- Cứ cho là mày nói đúng đi! – Nó hùng hồn – Nếu tao viết thư làm quen với nó tao phải đề tên họ chứ? Đằng này tao không nói tên tao thì làm sao nó biết? Vả lại một bức thư làm quen không thể ngắn như thế!
Thịnh “ộp” nhướn lông mày, im lặng, rồi cất lên một câu bình thản:
- Thế chiều nay mày không định ra Game World cho nó nhận mặt à? Rồi còn cái gì thì lúc ấy không nói được hay sao?
Thịnh “ộp” len qua người nó để vào lớp, rồi quay lại nói với nó một câu cuối:
- Tao nói thật đấy. Mày cứ làm quen đi, đừng áy náy. Tao không tức mày đâu, anh em với nhau mà.
Rồi thằng này đi thẳng vào lớp. Nó giậm chân một cái mạnh ở cửa lớp thằng Thịnh. Nó tức đến phát khóc. Thằng Thịnh bây giờ không tin lời giải thích của nó, nhất là một câu chuyện khó tin như thế.
Thế là bao nhiêu việc nó làm ột thằng mà nó coi là bạn đã đổ hết xuống sông. Cái thư không được gửi nữa. Lũ A23 cũng đã đến lớp rồi. Nó bỏ mặc, muốn tới đâu thì tới. Thịnh “ộp” có làm quen phải với một đứa ăn chơi nó cũng không thèm quan tâm. Mà rồi thằng này hiểu nhầm nó, tức nó hay cú nó thế nào nữa nó cũng mặc.
Chỉ vì một đứa con gái. Nó thật không ngờ. Nó đi về lớp, không muốn nghĩ thêm gì về chuyện này nữa. Đó là việc của thằng Thịnh, thằng Thịnh tự phải lo lấy. Nó cần gì phải quan tâm. Nó thở một cách bực dọc, nhưng hơi mạnh và dài. Nó cố lấy lại vẻ bình thường, mặt bớt đỏ và hai tay cảm thấy khô, rã ra. Nó lấy sách ra học bài.
Nó cố đọc những dòng kiến thức trong vở ghi thật to, để xua đi mọi ý nghĩ bực dọc cứ lởn vởn trong đầu. Nhưng chẳng mấy hiệu quả. Nó đọc to hơn nữa. Những đứa trong lớp nhìn nó như thể nhìn một sinh vật lạ. Nó mặc kệ. Và tiếp tục đọc oang oang khắp lớp, cho đến vào học.
Trống ba hồi vào giờ truy bài. Nó không ngồi truy bài. Nó ngồi tỉ mẩn xé vụn tờ thư nó định gửi. Xé luôn cả phong bì. Bức thư chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, và được xé đều khắp, nên những mảnh vụn có chữ và những mảnh vụn còn trắng cứ lẫn lộn vào nhau. Nó bóp chặt rồi rắc vào sọt rác.
Nó thở một hơi ngắn. Rồi một hơi dài.
Những đứa ngồi cạnh nhìn nó với con mắt rất lạ. Nửa ngạc nhiên, nửa sợ, và quả thật trông nó cũng có một chút đáng sợ. Mặt nó ẩn chứa một câu quát rung trời, nếu bọn này chớm mất trật tự. Vì thế lũ này ngồi câm như hến.
Lớp nó hôm nay cũng có vẻ rất nề nếp, tuy có hơi ồn, nhưng không đến mức phải nhắc nhở. Nó tự nhiên thấy lạ. Nó cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy khiến nó khó chịu, mới gần đây thôi. Nó cố nhớ mà không nhớ được. Nó bỏ qua luôn không muốn cố nhớ nữa. Cái đã khiến nó khó chịu thì nó nhớ làm gì cho khó chịu ra. Nó hơi vui vui vì lớp nó hôm nay không phải hét, thậm chí không phải quát.
Nhưng nó chỉ vui cho đến được hết giờ truy bài. Vào tiết một, tiết hai đầu tiên của ngày thứ sáu thì nó hết vui, nếu không muốn nói là nó đâm ra lo lắng.
