pacman, rainbows, and roller s
Đọc truyện
Truyện Teen | Ngôn Tình | Xuyên Không | Tiểu Thuyết
Truyen teen - Thành phố không mặt người phần 2
7. Ngách vắng xôn xao

Truyên ngắn của Phan Thị Kim Thảo

Đây không phải một câu chuyện tình

1. Kẹp giữa hai ngôi nhà trong ngõ là cái ngách 27/4, chật hẹp chộn rộn. Ngách hẹp nhưng đủ rộng cho hai chiếc xe máy tránh nhau, vẫn may mắn hơn ngách phía dưới chỉ đủ ột chiếc xe máy luồn lách. Những ngôi nhà xếp sát nhau - những ô khối không đều, xộc xệch chen lấn, khoảng không ở giữa dồn ứ bởi hai bên nhà cửa, âm thanh cũng vì thế mà như đặc lại hơn. Mà kể cũng lạ, lủn mủn những mảnh đất nhỏ tý là thế vậy mà những ngôi nhà 3, 4 tầng mọc lên trồi ra che khuất khoảng trời phía trên. Thi thoảng có vài vệt nắng dài qua những khỏang trống tênh, hấp háy rơi tõm xuống ngách, tạo thành những vệt dài vàng rực đối ngược với mặt nền xi măng xám xịt của ngách.

Hương lần tìm chiếc điện thoại, lèm nhèm nhìn những con số trên màn hình phát sáng. 7 giờ kém. Nàng đứng dậy bước qua con em họ đang ngủ say với tay bật bật điện. Ánh đèn nhấp nháy một hồi rồi bật sáng. Căn phòng tầng một hiện ra. Hai chiếc xe máy và một chiếc xe đạp ngay cạnh nơi nàng ngủ. Bồn rửa và giá để bát đĩa ở ngay sát nhà vệ sinh. Ngó quanh quẩn tìm chiếc dép lê một hồi cũng lôi ra được một đôi dưới gầm xe, nàng đi vào phòng tắm. Đồng quần áo chất đầy ở cái bồn bốc một mùi hâm hẩm. Lọ kem đánh răng bẹp dí.

7 giờ 15, nàng mở cửa, chuẩn bị dắt xe máy ra ngoài.

Một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, mái tóc dày xù lên trong chiếc áo sơ mi rộng thùng tình đã cũ và chiếc quần kaki bạc màu đang loay hoay bên bếp than trước cửa nhà. Ông Hải, đối diện nhà nàng. Ngôi nhà một tầng, dúm dó giữa hai ngôi nhà cửa sắt thoáng đãng, những mảng tường vôi đã phai màu, tróc từng mảng. Bà Hải làm cấp dưỡng còn ông thì chỉ ở nhà lo giặt giũ cơm nước. Anh con trai ông làm nghề xe ôm, còn chị con dâu chạy chợ theo mùa,hè bán chè, mùa đông thì bán bánh khoai. Một gia đình ba thế hệ năm người sống trong căn nhà một tầng có gác xép.

Bà Hải vừa dắt xe đạp ra khỏi nhà vừa càu nhàu

- “Sao bây giờ ông mới đun nước?”. “

- “Con Hiên vừa nãy đun lại nồi cà kho”.

Bà làu bàu gì đó rồi đi. Ông bà Hải không ăn cùng vợ chồng con trai mà ăn riêng, một nhà hai mâm cơm. Có lần Hương nghe thấy, tiếng chị con dâu bảo “Giang, mang thịt kho sang cho ông bà.”. Và tiếng bà Hải đáp lại “Thôi, khỏi cần, mang về đi”. Bà Hải và cô con dâu không hợp nhau thì phải. Có lẽ vì chuyện chị con dâu chưa cưới đã mang thai khiến hai gia đình phải cưới vội vàng mà nghe đâu hồi ấy chị mới 17, không nghề nghiệp gì.

“Con biết xuân này mẹ chờ tin con…”

Hương giật bắn mình lên, vội rụt cổ. Lời nhạc ầm ầm như búa bổ vào tai vang lên. Nàng ngao ngán: Màn tra tấn lại quen thuộc lại bắt đầu, có nguồn gốc từ nhà ông Dũng, cách một nhà, “chí phèo” của cái ngách này. Cứ khi nào hứng lên là ông lại bật cái dàn loa hết công suất thả ra những âm thanh như búa dộng vào tai, những bài hát lẽ ra rất hay nhưng lại biến thành những dòng âm nằng nặng, tỏa ra khắp ngách một không khí ngập ngụa. Nghe đồn ông Dũng từng buôn thuốc phiện, đứa con trai đang ở trại cai nghiện. Mà cũng chẳng phải đồn. Hẳn là có phần sự thật, bởi nàng không thấy ông đi làm, chỉ thấy thi thoảng phóng con xe Airblade đen mới cóng đi đâu đó rồi về. Và cả cái tướng mạo nữa, trông đã sợ rồi. Nhìn cái dáng người săn chắc và toát ra một vẻ gì đó lành lạnh, độc ác, đôi mắt xếch lên trợn trừng, mái tóc húi cua đã bạc và cái giọng rè rè mỗi lần chửi đều tạo ra những tiếng nghe rợn người. Thế nên, dù ông có bật to đến mức nào thì cũng chẳng ai ở cái ngách này dám hé một câu nhắc nhở dù có bị âm thanh đập vào đầu đến tân 11 giờ đêm đi nữa. Nhưng nàng vẫn thấy ông cũng còn gọi là dễ ưa hơn bà vợ.

Vừa hì hụi dắt xe máy ra nàng vừa thầm nghĩ may mà thoát được cái thứ tra tấn ấy. Lách qua chiếc xe máy dựng ở ngôi nhà đầu ngách, Hương chầm chậm rẽ tay lái, đi ra ngõ. Khoảng không gian như rộng mở, ánh sáng rực rỡ. Ngõ đã bắt đầu một ngày mới, những hàng bún đậu, cháo lòng đã bắt đầu có khách, một vài người đi chợ đã về, tay cầm những chiếc túi bóng lỉnh kỉnh…

2. 3 giờ chiều, Hương đi học về, nhà chỉ có mình nàng, anh nàng đi làm tối mới về. Em họ thì vừa nhắn tin bảo nó cũng về muộn. Một bắp ngô luộc, chắc hồi trưa con em quên không đậy cẩn thận, chuột đã gặm nham nhở, lăn lóc ở rổ bát. Nàng mở nồi cơm điện, vét cơm nguội ăn với nước mắm. Đang trệu trạo nhai cơm, nàng nhăn mặt. Không phải vì nước mắm mặn mà là vì tiếng của bà Lập, vợ ông Dũng. Đó là người đàn bà to béo, núng nính mỡ, lúc nào cũng mặc bộ quần áo lụa đen, đôi mắt được săm lông mày xếch lên trông ti hí giữa khuôn mặt vuông ngân ngấn. Bà cất cao giọng nghe trịch thượng: “Cái loại nhà quê chúng mày tin làm sao được, toàn buôn gian bán lận, cân điêu. Tao biết thừa rối nhá, đừng có mà giở trò ở đây nhá. Đây, cân thử xem”. Câu “nhà quê chúng mày” có lẽ là cửa miệng của bà, nhưng nàng biết bà từ Thái Bình lên, thế mà…Có lần ở chợ, nàng đang lúi húi chọn cua, thì nghe thấy tiếng bà: “Cua bán bao đồng thế mày”. “7 nghìn một lạng, bà mua đi, hôm nay trời nóng nấu canh cua ăn át”. Nàng quay lại nhìn, bà Lập đứng đó, hai tay chắp sau lưng, đang ngó nhìn đám cua trông như thể có đống rác phía dưới vậy. Tiếng bà Lập rít lên “Đắt thế, chúng mày ăn cướp của thiên hạ à” rồi quày quả quay đi như thể làm một chuyện gì đó rảnh nợ.

Cuộc đối thoại giữa bà Lập và người đồng nát bị ngừng lại bởi tiếng ông Dũng cằn nhằn “Bà câm mẹ mồm đi. Nói đ. gì mà lắm thế”. Có lẽ ông ta vừa uống rượu xong nên giọng có vẻ lè nhè. Cái tiếng “Đồng nát đơiiii” xa dần. Mọi thứ lại quay trở về quỹ đạo bình thường.

Nàng bỏ phần cơm ăn dở gói vào túi nilon để vứt vào rác, rửa bát thì một người phụ nữ ngó vào

‘Em ơi chị thu tiền điện nhé” “Bao nhiêu chị ơi. Giá điện tăng đúng không chị “Ừm, nhà Nam, 357 nghìn, hóa đơn này”. Rồi vừa nhận tiền, chị vừa hạ giọng thì thầm “Nhà cái ông tên Dũng có cái bà vợ ghê thịt quá cơ, lần nào cũng thế, lúc nào cũng hạch hỏi vặn vẹo. Mà chị chỉ đi thu thôi chứ biết gì.”

