thân thế thật sự của mình, đứa trẻ ấy chẳng mảy may kiêng dè theo đuổi tình yêu, tịnh không phạm phải lỗi lớn tày trời gì cả.

Chính những khúc tình ca ngân nga cảm động lòng người khiến Ngài mê hoặc sâu sắc, chính mảnh đất nảy nở hoa tình này đã chôn xuống hạt giống lãng mạn trong đáy lòng Ngài. Khi bí mật chưa công bố với đời, tình yêu của Tsangyang Gyatso thật là vô tôi. Ngài ôm ấp niềm vui của tình xuân, viết nên văn chương hoa mỹ của mộng mơ, trái tim khát vọng tình yêu ấy của Ngài đâu thấy tóc bạc ngày càng nhiều thêm của mẹ, thấy được ưu tư đè nặng đáy lòng mẹ? Ngài không có tội, nhưng nhiều năm sau, Ngài lại chịu sự trừng phạt vô tình bởi thói đa tình của mình. Đây chẳng lẽ cũng là nhân quả đời này Ngài phải nhận? Nếu phải, sẽ dùng tu hành một đời để xóa bỏ hết thảy nghiệt trái tiền duyên.

Đều nói người trong cuộc mê, người ngoài cuộc tỉnh, một người quá tỉnh táo, có lẽ sẽ sống mệt mỏi hơn bất kỳ ai khác. Có lẽ chúng ta đều nên hồ đồ một chuyến, đối với nhiều người nhiều việc, giả vờ không nhìn thấy, như vậy phải chăng sẽ sống nhẹ nhõm hơn? Tsangyang Gyatso trước mười bốn tuổi, chính là người ở trong cuộc nhưng lại không biết câu đố. Đời người thật khéo trêu cợt, khi một người quyết ý thề chết không hối vì tình yêu, bạn làm sao nhẫn tâm cho người đó biết, thật ra cả đời này, người đó định sẵn ngồi trên ngai Phật, cô độc đến chết.
Chương 10: Núi thần [1]



Cảnh vật trên đời vốn không có tình cảm, từng cành cây ngọn cỏ, từng hạt cát hạt bụi, đều là do con người thêu dệt những câu chuyện và truyền thuyết phủ lên trên mới có máu thịt, mới có điểm tựa.

Mỗi người đều từng có một thời thanh xuân trẻ trung, đều từng có một cuộc tình rực rỡ như pháo hoa, tuy rằng ngắn ngủi, nhưng suốt đời khó quên. Thế gian này có nhiều việc có thể quay trở lại, nhưng thời gian qua đi và tình cảm bỏ lỡ lại một đi không trở lại. Cho dù như thế, ai cũng không thể xóa đi những thứ từng có được, những đoạn đời ấy được niêm phong trong ký ức, lâu bền không phai. Do đó, chúng ta sẽ luôn trầm tư một hồi lâu vì một tấm ảnh cũ ố vàng, sẽ nước mắt lưng tròng vì tình cờ nghe được một bài hát xưa, sẽ cảm động khôn nguôi vì một cảnh gặp lại sau bao ngày xa cách.

Khi tôi được biết nhiều người vì đọc thơ tình của Tsangyang Gyatso mà lựa chọn sắp xếp hành trang lặn lội đường xa đến Tây Tạng, trong lòng không khỏi nảy sinh muôn vàn cảm xúc. Tôi luôn tin tưởng những người này đi Tây Tạng không đơn thuần là vì tìm kiếm kiếp trước kiếp này của Tsangyang Gyatso. Họ càng muốn biết, trên mảnh đất phong tình lãng mạn đó, rốt cuộc đã từng có mối tình duyên không giống người phàm ra sao. Rốt cuộc là một vị Đạt Lai Lạt Ma thế nào mới có thể viết ra câu thơ: “Thế gian sao có đôi đường vẹn, Chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng.” Mà những người khách qua đường vội vã đó, đều là người chí tình, sở dĩ họ ngàn dặm xa xôi tìm hiểu câu chuyện thần kỳ của người khác, là vì đáy lòng họ cũng cất giấu một chuyện xưa không ai hay biết.

Chỉ có những ai từng yêu mới dễ dàng cảm động bởi tình yêu của người khác. Cảnh vật trên đời vốn không có tình cảm, từng cành cây ngọn cỏ, từng hạt cát hạt bụi, đều là do con người thêu dệt những câu chuyện và truyền thuyết phủ lên trên mới có máu thịt, mới có điểm tựa. Nếu không có công chúa Văn Thành năm xưa gả đi, không có thơ tình của Tsangyang Gyatso, cao nguyên Tây Tạng hoang vu kia có lẽ sẽ thiếu đi nhiều sắc thái lãng mạn. Cung Potala tráng lệ cũng chẳng qua là ảo ảnh của thời gian, cằn cỗi vì thiếu những mẩu chuyện xưa. Giờ đây, vì có sự tồn tại của chúng, dù trải qua bao nhiêu năm tháng, đều không đến nỗi bị thời gian bòn rút sạch trơn.

