Polly po-cket
Đọc truyện
Truyện Teen | Ngôn Tình | Xuyên Không | Tiểu Thuyết
Truyen teen - Đã có anh trong nỗi nhớ của em chưa phần 1
I.

Kể từ ngày có cháu, ông tôi có thú vui sưu tầm rất đặc biệt, đó là đặt tên theo bộ sưu tập thiên nhiên. Vì thế, hiểu nôm na theo nghĩa gốc, tên anh chị em chúng tôi là Biển Anh, Mây Anh, Núi Anh, Nước Anh và tôi là Rừng Anh.

Chú hàng xóm nhà bên cũng bị nhiễm thú vui “tao nhã” nên một mực đặt tên cậu con trai là Gió Anh.

Nhưng cứ mỗi lần có giỗ, anh chị họ đến nhà, người nào cũng tên Anh, thay vì Hải Anh ơi, Vân anh ới, con Thủy Anh đâu, mấy đứa chúng tôi được gọi tóm gọn như là Lâm và Phong. Phong là thằng con trai nhà hàng xóm ấy.

Cơ mà tôi là con gái, gọi là Lâm nghe kì kì làm sao, vì thế ngoài cái tên Lâm Anh, người lớn gọi tôi là Chun, sau đó thành thói quen, mọi người trong xóm, không phân biệt già trẻ, gái trai, đều gọi tôi là Chun hết.

“Mày về hỏi mẹ tại sao mày lại là Chun?”

Cho đến lúc năm tuổi tôi vẫn không hề thắc mắc về nguồn gốc cái tên thay thế của mình nếu thằng con trai hàng xóm không xúi tôi hỏi mẹ. Nghe theo hắn, tôi chạy một mạch về hỏi cho bằng được, nhưng mẹ đi chợ chưa về, tôi quay sang bố.

“Vì lúc con còn ở trong bụng, mẹ thích mặc quần chun.”

Bố trả lời vậy nên tôi đem nguyên câu nói với thằng hàng xóm. Sau đó nó đi rêu rao khắp xóm và tôi bị tất cả đám trẻ con châm chọc, tức đến nỗi nước mắt nước mũi nước dãi chảy tòng tòng, tôi chạy về, ở lì trong nhà, nhất định không ló mặt ra ngoài bởi hễ thấy bản mặt của tôi y như rằng thằng hàng xóm sẽ gán với cái chun quần. Đúng là tôi thật ngu ngơ, tự dưng khoe với nó “bí mật” gia đình làm chi.

Nói là bí mật vì ông nội chỉ thích mặc quần chun. Mãi sau này tôi mới khám phá ra sự thật, không chỉ cái tên Rừng Anh, mà cả Chun cũng là ông đặt cho.

Chỉ lầm lũi ở nhà được mấy lúc, tôi lại chạy sang chơi với Phong.

“Bé tý đã sát gái rồi.”

Hồi đó tôi không biết sát gái là gì khi bố gọi về ăn cơm từ nhà Phong, ngoài tôi ra còn có hai đứa nữa bị gọi về.

“Khéo phải nhận con dâu trước.”

Chả hiểu mấy người lớn nói gì hết, nhưng hôm sau đến giờ tôi lại mò sang nhà bên cạnh.

“À ha ha, tao mới nghĩ ra trò này hay lắm!”

“Trò gì thế anh Phong?”

“Tụi mình chơi trò cô dâu chú rể, tao sẽ làm chú rể, còn cô dâu thì… đứa nào ăn giúp tao quả trứng vịt lộn này sẽ được làm cô dâu.”

“Làm cô dâu nghĩa là sao chứ?” - Lúc này tôi mới lên tiếng.

“Thì… sẽ được tao thơm má.”

Ba đứa con gái tụi tôi nhìn nhau, rồi quay sang nhìn quả trứng. Chả ai trong số chúng tôi thích ăn trứng vịt lộn cả, tanh chết đi, lại còn có con vịt con trong đó nữa, thế không hiểu sao tôi ngồi ăn hết sạch.

Bọn chúng nhìn tôi ăn trong sự thán phục, kể cả Phong. Nhưng sau đó tôi không được làm cô dâu.

“Sao lại thế?”

“Mày ngu quá, cô dâu phải xinh đẹp như con Yến, mày với con Mai đóng làm con tụi tao.”

“Làm con nghĩa là sao?” - Tôi thắc mắc.

“Thì phải gọi bọn tao là bố mẹ.”

“Không chịu đâu, Mai muốn làm cô dâu cơ.”

Một khi con bé Mai Mít ướt mà khóc, có thánh dỗ được. Thế là anh bạn hàng xóm đành giở yêu sách mới:

“Thì cho mày làm vợ hai.”

“Thế còn Chun?”

“Mày làm con của tao với con Mai, tao thương con Yến hơn nên không bắt nó sinh con.”

“Nhưng mà…”

“Tao quyết thế rồi, mày không chơi bọn tao không cần.”

Thế là tôi chấp nhận làm con dù đã ăn hết bát trứng, vì tôi nghĩ rằng cô dâu phải xinh đẹp như cái Yến, hoặc cũng nhõng nhẽo như nhỏ Mai.

“Chụt.”

Tôi và Mai trố mắt nhìn Phong chạm môi vào má Yến. Chúng nó chưa tổ chức lễ cưới đã làm hành động người lớn ấy là sao. Tôi tá hỏa chạy về nhà, nối gót ngay sau Mai.

Bữa hôm đó, Phong bị bố mẹ Yến mắng cho một trận, con nhỏ Mai ôm bụng cười lăn lộn. Phong không được phép chơi với Yến nữa nên hắn vào nhà tôi chơi.

“Chun ăn nhanh lên con kẻo Phong cười cho bây giờ!”

Tôi lờ đi lời mời mọc của mẹ, món trứng tanh lòe làm sao nuốt nổi.

“Sao mày không ăn? Sáng ở nhà tao mày ăn ngon lành lắm mà?”

“Sáng nay Chun nuốt chửng chứ có ăn đâu.”

“Thế giờ mày nuốt chửng đi!”

“Ứ.”

“Mày không ăn thì làm sao đi chơi với tao được.”

Chỉ chờ có thế, tôi tống vào miệng hết số trứng mà mẹ đã xắt miếng nhỏ, nuốt cái ực, tung tăng chạy theo Phong.

“Ơ, sao không rủ Yến và Mai?”

“Rủ làm sao được. Còn con Mai xấu tính mách lẻo, tao nghỉ chơi nó luôn.”

“Ừm.”

“… Tý bố mẹ tao đi làm về kiểu gì cũng biết chuyện, hay là mày bảo mày xúi dại tao.”

“Không được nói dối, nói dối không tốt.”

“Kiểu gì tao cũng bị đòn nát mông, mày không thương tao à, nếu là mày, bố mẹ tao chỉ nói với nhà mày thôi, rồi mày bảo con nói trêu ai ngờ Phong nghe theo.”

Tôi bắt đầu xuôi xuôi, bố Phong mà cầm roi thì suốt ba ngày liền cậu ấy chỉ nằm liệt giường với cái mông đỏ như quả mận chín, mà như vậy sẽ không có ai chơi cùng tôi.

“Thôi, mày không giúp thì tao về chuẩn bị ăn đòn.”

“… Thì giúp.”

*

Đúng như dự đoán của Phong, cậu ấy “chỉ” được ăn hai quả roi, còn tôi không bị sao hết vì bố mẹ không tin con gái mình nghĩ ra trò ấy.

“Ngốc ơi là ngốc! Con tôi suốt ngày bị thằng nhóc bắt nạt, cho chơi cùng để học cái khôn của nó chứ để nó xỏ mũi suốt à!”

Eo ơi, xỏ mũi là luồn khuyên tai vào lỗ mũi á, thật kinh dị. Tôi ăn cơm mà cứ ngồi nghĩ làm thế nào xuyên kim qua mũi được. Phong xỏ mũi tôi bằng cách nào chứ?

II.

Song, bố mẹ rất dễ tính nên tôi vẫn tiếp tục nhong nhong ngoài đường cùng Phong. Chơi với cậu rất thích, dù có bị bắt nạt nhưng tôi “tình nguyện”, mà thực ra bất kì ai tôi đều “tình nguyện” cho bắt nạt hết.

Tuy nhiên cậu ấy chẳng máu chơi với tôi lắm, so với bọn con trai đã đành, so với bọn Yến, Mai thì cậu ta chơi với tôi chỉ vì bất đắc dĩ không ai chơi cùng.

Vì thế tôi luôn là đứa giữ đồ cho Phong và đứng ngoài nhìn cậu ta chơi bắn bi, hoặc là cái cớ để Phong mò sang nhà Yến, còn có thể là tấm bình phong mỗi khi Phong trêu con Mai khóc thé lè.

Chúng tôi cùng học chung một trường tiểu học, Phong và tôi học chung một lớp, trong khi hai đứa kia học lớp bên cạnh. Những ngày đi học đầu tiên, nghe cô giáo gọi bạn Lâm Anh và bạn Phong Anh, mặt tôi cứ ngơ ngơ không biết bọn nó là ai.

Vì tên là Anh nên chúng tôi bị gọi lên bảng như cơm bữa. Phong lười học, lúc nào cũng dụ tôi làm hai lần bài tập về nhà.

“Sao mày làm bài chậm thế? Làm nhanh còn chép sang cho tao!”

