The Soda Pop
Đọc truyện
Truyện Teen | Ngôn Tình | Xuyên Không | Tiểu Thuyết
Nhạc Linh San đả bại cao thủ Thái Sơn và Hành Sơn --

Trên một ngàn hán tử đồng thanh lớn tiếng la:

- Ra mà đấu đi! Ai bản lãnh cao cường chỉ đấu một hiệp là biết ngay.

Ngọc Khánh Tử tay cầm trường kiếm vung lên không ngớt, nhưng không dám tiến ra.

Nguyên lão là sư huynh nhưng ngày thường ham mê tửu sắc, về võ công cũng như về kiếm pháp lão đều thua kém Ngọc Âm Tử rất nhiều.


Từ nay Ngũ nhạc kiếm phái hợp nhất nhưng người trong năm phái dĩ nhiên vẫn chia ra ở năm trái núi và mỗi trái núi và tất có một người đứng đầu.

Ngọc Khánh Tử và Ngọc Âm Tử đều tự biết mình bản lãnh không bằng Tả Lãnh Thiền chẳng hy vọng gì đến chưởng môn Ngũ nhạc phái nhưng rất muốn lúc trở về bản sơn được làm người đứng đầu ở núi Thái Sơn.


Lúc này hai anh em lão bị quần hùng thúc đẩy tất phải đi đến chỗ so gươm. Sự thực Ngọc Khánh Tử không dám mạo hiểm động thủ, nhưng trước mặt anh hùng thiên hạ mà phải khuất phục với Ngọc Âm Tử thì lão chẳng can tâm nên trong lúc nhất thời, lão ở vào tình thế dùng giằng bất quyết.


Bỗng trong đám quần hùng có thanh âm the thé cất lên:

- Tại hạ xem chừng cả hai lão chưa hay sờ được đến chỗ tinh túy về võ công của phái Thái Sơn mà lão chỉ có bộ mặt dầy tranh chấp gây lộn với nhau thì làm mất thì giờ quý báu của anh hùng thiên hạ mà thôi.


Mọi người nhìn về phía phát ra thanh âm xem ai nói câu đó thì thấy một chàng thanh niên cao lớn, phong tư tuấn mỹ, tướng mạo hiên ngang. Có điều nước da xanh lợt. Khóe miệng chàng khẽ lộ một nụ cười chế diễu.

Gã chính là Lâm Bình Chi ở phái Hoa Sơn.

Có người biết tên gã la lên:

- Ðây là chú rể mới của Nhạc tiên sinh ở phái Hoa Sơn.

Lệnh Hồ Xung run lên nghĩ thầm trong bụng:

- Trước nay Lâm sư đệ là người rất thận trọng, ít lời. Không ngờ mới xa cách ít ngày đã trở nên ngao nghêu coi người bằng nửa con mắt, dám buông lời mạt sát hai vị đạo nhân trước mặt anh hùng thiên hạ.


Vừa rồi hai lão đạo Ngọc Khánh Tử và Ngọc Âm Tử đã phụ họa với Ngọc Cơ Tử làm kẻ gian đồ, bức tử Thiên Môn đạo nhân, chưởng môn phái Thái Sơn, để tấu công Tả Lãnh Thiền.

Lệnh Hồ Xung trong lòng cực kỳ bất mãn với hai lão đạo này nên nghe Lâm Bình Chi nhục mạ họ chàng rất lấy làm khoan khoái.

Ngọc Âm Tử hỏi lại:

- Ta không mò được đến chỗ tinh túy về võ công của phái Thái Sơn, dễ thường các hạ đã mò tới rồi chăng? Nếu vậy mời các hạ ra đây thi triển mấy chiêu thức về võ công của phái Thái Sơn để anh hùng thiên hạ được mở rộng tầm mắt.

Lão đặc biệt nhấn mạnh ba chữ phái Thái Sơn bằng thanh âm cực kỳ ngụ ý mạt sát: "Ngươi là đệ tử phái Hoa Sơn thì bản lãnh có cao cường cũng chỉ biết võ công phái Hoa Sơn, quyết không luyện được võ công phái Thái Sơn nhà ta thì đừng có hỗn."

Không ngờ Lâm Bình Chi cười lạt đáp:

- Võ công phái Thái Sơn đã tinh thâm vô cùng lại mênh mông bát ngát thì những hạng người nhận giặc làm cha, tàn hại đồng môn lĩnh hội làm sao được?...

Gã chưa dứt lời thì Nhạc Bất Quần đã quát lên:

- Bình nhi! Ngọc Âm Tử đạo trưởng là bậc tiền bối. Ngươi không được vô lễ.

Lâm Bình Chi đáp:

- Xin vâng!

Ngọc Âm Tử tức giận nói:

- Nhạc tiên sinh! Tiên sinh giáo huấn đồ đệ cùng ngũ tế giỏi quá! Gã dám nói nhăng nói càn đến cả võ công của phái Thái Sơn.


Ðột nhiên thanh âm một cô gái cất lên hỏi:

- Sao các hạ biết là y nói nhăng nói càn?


Bỗng thấy một thiếu phụ dong nhan tươi đẹp vượt qua mặt mọi người tiến ra.

Thiếu phụ mặc quần dài thậm thượt quét đất, vạt áo tung bay phất phơ trước gió. Bên mái tóc cài một bông hoa hồng nhỏ bé.

Nàng chính là Nhạc Linh San.

Nhạc Linh San lưng đeo trường kiếm.

Nàng xoay lại nắm lấy chuôi kiếm tiếp:

- Tiện nữ muốn dùng kiếm pháp phái Thái Sơn để lãnh giáo mấy cao chiêu của lão trượng.


Ngọc Âm Tử biết nàng là con gái Nhạc Bất Quần, đồng thời lão cũng rõ vụ Nhạc tiên sinh đã nhận lễ trọng hậu của Tả Lãnh Thiền tán thành việc hợp phái và được Tả lão coi trọng vọng, nên lão không dám nặng lời với nàng, chỉ mỉm cười hỏi mát:

- Ngày Nhạc cô nương có việc đại hỷ, bần đạo không đến chúc hạ và kiếm chén rượu mừng. Chẳng lẽ cô nương vì vụ đó mà giận bần đạo chăng? Kiếm pháp của quý phái tinh diệu vô cùng, bần đạo vẫn lấy làm kính phục. Nhưng việc người phái Hoa Sơn mà biết xử dụng kiếm pháp phái Thái Sơn thì bữa nay bần đạo mới nghe cô nương nói là lần đầu.

Nhạc Linh San dương cặp lông mày xinh đẹp lên nói:

- Gia phụ muốn làm chưởng môn Ngũ nhạc phái, dĩ nhiên phải nghiên cứu kiếm pháp của tất cả năm phái. Nếu không thế thì lão nhân gia tuy có thắng được chưởng môn bốn phái kia cũng chỉ là một nhân vật đứng đầu phái Hoa Sơn chứ không xứng đáng làm chưởng môn chân chính trong Ngũ nhạc phái.


Nàng vừa nói câu này, quần hùng nhao nhao cả lên.

Có người lên tiếng hỏi:

- Chẳng lẽ Nhạc tiên sinh hiểu cả võ công bốn phái Thái Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn và Hằng Sơn ư?

Nhạc Bất Quần dõng dạc đáp:

- Ðó là tiểu nữ huênh hoang mà thôi. Lời nói của con nít, các vị chẳng nên kinh ngạc.

Nhạc Linh San lại nói:

- Thưa Tả sư bá ở Tung Sơn! Nếu sư bá có thể dùng kiếm pháp của bốn phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Hằng Sơn để phân biệt đả bại những tay hảo thủ từng phái một thì hết thảy quần đệ tử cả bốn phái tự nhiên phải bội phục và tôn sư bá lên làm Ngũ nhạc phái. Nếu không thế thì dù kiếm pháp phái Tung Sơn có cao nhứt thiên hạ cũng chỉ là kiếm pháp của phái Tung Sơn cao thâm mà thôi.


Quần hùng nghe Nhạc Linh San nói vậy đều bụng bảo dạ:

- Cô này nói thế mà đúng. Nếu quả có người tinh thông kiếm pháp của Ngũ nhạc kiếm phái mà lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái thì chẳng còn ai xứng đáng hơn được. Nhưng kiếm pháp mỗi phái trong Ngũ nhạc đều đã sáng lập ra mấy trăm năm nay. Nó làm hao tổn không biết bao nhiêu là công phu, tâm huyết và thời gian của những tay cao thủ riêng từng phái một. Dù có được danh sư truyền thụ thì trải qua mấy chục năm rèn luyện vất vả để đi đến chỗ tinh thâm về kiếm pháp của bản phái cũng chưa chắc đã được. Còn nói về nghiên luyện tinh thông kiếm pháp cả năm phái thì chẳng qua là chuyện huênh hoang khoác lác, nói không biết ngượng miệng mà thôi.

Nhưng Tả Lãnh Thiền nghĩ thầm:

-Tại sao con gái Nhạc Bất Quần lại nói vậy? Hiển nhiên thị có dụng ý gì? Chẳng lẽ Nhạc Bất Quần quả đã biến thành mê muội muốn tranh đoạt chức chưởng môn Ngũ nhạc phái với ta ư?


Bỗng nghe Ngọc Âm Tử nói:

- Té ra Nhạc tiên sinh đã tinh thông kiếm pháp cả năm phái. Có thể nói là một công cuộc vĩ đại chưa từng thấy kể từ đời Bàn Cổ khai thiên lậo địa đến giờ chưa ai làm được. Bần đạo muốn nhờ Nhạc cô nương chỉ điểm về kiếm pháp của phái Thái Sơn.

Lão nói câu này đã tưởng Nhạc Bất Quần tất nhiên đứng ra ngăn trở con gái y. Dù có muốn động thủ thì trong phái Hoa Sơn chỉ có vợ chồng Nhạc Bất Quần là dám so gươm với lão.

Dè đâu Nhạc Linh San đáp ngay:

- Hay lắm!

Ðồng thời nàng rút thanh kiếm cài ở sau lưng ra khỏi vỏ đánh "soạt" một tiếng.

Ngọc Âm Tử tức giận mắng thầm:

- Ðối với phụ thân mi ta cũng còn là bề trên một bậc mà con lỏi này dám rút kiếm tỷ đấu với ra thì ra thị chẳng biết sợ trời sợ đất là gì.


Bây giờ Nhạc Bất Quần mới khẽ lắc đầu thở dài nói:

- Con nhỏ này thật là lớn mật! Ngọc Âm cùng Ngọc Khánh đạo trưởng là những tay hảo thủ bậc nhất phái Thái Sơn mà ngươi dám dùng kiếm pháp của phái Thái Sơn để qua chiêu với các vị há chẳng tự rước lấy cái khổ đau vào mình ư?


Ngọc Âm Tử liếc mắt thấy Nhạc Linh San cầm kiếm tay mặt trỏ chênh chếch xuống phía dưới.

Nàng lại dùng năm ngón tay trái để đếm nhẩm từ một cho đến năm, đoạn nắm tay lại dùng quyền. Tiếp theo nàng lại bắt đầu xòe từng ngón một ra cho tới khi hết cả năm ngón. Sau lão lại thấy nàng quặp ngón tay cái rồi đến ngón trỏ, ngón giữa.

Lão giật mình kinh hãi nghĩ thầm:

- Sao con lỏi này lại biết cả chiêu "Ðại tôn như hà" mới thật là kỳ.


Nguyên Ðại tôn như hà là một chiêu thức cao thâm nhất trong kiếm pháp của phái Thái Sơn. Mấu chốt chiêu thức này không phải ở kiếm chiêu bên tay mặt mà ở chỗ nhẩm đếm ở tay trái. Ðây là cách tính toán xem kẻ địch ở phương vị nào, thân hinh cao bao nhiêu, binh khí lớn hay nhỏ. Nó còn đi đến chỗ tính ánh mặt trời chiếu mức độ cao thấp.. Thực là một bài toán cực kỳ phức tạp, nhưng một khi đã tính đúng thì chiêu kiếm phóng ra nhất định trúng đích. Ngọc Âm Tử cũng đã được sư phụ chỉ điểm về yếu quyết trong chiêu "Ðại tôn như hà", nhưng trong lúc thảng thốt này mà muốn tính ra được những con số cần thiết thì lão tự biết không đủ bản lãnh. Vì lúc sư phụ lão truyền dạy, lão cũng chỉ nghe qua rồi bỏ đó. Chính sư phụ lão cũng chưa được tinh thông về yếu quyết của cao chiêu này. Ðồng thời lão nhớ lại câu nói của sư phụ: "Chiêu Ðại tôn như hà xử dụng rất khó khăn tựa hồ như không thực hiện mà thật ra nó có uy lực vô cùng. Nay ngươi đã không muốn nghiên cứu cho đến nơi tức là vô duyên với chiêu này, vậy hãy tạm thời gác lại. Có điều đáng tiếc là một chiêu tinh thâm bát ngát của bản phái trên đời ít ai bì kịp mà từ đây sẽ bị thất truyền". Khi đó Ngọc Âm Tử thấy sư phụ không bắt buộc phải cố gắng rèn luyện, tính toán chiêu "Ðại tôn như hà" thì mừng thầm trong bụng là qua khỏi được cuộc gian nan. Về sau cũng không thấy ai ở phái Thái Sơn rèn luyện chiêu đó nữa. Không ngờ sự việc này đã cách đây mấy chục năm mà nay người đem chiêu Ðại tôn như hà ra mà sử dụng lại là một thiếu phụ nhỏ tuổi là Nhạc Linh San.


Ngọc Âm Tử thấy Nhạc Linh San thi triển chiêu Ðại tôn như hà thì trán toát mồ hôi lạnh ngắt.

Lão lẩm bẩm:

- Mình chưa được sư phụ truyền dạy cách đối phó với chiêu thức này lại cho rằng đến mình còn không luyện nổi thì kẻ khác dễ gì sử dụng đến nó nên chẳng cần để tâm đến cách hóa giải. Ngờ đâu trên đời lại xẩy những chuyện kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng của con người.

Trong lúc cấp bách, Ngọc Âm Tử nảy ra một ý nghĩ:

- Ta phải luôn luôn thay đổi phương vị cùng nhô lên thụp xuống thì đối phương chắc là không thể tính đúng được.

"Vèo" một tiếng! Nàng xoay tay chém Ngọc Âm Tử.

Ngọc Khánh Tử hô:

- Thạch quan hồi mã.

Nhạc Linh San khen:

- Những tên kiếm chiêu hiện lão nhớ được khá nhiều nhỉ!

Nàng lại vung trường kiếm đánh ra ba chiêu veo véo.

Bỗng nghe Ngọc Âm Tử rú lên một tiếng:

- Úi chao!

Cổ tay mặt hắn đã bị trúng kiếm.

Ngọc Khánh Tử cũng loạng choạng người đi. Chân phải co lại khuỵu xuống. Hắn vội chống kiếm xuống đất, nhưng luồng lực đạo quá mạnh mũi kiếm lại chống lên mỏm đá rắn. Một tiếng chát vang lên! Thanh trường kiếm gãy làm hai đoạn. Miệng lão còn hô lớn:

- Khoái hoạt tam.


Nhạc Linh San bật tiếng cười lại rồi tra kiếm vào vỏ cài ở sau lưng.


Quần hùng đứng ngoài bàng quang nổi lên tiếng hoan hô vang động một góc trời.

Một nàng thiếu phụ xinh đẹp nhỏ tuổi mà đả bại hai tay cao thủ phái Thái Sơn bằng kiếm thuật phái này trong một cái cất tay nhấc chân thì quả là chuyện hiếm có ở đời. Kiếm pháp của nàng huyền diệu đến chỗ khiến cho người coi phải mê hoảng tâm thần. Tiếng hoan hô vang dội trong vùng sơn cốc hồi lâu không ngớt thì Tả Lãnh Thiền cùng mấy tay cao thủ phái Tung Sơn đưa mắt nhìn nhau ra chiều rất lo nghĩ, họ tính thầm:

- Kiếm pháp con nhỏ này vừa sử dụng đúng là kiếm pháp của phái Thái Sơn mà kiếm chiêu kỳ diệu trước nay chưa từng thấy qua. Tuy kiếm pháp chưa được thuần túy hãy còn nhiều chỗ phức tạp nhưng chiêu thức lợi hại không phải thị tự luyện lấy mà được. Nhất định Nhạc Bất Quần đã ngấm ngầm truyền thụ cho thị. Không hiểu lão ta phải tốn mất bao nhiêu ngày giờ mới rèn luyện được kiếm pháp cho con gái đến trình độ này? Xem thế đủ rõ lão là người tâm cơ khôn lường, thật khiến cho người ta phải sợ hãi.

Lệnh Hồ Xung thấy Nhạc Linh San dùng mấy chiêu kiếm đó để phá địch lòng chàng cũng đâm ra bâng khuâng nghĩ ngợi.

Bỗng nghe sau lưng có người khẽ hỏi:

- Lệnh Hồ công tử! Phải chăng những chiêu kiếm đó công tử đã dạy cho y?

Lệnh Hồ Xung quay đầu nhìn lại thấy người hỏi mình là Ðiền Bá Quang. Chàng liền lắc đầu để đáp lại.

Ðiền Bá Quang mỉm cười nói:

- Ngày trước ở đỉnh núi Hoa Sơn, công tử cùng Ðiền mỗ động thủ, Ðiền mỗ còn nhớ công tử sử chiêu Hạc Thanh gì gì đó nhưng khi ấy công tử hãy còn chưa sử được thuần thục.

Lệnh Hồ Xung vẻ mặt ngẩn ngơ như người chẳng nghe thấy gì.


Lúc Nhạc Linh San vừa ra chiêu chàng đã nhận thấy ngay là nàng sử chiêu pháp phá giải kiếm chiêu của phái Thái Sơn đã khắc ở vách đá hậu động trên ngọn núi Sám hối phái Hoa Sơn. Những chiêu kiếm đó uy lực cực kỳ mãnh liệt.

Rồi chàng tự hỏi:

- Những điều ta phát hiện trên vách đá ở hậu động chưa từng nói với ai. Ngày đó khi ta rời khỏi núi sám hối còn nhớ rõ đã bịt kín cửa động thì Nhạc Linh San phát giác ra làm sao được?

Nhưng rồi chàng lại tự nhủ:

- Mình đã phát giác ra hậu động thì đương nhiên tiểu sư muội cũng phát giác ra được. Huống chi trong khi vô tình ta đã mở được cửa động thì tiểu sư muội tìm thấy lối vào hậu động càng dễ hơn ta nhiều.


Ngày Lệnh Hồ Xung ở hậu động trên ngọn núi Hoa Sơn, chàng đã xem những điều tinh yếu về kiếm pháp của Ngũ nhạc kiếm phái cùng những phép phá giải mọi kiếm pháp của những trưởng lão ma giáo khắc trên vách đá. Tuy chàng nhớ được chiêu số thi triển thế nào nhưng về danh tự thì chàng hoàn toàn chẳng biết chi hết.


Chàng vừa thấy Nhạc Linh San phóng ra ba chiêu kiếm tối hậu lẹ làng như nước chảy mây trôi mà chóng vánh như ngựa quen đường cũ. Với ba chiêu kiếm đó nàng đã đả thương được hai tay cao thủ phái Thái Sơn. Những kiếm chiêu trên vách đá được nàng phát huy một cách rất lâm ly, khiến lòng chàng ngấm ngầm thán phục.