Hương mỉm cười đáp lại, không nói gì. Cầm tờ hóa đơn điện, nàng vừa nhẩm tính thêm tiền nước rồi tiền mua mấy thứ lặt vặt. Thật đau đầu. Bỗng có tiếng người đàn ông oang oang “Mai nhá, bây giờ chưa có tiền”. Nhà ông Sơn sát vách với nhà nàng. Điệp khúc khất tiền. Hồi đầu nàng ngạc nhiên lắm, nhưng rồi cũng chẳng thấy lạ. Ông Sơn làm nghề xe ôm, sống trong căn nhà hai tầng bên trái nhà nàng. Tầng một có lần nàng nhìn qua chỉ chỏng chơ một cái bàn gỗ uống nước và vài chiếc ghế đẩu, bên trong chỉ thấy loáng thoáng chiếc xe máy dream đời cũ ngoẹo đầu ở đó. Em họ nàng thì kể: “Có lần em lên tầng hai, cũng chẳng có gì, có một cái ti vi nhỏ xíu và một chiếc giường, và chiếc bô hình như là dựng nước tiểu”. Thằng Tú, con trai ông, bỏ học từ năm lớp 7, làm nghề trông quán internet. Thi thoảng nó sang ngó nghiêng nói chuyện với ba anh em nàng. Có lần nàng bảo thằng Tú đọc cái bài báo thì nó cũng ngắc ngứ như kiểu đánh vần từng chữ.

Tiếng ông Dũng vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của nàng.

“Mẹ chúng mày, ngu bỏ xừ ra, đến tiền điện nước cũng không có. Bọn ngu suốt ngày cắm cúi mặt kiếm mấy xu lẻ. Phải dùng cái đầu, cái đầu ấy, như tao đây này, ở nhà mà vẫn đầy tiền. Kiếm tiền phải là loại có đầu có óc chứ không cái loại lao động chân tay suốt ngày chỉ cắm mặt xuống đất thì bao giờ chúng mày mới khá lên được”.

Ông vẫn hay chửi như thế, nói oang oang khắp cái ngách này, mỗi lần ông lại khơi ra chửi xoáy vào vấn đề của một nhà nào đó trong ngách.

Không ai nói gì, có lẽ vì đó là người đàn ông “không ai dám động đến”, và cũng bởi thói thờ ơ lãnh đạm vốn có đặc trưng của những ngôi nhà kề vách nơi Hà Nội này. Một nhà có chửi đánh nhau, thì cũng chẳng ai sang can huống hồ là một người đàn ông chửi đời chửi người thế này. Chỉ có khi nào những trận cãi nhau của một nhà nào đó đã lên tới đỉnh điểm, và cái nhà đó không thuộc dạng đầu gấu thì vài người kẻ cả mới ngó vào, theo cái bản tính tò mò và hiếu kỳ cùng những lời chêm vào cho xong chuyện.

Ở cái ngách này và có lẽ ở cái thành phố đất chật người đông, những người ở những ngôi nhà sát vách nhau thi thoảng lắm mới trao đổi dăm ba câu, những cuộc trò chuyện chớp nhoáng. Đó như là cái quy tắc : không liên quan đả động đến nhau - có lẽ ai cũng hiểu cả. Mà ba anh em nàng cũng thế, ở cái ngách này tính ra chắc khoảng 15, 16 nhà gì đó. Nhưng ba anh em nàng cũng chỉ biết mấy nhà xung quanh, khi mà những âm thanh trao đổi cứ vọng vào rõ mồn một. Thế nên thi thoảng vài ba bận, nàng lại bất đắc dĩ trở thành thính giả,nghe những chuyện cãi nhau đã thành chuyện thường kỳ, mỗi tuần lại hai ba bận ở cái ngách này. Và y như rằng, khi "bài phát biểu" của ông Dũng vừa tạm dừng 5 phút thì:

- “Mẹ nhà mày, tao đã làm hộc mặt từ sáng đến tối mà bây giờ chả có cơm mà ăn. Đm nhà mày, rúc ở chỗ nào mà có mỗi cái nồi cơm cũng đ. cắm”.

- “Anh tưởng mỗi mình anh đi làm à, cứ về nhà lại chửi bới vợ con”. Cuộc cãi vã giữa vợ chồng anh con trai bác Hải cứ thể theo đà tăng tiến. Rồi tiếng bát đũa loảng xoảng, tiếng can ngăn xen lẫn tiếng khóc mếu máo của trẻ con. Lại tiếng cãi nhau giữa ông Hải và đứa con trai. Những lời chì chiết, oán trách cái giai điệu lặp đi lặp lại ở gia đình nhỏ bé ấy lại vang lên, rè rè như một cuốn cat sét đã được định sẵn. Kết thúc là tiếng xe máy phóng đi, rồi một lúc sau, tiếng bà Hải vang lên

- “Con Hiên, chồng mày nói gì thì câm cái mồm vào. Đời thuở nhà ai lại cứ cãi sa sả lại. Mày biết tính nó còn gì”.

- “Nhưng con không chịu được, cứ hôm nào về nhà là cứ đay nghiến, con cũng phải đi làm chứ có chơi đâu. Về muộn một tý cơm chưa kịp nấu là lại chửi rồi đập vỡ lung tung.”.

- “Thì nó chửi kệ nó, nói lại làm gì. Tính nó nóng, nó có thèm nghe ai nói đâu. Đến tao còn sợ…”.

Những lời trao đổi thưa dần rồi im hẳn. Cái ngách hẹp lại cuộn mình trong yên ắng. Đã hơn 10 giờ, nhưng mắt nàng vẫn mở chong chong. Con em họ đang học bài dưới chiếc đèn bàn, ở tầng hai anh nàng đang nói chuyện bàn về đám cưới với chị Vân, chị dâu tương lai của nàng. Ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn bàn và tiếng trò chuyện làm nàng không ngủ được. Rồi, một mùi thối hoắc nồng nặc bốc lên. Cái mùi đã quá quen thuộc. Hồi đầu, em họ nàng và nàng tưởng là mùi từ nhà vệ sinh trong nhà .Nhưng sau đó, anh nàng mới nhăn mặt giải thích “Phân rồi nước tiểu đựng trong xô, toàn ông Sơn đêm xuống là đem ra đổ xuống cống. Ông ấy không xây nhà vệ sinh”. Có lần anh nàng sang nhà ông Sơn bảo hai nhà góp tiền làm một đường cống mới vì đường cống nhà nàng thông với nhà ông Sơn có lẽ đã nghẹn ứ, nên toàn bị tắc nhưng ông không đồng ý. Có lẽ vì chưa có tiền. May mà sau đó, ông Dũng đồng ý cho đường thoát cống với nhà nàng thông qua nhà ông. Nàng sợ ông Dũng nhưng cũng không ghét nhiều như vợ ông, bà Lập.Mà cái hôm làm đường thoát cống. Mấy nhà xung quanh thi thoảng ngó ra săm soi, không phải vì họ quan tâm mà vì họ sợ sẽ ảnh hưởng đến nhà họ. Họ chăm chú xem, chăm chú chỉ trích về mùi hôi, về rác rưởi, …

Em họ nàng đã tắt đèn. Bóng tối ập xuống, im lặng. Nàng bắt đầu rơi vào trạng thái mơ màng. Những ý nghĩ bắt đầu lộn xộn, nàng nghĩ hồi bố mẹ nàng mua căn nhà này cho anh nàng, về niềm háo hức khi đỗ đại học được lên ở nhà trên Hà Nội. Và khi cơn buồn ngủ đã chiến thắng, hình ảnh cuối cùng thoáng qua đầu nàng là sao ông Dũng xây nhà 5 tầng làm gì nhỉ, nhà chỉ có hai vợ chồng…rồi cái câu ông nói: “Ai tử tế với tao thì tao tử tế lại, còn nếu không thì liệu mà tránh”.

3. Tiếng rào rào ầm ập làm nàng thức dậy. Một ánh chớp lóe lên rồi âm thanh đì đùng rì rì . Chân nàng quệt qua chiếc đinh trồi lên ở tấm ván giường đau điếng.Vừa xuýt xoa chiếc chân đau, nàng vừa đứng dậy lần mò bật công tắc điện. Cơn mưa vẫn đang đổ ào ào, không dứt. Một lát sau, dòng nước tràn vào nhà lênh láng. Vội quơ đống sách vở và ôm nồi cơm điện để lên bậc cầu thang, nàng nhanh chóng lật chiếu và chăn màn. Vừa cùng con em họ dựng tấm ván giường lên thì thứ nước đùng đục đã ngập đến đến bắp chân. Những chiếc dép rồi chiếc ca nhựa trôi lênh bềnh. Rồi cơn mưa dai dẳng cũng dứt. Hai năm ở đây nàng đã quen với tình trạng lụt bất ngờ này, nền nhà nàng xây thấp hơn mặt ngách mà khu Hoàng Mai này cũng thuộc vùng trũng nên hay bị lụt . Ba anhh em nàng hì hụi dùng gáo đổ nước vào chậu để đổ ra ngoài, cống bắt đầu thông nên nước cũng rút nhanh theo đó. Sàn nhà chỉ còn nước lưng chừng không thể thoát do nền nhà thấp. Lại thay nhau dùng chổi nhựa, gàu để tát thứ nước ra ngoài. Có tiếng gọi “Nam ơi”. Anh nàng ngó ra chạy đi một lúc rồi quay lại “Ông Dũng ượn hai mảnh nhựa để gạt nước cho dễ”. Cuối cùng cũng xong, sàn nhà ướp nhẹp, những chất cặn bẩn lắng lại, chỉ còn phải lau nhà. Vừa rửa tay chuẩn bị đi chợ, Hương vừa thầm nghĩ may mà rút nhanh, nếu không thì hôm nay ba anh em lại túm tụm ở tầng hai.