Tiết một là tiết toán – đại số. Cô giáo vào rất bình thường. Lớp đứng dậy chào, cô cho ngồi xuống. Cả lớp ngồi xuống, nhưng cô vẫn đứng. Cô đứng, và mắt đảo khắp một lượt lớp. Cô chú ý hai bàn đầu dãy trong, rồi bàn sau dãy cuối. Nó không hiểu cô nhìn cái gì. Rồi bỗng cô gọi nó:
- Lớp trưởng đứng dậy – Cô gọi bằng một giọng nghiêm trang – Sao lớp hôm nay vắng nhiều thế?
- Vắng ạ? – Nó giật mình cũng đảo lại lớp một lượt. Đúng là lớp nó vắng thật. Nó không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt. Nhiều bàn trống chỗ – như thể là một cuộc bỏ học tập thể vậy. Bàn ba dãy một, bàn hai và bàn ba dãy giữa, liền tù tì ba bàn cuối dãy ngoài cùng, đều chỉ có ba người.
Nó đếm đi đếm lại, lớp có tiếng xì xào. Rất nhiều đứa quay lại nhắc cho nó về những đứa vắng mặt. Có vẻ đây không phải là việc đột xuất, mà là có chủ định trước.
Lớp nó vắng năm đứa mới chuyển vào. Nó nghiến răng. Lại năm thằng cá biệt ấy! Nó đã đoán trước được năm thằng này vào lớp nó sẽ gây ra nhiều chuyện nghịch phá. Nhưng nó không thể ngờ được cả năm lại dám làm chuyện này. Bỏ học tập thể trong ngày thứ hai mới vào lớp! Thật là quá vô kỷ luật!
- Mới vào lớp mà đã dám bỏ tiết thế này, ảnh hưởng hết cả thi đua của lớp còn gì. – Cô giáo chép miệng.
Nó mát dạ, cô cũng thông cảm cho nó đấy chứ. Vì vậy có lẽ cô cũng góp tiếng nói giúp nó trong việc đẩy năm thằng kia ra khỏi lớp mình.
Cô thở dài một cái, và vào bài học.
Tiết học trôi qua bình yên.
Nó ngồi chờ tiết sinh hoạt. Còn ba tiết nữa.
Ba tiết nữa, năm đứa dám vào lớp nó nghịch phá, và nhất là xúi giục lớp chống lại nó sẽ phải “bán xới”. Nó không thể để năm thằng sâu làm rầu một nồi canh. Một lớp tốt như lớp nó không thể tiếp nhận năm học sinh cá biệt, để rồi mang tiếng một lớp cá biệt. Như vậy là tốt cho lớp nó. Và cũng tốt cho nó, nghĩa là nó trả được cái “thù riêng” lẫn”thù chung”. Mà “thù riêng” cũng từ “thù chung” mà ra chứ đâu.
Nó đứng ngoài hành lang, vừa mới nghĩ đến đoạn không biết bức thư kia của thằng Thịnh viết gì, thì Dũng “quềnh” và Hải “tí”tới. Hai thằng định vào lớp nó, nhưng gặp nó ở hành lang. Có lẽ hai đứa đã biết chuyện. Nó không vội giải thích cho hai thằng này. Mặc dù hai đứa bây giờ là những người “ngoài cuộc”, có lẽ là sáng suốt nhất để nhìn nhận sự việc. Nó để hai thằng tự nói.
- Hải “cối”! – Hải “tí” đập vai nó.
- Mày có biết hôm nay thằng Thịnh bị làm sao không? – Dũng “quềnh” gợi chuyện.
- Làm sao là làm sao? – Nó biết những vẫn giả vờ – Hai bọn mày học cùng nó còn không biết thì sao tao biết?
- Tao cũng không biết được – Dũng “quềnh” chép miệng – Tính tình nó hôm nay khác hẳn.
- Khác thế nào? – Nó ngạc nhiên, có vẻ hai thằng vẫn chưa biết gì.
- Khác! – Hải “tí” lắc đầu – Tự nhiên hôm nay nó nghiêm túc hẳn. Mọi hôm lớp ồn thì không sao, hôm nay nó quát như tát nước vào mặt.