Tình cảm chân thật và tư tưởng phong phú có thể khiến một mảnh đất hoang vu trong nháy mắt nở đầy hoa. Khi chúng ta đi lại ở mỗi chốn xưa Tsangyang Gyatso từng sống, dạo bước trên mỗi nẻo đường Ngài từng đi qua, đều không nhịn được tự hỏi: Ngài thật sự đã từng ở nơi này ư? Phải chăng có thể bước trùng lên dấu chân của Ngài? Trên lan can kia, liệu có còn lưu lại hơi ấm bàn tay Ngài? Hết lần này đến lần khác đọc thơ tình của Ngài, chỉ cảm thấy cỏ cây nơi đây đều thông hiểu tâm linh, hiểu được tình cảm. Chúng từng chứng kiến tình yêu đẹp đẽ của Tsangyang Gyatso, từng nghe những lời âu yếm Ngài cùng cô gái mình thương đã nói, nhớ lại mỗi lời ước hẹn Ngài đã trao.

Ba trăm năm, thời gian sao mà dài đằng đẵng, triều đại đổi thay, con người thay đổi, chỉ có cây cỏ vẫn xanh tươi, đá núi vẫn vững chãi như xưa. Nhân gian là kịch trường, biết bao máu lệ chảy thành sông, tràn ngập đến mức không ai thu dọn. Mà chúng ta của hôm nay, vì lẽ gì còn phải tổn thương nhau, vì lẽ gì không thể giống như gió mát trăng thanh, dung chứa lẫn nhau, chung sống yên bình? Tôi tin rằng, những người đã đến Tây Tạng, đã thấy núi tuyết thảo nguyên, đã từng uống nước hồ thánh, lòng của họ từ đó sẽ trong trẻo sáng láng. Sẽ hiểu được người sống trên đời thật chẳng dễ dàng, hết thảy duyên phận đều phải cố gắng trân trọng, tất cả mọi người đều nên chúc phúc cho nhau.

Lịch sử là chân thực, ba trăm năm trước, đích xác từng có một Tsangyang Gyatso, trên mảnh đất Tây Tạng bao la cũng thực sự lưu giữ chút ít vết tích của Ngài. Ngài sinh ra ở nơi này, tâm tình và câu chuyện cả đời cũng giao phó cho nơi này, rất nhiều câu thơ đều chạm khắc trên mảnh đất này. Rời xa Tây Tạng, Ngài sẽ không còn là Tsangyang Gyatso, do đó mỗi người nhớ nhung Tsangyang Gyatso đều sẽ nhớ nhung Tây Tạng. Chúng ta hy vọng mình kiếp này có thể đích thân đến đây, có thể chính miệng hỏi một tiếng, vị tình tăng chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng ấy, ba trăm năm qua, Ngài vẫn khỏe chứ? Linh hồn của Ngài phải chăng thật sự vẫn luân hồi tiếp tục? Giờ đây, chúng ta nên đến chốn nào tìm Ngài?

Tsangyang Gyatso trước mười bốn tuổi, đúng là có thể chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng. Ngài vừa học kinh ở tu viện Basang, vừa nghe những bản tình ca cảm động ngoài cửa sổ, cùng âm thầm hẹn hò với cô gái làng bên. Ngài thậm chí còn cảm thấy vào tuổi xuân xanh, không hết lòng yêu nhau một lần là uổng phí đời người. Ở nơi vốn dĩ trai gái có thể tự do luyến ái, tình yêu của Tsangyang Gyatso như đất trời tháng 4, oanh bay cỏ mọc, không chút e dè. Ngài chẳng mảy may biết bí mật về linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, dù Ngài thông tuệ hơn những thiếu niên khác, tràn đầy linh khí, nhưng cũng chỉ cho rằng mình là một người may mắn, được ông trời quan tâm chiếu cố mà thôi.

Phía xa tu viện Basang, có núi thần Bonri[1] nguy nga hùng vĩ. Trên ngọn núi thần này, có một cây thần cực lớn, trên cây treo đầy kinh phướn phấp phới, cây cao chọc trời, rất có linh tính. Rất nhiều người đi kora quanh núi, từ trời nam đất bắc không nề muôn dặm xa xôi rong ruổi, chỉ để đến ngọn núi thần này dập đầu bái lạy, nguyện một lời thề ước ở dưới cây. Tsangyang Gyatso lúc đó thường hay đứng lặng hồi lâu ở ban công tu viện, nhìn cây thần trên núi thần từ xa, âm thầm cầu khẩn cho ước mơ non nớt trong lòng.

[1] Núi thần Bonri: Núi thần được đạo Bon nguyên thủy ở Tây Tạng tôn sùng, cao khoảng 4.500m.

Giờ lành đổi vận đến,

Phướn cầu phúc dựng lên.

Ta nhận lời thục nữ,

Tới làm khách làng bên.
» Next trang 3

Doc truyen online mien phi moi nhat hay nhat - KenhTruyen.Hexat.Com

Copyright © 2018 KenhTruyen.Hexat.Com - All rights reserved.
Wapsite Đọc Truyện online được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.
Được phát triển bởi Trái Tim Băng™ và tất cả các thành viên.