Khi chàng nghe Ngọc Khánh Tử nói đến ba chữ "Khoái hoạt tam" liền nghĩ ngay tới trước chàng đã theo sư phụ đến động Thủy Liêm núi Thái Sơn phải qua một triền núi dốc thoai thoải kêu bằng Khoái hoạt tam. Sở dĩ sười núi này gọi là Khoái hoạt tam vì ba dặm triền núi dốc thoai thoải, thuận chiều đi xuống rất dễ chịu. Chàng không ngờ ba chiêu kiếm liên hoàn đó lại nhận địa thế dốc núi này mà sáng chế ra.


Bỗng thấy một lão già gầy khẳng gầy kheo từ từ bước ra nói:

- Nhạc tiên sinh tinh thâm kiếm pháp của Ngũ nhạc kiếm phái là một việc ít có trong võ lâm. Lão phụ chỉ để tâm nghiên cứu về kiếm pháp của bản phái mà cũng còn nhiều chỗ chưa hiểu rõ. Vậy bữa nay mong Nhạc tiên sinh chỉ giáo cho.


Lão này tay trái cầm cây hồ cầm dát ngọc bóng loáng, tay mặt từ từ rút một thanh kiếm ngắn và nhỏ ở trong cầy đàn ra. Lão chính là Mạc Ðại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn. Mạc Ðại tiên sinh tuy vẻ mặt hiền hòa nhưng oai danh lừng lẫy trên chốn giang hồ.

Quần hùng vừa nghe Tả Lãnh Thiền nói Ðại tung dương thủ Phí Bân, một tay hảo thủ phái Tung Sơn đã chết về lưỡi kiếm của Mạc Ðại tiên sinh.

Bây giờ Mạc Ðại tiên sinh khiêu chiến tự hỏi:

- Nhạc Linh San đã dùng Thái Sơn kiếm pháp để đả thương hai cao thủ phái Thái Sơn, chẳng lẽ nàng lại có thể dùng Hành Sơn kiếm pháp để đối địch với Mạc Ðại tiên sinh?

Nhạc Linh San khom lưng đáp:

- Xin Mạc sư bá nhẹ lời cho! Ðiệt nữ có học lỏm được mấy chiêu về Hành Sơn kiếm pháp. Nay mong Mạc sư bá chỉ điểm thêm.

Mạc Ðại tiên sinh vừa nói câu: "Bữa nay mong Nhạc tiên sinh chỉ giáo cho" là lão có ý muốn khiêu chiến với Nhạc Bất Quần, không ngờ Nhạc Linh San lại hứng lấy. Nàng còn nói rõ là dùng kiếm pháp phái Hành Sơn để tỷ đấu.

Mạc Ðại tiên sinh liền mỉm cười đáp:

- Hay lắm! Hay lắm!

Nhạc Linh San nói:

- Nếu điệt nữ không địch nổi sư bá thì rồi phụ gia sẽ xuống trường.

Mạc Ðại tiên sinh lẩm bẩm:

- Ðịch nổi hẳn chứ! Ðịch nổi hẳn chứ!

Lão từ từ đưa thanh đoản kiếm ra lần đầu tiên vung lên không đánh vù một cái.

Tiếp theo lại hai tiếng veo véo rít lên.

Nhạc Linh San vung kiếm đón đỡ.

Thanh đoản kiếm của Mạc Ðại tiên sinh thật là xuất quỷ nhập thần. Chợt ở đằng trước, chợt quay sau lưng Nhạc Linh San.

Nhạc Linh San vội xoay mình lại thì bên tai lại nghe tiếng veo véo rít lên. Một mớ tóc bay qua trước mặt nàng. Mái tóc rớt xuống đã bị thanh kiếm của Mạc Ðại tiên sinh hớt đứt một mảng.

Trong lòng nóng nảy, nàng xoay chuyển ý nghĩ rất mau:

- Ðây là Mạc sư bá đã cố ý lưu tình nếu không thì nhát kiếm này sư bá đã giết chết mình rồi. Sư bá đã không có ý giết ta, vậy ta cứ vững tâm mà tấn công.

Rồi nàng chẳng cần để ý đến trường kiếm của đối phương. Kiếm phong rít lên hai tiếng veo véo nhằm đâm vào bụng dưới và trên đầu Mạc Ðại tiên sinh.

Mạc Ðại tiên sinh cũng hơi kinh hãi nghĩ thầm:

- Hai chiêu "Toàn Minh Phù Dù" và "Hạc Tường Tử Cái" này...
Nhạc Linh San tỷ kiếm với Lệnh Hồ Xung --

Nguyên Thiên Trụ kiếm pháp của phái Hành Sơn chủ chốt ở chỗ biến hóa như trong đám mây mù huyền ảo phương hướng hoạt động vô địch nên không ai biết đâu mà mò.

Trong bảy mươi hai chiêu Thiên Trụ kiếm pháp, Mạc Ðại tiên sinh mới học được năm mươi chiêu mà Nhạc Linh San lại dùng thế "Nhất chiêu bao nhất lộ" để phát huy tất cả bảy mươi hai chiêu trong kiếm pháp này thì dù lão không đến nỗi mất mạng ngay đương trường, tất cũng bị lộ những chỗ thất bại của mình ra.


Ðừng tưởng Mạc Ðại tiên sinh hành động một cách cổ quái. Thật ra lão là người rất thận trọng. Trước nay lão vẫn dự mưu rồi mới hành động. Lão nghe Nhạc Linh San nói là phụ thân nàng tinh thông cả kiếm pháp năm phái, rồi lại thấy nàng dùng kiếm pháp Thái Sơn để đả thương Ngọc Khánh Tử và Ngọc Âm Tử, lão nghĩ bụng:

- Con nhỏ này có biết sử kiếm pháp phái Hành Sơn hay không mình phải ra tay tỷ thí mới biết được. Chắc thị còn nhỏ tuổi thì dù có biết sủ dụng kiếm pháp phái Hành Sơn cũng chưa được mấy thành hỏa hậu. Nếu Nhạc Bất Quần ra tay tỷ thí thì thật nguy hiểm vô cùng.


Vừa xuống trường tỷ đấu lão chiếm được thiên cơ ngay.

Ngờ đâu lão hạ thủ hãy còn nể nang để bị thừa cơ đánh ra những kỳ chiêu cơ hồ không chống được.


Ðến lúc nửa chiêu tối hậu "Thiên Tự vận khí" của Nhạc Linh San vừa phóng ra, Mạc Ðại tiên sinh cơ trí mau lẹ, lão không đón đỡ mà bỏ đi luôn. Tuy nói là không đón đỡ bỏ đi luôn cho có vẻ dễ nghe, nhưng kỳ thực là đánh không nổi phải trốn chạy. Có điều kiếm pháp của lão biến hóa rất phức tạp. Lão vừa chạy trốn vừa đâm đông chém tây làm hoa mắt những kẻ bàng quang nên không ai hiểu lão đã thực hành câu tục ngữ "Ba mươi sáu chước, chước chạy là thượng sách".


Mạc Ðại tiên sinh biết trong năm môn Ngũ đại thần kiếm của phái Hành Sơn thì ngoài năm chiêu "Toàn minh phù dung", "Hạc Tường Tử Cái", "Thạch Lẫm Thư Thanh", "Thiên Trụ vân khí" còn chiêu "Nhạn hồi Chúc Dung" là lợi hại nhất. Năm ngọn núi cao trong dãy Hành Sơn thì ngọn Chúc Dung cao hơn hết. "Nhạn hồi Chúc Dung" cũng là một chiêu tinh thâm nhất trong Ngũ đại thần kiếm.


Ngày trước Mạc Ðại tiên sinh chỉ nghe các bậc sư trưởng nói sự tích Ngũ đại thần kiếm của phái Hành Sơn có những chỗ thần kỳ không biết đến thế nào mà kể, nhưng sự thực những kiếm chiêu thế nào thì chưa ai thấy qua. Các vị sư trưởng còn nói nghĩa lý về "Nhất chiêu bao nhất lộ" lại càng ghê gớm! Tỷ như những Thạch Lẫm kiếm pháp, Thiên Trụ kiếm pháp đem ra luyện tập từng chiêu đã thấy phức tạp vô cùng chẳng tài nào đến được chỗ tinh thục. Thế mà đem bao nhiêu chiêu số biến hóa kỳ diệu thành một chiêu thì e rằng đó là một thuyến không tưởng, trên đời làm gì có chuyện lạ thế? Không ngờ Nhạc Linh San vừa giao thủ đã đem kiếm thuật thần kỳ nhất là "Nhất chiêu bao nhất lộ" ra sử dụng khiến lão kinh hãi vô cùng.


Mạc Ðại tiên sinh tuy trong lòng kinh hãi nhưng lão là người lịch duyệt giang hồ vẫn trấn tĩnh như thường. Lão biết Nhạc Linh San đã gặp kỳ tích nên học được mấy đường kiếm pháp thần diệu. Có điều chắc chắn là nàng chưa đến chỗ tinh thâm nếu không thì những kỳ chiêu đã phát ra dù lão có trốn cũng không thoát được. Lão phóng chân né tránh, trong lòng xoay chuyển ý nghĩ tự nhủ:

- Tuy thị học được kỳ chiêu mà sử ra hãy còn ngờ nghệch, không hiểu tùy cơ ứng biến. Ta đành mạo hiểm chiết giải một phen, nếu không thế thì cái tên Mạc Ðại tiên sinh từ nay trở đi sẽ không còn tồn tại trên chốn giang hồ.

Lão thấy Nhạc Linh San chân bước đẫn đờ một chút thì hiểu ngay là nàng chưa quyết định được chủ ý có nên rượt theo hay không.

Bất giác lão la thầm:

- Thật là đáng thẹn! Dù sao người trẻ tuổi vẫn không đủ kiến thức.


Nhạc Linh San thấy chiêu "Thiên Trụ vân khí", bức bách được Mạc Ðại tiên sinh phải xoay mình chạy trốn, tuy lão tài giấu giếm tựa hồ chưa rõ tình trạng thất bại nhưng những kẻ sĩ cao minh cũng nhận thấy là lão không địch nổi phải lúng túng bỏ chạy. Giả tỷ nàng nổi lên tràng cười ha hả nói: "Mạc sư bá! Ða tạ sư bá có lòng nhân nhượng" thì cuộc thắng bại tưởng đã phân rõ rồi.


Mạc Ðại tiên sinh là một nhân vật có địa vị tôn cao trong võ lâm khi nào thất bại một chiêu lại còn quay lại chiến đấu giằng dai với một đứa con gái vào hạng hậu bối nữa. Nhưng nỗi do dự của Nhạc Linh San đã là một cơ hội rất tốt cho Mạc Ðại tiên sinh nắm lấy.


Lão thấy Nhạc Linh San vừa bật tiếng cười, máy môi mấy lần toan lên tiếng thì thanh đoản kiếm trong tay tiên sinh đã rít lên veo véo nhằm đâm thẳng vào người nàng. Trước tình trạng cấp chiến này, Mạc Ðại tiên sinh đã đề tụ công lực đến độ cao chót cho kiếm phong rít lên, kiếm quang vi vút.


Chỉ trong chớp mắt toàn thân Nhạc Linh San đã bị luồng kiếm quang chụp xuống.

Nàng bật tiếng la hoảng rồi lùi lại mấy bước. Nhưng Mạc Ðại tiên sinh đã bị cái thất bại vừa rồi, có lý nào còn trùng trình để nàng thi triển "Nhạn hồi Chúc Dung"?

Thanh đoản kiếm trong tay lão phóng ra mau lẹ hơn. Ngay đến những tay cao thủ bậc nhất cũng không thể nhìn rõ được kiếm thế của lão đánh về phía nào.


Quần hùng lo thay cho Nhạc Linh San và thán phục kiếm pháp cao minh của Mạc Ðại tiên sinh.

Kiếm pháp của chưởng môn phái Hành Sơn thật là thần diệu khôn lường! Cao thâm mạc trắc.


Thực ra Vân vụ ảo kiếm" của Mạc Ðại tiên sinh uy lực hãy còn thua xa những chiêu "Toàn minh Phù Dung", "Hạc Tường tử cái" của Nhạc Linh San, nhưng lão sử dụng rất thành thục lại đem hết tiềm lực để phát huy kiếm pháp nên lợi hại phi thường! Còn Nhạc Linh San tuy học được môn kiếm pháp thượng thặng nhưng mới ở ngoài da, chưa vào sâu đến tinh túy. Hơn nữa "Vân vụ ảo kiếm" lúc sử dụng như mây mù dầy đặc, những chỗ tinh yếu lộ cả ra ngoài khiến người bàng quang hoa cả mắt rồi không nghĩ đến chỗ Mạc Ðại tiên sinh lấy lớn hiếp nhỏ, nam hiếp nữ, đều nổi tiếng hoan hô vang dội.


Giữa lúc Nhạc Linh San sử những chiêu "Toàn minh phù dung", Lệnh Hồ Xung không còn nghi ngờ những đường kiếm pháp của nàng nữa và biết đích nàng đã học được ở trên vách đá hậu động trên ngọn núi sám hối.

Chàng tự hỏi:

- Tại sao tiểu sư muội lên ngọn sám hối? Sư phụ cùng sư nương thương yêu nàng, dĩ nhiên không phạt nàng lên đó tĩnh tọa để ăn năn. Dù nàng có phạm lỗi lầm đến đâu thì sư phụ cùng sư nương cũng không nghiêm trị, trách phạt nặng đến thế. Ngọn sám hối lại cách ngọn chủ phong núi Hoa Sơn khá xa mà địa thế cực kỳ hiểm trở. Ðừng nói nàng là ái nữ của sư phụ mà chỉ là một cô gái thông thường cũng không nên đầy đọa đến thế. Hay là Lâm sư đệ bị trách phạt cầm tù trên núi sám hối rồi tiểu sư muội hàng ngày đưa cơm nước lên cũng như nàng đối với ta ngày trước?

Chàng nghĩ tới đây bất giác trong lòng rạo rực.

Rồi chàng tự nhủ:

- Lâm sư đệ là kẻ ít lời, tính tình trầm mặc, hành động quy củ có vẻ một vị "Tiểu quân tử kiếm". Vì thế mà gã được sư phụ, sư nương cùng tiểu sư muội đem lòng thương mến thì có lý đâu gã lại phạm tội nặng để bị cầm chân trên núi sám hối! Không phải! Nhất định không phải!

Rồi như sực nhớ ra điều gì chàng lẩm bẩm:

- Hay là tiểu sư muội... tiểu sư muội...

Lòng chàng đột nhiên nổi lên một ý nghĩ, nhưng có vẻ quá hoang đường vừa hiển hiện trong đầu óc chàng đã tiêu tan ngay. Trong lúc nhất thời tâm thần hoảng hốt chàng nẩy ra một ý nghĩ hồ đồ, chính chàng cũng không hiểu rõ.


Bỗng một hán tử râu quặp chậm chạp tiến đến bên chàng.

Cặp mắt trong suốt nhìn thẳng vào mặt chàng khẽ hỏi:

- Xung ca! Xung ca nghĩ gì mà thừ người ra thế?

Lệnh Hồ Xung giật mình tỉnh táo lại, bất giác mặt thẹn đỏ bừng, chàng ấp úng đáp:

- Tiểu huynh... tiểu huynh...

Giữa lúc ấy bỗng nghe Nhạc Linh San bật tiếng la hoảng:

- Úi chao!

Thanh trường kiếm trong tay nàng bay vọt lên không, chân trái nàng xoạc một cái, té ngửa xuống đất.

Mạc Ðại tiên sinh tay cầm đoản kiếm nói:

- Ðiệt nữ dậy đi! Bất tất phải hoang mang.


Ðột nhiên nghe một tiếng rắc vang lên.

Thanh đoản kiếm trong tay Mạc Ðại tiên sinh bị gãy đôi.

Nhạc Linh San đã lượm hai viên đá tròn ở dưới đất lên. Tay trái nàng cầm viên đá đập vào thanh kiếm của tiên sinh. Thanh đoản kiếm này rất nhỏ chỉ đụng vào một cái là gẫy làm hai đoạn ngay.

Tiếp theo viên đá trong tay phải nàng vội liệng ra ngoài.

Mạc Ðại tiên sinh thấy kiếm gãy giật mình kinh hãi, lại thấy nàng liệng một viên đá ra thì rất lấy làm kỳ! Chẳng hiểu ra sao.


Bỗng nghe đánh bịch một cái. Tiếp theo là mấy tiếng "rắc rắc" viên đá kia đã bay trở lại đập vào trước ngực Mạc Ðại tiên sinh khiến cho lão bị gãy mấy rẻ xương sườn.

Lão há miệng phun máu tươi ra ồng ộc.

Những diễn biến kỳ ảo này thật không ai có thể lường được.

Ðộng tác của Nhạc Linh San lại cực kỳ thần tốc khiến mọi người ngẩn mặt ra.

Chỉ thấy kiếm quang lấp loáng! Thanh trường kiếm của Nhạc Linh San từ trên không rớt xuống cắm phập vào chỗ đất chỉ cách Mạc Ðại tiên sinh chừng một thước.

Mạc Ðại tiên sinh đã bị trọng thương nên không biết đường né tránh.

Thanh kiếm cắm ngập sâu xuống đất vẫn còn rung động hoài. Giả tỷ nó xê xích đi thêm chừng hơn thước thì đã xuyên qua người Mạc Ðại tiên sinh rồi. Ðó là một điều ai cũng thấy rõ.


Mạc Ðại tiên sinh lúc chiếm được tiên cơ lão không nỡ hạ sát mà chỉ bảo Nhạc Linh San: "Ðiệt nữ dậy đi! Bất tất phải hoang mang". Ðó nguyên là thái độ của bậc tôn trưởng đối với hàng vãn bối sau khi chiếm được phần thắng.

Nhưng Nhạc Linh San lại lượm lấy hai viên đá tròn và sử hai chiêu. Thật là những chiêu biến hóa khôn lường.


Chỉ có mình Lệnh Hồ Xung là hiểu rõ Nhạc Linh San đã học được hai chiêu này trên vách đá hậu động. Có điều ngày trước viên trưởng lão Ma giáo khắc tuyệt chiêu để phá giải kiếm pháp phái Hằng Sơn thì hình người sử cặp đồng chùy. Nhạc Linh San dùng viên đá tròn để thay đồng chùy trong lúc bất ngờ thì được, nếu dùng nó để chiến đấu hay chiết chiêu trong một thời gian khá lâu thì không xong. Nàng đã luyện được phép vận nội lực thì sử dụng viên đá tròn cũng mãnh liệt chẳng kém gì cây chùy đồng.


Nhạc Bất Quần vọt vào trường đấu tát đánh bốp một cái vào mặt Nhạc Linh San, đồng thời lớn tiếng quát mắng:

- Hiển nhiên Mạc sư bá đã nhường nhịn cho mi mà sao mi lại dám hỗn xược với lão nhân gia?

Ðoạn lão cúi xuống nâng đỡ Mạc Ðại tiên sinh dậy xin lỗi:

- Mạc huynh! Tiểu nữ ngu dại, tiểu đệ thật vô cùng áy náy.

Mạc Ðại tiên sinh nhăn nhó cười đáp:

- Hổ nữ nhà tướng quả nhiên không phải tầm thường.