- Lại cả ba đứa mới vào nữa – Dũng “quềnh” cũng tỏ ra rất ngạc nhiên – Hôm qua mới vào thì chỉ nhắc nhẹ, nhưng hôm nay ba đứa mới nghịch một tý mà đã suýt đánh nhau. Thằng Thịnh suýt nữa đánh bọn nó, may mà tao can.
- Bọn tao cứ thấy nó thế nào ấy – Hải “tí” nhìn nó như để chờ câu trả lời - Nó suýt đánh luôn cả bọn tao nữa!
- Thế nó chưa nói với bọn mày chuyện gì à?
- Chuyện gì?
- Nó ngập ngừng không muốn nói. Hóa ra hai đứa vẫn chưa biết chuyện sáng nay. Nó quyết định cũng không nói.
- À không! – Nó vội đổi chủ đề – À thế sáng nay bọn mới vào làm gì mà để thằng Thịnh phải đánh?
Hải “tí” Dũng “quềnh” đưa mắt nhìn nhau về sự thay đổi thái độ đột ngột của nó.
- Có làm gì đâu? – Dũng “quềnh” lắc đầu – Ba đứa chỉ nhai kẹo cao su nhổ ra sàn lớp thôi. Nó nhắc không được thế là tự nhiên nó sửng cồ lên.
- Thế còn không đáng đánh à?! – Nó bám ngay vào chi tiết ấy để lái câu chuyện sang hướng khác – Hành động như thế quá là vô ý thức còn gì! – Nó làm như thái độ của Thịnh “ộp” là rất bình thường – Đánh cho là còn nhẹ!
Dũng “quềnh” và Hải “tí” lại đưa mắt nhìn nhau. Hai đứa lại thấy nó cũng khó hiểu nốt. Nó vội tiếp lời.
- Những đứa mới vào tuy có đứa nghịch có đứa không nghịch, nhưng cái thái độ nhơn nhơn, khinh người mới đáng ngứa mắt.
Nó giải thích. Chắc lúc ấy thằng Thịnh thấy ngứa mắt nên định dọa bọn nó một trận thôi.
- Chắc thế! – Hải “tí” nhún vai. Dũng “quềnh” làm như đó là một “hiện tượng lạ” của thằng bạn.
Nó lái sang chuyện của lớp nó.
- Cứ như lớp tao đây này, vào tận năm thằng mà có phải ngoan hiền gì đâu. Cái mặt nhơn nhơn của bọn này mới đáng cáu chứ! Tao định hôm nay xin cô cho chuyển cả năm thằng đi đây này!
- Chuyển làm sao? – Hải “tí” ngạc nhiên.
- Thì chuyển sang lớp khác chứ sao? – Nó cũng ngạc nhiên.
- Không được đâu! Không chuyển đi đâu được đâu! – Dũng “quềnh” muốn dội một gáo nước lạnh vào đầu nó – Chắc chắn cô chủ nhiệm mày không đồng ý, mà ban giám hiệu cũng không đồng ý!
- Sao lại không? – Nó sửng sốt.
- Bọn chuyển vào gần 100 đứa, phân ra 30 lớp thì mỗi lớp cũng phải đến ngần ấy đứa. Lớp nào cũng đông rồi làm sao chịu ày chuyển sang nữa? Với lại đây là quyết định của ban giám hiệu. Một lớp trưởng như mày làm sao thay đổi được.
Nó hơi tái mặt:
- Thế có nghĩa là năm đứa ấy sẽ học ở lớp tao hết năm nay à?
- Chứ còn sao nữa?
Nó cảm thấy mồ hôi túa ra. Và chết lặng.
9.
Lớp trưởng của một lớp có năm thằng học sinh cá biệt suốt một năm học, chưa bao giờ nó cảm thấy trách nhiệm đè nặng lên vai nó như thế này.
Tiết hai. Năm thằng bỏ tiết đã có mặt, đem tới một không khí ồn ào, náo loạn cho lớp nó.