Cầm mớ túi bóng nào rau nào đậu, thịt, bước vào nhà, nàng hỏi em họ đang vo gạo “Sao nhà ông Sơn đông người thế nhỉ”.

“Chị biết em trai ông Sơn không, cái ông hay đội mũ lưỡi trai ấy, bị bệnh viện trả về. Chắc là sắp chết rồi. Họ đang chuẩn bị lo hậu sự”.

Trí nhớ Hương hiện ra hình ảnh mà nàng thi thoảng gặp vài lần. Người đàn ông gầy nhom, khuôn mặt vàng bủng beo, lúc nào cũng đội một chiếc mũ xộc xệch và lúc nào cũng khật khưỡng, đù đù không biết vì dáng người hay là vì say rượu. Vợ ông bỏ đi theo trai, hai người con trai thì tự lớn rồi cùng nhau làm nghề khuân vác. Còn ông vẫn đều đặn sang nhà anh trai ăn cơm nhờ.Và rồi không qua khỏi ở tuổi trung niên vào một ngày mưa to ầm ầm. Có phải ông trời đã than khóc ột kiếp người từng vật vờ sống ở trên đời?

Tiếng người khóc hờ vang lên nghe buồn ẫn rờn rợn: “Em ơi, sao em bỏ đi thế nà”, “Anh ơi”…. Những tiếng kèn trống rền rĩ, tiếng người lao xao dặn dò, í ới gọi nhau. Hai chiếc bàn được đặt trước nhà ông Sơn, những chiếc ghế nhựa màu xanh, anh đèn vàng vọt, hai bức trướng được cắm qua loa.

Đã lâu cái ngách này mới có những âm thanh lao xao, ồn ã như thế. Phải, kể từ khi đứa con trai ông Dũng bị đưa vào trại cai nghiện. Rồi ông Hải bị đột quỵ. Những tiếng chửi người của ông Dũng thưa vắng dần. Gia đình ông Hải dường như cũng trầm lắng hơn, những âm thanh trao đổi trò chuyện nhẹ nhàng hơn, tiếng cáu gắt đập vỡ bát đũa dường như là một chuyện gì đó xa xưa.

10 h. Tiếng kèn trống đã dứt. Không gian lại yên ắng như nó vốn có. Nàng trở mình, nghĩ về cái chết, nỗi buồn, sự tù đọng, quanh quẩn ngày này qua ngày khác. Rồi nàng lại trở về với suy tưởng về cái lần đầu tiên lên Hà Nội. Hà Nội của nàng thời còn là con bé con được lên Hà Nội chơi, áp mặt vào cửa kính nhìn những đường nhựa rộng thênh thang, đông đúc, những con người đẹp đẽ. Hà Nội của những ngày xa xưa. Những cửa hàng rộng lớn thật đẹp, điều hòa mát lạnh, những đồ vật lung linh tỏa ra những ánh sáng diệu kỳ. Hà Nội của thời trẻ thơ trong bàn tay của cha mẹ, bình yên, không lo nghĩ. Hà Nội hiện tại của nàng bây giờ là những âm thanh ồn ã mà thấy buồn thiu, những điệp khúc tịch mịch, rêu phong. Những con người lay lắt sống, lay lắt buồn, lay lắt quẩn quanh trong cái ngách nhỏ hẹp này. Thi thoảng họ phá vỡ sự chật chội, bí bức nhàm chán bằng những tiếng cự cãi. Có lẽ họ cần những tiếng cãi nhau để cuộc sống được giải tỏa đôi chút. Rồi sau đó thì sao nữa, con cái họ, lại những mảnh đời tiếp nối chắp vá . Nàng tự hỏi thế như thằng Tú con ông Sơn học còn chưa hết lớp 7 thì sẽ như nào nhỉ và con bé Giang còi cháu ông Hải, có học tử tế không.?Rồi nàng lại tự hỏi liệu con của anh Nam khi ra đời còn ở cái ngách này?....

Hương chìm đi vào trong giấc ngủ. Những tiếng người, tiếng bước chân dần xa xôi, lãng đãng.

8. Chiếc xì-líp màu đỏ

Truyện ngắn của Phạm Trung Kiên

Một chiếc xì-líp nhỏ đã rơi xuống, trước ban công căn hộ của tôi. Chiếc xì líp có màu đỏ.

Hẳn là một cơn gió đã mang chiếc xì – líp từ đâu đó tới. Một buổi chiều đi làm về, tôi đã thấy nó ở đấy rồi.

Cái ban công nhỏ và hẹp, chính xác là 3,8 mét vuông. Bản vẽ được giao cho tôi lúc ký hợp đồng mua căn hộ này đã ghi rõ kích thước của nó là 1m x 3,8 m. Ban công được thiết kế nhô hẳn ra phía ngoài, mục đích hứng được nhiều nắng gió và khí trời. Tôi đã mua về những chậu cây cảnh cả nhỏ lẫn vừa, đặt vào đấy. Dăm ba loại sống đời, mấy giò phong lan, và một vài cây bonsai nhỏ nhỏ đã tạo thành một tiểu không gian sống động.

Hàng ngày, khi đi làm về, tôi cố giữ thói quen tưới cho chúng một vài ca nước vào chậu, rồi phun một ít nước lên lá bằng cái bình xịt nhỏ nhỏ mua ngoài siêu thị. Đôi khi, vào những buổi sáng cuối tuần, tôi sẽ tỉ mẩn nhặt đi những chiếc lá khô, lá già, hoặc một vài con sâu, hoặc mua thêm một ít đất về bón vào gốc…

Việc chăm sóc cái ban công tạo cho tôi những niềm vui nhỏ nhỏ, nhất là khi thấy những quả ớt cảnh vừa đậu, hay mấy cái nụ be bé thòi ra trên những mảng xanh xanh… Niềm vui đơn giản như khi biết mình đã vừa tạo thêm được một điều gì đó có ích ình. Mặc dù việc bắt buộc phải tưới cây hàng ngày thi thoảng gây cho tôi những phiền toái, nếu tôi về nhà khi quá muộn, khi mệt mỏi vì công việc, vì khách hàng, những lần đi công tác, hoặc thậm chí là say xỉn. Có vài lần, tôi bỏ quên cái ban công cả tuần liền, hậu quả là sau đó các cây cảnh héo quắt, và tôi lại phải thay bằng một loạt cây mới…

Trước Noel vừa rồi, tôi có mua về một chậu hoa trạng nguyên. Qua Tết thì những màu đỏ đã tàn, chỉ còn những chiếc lá xanh lục, to bản.

Vì thế mà buổi chiều về, nhìn thoáng ra ban công, tôi đã ngỡ là cây trạng nguyên lại nở một đợt hoa mới.

Nhưng lúc mang cái bình xịt ra để tưới cây, tôi mới nhận ra đó là một chiếc xi líp màu đỏ. Một thoáng ngại ngần xâm chiếm, trước khi tôi bối rối chạm tay vào nó, trong một cảm giác lén lút và vụng trộm, như một anh chàng mới lớn. Cho dù tôi biết chắc chắn rằng ko hề có ai đang theo dõi tôi…

Rồi tôi lẳng lặng mang nó vào nhà.

Nó còn khá mới, và tôi hình như còn thoáng cảm thấy cả mùi hương nước xả …

Chiếc xì – líp nhỏ nhỏ và xinh xinh, nhìn khá nữ tính. Dòng tên thương hiệu nổi tiếng thêu kín đáo phía sau. Những riềm đăng ten nhẹ nhàng, khơi gợi sự lãng mạn và cả những tò mò. Tôi cố hình dung ra chủ nhân của nó… Phỏng đoán chắc hẳn phải là một người con gái còn trẻ. Và người con gái này hẳn là có một vòng 3 cân đối, vừa phải. Nó gợi nhớ đến một vài vóc dáng mảnh mai yêu kiều đã từng đi qua tuổi trẻ của tôi…

Ở căn hộ tầng 9 này, đã lâu rồi không có phụ nữ đến, kể từ khi tôi chia tay cô người yêu thứ 4 của mình. Gia đình tôi còn ở dưới thị xã. Vài tháng tôi về thăm ba mẹ một lần. Ba mẹ già, cũng như những anh chị lớn của tôi, chưa từng ghé thăm căn hộ của tôi.
Nhưng chủ nhân thực sự của chiếc xi-líp này là ai? Một phụ nữ trung niên, một bà mẹ 2 con, 3 con, một cô gái mới lớn, một sinh viên, hay một nữ nhân viên văn phòng? Và nó đã rơi xuống ban công nhà tôi từ tầng nào? Tầng 10, tầng 11 hay tầng 12, hay một tầng nào khác.

Chung cư tôi ở là một 1 dãy 6 lô hiện đại. Dân cư đa phần trẻ, được cho là những người có thu nhập khá, đời sống ổn định. Lô nhà tôi 16 tầng, có 2 hướng mặt tiền với nhiều căn góc. Mỗi tầng lại có 8 căn. Tôi chắc chắn chủ nhân của chiếc xi-lip chỉ có thể là một người láng giềng trong tòa nhà. Nhưng không ai giúp tôi đảm bảo điều đó.