Lão vừa nói dứt hai câu lại ọe một cái, hộc máu tươi ra.


Hai tên đệ tử phái Hành Sơn chạy tới nâng đỡ Mạc Ðại tiên sinh lui về.

Nhạc Bất Quần trợn mắt lên nhìn con gái ra chiều tức giận.

Lão cũng lùi lại đứng một bên.


Lệnh Hồ Xung thấy má bên trái Nhạc Linh San sưng vù lên và còn in vết năm ngón tay. Hiển nhiên phụ thân nàng đã đánh một cái tát khá mạnh.

Nhạc Linh San nước mắt đầm đìa mà khóc, môi cong cớn lộ ra thái độ quật cường. Lệnh Hồ Xung đột nhiên bụng bảo dạ:

- Ngày trước ta cùng nàng ở trên núi Hoa Sơn, có lúc nàng bướng bỉnh, bị sư phụ, sư nương quở trách, trong lòng nàng thường tủi cực thì lại có thái độ đáng thương và đáng yêu như thế này. Khi đó ta tìm trăm phương ngàn kế dối nàng, khiến nàng phải vui cười. Nàng không có điều gì sung sướng cho bằng tỷ kiếm với ta mà nàng đắc thắng, nhưng ta phải giả vờ cho khéo hệt như sơ hở thật để nàng chiếm được tiên cơ, chứ không phải nhường nàng.


Nghĩ tới đây, đầu óc chàng lại nẩy ra một ý niệm bâng khuâng mơ hồ rồi chàng tự hỏi:

- Tại sao nàng lại thường lên núi sám hối? Chắc nàng lên vào những dịp trước và sau hôn lễ để nghĩ lại mối thâm tình giữa ta với nàng ngày trước. Vì thế mà nàng lên núi một mình để ôn lại chuyện xưa. Cửa vào hậu động ta đã dùng những phiến đá chồng lên để bít lại, nếu không ở trên núi hồi lâu thì không tài nào phát giác ra được. Như vậy tức là nàng lưu lại trên núi không phải một thời gian ngắn ngủi và cũng không phải chỉ có một lần.

Chàng quay lại ngó Lâm Bình Chi một cái rồi tự hỏi:

- Lâm sư đệ cùng Nhạc sư muội hiện đang ở vào thời kỳ tân hôn, đáng lý cả hai người cùng vui vẻ tươi cười, nét hân hoan ra lộ ngoài mặt mới phải mà sao thủy chung gã vẫn lộ vẻ buồn rầu? Tiểu sư muội bị phụ thân đánh cho một tát, gã làm trượng phu đã chẳng đến an ủi lại cũng chẳng tỏ vẻ quan tâm thì thật là con người bất cận nhân tình.

Lệnh Hồ Xung lại nghĩ tới Nhạc Linh San vì nhớ chàng mà lên núi sám hối để truy lại những điều trước xưa. Rồi trong đầu óc chàng tưởng tượng ra hình bóng Nhạc Linh San trèo lên núi nước mắt tầm tã như mưa, mà nàng lấy làm bực bỏ lầm gặp phải Lâm Bình Chi. Nào nàng vô cùng hối hận đã phụ mối thâm tình của chàng! Chàng ngoảnh đầu nhìn lại thấy Nhạc Linh San đang cúi xuống lượm kiếm giọt nước mắt nhỏ xuống lá cỏ xanh khiến cho nó phải cong lại thì trong lòng chàng rất xúc động, miệng lẩm bẩm:

- Ta phải gạt nàng để nàng hết khóc thành cười mới được.


Trong con mắt chàng lúc này thì bên cạnh Thiền đài trên ngọn tuyệt đỉnh núi Tung Sơn đã biến thành Ngọc Nữ phong trên núi Hoa Sơn. Mấy ngàn hảo hán giang hồ chàng cũng chỉ coi như là những cây trong rừng chẳng có tâm linh chi hết. Chàng chỉ nghĩ đến người ý trung nhân mà chàng vẫn ghi tâm khắc cốt. Nàng vừa bị phụ thân trách mắng đánh đòn. Trong đời chàng đã lừa dối nàng không biết bao nhiêu lần để đem lại niềm vui, thì có lý đâu bữa nay chàng lại làm ngơ?

Lệnh Hồ Xung quyết định rồi rảo bước tiến lại ngập ngừng:

- Tiểu sư... tiểu sư...

Rồi chàng cho rằng muốn lừa dối làm nàng thích thú thì phải đánh trúng vào yếu điểm của nàng.

Trống ngực đánh thình thình, chàng hỏi:

- Tiểu sư muội đã thắng được chưởng môn hai phái Thái Sơn và Hành Sơn thì kiếm pháp ghê gớm lắm rồi, nhưng phái Hằng Sơn ta không phục. Vậy tiểu sư muội lại dùng kiếm pháp phái Hành Sơn tỷ đấu với ta được chăng?


Nhạc Linh San rút kiếm cầm tay, từ từ xoay mình lại nhưng chưa ngưng đầu dường như có điều chi ngẫm nghĩ. Sau một lúc nàng mới ngửng mặt lên lộ hai má ửng hồng.

Lệnh Hồ Xung lại hỏi:

- Dù bản lãnh Nhạc tiên sinh có cao thâm đến đâu thì ta cũng khó mà tin được lão nhân gia lại tinh thông kiếm pháp của cả năm phái.

Nhạc Linh San ngửng đầu lên hỏi lại:

- Thế thì đại sư ca không ở phái Hằng Sơn mà sao cũng tinh thông kiếm pháp phái này?

Lệnh Hồ Xung từ ngày bị đuổi ra khỏi môn trường phái Hoa Sơn chàng đã gặp Nhạc Linh San nhiều lần mà chỉ có bữa nay là lần đầu nàng mới tỏ thái độ hòa hoãn.

Ðột nhiên trong bụng mừng thầm, chàng bụng bảo dạ:

- Ta nhất định giả vờ cho thật giống, không để nàng nhìn ra chỗ dụng tâm nhường nhịn.

Chàng nghĩ vậy liền đáp:

- Hai chữ tinh thông thì không giám, nhưng tiểu huynh ở trên núi Hằng Sơn lâu ngày, thường thường luyện tập Hằng Sơn kiếm pháp nên cũng biết được sơ qua và bây giờ có thể dùng kiếm pháp phái này để lĩnh giáo những cao chiêu của tiểu sư muội. Tiểu sư muội cũng nên lấy kiếm pháp phái Hằng Sơn để chiết giải. Nếu kiếm pháp sử dụng không phải của phái Hằng Sơn thì bất cứ là ai thắng cũng thành bại. Vậy tiểu sư muội nghĩ sao?

Miệng chàng nói mấy câu này bụng đã định sẵn:

- Kiếm pháp của ta so với nàng còn cao thâm hơn nhiều, đó là một điều ai cũng biết. Nếu giả vờ thất bại thì cố nhiên người ngoài nhìn thấy ngay mà chính Nhạc sư muội cũng chẳng đem lòng tin tưởng. Vậy ta chiến đấu một lúc rồi đột nhiên trong khi vô ý dùng một chiêu Ðộc Cô cửu kiếm hoặc một chiêu kiếm pháp phái Hoa Sơn để đả bại nàng. Như vậy ta tuy thắng mà thành bại, không còn ai nghi ngờ gì nữa.

Bỗng nghe Nhạc Linh San đáp:

- Hay lắm! Chúng ta cứ tỷ đấu như vậy!


Dứt lời nàng vạch thanh trường kiếm lên không trung lướt đi nửa vòng rồi chênh chếch đâm sang Lệnh Hồ Xung.

Bỗng nghe quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn bật tiếng reo hò:

- Úi chà!

Trong đám quần hùng có người không hiểu kiếm pháp phái Hằng Sơn nhưng nghe tiếng reo hò của quần nữ đệ tử phái này chứa đầy vẻ khâm phục thì cũng biết chiêu thức của Nhạc Linh San đúng là kiếm pháp phái Hằng Sơn mà là chiêu thức không phải tầm thường.


Nguyên nàng sử chiêu đó chính là một chiêu thức ở hậu động núi sám hối. Chiêu thức này Lệnh Hồ Xung đã truyền lại cho quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn. Kiếm pháp phái Hằng Sơn lấy tròn trĩnh làm hình thức, sở trường về chỗ kín đáo đầy khít. Chiêu nào cũng hàm chứa nội lực âm nhu. Khi cùng người đối địch, thường thường trong mười chiêu có đến chín thuộc về thế thủ. Chỉ một chiêu là thừa chỗ sơ hở đột kích.


Nên biết mấy trăm năm nay đệ tử phái Hằng Sơn toàn là nữ nên kiếm pháp của họ so với phái ngoài thật khác xa nhau. Bất cứ là ai cũng chỉ coi mấy chiêu là nhận ra được ngay. Lệnh Hồ Xung ở với đệ tử phái Hằng Sơn đã lâu, chàng mắt thấy cả những tay cao thủ phái này là ba vị sư thái Ðịnh Nhàn, Ðịnh Tĩnh, Ðịnh Dật đã sử những chiêu kiếm pháp rất tròn trĩnh và nhận thức đến cả về chỗ tinh thần và kiếm pháp phái Hằng Sơn.


Bọn Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, Bang chúa Cái Bang, Tả Lãnh Thiền đều quen thuộc với kiếm pháp phái Hằng Sơn đã lâu, thấy Lệnh Hồ Xung không phải xuất thân ở phái Hằng Sơn mà sử dụng kiếm pháp phái này rất quy củ. Trong chiêu thức bình thường cũng ngấm ngầm chứa thế mãnh liệt rất hợp với võ công của phái Hằng Sơn lấy "Miên lý tàng trâm" làm yếu quyết nên ai cũng thán phục.

Yếu quyết "Miên lý tàng trâm" là thế nào?


Nên biết môn hạ phái Hằng Sơn đã trải bao đời đều đứng đầu bằng một vị nữ ni mà người xuất gia dĩ nhiên lấy từ bi làm gốc. Hơn nữa bọn nữ lưu không nên thường thường vọng động gươm đao. Họ học võ chẳng qua là để phòng thân. Yếu quyết "miên lý tàng trâm" là nói trong đám bông mềm nhũn có dấu ngầm một mũi cương trâm. Người ngoài đứng có xúc phạm vào. Nắm bông mềm nhũn không làm cho ai đau đớn, nhưng kẻ nào dùng sức mà bóp bẹp là bị mũi kim đâm vào tay. Mũi cương trâm đâm vào sâu hay nông không phải tự nó mà là tùy ở kẻ nắn bóp mạnh hay yếu. Kẻ dùng sức ít thì bị thương nhẹ mà người dùng sức nhiều thì bị trọng thương.


Yếu quyết võ công này lấy ở thuyết nhân quả báo ứng, nghiệt duyên tự làm mà nên của nhà phật làm căn bản. Thiện ác do tự lòng mình mà ra.


Lệnh Hồ Xung sau khi học Ðộc Cô cửu kiếm rồi thì bao nhiêu ý niệm về chiêu thức võ công chàng đều hiểu rõ. Kiếm pháp mà chàng sử dụng chú trọng về ý chí chứ không chú trọng về chiêu thức. Lúc này chàng sử kiếm pháp phái Hằng Sơn, về phương vị biến hóa có chỗ khác biệt với chiêu thức nguồn gốc, nhưng ý kiếm phái Hằng Sơn lại nổi lên rất rõ ràng.


Những tay cao thủ các phái tuy biết Hằng Sơn kiếm pháp nhưng cũng chỉ biết được đại khái mà thôi, còn những chỗ khúc chiết nhỏ bé thì hiểu làm sao được? Vì thế họ vừa nhìn thấy kiếm của Lệnh Hồ Xung liền nhủ thầm:

- Chàng thiếu niên này làm chưởng môn phái Hằng Sơn quả nhiêu không phải là sự ngẫu nhiên mà được. Chính ra chàng đã được chân truyền của Ðịnh Nhàn, Ðịnh Tĩnh, Ðịnh Dật sư thái.


Trong hàng môn hạ phái Hằng Sơn chỉ có bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh là nhận ra được Lệnh Hồ Xung đã sử những chiêu thức không giống hệt như sư phụ. Tuy chiêu thức có khác song ý kiếm của bản môn lại thể hiện một cách rất sâu xa.


Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San cả hai người cùng thi triển những kiếm chiêu của phái Hằng Sơn và toàn là chiêu số học được ở hậu động núi sám hối. Có điều chính Lệnh Hồ Xung mang một căn bản kiếm pháp tinh diệu hơn Nhạc Linh San nhiều. Hơn nữa chàng đã ở với thầy trò phái Hằng Sơn lâu ngày thì dĩ nhiên về kiếm pháp của phái này Nhạc Linh San không thể bì kịp. Nếu hai người tranh thủ hơn thua một cuộc thành thực, Lệnh Hồ Xung không có ý nhường cho sư muội thì chỉ trong mấy chiêu đầu là chàng đã hạ đối phương rồi.


Sau khi hai bên qua lại ngoài ba chục chiêu, những thế kiếm mà Nhạc Linh San học được trên vách đá hậu động đã sử gần hết rồi không biết làm thế nào nàng đành bắt đầu trở lại.

May ở chỗ những chiêu kiếm pháp này đã cực kỳ tinh diệu lại biến ảo khôn lường, lúc sử dụng chiêu số đầy khít, chuyển biến liên miên bất tuyệt, từ chiêu nọ đến chiêu kia dính liền vào nhau tuyệt không sơ hở chút nào, nên dù có sử đi sử lại cũng không vấp váp và không ai nhìn rõ ngoại trừ một mình Lệnh Hồ Xung.


Nhạc Linh San đưa ra những chiêu rất thân mật thì Lệnh Hồ Xung cũng theo phép hóa giải bằng những chiêu thức tương tự. Hai người cùng học kiếm pháp ở một nơi lại toàn là võ công tinh tuyệt về kiếm pháp phái Hằng Sơn. Hai bên đối thủ cực kỳ ăn khớp người ngoài trông vào rất là ngoạn mục.

Quần hùng được coi trận đấu vô cùng hào hứng, không nhịn được vỗ tay như pháo nổ, trầm trồ khen ngợi.

Có người nói:

- Lệnh Hồ chưởng môn mà sử dụng kiếm pháp phái Hằng Sơn một cách thuần thục cũng chẳng lấy chi làm lạ, song cô nương họ Nhạc kia hiển nhiên là người phái Hoa Sơn mà thi triển kiếm pháp phái Hằng Sơn một cách tinh diệu đến thế mới thật là kỳ.

Lại có người nói:

- Lệnh Hồ Xung là cao đồ của phái Hoa Sơn. Nếu y không được chính tay Nhạc tiên sinh tuyền dạy thì hai người giao đấu làm sao lại ngoạn mục đến thế?

Một người khác lại nói:

- Nhạc tiên sinh đã tinh thâm kiếm pháp của bốn phái Hoa Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn và Hằng Sơn thì chắc kiếm pháp của phái Tung Sơn tiên sinh cũng thuộc làu. Vậy chức chưởng môn Ngũ nhạc phái tất sẽ do tiên sinh đảm nhiệm không còn ai tranh giành được nữa.

Bỗng có người phản đối:

- Cái đó chưa chắc đâu! Kiếm pháp của Tả chưởng môn phái Tung Sơn còn tinh thâm hơn Nhạc tiên sinh nhiều. Kiếm pháp quý ở chỗ tinh thần chứ không phải ở chỗ biết nhiều. Vậy ai dù hiểu biết hết các môn võ học trong thiên hạ mà biết một cách phiến diện thì có làm gì? Chỉ bằng một chiêu kiếm pháp phái Tung Sơn mà Tả chưởng môn muốn sử đến chỗ tinh diệu vô song cũng đủ đè bẹp Nhạc tiên sinh, mặc dù lão kiêm tri cả kiếm pháp bốn phái kia.

Người nói trước không chịu cãi lại:

- Sao ngươi biết rõ thế? Hay ngươi chỉ nói khoác không biết ngượng?

Người kia cũng tức mình thách thức:

- Thế nào là nói khoác không biết ngượng? Ngươi có giỏi hãy cùng ta đánh cuộc năm chục lạng bạc.

Người này đáp:

- Có gì mà giỏi với không giỏi. Ta dám đánh cuộc cả trăm lạng. Kẻ nào ăn gian nói dối sẽ làm môn hạ phái Hằng Sơn.

Người kia hỏi:

- Ðánh cuộc trăm lạng càng hay nhưng sao lại nói dối thì phải làm môn hạ phái Hằng Sơn?

Người này giải thích:

- Ta muốn bảo: Ai ăn gian nói dối thì phải làm ni cô.

Người kia phì một cái rồi nhổ một bãi nước miếng xuống đất.


Lúc này Nhạc Linh San ra chiêu lại càng mau lẹ.

Lệnh Hồ Xung thấy bóng nàng tha thướt liền nhớ lại ngày trước cùng nàng luyện kiếm tỷ võ ở trên núi Hoa Sơn. Hình ảnh đó đang chập chờn trước mắt khiến lòng chàng không khỏi bâng khuâng, mê mẩn tâm hồn, bất giác đứng ngây người ra. Hễ thấy Nhạc Linh San phóng tới một chiêu, chàng lại thuận tay trả lại một chiêu, chẳng buồn nghĩ đến chiêu thức của mình hay đối phương có phải là Hằng Sơn kiếm pháp.

Nhạc Linh San không khỏi hoang mang, khẽ bật tiếng hô:

- Thanh mai như đậu.

Rồi nàng trả lại một chiêu, quệt vào trán Lệnh Hồ Xung.

Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra một chút, chàng khẽ hô:

- Liễu diệp tự mi!

Hai người vẫn dùng kiếm pháp của phái Hằng Sơn giao đấu với nhau song chỉ biết ra chiêu chứ không biết rõ tên. Thực ra hai chiêu vừa rồi đâu có phải kiếm pháp phái Hằng Sơn mà là của hai người đã sáng chế ra lúc cùng nhau luyện kiếm ở núi Hoa Sơn. Hai người đã đặt tên cho nó "Xung Linh kiếm pháp". Xung là Lệnh Hồ Xung còn Linh lấy ở tên Nhạc Linh San. Ngày trước hai người thấy thế kiếm hay rồi cùng nhau sáng tạo ra.

Thế kiếm này tuy danh của hai người cùng sáng tạo chung mà thực ra trong đó có tám phần mười là của Lệnh Hồ Xung đã nghĩ ra.

Khi đó võ công hai người cón thấp kém, thế kiếm này chẳng có chi lợi hại cho lắm. Nhưng sau khi hai người chuyên môn luyện kiếm ở chỗ vắng người rồi thuần thục phi thường.

Bữa nay Lệnh Hồ Xung trong lúc tâm thần lơ đãng bất giác phóng ra chiêu "Thanh mai như đậu" thì Nhạc Linh San liền trả lại bằng chiêu "Liễu diệp tự mi". Thật ra hai người cũng chẳng có ý riêng thầm kín gì mà bỗng nhiên cả hai cùng đỏ mặt lên.

Lệnh Hồ Xung lại thuận tay đưa ra chiêu "Vu trung sơ kiến", Nhạc Linh San liền thuận tay trả lại chiêu "Vũ hậu sư sạ phùng".