Năm thằng khoác vai nhau, dàn hàng ngang đi giữa lối đi chung. Nó đã muốn ngứa mắt. Những cái đầu quái dị, quần áo cũng khác người, điệu bộ chẳng khác gì một lũ đầu đường xó chợ. Những người muốn đi lại đều phải dừng, lách qua một bên để tránh lũ này. Không ai muốn dây dưa phiền phức. Ai cũng ngại. Rồi năm thằng leo tót lên bàn ngồi. Nó càng tức hơn. Chẳng nhẽ cứ để cho năm thằng lộng hành thích làm gì thì làm!
- Năm bạn làm cái gì thế hả?!! – Nó đứng hẳn dậy – Các bạn có biết thế nào là lịch sự không!!!
Năm đứa không phản ứng gì. Câu nói của nó bị tiếng ồn của giờ ra chơi át đi. Bọn này vẫn oang oang tán chuyện, cười bằng giọng điệu lố bịch. Nó phải đứng ra trước mặt cả năm đứa, lần này không phải là câu quát nữa mà là một câu ra lệnh.
- Đề nghị các bạn xuống ngay!!!
Cả bọn chợt im lặng quay sang nhìn nó bằng con mắt khinh khỉnh. Hai thái dương nó nổi cả gân lên. Một thằng trong đứa phá lên cười, và bốn đứa còn lại cũng ôm bụng cười. Mặt nó đỏ bừng. Nó như một trò hề.
- Mày dân ở đâu mới lên đây thế? – Thằng có xỏ khuyên tai nói xỏ một câu rồi tự gục mặt xuống cười rũ rượi. Bốn đứa kia cũng lập tức có cớ cười to hơn.
Không chỉ có tiếng cười của bọn này. Lớp nó cũng bắt đầu xúm quanh lại, cười nó. Nó lộn ruột.
- Đề nghị các bạn xuống ngay!!! – Nó nhắc lại một lần nữa. Không đứa nào thèm nhúc nhích. Mà đáp lại chỉ là những tràng cười to hơn nữa. Nó bị cô lập giữa chính lớp nó. Một lớp trưởng bị các thành viên chế giễu. Nó giận tím mặt. Nó không còn biết nói sao nữa, khi đang ở một nơi mà ý thức được đưa ra làm trò cười.
Nhưng rồi trống vào lớp. Năm thằng kia buộc phải vào chỗ, nhưng không phải do yêu cầu của nó. Bọn lớp nó cũng tản ra về chỗ. Tiếng cười thưa dần, thay bằng sự im lặng. Nó vẫn đứng đấy. Tay nó nắm chặt thành một nắm đấm. Gân tay nó nổi lên chằng chịt. Cho đến khi cô giáo vào lớp.
Tiết học thứ hai. Có năm đứa học sinh cá biệt, nhưng vẫn rất trật tự. Lý do là cô giáo “mời” một trong năm đứa lên – thằng cắt đầu đinh – đứng xó. Vì lý do giật tóc đứa bàn trên, ném giấy trong lớp. Những đứa còn lại tất nhiên ngồi im re. Cả lớp nó cũng vậy. Năm thằng hôm nay đụng phải cô khó tính, “tắt điện” luôn. Nó cười thầm vì phần nào hả dạ.
Giờ ra chơi, năm đứa này đã kịp chạy về từ căng tin. Trên tay mỗi thằng là điếu thuốc lá. Năm bộ mặt non choẹt búng ra sữa với năm điếu thuốc nghi ngút khói. Nó thực sự bất ngờ. Nếu không muốn nói là sự sửng sốt.
Lũ này có vẻ là dân ăn chơi thật sự. Hút thuốc. Năm thằng trẻ con mới mười mấy tuổi đã tập học hút thuốc. Trong bụng nó thầm cười nhạo lũ này. Những đứa trẻ con mà muốn tập làm người lớn thì sẽ chẳng bao giờ lớn được. Càng muốn thể hiện ta đây là người lớn thì lại càng giống trẻ con hơn. Nhất là đến thể hiện làm người lớn bọn này cũng còn lúng túng. Điếu thuốc trên môi chúng ngậm không chặt, cứ phải giơ tay giữ như giữ kẹo vậy. Rồi hút cũng không biết hút, thằng để mái sát mắt cứ rít một hơi dài là nước mắt nước mũi lại sặc sụa. Nó không nhịn được ôm bụng cười, gục cả mặt xuống bàn mà cười.