Tôi 29 tuổi, dọn đến đây sau hơn chục năm lăn lóc đủ các kiểu nhà trọ kể từ khi bắt đầu vào Đại học. Hiện tôi đang làm quản lý một nhóm thiết kế tại một văn phòng. Công việc không vất vả. Trừ những khi phải ra ngoài gặp khách hàng hoặc đến công trường, tôi thường ngồi một chỗ, hoặc loanh quanh trao đổi một vài thứ chuyên môn với đồng nghiệp. Buổi sáng, tôi đến văn phòng sớm. Và thường về nhà vào lúc xẩm tối, khi đèn tại những dãy hàng lang, lối vào, cầu thang cuốn, thang bộ và cái siêu thị nhỏ tầng dưới cùng đã mở sáng choang. Đôi khi, tôi ghé vào đó mua một vài thứ đồ cá nhân, giấy toa-lét, bột giặt hoặc kem đánh răng, mì gói, mấy chai nước suối, và một vài món đồ ăn nhanh nào đó… Tôi đã chán la cà nhậu nhẹt, gặp gỡ người nọ người kia sau mỗi chiều tan sở như hơn 1 năm trước đây. Tôi thu mình gọn ghẽ hơn, không lý do. Những mối quan hệ cũ của tôi, chúng đã rơi rụng dần đâu đó, hoặc họ quên tôi hoặc tôi quên họ. Những mối quan hệ mới thường nhanh chóng làm tôi chán nản.

Và tôi nhận ra mình chẳng quen ai trong tòa nhà, trừ vợ chồng người hàng xóm kế bên, cũng đóng cửa suốt ngày, họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp nhau, và chỉ cười chào nhau một cái rồi đi. Tôi thậm chí còn không thể tả lại gương mặt họ lúc này. Hơn 1 năm kể từ khi dọn đến đây, tôi chưa hề bắt chuyện, hỏi thăm hay làm quen với ai trong tòa nhà. Những láng giềng của tôi cũng vậy. Họ chưa từng hỏi thăm tôi. Ngoại trừ đôi lần tôi cười chào một vài người, hoặc một vài người nhận ra sự quen mặt của tôi, lẳng lặng cười chào, khi cùng đứng trong thang máy. Số đông còn lại nhìn tôi như một người lạ. Tôi cũng nhìn họ như vậy. Một đôi lần tôi đã tính bẹo má hay trêu chọc một đứa bé bụ bẫm trong thang, nhưng rồi lại ngại ngần vì sự lạnh lùng của những người lớn đi cùng.

Tôi ko có bất kỳ một khả năng nào để phỏng đoán chủ nhân của chiếc xì – líp, ngoài những phán đoán hết sức chủ quan và cảm tính.

Tôi ra hành lang, ngó lên tầng trên, ngó xuống tầng dưới, rồi ngó sang hành lang nhà hàng xóm bên phải. Tôi dự đoán hướng gió trong ngày. Gió đã bay theo hướng nào để mang chiếc xì – lip đến đây?

Tôi đặt chiếc xi líp lên sopha. Buổi tối online trong phòng ngủ, nhìn ra phòng ngoài. Dưới ánh đèn vàng, tôi thấy nó sáng lên rực rỡ trên nền ghế nâu xám. Đôi khi, tôi có cảm giác như thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi trong nhà mình, vừa ấm áp nhưng lại vừa lạ xa vô cùng...

***

Sáng hôm sau, tôi mang nó trả về chỗ cũ, trên chậu hoa trạng nguyên.

Tôi nghĩ, chủ nhân của nó ở một trong những căn hộ liền kề, khi ra lấy quần áo, sẽ nhận ra mình thiếu một thứ đồ, và hẳn là sẽ đi tìm. Sự mất mát cũng sẽ dễ được phát hiện, nhất là với một chiếc xi lip có màu đỏ. Và rất có thể họ sẽ ngó xuống ban công nhà tôi và thấy nó.

Nhưng bà ấy, cô ấy, chị ấy hay thậm chí là em ấy có đi tìm không? Và nếu họ có nhận ra chiếc xì líp đang mắc kẹt ở hành lang nhà tôi. Họ có tìm cách lấy lại hoặc xin lại?

Tôi chợt nhận ra, chẳng ai, dù vô duyên hay duyên dáng đến mấy, lại đi gõ cửa một nhà hàng xóm, để hỏi xem có ai đã thấy hoặc đã giữ chiếc xì líp của tôi, và đề nghị hãy cho tôi xin lại… Phụ nữ kín đáo có khi được hỏi còn ngại ngùng chối bỏ, ko dám nhận là của mình, cho dù là của chính mình thật.

Hoặc cũng có thể bà ấy, cô ấy, chị ấy hoặc em ấy đã không nhận ra mình đã mất đi một món đồ. Nhất là khi phụ nữ, trong xu hướng ngày càng mua sắm ình nhiều hơn những thứ đồ cá nhân, và 10 cô thì có đến 8 cô mê đồ lót. Họ, đôi khi mua đồ lót đẹp chỉ để làm thỏa mãn chính mình. Tôi đọc báo, và thấy trên mạng đưa tin về những cô gái trẻ trung, hiện đại có cả một tủ đồ lót hàng hiệu. Đồ lót như là một trong nhiều thứ tối quan trọng của cuộc đời họ, kể từ khi là một cô gái mới lớn cho đến khi trưởng thành và già đi thành những bà lão. Và với những phụ nữ như vậy, cũng có thể vì sở hữu quá nhiều, mà họ không hề nhận ra một chiếc xì líp đã vỗ cánh bay đi khỏi bộ sưu tập lúc nào.

Ngay như tôi, dù ko sở hữu nhiều, cũng chưa bao giờ thống kê và biết chính xác mình có bao nhiêu chiếc quần sịp, quần đùi. Hàng ngày, tôi sẽ lấy ra một chiếc bất kỳ từ ngăn tủ, xỏ hai chân vào nó sau khi tắm táp. Rồi hôm sau, tôi thay ra và ném nó vào máy giặt., cùng với nhiều thứ áo quần khác. Và một chiếc khác lại được mang ra...

Tôi không hề mảy may suy nghĩ, về sự gắn bó của những thứ đồ lót trên thân thể chính mình, về những điều vẫn làm hàng ngày theo thói quen...

Có những thứ đã mất, đã quên ở đâu đó, chắc gì tôi đã nhớ…

***

Và tôi vẫn tiếp tục nghĩ về chiếc xi líp màu đỏ khi đã đến sở làm…

Tại sao chỉ một chiếc xi líp đỏ, lại ám ảnh tôi hơn cả một cô gái bằng xương bằng thịt?

Tôi chỉ có 2 phương án, hoặc là tìm cách trả về cho chủ của nó, hoặc lẳng lặng cho vào thùng rác, vứt đi…

***

Tôi bắt đầu để ý tới những căn hộ xung quanh, và quyết định tìm cách trả chiếc xì líp về cho chủ nhân của nó.

Nhưng làm cách nào để một chàng trai như tôi, đưa trả lại chiếc xì líp một cách hợp lý nhất cho người láng giềng?

Tôi đi làm về sớm, leo thang bộ lên tất cả các tầng lầu phía trên căn hộ của tôi rồi đi xuống cả tầng kế phía dưới.

Tôi sẽ bí mật theo dõi một vài căn hộ nghi vấn. Và dự định tập trung chú ý vào những căn hộ có bóng dáng phụ nữ trẻ. Nếu phát hiện đúng “mục tiêu”, lựa thời cơ phù hợp, tôi sẽ tìm cách nhét chiếc xi – líp vào cửa, và lẳng lặng đi ra.

Tôi cũng sẽ sử dụng một vài cách để nắm được thông tin cụ thể về chủ nhân của mỗi ô cửa giống nhau và đánh những con số khác nhau này.

Nhưng căn hộ ngay phía trên đầu tôi là của vợ chồng một ông cụ bà về hưu. Đây là hai trong số những người già hiếm hoi ở chung cư này. Họ sống lặng lẽ, đơn giản, cần mẫn đi bộ thể dục, đi chợ, đi siêu thị, nấu ăn, trò chuyện với nhau, và đôi khi đón các cháu nhỏ ghé thăm vào cuối tuần.

Cạnh đó là sở hữu của một người trẻ, cũng độc thân. Anh ta làm kỹ sư dầu khí ở Vũng Tàu, mua căn hộ như là một thứ để dành, thỉnh thoảng mới lui về thành phố.

Căn hộ phía trên nữa là của một nhóm sinh viên ngoại tỉnh, đã ra trường và đi làm mấy năm, thuê chung ở đây. Căn hộ toàn con trai, bừa bộn và huyên náo bởi những nhạc nhẽo, bóng đá và chuyện phiếm. Họ đi vắng cả ngày, ồn ào trong khoảng chiều tối tắm giặt, rồi có khi buổi tối lại đi chơi, đi hò hẹn, hoặc làm gì đó bên ngoài. Có khi, tôi thấy họ làm huyên náo cả tầng hầm gửi xe máy.