Thế kiếm này hai người đã luyện ở trên núi Hoa Sơn không biết tới bao nhiêu lần, nhưng vẫn sợ để Nhạc tiên sinh và Nhạc phu nhân biết ra tất bị quở mắng, nên chẳng bao giờ chàng và nàng tiết lộ ra những thế kiếm đó với bất cứ một ai. Vi lúc này không nhịn nổi mối tình dĩ vãng nên đã hớ hênh đem ra sử dụng trước mặt biết bao nhiêu anh hùng thiên hạ.

Về điểm này ta không nên trách Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San đang giao thủ với nhau bằng Hằng Sơn kiếm pháp mà lại cho ra một thứ kiếm pháp khác vì lúc này hai người đang mơ hồ chuyện dĩ vãng họ không còn biết đến hiện tại là gì nữa.
Mười ba chiêu kiếm phái Tung Sơn

Lần này hai người đối thủ mới trong khoảnh khắc đã qua lại mười mấy chiêu. Chẳng những Lệnh Hồ Xung đã đưa mình vào tình trạng trong lúc luyện kiếm ngày trước ở trên núi Hoa Sơn mà cả Nhạc Linh San cũng dần dần quên lãng đi là lúc này mình ở vào tình trạng một cô gái đã đi lấy chồng và hiện đang đứng trước mặt mấy ngàn giang hồ hảo hán động thủ ra chiêu để khoa trương danh dự cho phụ thân.

Trước mặt nàng chỉ còn thấy một chàng đại sư ca đầy vẻ phong lưu phóng đãng đang cùng mình rèn luyện môn kiếm pháp do hai người sáng tạo ra.

Lệnh Hồ Xung ngó thấy nét mặt nàng mỗi lúc một thêm hòa dịu, mắt nàng chiếu ra những tia sáng vui mừng. Hiển nhiên nàng đã quên nỗi đau khổ gây ra bởi cái tát tai của phụ thân.

Chàng nghĩ thầm trong bụng:

- Bữa nay ta thấy vẻ mặt sầu bi, dung nhan tiều tụy, nhưng bây giờ nàng đã vui tươi trở lại. Hỡi ơi! Ta chỉ mong môn Xung Linh kiếm pháp này có cả hàng ngàn hàng vạn chiêu số suốt đời không bao giờ sử được hết thì niềm vui của nàng sẽ kéo dài vô cùng tận.

Từ ngày chàng được nghe Nhạc Linh San hát những tiểu khúc về địa phương Phúc Kiến ở trên ngọn núi sám hối, mãi đến bây giờ chàng mới lại được tiểu sư muội tỏ vẻ hân hoan đối với chàng như trước, bất giác chàng cũng vui mừng khôn tả.


Hai bên lại chiết giải ngoài hai chục chiêu.

Thanh trường kiếm của Nhạc Linh San bỗng nhằm hớt vào đùi bên trái Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung liền phóng chân trái đá thanh kiếm của nàng.

Nhạc Linh San liền hạ thấp thanh kiếm xuống rồi tiện đà chém vào bàn chân chàng.

Lệnh Hồ Xung vội vung trường kiếm chém ngang lưng mé bên phải Nhạc Linh San.

Nhạc Linh San vội xoay mũi kiếm chênh chếch lên đỡ.

Choang một tiếng vang lên! Hai thanh kiếm đụng nhau và đều chấn động.

Hai người đồng thời phóng kiếm về phía trước nhằm đâm vào họng đối phương.

Cả hai cùng ra tay mau lẹ phi thường.


Mọi người thấy thế phóng quá lẹ đều cho là không còn cách nào cứu vãn được thảm cảnh cả hai bên cùng chết.

Quần hùng không nhịn được nữa bật tiếng la hoảng:

- Trời ơi!

Bỗng nghe một tiếng keng nhè nhẹ nổi lên. Hai đầu mũi kiếm dừng lại trên không thì những tia lửa bắn ra tung tóe. Hai thanh trường kiếm đều bị cong lại như hình cánh cung.

Tiếp theo hai người đẩy tay mạnh về phía trước để mượn đà lùi lại.


Biến diễn nay thật không ai nghĩ tới là vì đà kiếm đang đi nhanh như vậy mà hai kiếm lại đụng vào nhau một cách tuyệt hảo đến thế.

Quần hùng đã coi đến hàng ngàn hàng vạn lần tỷ kiếm cũng chưa từng gặp một lần như bữa nay.

Hai người cách cái chết chỉ chừng sợi tóc mà mũi kiếm ở trên không đâm trúng vào nhau thành ra vô sự, mọi người cho là một chuyện hữu hạn trên đời. Song thực ra hai người đã luyện đến hàng ngàn hàng vạn lần và đã thành thuộc lắm rồi.


Muốn sử chiêu kiếm pháp này thì phải hai người cùng sử và phải tính toán rất đúng phương vị cùng luồng lựa đạo lúc ra chiêu không sai một mảy may mới thành tựu được.

Chiêu kiếm này đối với người ngoài chẳng có phần nào mang lại kết quả để khắc địch chế thắng, nhưng đối với Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San thì nó lại là một trò chơi rất gian nan và thú vị.

Sau khi hai người luyện thành chiêu số rồi liền tiến thêm bước nữa cho mũi kiếm đụng vào nhau để tia lửa bắn ra tung tóe.

Hai người ở trên núi Hoa Sơn luyện thành chiêu số này rồi Nhạc Linh San đã hỏi Lệnh Hồ Xung:

- Chiêu số này tên là gì?

Khi đó Lệnh Hồ Xung đáp:

- Cái đó tùy sư muội muốn kêu nói bằng gì cũng được.

Nhạc Linh San liền cười hỏi:

- Tiểu muội chỉ nghĩ rằng hai thanh kiếm phóng ra thật lẹ không còn nghĩ gì đến tính mạng thì kêu bằng "Ðống quy ư tận" nên chăng?

Lệnh Hồ Xung đáp:

- Nếu đồng quy y tận thì ra giữa tiểu huynh và sư muội dường như có mối thù chẳng đội trời chung, chi bằng đặt cho nó cái tên "Nhi tử ngã hoạt".

Nhạc Linh San bĩu môi nói:

- Tại sao tiểu muội lại chết cho đại sư ca sống? Ðại ca chết tiểu muội sống mới phải.

Lệnh Hồ Xung cãi:

- Tiểu huynh đã bảo là nhi tử ngã hoạt rồi mà.

Nhạc Linh San nói:

- Chúng ta hà tất phải loanh quanh giải thích mãi về hai chữ giữa ngươi với ta rồi vẫn chẳng đi tới đâu. Chiêu này chẳng đâm chết ai hết, hay là chết cả đôi, vậy kêu nó bằng "Ðồng sinh cộng tử" quách.

Lệnh Hồ Xung liền vỗ tay khen:

- Hay quá! Hay quá!

Nhưng Nhạc Linh San chợt nhớ ra bốn chữ "Ðồng sinh cộng tử" có thân mật thái quá, nàng liền buông kiếm cắm đầu chạy mất.


Quần hùng đứng bàng quang thấy hai người thoát chết trong lòng còn kinh hãi vô cùng ai nấy bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Họ ở vào tình trạng hoảng đến nỗi quên cả hoan hô.


Bữa trước ở trong chùa Thiếu Lâm, Nhạc Bất Quần động thủ cùng Lệnh Hồ Xung vì muốn khuyên can chàng trở về phái Hoa Sơn, lão sử mấy chiêu về Xung Linh kiếm pháp thật nhưng lúc lão rỗi công đâu mà luyện cái chiêu "đồng sinh công tử" vô dụng này làm chi?

Còn bọn Phương Chứng đại sư, Xung Hư, Tả Lãnh Thiền thấy chiêu này đều giật mình kinh hãi, nhất là Doanh Doanh trong lòng càng hồi hộp hơn. Sau thấy hai người lướt mình nhảy ra, trên môi còn lộ ra một nụ cười, nét mặt dường như bao phủ một làn gió xuân cực kỳ khoan khoái thì không khỏi lấy làm kỳ.


Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San lại chống kiếm tiến lên tiếp diễn cuộc tỷ đấu.

Hồi ở trên núi Hoa Sơn hai người sáng chế ra Xung Linh kiếm pháp vào giữa lúc tình sư huynh, sư muội cực kỳ đằm thắm lại cùng nhau hợp tâm đầu, vì thế mà những kiếm chiêu đó du dương khoan hòa nhiều hơn còn ý tứ sát phạt rất ít.


Lúc này hai người đối kiếm bất giác đều hồi tưởng đến tình trạng ngày trước tay kiếm đưa ra hời hợt khoan thai. Ðầu mày cuối mắt hai người dần dần lộ vẻ đắm đuối ôn nhu.

Ðột nhiên trong đám đông có tiếng cười bật lên.

Nhạc Linh San giật mình. Nàng nghe biết là tiếng cười của Lâm Bình Chi, trượng phu nàng thì không khỏi chột dạ nghĩ thầm:

- Ta đang tỷ đấu với đại sư ca ta thế này thì có điều gì không phải chăng?

Thanh trường kiếm của nàng đang đưa vòng từ dưới chênh chếch lên rồi phóng ra. Thế kiếm đã mau lẹ, lực đạo lại mạnh mẽ, tư thế cực kỳ mỹ diệu. Ðây là một chiêu thức thuộc "Ngọc nữ kiếm thập cửu thức" của phái Hoa Sơn.

Lệnh Hồ Xung cũng nghe rõ tiếng cười lạt của Lâm Bình Chi. Chàng thấy tiếng cười vừa dứt, Nhạc Linh San lập tức biến chiêu. Thế kiếm nàng phóng tới không còn nể nang gì nữa, khác hẳn vừa rồi nàng đã sử Xung Linh kiếm pháp đầy vẻ trìu mến.


Bỗng lòng chàng se lại, bao nhiêu chuyện cũ chỉ trong nháy mắt đã hiển hiện lên đầu óc chàng.

Chàng nhớ tới ngày bị sư phụ trách phạt phải lên ngọn Sám hối quay mặt vào vách để ăn năn tội lỗi. Hàng ngày chàng được tiểu sư muội đưa cơm nước lên một lần.

Một hôm trời mưa tuyết dữ, sư muội ở lại sơn động với chàng một đêm. Sau đó tiểu sư muội mắc bệnh rồi hai người cách mặt lâu ngày và cùng ôm mối tương tư đau khổ. Trong thời gian này không hiểu Lâm Bình Chi đã làm thế nào mà vành cạnh được tấm lòng ưa thích của nàng.

Từ đó trở đi hai người bị tấm màn ngăn cách, càng ngày càng thâm trọng.

Lệnh Hồ Xung nhớ tới hôm đó tiểu sư muội sau khi được sư nương truyền thụ cho môn "Ngọc nữ kiếm thập cửu thức", nàng lại lên núi để cùng chàng qua chiêu tỷ thí. Lúc đó lòng chàng đau khổ nên ra tay không nhân nhượng chút nào.

Bao nhiêu ý niệm diễn ra trong đầu óc chàng chỉ một nháy mắt rồi lướt qua.


Giữa lúc ấy Nhạc Linh San hươi kiếm đánh tới.

Lệnh Hồ Xung đầu óc bối rối, vội vươn tay trái dùng ngón giữa bật đánh keng một tiếng trúng vào thanh trường kiếm của nàng.

Nhạc Linh San cầm chuôi kiếm không chắc, thanh trường kiếm tuột tay bay đi vọt thẳng lên trời.

Lệnh Hồ Xung thấy thế bất giác la thầm:

- Hỏng bét rồi!

Chàng thấy Nhạc Linh San lộ vẻ cay đắng và dường như cố ý cười gượng mà không ra tiếng.

Lệnh Hồ Xung nhớ lại ngày trước cũng một cái búng tay mà hất thanh Bích Hòa kiếm rất quý báu của nàng rớt xuống vực thẳm, vì thế mà hai người cay cú nhau. Không ngờ bữa nay việc xưa tái diễn.


Nhiều lúc trong lúc đêm khuya tĩnh mịch chàng nhớ lại mình đã búng văng thanh bảo kiếm của Nhạc Linh San thực ra là tại chàng đem lòng ghen tức với Lâm Bình Chi không dằn lòng được và chàng vẫn tự trách mình về ý nghĩ đê hèn này.


Ngờ đâu bữa nay chàng vừa nghe đến tiếng Lâm Bình Chi cười lạt lại thấy Nhạc Linh San biến đổi thái độ nên bệnh cũ của chàng lại phát ra.

Ngày trước ở trên núi sám hối chàng đã dùng một ngón tay búng trúng trường kiếm của Nhạc Linh San hất văng đi thì hiện giờ nội lực chàng so với ngày trước còn cao thâm hơn không biết đến đâu mà kể nên thanh trường kiếm bắn vọt lên trời cao tít chưa rớt xuống ngay. Chàng tự trách mình:

- Bản tâm ta muốn chịu thua về tay tiểu sư muội để gạt nàng hoan hỉ, thế mà bây giơ lại búng thanh trường kiếm ở trong tay nàng hất văng đi thì có khác gì ta cố ý làm cho nàng phải mất mặt trước quần hùng thiên hạ. Chẳng lẽ ta lại có thủ đoạt đê hèn đến thế ư? Và để đền đáp mối tình nghĩa của tiểu sư muội đối với ta?

Chàng ngước mắt trông lên thấy thanh trường kiếm đang từ trên không rớt xuống. Chàng lạng người một cái la lên:

- Hằng Sơn kiếm pháp tuyệt diệu.

Chàng làm như người cố sức né tránh mà thực ra chàng đã đưa mình vào để đón lấy mũi kiếm.

Bỗng một tiếng "chát" vang lên. Thanh trường kiếm xuyên trúng bả vai Lệnh Hồ Xung.

Chàng oại mình đi một cái. Thanh trường kiếm cắm người chàng xuống đất như đóng đinh.


Biến cố xảy ra một cách quá đột ngột khiến quần hùng bật tiếng la hoảng rồi đứng thộn mặt ra.

Nhạc Linh San kinh hãi la thất thanh:

- Ðại sư ca! Ðại sư ca!...

Bỗng thấy một hán tử râu quặp chạy lại rút thanh trường kiếm ôm Lệnh Hồ Xung lên.

Vết thương trên vai Lệnh Hồ Xung máu tươi phun ra như suối.

Hán tử kia ôm chàng lui sang một bên thì đã mười mấy cô nữ đệ tử phái Hằng Sơn bu quanh lại thi nhau rịt thương bôi thuốc.


Nhạc Linh San không hiểu Lệnh Hồ Xung sống chết thế nào toan chạy lại thì đột nhiên kiếm quang chuyển động. Hai thanh trường kiếm vung ra chẹn đường.

Bỗng nghe tiếng một ni cô quát lớn:

- Con đàn bà tâm địa lang sói này.

Nhạc Linh San ngẩn người ra lùi lại một bước. Trong lúc hoang mang nàng không biết làm thế nào cho phải. Bỗng nghe Nhạc Bất Quần nổi lên một tràng cười lớn rồi dõng dạc nói:

- San nhi! Ngươi đã dùng kiếm pháp ba phái Thái Sơn, Hành Sơn, và Hằng Sơn đả bại ba vị chưởng môn những phái đó thật đáng kể là một việc hiếm có.


Chiêu tối hậu của Nhạc Linh San nàng để trường kiếm tuột khỏi tay, bắn tung lên là một điều mà quần hùng đã trông rõ do ngón tay của Lệnh Hồ Xung búng hất ra. Nhưng Lệnh Hồ Xung bị thanh trường kiếm của nàng đâm thành ra trọng thương cũng là sự thực không chối cãi được. Còn chiêu này có phải là kiếm pháp của phái Hằng Sơn hay không thì chẳng thấy một ai nói ra.


Kỳ thực hai người lúc tỷ đấu Xung Linh kiếm pháp, người ngoài đứng coi đã chẳng biết đâu mà mò. Ðến chiêu sau cùng biến cố xảy ra bất ngờ nên mọi người liền bị kết quả đột ngột làm cho chấn động tâm thần, không nghĩ đến chiêu thức có phải là kiếm pháp phái Hằng Sơn hay không nữa.


Khi nghe Nhạc Bất Quần ca ngợi con gái đã dùng kiếm pháp của ba phái để đả bại ba vị chưởng môn, số đông đều cho là chiêu "Trường không lạc kiếm" đó nhất định là của phái Hằng Sơn.

Kể ra cũng có người trong lòng hồ nghi vì thấy mấy chiêu thức sau kiếm ý khác hẳn với kiếm pháp của phái Hằng Sơn nhưng cũng không bày tỏ được gốc ngọn thành ra không dám công nhiên đưa ý kiến phản đối Nhạc Bất Quần.

Nhạc Linh San cúi xuống lượm kiếm ở dưới đất lên, thấy kiếm còn dính máu đỏ tươi thì trống ngực đánh thình thình.

Nàng tự hỏi:

- Không hiểu tính mạng chàng ra sao? ta chỉ mong sao cho chàng không đến nỗi uổng mạng, rồi ta sẽ... ta sẽ... "Ta sẽ làm sao?" Nàng không dám nghĩ nữa.


Mọi người thấy sắc mặt lợt lạt, người nàng lảo đảo cơ hồ đứng không vững đều cho là một cô gái mảnh dẻ đả bại ba vị chưởng môn, hao tổn nội lực rất nhiều nên bây giờ nàng không chống nổi cũng là sự thường chẳng lấy chi làm lạ.

Bỗng nghe thanh âm oang oang cất lên:

- Nhạc tiên sinh ở phái Hoa Sơn đã nghiên cứu tinh thâm kiếm pháp của bản phái. Ngoài ra kiếm pháp những phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn chẳng những tiên sinh thông hiểu mà còn đi đến chỗ kỳ tuyệt nữa. Ðó là điều hiếm có, thật khiến cho người ta phải ca ngợi. Vậy chức chưởng môn Ngũ nhạc phái nếu không được tiên sinh đảm nhiệm tưởng khắp thiên hạ khó lòng kiếm ra nhân vật thứ hai.


Người nói câu này mái tóc bạc phơ chính là bang chúa Cái Bang.

Cái Bang là một bang hội rất lớn, tiềm tàng lực lượng hùng mạnh vô cùng mà Cái Bang chúa tuyên bố như vậy thì người ngoài còn xì xầm dám nghị gì nữa?

Bỗng một thanh âm lạnh lẽo nổi lên:

- Nhạc cô nương tinh thông kiếm pháp ba phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn thật là một điều đáng quý hiếm thấy trên đời. Nếu cô lại dùng kiếm pháp phái Tung Sơn để đánh bại được thanh trường kiếm trong tay tại hạ thì toàn thể phái Tung Sơn rất vui lòng tôn Nhạc tiên sinh lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái.


Người nói câu này chính là Tả Lãnh Thiền.

Hắn vừa nói câu này vừa tiến vào giữa trường đấu. Tay trái hắn ấn vào vỏ kiếm.

Bỗng nghe đánh soạt một tiếng. Thanh trường kiếm ở trong vỏ bay vọt lên. ánh thanh quang lấp loáng. Thanh trường kiếm đang bay lên, Tả Lãnh Thiền vươn tay mặt ra nắm lấy đốc kiếm. Thủ pháp rất ngoạn mục.

Hắn ấn tay trái vào vỏ kiếm mà dùng nội lực đẩy thanh trường kiếm lên được thì nội công thâm hậu đến trình độ hiếm có mà cũng ít khi nghe thấy ở đời. Quần đệ tử phái Tung Sơn cố nhiên lớn tiếng hoan hô. Quần hùng các phái cũng nổi tiếng như sấm dậy.