“Bài khó quá trời!”

“Hừm, mấy phép tính này dễ ợt, tao đọc kết quả mày chép.”

“Không được. Chun phải tự làm.”

“Đợi mày làm tao lên lớp hai rồi, mặc kệ mày, giờ tao đọc kết quả mày chép vào vở tao, vở mày cho mày tự làm sau.”

Tôi nghe lời Phong răm rắp, trong khi cậu ta chỉ mất hai mươi phút đọc kết quả thì tôi ngồi cả tối để làm bài của mình. Ấy thế cậu ta được chín, tôi được bảy. Vì thế tôi phải đi học phụ đạo, bố mẹ bắt luyện chữ và học toán ở nhà cô giáo xa ơi là xa.

“Dạo này mày đi đâu thế?”

“Đi học thêm.”

“Học dốt quá à. Con người ta ăn nhau ở cái đầu, thôi, mày xin bố mẹ cho ở nhà chơi, tao với mày ngồi cùng bàn trên lớp, tao nhắc bài cho.”

“Hứ. Không cần.”

Thấy tôi vẻ thờ ơ Phong ngạc nhiên lắm, trước nay tôi bám cậu ta như hình với bóng, hay là như cái chun bám cái quần, vậy mà dạo gần đây thi thoảng lắm tôi mới chơi gẩy nịt, trốn tìm với bọn trong xóm.

“Ừ, thế kệ mày.”

Phong chỉ đáp vậy, cậu ta lảng sang nhà bên kia. Yến và Mai cũng đang ngồi học, chả biết bọn kia nói thế nào mà tôi thấy Phong chạy vù về mang sách vở học chung với tụi nó. Đến khi tôi lò dò ôm vở viết sang thì chúng đã làm bài xong.

“Anh Phong giỏi quá!”

Chơi bao nhiêu lâu giờ mới để ý Yến luôn gọi Phong là anh mặc dù chúng tôi đều học lớp một, con bé dịu dàng, ngoan ngoãn, nói rót mật vào tai như thế chả trách đứa nào cũng đòi lấy làm vợ. Mỗi lần như thế, con Mai lại kéo tôi ra một góc hỏi:

“Sau này mày định mừng đám cưới con Yến bao nhiêu?”

“Hả? Tao chưa nghĩ đến chuyện này.”

“Tính luôn đi chứ, thằng Phong chơi với mình thân hơn, nó mà lấy con Yến tao cho nó một nghìn, còn mấy đứa tầng dưới năm trăm thôi.”

Tôi chạy về hỏi bố,

“Bố ơi, nếu Phong và Yến lấy nhau thì con mừng bao nhiêu ạ?”

Bố tôi và chú Dương đang chơi cờ tướng phá lên cười.

“Nhỡ con làm cô dâu của Phong nhà chú thì sao?”

“Ớ? Thế để con đi hỏi xem tụi nó sẽ mừng bao nhiêu.”

Tôi hớt hải chạy lại chỗ con Mai, hỏi nó.

“Á á, mày thích thằng Phong á, tao méc con Yến mày cướp người yêu của nó.”

Chưa kịp để tôi nói gì Mai đã phăm phăm chạy xuống tầng dưới, nơi bọn con trai đá bóng, hét lớn:

“CON CHUN NÓ YÊU THẰNG PHONG. NÓ YÊU NGƯỜI YÊU CỦA CON YẾN.”

“Bịch!”

Đang chạy tới bậc thang cuối, tôi ngã úp mặt xuống hè. Vừa xấu hổ vì không kịp ngăn Mai Mít, vừa đau, tôi khóc lớn. Tiếng khóc của tôi to dã man con ngan, lại còn thảm thiết khiến cô Vân nhà ngay cạnh hoảng hốt chạy ra.

Tôi vừa khóc vừa gào kêu đau, cô Vân vội vàng ôm tôi vào lòng, xoa lưng. Cũng may ngã trúng miếng giẻ lau sàn nên không bị trầy xước, tôi khóc âm ỉ một lúc rồi nín.

Ấy thế mà tên hàng xóm chạy tới, chìa trước mặt tôi cái gì đó màu trắng:

“Răng của mày đó!”

Sau đó quả thực không ai làm tôi nín được, đến nỗi bà nội, người đáng sợ nhất cũng không thể khiến tôi ngậm miệng. Tôi chỉ ngừng khóc cho đến khi lăn quay ra ngủ.

Tôi chấp nhận sự thật mình bị sún hai cái răng cửa, một cái tự rụng, một cái chịu tác động của lực… ngã. Răng cửa sau này cũng mọc lên cái mới nhưng hễ cứ ngoặm thứ gì cưng cứng, lành lạnh hay nong nóng là nó buốt lên, thành ra kể từ đó trở đi tôi ăn kem bằng… răng hàm.

Chưa hết, Phong và Yến làm mặt lạnh với tôi luôn, không biết có phải vì hành động giả lại răng cho tôi của Phong mà cậu ta bị bố quát đâm ra giận, hay là cậu ta sợ Yến ghen nếu cứ đi với tôi, theo lời Mai Mít nói.

Không chơi với Phong và Yến, tôi ở nhà làm nũng ông. Ông chiều cháu lắm, thích gì cũng được. Chỉ cần tôi được tám điểm bài tập viết là ông thưởng ngay con búp bê. Ấy thế cứ phải lén la lén lút chơi, để bà biết ông cưng nựng tôi quá sẽ thu lại hết. Nhưng nhờ tính nghiêm khắc của bà tôi mới cai được việc cắn các thứ bằng răng cửa, chứ nếu cứ đòi ăn kem thì có đến vài tháng lợi tôi không thể lành được.

Dù vậy ở trên lớp, thật chán quá đi. Bình thường tôi ngồi theo dõi Phong chơi cùng mấy thằng con trai, chốc chốc cậu chạy ra chỗ tôi nhờ giữ bi hộ thay vì để trong túi quần rơi lúc nào chẳng biết. Phong chơi giỏi lắm, chỉ cần hai viên bi làm của, nhoáng một phát đã gấp đôi, gấp ba, tuy nhiên cũng có lúc chẳng còn viên nào.

Trong khi đó tôi chơi dở tất cả các trò, nếu oẳn tù tì nhất đi chăng nữa thì chưa đầy hai phút tôi sẽ làm kẻ bét và không bao giờ gỡ được. Thế nên chúng nó không cho chơi cùng, nhất là trò nhảy dây, cái trò đặc sệt nữ tính.

Giờ giả lao, Phong kéo đàn kéo lũ chơi bi. Theo thói quen tôi đi theo, nhưng cậu ấy đứng cửa lớp bên nhờ Yến giữ hộ. Lúc ra về, Phong để Yến giữ cặp giùm, họa hoằn nhờ Mai Mít. Vì thế ngày nào tôi cũng đi học về sớm, có nhiều thời gian làm bài tập hơn.

Nghỉ chơi với Phong tôi cứ buồn buồn sao ấy.

Được hai hôm tôi huých tay cậu ta trong giờ học.

“Chốc ra chơi cho Chun hỏi cái này.”

“Nói luôn đi, sao phải đợi ra chơi?”

“Nói trong giờ cô bắt phạt đó.”

“Cầm quyển sách chống mặt bàn như thế này này…”

Tôi bắt chước theo, đặt cuốn tập đọc dựng thẳng, cúi người khom khom. Hôm nay Phong có vẻ hiền hiền.

“Nói đi!”

“Ơ thì… tại sao… à, thực ra…”

Tôi ấp úng nghĩ mãi không biết nói gì đành cắn môi, mà tôi làm gì có răng cửa để cắn, nói ngậm môi đúng hơn.

“Cho mày ba giây, mày không nói chốc tao bắt trông cặp và giữ bi cho tao.”

Thế là tôi ngậm tăm luôn. Tôi… tình nguyện trông cặp cho cậu ấy mà. Hihi, tôi cười toe thích thú.

“Lâm Anh, em đọc tiếp!”

Cái mặt tôi vẫn ngơ ngơ mỗi khi có người gọi cái tên đó, kiểu như thấy quen lắm dù không biết của ai.

“Lâm Anh là tên mày đó.”

À ha, tôi đứng bật dậy nhưng không biết đọc đoạn nào.

“Đọc đến đâu rồi?”

May cho tôi Phong nhanh trí hỏi đứa bên cạnh kịp thời. Tôi đọc một lèo đến hết bài luôn.

Tới 5h chiều hai đứa mới mò về, Phong khoác ba lô của mình, gần đến nhà cậu ta giành lấy cặp của tôi, thì thầm:

“Mày nghe tao dặn, người lớn hỏi vì sao về muộn, không được nói tao chơi điện tử, phải bảo tại mày đi lạc nên tao tìm hụt hơi. Nhớ chưa?”

“Nói dối à?”

“Mày muốn thấy cái mông đỏ như gấc của tao không?”

“Không muốn… Biết vậy sao còn ham chơi?”

“Hừ… Tao không cần mày nữa, tao làm tao chịu!”

Nói rồi cậu ta hùng dũng bước đi. Tôi chậm chạp đi theo sau.

“Sao? Mày muốn nói gì? Cớ sao cứ theo đuôi tao?”

“Ơ không, nhà tớ đi qua nhà cậu mà!”

“Hừm.”