Căn tầng trên nữa đóng cửa im ỉm…

Căn trên nữa của một bà mẹ tứ tuần và một anh con trai, nhưng anh con trai đang du học ở Nhật. Cả năm mới về 1 – 2 lần… Phía bên trái là một căn hộ, bên trong chỉ là phần xây thô và chưa có ai từng dọn đến.

Cạnh đó, phía bên phải là một đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Nhưng căn hộ này chỉ có 1 ban công, và ban công cũng như cửa sổ đều không mở sang hướng nhà tôi… Nó cách khá xa theo phương ngang. Tương tự vậy là một gia đình nhỏ có bố mẹ trẻ, hai cậu bé con cùng một chị giúp việc, cũng là hướng cửa ra phía đường lớn. Theo tính toán của tôi, chiếc xi líp không thể đi ra từ hướng này rồi bay một đường bay xiên đến gần 180 độ để có mặt ở ban công nhà tôi.

Và nhiều căn hộ khác đã bị loại tôi khỏi mục tiêu!

Tôi tập trung sự chú ý vào căn hộ đóng cửa. Căn hộ có khóa, nhưng không khóa kiểu im ỉm đóng lâu ngày. Cửa thiết kế chắc chắn, an toàn, chứng tỏ chủ nhân là người cẩn trọng. Từ ổ khóa nhỏ bên ngoài, đến nghe ngóng phía bên trong, tôi vẫn thấy toát ra dấu hiệu của sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi lọt ra một vài âm thanh, như là tiếng nhạc dìu dịu. Tôi nghĩ, trong căn hộ đó có ít nhất một phụ nữ trẻ đang sống.

Buổi chiều hôm sau, tôi quyết định hành động.

Tôi vo tròn cái xì líp đỏ, đút vào túi quần, thản nhiên như đi chơi, tôi tiếp tục đi lối cầu thang bộ để lên tầng 12.

Tôi đến trước cửa căn phòng, lẳng lặng treo chiếc xi líp vào tay nắm cửa, rồi lẳng lặng đi xuống lầu.

Không ai biết việc tôi vừa làm cho đến khi cánh cửa ra cầu thang khép lại.

Tôi về nhà, hối hận vì sự cẩu thả. Lẽ ra, tôi nên đóng gói chiếc xi-lip, hoặc cho vào túi, đặt ngay trước cửa, hoặc gửi cho họ đến địa chỉ căn hộ qua đường bưu điện. Đấy là lựa chọn lịch thiệp nhất.

Nhưng rồi tôi lại thấy không ổn. Nếu chủ nhân đang sinh sống cùng người yêu, hoặc chồng. Anh ta sẽ nghĩ sao nếu vợ / người tình của mình nhận được bưu phẩm là một chiếc xì líp cũ của chính cô ấy. Tôi đã hình dung ra một cuộc ghen tuông, cãi vã, thậm chí là đánh lộn có thể xảy ra.

Nhưng thôi, dù sao tôi cũng đã làm xong nhiệm vụ. Và tôi tạm quên đi cái xi líp đỏ trong 2 ngày.

Nhưng đến ngày thứ ba, lúc mở cửa ra hành lang, nhìn thấy chậu hoa trạng nguyên, tôi lại nhớ đến nó.

Có thể chủ nhân của nó đã mở cửa, đã thấy, và đã mang lại nó vào phòng.

Nhưng lòng tôi lại dấy lên một hồ nghi…

Tôi cần phải chắc chắn việc này.

Và thế là trước bữa tối, tôi lại lẳng lặng leo 3 tầng lầu, rẽ sang phải, hướng căn phòng có đánh số A12-4.

Tôi ngạc nhiên hay không ngạc nhiên, khi chiếc xi líp vẫn còn đó. Cửa vẫn đóng. Cũng không ai phát hiện ra nó và mang nó đi.

Tôi nhìn quanh, sợ ai đó phát hiện tôi đang ngập ngừng trước cửa phòng, với một chiếc xì – líp đỏ trước mặt.

Những nhà bên cạnh, đèn sáng phía trong còn hắt ra khe cửa, tôi nghe rõ tiếng nhạc phát ra từ ti vi. Tiếng thuyết minh của một kênh truyền hình, phát phim hoạt họa. Tiếng trẻ con cười ré lên sau mỗi tiếng nhạc.

Tôi gỡ chiếc xi líp khỏi tay nắm cửa, vo tròn vào trong tay, rồi thản nhiên đút vào túi quần, đi xuống nhà.

Lúc đi qua cửa thang máy, quen tay, tôi đã dừng lại, bấm số tầng lầu nhà tôi. Nhưng rồi tôi quyết định đi thang bộ. Lúc rảo nhanh ra cầu thang, tôi còn kịp thấy cửa thang máy đã mở ra, và nghe tiếng kính cong chào, rồi tiếng khép vội vàng của cửa tự động.

Buổi tối đã trùm dài lên hành lang chung cư, dẫn ra hành lang thang bộ. Tôi gần như cảm nhận rõ hơi thở của mình, và hình dung đôi mắt của chính mình sáng lên trong bóng tối. Cầu thang yên tĩnh đến nỗi tôi nghe rõ cả từng bước chân của tôi nện xuống từng bậc âm thầm, tạo thành những tiếng vọng khẽ khàng.

Ngoài ban công, thành phố rực rỡ đăng đèn. Những cao ốc xung quanh xếp dày như những hộp diêm, lấp lánh sáng trong từng ô cửa vuông vức. Những dãy phố lớn nhỏ đầy cây, đầy biển hiệu, đầy xe cộ qua lại. Con đường như trôi chảy bất biến dưới những vòm đèn cao áp. Những chiếc xe lầm lũi đi trong đêm, vọng những tiếng rì rầm lên khoảng không gian chỗ tôi ngồi...

Tôi lấy chiếc xì líp ra khỏi túi quần. Rồi lại đặt nó nhẹ nhàng lên ghế sô pha. Mỗi lần tôi đi qua, nó vẫn sáng lên rực rỡ như một dấu hỏi.

Sớm hôm sau, tôi lại mang nó ra ban công. Tôi nghĩ rất có thể có ai đó ngó xuống, nhìn thấy nó ở đó. Nếu là của họ, hẳn sẽ nghĩ ra một cách nào đó để lấy lại.

Tôi để nó ra chỗ sáng nhất, và dễ nhìn nhất.

Và nó vẫn ở đó khi buổi chiều, tôi về nhà…

Hôm sau, tôi quyết định đẩy nó ra xa ban công hơn.

Tôi lấy một cái que dài, khéo léo buộc cái xi líp lên đầu, rồi cắm nó vào chậu hoa cheo, hướng ra hẳn ngoài khoảng không, kiểu như người ta treo cờ khi có dịp lễ lạt nào đó. Thích thú như một đứa trẻ khám phá ra trò chơi của chính mình.

Tôi thoáng buồn cười khi thấy nó bay phất phơ. Giống chiếc cờ của một bù nhìn rơm người ta đặt ngoài ruộng lúa để đuổi chim mà tôi đã thấy ở quê nhà. Hẳn là làm như vậy, chủ nhân của nó sẽ dễ nhận ra nó hơn, khi một lúc nào đó tình cờ / cố tình ngó xuống.

Và nó vẫn ở đấy mỗi chiều tôi về.

Không một cơn gió nào khác đã đến mang nó đi.

Mỗi buổi tối, tôi cất nó vào nhà, để tránh sương, rồi sớm hôm sau lại mang cái “cờ” đó ra, cắm vào chỗ cũ.

Và tất cả dường như đã không chú ý đến một “vật thể lạ” trước ban công nhà tôi. Và hẳn nhiên ko ai quan tâm đến đời sống của tôi, trong căn hộ chung cư này… Cũng như tôi trước đây, đã chẳng bao giờ quan tâm đến những căn hộ khác, và cả những người láng giềng chung cư. Tôi chưa thấy họ, cũng như họ chưa từng thấy tôi…

Có bao nhiêu người đang sinh sống, di chuyển trong thành phố. Tôi mơ hồ nghĩ đến sự tồn tại, sự biến mất của một con người, rồi tưởng tượng ra sự vắng mặt của chính tôi, sự ra đi của những người xung quanh khỏi thế giới này.

Sự biến mất, với một người nào đó, đôi khi, nó cũng như một chiếc xi líp màu đỏ…

***

ôi bỏ chiếc xì lip vào trong túi nilon nhỏ rồi nhét vào cặp. Tôi định buổi sáng trước khi đi làm, sẽ mang xuống đưa cho người bảo vệ dưới cổng, nhờ trả lại cho chủ nhân của nó.

Chung cư thuê dịch vụ bảo vệ từ một công ty bên ngoài, những người bảo vệ thì dù thay đổi thường xuyên theo ca, nhưng nói chung khá lịch sự và ôn tồn. Ai cũng cười nhẹ khi tôi xuất hiện ở bậc thềm chung cư, mỗi sáng bước đi, mỗi chiều về nhà. Đôi tôi thấy họ giúp đỡ một vài người xách đồ, mở thang máy khi quên thẻ từ. Giao tiếp giữa tôi với họ chỉ là như thế.