Nhạc Linh San cất giọng run run nói:

- Ðiệt nữ... điệt nữ chỉ sử mười ba chiêu... nếu trong mười ba chiêu mà không thắng được Tả sư bá...

Tả Lãnh Thiền trong lòng tức giận vô cùng, mắng thầm:

- Con nhãi này dám công nhiên đấu kiếm với ta đã là to gan lớn mật mà thị còn dám hạn định trong mười ba chiêu thì thật coi Tả mỗ không ra cái gì.

Hắn xẵng giọng hỏi:

- Nếu trong vòng mười ba chiêu mà ngươi không lấy được cái đầu trên cổ Tả mỗ thì ngươi tính sao?

Nhạc Linh San đáp:

- Ðiệt nữ... điệt nữ đâu có phải là đối thủ của Tả sư bá? Ðiệt nữ bất quá chỉ học được có mười ba chiêu kiếm pháp của phái Tung Sơn. Mười ba chiêu này do gia gia điệt nữ thân hành truyền thụ. Bây giờ điệt nữ muốn đem ra để ấn chứng Tả sư bá mà thôi.

Tả Lãnh Thiền hắng dặng một tiếng chưa kịp trả lời thì Nhạc Linh San lại nói tiếp:

- Theo lời gia phụ thì mười ba chiêu kiếm pháp phái Tung Sơn này tuy là những chiêu số rất cao minh, nhưng tiểu nữ e rằng mới ra một chiêu đã bị Tả sư bá hất tung trường kiếm đi rồi, muốn ra chiêu thứ hai cũng khó lắm thay.

Tả Lãnh Thiền lại hừ một tiếng chứ không nói gì.


Lúc Nhạc Linh San bắt đầu lên tiếng, giọng nói run run, không hiểu vì nàng sau khi chiến đấu không đủ khí lực hay vì đứng đối diện với một nhân vật lừng danh võ lâm mà lòng nàng đâm ra khiếp đảm. Nhưng lúc này thanh âm nàng dần dần bình tĩnh lại.

Nàng nói tiếp:

- Gia phụ còn bảo: Tả sư bá là tay cao thủ đệ nhất phái Tung Sơn, đó là một điều đúng cả trăm phần trăm không còn nghi ngờ gì nữa nhưng vị tất Tả sư bá là tay cao thủ đệ nhất trong Ngũ nhạc kiếm phái. Dù Tả sư bá võ công cao cường đến đâu, điệt nữ cũng nghĩ rằng chưa chắc sư bá đã tinh thông được hết kiếm pháp cả năm phái.

Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:

- Gia phụ lại bảo điệt nữ: "Hai chữ tinh thông há phải chuyện dễ dàng như ta đây bất quá mới biết được một chút ngoài vỏ mà thôi. Nếu ngươi không tin thì rồi đây đem mấy môn sở học mèo què mới luyện được về kiếm pháp của phái Tung Sơn ra mà đón đỡ với nhân vật lừng danh thiên hạ về kiếm pháp phái Tung Sơn là Tả sư bá, nếu ngươi chỉ đỡ được mười ba chiêu là ta đã đủ khen ngươi là đứa con gái ngoan rồi".


Tả Lãnh Thiền thấy Nhạc Linh San bây giờ ăn nói có lễ độ tuy đã bớt giận nhưng vẫn chưa nguôi.

Hắn cười lạt nói:

- Nếu trong vòng mười ba chiêu mà ngươi đánh bại được Tả mỗ thì chắc Nhạc tiên sinh lại càng cưng hơn nữa.

Nhạc Linh San nói:

- Kiếm pháp của Tả sư bá đã đến trình độ xuất quỷ nhập thần xứng đáng là một bậc kỳ tài của phái Tung Sơn và là một ngôi sao sáng trong võ lâm. Còn tiểu điệt nữ trong mấy năm gần đây mới được gia phụ truyền cho hơn chục chiêu kiếm pháp của phái Tung Sơn thì khi nào dám mơ tưởng hão huyền như vậy? Có điều gia phụ bbo tiểu điệt nữ ráng mà đón đỡ lấy mười ba chiêu của Tả sư bá thì điệt nữ mong muốn đi xa hơn thế là đón tiếp mười ba chiêu mà mình đã học được. Hy vọng của điệt nữ chỉ có vậy còn chưa chắc đã được như nguyện. Dám đâu nghĩ đến chuyện đả bại Tả sư bá.

Tả Lãnh Thiền lẩm bẩm:

- Tả mỗ mà để cho mi đỡ nổi mười ba chiêu cũng đủ mất mặt với thiên hạ rồi.


Nghĩ vậy hắn dùng ba ngón tay trái cầm đầu mũi kiếm giơ lên rồi buông lỏng tay mặt ra. Thanh trường kiếm liền bật chuôi ra phía trước. Chuôi kiếm rung động không ngớt.

Tả Lãnh Thiền cất tiếng giục:

- Tiến chiêu đi!

Tả Lãnh Thiền đưa ra thủ pháp tuyệt xảo này khiến quần hùng có vẻ xôn xao. Vì tay trái xử kiếm không thuận tiện, thế mà đây hắn lại dùng ba ngón tay trái cầm đầu mũi kiếm, đưa chuôi ra để đối địch mới thật là kỳ. Bản lãnh này so với kiểm đấu tay không chống lại binh khí hãy còn khó khăn hơn nhiều.

Nên biết lấy đầu ngón tay cầm mũi kiếm thì trong khi giao đấu, thanh kiếm chỉ bị chấn động một chút cũng đủ làm cho mấy ngón tay cầm mũi kiếm bị thương rồi thì còn chiến đấu thế nào được.

Tả Lãnh Thiền phô trương thủ pháp này cố nhiên để tỏ ra khinh khi Nhạc Linh San là đứa con nít. Ðồng thời đây cũng là một cách để tiết bớt nỗi tức giận đầy ruột. Ngoài ra hắn còn có dụng ý dùng môn thần công kỳ lạ này để trấn áp quần hùng và giữ oai danh lẫm liệt.

Nhạc Linh San thấy cách cầm kiếm của Tả Lãnh Thiền như vậy, quả nhiên trong lòng có ý khiếp sợ, nàng tự hỏi:

- Ðây là môn võ công gì? Sao gia gia lại chưa dạy mình?

Thật ra oai danh của Tả Lãnh Thiền khét tiếng thiên hạ đã làm cho cô gái nhỏ tuổi vào hàng hậu bối nẩy lòng lo ngại.

Nhưng rồi nàng tự nhủ:

- Việc đã xảy ra đến thế này dù mình lo sợ cũng chẳng ích gì!


Nhạc Linh San tâm tính bối rối mà mắt vẫn đưa nhìn về phía bọn đệ tử phái Hằng Sơn vì nàng vẫn lo ngay ngáy về tính mạng của Lệnh Hồ Xung.

Lúc này quần đệ tử phái Hằng Sơn đang xúi xít bu quanh Lệnh Hồ Xung nhưng không ai bật tiếng khóc.

Nhạc Linh San hiểu ngay dù chàng có bị trọng thương cũng chưa nguy đến tính mạng, nên nàng cũng yên tâm được phần nào.

Nhạc Linh San cũng cầm thẳng thanh trường kiếm giơ cao quá đỉnh đầu, cúi khom lưng xuống.

Ðây là chiêu "Vạn Nhạc Triều Tôn", một chiêu kiếm chính tông của phái Tung Sơn để tỏ ý cung kính đối với người mình sắp giao thủ.

Quần đệ tử phái Tung Sơn thấy thế reo hò tỏ vẻ thỏa mãn.


Nguyên bọn đệ tử môn hạ phái Tung Sơn mỗi khi qua chiêu với bậc trưởng bối trong bản phái trước tiên phải thi triển chiêu thức này để tỏ ý kiến:

- Vãn bối không dám đối thủ với lão tiền bối, chỉ xin lão tiền bối chỉ giáo cho mà thôi.

Tả Lãnh Thiền cũng vừa lòng khẽ tự nhủ:

- Té ra con nhãi này cũng biết kính lễ bắt đầu bằng chiêu Vạn Nhạc Triều Tôn. Thị đã khôn ngoan như vậy âu là ta cũng vì thể lệ của bản phái mà không đối xử cạn tầu ráo máng với thị.


Nhạc Linh San trình bày chiêu "Vạn Nhạc Triều Tôn" rồi, đột nhiên kiếm quang lóe ra thành một luồng cầu vồng trắng bạc nhằm đâm vào Tả Lãnh Thiền.

Ðây cũng là một chiêu rất cao minh gồm những phần tinh túy của kiếm pháp Tung Sơn.

Dù Tả Lãnh Thiền đã không hiểu hết các chiêu số về kiếm pháp phái Tung Sơn như "Nội Bát lộ", "Ngoại Cửu lộ", Trương Ðoản thập lộ" và các lộ song đơn kiếm mà vẫn chưa từng thấy qua chiêu thức này nên hắn không khỏi chấn động tâm thần, tự hỏi:

- Chiêu thức này là chiêu số gì? Cả 17 đường trong kiếm pháp tuyệt diệu của phái Tung Sơn hiện nay tựa hồ không có chiêu thức nào sánh kịp mới thật là kỳ.


Tả Lãnh Thiền chẳng những là tôn sư của phái Tung Sơn, hắn còn là một tay đại gia võ học đương thời mà nay được thấy một chiêu thức kỳ tuyệt của bản phái dĩ nhiên hắn phải cố coi cho rõ.

Hắn thấy thế kiếm của Nhạc Linh San đâm tới nội lực chẳng lấy chi làm hùng mạnh thì lẩm bẩm:

- Kiểu này ta cứ để cho lưỡi kiếm đâm tới còn cách chừng bẩy tám tấc sẽ vung tay ra búng cũng đủ làm cho trường kiếm của đối phương phải bay đi, chẳng có chi đáng ngại.

Thế rồi hắn đứng yên để xem chiêu này còn có biến hóa gì quái lạ không.


Thế kiếm của Nhạc Linh San đâm tới ngực Tả Lãnh Thiền còn cách chừng một thước, bỗng nàng rụt trở lại rồi nghiêng mình xoay vòng thanh kiếm nhằm đâm vào vai bên trái hắn.

Kiếm chiêu này tựa hồ như "Thiên Cổ nhân long" trong kiếm pháp phái Tung Sơn. Nhưng chiêu "Thiên Cổ nhân long" có vẻ thanh thoát hơn mà kém về đường cổ kính. Nó lại hao hao giống chiêu "Ðiệp Thúy thù thanh" song chiêu "Ðiệp Thúy thù thanh" còn kém mau lẹ và hào hùng hơn. Nó lại hệt chiêu "Ngọc Tĩnh Thiên Tri" nhưng không oai nghiêm bằng.


Một cô gái trẻ tuổi như Nhạc Linh San mà sử dụng chiêu này càng thêm vẻ đoan trang diễm lệ.

Cặp mắt Tả Lãnh Thiền tinh nhuệ vô cùng. Hắn lại suốt đời rèn luyện kiếm pháp phái Tung Sơn thì đối với những chỗ tinh túy, tuyệt diệu của các kiếm chiêu dù cho là ngoắt nghéo phức tạp đến đâu hắn cũng chỉ trông qua là thuộc. Bây giờ hắn thấy Nhạc Linh San cho ra chiêu thức cao minh này hàm chứa nhiều chỗ sở trường của mấy chiêu kiếm tuyệt diệu trong Tung Sơn kiếm pháp. Hơn nữa dường như nó còn có thể bổ túc cho những chỗ sơ hở về tuyệt chiêu nên hắn vừa kinh dị vừa mừng rỡ như bắt được bửu bối từ trên trời rớt xuống, bàn tay hắn không khỏi nóng bỏng.
(Đọc nhiều truyện hay tại Kenhtruyen.hexat.com)
Ghét gian manh, Thiếu Phụ trổ tài

Tả Lãnh Thiền năm 24 tuổi đã học được mười lăm đường kiếm pháp của phái Tung Sơn. Sau đó 5 năm tức là thời hắn 29 tuổi hắn mới học thêm được một đường nữa. Còn đường thứ 17 thì sau khi sư phụ hắn qua đời hắn mới căn cứ vào kiếm phổ mà tự luyện lấy. Tóm lại Tả Lãnh Thiền đã phí bao nhiêu tâm cơ trong mấy chục năm trời để nghiên cứu Tung Sơn kiếm pháp, giữ phần tinh yếu, bỏ chỗ tầm thường để sửa chữa, mài dũa cho ra đường kiếm đến chỗ tận thiện, tận mỹ.

Tả Lãnh Thiền tuy không sáng tạo ra được chiêu nào mới nhưng cũng được coi là người có công đạo với kiếm pháp phái Tung Sơn và nhờ hắn mà kiếm pháp này trở nên lừng danh thiên hạ.

Nay Tả Lãnh Thiền thấy Nhạc Linh San thi triển Tung Sơn kiếm pháp bằng những chiêu số mà hắn chưa từng thấy, hơn nữa những chiêu nàng sử dụng so với bao nhiêu chiêu hiện hữu trong Tung Sơn kiếm pháp thì hiển nhiên tinh thâm và bao la hơn nhiều nên hắn không khỏi khen thầm cô gái nhỏ tuổi mà tài nghệ siêu quần. Hắn thấy Tung Sơn kiếm pháp của bản phái hắn có nhiều chỗ khác thường thì mừng rỡ khôn xiết, đứng ngẩn người mà theo dõi đường kiếm của nàng.

Giả tỷ đường kiếm này do một tay kình địch đại cao thủ như Nhậm Ngã Hành hay Lệnh Hồ Xung hoặc như Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng thì đương nhiên hắn phải dùng toàn lực để nghênh chiến. Dù bản lãnh hắn có cao thâm đến đâu cũng phải để hết tâm trí vào mà đối phó chứ làm gì có thời giờ rảnh rang để coi chiêu thức của đối phương một cách tường tận được.

May ở chỗ Nhạc Linh San võ công chưa vào hạng trác tuyệt, nội lực hãy còn thấp kém, chẳng có chi đáng sợ. Nếu gặp lúc cấp bách hắn chỉ cần phát huy nội lực để gạt thanh trường kiếm văng đi hoặc trệch sang một bên là xong.

Vì Tả Lãnh Thiền coi thường bản lãnh Nhạc Linh San nên chỉ dùng tinh thần để quan sát kiếm thế tung hoành, chiêu thức biến hóa của đối phương.

Bên này Nhạc Linh San trổ đường kiếm rất mau lẹ, chiêu nọ liên tiếp chiêu kia mà chiêu nào cũng cực kỳ đẹp mắt, kỳ ảo vô cùng.

Tả Lãnh Thiền tuy là hạng thông minh hết mực nhưng cũng chẳng tài nào nhớ hết được.

Quần hùng đứng theo dõi cuộc tỷ đấu giữa hai người không chớp mắt thì thấy thanh trường kiếm của Nhạc Linh San vùng vẫy như rồng uốn khúc, ánh kiếm mịt trời. Tuy nhiên, chiêu nào cũng còn cách người Tả Lãnh Thiền chừng một thước thì dừng lại, dường như trong lòng khiếp sợ nàng không dám phóng mạnh chiêu thức vào tận người hắn. Còn Tả Lãnh Thiền cứ đứng thộn mặt ra. Sắc mặt hắn thay đổi luôn luôn, lúc tỏ ra vui mừng phấn khởi, lúc lạu buồn thiu chán nản chẳng khác người mất trí.


Cuộc tỷ đấu kiểu này có thể nói là một chuyện chưa từng thấy trong võ lâm.

Quần hùng rất đỗi ngạc nhiên, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau như muốn hỏi:

- Cuộc tỷ kiếm như thế này là nghĩa làm sao?


Bọn đệ tử phái Tung Sơn hết thảy ngưng thần chú ý theo dõi cuộc đấu không lúc nào nhìn ra phía khác mà cũng không dám chớp mắt dường như chúng sợ bỏ qua nửa chiêu bán thức cũng là uổng phí.


Mấy chiêu kiếm pháp của phái Tung Sơn mà Nhạc Linh San xử dụng bữa nay thực ra nàng đã học được theo hình khắc trên vách núi hậu động ngọn núi sám hối. Những chiêu thức khắc trên vách đá tuy nội dung rất tinh thâm nhưng nó là tử vật thì dĩ nhiên không thể phát huy được những chỗ biến hóa kỳ diệu linh động như bản chất của nó.

Nhạc Linh San coi hình ảnh để mà luyện tập nên chiêu thức không khỏi có chỗ đẫn đờ. Thế mà một tay cao thủ như Tả Lãnh Thiền nhìn vào có thể hiểu được chiêu trước mở đường cho chiêu sau, chiêu nọ liên tiếp với chiêu kia, cả những chỗ biến hóa ảo diệu cũng ăn khớp với nhau. Hắn định coi cho tường tận rồi dùng bộ óc sáng suốt, tinh tế tự mình bổ túc lấy. Hắn càng coi càng nhận ra những thế này thật là rộng rãi bao la, không biết đâu là bờ bến.


Bọn đệ tử phái Tung Sơn tuy võ công kém cỏi, lịch duyệt chưa đủ cũng nhận ra được những chỗ biến chuyển kỳ lạ về những chiêu này.

Nguyên Tung Sơn kiếm pháp khắc trên vách đá chỉ có mười ba chiêu mà Nhạc Linh San đã nói trước. Từ chiêu thứ mười bốn nàng phải bắt đầu trở lại những chiêu cũ.

Tả Lãnh Thiền vừa đón đỡ cầm chừng vừa theo dõi những chiêu kiếm của Nhạc Linh San hồi lâu rồi tự hỏi:

- Bây giờ ta có hai đường ta phải chọn lấy một. Một là tiếp tục coi thị thi triển kiếm chiêu hai là hất văng thanh kiếm của thị đi. Cả hai đều tùy ở nơi ta. Nếu coi nữa thì kiếm chiêu của thị có cao thâm cũng chẳng làm gì được ta bằng muốn hất văng cây kiếm của thị thì ta chỉ cần cất tay một cái là xong. Nhưng việc khó là ta nên chọn đường nào.

Hắn rất đỗi băn khoăn vì những đường kiếm vi diệu này mà bỏ qua thì sau này khó lòng tìm thấy được. Có lúc hắn nẩy ra ý nghĩ muốn giết chết Nhạc Linh San nhưng rồi lại tự nhủ:

- Nếu con nha đầu này chết đi hay bị trọng thương thì kiếm đâu ra những đường kiếm kia, chẳng lẽ lại van Nhạc Bất Quần truyền thụ cho? Bằng để thị tiếp tục diễu võ dương oai thì ra Tả Lãnh Thiền không làm gì nổi một con nhỏ chưa ráo máu đầu môn hạ phái Hoa Sơn ư? Thế thì còn mặt mũi gì nữa? Hỡi ơi! Biết làm thế nào bây giờ? Không chừng thị đã sử hết mười ba chiêu rồi!


Nghĩ tới số mười ba chiêu ý định làm lãnh tụ võ lâm của hắn lại nổi bùng lên, dẹp bỏ luôn ý muốn nghiên cứu võ học.