Phong bước rất nhỏ, còn lần chần như thể đợi tôi đi qua. Thực ra tôi cũng không muốn để Phong bị đòn nát mông, nhưng cậu đã muốn tự làm tự chịu thì tôi chẳng giúp gì được, bọn con trai sĩ diện cao lắm, câu này tôi mới nghe lỏm được của chị họ Hải Anh. Nghĩ vậy tôi bước còn chậm hơn.

“Tao hỏi lại mày lần nữa, mày có giúp tao không?”

“… Tớ không muốn cậu bị đòn…”

Thế là tôi lại bị xỏ mũi. Hôm ấy Phong được mẹ tôi khen lắm. Mẹ định mang dưa hấu sang, tôi lanh chanh đòi đi tiện thể hóng xem Phong có bị sao không.

“Phong đúng là đáng ghét!”

“Sao vậy?”

“Hôm trước nhờ tớ giữ cặp cho, nhưng tớ muốn về nên cầm theo. Hôm sau đã giận mà đi về với cái Chun.”

Ế, nhỏ Mai và Yến đang nói chuyện gì về tôi thì phải, tôi nán lại đứng nghe khi hai đứa đang ngồi chơi chuyền.

“Cậu không biết à, hôm qua Phong bị đánh đòn đau lắm, chú Dương biết cậu ấy đi chơi mà, bình thường con Chun hôm nào cũng đợi Phong về cùng, chú tưởng nó học dốt, cô bắt ở lại học thêm, Phong đợi nó nên về trễ.”

Cái gì cơ? Bố Phong tưởng tôi học dốt á? Thảo nào bố mẹ bắt tôi học thêm suốt. Tôi nép mình vào cửa nhà, nghe rõ hơn. Lần này là giọng của Yến:

“Sao cậu biết?”

“Chiều qua chú Dương hỏi tớ về con Chun mà, lấy lý do học khác lớp nên tớ nói không biết. Mới lại khai thật thì Phong chỉ có nhừ xương.”

Con bé Mai Mít cũng có lúc cao hứng bao che cho bạn, điều này khiến tôi hơi bất ngờ.

“Cậu nói tớ mới thấy an tâm, tớ chỉ sợ Chun gần Phong hơn tớ, ngộ nhỡ…”

Ngộ nhỡ gì vậy, sao không nói tiếp đi, tôi căng tai lên nghe nhưng cô bạn không nói gì thêm. Cứ như phim truyền hình dài tập bị cắt giữa chừng.

Hôm qua Phong bị đánh sao tôi không biết nhỉ? À, tôi đi học thêm. Mà tại sao phải đi học thêm? Vì học dốt. Nhưng vì sao tôi học dốt chứ? Do Phong mải chơi và hai đứa luôn về muộn. Vậy lý do khiến cậu ấy cho làm hòa chỉ vì muốn chơi điện tử. Tự dưng tôi thông minh đột xuất, hiểu ngay vấn đề. Nhưng sự thông minh tùy hứng này khiến tôi chạnh lòng vô cùng.

Phong không hề muốn chơi với tôi, cậu ấy chỉ muốn có người đi học muộn về chung.

III.

“Giữ cho tao năm viên bi mắt mèo này, nhớ giữ cẩn thận đó. Chiều về tao trả công.”

“Ừm.”

Thả vào lòng bàn tay tôi những viên bi, Phong chạy đi chơi tiếp. Tôi buồn thiu, giờ mới để ý, cậu ấy đúng chỉ coi tôi như nhân viên trông đồ trong siêu thị.

Trong giờ tập viết, tôi nắn nót viết từng chữ. Phong đưa một viên bi sát mặt tôi. Viên này to hơn những viên khác, màu hồng phấn, đặt dưới ánh điện trông nó mới lung linh, huyền ảo làm sao.

“Đẹp không?”

“… Đẹp.”

“Tao định cho Yến.”

“…”

“Viên này tao cho con Mai Mít.”

“…”

Tôi liếc nhìn viên bi màu vàng tươi.

“Còn cho mày viên này, tao mới chơi thắng thằng Phú.”

Mắt tôi sáng lên cầm viên bi trên tay, ngắm nghía. Nó là viên bi có kích cỡ nhỏ hơn những viên mà Phong hay chơi, nó còn chẳng có màu nào bên trong. Trong suốt. Mặt tôi tiu nghỉu, viên này bị lỗi mà lại cho tôi.

Tôi cắm cúi làm bài. Đến giờ tan học, tôi ngồi chờ Phong đi đánh điện tử, cậu ta bảo cứ đợi ở hàng ghế dưới gốc cây bàng, chừng mười lăm phút sẽ quay lại. Tôi không có đồng hồ và cũng không biết xem giờ nên chẳng hay mười lăm phút dài như thế nào, đành giết thời gian bằng cách… đếm lá trên cây.

“Sao hôm nay mày im re?”

Gần về đến nhà, Phong gặng hỏi.

“…”

“Mày bị nhiệt miệng à?”

“…”

“Mày không nói tao nghỉ chơi với mày luôn.”

Lần nào cậu ta cũng đem câu đó ra dọa, và lần nào cũng thành công.

“…”

Trừ lần này.

“Sắp sinh nhật con Yến rồi, tặng nó cái gì bây giờ nhỉ? Hay tao với mày góp chung tiền, mày đi mua.”

“…”

“Mày há miệng tao xem mày bị sao?”

Phong đột ngột xoay người đứng đối diện khiến tôi giật thót. Cậu ta giơ ngón cái định đặt lên môi tôi như thể cậy vỏ hến. Cái tay vừa lê la nghịch đất bẩn khủng khiếp, tôi lắc đầu nguầy nguậy, đáp:

“Chun sắp phải đi học thêm tiếng Anh!”

Phong rút tay về. Từ đó trở về nhà, chúng tôi đi trong im lặng.

*

Con Yến và con Mai Mít thích viên bi của Phong lắm, nghe chúng bảo Phong chơi thắng mấy đứa con trai lớp bên để giành được hai viên bi to đột biến này. Hai đứa cầm trên tay lắc qua lắc lại một hồi mới quay sang hỏi tôi.
“Thế của mày đâu?”

Tôi xòe viên bi “dị dạng” của mình ra, mặt mày bí xị.

“Nó đâu phải là bi?”

“Không biết.”

“Nó không có đẹp.”

Đúng hơn là xấu xí với những đứa trẻ con chỉ thích những thứ màu mè sặc sỡ. Tôi chán nản thả nó vào túi. Ba đứa tôi đợi Phong cùng đi học, rồi bốn đứa về chung với nhau. Ngày hôm sau cũng thế.

“Phong không chơi với bọn thằng Phú nữa à?”

Không chỉ Yến, cả tôi với Mai Mít đều thấy lạ.

“Chơi thì vẫn chơi, nhưng không đi đánh điện tử nữa.”

“Sao vậy?” - Cả ba chúng tôi đồng thanh.

“Hết tiền.”

Tôi thấy con Mai huých tay Yến, hai đứa tủm tỉm cười với nhau. Có chuyện gì vậy nhỉ?

“Cười gì thế?”

Mai kéo tai tôi lại gần thì thầm.

“Phong tiết kiệm tiền để mua quà sinh nhật cho Yến chứ còn làm gì nữa!”

Tôi “À” lên một tiếng. Sao hai đứa chúng tinh ý vậy nhỉ, tôi đơn giản chỉ nghĩ cậu ấy hết tiền.

“Gì thế?” - Phong đi đằng trước ngoái lại.

“Chúng nó bảo cậu tiết…”

Chưa nói được nửa câu, tôi đã bị Mai bịt miệng. Sau đó Mai đẩy Yến đi lên trên, sánh đôi cùng Phong, Yến nằng nặc không chịu, thế là tôi ngoi lên đi xen giữa. Nhỏ Mai lại kéo tôi xuống.

IV.

Về đến nhà, ông nội đang xem tivi, tôi chạy nhào ôm ông, tiện tay vuốt vuốt mấy sợi râu bạc.

Ông mê phim kiếm hiệp lắm, cứ đến 6h tối là chuyển VTV3 coi liền. Dạo gần đây họ chiếu phim Anh Hùng, trong phim có hai nhân vật nam chính là Lâm Phong và Lâm Vũ, không chỉ ông mà bọn con trai trong xóm đều thích mê mệt. Nhà có mỗi cái tivi, hàng xóm xung quanh cũng đều mở VTV3 nên tôi muốn hay không cũng phải ngồi xem. Tôi thích ngồi trong lòng ông để xem nhất.

“Haha, cái anh Lâm Phong này giống cháu tôi quá chừng!”

Hừm hừm, tôi nhăn nhó buông người khỏi ông, ngồi chống cằm một góc. Anh chàng trong phim đó quá khờ, ai bảo gì cũng làm hết, lại còn thật thà, chẳng thông minh, lanh lợi như Lâm Vũ. Cơ mà Lâm Phong tuy khờ khạo nhưng mỹ nhân nào cũng phải lòng anh ta, vì thế tôi càng không thích. Trong khi tất tần tật mọi người trong xóm chỉ thích Lâm Phong.

“Có lẽ sau này cháu ông cũng lắm người theo đuổi như cái cậu Lâm Phong. Mấy người khờ khờ, ngây ngây ngô ngô đáng yêu lắm.” - ông cười đến chảy nước mắt.

Tôi hậm hực chạy sang nhà bên cạnh. Chú Dương và Phong đang coi phim.