Nhưng khác với mọi ngày, người bảo vệ hôm nay là một cô gái. Sự ngại ngần tiếp tục làm tôi do dự. Không lẽ tôi lại diễn giải sự việc về một chiếc xi líp với một cô gái. Và tôi nhận ra cho dù là với một anh chàng bảo vệ nào đó đi nữa, thì tôi cũng ko biết phải bắt đầu thế nào. Họ sẽ nghĩ gì khi tôi nói rằng đây là chiếc xì líp tôi đã giữ, và nhờ anh ta / cô ta dán thông báo lên bảng tin cho tất cả những người phụ nữ trong chung cư, hãy đến gặp tôi để nhận lại chiếc xi líp màu đỏ. Nghĩ đến đó, tôi tự dưng đỏ mặt. Ôi, điều ấy quả thật điên rồ!

Chiếc xì líp nằm đó, trên ghế sô – pha của tôi. Mỗi ngày, tôi vẫn như trò chuyện – những câu chuyện vô thanh – với nó. Đã một tuần trôi qua, tôi vẫn chưa biết phải làm gì …

Sài Gòn tháng 05/2011

9. Giấc mơ vượt đỉnh Mí Roòng

Truyện ngắn của Phạm Tử Văn

Sáng sớm, sương bạc phếch trên những ngọn cây. Mặt trời vẫn còn lặn ngụp sau đỉnh núi Mí Roòng nên chỉ một quầng sáng vồng lên trên đỉnh.

Ngày nào, Sim cũng dậy từ sớm, đeo ống bương(1) lên vai rồi đi ra suối lấy nước mang về dùng trong ngày. Chân chậm bước, vừa đi Sim vừa hít hà mùi hoa tò rí thoang thoảng quyện trong gió. Ống bương sau lưng cũng đùng đưa theo từng nhịp lên xuống.

Mười tám tuổi, Sim là cô gái đẹp nhất bản Ó. Đôi mắt long lanh tựa như mắt chim phí trên rừng, da trắng như hoa ban bên suối, giọng nói nhỏ nhẹ như tiếng nước róc rách ngoài khe. Không những thế, Sim lại rất khéo tay. Những chiếc váy với hoa văn lạ mắt, rực rỡ như hoa ban, hoa đào đều do tay Sim làm ra. Mỗi phiên chợ tình, Sim lại xúng xính váy xòe, nổi bật trong đám con gái.

Trai trong bản, đứa nào cũng muốn kết đôi với sim, đứa nào cũng muốn cầm tay Sim nhảy múa trong tiếng khèn dìu dặt. Nhưng Sim không chịu vì Sim không thích làm vợ trai bản mình. Sim muốn lấy con trai dưới xuôi. Sim muốn đi xa hơn, muốn biết nhiều hơn. Bản Ó bé quá, chỉ có cây cỏ là nhiều. Thành phố thì có đủ thứ: điện sáng lung linh, đường thênh thang rộng, lại có cả ô tô ù ù chạy giữa phố. Con trai bản chỉ biết cầm dao phát rẫy, cầm khèn đưa đẩy. Đứa nào cũng đen đúa và lấm láp không như con trai miền xuôi, đẹp như hiện thân của đấng Vàng Chứ(2).

Sim có ước muốn ấy từ khi trong nhà mình có cái ti vi. Ti vi nhỏ hơn ô cửa mà bao nhiêu người chui vào đó cũng lọt. Một đoàn người xuôi lố nhố trong đó mà không bị làm sao. Nhất là khi du lịch đưa người xuôi lên bản, Sim lại càng như mê mẩn khi thấy con trai thành phố. Đôi mắt đen nhay nháy của họ đẹp quá. Đêm đêm, đôi mắt ấy ám ảnh trong giấc mơ của Sim. Sim thấy tay mình nhẹ xoa lên khắp những mảng da trần trụi, trắng hồng bí ẩn. Toàn thân Sim như nóng ran, mê man và lịm dần đi trong tiếng ú ớ. Sáng tỉnh dậy, Sim ngồi ngẩn ngơ nghĩ rồi mặt đỏ phừng vì thẹn.

Mẹ sinh Sim được ba mùa rẫy thì bố ốm chết. Suốt bao năm, mẹ gắn bó với nương, với rẫy, oằn mình trong những gốc ngô, gốc sắn nuôi Sim khôn lớn. Mẹ chỉ muốn Sim lấy thằng A Lình gần nhà. Nhưng ước mơ của Sim lớn tựa như ngọn núi Mí Roòng, mà ước muốn và vòng tay của mẹ nhỏ quá không ôm trọn.

Bỗng phía trước có tiếng hát vọng lại. Từng tiếng buồn vợi len trong gió, lách qua làn sương. Sim dừng lại lắng nghe.

“Tao có ước mơ, tao có tình yêu, tao có cả ngọn núi Mí Roòng.

Tao yêu,

Ơ… tao yêu mày như con chim rừng yêu bầu trời gió lộng, như con suối yêu mạch nguồn. Như đất và cây yêu nhau tha thiết.

Ơ… tao yêu mày như thể tao yêu đôi chân, đôi tay, như tao yêu đôi mắt, con tim.

Sao mày cứ đi.

Đỉnh Mí Roòng cao chót vót, chẳng cản nổi chân mày…”.

Đúng tiếng thằng A Lình. Nó đang hát về tình yêu của nó với Sim. Sim đã quá quen với những câu hát ấy. Cái miệng hát lắm cũng chán, cái tai nghe lắm cũng nhàm. Sim không buồn, không nghĩ vẩn vơ. Nghĩ nhiều, cái mặt xấu lắm. Trai dưới xuôi lên, nhìn thấy không xinh lại bỏ về.

Sim đi lại gần chỗ A Lình đang ngồi tựa lưng vào gốc cây pơ-mu bên suối. Nó đang ngửa cổ nhìn lên trời. Viền mi nó long lanh nước. Sim nhẹ nhàng đến bên rồi đập mạnh tay lên vai A Lình. Giật mình, A Lình vội gạt hạt nước trên mi rồi quay lại.

- A Lình, mày khóc đấy à? Con trai mà khóc thì xấu lắm. Người ta thấy lại cười cho nhé.

- Tao không có khóc mà. Tại gió tạt hơi sương vào mắt đấy.

- Mày ngồi đây hát một mình, buồn thế, không khóc thì là gì chứ. Ơ, ống bương mày lại vất dưới đất thế kia, bố mày biết thì chết.

A Lình không nói, cúi mặt xuống đưa chân di di lớp lá ướt đẫm sương đêm dưới đất. Những ngón chân trầy trụa, lép nhép và đen sì.

A Lình hơn Sim hai tuổi. Gọi mày tao từ bé nên khi lớn vẫn gọi vậy cho thân. A Lình có mắt một mí, thân cao lớn, cơ bắp săn chắc cuồn cuộn. Đi nương, con gái trong bản thấy đều thẹn thùng, nhiều đứa còn hát đưa tình. Nhưng A Lình đều thờ ơ với họ. A Lình chỉ thích Sim thôi. Sim thì lại không muốn làm vợ A Lình. Tấm lưng A Lình không đủ lớn để cho ước mơ của Sim tựa vào. A Lình buồn nên chỉ biết gửi lòng vào những câu hát. A Lình biết, rồi một ngày Sim cũng bỏ bản Ó mà đi. Mấy năm gần đây, du lịch phát triển, người xuôi lên chơi nườm nượp. Những ánh mắt của nhiều đứa con trai nhìn Sim như xoắn tít, rõ ghét. A Lình chỉ muốn nhào lại, giáng cho nó một cú đấm. Nghĩ đến, tự nhiên A Lình lại ghét lây mấy cán bộ xã và bộ đội Thành - người đề xuất ý tưởng đưa du lịch về bản. Phải chi không có người xuôi, phải chi không có cái ti vi thì Sim chắc đã là vợ của A Lình. Những đứa con trai có thân chắc nịch như cha, những đứa con gái có khuôn mặt trắng hồng như mẹ đã ra đời. A Lình thổn thức nhưng nước mắt nhẹ bẫng, không đủ nặng để trào ra khóe mi. Nước mắt cũng không nhẹ như sương để mà đọng lại trên khóe mắt.

Tháng ba về, khắp núi rừng bừng trắng sắc hoa ban. Chợ tình đầu xuân lại mở. Từng đoàn người xuôi lại tấp nập kéo lên bản. Sim lại thức cả đêm để thêu cho xong cái váy. Những cuộn chỉ sặc sỡ đủ màu, mỏng tang như sợi tơ lăm lăm trong đôi tay khéo léo của Sim. Sim muốn mình thật nổi bật giữa đám đông. Biết đâu năm nay, Sim lọt vào đôi mắt của chàng trai nào đó dưới xuôi. Càng nghĩ, Sim càng thấy bồi hồi. Những thớ thịt lại ran ran, hai má bừng đỏ như căng ra.

Gần sáng, Sim cũng thêu xong. Bên ngoài, tiếng gà đã gáy lác đác. Gió lùa qua vách, Sim nghe râm ran hơi lạnh chạy dọc sống lưng.

Mặt trời vượt đỉnh Mí Roòng lên cao, Sim xốn xang xuống chợ.