Tả Lãnh Thiền ấn mạnh ba ngón tay một cái, thanh trường kiếm của hắn bật dựng lên. Bỗng nghe đánh keng một tiếng, tiếp theo là những tiếng rắc rắc. Hai thanh kiếm đụng nhau. Lưỡi kiếm của Nhạc Linh San bị gẫy tan thành từng mảnh rơi xuống đất. Tay nàng chỉ còn cái chuôi kiếm.


Nhạc Linh San tung mình nhảy lùi lại phía sau mấy trượng rồi cất giọng sang sảng tiếng vàng hỏi:

- Tả sư bá! Ðiệt nữ đã sử bao nhiêu chiêu kiếm pháp của phái Tung Sơn ở trước mặt lão nhân gia rồi?

Tả Lãnh Thiền lim dim cặp mắt dường như để nhẩm đếm rồi mở mắt ra đáp:

- Ngươi đã thi triển mười ba chiêu rồi! Giỏi lắm! Không phải tầm thường đâu.

Nhạc Linh San khom lưng thi lễ nói:

- Ða tạ sư bá đã nhẹ đòn cho điệt nữ sủ dựng hết mười ba chiêu Tung Sơn kiếm pháp dù là mang tiếng đánh trống qua cửa nhà sấm.


Quần hùng thấy Tả Lãnh Thiền sử dụng môn tuyệt thế thần công phát huy nội lực đánh gẫy vụn thanh trường kiếm của Nhạc Linh San đều thán phục vô cùng trầm trồ khen ngợi.

Nhạc Linh San ra tỷ đấu đã nói trước mặt Tả Lãnh Thiền là đón tiếp mười ba chiêu Tung Sơn kiếm pháp, mọi người đều nghĩ thầm:

- Cô này có giỏi bất quá đỡ được ba chiêu đã là khó. Quyết chẳng thể nào đón tiếp được mười ba chiêu.


Không ngờ Tả Lãnh Thiền thấy những chiêu lạ mắt của Nhạc Linh San lại ngơ ngẩn như người mất trí để nàng thi triển đến chiêu thứ mười bốn mới ra tay đối phó khiến ai nấy đều kinh ngạc. Thậm chí có kẻ nảy ra ý nghĩ sai lầm cho họ Tả cũng phường hiếu sắc nên thấy đối thủ là một thiếu phụ xinh đẹp lại xuân xanh hơ hớ mà phải điên đảo thần hồn.

Một lão già ở phái Tung Sơn bỗng bước ra lớn tiếng:

- Tả chưởng môn thần công cái thế, bản lãnh tuyệt luân lại phong độ cao nhã từ bi quảng đại hơn người. Còn đại tiểu thư họ Nhạc bất quá mới học lỏm được chút vỏ ngoài về kiếm pháp Tung Sơn mà thôi chẳng có chi đáng kể. Tuy nhiên thị dám múa rìu qua mắt thợ trước mặt một vị cao nhân trưởng bối thế mà Tả chưởng môn cũng để cho thị đến lúc hết đường xoay sở mới ra tay chế ngự. Xem thế thì đủ biết Tả chưởng môn đã đại lượng bao dung hàng tiểu nhân hậu bối. Mặt khác chúng ta càng rõ võ học cần ở chỗ tinh thâm chứ không cần ở học nhiều. Bất luận võ công của môn phái nào nếu luyện được đến chỗ tuyệt diệu của nó đều có thể xưng hùng tranh bá tự lập trong võ lâm.

Quần hùng nghe lão nói tớu đây đều gật đầu khen phải.


Nếu biết lão nói mấy câu này đã đánh trúng vào nhược điểm của mọi người và bữa nay những giang hồ hán tử tụ họp trên đỉnh núi Tung Sơn, trừ một số ít cao thủ đặc biệt còn toàn là những người chỉ luyện tập võ công bản phái ngoài ra không biết gì nữa. Họ thấy lão già nêu ra vấn đề võ học cần ở chỗ tinh thâm chứ không cần ở biết nhiều nên tán đồng ngay. Việc luyện võ được chỗ tinh thâm hay không thật mà khó trả lời còn chuyện biết nhiều đối với họ không thành vấn đề.

Lão già xem chừng thấy quần hùng có vẻ vừa lòng liền phấn khởi tinh thần cất tiếng dõng dạc hơn nói tiếp:

- Nhạc tiểu thư kia ỷ mình có chút thông minh lẻn vào chỗ đồng đạo các phái khác đang luyện kiếm với nhau để học lỏm lấy năm chiêu ba thức mà dám hợm mình tự xưng là tinh thông Ngũ nhạc kiếm phái. Thực ra võ công của các môn phái đều có sư phụ khổ công rèn luyện mới đi được đến chỗ tinh thâm. ấy là chưa kể đến những môn bí truyền ngay đệ tử bản phái còn chưa mấy người học được chứ đừng nói những kẻ đứng trong bóng tối để học trộm một vài môn thì có chi đáng kể?


Mọi người lại gật đầu bụng bảo dạ:

- Việc học lén võ công của phái khác là một điều tối kỵ trong võ lâm. Tội lỗi này nên trút lên đầu Nhạc Bất Quần mới phải.

Lão già lại nói tiếp:

- Nếu thấy người ta có mấy chiêu tuyệt diệu mình cố học lỏm rồi tự xưng là tinh thông võ thuật phái đó thì còn đâu là tuyệt kỹ trấn sơn, bí truyền nan giải nữa. Các vị thử nghĩ xem nếu trong võ lâm cứ người này định ăn cắp của người kia, kẻ này học lỏm của kẻ khác thì còn tra thể thống gì nữa. Chắc chắn võ lâm sẽ biến thành một mới loạn xà ngầu.

Mọi người nghe lão nói tới đây đều cười ầm cả lên.


Nhạc Linh San đã đả bại Mạc Ðại tiên sinh bằng kiếm pháp phái Hành Sơn, đánh ngã Lệnh Hồ Xung bằng kiếm pháp phái Hằng Sơn. Hai vụ này có thể nói là đối phương cố ý bao dung nàng nên bị thất bại. Nhưng vụ nàng dùng kiếm pháp phái Thái Sơn đả thương Ngọc Âm Tử và Ngọc Khánh Tử là sự thực hiển nhiên mọi người đều thấy rõ. Có điều lòng người đều không muốn cho bất cứ ai thông hiểu hết võ công các phái nên khi nghe lão già nói vậy đều đồng thanh phụ họa, chẳng riêng gì bọn đệ tử phái Tung Sơn.

Lão già thấy số đông đồng ý với mình lại càng đắc ý, nói lớn:

- Như lão phu vừa trình bày thì nhân vật đảm đương chức chưởng môn Ngũ nhạc phái không còn ai xứng đáng hơn được Tả chưởng môn. Vụ này còn chứng minh muốn luyện một môn võ học đến trình độ tối cao là một việc khó khăn vô cùng, trên đời ít người làm được. Còn những kẻ ăn nói càn rỡ, biết được dăm ba chiêu võ công của phái khác vỗ ngực tự khoe là hay là giỏi thì đâu có thể đứng vào hàng cao thủ võ lâm được.


Mấy câu này lão nói có ý chỉ trích Nhạc Bất Quần ra mặt.

Mấy chục tên đệ tử phái Tung Sơn lại reo hò ầm ỹ làm nhốn nháo cả lên.

Lão già kia lại lớn tiếng hỏi:

- Trong Ngũ nhạc kiếm phái, ai tự tin võ học mình có thể thắng được Tả chưởng môn thì bước ra mà trổ tài đi.

Lão hỏi luôn hai câu vẫn không thấy tiếng người đáp lại.

Kể ra lúc này chỉ có Ðào Cốc lục tiên tiện lên tiếng ba hoa phá rối nhưng vì Doanh Doanh đang chật vật cứu thương cho Lệnh Hồ Xung không rảnh để chỉ điểm cho họ.

Ðào Cốc lục tiên không có người mách nước chỉ ngơ ngác nhìn nhau không biết nói sao.

Lão già lại nói tiếp:

- Ðã không ai khiêu chiến với Tả chưởng môn tức là chúng vọng sở quy không còn ai phản đối nữa. Vậy xin mời Tả chưởng môn đứng ra gánh vác trọng nhiệm chưởng môn cho Ngũ nhạc phái.

Tả Lãnh Thiền làm bộ khiêm nhượng một lúc rồi nói:

- Trong Ngũ nhạc phái nhân tài đông đảo thiếu chi người xứng đáng. Tại hạ xét mình bất tài vô đức đâu dám lãnh trọng trách này.

Lão già kia lại nói:

- Chứng chưởng môn Ngũ nhạc phái tất phải do một vị cao nhân trưởng bối phụ trách. Nay toàn thể quần hùng đã không có điều dị nghị tức là đã đồng ý mời Tả chưởng môn ra gánh vác. Có như vậy thì quần đệ tử phái này mới được hưởng phúc và đồng đạo giang hồ mới đặng yên tâm. Vậy xin mời Tả chưởng môn chóng đăng đàn để hưởng ứng lòng ngưỡng vọng của mọi người.


Lão vừa dứt tiếng liền pháo nổ tứ phía, chuông trống vang lên cực kỳ nhộn nhịp. Không cần nói cũng hiểu đây là sự chuẩn bị từ trước của bọn đệ tử phái Tung Sơn.


Giữa lúc trống chiêng dậy đất, pháo nổ vang trời bọn đệ tử phái Tung Sơn cùng tân khách do Tả Lãnh Thiền mời đến dự lễ đồng thanh la hét:

- Mời Tả chưởng môn đăng đàn! Mời Tả chưởng môn đăng đàn.

Tả Lãnh Thiền khẽ nhún mình lướt nhẹ xuống Phong thiền đài.


Lúc này trời đã xế chiều, bóng tịch dương chiếu chênh chếch vào tấm áo hoàng bào của Tả Lãnh Thiền khiến cho mầu vàng càng thêm phần rực rỡ.

Bầu trời không chút vởn mây, cảnh vật sáng lạng huy hoàng.

Tả Lãnh Thiền đứng trên đài vòng tay vái khắp bốn phía rồi đứng ngay ngắn lại hướng về phía quần hào ở dưới đài, dõng dạc nói:

- Tại hạ rất lấy làm hân hạnh được các vị bằng hữu quá yêu giao cho trọng trách. Nếu tại hạ khước từ không chịu gánh vác chẳng hóa là chỉ biết mình mà không hết lòng với võ lâm đồng đạo.

Hắn vừa nói tới đây thì mấy trêm đệ tự phái Tung Sơn vỗ tay reo hò làm chấn động cả một vùng sơn cốc.

Tiếng reo hò vừa dứt, bỗng có thanh âm trong trẻo của một người phụ nữ cất lên:

- Tả sư bá mới đánh gẫy được thanh trường kiếm của tiểu điệt nữ mà đã tự coi là có thể đoạt chức chưởng môn Ngũ nhạc phái rồi chăng?

Người nói câu này chính là Nhạc Linh San.

Tả Lãnh Thiền đáp:

- Quần hùng hiện diện tại đây đều đồng ý việc tỷ võ đoạt soái ai thắng thì lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái. Giả tỷ Nhạc tiểu thư đánh bật được thanh trường kiếm ở trong tay ta thì quần hùng cũng vui lòng mời Nhạc tiểu thư lên đảm nhiệm chức này. Nhưng...

Nhạc Linh San ngắt lời:

- Tiểu điệt nữ làm gì có đủ bản lãnh thắng Tả sư bá. Nhưng trong Ngũ nhạc phái chẳng lẽ không còn ai đả bại được Tả sư bá hay sao?


Trong những người có bản lãnh cao cường ở Ngũ nhạc phái, Tả Lãnh Thiền chỉ úy kỵ có Lệnh Hồ Xung. Hiện giờ hắn thấy chàng đã bị trọng thương thì trong lòng khoan khoái tựa hồ cất được mối lo âu nặng trĩu.

Hắn nghe Nhạc Linh San nói vậy liền hỏi lại:

- Phải chăng Nhạc tiểu thư cho là lệnh tôn, lệnh đường hay là tôn phu có bản lãnh cao hơn lão phu?

Bọn đệ tử phái Tung Sơn liền cười ầm lên ra chiều chế diễu khinh khi.

Nhạc Linh San đáp:

- Trượng phu của điệt nữ vào hạng hậu bối, bản lãnh y chắc còn kém Tả sư bá, nhưng điệt nữ nghĩ rằng kiếm pháp của gia mẫu cũng có thể tương đương với Tả sư bá còn gia phụ nhất định võ công tinh thâm hơn Tả sư bá rất nhiều.


Bọn đệ tử phái Tung Sơn nổi lên hét om sòm.

Kẻ huýt sáo mồm người dậm mạnh chân xuống đất binh binh để phản đối.

Tả Lãnh Thiền quay sang ngó Nhạc Bất Quần hỏi:

- Nhạc tiên sinh! Lệnh ái ca ngợi võ công của tiên sinh, vậy tiên sinh tính sao?

Nhạc Bất Quần đáp:

- Tiểu điệt nữ hãy còn nhỏ tuổi, tính khí bồng bột ăn nói không biết giữ xin Tả huynh đừng để tâm. Võ công cùng kiếm pháp của tiểu đệ đem so với các vị cao nhân tiền bối như Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, Cái Bang bang chúa thì dĩ nhiên hãy còn kém xa.

Tả Lãnh Thiền không thấy Nhạc Bất Quần nhắc tới tên mình trước mặt mọi người liền biến sắc ra chiều tức giận vì hắn biết đối phương có ý tự coi mình võ công giỏi hơn hắn.

Tả Lãnh Thiền chưa kịp lên tiếng thì lão già phái Tung Sơn lúc trước hỏi ngay:

- Vậy võ công Nhạc tiên sinh so với Tả chưởng môn thế nào?

Nhạc Bất Quần đáp:

- Giữa Tả huynh và tại hạ tuy đã có mối giao tình về tinh thần lâu năm nhưng chỉ biết kiếm pháp hai phái Tung Sơn và Hoa Sơn ngày trước đều nổi tiếng trên chốn giang hồ. Võ công mỗi phái đều có chỗ độc đáo của nó. Mấy trăm năm nay giữa hai phái chưa từng có cuộc so tài cao thấp mà Hàn huynh hỏi tại hạ câu này thì thật khó mà giải thích cho rõ được.

Té ra từ nãy tới giờ lão già mấy lần đứng ra phát biểu ý kiến này vốn người họ Hàn. Cứ nghe giọng lưỡi và coi thái độ của lão cũng có thể đoán được địa vị lão ở phái Tung Sơn không phải là hạng hèn kém. Có điều ít người biết đến mà thôi.

Lão họ Hàn hỏi lại:

- Nghe giọng lưỡi Nhạc tiên sinh thì dường như tiên sinh tự cho mình có bản lãnh cao thâm hơn Tả chưởng môn thì phải.

Nhạc Bất Quần đáp:

- Ðức Khổng Tử đã nói: "Quân tử vô sở tranh, tất đã vã hô". Theo lời ngài thì đối với người quân tử không có chuyện tranh dành mà có thì cho ở chỗ thi bắn. Việc muốn nghiên cứu cho hiểu võ công cao hay thấp là tâm nguyện của mọi người. Xưa đã thế mà nay vẫn thế. Các bậc hiền giả còn không tránh khỏi điều đó thì dĩ nhiên tại hạ cũng muốn thỉnh giáo ở nơi Tả chưởng môn từ lâu. Song bữa nay là ngày kiến lập Ngũ nhạc phái mà tại hạ lại so gươm với Tả huynh thì tỏ ra mình cũng muốn tranh đoạt chức chưởng môn của Ngũ nhạc phái và sẽ gây nên những điều tai tiếng không hay.

Tả Lãnh Thiền nói ngay:

- Nhạc huynh mà thắng được thanh trường kiếm ở trong tay tiểu đệ thì lẽ dĩ nhiên chức chưởng môn Ngũ nhạc phái sẽ do Nhạc huynh đảm nhiệm.

Nhạc Bất Quần xua tay đáp:

- Dù cho võ công tiểu đệ có cao minh hơn Tả huynh nhưng về phần nhân phẩm chưa chắc đã hơn. Vả lại tuy tại hạ vạn nhất mà thắng được Tả huynh nhưng chưa chắc đã thắng nổi những cao nhân khác trong Ngũ nhạc phái.

Nhạc Bất Quần lựa lời rất khiêm tốn song câu nào cũng đón trước rào sau vè ngụ ý mình hơn Tả Lãnh Thiền về cả mọi mặt.

Tả Lãnh Thiền càng nghe càng thấy tức như vỡ mật nhưng không lộ ra ngoài mặt chỉ cất giọng lạnh lùng nói:

- Nhạc huynh lừng danh thiên hạ là Quân Tử kiếm, hai chữ quân tử ai cũng hiểu rồi, còn về kiếm thực hư ra sao tai nghe không bằng mắt thấy. Bữa nay nhân ngày tụ hội anh hùng bốn bể tiểu đệ mong Nhạc huynh phô trương những kiếm pháp cao siêu để quần anh hùng cùng thưởng thức và mở rộng tầm mắt.


Mọi người liền reo ầm lên:

- Lên đài tỷ đấu đi! Nếu chỉ biết nói miệng mà lại sợ sệt thì đâu phải là anh hùng hảo hán.

Mặc dầu bao nhiêu người làm rùm Nhạc Bất Quần vẫn thản nhiên hai tay chắp sau lưng, lẳng lặng không nói gì.

Khi Tả Lãnh Thiền mưu đồ cuộc hợp nhất Ngũ nhạc kiếm phái, hắn đã nhìn rõ võ công của những tay cao thủ bốn phái kia đến trình độ nào rồi. Hắn tự tin không một ai ăn đứt mình được mới đem hết tâm lực thúc đẩy công cuộc này cho được thành tựu. Nếu hắn tự lượng còn có người võ công cao thâm hơn mình thì sau khi hợp nhất Ngũ nhạc phái rồi, chức chưởng môn sẽ bị người khác phỗng mất, công mình há chẳng thành công cốc, làm cỗ sẵn cho người khác ăn?


Kiếm pháp Nhạc Bất Quần vào bậc cao minh, Tử hà thần công của lão cũng đã luyện đến một trình độ khá cao là những điều hắn biết rồi. Nhưng hôm ở chùa Thiếu Lâm, Nhạc Bất Quần tỷ đấu với Lệnh Hồ Xung hắn đã coi kỹ lại càng yên tâm vì biết chắc kiếm pháp của Nhạc Bất Quần dù tinh thâm cũng không phải là địch thủ của hắn.

Tả Lãnh Thiền lại thấy Nhạc Bất Quần vung cước đá Lệnh Hồ Xung mà chân phải lão bị gẫy vì sức chấn động của đối phương hắn càng hiểu rõ nội công của Nhạc Bất Quần cũng chỉ vào hạng tầm thường. Phàm người nội lực tinh thâm thì khi phát động đánh người dù chẳng đả thương được đối phương cũng quyết không để chính mình phải tổn thất.


Hiện giờ Tả Lãnh Thiền nghe cha con Nhạc Bất Quần buông lời khoác lác thì chỉ nghĩ thầm trong bụng:

- Bất quá lão ngấm ngầm học được vài tuyệt chiêu của Ngũ nhạc kiếm phái mà ngông cuồng tự đại. Giả tỷ lão cứ động thủ với ta rồi đột nhiên thi triển những tuyệt chiêu đó thì còn có thể khiến cho ta phải giật mình kinh hãi. Nhưng lão lại đi sai nước cờ cho con gái phô trương ra trước động thủ với ta. Bây giờ ta đã biết mà đề phòng thì lão còn làm được trò gì nữa?