“Lâm Phong và Lâm Vũ chú thích ai hơn chú?”

“Dĩ nhiên là Lâm Phong rồi, con trai chú tên Phong mà. Haha.”

“Thế còn cậu thì sao? Cậu đâu có thích người nào khờ khạo phải không? Lâm Vũ vừa đẹp trai (hic hic, từ bé tôi đã biết tia trai đẹp rồi), vừa thông minh, giống cậu quá mà!”

Tôi chỉ mong tìm được người thích Lâm Vũ giống mình.

“Hứm, tao tên Phong Anh thì tao phải thích người nào tên giống tao chứ. Mày ngơ ngơ thì cũng phải thích người nào giống mày.”

Nước mắt ứa ra hai bên khóe mi, tôi ôm chặt cái tivi, hễ có đoạn của Lâm Phong tôi lấy thân mình choán hết màn hình. Tôi không ấm ức vì mọi người không cùng sở thích với mình, mà khóc vì ai cũng nói tôi ngốc nghếch.

Nhưng đứa ngơ ngơ như tôi còn nhận thấy nhân vật Lâm Phong ngơ ngơ, thì cái ngơ ngơ mà mọi người dành cho tôi khá nghiêm trọng.

Chưa hết, Lâm Phong trong phim thì không hậu đậu, còn tôi làm vỡ bình hoa sứ của nhà Phong, sau đó về nhà tôi bị đập đầu vào cánh tủ và cuối cùng là làm vỡ bát ăn cơm. Từ đó, tôi phải thừa nhận rằng, mình vừa ngơ, vừa vụng về.

*

Cô dạy hát nhạc của chúng tôi cũng thích Lâm Phong lắm. Nhìn gà hóa cuốc thế nào mà cô gọi:

“Mời bạn Lâm Phong lên bảng.”

Lần này không phải Lâm Anh nhưng tôi cũng giật mình. Lớp tôi không có đứa nào tên Phong cả. Chỉ có Lâm Anh và Phong Anh đứng ngay cạnh nhau trong sổ điểm. Thế là cô gọi cả hai đứa lên hát bài:

“Con chim vành khuyên.”

Và chúng tôi hát:

“Có con chim vành khuyên nhỏ. Dáng trong thật ngoan ngoãn quá. Gọi dạ bảo vâng, cũng giống như chúng mình. Ừ nhỉ?”

Tôi hát xong quay sang nhìn Phong, cậu ấy và cả lớp nhìn tôi.

Cô nói tôi hát lại. Và tôi cũng chỉ hát như thế. Nhưng sao bài hát ngắn thế, còn mấy đoạn gặp bác chào mào, gặp cô sơn ca đâu rồi. Tối qua cả bốn đứa cùng học nhạc, nhưng bọn tôi cứ đòi Yến hát cho nghe chứ có đứa nào muốn hát đâu. Tôi quên lời bài hát rồi.

“Em đứng góc lớp, học cho đến khi nào thuộc bài.”

Lúc đó tôi nghĩ rằng vì mình phá hỏng hình tượng Lâm Phong của cô giáo, nên cô bắt đứng góc lớp. Đó là lần đầu tiên tôi bị phạt, bị bọn trong lớp dòm dòm, ngó ngó, xấu hổ vô cùng.

Sau đó đến lượt Phong. Cậu ấy hát hệt như tôi vừa rồi, có điều ở đoạn hát thiếu, có dừng lại nghỉ lấy hơi. Và cũng đứng góc lớp.

Hai đứa đều bị phạt.

Tự dưng tôi thích cái tên Lâm Phong lắm lắm.

*

Sinh nhật Yến vào ngày 25/9, tôi vẫn phải đi học tiếng Anh tới sáu giờ rưỡi. Nhìn bài tập nản quá, chả hiểu gì hết.

“Mày vẫn phải học tiếng Anh à?”

“Ừm.”

“Nhưng trên lớp đã học đâu?”

“Mẹ sợ Chun không theo kịp.”

“Mày học tiếng Anh rồi quên Tiếng Việt thì sao?”

“Thì lại học tiếng Việt.”

Lớn hơn một chút nghĩ lại tôi mới thấy câu trả lời ngây ngô hết sức.

“…”

“…”

“Thế mày vẫn học phụ đạo thêm Toán và Tiếng Việt à?”

“Ừm, tuần ba buổi.”

Phong vừa có biểu cảm gì đó mà tôi chưa biết diễn tả thế nào, đôi mắt trùng xuống trong giây lát.

“… Viên bi tao cho mày đâu rồi?”

“Ở trong kia.”

Tôi chỉ vào lọ thủy tinh đựng bi Phong gửi giữ hộ.

“Sao mày cất nó ở đấy?”

“Thì nó là viên bi, không bỏ vào đấy thì để đâu?”

“…”

*

Ăn cơm xong xuôi, tắm rửa thơm tho tôi mới được chạy qua nhà Yến. Trong đầu vẫn còn ong ong mấy thứ “What? Why? How?...” của bài học tiếng Anh.

Yến mặc chiếc váy màu hồng thẫm, nhìn nó xinh khủng khiếp, cụ thể như thế nào thì tôi không biết tả. Phong đứng bên cạnh, nhìn thấy tôi cậu ấy nói lớn:

“Mày không vào chụp ảnh à?”

Tôi cuống quýt chạy vào trước khi chú thợ bấm máy. Cơ mà không chen được vào giữa nên tôi đứng sau một anh cao cao. Bóng của anh ấy nuốt chửng tôi rồi.

Con Mai Mít đề nghị chụp ảnh gia đình, cái gia đình một chồng hai vợ một con ấy. Vì hôm nay là sinh nhật của Yến, vả lại bốn chúng tôi chơi thân nhất nên bố mẹ Yến không phản đối.

Phong đứng giữa, hai tay khoác lên vai hai cô vợ trẻ đẹp, chân vắt chéo, vẻ mặt rất thỏa mãn. Trong khi đó tôi vì là phận con cũng được đứng giữa, nhưng phải khụy gối, chỉ đứng đến cằm chúng nó.

Sau khi ước nguyện, thổi nến, ăn uống lung tùng phèo đến phần bóc quà. Tôi mải lo cho cái mặt bị trét đầy bánh kem nên hí hoáy kì cọ cho đến khi nào cảm thấy hết mỡ mới thôi.

Đưa hộp quà cho Yến, tôi nói dõng dạc:

“Chúc Yến mau ăn chóng lớn.”

Ơ, câu này tôi hay được cô dì chú bác chúc trong mỗi dịp sinh nhật, có gì không phải sao mọi người phá lên cười chứ?

“Đây là quà của cả tớ và Phong.”

“Quà chung á?”

Nụ cười trên môi Yến vụt tắt, hai tay rụt lại, có gì mà nó nhìn Phong đăm đăm thế nhỉ? Bọn tôi đều còn bé, có biết mua cái gì đâu, mẹ Phong thì bận suốt, nhờ mẹ tôi mua luôn. Tôi đòi đi theo chọn nhưng phải học tiếng Anh, chả biết mẹ mua gì. Tò mò ghê gớm.

“Mở ra đi con.”

Mẹ Yến giục, tôi láu táu chen vào:

“Thôi để Chun mở cho.”

Yến không nói gì.

Đó là một chiếc đồng hồ hình con thiên nga trắng muốt. Đẹp kinh dị.

Bữa tiệc giải tán, Phong có nán lại nhưng tôi về luôn, mặt nhăn nhó như quả táo tàu.

“Cháu của bà dự sinh nhật xong mặt mày ỉu xìu thế à?”

Bà lấy khăn lau mặt cho tôi, chuẩn bị kem đánh răng, rút dây buộc tóc chuẩn bị kéo tôi lên giường ngủ.

“Chun ứ chịu đâu, sinh nhật nào mẹ cũng tặng sách cho Chun, trong khi cái Yến mẹ mua con thiên nga đẹp ơi là đẹp.”

Bà chỉ xoa đầu cháu mà không nói gì. Hồi đó tôi còn bé nên chưa biết giàu nghèo, cứ thích là đòi thôi, nếu không được thì sang hàng xóm chơi ké. Song, vài năm sau, những quyển truyện tranh màu mè mẹ tôi mua cho vẫn còn nguyên vẹn, còn con chim thiên nga đã bị thời gian “hủy hoại” cho dù Yến có nâng niu thế nào chăng nữa.

Đêm đó tôi khóc vì mẹ thiên vị, nhưng sáng hôm sau chả nhớ gì hết.

V

Mắt tôi lim dim đi theo ba đứa đến trường. Khi vấp vào cục đá suýt ngã sóng soài tôi mới dứt được cơn buồn ngủ, đồng thời nhận ra mình đi chưa được nửa đường. Ba đứa kia đâu rồi? Tôi ngó quanh.

Nghe thấy tiếng bản tin chào buổi sáng, tôi tá hỏa khi biết đã bảy giờ, cắm đầu cắm cổ chạy đến trường.

Hic hic, cổng trường đã đóng. Biết làm sao bây giờ? Chả lẽ khóc ré trước cổng, mà tôi cũng chẳng còn nước mắt để khóc. Mắt tôi từ hôm qua đến giờ vẫn đỏ lòm. Quay về nhà thì không có gan, trèo tường vào thì chân quá ngắn. Tôi biết làm gì?