Khi nó ngẩng mặt lên thì lũ này đã đi đâu mất hút. Chỉ còn lại khói thuốc chưa tan, lất phất trên trần lớp. Nó hả hê thay cho cái thằng hút thuốc bị sặc khói thuốc ấy. Kể ra có tiền ăn chơi cũng không phải dễ! Nó mà có tiền, và giả sử nó có ăn chơi nó cũng không ngu mà đi đâm đầu theo kiểu ấy đâu.
Nó khoái chí vì được nhìn thấy một trong những thằng cá biệt bị sặc vì ăn chơi. Nhưng nó không ngờ rằng một khi đã bị sặc thì dân ăn chơi quyết tập cho bằng được hút tiếp. Vì vậy, chúng hút cả trong giờ học.
Tiếng trống vào lớp được nửa phút nó đã thấy bộ dạng khó chịu của năm thằng này. Ba thằng vào trước và hai thằng theo sau, phì phèo điếu thuốc.
Nhưng đã ba phút mà chưa thấy cô giáo vào. Năm đứa kia lúc này không chỉ hút. Cả năm đứa cùng a dua vừa hút, vừa xả khói vào mặt những đứa xung quanh. Khói thuốc um cả lớp. Cả lớp đặc một màu trắng nhạt của những chất độc hại. Bắt đầu có tiếng phản đối và la ó của những đứa con gái. Lũ con gái vốn rất ghét thứ này. Năm đứa kia lại càng được thể xả khói ra nhiều hơn. Đến lũ con trai cũng phản ứng. Tiếng yêu cầu lúc đầu rì rầm, sau thành tiếng chửi rì rầm. Và rồi thành tiếng chửi bới huyên náo.
Lớp nó bây giờ đang thực sự bất bình với năm đứa kia và bây giờ nó – một lớp trưởng thay mặt lớp đến yêu cầu lũ kia tắt thuốc thì chắc chắn sẽ được ủng hộ. Nó không chần chừ gì nữa.
Đứng phắt dậy, nó lên ngay bàn đầu, giật phăng điếu thuốc trên môi của thằng đầu đinh. Thằng này lúc đầu giật mình. Sau sừng sổ lên với nó. Nhưng bọn lớp nó quá ủng hộ và đồng tình nên thằng kia không dám làm gì. Nó lên tới tiếp được bàn ba dãy thứ hai. Thằng xỏ khuyên tai đã vội đứng lùi vào trong, khỏi tầm với của nó. Nó cũng không thèm với. Nó yêu cầu dõng dạc và lịch sự:
- Đề nghị bạn tắt thuốc lá ngay – Nó lấy thêm “đồng minh” – Theo yêu cầu của cả lớp!
Thằng kia không nói không rằng gì, lại đưa thuốc lên ngậm. Hắn rít một hơi phải tàn đến nửa phân đầu điếu thuốc. Sau đó hắn phồng mồm, ép ngực phun tất cả khói thuốc ra. Phun thẳng vào mặt nó. Nó giận điếng người. Thằng kia và cả bốn đứa còn lại cười lố bịch. Lớp nó rộ lên phản đối. Nó cảm thấy mát lòng mát dạ, vì cuối cùng lớp cũng đứng về phía nó. Dù vẫn còn rất cáu, nhưng nó bây giờ là người đại diện cho lớp, và nó phải giữ được sự bình tĩnh. Nó rất rõ ràng:
- Mời bạn ra ngoài cho!!! – Giọng nó gần như quát - Lớp này không có những người vô ý thức như thế!
Thằng kia lạnh mặt. Lớp nó lác đác có tiếng vỗ tay. Nó càng vững tin hơn. Nhưng rồi thằng kia cũng biết phản lại:
- Tao cứ thích hút đấy! Tao thích hút ở đây đấy! Mày làm gì được?
Nó cáu tiết chỉ muốn giơ nắm đấm lên để giải quyết. Thằng kia thấy nó lúng túng càng được thể lấn tới.