Mùa ban năm trước, Sim đi với mẹ. Dọc đường đi, nhiều người xuôi trọ trẹ tiếng H’mông cất tiếng chào. Có người cầm những cái máy đen thùi lùi bấm tanh tách. Sim biết được đó là máy chụp ảnh. Ai cũng xì xồ chẳng nghe rõ tiếng. Nhưng hình như mọi người khen váy của Sim đẹp. Còn năm nay, mẹ chân đau nên Sim đi có một mình. Bước chân Sim như mang mang trên từng cánh ban rụng trắng đường. Bộ váy áo của Sim đủ màu, đẹp quá. Xanh, đỏ, vàng, đen rực rỡ trong rừng hoa ban trắng muốt. Dọc đường đi, ai nhìn cũng phải xuýt xoa. Đám con trai bản, lại láo liên con mắt nhìn. A Lình cũng đi theo nhưng ở phía sau cách Sim cả mấy con sào. Tay A Lình cầm cây khèn vàng cóng. Hội xuân năm nào, A Lình cũng mang khèn ra chợ để thổi. Không phải A Lình thổi tìm người yêu. Cả đời này, A Lình chỉ yêu có mỗi Sim thôi. Sim mà bỏ đi về xuôi lấy thằng người Kinh, chắc A Lình buồn mà chết mất. Tiếng khèn của A Lình nghe vui tai, người xuôi thấy lạ nên hỏi mượn rồi kề môi lên đó thử. Mỗi lần mượn, người ta lại trả cho A Lình những đồng bạc mới coóng. Có nhiều tiền, nhưng A Lình vẫn không vui. Như thể con ma rừng bắt mất hồn nên A Lình cứ thẫn thờ nhìn Sim nhảy múa.

Chợ tình tháng ba nô nức sắc màu. Trai gái bản Ó và các bản xung quanh cũng nườm nượp kéo đến. Tiếng hát, tiếng khèn, tiếng trống âm vang khắp núi đồi. Sim cũng đang tưng bừng múa hát. Năm nay, Sim như một đóa hoa rừng, đẹp mãnh liệt đầy sức sống. Trai bản thi nhau đòi cầm tay Sim. Sim cười giòn tan nhưng không nhận lời nhảy với riêng ai, nhảy chung với cả đám, vui hơn.

A Lình thì ngồi một chỗ. Buồn lòng nên A Lình chẳng muốn đưa khèn lên thổi, cũng không muốn nhếch cái môi hát như mọi khi. Năm nay, sao A Lình buồn quá. Trai bản đi ngang, vỗ vai giục A Lình cướp Sim về làm vợ. A Lình gượng gạo. Nụ cười héo hắt như lá sắn trên nương lâu ngày không có nước tưới.

Sim đã từng nói thẳng với A Lình: “Tao không muốn làm vợ mày đâu. Mày không đẹp như con trai dưới xuôi. Mày cũng không cho tao về xuôi sống được. Mày đừng bắt tao về làm vợ mày nhé. Bản Ó bé, vòng tay của mày cũng bé. Tao muốn vượt ngọn Mí Roòng về xuôi cơ”. Những lời ấy của Sim như xô nước lạnh tạt lên mặt A Lình. Buốt còn hơn cả dòng nước dưới suối trong tiết trời đông. Sim đã muốn như vậy, A Lình sao có thể ép Sim làm vợ được. Yêu Sim lắm nhưng không muốn thấy Sim khóc. A Lình sợ Sim đau mà héo rũ, tàn tạ như cánh ban rụng ngoài đường. Nghĩ đến A Lình lại muốn khóc. Con ma hình như lại chui vào rí rách trong bụng rồi, đau lắm.

Sim vừa nhảy vừa đánh mắt ra xung quanh để tìm kiếm. Những ánh mắt của con trai dưới xuôi vẫn đang dồn về phía Sim. Cái nhìn nửa như ngẩn ngơ, hoang dại nửa như rạo rực, cồn cào muốn thiêu cháy tất cả.

Sim để ý đến một khách miền xuôi con trai đang nheo nheo mắt cầm máy ảnh lia đi mọi hướng bấm tanh tách. Mọi người đã quá quen với những cái máy ấy như quen với hạt ngô, hạt thóc trong bồ. Sim tách khỏi vòng vây của trai bản đi ra một chỗ len lén nhìn. Thằng người xuôi có nước da trắng, mặt chữ điền, hai hàng râu quai nón được tỉa tót gọn gàng, mắt đen láy, sống mũi cao và đôi môi mọng đỏ như con gái. Nhìn cái dáng cường tráng nó trong điệu bộ khum khum chụp ảnh càng làm Sim thêm mê mẩn. Mải suy nghĩ cách tiếp cận, Sim không hay biết người đó đang hướng ống kính về phía mình.

Tách !

Sim giật mình nhìn lại. Thằng người xuôi cười híp mí chỉ tay vào cái máy ảnh đang cầm trên tay. Thoáng chút bối rối, Sim sượng sùng cười lại. Phút chốc, mặt Sim ran đỏ. Đỏ như màu váy đang đùng đưa những nếp gấp bên dưới. Chết rồi, Sim đã phải lòng nó, ngại quá đi thôi. Thằng khách rút tờ tiền năm mươi ngàn đưa cho Sim, Sim lắc đầu không nhận. Ngại lắm, Sim đang muốn làm quen nó, sao mà nhận được. Thằng khách gãi tai bối rối xin chụp Sim thêm mấy kiểu nữa. Thích quá đi chứ, Sim gật đầu đồng ý luôn. Mặt Sim vẫn chưa hết ran ran. Con tim hôm nay làm sao không biết, cứ đập thình thịch. Thằng khách còn nắm tay Sim múa hát. Giọng hát Sim cao ngất vòm trời.

A Lình nhức nhối đứng nhìn. Đám trai bản đang uống rượu hăng say, A Lình nhập hội.

A Lình muốn say, muốn hát và A Lình muốn quên đi tất cả. “Sim ơi, con trai miền xuôi có gì đặc biệt đâu chứ. Không lẽ con gái bản xinh đẹp, lớn lên cứ về xuôi làm vợ hết? Bản này, con trai đến tuổi, bắt vợ ở đâu? Mày là hoa rừng, mày bỏ rừng, bỏ bản mà đi sao Sim?”. Giọng A Lình như thống thiết.

Khuya, các đôi kéo nhau tản mát vào rừng, về nhà hay ra bìa suối. Còn Sim, mày đi đâu?

A Lình chạy bủa đi tìm. Cỏ cứa vào chân, máu tóe ra nhưng vẫn không thấy bóng Sim nơi nào.

Hôm sau Sim dẫn thằng khách mới quen hôm qua ở chợ tình về nhà chơi. A Lình nhìn thấy, buồn thắt, không cất được tiếng chào như mọi khi. Cả đêm, A Lình đứng ở đầu ngõ nhà Sim để đợi Sim về. Cả đêm phập phồng, cả đêm lo sợ giờ A Lình bải hoải như một con thú bị trọng thương, rệu rã, bơ phờ. Sim đi ngang qua, buông một câu nói nhẹ bẫng:

- Ơ A Lình, mày cũng mới về à? Chắc mệt rồi, mày về nghỉ đi.

Nói rồi Sim đưa thằng khách lên cầu thang. A Lình nhìn theo, ánh mắt điên dại. Sim có người mới, quên A Lình thật rồi.

Trên nhà, Sim hồ hởi khoe với mẹ về thằng khách người xuôi. Nó ba mươi hai tuổi, chưa vợ, đang làm cho công ty nước ngoài dưới thủ đô. Vì thành phố ngột ngạt quá nên nó muốn lên đây để thay đổi không khí ít ngày. Nó còn mua tặng ẹ Sim một tấm khăn bằng nhung màu đỏ thậm. Bàn tay cầm lên mát rượi. Mẹ Sim nhận lấy nhưng lòng sao nặng trĩu. Con gái tìm được người thương, mẹ phải vui chứ. Nhưng sao mẹ vui được khi nay mai, Sim theo nó xa bản Ó này rồi.

Thằng khách ở lại bản một tuần. Hôm thì nó theo chân Sim lên nương trồng sắn. Hôm thì Sim dẫn nó rong ruổi đi chơi khắp bản này sang bản khác. Nhà Sim chỉ có hai người phụ nữ, sợ mọi người dị nghị nên buổi tối thằng khách về lại nhà nghỉ dưới phố để ngủ. Sáng hôm sau, khi gà chưa gáy, nó đã lụt cụt đi lên tìm Sim. Mấy hôm đó, A Lình trốn biệt trong nhà không chịu ra ngoài làm việc. Bị bố réo rắt nhưng kệ, A Lình vẫn chảy thây nằm chình ình góc nhà.

Trước ngày về lại thành phố, thằng khách thưa chuyện với mẹ Sim. Nó muốn được cưới Sim làm vợ và đưa hai mẹ con về thành phố sống chung. Một vài ngày nữa, nó sẽ đưa bố mẹ lên để nói chuyện người lớn. Sim ngồi bên, lòng như thổn thức. Ước mơ như vỡ òa trong lồng ngực của Sim. Nhưng mẹ vẫn cứ buồn. Mẹ cười mà chẳng tươi chút nào. Nửa miệng, một vùng trời như khô héo.