A, nhớ rồi, trong phim Anh Hùng, một lần Lâm Phong không kịp giờ học, anh ta đi lòng vòng tham thú thế giới xung quanh ngôi trường. Sau đó gặp được những người tốt và cả người mà anh ta yêu sau này. Hê hê, biết đâu tôi gặp Lâm Vũ của mình ở ngoài đời.

Nuốt bịch sữa và cái bánh rán từ nhà, tôi còn nhiều năng lượng lắm, nghĩ vậy phăm phăm đi một vòng xung quanh trường.

Nhưng không gặp người nào cả.

Chả lẽ lại đi vòng nữa.

Bịch sữa với bánh rán bị tiêu hóa mất rồi, tôi ngồi xổm ở một góc phía bên ngoài trường, nằm ngủ dưới tán cây bằng lăng. Thật kì lạ khi tôi ngủ ngon đến thế.

“Mày làm cái quái gì ở đây hả CHUN?”

Sau tiếng hét chói tai là tiếng thở hổn hển, Phong lao đến và chỉ dừng lại khi cách tôi một bước chân, mồ hôi chảy tong tong rơi xuống cả mũi giầy của tôi.

“Thì… ngủ.”

“Mày dám trốn học?”

“Chun không biết, thế Yến và Mai đâu?”

“Bọn nó và tao vào trường, không thấy mày theo vào lớp, tưởng mày đi tè. Mày đã đi đâu HẢ?”

“Thế cậu ra đây bằng cách nào?”

“Mày nói tao nghe mày làm gì? Ở đâu?” - Phong không trả lời câu hỏi của tôi.

“Hức hức…”

Tôi òa lên khóc, hai tay nắm chặt vạt áo Phong. Tôi cũng không biết mình ngơ ngơ thế nào lại để mất dấu các bạn trên con đường đến trường quen thuộc, chỉ cảm thấy rằng tôi đang được an toàn.

“Chết mệt với mày!”

Phong ngồi phịch xuống cỏ, cậu không cần để kê dép như tôi. Tay trái tôi đưa lên lau nước mắt, còn tay phải đã nằm gọn trong cái nắm tay của Phong.

“Giờ tính sao?”

Tôi đưa tay lấy chiếc lá buông trên cái đầu húi cua của Phong.

“Sao với trăng gì? Bùng học chứ làm gì nữa.”

“Nhưng mà…”

“Mày trèo sao được cái cổng mét rưỡi.”

Phía sau trường có cánh cổng cho thầy cô ra vào từ khu nhà ở dành cho giáo viên. Với đứa ngơ ngơ, hậu đậu như tôi không khéo bị thủng cặp vì song sắt mất. Thế là tôi nghe theo lời Phong.

Lần đầu tiên tôi trốn học, mà lại là đi theo trai.

Để tránh cô Vân hàng xóm tầng dưới trông thấy vì cô làm ở gần, Phong kéo tôi vào một quán truyện tranh của học sinh cấp hai.

Lần đầu tiên được đọc Đô-rê-mon. Thực ra tôi chỉ xem tranh còn Phong đọc thành tiếng vì tôi đánh vần rất chậm. Nờ… ô… nô bờ… i… bi tờ… a… ta… Nô-bi-ta.

Tôi chả thấy nó hay gì cả, về căn bản thì so với tôi nó nhiều chữ quá, nên chưa kịp hiểu nội dung. Phong thì thích lắm, cậu ta đọc mà cười lăn cười lộn.

“Mày còn ngơ hơn cả thằng Nobita.”

Hơ hơ, động vào tự ái, tôi giằng lấy quyển truyện xem tranh đoán nghĩa. Sau đó lăn quay ra ngủ.

Lúc trả truyện, tôi và Phong bị bà chủ quán mắng te tua vì nước dãi của tôi còn đọng lại trên cuốn sách. Thực ra nếu bà ấy không trông thấy tôi ngủ há miệng thì không thể nào biết được, tại tên Phong cũng lăn ra ngủ không chịu trông chừng.

Bọn Yến đi về hai đứa chúng tôi cũng nhập bọn cùng, vờ như vừa trải qua bốn tiết học mệt mỏi. Yến bước thật nhanh tránh mặt, chẳng biết nó bị sao nữa.

“Ảnh gia đình của chúng ta đã rửa xong chưa?”

Phong chồm người quàng vai Yến bước lên, nhìn hai đứa cứ như chị họ Hải Anh của tôi với anh người yêu vậy. Tôi không nghe rõ chúng nói chuyện gì, chỉ ít phút sau Yến lại cười tươi rói. Thi thoảng Phong ngoái lại như để trông chừng tôi đi lạc khỏi bày đàn.

“Sao mày cứ bám váy tao thế?”

“Ơ hơ…”

Nãy giờ tôi bám sát Mai Mít như hình với bóng, dù nó có nói thế nào nhất quyết không buông.

Về đến nhà, tôi bị úp mặt xuống giường, chiếc cán chổi đã được giơ cao ơi là cao bởi bố tôi.

Nhà hàng xóm khai nổ trước, nghe rõ tiếng đen đét phát ra từ vách tường bên. Còn ở nhà tôi, ông bà xót cháu, đương nhiên cái roi chỉ là hình thức. Tuy nhiên hôm nay có ngoại lệ. Vì việc trốn học là chuyện tày đình nên chuyện ăn lươn là hệ quả tất yếu.

Lần này tôi chỉ hét chứ không khóc được mấy. Thấy Phong thập thò ngoài cửa bố tôi mới dừng.

“Mày nói cho cả nhà Chun nghe!”

“… Tớ… xin lỗi bạn Chun… vì…”

“Vì sao? Mày nói mau!”

Chú Dương quật roi mây vào mông Phong.

“Vì… đã …xúi bạn… cúp học.”

Lần đầu tiên Phong xưng tớ-bạn với tôi. Cậu ấy cũng nước mắt ngắn nước mắt dài, nhưng chúng tôi khóc chỉ vì đòn roi, là phản xạ tự nhiên của cơ thể, mà trong lòng nhẹ bẫng. Trong ánh mắt nhạt nhòa bởi nước, tôi nhìn thấy Phong rõ nét hơn bao giờ hết, bỗng khóe môi căng ra hết cỡ, tôi đang cười với niềm hạnh phúc nào đó tràn ngập tâm hồn.

Ngoài trời mưa rơi rả ríc.

VI.

Hết kì một năm lớp một, trong xóm có gia đình chuyển đi. Đó là nhà Phong.

Mẹ tôi nói, cô Khánh được cơ quan cử đi nước ngoài làm việc, nên gia đình họ có thể sẽ định cư ở bên đấy. Tôi không biết định cư là gì, tự cho rằng, nó giống như khi về quê thăm ông bà ngoại, đi lâu lắm thì qua Tết cũng phải trở lại.

Nghe ông nói thêm, vì Phong thông minh nên chú Dương và cô Khánh muốn cậu ấy được đào tạo trong môi trường chuẩn bên tây. Những buổi đi học cuối cùng của Phong với chúng tôi, con Yến và con Mai buồn so. Phong lần lượt nắm tay từng đứa mỗi lượt đi đi về về. Tôi xòe tay ra thì cậu ấy không chịu nắm, nói rằng đã nắm rồi. Mỗi đứa chỉ có vinh hạnh được nắm tay một lần duy nhất thôi.

Tôi không so đo mấy việc ấy, mặt vẫn hớn hở cười đùa. Cậu ấy đi mấy ngày rồi lại về, còn phải lên lớp hai, lớp ba với chúng tôi nữa chứ, đi làm sao lâu được. Bọn trẻ con hàng xóm kéo tới nhà Phong chơi rầm rầm, tôi vẫn thản nhiên học bài như thể luôn có niềm tin về cậu ấy, giống như cái chun bám lấy cái quần vậy, không bao giờ cha xa, câu này là ông ví von tôi với Phong.

Phong ném bịch kẹo M&M trước vở chép chính tả của tôi.

“Tao sắp đi mà mày không buồn à?”

“Cậu sẽ trở về mà!”

Tôi khẳng định như đinh đóng cột.

“Tao có cho kẹo để mày ăn đâu?!”

“Vậy để làm gì?”

Phong xếp những viên kẹo socola màu mè lên mặt bàn, bảo tôi lấy viên bi của mình ra. Viên bi trong suốt, bé tẹo teo. Cậu ấy đặt nó lên trên những viên kẹo, cách một đoạn, bảo tôi nhòm thẳng từ trên cao xuống.

Tôi thấy sắc màu, không chỉ có màu hồng hay màu vàng, mà có rất nhiều. Rồi cậu ấy đi về, trong khi đó tôi còn rất thích thú với viên bi của mình.

*

Ông xin mẹ cho cháu gái nghỉ bữa học thêm để tạm biệt gia đình chú Dương, nhưng tôi sợ không theo nổi mấy thứ “What is your name? How are you?...” nên bảo mẹ cho đi học. Cô giáo dạy kèm của tôi dữ lắm, còn bọn trong lớp toàn đứa học khá. Mới lại học hai tiếng rồi về, lúc ấy có chín giờ hơn, còn sớm chán.

Thế mà khi học về, căn nhà bên cạnh đã trống hoang, tôi chỉ nhìn được qua khe cửa vì nó bị đóng kín.