- Ơ hay, sao không làm gì đi? Gan mày chỉ to bằng quả trứng vịt lộn thế thôi à?
Năm đứa phá ra cười. Mặt nó đỏ bừng bừng. Không phải vì tức, mà vì nó sợ. Lớp nó bắt đầu đã có đứa cười theo câu pha trò của thằng xỏ khuyên tai. Tim nó đập mạnh hơn. Nó lại chống chế bằng lý lẽ:
- Bạn không thấy thế là quá vô ý thức à!? Tôi là lớp trưởng, là đại diện của lớp, của cô giáo, đang yêu cầu bạn tắt thuốc lá đi. Bạn nghe rõ chưa?
Thằng kia cũng chả tỏ vẻ nao núng gì với lý lẽ của nó. Bọn này đã từ lâu chẳng cần lý lẽ gì rồi. Thằng này lập tức “bật lại”:
- Chưa, bạn nói gì tôi chả nghe rõ! – Thằng này làm điệu bộ kéo tai ra trước mặt nó như trêu ngươi – Bạn nói lại xem nào?
- Đề nghị bạn tắt thuốc lá ngay!!! – Nó hét lên.
Lớp im lặng trong ba giây. Thằng kia vẫn kéo tai ra làm điệu bộ trêu ngươi nó.
- Bạn nói gì tớ vẫn chả nghe rõ? – Thằng kia cười đểu nó.
Lớp nó lập tức rộ cả lên những tràng cười to nhất. Nó chết lặng người. Cả đến lớp nó bây giờ cũng cười nó. lại ùa theo năm thằng cá biệt để chống lại nó. Gân tay nó lại nổi lên, tay nó lại nắm thành một nắm đấm. Nó vung nắm đấm ấy ra trước mặt thằng kia, với tất cả sự tức giận của nó từ nãy đến giờ. Một ý nghĩ thoáng vụt qua đầu nó. “Rầm!” Chiếc bàn rung lên. Mặt bàn rạn ra chỗ vết nứt. Nó nghiến răng, thở dốc. Hai thái dương nó lại nổi gân. Hai tai nó bừng bừng.
Thằng kia suýt ngã khi vội lùi lại tránh. Điếu thuốc rơi xuống đất. Nó căm phẫn thực sự. Lớp nó im thin thít. Thằng xỏ khuyên tai cũng hoảng hồn. Mắt nó trừng trừng nhìn thằng này. Tay phải nó vẫn ấn chặt xuống mặt bàn. Tiếng thằng kia thở phì phò. Rồi lại cười.
Bắt đầu từ bốn thằng còn lại. Nó không nghe rõ câu nói này phát ra từ đâu:
- Chúng mày xem con bò tót nó húc vào bàn kìa!
Nhưng sau đó là lớp nó. Tất cả thành viên trong một lớp cười chế nhạo chính lớp trưởng của cái lớp ấy.
Những tiếng cười ngu dốt.
Những tiếng cười vô ý thức.
Không còn biết đâu là phải trái nữa. Mặt nó sầm xuống. Máu nó sôi lên trong những tiếng cười. Lớp nó nghiêng ngả cười.
Những tiếng cười càng lố bịch khi chen thêm những câu cay độc của năm đứa cá biệt.
- Mặt nó đỏ như con gà quay kia!
- Thôi các bạn, nó đại diện cho cô giáo đấy, “đánh chó cũng phải ngó mặt chủ” chứ!
- Anh em ơi cho nó một tràng pháo tay nào! Nó diễn trò hay quá kìa!
- Đứa nào thưởng cho nó nắm cỏ?
…
Nó nhắm chặt mắt lại. Tai nó như có thể điếc luôn cũng được. Môi nó mím chặt phía ngoài, hai hàm răng đang mài vào nhau. Nó không còn muốn thở nữa. Nó tức đến nghẹn thở.
Nó rút tay ra khỏi bàn, quay ngoắt lại về chỗ mình . Nó không thể học ở cái lớp này được nữa! Nó phải ra đi! Sự có mặt của nó ở đây là quá thừa! Nó chỉ làm trò hề cho cái lớp này!