Tả Lãnh Thiền lại thấy Nhạc Bất Quần thủy chung không muốn lên đài tỷ kiếm liền bụng bảo dạ:

- Thằng cha này rất nhiều mưu kế. Nếu trước mặt quần hùng mà ta không đánh cho hắn phải một phen liểng xiểng còn để hắn ngóc đầu dậy được ở trong Ngũ nhạc phái sẽ thành mối hậu họa cho mình.

Hắn nghĩ vậy liền nói:

- Nhạc huynh anh hùng thiên hạ đều đồng thanh mời Nhạc huynh lên đài để phô trương bản lãnh mà sao Nhạc huynh lại không nể lời yêu cầu của mọi người?

Nhạc Bất Quần đáp:

- Tả huynh đã dạy thế vậy tiểu đệ muốn tỏ lòng cung kính không gì bằng tuân lệnh.

Ðoạn lão uể oải bước từng bước một trèo những bậc đá chậm chạp tiến lên đài.

Quần hào thấy lại được coi chuyện náo nhiệt đều vỗ tay hoan hô.

Nhạc Bất Quần lên đài rồi chắp tay nói:

- Tả huynh! Hiện nay giữa Tả huynh và đệ đã là bạn đồng môn, đáng lý chúng ta không nên tỷ đấu kiếm pháp, ngặt vì chúng anh hùng đã muốn cho tiểu đệ phải lòi cái xấu ra nên tiểu đệ đành phải miễn cưỡng bối tiếp Tả huynh. Chúng ta chỉ tha thiết về chuyện chứng minh võ nghệ chứ không phải tỷ đấu để tranh thắng bại vậy tiểu đệ đề nghị cứ điểm tới mà thôi. Tả huynh nghĩ sao?

Tả Lãnh Thiền đáp:

- Tiểu đệ sẽ cẩn thận hết sức để khỏi đả thương Nhạc huynh.

Quần đệ tử phái Tung Sơn kêu rầm lên, mỗi người la một câu:

- Chưa đánh đã van vỉ xin tha thì rằng đừng đánh nữa là hơn.

- Nếu sợ thì riu ríu chịu thua rồi xuống đài đi. Bây giờ hãy còn kịp.

- Ðao kiếm không có mắt thì một khi động thủ ai bảo đảm giữ cho lão khỏi chết và khỏi bị thương được?

Nhạc Bất Quần tủm tỉm cười dõng dạc nói:

- Phải lắm! Ðao kiếm không có mắt đã động thủ thì khó mà tránh khỏi chuyện thương vong.


Ðoạn lão quay về phía quần đệ tử phái Hoa Sơn nói tiếp:

- Quần đệ tử phái Hoa Sơn chú ý! Ta cùng Tả sư huynh chỉ thiết tha võ nghệ, tuyệt không thù oán. Giả tỷ Tả sư huynh có lỡ tay giết ta hoặc đánh ta đến bị trọng thương thì đó chẳng qua là sự ngẫu nhiên không thể tránh được trong cuộc tỷ đấu. Vậy các ngươi không nên đem lòng thù hận sư bá, cũng không được gây chuyện rắc rối với các môn hạ phái Tung Sơn để làm tổn thương đến tình đồng môn trong Ngũ nhạc phái.

Bọn Nhạc Linh San đều lớn tiếng vâng dạ.

Tả Lãnh Thiền nghe Nhạc Bất Quần nói vậy cũng không khỏi ngạc nhiên đáp:

- Nhạc huynh thông hiểu nghĩa lớn coi tình bằng hữu đồng môn làm trọng thật là hay quá!

Nhạc Bất Quần mỉm cười nói:

- Việc hợp nhất Ngũ nhạc phái là một công cuộc lớn lao rất gian nan mới thành tựu. Nếu hai chúng ta luận kiếm đọ nghề mà để tổn thương hòa khí, gây nên cuộc phân tranh trong đồng môn Ngũ nhạc phái là phản bội với ý nghĩa cuộc hợp phái mà chúng ta vẫn theo đuổi.

Tả Lãnh Thiền nói:

- Ðúng thế!

Rồi hắn tự nhủ:

- Lão này đã sinh lòng khiếp nhược vậy ta nên thừa cơ chỉ cất tay một cái để kiềm chế lão cho xong. Những tay cao thủ dĩ tỷ võ nhiên nội lực và chiêu thức là điều quan trọng song cuộc thắng bại thường thường do khí thế nhất thời thịnh suy một lúc mà gây nên.

Tả Lãnh Thiền nghe thấy Nhạc Bất Quần tỏ ra khiếp nhược thì mừng thầm trong bụng.

Soạt một tiếng vang lên! Hắn đã rút trường kiếm ra khỏi vỏ.


Lúc rút trường kiếm Tả Lãnh Thiền đã cố ý để lưỡi kiếm đụng vào vỏ bật lên tiếng vang. Những người không hiểu đều lấy làm kinh hãi.

Quần đệ tử phái Tung Sơn lại lớn tiếng hoan hô.

Nhạc Bất Quần cởi cả kiếm lẫn vỏ ở sau lưng ra để xuống góc Phong thiền đài rồi mới từ từ rút kiếm ra.

Nguyên một cách rút kiếm giữa hai người đã thấy thanh thế và tư thức khác nhau xa và có thể chứng tỏ võ công ai cao ai thấp rồi. Không cần tỷ đấu cũng biết rõ.
Cuộc tỷ đấu giữa Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền

Tạm gác chuyện Nhạc Bất Quần lên đài rút kiếm chuẩn bị tỷ đấu với Tả Lãnh Thiền.


Nhắc lại Lệnh Hồ Xung bị thanh trường kiếm của Nhạc Linh San từ trên không rớt xuống xuyên vào bả vai chàng suốt từ sau lưng ra trước ngực. Thương thế dĩ nhiên cực kỳ trầm trọng.

Doanh Doanh trông thấy trong dạ bồn chồn như kẻ mất hồn, nàng không e dè đến chuyện dấu diếm hành tung của mình nữa liền nhảy xổ lại, rút thanh trường kiếm ở vai Lệnh Hồ Xung ra rồi ôm xốc chàng lên.

Quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn xúm xít bu quanh lại.

Nghi Hòa lấy bình thuốc bột Hùng đởm hồi sanh tán dốc hết vào miệng Lệnh Hồ Xung.

Lúc này Doanh Doanh đã điểm những huyệt đạo xung quanh vết thương để cầm máu.

Nghi Thanh cùng Trịnh Ngạc lấy Thiên Hương đoạn tục giao rịt vào vết thương.


Hùng đởm hồi sanh tán và Thiên Hương đoạn tục giao là hai thứ trị thương thánh dược của phái Hằng Sơn mà cũng là vật chí bảo trong võ lâm. Trừ những người nào bị tử thương chết ngay mới đành chịu, bằng còn sống thì lấy hai thứ thuốc này cho uống và bôi vào vết thương là lập tức công hiệu như thần. Tìm ra được những dược vật này đã là chuyện khó mà chế thanh thuốc càng khó hơn nữa. Nhưng dù là những thánh dược giá trị không biết đến đâu mà kể nhưng khi đối với chưởng môn nhân bị trọng thương thì quần đệ tử khi nào còm dám tiếc nữa.


Lệnh Hồ Xung tuy bị thương trầm trọng nhưng thần trí vẫn tỉnh táo. Chàng ngó thấy những nỗi hốt hoảng lo âu, bồn chồn cuống quít của Doanh Doanh và bọn đệ tử phái Hằng Sơn không khỏi ngại ngùng và trong lòng rất lấy làm ân hận tự nghĩ:

- Vì ta muốn làm cho Nhạc sư muội được vui lòng một chút mà để Doanh Doanh cùng các đệ tử phái Hằng Sơn phải một phen bở vía, chân tay luống cuống thật là tội nghiệp.

Chàng liền gượng cười ngập ngừng nói:

- Không hiểu sao tại hạ sơ ý... để thanh kiếm đâm vào người. Nhưng.. không hề gì đâu... Các vị bất tất... phải quan tâm cho lắm.

Doanh Doanh vội gạt đi:

- Thôi! Lệnh Hồ chưởng môn cần tĩnh dưỡng, không nên nói nhiều.

Tuy nàng cố ý nói lớn tiếng cho ra giọng hán tử nhưng dù sao thanh âm của đàn bà con gái cũng nhẹ nhàng yếu ớt, kém vẻ hùng hồn.


Bọn đệ tử phái Hằng Sơn liếc mắt nhìn thấy đại hán mặt mũi đen thui râu đâm tua tủa mà giọng nói lại nhỏ nhẹ thì không khỏi lấy làm kỳ.

Lệnh Hồ Xung lại lắp bắp:

- Tại hạ... Tại hạ muốn... coi... diễn biến trên đài.

Nghi Thanh liền dạ một tiếng.

Ðoạn cô kéo hai vị sư muội đứng ở phía trước Lệnh Hồ Xung che khuất thị tuyến của chàng sang một bên.

Lúc Nhạc Linh San đang tỷ kiếm với Tả Lãnh Thiền. Nhạc Linh San thi triển mười ba chiêu số trong Tung Sơn kiếm pháp xong rồi Tả Lãnh Thiền dùng nội lực đánh gẫy kiếm của Nhạc Linh San chàng trông rõ hết.

Bây giờ Tả Lãnh Thiền cùng Nhạc Bất Quần lên Phong thiền đài để chuẩn bị cuộc tỷ đấu chàng cũng nhìn thấy lơ mơ.

Hiện giờ Nhạc Bất Quần rút kiếm ra khỏi vỏ rồi xoay mình lại miệng tủm tỉm cười. Lão vẫn còn đứng cách xa Tả Lãnh Thiền chừng hai trượng.

Bầu không khí trong trường cực kỳ khẩn trương.

Quần hùng đều im lặng nín thở hồi hộp theo dõi biến diễn trên đài.

Trên đỉnh núi Tung Sơn có đến hàng mấy ngàn người tụ hội mà yên lặng như tờ.


Bỗng Lệnh Hồ Xung nghe văng vẳng có tiếng người tụng kinh rất nhỏ. Chàng lắng tai mới nghe rõ câu "Nam mô quan thế âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn". Giọng tụng niệm đầy vẻ nhiệt thành với một tấm lòng ước vọng khôn tả.

Chàng nghe thanh âm biết rõ đây là tiếng tụng niệm của Nghi Lâm sư muội liền nhớ tới trước đây đã có lần nàng cầu nguyện cho chàng thoát nạn ở ngoài thành Hành Sơn. Bây giờ chàng gặp tai nạn, nàng lại nhất tâm tụng niệm cầu cho chàng tai qua nạn khỏi, khiến lòng chàng xúc động vô cùng.

Lệnh Hồ Xung tuy không ngoảnh mặt nhìn Nghi Lâm nhưng cặp mắt chứa chan tình cảm, bộ mặt nhu mỳ thanh nhã của nàng cũng hiện ra trước mắt.

Lúc này Lệnh Hồ Xung tựa nửa lưng bên trái vào tấm thân mềm mại ấp áp của Doanh Doanh tai chàng nghe tiếng tụng kinh của Nghi Lâm vọng tới lòng chàng chợt nổi ra bao nỗi ân tình, chàng nhủ:

- Chẳng những Doanh Doanh mà cả Nghi Lâm tiểu sư muội đều coi tính mạng ta còn quan trọng hơn cả tính mạng của hai người. Dù ta có tan xương nát thịt cũng không thể báo đền tấm tình tha thiết của hai nàng trong muôn một.


Tả Lãnh Thiền thấy Nhạc Bất Quần tay phải cầm thanh trường kiếm đưa lên ngang trước ngực, tay trái lão giữ kiếm quyết tựa hồ người cầm bút viết chữ, liền nhận được ngay chiêu này kêu bằng "Thi kiếm hội hữu" của phái Hoa Sơn.


Mỗi khi thầy trò phái Hoa Sơn hoặc bạn đồng đạo trong môn phái muốn cùng nhau ra chiêu tỷ đấu thì đầu tiên là phải trình bày chiêu thức này để tỏ ý: văn nhân kết bạn bằng câu văn bài phú, còn võ nhân kết bạn thì lấy việc nghiên cứu võ nghệ làm tôn chỉ.


Nhạc Bất Quần lúc này trình bày chiêu "Thi kiếm hội hữu" cũng không ngoài mục đính nói lên :cuộc tỷ kiếm này chỉ để phân thắng bại chứ không phải là cuộc chiến đấu một mất một còn gây ra vì chuyện thù oán chi hết.

Tả Lãnh Thiền cũng mỉm cười đáp:

- Nhạc huynh bất tất phải khách sáo.

Hắn nghĩ thầm trong bụng:

- Thằng cha này mang ngoại hiệu là Quân Tử kiếm. Nhưng ta coi bộ lão chỉ là một kẻ ngụy quân tử thì đúng hơn. Bề ngoài lão tỏ ra không hề có ý cừu địch với ta song biết đâu trong bụng hắn chẳng chứa đầy dao găm hại người một cách ngấm ngầm.

Rồi hắn tự nhủ:

- Nhạc Bất Quần tỏ thái độ nhũn nhặn đối với ta có lẽ một là vì lão khiếp nhược sợ ta ra đòn quá nặng đánh tử thương lão, hai là kẻ kiêu binh lão muốn ta coi thường, không quan tâm gì mấy rồi nhân lúc bất ngờ lão thừa cơ hạ sát thủ khiến ta không kịp đề phòng. Âu là ta phải cẩn thận mới được.


Tả Lãnh Thiền gạt tay trái qua một bên còn tay phải cầm thanh trường kiếm đưa từ mé tả sang mé hữu. Ðây là chiêu "Khai môn kiến sơn" của phái Tung Sơn.

Hắn thi triển chiêu này đầu tiên là có ý thúc giục đối phương đã đánh thì đánh luôn đừng giả bộ giả dạng nữa. Ðồng thời chiêu thức này lại ngụ ý mạt sát Nhạc Bất Quần chỉ là hạng ngụy quân tử.

Nhạc Bất Quần làm gì không hiểu thâm ý của Tả Lãnh Thiền, lão hít mạnh một hơi chân khí phóng thẳng thanh trường kiếm về phía trước, nhưng mũi kiếm mới phóng ra nửa vời bỗng đưa ngược lên trên. Ðó là chiêu "Thanh sơn ẩn ẩn" của phái Hoa Sơn. Ðường kiếm chợt ẩn chợt hiện, biến ảo khôn lường.

Tả Lãnh Thiền liền xoay kiếm bổ từ trên xuống. Khí thế mãnh liệt vô cùng.


Một số đông trong đám quần hùng bật tiếng la:

- Ô hay!

Nguyên trong Tung Sơn kiếm pháp không có chiêu này. Tả Lãnh Thiền đã sử dụng bằng trường kiếm một chiêu thức trong quyền cước.

Chiêu này là "Ðộc Phách Hoa Sơn", một chiêu rất thông thường trong môn quyền cước. Ai đã học võ thuật đều nhận ra ngay.


Từ mấy trăm năm nay, Ngũ nhạc kiếm phái đã có mối giao tình mật thiết và ai nấy đều biết rõ phái Tung Sơn không có chiêu này. Còn những người biết chiêu "Ðộc Phách Hoa Sơn" cũng nên tránh cái danh hiệu Hoa Sơn chứ không dùng đến, hoặc muốn sử dụng cũng biến đổi một chút để giữ mối cảm tình với nhau.


Hiện giờ Tả Lãnh Thiền cố ý mượn chiêu quyền cước mà lại thi triển bằng thế kiếm để tấn công Nhạc Bất Quần thì hiển nhiên hắn có ý khinh người ra mặt để chọc giận đối phương.


Nên biết những tay cao thủ trong khi giao đấu với nhau cần nhất phải bình tĩnh sáng suốt. Bên nào nổi nóng hay hoang mang là rất dễ đi vào đường thất bại.

Quần hào dĩ nhiên đều hiểu chỗ dụng tâm của Tả Lãnh Thiền.


Kiếm pháp phái Tung Sơn sở trường ở chỗ khí thế mãnh liệt, chiêu "Ðộc Phách Hoa Sơn" tuy là một chiêu thức thông thường chẳng có chi kỳ lạ nhưng nó từ trên bổ xuống đánh "sầm" một tiếng tưởng chừng trời long núi bể. Thế là nó phát huy được chỗ sở trường của Tung Sơn kiếm pháp.


Nhạc Bất Quần nghiêng mình tránh khỏi, đồng thời lão thi triển chiêu "Cố Bách Sâm Sâm", phóng kiếm đâm xéo tới để phản kích.

Tả Lãnh Thiền thấy kiếm pháp của Nhạc Bất Quần rất nghiêm cẩn kín đáo không mong tranh thắng mà chỉ cầu giữ cho khỏi thất bại. Ðó là chiến lược trường kỳ giao đấu. Ðồng thời hai môn "Khai môn kiến sơn" và "Ðôc phách Hoa Sơn" của hắn đánh ra không làm được cho đối phương nổi giận, vẫn giữ nguyên thái độ lạnh lùng bình tĩnh thì biết rằng Nhạc Bất Quần không phải tay vừa liền bụng bảo dạ:

- Thằng cha này quả là tay ghê gớm. Nếu ta còn khinh thường thì e rằng thất bại về tay lão mất.

Nghĩ vậy hắn không dám thi triển những chiêu thức tầm bậy nữa. Hắn vung thanh trường kiếm đưa từ bên trái qua bên phải chém ngang một phát.

Ðây là chiêu Thiên Ngoại Ngọc Long, một chiêu thức chính tông của phái Tung Sơn kiếm pháp.


Quần đệ tử phái Tung Sơn đều được qua chiêu "Thiên Ngoại Ngọc Long" nhưng không một ai sử dụng được một cách hùng hồn mãnh liệt tựa ngựa chạy rồng bay.

Bỗng thấy thanh trường kiếm của Tả Lãnh Thiền vọt ra một luồng kiếm quang lướt trên không gian chỗ căng chỗ thẳng tựa hồ một sinh vật bay ra.


Những người đứng bàng quang không khỏi ngơ ngẩn xuất thần, số đông bật lên những tiếng hoan hô vang dội.


Quần hùng đến tham dự hội nghị phần nhiều là tân khách hoặc người phái khác từ khi lên núi Tung Sơn thấy quần đệ tử phái này lúc thì khua chuông đánh trống, lúc lại đốt pháo om sòm để tâng bốc Tả Lãnh Thiền. Nhất là cử động cùng lời nói của hắn được bọn chúng phụ họa một cách rất khả ố nên mọi người có ý tức mình.


Nhưng lần này bọn đệ tử Tung Sơn vỗ tay hoan hô mọi người cho là đích đáng hợp với ý nghĩ của mình. Chính họ cũng lên tiếng khen ngợi trầm trồ.

Bằng một cây kiếm chết mà Tả Lãnh Thiền thi triển chiêu Thiên Ngoại Ngọc Long đã biến hóa một vật vô tri thành con thần long hay con linh xà cực kỳ linh động nên ai cũng bội phục.