Con Yến và Mai khóc như mưa, mấy thằng con trai hàng xóm tiu nghỉu, lúc ấy tôi mới thấy hụt hẫng biết nhường nào.

Tôi mới biết, cái không bao giờ gặp lại giống như từ giờ đến chết sẽ không còn được thấy Phong nữa.

Vậy mà,

Tôi chưa kịp nói lời tạm biệt Phong.

Cũng chưa giả lại số bi cậu ấy nhờ giữ hộ.

Mai mua tặng Phong một cái kiếm siêu nhân,

Yến viết cho Phong một bức thư,

Còn tôi, chẳng có gì, tôi chỉ nhớ, lần cuối cùng gặp cậu ấy, tôi đã nói:

“Cậu sẽ trở về mà!”

*

Từ ngày Phong đi, hành lang nhà chúng tôi vắng vẻ hẳn, cả ba đứa ngẩn ngơ ngồi trong nhà suốt, ngắm nhìn bức ảnh gia đình một chồng hai vợ một con. Cứ nghĩ đến chết không được Phong bắt nạt nữa, tôi khóc thét lên. Đêm đông trời đột ngột mưa lớn, như muốn xóa sạch những vết chân chúng tôi từng đi qua.

Sau đó vào cuối năm học lớp hai, gia đình Yến chuyển đi. Mẹ bảo nhà nó có điều kiện đến ở khu đô thị mới, nó theo học trường gần nhà luôn. Đó là trường điểm nên chất lượng học tốt hơn, phù hợp với sức học khá giỏi của nó.

Còn tôi với Mai Mít.

Nó bảo:

“Càng lớn, bọn mình sẽ càng lạnh lùng đó!”

Tôi không hiểu.

So với lúc Phong chuyển đi, chúng tôi không khóc dữ dội như thế. Nhưng tôi vừa viết thư vừa mua quà cho Yến.

Cho tới hết cấp I, thì gia đình Mai Mít cũng dọn đi, bố mẹ nó làm ăn khấm khá hơn trước nên mua được một căn hộ có sổ đỏ hẳn hoi, không còn cảnh ở thuê như nhà tôi nữa.

Ngày nó chuyển đi, tôi khóc nhiều hơn bao giờ hết.

Những người bạn thân thiết cứ lần lượt rời xa tôi mãi. Tôi chỉ sợ đến chết không còn được gặp họ nữa.

Nhưng thi thoảng tôi vẫn gặp Mai Mít đạp xe qua đây, nó nhớ những kỉ niệm của một thời con nít. Điều đó khiến tôi an ủi được phần nào.

Khu nhà cấp bốn giờ chỉ còn vài ba nhà ở, chẳng ai thèm thuê nữa nên cả tầng hai chỉ có mình nhà tôi. Tôi càng ngày càng ngơ hơn trước, nhiều lúc thẫn thờ ôm cột nhà ôn lại kỉ niệm của đứa trẻ mới học lớp một. Đối với tôi đó là quãng thời gian đẹp đẽ và hoàn hảo nhất cuộc đời.

Lúc này tôi đã thích đọc Đô-rê-mon, còn đọc rõ to cho ông bà nghe nữa. Nhưng tôi không còn ngủ chảy dãi…

Lớp sáu của tôi cũng có Phong, nó cũng thích bắt nạt tôi lắm, nó bảo đứa ngờ nghệch như tôi là của hiếm, tỷ người mới có một.

Nhưng nó không phải Phong Anh. Tên của nó đâu có xếp ngay cạnh tên tôi, mà ở mãi tít gần cuối cuốn sổ điểm.

Cũng có cả Mai. Nhưng nó không bao giờ đòi Phong lấy nó làm vợ lẽ.

Những người bạn mới của tôi rất tốt, chỉ có điều họ không thể thay thế vị trí của những kỉ niệm đã khắc sâu vào tâm trí tôi.

Mỗi lần nghĩ về Yến, tôi nhớ nó trong bộ váy hồng ngày sinh nhật.

Nghĩ đến Mai, tôi hình dung hồi nó ba tuổi, khóc dữ dội khi bị Phong ăn mất cây kẹo nó để dành cả tuần.

Tới Phong, tôi nghĩ tới Lâm Phong, tới bài hát “Con chim vành khuyên” ngày nào.

Mỗi người thân thiết của chúng ta, luôn có một hình ảnh đẹp đẽ nào đó chực chờ ùa về mỗi khi nhắc đến họ.

VII.

Tôi đã là nữ sinh lớp mười một. Vì ông bà bị thoái hóa cột sống không nên đi cầu thang, gia đình tôi dọn đến một căn nhà nằm tít tắp trong con ngõ nhỏ.

Nghe nói chủ nhà bán giá rẻ bèo khu chung cư cho công ty nhà hàng khách sạn nào đó. Dù vậy họ không thể bán được kỉ niệm còn trong tôi. Tôi vẫn thường đạp xe qua đấy mỗi khi bị… điểm kém.

Nói thế chứ tuy tôi ngây ngây ngơ ngơ, nhưng đi thi phần lớn là gặp may. Không ôn trúng tủ thì cũng… tự dưng nghĩ ra được bài. Trường cấp ba của tôi lắm tệ nạn, toàn bọn đầu xanh đầu đỏ, hút thuốc phì phèo, mỗi khối chỉ có hai lớp. Lo sợ con gái bị tha hóa, bố mẹ có nguyện vọng để tôi sang trường khác.

Tuy nhà cửa không to lớn, cơm ăn ba bữa giản dị, nhưng bố mẹ đầu tư cho tôi học lắm, ông bà còn trích một phần lương hưu hàng tháng cho đứa cháu gái ngoan ngoãn. Hihi.

Trước đó vì lo tôi không thi đỗ cấp III, hic hic, nên mẹ bảo tôi chọn Phan Đăng Lưu, sau đó thấy đầu óc tôi không đơn giản như cái vẻ ngơ ngơ, nên chuyển học bạ sang Hùng Vương.

Vừa đúng lúc Hùng Vương có đợt thi chọn lớp, tôi ngồi trên một thằng cũng tên Lâm Anh và ngồi dưới một đứa Lam Anh. Tôi làm được chín trên mười câu, đủ sức vào trường, cơ mà hai đứa nó cứ rì rầm nhắc bài nhau, không muốn nghe âm thanh cũng tự động lọt vào tai. Thấy thằng Lâm Anh làm bài số sáu sai, nó bị mắc lừa ở những dữ kiện phụ. Bài này sáng nay tôi vừa mới ôn lại, thế là chỉ cho nó, rồi cả ba đứa bàn bài và thành ra tôi làm hết sạch. Vượt quá mong đợi.

Ngày tôi chuyển trường, bọn đầu xanh đầu đỏ tiếc lắm, chúng bảo thiếu tôi chúng không có đứa nào cho chép bài. Chúng còn bảo tôi là đứa đầu tiên ngơ ngơ mà không nỡ bắt nạt.

Cảm giác chia tay khỏi một tập thể khiến tôi hụt hẫng lắm. Tôi nắm tay từng đứa một mà khóc. Thằng Tuấn đón cái nắm tay của tôi trong ngỡ ngàng, con gái ai lại chủ động nắm tay con trai chứ. Nhưng quen rồi, hễ cứ chia tay là tôi thò ngón tay của mình siết lấy tay người đối diện. Để họ biết, dù có chết không gặp lại, họ vẫn ở trong tim tôi.

“Mày ấy, bớt đù đờ đi. Nếu ở trường mới bị bắt nạt thì chạy về đây báo cáo với tao.”

“… Cậu mà không làm được bài thì nhắn tớ.”

Tuấn cười ha hả, theo đó mấy tên bàn dưới cũng cười theo.

“Tao định buổi cuối không bảo mày ngu ngơ nhưng mà không được. Ha ha…”

Đù đờ với ngu ngơ khác nhau lắm sao. Thấy mặt mày tôi bí xị, tụi nó mới thôi trêu chọc.

*

Vào trường mới, con gái buộc phải mặc áo dài thứ hai và thứ bảy mỗi tuần. Trong khi đợi đồng phục, tôi được mặc tạm áo dài cưới của bố mẹ. Vì cao hơn mẹ nên tôi mặc hơi cộc, xắn tay áo trông còn ngộ hơn.

“Nhưng áo cưới kỉ niệm của mẹ… con…”

“Giữ cho cẩn thận đấy cháu gái. Bà mua nó tận trong Huế tặng con dâu đó!”

“Dạ!”

Đã quá nặng để cho tôi theo đủ học phí trường dân lập nên chiếc áo dài quan trọng như thế gia đình cũng để tôi mặc. Kể cả việc sinh em bé, mẹ không chịu chỉ vì muốn nuôi tôi lên người. Tôi cần cố gắng thật nhiều để không phụ lòng ông bà cha mẹ.

Trước khi đi học, tôi còn ôm chặt ông một hồi, ông vẫn mê phim kiếm hiệp nên bố mua mấy đĩa phim DVD cho ông xem.

Vẫn là bộ phim Anh Hùng ngày xưa ấy, tôi vẫn nhớ có hai nhân vật Lâm Phong và Lâm Vũ,…

“Ông vẫn nhớ phim này à?”

“Ông xem nó để an ủi cháu gái của ông, mấy người khờ khờ, ngây ngây ngô ngô đáng yêu lắm.”