Sau bữa tối, Sim xin phép mẹ đưa thằng khách xuống núi một đoạn. Trên đường đi, tay Sim nắm chặt tay nó không muốn rời. Sim không muốn thằng khách đi. Gần gũi có một tuần thôi mà sao thân thiết đến thế chứ. Nghĩ đến việc nó về lại thành phố, tim Sim như có ai găm đá vào. Nhưng nếu không cho nó về, sao bố mẹ nó lên xin cưới Sim được. Sim nén tiếng thở dài, tựa đầu vào vai thằng khách bước đi. Cả hai không hay biết có bóng người cũng đang chậm từng bước phía sau. A Lình như khờ khạo bước đi vô định.

Gì thế kia? Thằng khách đang cầm tay Sim kéo vào bụi cây ngoài bìa suối. A Lình nhanh chân theo ra, đứng núp ở một chỗ. Những tiếng thì thào theo dòng suối róc rách chảy miết đi. Con chim rừng có thức cũng không nghe được thằng người xuôi kia nói gì vào tai Sim. A Lình mãi đằng này, càng không nghe được. Nhưng A Lình thấy Sim khẽ gật đầu sau câu nói của thằng đó. Rồi nhanh như cắt, thằng người xuôi đẩy Sim nằm ra. Cả hai quyệt chặt vào nhau. Chân A Lình như muốn gục xuống. Thằng khách như con thú hoang đang đưa bàn tay ma quái sục sạo khắp người Sim. Sim thì như con thú non, run lẩy bẩy khẽ rên lên từng tiếng ư ử. Trăng hắt sáng qua tán cây rừng, hai khối thịt trơn nhớt, vàng đục đang bám víu lấy nhau. Những mảng thịt da trần truồng, gồ ghề nhấp nhô trên tảng đá. Trời ơi, thằng người xuôi, nó và Sim đang làm gì thế này? Con Sim ơi, sao mày lại giấu mẹ mày đi ra đây làm chuyện xấu thế này? Mày không sợ thần linh bắt tội mày hay sao?

A Lình chao đảo, đi giật lùi rồi chạy biến vào đêm. Cỏ dưới chân víu lại, A Lình ngã chúi đầu xuống đất, lộn đi mấy vòng mới dừng lại. Gượng bò dậy, A Lình hùng hục chạy tiếp. Rừng bao la, A Lình biết chạy đi đâu. Nước mắt giờ nhẹ bẫng, cứ xối xả chảy ở khóe mắt rơi vãi dọc đường. Thấm mệt, A Lình dừng lại. Ngửa cổ lên trời, A Lình tru lên từng tiếng hoang dại như bầy sói hú.

Hết mùa hoa ban nở, Sim không thấy thằng người xuôi kia đưa bố mẹ lên hỏi cưới như đã hứa. Xuống núi gọi điện, nhưng đầu dây chỉ có tiếng tò te tít. Thằng khách như con chim rừng, đã bay đi mất, không chịu trở lại cánh rừng già thật rồi.

Sim buồn cứ lùi lũi như cái bóng. Mẹ cũng buồn và héo hắt vì thương Sim. Ruộng lúa, ruộng ngô cỏ mọc chi chít cao quá nửa thân người nhưng chẳng ai buồn đi nhổ. Lòng mẹ, lòng Sim cỏ cũng đã mọc đầy. Nhưng bụng Sim không là cỏ. Bụng Sim ngày một to ra.

Đám trai bản giờ đây ác độc. Chúng đứng ngoài chọi những viên đá vào vách nhà. Gỗ mục ra, trống hoác. Mẹ phải chạy ra, lạy lục van xin chúng mới tạm để yên. Không ném đá, chúng lại ác miệng chĩa những câu hát cười cợt về phía nhà Sim:

“Ơ, hoa ban rụng trắng muốt lối đi

Đến mùa sau, hoa nở lại trắng ngần lưng núi

Tưởng mày là nàng Ban, tiết trinh chung thủy

Mày chỉ là hoa dại ven rừng, phụ đá khô cằn, ham đất mỡ màu.

Ham đất mỡ màu nên giờ hoa héo, lá khô.

Hoa thối mục, mùa sau chẳng thể xập xòe được nữa

Mày biến thành ma, lập lòe, lập lòe giữa núi”…

Sim nghe được, lẳng lặng lên nương ngồi ôm gối khóc bên cây lá ngón. A Lình đi tìm nhìn thấy, giật phắt lá ngón trong tay Sim vứt đi. A Lình dấm dẳng khóc:

- Sim ơi, mày đừng chết. Mày chết, tao không thiết sống nữa. Mày bụng mang dạ chửa, đừng nghĩ quẩn. Mày phải sống cho con mày sống. Con mày không có tội, mày đừng bắt nó chết, mày đừng bắt nó làm ma non.

- Nhưng làm sao tao sống nổi A Lình ơi. Tao ngu quá mà. Tao cứ nghĩ cái bụng nó tốt. Ai ngờ bụng nó còn xấu hơn cả con ma rừng. Lời nói nó ngọt ngào mà còn độc hơn cả lá ngón kia.

Sim òa khóc lớn hơn. Giọng khô khan, gẫy guộc.

A Lình về xin bố cho bắt Sim về làm vợ. Nhưng bố không cho, chỉ thẳng tay về phía nhà Sim nói lớn: “Cái ngữ mất nết, có chết tao cũng không chứa. Mày lấy nó, tao chết ày vừa lòng”. Thương bố, thương Sim, A Lình không biết phải làm sao. Lòng A Lình cứ rối bời bời mà không tìm ra nút gỡ. A Lình giờ cái mặt lì kinh.

Càng ngày, Sim càng như ngẩn ngơ, điên dại. Mẹ phải nhốt Sim vào phòng không cho ra ngoài. Mọi người kháo nhau, nhà Sim đang bị con ma rừng ám. Đã bảy tháng, bụng Sim to vượt mặt. Mẹ đã bỏ hẳn nương lúa cho A Lình trông nom giúp để ở nhà chăm Sim.

Tết đến, trong bản nhà ai cũng rộn ràng. Trẻ con tụ tập ngoài sân chơi tù lu(4), ném pao, đẩy gậy. Chỉ nhà Sim ai nấy như chết rồi. Mẹ Sim cũng chẳng buồn làm lễ cúng thần linh. Giao thừa chẳng ai buồn đi lấy nước mới và mời thần mó nước về nhà ăn Tết như mọi năm.

Đến gần ngày sinh, Sim bình thường trở lại. Phải rồi, Sim còn phải sinh con, nuôi con nữa. Cứ ngẩn ngơ mãi sao được. Mẹ già sẽ khuất núi, ai chăm con cho Sim được chứ.

Sim lục lại những bộ váy sặc sỡ trước đây ướm lên người. Màu vẫn còn tươi mới lắm. Sim xôn xao nhớ tiếng khèn của A Lình. Lâu rồi, sao không thấy A Lình thổi nữa?Tự nhiên, Sim sao da diết nhớ thế này? Những mùa xuân trước, Sim còn dập dìu trong tiếng khèn của A Lình. Xuân này, Sim như con ma xó trong nhà, thùi lụi, nhếch nhác. Sim thèm đi hát với đám con gái trong bản quá. Nhưng cái bụng thế này, ai cho hát cùng chứ. Sim thần người một hồi rồi khe khẽ cất lên tiếng hát. Giọng đặc sịt không ra hơi.

Hai ngày sau, Sim sinh một bé gái. Tiếng con bé khóc lảnh trong đêm, cả núi rền vang. Cả bản ai cũng thảng thốt giật mình.

Nhìn đứa con đỏ hỏn trong tay, Sim không nói. Mắt Sim sáng quắc, sắc lẹm như lưỡi dao, chực trào bao nỗi căm giận. Đồng tử giãn mạnh, Sim ép nước mắt tuôn ra bên khóe mi. Mẹ nhìn, A Lình cũng nhìn. Không ai hiểu Sim đang nghĩ gì trong bụng.

Rồi bỗng Sim mất tích một tuần sau đó. Có người nói Sim ra thị trấn bắt xe về thành phố. Sim ơi, mày biết đi đâu trong cái thành phố chỉ biết nuốt người ấy. Con mày còn đỏ hỏn trên tay, nó khát sữa, nó cần mày, sao mày lại bỏ đi?

A Lình nóng ruột cũng bỏ bản Ó hỏi đường về xuôi để tìm Sim. Suốt mấy mùa rẫy, cả A Lình và Sim không thấy ai về.

Căn nhà làm bằng gỗ, ngày qua ngày cứ ọp ẹp, kót két những tiếng nhớ mong. Hai bóng người một già, một trẻ quẩn quanh trong đó, cũng khắc khoải và chờ đợi từng ngày.

Ơ Mí Roòng, ngọn mày cao chót vót, sao chẳng thể giữ nổi chân người…?

Ơ Mí Roòng ơi...!

----------------------

(1) ống bương: ống làm bằng tre dùng để đựng nước.

(2) đấng Vàng Chứ: Chúa Giê-su

(3) Chơi tù lu: chơi đánh cù, một trò chơi dân gian

10. Người vỗ tay thuê

Truyện ngắn của Nguyễn khôi Nguyên


» Next trang 3

Doc truyen online mien phi moi nhat hay nhat - KenhTruyen.Hexat.Com

Copyright © 2018 KenhTruyen.Hexat.Com - All rights reserved.
Wapsite Đọc Truyện online được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.
Được phát triển bởi Trái Tim Băng™ và tất cả các thành viên.