Những tay cao thủ nổi tiếng ở các phái Thái Sơn, Hành Sơn trước nay vẫn có ý không phục Tả Lãnh Thiền nhưng bây giờ thấy hắn sử chiêu Thiên Ngoại Ngọc Long cũng phải tự nhủ:

- May mà người tỷ đấu với Tả Lãnh Thiền ở trên Phong thiền đài là Nhạc Bất Quần chứ không phải ta. Giả tỷ ta gặp hắn trong chiêu này thì thật khó bề chống đỡ.

Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần tỷ đấu trên đài mỗi lúc một hào hứng. Cả hai người đều thi triển hết tài năng cùng những chỗ kỳ diệu trong kiếm pháp của bản phái để chống chọi.


Kiếm pháp phái Tung Sơn hùng hồn như thiên binh vạn mã chạy ầm ầm. Những chiêu thức sử dụng tựa hồ bằng gươm trường đao lớn, cát bụi mịt trời.

Kiếm pháp phái Hoa Sơn trái lại không sở trường ở chỗ hùng hồn mãnh liệt. Nó tuyệt diệu ở chỗ ung dung nhẹ nhàng như chim én bay lượn trên cành liễu giữa ngày xuân. Trường kiếm bay lượn dọc ngang nhẹ nhàng và lả lướt coi rất ngoạn mục.


Tuy nhiên Nhạc Bất Quần dần dần đi vào chỗ kém thế, còn Tả Lãnh Thiền mỗi lúc một chiếm được thượng phong. Trong mười chiêu có đến tám Nhạc Bất Quần phải giữ thế. Dường như lão hết sức né tránh chứ không đối chiêu trực tiếp để ráng kéo dài cuộc đấu. Hiển nhiên lão không thể đường đường chính chính đấu như bão táp với Tả Lãnh Thiền được nữa.


Từ khi mưu đồ cuộc hợp phái, Tả Lãnh Thiền đã tìm cách thu nạp những tay hảo thủ phái Hoa Sơn như bọn Thành Bất Ưu để phá rối. Mục đích của hắn một là khiến cho phái Hoa Sơn phải yếu đi. Hai là để nhận xét cho biết rõ võ công Nhạc Bất Quần đã đến trình độ nào?

Tả Lãnh Thiền đã hiểu rất nhiều về Nhạc Bất Quần. Ðó là kế hoạch "Biết mình biết người, đánh đây được đấy".

Phen này hắn tỷ kiếm với Nhạc Bất Quần, ngay từ lúc chưa lên đài hắn đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần là những bậc tôn sư về võ học một khi họ cùng nhau tỷ kiếm quả nhiên không thể lấy định lý thông thường mà phán đoán sự được thua được.

Tả Lãnh Thiền đã thi triển hết mười bảy đường Tung Sơn kiếm pháp để toan đè bẹp đối phương. Còn Nhạc Bất Quần sử dụng kiếm pháp có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng kiếm pháp phái Hoa Sơn cũng có chỗ sở trường của nó là chiêu thức kỳ ảo, biến hóa phức tạp.


Sau khi hai bên tỷ đấu gần trăm hiệp mà vẫn chưa phân được thắng thua. Tuy Tả Lãnh Thiền có vẻ chiếm được thượng phong những vẫn phải kéo dài cuộc đấu không sao hạ được Nhạc Bất Quần.


Hai bên lại đấu ngoài hai mươi chiêu nữa, đột nhiên Tả Lãnh Thiền rung thanh trường kiếm bên tay mặt phóng tới đồng thời tay trái phát ra một chưởng. Thế chưởng này chụp lấy cả ba mươi sáu yếu huyệt ở thượng bàn đối phương. Nó còn nguy hiểm ở chỗ nếu đối phương tính đường tránh chưởng thì lập tức bị chiêu kiếm đả thương.

Sắc mặt Nhạc Bất Quần bỗng tím bầm lại. Ðó là lão phát huy công phu Tử hà thần công. Ðồng thời lão cũng vung tay trái đánh ra một chưởng để nghinh địch. Hai chưởng đụng nhau bật lên tiếng sầm rùng rợn.

Nhạc Bất Quần lướt mình ra ngoài còn Tả Lãnh Thiền vẫn đứng nguyên một chỗ.

Bỗng Nhạc Bất Quần lớn tiếng hỏi:

- Ðây là cuộc tỷ kiếm sao Tả huynh lại phóng chưởng? Chưởng pháp này có đúng là võ công của phái Tung Sơn không?

Lệnh Hồ Xung thấy hai người đối chưởng bất giác bật tiếng la:

- Úi chao!

Lòng chàng rất xao xuyến, lo thay cho sư phụ vì chàng biết rõ Âm hàn chưởng của Tả Lãnh Thiền cực kỳ khủng khiếp. Cả những tay nội lực phi thường như bọn Nhậm Ngã Hành mà sau khi bị trúng chưởng Âm hàn của Tả Lãnh Thiền còn bị thương cực kỳ nguy hiểm, thậm chí bốn người biến thành những cây tuyết, huống chi nội lực Nhạc Bất Quần dù sao chàng cũng tin rằng còn kém họ Nhậm. Chàng đinh ninh lão chỉ tiếp mấy chưởng nữa là bị rét cóng, không tài nào chịu nổi.

Lệnh Hồ Xung còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe Tả Lãnh Thiền cười khẩy đáp:

- Nó là chưởng pháp do Tả mỗ sáng chế ra để sau này truyền thụ cho những phần tử ưu tú của Ngũ nhạc phái.

Nhạc Bất Quần cũng cười nói:

- À ra thế đấy! Nếu vậy tiểu đệ cần lãnh giáo thêm mấy chưởng nữa.

Tả Lãnh Thiền nghiến răng nói:

- Vậy càng hay!

Rồi bụng bảo dạ:

- Môn Tử hà thần công của phái Hoa Sơn quả nhiên không phải tầm thường! Thằng cha này tiếp Hàn băng thần chưởng của ta mà vẫn giữ được giọng nói bình tĩnh. Ta phải cho lão nếm thêm mấy chưởng xem lão có rét run không hay còn chịu đựng được?

Hắn liền vung trường kiếm đâm tới tấp vào Nhạc Bất Quần.

Nhạc Bất Quần múa tít trường kiếm đón đỡ. Hai bên vừa qua lại mấy chiêu kiếm nữa, lại nghe đánh sầm một tiếng. Hai chưởng đụng nhau.

Lần này Nhạc Bất Quần không bị lướt ra, lão còn lượn thanh trường kiếm thành đường cánh cung phạt ngang vào lưng Tả Lãnh Thiền.

Tả Lãnh Thiền dựng đứng thanh trường kiếm lên đón đỡ. Ðồng thời hắn vận nội lực vào tay trái phóng chưởng đáng xuống lưng Nhạc Bất Quần. Chưởng từ trên cao dáng xuống nên chưởng lực càng mạnh.

Nhạc Bất Quần xoay chưởng bên trái đỡ lấy đánh binh một tiếng. Ðỡ xong phát chưởng thứ ba. Nhạc Bất Quần bỗng lún thấp người xuống nhảy vọt ra ngoài.

Tả Lãnh Thiền đột nhiên lớn tiếng thóa mạ:

- Ðồ gian tặc! Quân mặt dầy! Sao không biết thẹn?

Tiếng la hét của hắn đầy vẻ phẫn nộ.


Mọi người thấy Nhạc Bất Quần hiển nhiên bị kém thế. Lúc lão nhẩy ra ngoài vòng chiến, chân bước hãy còn loạng choạng cơ hồ đứng không vững mà sao Tả Lãnh Thiền lại tỏ vẻ phẫn nộ cả tiếng thóa mạ như vậy? Quần hùng khônng sao hiểu được nguyên nhân.


Nguyên sau khi đối chưởng lần thứ ba, Tả Lãnh Thiền cảm thấy gan bàn tay bên trái nhức nhối khác thường. Lúc Nhạc Bất Quần nhẩy ra, hắn mới quay lại nhìn thì chưởng tâm bị thủng một lỗ nhỏ, có máu rướm ra. Hắn vừa kinh hãi vừa tức giận vì biết trong bàn tay Nhạc Bất Quần có dấu ngầm độc châm vết thủng lại rỉ máu đen thì tất mũi kim có thuốc độc. Hắn không ngờ Nhạc Bất Quần mang biệt hiệu "Quân Tử kiếm" mà lại hành động đê hèn.

Tả Lãnh Thiền hít mạnh một hơi chân khí rồi điểm huyệt để ngăn chặn máu độc khỏi chảy vào thân thể. Hắn tự nhủ:

- Tả Lãnh Thiền này là hạng người nào mà sợ mũi kim độc nhỏ mọn này? Có điều ta cần phải hạ lão cho mau không để trùng trình được nữa.

Hắn liền múa tít thanh trường kiếm tấn công đối phương ào ạt như gió táp mưa sa. Nhạc Bất Quần cũng vung trường kiếm phản kích bằng những chiêu thức mãnh liệt và hung dữ hơn trước nhiều.


Lúc này bóng dương đã xế về phía Tây, cảnh sắc mơ màng huyền ảo.

Hai người tỷ kiếm trên Phong thiền đài đi vào chỗ chiến đấu một mất một còn chứ không phải cuộc chứng nghiệm võ công cao thấp nữa. Ðó là một điều rõ rệt ai cũng nhận thấy.

Bây giờ Phương Chứng đại sư mới thở dài lên tiếng:

- Thiện tai! Thiện tai! Vì sao hắn lại thì đột nhiên biến thành hung dữ thế này?


Hai người lại đấu thêm mấy chục chiêu, Tả Lãnh Thiền thấy kiếm pháp của đối thủ vẫn nghiêm cẩn khó tìm được chỗ sơ hở đánh vào thì trong lòng nóng nẩy vô cùng. Hắn liền vận nội lực đến độ chót để quyết thắng còn Nhạc Bất Quần thì dường như chiêu thức có vẻ lúng túng đỡ gạt không kịp.


Ðột nhiên họ Nhạc cũng biết đổi thế kiếm. Lưỡi kiếm chợt hươi ra chợt thụt về, chiêu thức kỳ cục biến ảo không biết đến đâu mà lần.

Quần hùng thấy vậy rất đỗi ngạc nhiên. Có người khẽ hỏi:

- Kiếm pháp này là kiếm pháp gì vậy?

Những người nghe câu hỏi chỉ lắc đầu lia lịa, không biết là kiếm pháp gì mà trả lời.

Tả Lãnh Thiền bụng bảo dạ:

- Ta đã liệu trước đến lúc tối hậu thế nào lão cũng phải sử dụng đến môn pháp bảo này. Nhưng ta đã chuẩn bị rồi. Tịch tà kiếm pháp của lão đối với kẻ khác thì được chứ với Tả mỗ thì chẳng qua là múa rìu qua mắt thợ, đánh trống qua cửa nhà sấm mà thôi. Hết trò này ta sẽ cho lão biết tay.


Lệnh Hồ Xung ngồi tựa vào Doanh Doanh để theo dõi cuộc tỷ đấu trên Phong thiền đài, bỗng thấy Nhạc Bất Quần thi triển một thứ kiếm pháp vừa bay bướm vừa lạ mắt khác hẳn với kiếm pháp của phái Hoa Sơn thì trong lòng rất lấy làm kỳ.

Chỉ trong khoảnh khắc chàng lại thấy Tả Lãnh Thiền cũng phải thay đổi kiếm chiêu và sử dụng một thứ kiếm pháp giống sư phụ chàng như hệt, tưởng chừng hai người cùng xuất thân ở trong một môn phái.


Sau khi hai bên qua lại mấy chiêu nữa, chàng liền nhớ tới một bữa trước đây khi Tả Lãnh Thiền giao đấu với Nhậm Ngã Hành ở chùa Thiếu Lâm, hắn đã từng lấy chưởng làm kiếm và phóng ra những chiêu thức kỳ lạ. Lúc đó Hướng Vân Thiên bật tiếng la hoảng:"Tịch tà kiếm pháp". Chàng biết ngay Tả, Nhạc hai người đương đấu "Tịch tà kiếm pháp" nhưng không khỏi ngạc nhiên tự hỏi:

- Chẳng lẽ hai tay danh thủ cùng rèn luyện môn kiếm pháp này ư?


Diễn biết bất ngờ ở trước mắt khiến tâm thần Lệnh Hồ Xung cực kỳ bối rối chàng tự nhủ:

- Té ra ta bị trục xuất khỏi môn trường phái Hoa Sơn tuy danh là vì có mối tình tha thiết với Doanh Doanh cùng giao kết với bọn người Ma giáo nhưng thực ra còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn là vì sư phụ nghi ngờ cho ta nuốt chửng mất Tịch tà kiếm phổ mà ra. Bây giờ ta trông thấy rõ ràng hai người cùng sử dụng một thứ kiếm pháp. Ðường lối tiến thoái, công thủ giống nhau như đúc. Hai người phối hợp thành tấm lưới dầy đặc, không một chút sơ hở, khác nào là đôi sư huynh, sư đệ đồng môn đang nghiên cứu rèn luyện môn Tịch tà kiếm pháp.

Rồi chàng tự hỏi:

- Phải chăng sư phụ ta mới tìm được kiếm phổ và luyện thành cách đây chưa lâu? Nhưng tại sao Tả Lãnh Thiền cũng có kiếm phổ để mà luyện tập? Thôi phải rồi! Tả Lãnh Thiền lấy cắp kiếm phổ từ trước rồi sau sư phụ ta tìm cách đoạt lại được. Nếu vậy thì hỏng bét! Họ Tả rèn luyện từ trước tất nhiên tinh thâm hơn nhiều mà sư phụ ta luyện sau nhất định kém thế.


Quả nhiên diễn biến trên Phong thiền đài đã xẩy ra đúng như ý nghĩ của chàng. Tả Lãnh Thiền tấn công mỗi lúc một hung dữ còn Nhạc Bất Quần cứ phải lùi dần.


Nên biết Lệnh Hồ Xung có cặp mắt quan sát rất tinh tế những khía cạnh sơ hở về võ công người khác. Chàng đã nhận ra những chỗ sơ hở của sư phụ mỗi lúc một nhiều. Nhạc Bất Quần hiện đang lâm vào tình thế nguy ngập khiến lòng chàng cực kỳ xao xuyến.

Quần hùng theo dõi cuộc đấu thấy hai người thi triển một môn kiếm pháp kỳ lạ chưa từng có cũng đều lấy làm kinh ngạc.

Lúc này Tả Lãnh Thiền có vẻ nắm chắc phần thắng, bọn đệ tử phái Tung Sơn lập tức nổi tiếng reo hò trợ oai.

Tả Lãnh Thiền hy vọng chỉ trong giây lát là được đối phương thì trong lòng khấp khởi mừng thầm. Hắn phấn khởi tinh thần tấn công thật ráo riết.

Còn Nhạc Bất Quần đã lâm vào tình trạng chỉ còn thế thủ chứ không tấn công được nữa. Thủ kình của lão đã bạc nhược liền bị Tả Lãnh Thiền vung kiếm móc mạnh một cái. Tay kiếm Nhạc Bất Quần nắm không chắc, thanh kiếm bị tuột ra bay thẳng lên không.

Bọn đệ tử phái Tung Sơn lại hô vang như sấm dậy.


Trên Phong thiên đài lại xẩy diễn biến bất ngờ:

Nhạc Bất Quần tay không lún người xuống rồi nhảy vọt lên.

Ðồng thời lão thi triển những chiêu thủ pháp: cầm, nã, điểm, phóng tấn công một cách dữ dội vào họ Tả.

Thân hình lão ẩn hiện như ma quỷ lúc quanh lại đằng sau, lúc vòng ra phía trước, chợt mé tả, chợt qua bên hữu. Thủ pháp biến ảo kỳ dị không bút nào tả xiết.

Tả Lãnh Thiền giật mình kinh hãi la hoảng:

- Này!... Này...

Hắn vung kiếm lên đỡ những chiêu công kích của đối phương. Trong khi đó thanh kiếm của Nhạc Bất Quần từ trên không rớt xuống cắm ở trên đài mà không ai để ý.

Doanh Doanh bỗng hô lớn:

- Ðông Phương Bất Bại! Ðông Phương Bất Bại!...


Lệnh Hồ Xung cũng đã nhận ra Nhạc Bất Quần đang thi triển võ công của Ðông Phương Bất Bại đã dùng mũi kim thêu để đối chọi với bốn người ở Hắc Mộc Nhai bữa trước.

Tuy chàng bị trọng thương nhưng vì cảm xúc quá mạnh, quên cả đau dớn, tự mình đứng phắt dậy.

Bỗng một cánh tay mềm mại nhỏ bé đưa ra đỡ dưới nách chàng mà chàng cũng không hay biết. Cả cặp mắt dịu dàng ngó thẳng vào mặt chàng, chàng cũng chẳng nhìn thấy.


Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mấy ngàn người đều chăm chú theo dõi cuộc tỷ võ trên Phong thiền đài. Chỉ có cặp mắt của Nghi Lâm là thủy chung vẫn dán chặt vào Lệnh Hồ Xung ngoài ra nàng chẳng quan tâm đến chuyện chi hết.


Bất thình lình Tả Lãnh Thiền rú lên một tiếng thê thảm rất dài.

Còn Nhạc Bất Quần lại nhẩy vọt ra ngoài vòng chiến đứng ở góc Tây Nam cách chừng một thước. Thân hình lão lảo đảo không vững cơ hồ muốn té.


Tả Lãnh Thiền múa tít thanh trường kiếm mỗi lúc một mau lẹ. Chiêu này chưa dứt đã phóng tiếp chiêu kia. Hiện giờ hắn hoàn toàn thi triển kiếm pháp phái Tung Sơn để vây bọc lấy những yếu huyệt trong người. Những chiêu kiếm pháp của hắn vừa tuyệt xảo vừa mãnh liệt. Chiêu nào kiếm phong cũng rít lên veo véo, khiến quần hùng đều phải trầm trồ khen ngợi.


Tuy nhiên nếu để ý nhìn kỹ thì họ Tả chí múa kiếm một mình chứ không phải để tấn công Nhạc Bất Quần. Tình trạng này khiến cho mọi người đều lấy làm kinh dị, chẳng hiểu ra sao.

Ai nấy tự hỏi:

- Tại sao lúc này những kiếm chiêu của Tả Lãnh Thiền toàn là thế thủ? Tại sao hắn không tiếp tục tấn công Nhạc Bất Quần?

Ðúng thế! Tả Lãnh Thiền múa kiếm coi rất linh hoạt như một người đang tự luyện kiếm pháp, tuyệt không có chiêu nào là để đối phó với đại địch.

Ðột nhiên Tả Lãnh Thiền vung kiếm phóng thẳng ra, nhưng tới nửa vời liền ngừng lại không đâm tới mà cũng không thu về. Hắn nghiêng đầu nghẹo cổ tựa hồ đang chú ý lắng tai nghe thanh âm kỳ lạ này đã phát ra.

Giữa lúc ấy nhiều người có cặp mắt sắc bén nhìn thấy ở hai khóe mắt Tả Lãnh Thiền có hai đường giây máu rất nhỏ chẩy qua bên má xuống thẳng dưới cằm.

Trong đám đông bỗng có tiếng hô:

- Y bị đui mắt rồi.

» Next trang 38

Doc truyen online mien phi moi nhat hay nhat - KenhTruyen.Hexat.Com

Copyright © 2018 KenhTruyen.Hexat.Com - All rights reserved.
Wapsite Đọc Truyện online được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.
Được phát triển bởi Trái Tim Băng™ và tất cả các thành viên.