Mặt tôi chưng hửng, thì ra ông và mọi người thích xem vì tìm thấy niềm an ủi cho đứa ngơ ngơ như tôi. Tôi ăn sáng rồi đi học luôn, không thèm nán lại nữa.

*

Cổng trường THPT Hùng Vương mới hùng dũng, oai vệ như cái tên làm sao. Toàn bộ tường bao quanh bởi đá, màu ngà ngà với những đường vân và hai con sư tử đứng chễm chệ hai bên.

Tôi học lớp 11B3, nghe nói lớp này lực học tương đối và toàn con nhà giàu, trừ tôi. Ngoài ra còn có một học sinh khác chuyển từ Hà Nội về, hy vọng nhà bạn ấy không giàu để còn chơi với tôi.

Tôi và giáo viên chủ nhiệm đứng đợi để cùng vào lớp. Và bạn ấy xuất hiện bất thình lình khiến cả hai cô trò giật thót tim, riêng tôi có hơi tiếc vì không phải bạn nữ.

Chúng tôi vừa bước vào lớp đã nhận được sự reo mừng của các bạn trong lớp dành cho bạn nam đi trước. Bạn ấy che hết người đứng sau rồi còn đâu, việc tôi ló mặt ra không được hưởng ứng lắm.

“Kỳ này lớp ta sẽ có hai bạn chuyển vào. Các em có thể giới thiệu tên mình.”

Tôi chần chừ chưa nói, định để cậu ta lên tiếng rồi bắt chước theo.

“Vũ.”

Chớp mắt ba lần tôi mới nhận ra cậu ta chỉ nói đúng một từ, mà chẳng biết đó là họ hay tên. Không thấy động tĩnh gì, cô hướng mắt về người còn lại:

“Em… à… tớ là Chu…n… À… Vũ… Lâm Anh.”

Lần đầu tiên tôi đi học mà bị trùng tên, với bạn con trai làm bài cùng bữa trước. Theo thứ tự ngày sinh, tôi là B, còn bạn ấy là A. Nghe Lâm Anh B dài quá đáng.

“Thực ra ở nhà mình còn có tên là Chun.”

Sau đó là tiếng cười,

Nhạo báng.

Tôi đúng là ngơ ngơ, khi không lại đem khoe cái tên ấy. Cô để tôi ngồi ngay bàn đầu và cậu kia ngồi bàn cuối dãy đối diện.

Bọn con trai lớp cũ của tôi nói, lớp chọn III trường Hùng Vương có tiếng toàn trai xinh gái đẹp. Đặc biệt khối mười một, nếu ai vào được đó thì mặc nhiên coi là đẹp.

Tôi không biết tại sao mình được vào lớp của con nhà giàu. Hôm xem điểm có tra tên của hai bạn cùng phòng, điểm tôi thấp hơn một chút, các bạn đều đủ điều kiện giữ lại học lớp chọn. Tôi nghĩ mình phải được hơn số điểm đó.

VIII.

“Rầm!”

Tôi đang định mở lời chào với bạn ngồi cạnh thì cửa lớp học bị một lực đẩy mạnh vào tường. Một nam sinh mặc áo phanh ngực, tóc cạo hai bên khuệnh khoạng đi vào. Theo sau còn có vài ba người khác ngông nghênh không kém. Tiếng kẹo cao su nhóp nhép trong miệng, tên đi đầu nhả ngay bã kẹo trúng vở tôi.

“Nghe nói có học sinh mới chuyển tới lớp này?”

Còn chưa hết bàng hoàng với bãi cao su trong vở, mấy người họ tìm tôi làm gì chứ? Xưa nay tôi có dám gây sự với ai bao giờ.

“Có đến hai học sinh chuyển tới. Không biết anh muốn tìm ai?”

Chất giọng của một bạn nữ cất lên. Rất nhẹ nhàng như có thể đoán được vẻ đẹp qua âm thanh ấy, tôi ngó xuống cuối lớp rồi lại quay lên.

“Nghe nói nó họ Vũ…”

Cái gì, tìm… tìm tôi á?

“Tên Vũ.”

À, không phải tìm mình, tôi tên Anh mà. Các bạn lớp khác đã kéo đến vây quanh dãy hành lang, họ tò mò chuyện gì nhỉ?

Vũ mà các anh trai tìm kiếm ngồi dưới cuối lớp, cậu ấy đang ngoáy lỗ tai thì phải. Nhưng ngoáy bằng tay sao sạch được? Rồi cậu đứng dậy ra khỏi chỗ với vẻ bất cần, lững thững bước đi qua mấy người.

“Hờm, chú em chưa chào hỏi đã tính chuồn đi đâu vậy?”

“Tè!”

Sự cộc lốc và khiếm nhã khiến mấy người khó chịu, tên đứng sau nạt lớn:

“Mày dám hỗn với bọn tao à?”

“Hỏi gì đáp vậy!”

Vũ bình thản bước. Tên đứng đầu đặt mạnh tay lên bả vai cậu ta:

“Nghe nói mày là dân đàn anh, nhưng về cái trường này thì phép vua thua lệ làng, bọn tao có luật ra mắt!”

Trông Vũ thư sinh như thế làm dân đàn anh thế nào, tôi không tin cho lắm. Cậu ấy ăn mặc chỉnh chu, tóc đen xì, trắng trẻo và điềm tĩnh. Còn mấy trò lễ nghĩa của dân giang hồ, ai muốn gia nhập phải có bước cống nạp, không thì te tua một trận chẳng hề hợp với Vũ. Dù sao tôi không thích mấy chuyện của “giang hồ”, bố mẹ cố gắng cho tôi vào đây học để tránh những thói hư tật xấu, tôi không nên phụ lòng họ.

Nhưng không bận tâm không được, chẳng biết cậu nam sinh nói gì hay làm gì khiến mấy người kia khó chịu ra mặt, đổ thừa cho đứa học sinh mới còn lại.

“Hừm, thế còn đứa nào mới chuyển vào nữa?”

Tôi đoán họ không nói lại được nên chuyển hướng rút.

“Bàn đầu, dãy bên phải, ngoài cùng.” - Cái này ở trường cũ của tôi gọi là chỉ điểm, một “gian thần” trong lớp đã khai ra vị trí ngồi của học sinh mới.

Họ đưa con mắt sát khí nhìn tôi rồi phá lên cười:

“Vào nhầm lớp rồi em gái ơi!”

Tiếp đó là tiếng cười đùa hùa theo của cả bọn con trai và con gái trong lớp. Tôi không nói gì, một phần vì bản tính quá hiền lành, phần vì nói cũng chẳng giải quyết được. Cho qua là thượng sách, động tới dân anh chị chẳng khác nào thọc tay vào ổ kiến lửa.

Ngay sau đó thì trống đánh vào tiết.

*

Lóc cóc rong xe khỏi trường, tôi bịt kín mít tránh nắng cuối hè.

Lại là đám dân anh chị, nhưng lần này đông hơn, cỡ chục người lăm lăm đứng ngoài cổng, cũng có những người hiếu kì dừng lại theo dõi, ngoại trừ con nhỏ Lâm Anh này. Vừa lên xe, tôi chỉ mong mau mau chóng chóng về ăn cơm.

Một cú phanh gấp khiến tôi dừng lại. Có chiếc ô tô con đỗ oai phong giữa cổng trường, theo đó là hai chiếc xe máy không gương, không mũ bảo hiểm, và những người đang cưỡi trên chúng cũng “ngáo” như dân đàn chị.

Tôi nép người để tìm đường về vốn chẳng dễ dàng gì, còn đang lưỡng lự giữa rẽ trái hay phải thì cậu nam sinh cùng lớp vượt qua. Trông cậu ta điềm nhiên ngồi lên xe trước ánh mắt chưng hửng của dân “giang hồ” trường tôi. Chiếc xe lăn bánh, theo đó xe máy chuyển hướng theo, cứ như diễu hành vậy.

Tôi cũng cho con ngựa sắt của mình lăn đi.

*

Điều duy nhất an ủi tôi ở ngôi trường mới đó là việc học. Thầy dạy Lý nói rằng tôi là niềm vui nhỏ nhoi mỗi khi thầy đứng lớp 11B3. Chỉ có tôi làm đầy đủ số bài tập của thầy và cũng chỉ mình tôi trả lời những câu hỏi thầy đặt ra. Chắc vì thế cô Oanh chủ nhiệm đặt tôi vào vị trí gần giáo viên.

Sáng nay đến lớp không khí có vẻ là lạ. Mấy bạn nữ vừa soi gương vừa bàn tán to nhỏ. Họ nói về ai đó và khen tấm tắc. Chắc có bộ phim nào mới, tôi lấy sách bỏ vào ngăn bàn rồi đi giặt giẻ lau.

Ngay lúc bước ra cửa lớp thì tôi đâm rầm vào cột điện, à không, cột điện làm sao mọc ngoài cửa lớp được, nhưng cái thứ vừa va vào rắn chẳng kém bê tông.

Khi nhận ra trước mặt là một nam sinh tôi vội vàng bước sang bên. Như biết sẽ được dọn đường cậu ta đứng im và nhìn xuống dưới. Theo lẽ thường, tôi cắm mặt đi tiếp và nghĩ cậu ta cũng thế. Đó là cách coi như không có chuyện gì xảy ra, chữa ngượng cho đôi bên. Vừa đi tôi cảm thấy xót xót trên má, dùng tay quẹt mới biết mình chảy máu, có lẽ đã mắc vào bảng tên trên ngực cậu ta.

“Đứng lại!”

Chắc là gọi mình, tôi quay người.

“Mua giúp hộp phấn!”

“Bạn không nhắc tớ quên mất, lớp mình hết phấn viết rồi!”

Tôi còn nở nụ cười rõ tươi cảm ơn cậu bạn mới vào. Cậu ta không nghe hết câu đã vào lớp.

Tôi mua phấn và urgo trước khi đi giặt giẻ, dán miếng urgo lên má, xong xuôi mới vào lớp, đặt hộp phấn lên bàn giáo viên, tiện lau lại bảng.

“Ăn sáng chưa?”

Là giọng của cậu bạn đó, cậu ta nói khá to nhưng chắc đang hỏi mấy người ngồi cạnh vì có người đáp lại là chưa. Tôi tiếp tục lau mặt bàn giáo viên mới nhận ra cậu ta đang nhìn mình, một số bạn trong lớp cũng nhìn tôi chằm chằm như thể câu hỏi lúc rồi còn đợi người trả lời.

Nhưng không đời nào có chuyện đâm sầm vào người khác lại được mời đi ăn nên tôi không nói gì. Nhỡ người ta không hỏi mình đáp lại quê chết đi. Hơn nữa trong cái lớp này có mấy người muốn nói chuyện với tôi.

“Ăn sáng chưa?”

Lần này tôi quyết định quay lại xem thế nào. Giọng cậu ta có vẻ bực mình.

“Bạn hỏi tớ à? Tớ ăn từ nhà rồi.”

“Cầm lấy phấn và ăn!” - Câu trên và câu dưới chẳng liên quan.

“Bạn vừa nói gì cơ?”

Tôi có nghe lầm không vậy, cậu này bị lậm phim ảnh rồi.

“Bạn đã làm bẩn quần của Vũ.”

Bạn nữ gần nhất nói thế. Cái giẻ lau dính đầy bụi phấn trong tay tôi đã chạm vào người của cậu ta trong cú va chạm.

“Vì thế mà tớ phải ăn phấn?”

Cậu ta không trả lời. Tôi xoay người trở lại và cho rằng trò đùa đã kết thúc.

“Ba!”

Nói gì vậy?

“Hai!”

Hình như là đếm ngược nhưng tôi không ăn thì làm gì được chứ. Cậu này đúng là hết trò để nghịch, mà sao giỏi thế nhỉ, mới học cùng đã biết tôi ngơ ngơ để chọn người bắt nạt.

Chưa để Vũ tiến về zero thì trống đánh, giáo viên vào lớp. Tiết Lý, thầy cưng tôi lắm. Đúng là môn khoái khẩu, tôi học say sưa mà chẳng để ý tới thời gian gì sất, giờ ra chơi thầy còn cho thêm bài tập để làm, tôi cứ cắm cúi làm thôi.

“Một!”

Hộp phấn bị dốc ngược đổ xuống quyển vở của tôi. Thật là, hôm qua bị dính bã kẹo, hôm nay lại chuyện gì nữa, tôi ngước mắt lên nhìn. Vũ cúi xuống quan sát tôi bằng vẻ mặt đằng đằng sát khí.

“Ăn!”

“Bạn bảo tớ ăn phấn á? Ăn làm sao được chứ? Nếu tớ làm bẩn quần bạn thì cho tớ xin lỗi, tớ cũng bị chảy máu trên má nè!”

Tôi chỉ ngón tay lên vết urgo, bình thường chẳng khoe thương tích làm gì nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại dũng cảm tới thế. Ấy mà đó là sai lầm.

Cậu ta xốc nách tôi lên bằng một bàn tay, kéo lê ra khỏi cửa lớp.

“Bạn định làm gì???”

Tôi cố gắng bám víu vào song cửa nhưng không thể, cậu ta khỏe quá.

Gì kia, cậu ta mang tôi tới bể bơi. À, chắc định thả xuống đó, nhưng tôi nào có biết bơi.

“Vũ, cậu làm gì thế?”

Tôi nghe loáng thoáng tiếng các bạn cùng lớp trước khi âm thanh “tõm” được cất lên.

“Đứa nào có gan thì nhảy xuống!”

Sau tiếng tõm là tiếng cậu ta.

Còn tôi đang ở dưới nước, chới với và ướt nhẹp. Nước tràn vào cổ họng, tai, lỗ mũi khiến tôi khó thở, đưa tay vùng vẫy.

Bình tĩnh nào, nếu không có ai cứu thì phải tự mình đứng lên, bể bơi trường học không thể ngập đầu được. Vậy mà mãi sau này khi bị ném xuống nước lần nữa tôi mới biết đây là bể bơi dành cho bọn con trai và chỗ này sâu nhất. Vì thế tôi cố gắng đập nước càng mạnh càng tốt, không ngờ rằng càng làm thế càng bị nước điều khiển.

Nhưng tôi nghĩ mình không thể chết, tôi còn chưa gặp lại những người bạn thơ ấu.

Đúng vậy, một người nào đó đã cứu và đưa tôi lên bờ, ấn chặt lồng ngực cho nước trong bụng đi ra. Trong trường hợp nước chưa ra được phải hô hấp nhân tạo. Tôi bật dậy ngay lập tức khi nghĩ đến chuyện đó.

“May quá bạn không sao! Cậu ta quá đáng hết sức!”

Dù rất mệt nhưng tôi đã nhận ra khuôn mặt của vị anh hùng. Là một bạn nữ mang tên Diệp Lệ Quyên. Vì tôi mà bộ đồng phục của bạn ấy ướt sũng, nước chảy tong tong trên người hai đứa.

“Cảm… ơn… bạn… nhiều… lắm!”

“Cậu kia đứng lại!” - Lệ Quyên nói lớn, đồng thời siết lấy cổ tay tôi, kéo đi.

“Đi theo tôi!”

Tôi bị Lệ Quyên kéo lại gần Vũ.

“Tôi nghĩ cần có lời xin lỗi.” - Quyên ngước lên nhìn Vũ rồi quay sang nhìn tôi.

“Hả? Gì cơ? Tớ phải xin lỗi cậu ta ư?”

“Đó là cái giá phải trả khi chạm vào người tao!”

Sau đó hai người nói qua nói lại. Tai tôi lùng bùng nước nên chả nghe rõ. Chỉ biết rằng cô bạn tốt bụng muốn Vũ phải xin lỗi tôi. Cô ấy quả thật dũng cảm, trong khi chỉ cần nhìn vào mắt cậu ta tôi đã sợ xanh mặt huống chi đòi công lý.

Vũ có đám đàn em hộ tống tới trường, lại “hiên ngang” quẳng bạn học xuống nước không là dân anh chị thì còn là cái gì được. Dù ấm ức nhưng tôi chọn cách nuốt vào lòng để dạ dày tiêu hoá giúp.

Lần thứ hai tôi trốn học, nhưng là lên sân thượng cùng một đứa con gái. Quyên nói chờ khi nào tóc khô thì xuống, còn đồng phục đã mượn giúp tôi.

“Bạn… dễ thương quá!”

Hơ hơ, chẳng biết mình học từ đâu câu này, nhưng nó thay lời cảm ơn chân thành nhất của tôi.

“Bạn mới vào chưa hòa đồng được với tập thể cũng đừng buồn, có gì cứ hỏi tôi.”

Trời ơi, tôi muốn la lên rằng tôi rất hạnh phúc, mười bảy tuổi đầu giờ mới tìm được người không có hứng bắt nạt mình, thậm chí còn bảo vệ tôi nữa. Tôi gật đầu cái rụp.

Vừa vào lớp, đặt được cái mông xuống ghế, chẳng có ai hỏi thăm tôi trong khi Quyên được các bạn nam hỏi han đủ thứ: cậu có lạnh không?, có vị đau họng không?, ngồi chỗ mình cho khô tóc... Nhưng khi Vũ bước vào thì cả lớp im re. Phải thôi, bởi chẳng ai muốn bị như tôi cả.

*

Tôi chóng mặt, rát họng từ sáng tới giờ chưa khỏi. Cố nốt tiết sinh hoạt là được về. Nghĩ vậy nên tôi sửa soạn sách vở bỏ vào ba lô, ôm trước bụng.

Trong giờ sinh hoạt cô giáo phổ biến đủ các thứ, nhưng cô có nói mòn lưỡi thì ngoại trừ tôi chả có ai chấp hành cả. Tôi nghe câu được câu mất, chỉ chực giờ về.

“Bạn nào có ý kiến gì không?”

Hy vọng là không để cô cho về sớm, tôi mệt muốn xỉu rồi.

“Em muốn ngồi cạnh bạn Vũ Lâm Anh B!”

Cái tên nghe quen quá chừng, hình như là tên tôi thì phải, chả có nhẽ ngoài Lệ Quyên còn có người quý mến tôi.

Đang lơ ngơ tìm bạn nào dành tình cảm đặc biệt cho mình thì cả lớp nhìn tôi vẻ rất nghiêm trọng.


» Next trang 2

Doc truyen online mien phi moi nhat hay nhat - KenhTruyen.Hexat.Com

Copyright © 2018 KenhTruyen.Hexat.Com - All rights reserved.
Wapsite Đọc Truyện online được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.
Được phát triển bởi Trái Tim Băng™ và tất cả các thành viên.